Khi tôi còn nhỏ, thỉnh thoảng tôi có nghe mẹ tôi nói tới câu “ngàn năm một thuở…” tôi không bao giờ để ý là nó có nghĩa gì và mẹ tôi muốn nói gì khi bà nói câu này cho tới ngày hôm nay…
ba mươi tháng tư năm một ngàn chín trăm bảy lăm.. Nó là một ngày đẹp trời, trời trong và xanh mặc dù ngoài đường phố thì vắng lặng vì có hạn giới nghiêm cho cả thành phố Sài Gòn . Tôi vừa được 16 tuổi vài tháng thôi, tôi được mẹ tôi gọi là thằng cu ngốc nghếch, gà tồ mặc dù tôi không biết gà tồ là như thế nào, nhưng tôi biết tôi chẳng thích để ý hoặc đòi hỏi nhiều cho đời sống học sinh của tôi cả . Tôi chỉ biết đi học, chơi thể thao, và nhìn đời một cách bình thản, chẳng có gì đặc biệt.
Trong nhà, mọi người có vẻ lo lắng và bận rộn lắm, tôi nghĩ gia đình tôi sắp đi xa. Bố tôi đi qua đi lại cạnh cái điện thoại… nó kêu, bố gọi, tới tấp. Mọi người ở dưới nhà, ngồi ngoài phòng khách có vẻ thấp thỏm, không biết làm gì, sẽ làm gì, nhìn nhau cũng chẳng biết nói gì. Không khí có vẻ nặng nề lắm.
Tôi leo lên sân thượng, nơi tôi dùng để trốn mọi người, thả diều, hoặc hít thở một vài hơi thuốc lá mà tôi đã ăn trộm của chú Lê mỗi lần chú tới nhà chơi. Bố tôi có hút thuốc, nhưng người hút píp chứ không phải là thuốc điếu như chú Lê nhà ta. Trên sân thượng, tôi cũng không thấy gì là đặc biệt như Tết Mậu Thân lâu rồi, tôi không nghe tiếng súng hoặc khói lửa bốc cháy ở đâu cả, thật là yên lặng. Xa xa, có một vài chiếc trực thăng bay vòng vòng nhưng tôi không thấy nó bắn rocket xuống đâu cả . Trời thiệt xanh và đẹp.Tôi nghe tiếng mẹ tôi gọi dưới nhà một cách hối hả, tôi leo vội xuống nhà, mọi người đã sửa xoạn để đi đâu đó.
Tôi thấy bà nội tôi ngồi trên sa lông, xụt xịt, mọi người ngồi bên cạnh bà một cách thắc mắc, lo lắng buồn bã . Tôi thường gọi đùa bà tôi và mẹ tôi là bà Mỹ và mẹ Mỹ vì bố tôi hay đi Mỹ. Bà Mỹ của tôi đang buồn vì sắp sửa bị chia lìa với những đứa cháu ruột thịt mà không biết sẽ có ngày gặp lại . Tôi cũng cảm thấy súc động vì tôi sẽ không được đọc chuyện Kiều cho bà mỗi tối, để bà dúi vào túi tôi vài đồng cho công tôi đọc chuyện . Bà tôi không biết đọc . Tôi thấy cô T. ngồi không nói gì cả, tôi tưởng cả nhà đều được đi hết. Nhưng đi đâu? Đi Mỹ thiệt à, tôi nghĩ . Tại sao bà tôi phải ở lại, sau này tôi mới biết là vì cô T. không muốn đi vì một ông bạn vớ vẩn nào đó . Đối với tôi, cái gì cũng vớ vẩn nếu nó làm cho gia đình lộn xộn, buồn bực . Bà tôi ở lại vì đứa con gái độc nhất. Bố tôi thì chẳng nói gì, mẹ tôi cũng không ý kiến, anh chị tôi thì cũng chẳng dám lên tiếng vì ai cũng nể và sợ cô T. Tôi chỉ biết ôm bà tôi mà thôi, nói ra, tôi đúng là ngu muội và nhất là cô tôi . Tôi giận cô T. lắm nhưng nào biết làm gì.
