THƯ ĐI TIN LẠI – KỲ 28
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
Montreal 2010
Chùa Minh Thạnh Pleiku (NN sưu tầm)
263 – Huyền Trang (602-664) không phải là người Trung Quốc đầu tiên sang Thiên Trúc thỉnh kinh . Sử Tàu chép việc vua Minh Đế nhà Đông Hán nằm mơ thấy Phật vào khoảng năm 64 ròi cho phái đoàn sang Thiên Trúc thỉnh kinh và tăng . [Nhà Đông Hán này đã cử Mã Viện sang đánh Hai Bà Trưng năm 43 ].Phái đoàn thỉnh được hai vị tăng người Thiên Trúc- đang hoằng pháp tại nước Nguyệt Chi hay Nguyệt Thị tức là Indo-Scythe – về Trung Quốc . Đó là hai vị Trúc Pháp Lan và Ca-diếp Ma-đằng (Kasyapamatanga).Một con ngựa trắng chở kinh và tượng đến kinh đô Lạc Dương năm 67 . Nơi chứa kinh sau thành chùa Bạch Mã . Người ta nói rằng cuốn kinh đầu tiên được dịch sang chữ Hán là Kinh 42 chương (Tứ thập nhị chương kinh).
264 – Kinh mà đạo hữu hỏi đó là một kinh ngắn và đơn giản tên là Thiện pháp không già . Tóm tắt như sau : Một hôm, vua Ba-tư-nặc (Sanskrit : Prasenajit) hỏi đức Phật rằng :“Ở trên đời này có thứ gì sinh ra mà không già, không chết hay không ?”. Đức Phật trả lời : “Những người quyền quí những người giàu sang, kể cả các tỳ khưu tu đắc quả a-la-hán cũng phải già rồi chết . Có một thứ không già, đó là thiện pháp . Kệ : “Xe vua dù mỹ diệu, Rồi cũng phải hư hoại, Thân thể này cũng vậy, Rồi cũng phải già yếu, Chỉ thiện pháp không già, Bậc thiện nhân nói vậy .”
265 – A-Hàm là tên một bộ kinh lớn gồm bốn bộ nhỏ dịch từ chữ Sanskrit sang chữ Hán, một số ít đã được dịch ra tiếng Việt :
1/ Trường A-Hàm (Dirghagama)
2/ Trung A-Hàm (Madhyamagama)
3/ Tạp A-Hàm (Samyuktagama)
4/ Tăng Nhất A-Hàm (Ekottaragama)
Tương đương với A-Hàm là năm bộ kinh chữ pali sau đây :
1/Trường Bộ Kinh (Dighanikaya)
2/ Trung Bộ kinh (Majjhimanikaya)
3/ Tương Ưng Bộ kinh (Samyuttanikaya)
4/ Tăng Chi Bộ kinh (Anguttaranikaya)
5/ Tiểu Bộ kinh (Khuddakanikaya)
Trừ bộ thứ năm, bốn bộ trên đã được dịch ra tiếng Việt .
(theo tài liệu Từ Điển Phật học Việt Nam).
266 – Chữ tỳ-kheo, tỳ-khưu do chữ Phạn bhiksu và chữ pali bhikku phiên âm ra, nghĩa gốc là khất sĩ (người đi xin : xin thực phẩm để sống, xin pháp để tu hành) sau nghĩa rộng ra là nhà tu Phật giáo . Nay coi như đồng nghĩa với sa-môn .
267 – Chữ Brahma có hai nghĩa, một của đạo Bà-la-môn, một của Phật giáo . Theo đạo Bà-la-môn thì Brahma là vị thần tối cao và sáng tạo ra muôn loài . Theo Phật giáo thì Brahma là một loài trời (deva), một chúng sinh có sinh tử luân hồi, sống ở cõi trời Sắc giới, thọ mạng rất lâu dài, sắc thân đẹp đẽ, không có lòng dục . Brahma, Phật giáo dịch là Phạm Thiên, sống cuộc đời trong sạch, cho nên tính-tự “phạm” được dùng để chỉ những gì trong sạch, thanh tịnh, thí dụ : phạm hạnh (đức hạnh trong sạch, không dâm dục), phạm chúng (tăng chúng giữ giới,không dâm dục), phạm chí (người Bà-la-môn sống thanh tinh, không dâm dục), phạm bổn hay phạm điển (kinh sách Phật viết bằng Sanskrit), phạm đạo (con đường tu thanh tịnh, tránh dâm dục).Phạm thân (đồng nghĩa với Phật thân, Pháp thân), Phạm âm (tiếng nói, giọng nói của Phật)…
Chữ Sanskrit là cổ ngữ tôn giáo ở Ấn Độ, gọi là chữ Phạm hay Phạn, các kinh Đại thừa đều chép bằng Sanskrit . [Theo Từ Điển Phật học Việt Nam] .
Phạm thiên vương là vua cõi trời Phạm thiên [có bốn cõi trời sơ-thiền thuộc Sắc giới :1/ Trời Phạm thân thiên (Brahmakaya). 2/ Trời Phạm chúng thiên (Brahmaparsadya). 3/Trời Phạm phụ thiên (Brahmapurohita). 4/ Trời Đại phạm thiên (Mahabrahma) ].
268 – Ngài Ca-Diếp tu hạnh đầu đà . Vua Trần Nhân Tông khi bỏ ngôi đi tu cũng tu hạnh đầu đà . Đó là mười phép tu khổ hạnh (có nơi kể tới 12) : 1/Ở nơi xa vắng, yên lặng . 2’ Khất thực . 3/ Chỉ ăn một bữa trưa . 4/ Khi khất thực, không phân biệt nhà sang, hèn . 5/ Chỉ dùng ba bộ áo . 6/ Ngồi dưới gốc cây . 7/ Ngồi nơi đồng trống, yên lặng . 8/ Áo nhiều mảnh rách khâu lại . 9/ Ở nơi có mồ mả . 10/ Ngồi, không nằm .
269 – Cúng dường do chữ cung dưỡng Cung (cung cấp) dưỡng (nuôi dưỡng). Cúng dường (hay cúng dàng) là biếu một thứ gì cho nhà tu một cách cung kính . Tứ sự cúng dàng gồm có : thức ăn, quần áo, giường nằm, thuốc men . .
270 – Vimalakirti là tên người . Vimala nghĩa là thanh tịnh, kirti nghĩa là danh, tên gọi .
Vimilakirti dịch là Tịnh Danh, Vô Cấu Xưng, phiên âm là Duy-ma-cật . Ông là một người giàu có, đệ tử tại gia của Phật, tầm hiểu biết rất rộng, luận về đạo lý rất thông, biện tài ngang với ngài Văn Thù . Kinh Duy-ma-cật là một kinh nổi tiếng trong đó ngài Duy-ma-cật biện luận với các đại bồ tát về giáo lý, làm sáng tỏ nhiều điểm của Đại thừa, đặc biệt nhất là phần vấn đáp giữa ngài và ngài Văn Thù . Kinh có 3 quyển, 14 phẩm,, do ngài Cưu-ma-la-thập dịch ra chữ Hán đầu thế kỷ thứ V . Kinh cũng có mở đầu bằng câu : “Tôi nghe như vầy” của ngài A-Nan . Tuy vây, người ta bảo rằng kinh này được viết ra khoảng thế kỷ thứ I sau Tây lịch (coi The seeker’s Glossary of Buddhism, mục Vimalakirti).
271 – Tên kinh Lăng Nghiêm (Surangama-Sutra, Leng-Yen Ching) là do tên kinh “Đại Phật đảnh Như Lai mật nhân tu chứng liễu nghĩa chư Bồ tát vạn hạnh Thủ Lăng Nghiêm kinh”, nói ngắn lại . Ngài Paramartha người Thiên Trúc mang sang Trung Quốc vào khoảng năm 711, dịch sang chữ Hán hết hai năm, nhưng vì không xin phép vua Đường bấy giờ nên Paramartha bị trục xuất, mang cả bản dịch về nước . Sau, không biết do cách nào mà vào Trung Quốc được . Kinh này rất có ảnh hưởng trong việc truyền bá tư tưởng Đại thừa vào Trung Quốc . Kinh dạy về phép Tam muội (cảnh thiền thật cao) rốt ráo và kiên cố của Phật là phép Thủ Lăng Nghiêm Tam muội . Ai thọ trì kinh Lăng Nghiêm và an trụ nơi phép Thủ Lăng Nghiêm Tam muội thì đắc cái Chân tâm, cái Phật tánh và thành Phật (theo Từ điển Đoàn Trung Còn ). Người mới học thì thích nhất phần đầu của quyển kinh, khi Phật bảy lần nói về cái tâm cho ông A-Nan nghe .