Ngàn năm một thuở … Thiệt ra bố tôi đang chờ sở ông gọi ra phi trường để được đón đi, nhưng không thấy ai gọi cả . Chị tôi học đại học thì lại quen với anh bạn bên cạnh nhà cũng học đại học, hai người không phải bồ bịch gì, nhưng bố anh ta làm cho hãng ngoại quốc nào đó, có quen với ông hạm trưởng của hạm đội VN và ông ta cho biết rằng cả đại đội hải quân sẽ rời Sài Gòn ở bến Bạch Đằng . Ông cạnh nhà thì biết nói tiếng Pháp, không biết gì về Mỹ cả, bố tôi thì đi Mỹ, Pháp nhiều, biết cả hai thứ tiếng, ông ta muốn bố tôi đi chung để giúp đỡ lẫn nhau trên đất lạ xa nhà . Bố tôi nghĩ dịp may này cũng là dịp may muôn thuở vì chờ Mỹ gọi ra phi trường thì tới khi nào Cô tôi nhất định không đi, tôi có nghe ai nói là cô tôi dại trai nhưng tôi không biết chuyện trai gái phức tạp như thế nào nhưng tôi chỉ biết nó làm bà nội tôi phải ở nhà một mình mà thôi . Tôi chẳng đem gì ngoài cái tv nhỏ mà bố tôi mua từ Mỹ về . Đôi giầy mới mũi tròn kiểu cách cũng quên . Tôi ôm bà tôi, mùi trầu vẫn còn đó lẫn lộn với những giọt nước mắt thương yêu của bà, bà Mỹ ơi, đi với con đi bà, ai cũng đi hết mà . Bà tôi không nói gì chỉ khóc mà thôi. Bố tôi thúc dục, mọi người lên xe đi ra bến Bạch Đằng với gia đình bên cạnh . Hai xe hơi từ từ đi ra con đường nhỏ và sẽ mong rằng không bao giờ trở lại.
Ngàn năm một thuở… Giữa ngõ, một chiếc xe honda có hai người lái vào, chú Lê và Bác Sĩ Q., người đang thích bà chị Trưng Vương nhà tôi… Bố tôi hỏi chú tôi tính làm gì, có muốn đi chung hay không, thế là chú Lê và anh Q. cũng lên đường đi chung với gia đình . Tôi cảm thấy ấm lòng và yên chí với mọi người thân chung quanh tôi, dù tôi không biết chiều nay sẽ đi đâu và như thế nào .Chú Lê và Bố đều có thẻ đi giờ giới nghiêm thì phải, không ai làm phiền chúng tôi trên cuộc hành trình này.
Khi xe bố tôi đi tới cầu Trương Minh Giảng, nhìn vào ngõ Đại Học Vạn Hạnh, tôi chợt nghĩ tới thằng bạn học cùng lớp của tôi, tôi muốn nói bố tôi ngừng lại để tôi chạy vào ngõ nhà nó, nói cho nó biết là có đường đi Mỹ vì nó cố học hành giỏi để được học bổng đi Mỹ, nhưng trong gia đình Việt Nam, trong lúc mọi người đang hoảng hốt chạy nạn, tôi chợt nghĩ tôi không được phép đòi hỏi . Khi xe lên cầu, tôi ngoái đầu nhìn vào ngõ và mong rằng gia đình nó cũng biết đường đi như gia đình tôi.
Đoàn xe chúng tôi đến Bạch Đằng một cách bình yên và lẹ làng . Ai cũng hoan mang không biết đi về phía nào, mọi người tay sách, nách mang đủ thứ đồ, chỉ có chú Lê và anh Q. là trên răng, dưới là giầy mà thôi . Tới một cái cổng vào Hải Quân trường, người gác cổng không cho ai vào cả mặc dù tên của hạm trưởng được nhắc tới, nhắc lui nhiều lần… Hai gia đình đều thất vọng và lo âu…
Ngàn năm một thuở …Du Tử Lê và anh Q. đã tới sau khi đi về nhà báo cho vợ chú Lê (cô Nguyễn Ngọc Ngạn) biết là chú Lê rời VN. Cô NNN là gốc Tây nên cô ta sẽ đi sau. Người gác cổng lại quen thân với chú Lê và mọi người được vào một cách dễ dàng, trong lúc lôi thôi, lếch thếch mang đồ vào thì tôi thấy một anh chàng trẻ quăng chiếc Honda, chạy vội tới đám chúng tôi, xin xách dùm một cái sách cho con em của tôi để được đi vào chung . Mẹ tôi cũng không nói gì … Giúp được ai thì tốt, có sao đâu . Anh chàng ta mừng rỡ vô cùng … biến vội vào đám đông đã chờ sẵn để được phép lên tầu chiến hạm .Trời đã tờ mờ tối, cả trăm, ngàn người đứng ngồi, sốt sắn, lo âu, chờ đợi để được lên những chiếc chiến hạm to lớn, đầy súng đạn, an toàn ra khơi … Tôi quay lại, nhìn lại cái cổng lúc nãy, cả trăm người đang xin vào, người gác cổng vẫn không cho ai vào, tay cầm súng M16 hùng dũng nên không ai dám hó hé, bạo động gì cả…
Ngàn năm một thuở hay dịp may muôn thuở, mọi người hôm nay đã có dịp chứng kiến và thực hiện, ngay cả cô T. tôi. Chỉ có bà tôi là không bao giờ có dịp để thực hiện được những gì người muốn ngay cả bà là người khôn khéo, buôn bán nuôi con khi chồng mất sớm, khi dính tới con cháu, bà chỉ nuốt nướt mắt chọn người ngây ngô..
Bài viết của mày đã mang tao trở lại 35 năm. Hay lắm Luân.
X