272 – Kinh Hoa Nghiêm (Avatamsaka Sutra, Hua-Yen Ching, Flower Adornment Sutra, Flower Garland Scripture) được coi là kinh hết sức cao của đạo Phật, do Phật thuyết cho các Bồ tát và chư thiên nghe khi ngài vừa mới thành Phật dưới gốc cây Bồ đề . Theo truyền thuyết thì kinh bị thất lạc và mãi về sau, ngài Long Thọ mới tìm thấy ở Long cung . Phần lớn bản chữ Phạn không còn nữa nhưng bản chữ Hán còn nguyên vẹn (có tới ba bản dịch). Ngày nay có ít ra là ba bản dịch sang tiếng Anh . Tông Hoa Nghiêm chỉ dùng một quyển kinh này mà thôi . Có thể nói rằng Kinh này là kinh dài nhất trong các kinh . Kinh chỉ nói về Giác Ngộ . Giác Ngộ ở đây nghĩa là hiểu thấu lẽ Không, nhờ đó mà nắm được thế nào là sự sự vô ngại pháp giới . Kinh cũng nhấn mạnh đến lý trùng trùng duyên khởi, với thí dụ nổi tiếng là lưới hạt châu của vua Đế Thích (Indra’s net . Net of Indra . Brahma net ). Trên cung trời Đế Thích có một cái lưới với vô số hạt châu, hạt này chiếu sáng vào hạt kia, cứ thế lan ra vô cùng, mỗi cái nhận bao nhiêu ánh sáng của bao nhiêu cái khác, ý nói rằng sự sự vật vật trên thế gian liên hệ với nhau chằng chằng chịt chịt .
(còn tiếp)
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
Montreal 2010
……………………………………………………………..
BƯỚC VÀO CỬA PHẬT – Quyển 3
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú- Montreal 2010
Bài ôn tập – 16. PHÁT TÂM BỒ-ĐỀ
1. Để vào đề, xin trích một đoạn trong bản Văn Khuyến Phát Bồ-Đề Tâm, của đại sư Tỉnh Am, húy Thật Hiền, (ngài Tỉnh Am là tổ thứ 9 của Liên Tông Trung Quốc): “Tôi từng nghe, cửa chính yếu để nhập đạo thì sự phát tâm đứng đầu, việc khẩn cấp để tu hành thì sự lập nguyện đứng trước. Nguyện lập thì chúng sinh độ nổi, tâm phát thì Phật đạo thành được. Cái tâm quảng đại không phát, cái nguyện kiên cố chẳng lập, thì dẫu trải qua đời kiếp nhiều như cát bụi, cũng y nhiên vẫn ở trong phạm vi luân hồi. Tu hành dẫu có, cũng toàn là lao nhọc, khổ sở một cách vô ích. Do đó mà kinh Hoa Nghiêm đã nói, quên mất tâm bồ đề mà tu hành các thiện pháp thì gọi là hành động theo ma vương. Quên mất còn thế, huống chi chưa phát. Nếu muốn học Như Lai thừa thì trước phải phát bồ-đề nguyện, không thể chậm trễ”. (1)
2. Trước hết, xin nói về chữ bồ-đề. Bồ-đề do chữ pali và sanskrit bodhi phiên âm ra. Xưa dịch là Đạo. Sau dịch là Giác.
Khi Đạo sĩ Gotama chứng đắc bồ-đề thì Ngài thốt lên: “Như Lai đã chứng nghiệm Quả Vô Sinh Bất Diệt và Như Lai đã tận diệt mọi Ái Dục”. (kinh Pháp Cú, câu 153-154)
Nên nhớ rằng: Trước khi thành đạt đạo quả Phật, Ngài được gọi là Bồ-tát (Bồ-đề-tát-đỏa nói tắt) nghĩa là người có nguyện vọng thành Phật. Người muốn đắc quả Phật, phải trải qua thời kỳ Bồ-tát, một thời kỳ tích cực trau giồi và phát triển mười hạnh ba-la-mật. Trong một hệ thống thế gian, chỉ có một đấng Chánh Biến Tri. Cũng như có những loại cây, trọn đời chỉ trổ ra một bông, một hệ thống thế gian chỉ có một đấng Chánh Biến Tri (2).
Nếu có ai hỏi rằng “Bồ-tát giác ngộ những điều gì?” thì câu trả lời là: Nói chung, giác ngộ là chứng thực được Chân Lý, Chân Lý của vũ trụ, Chân Lý của nhân sinh. “Chân Lý thực sự không thể giảng dạy, mà mỗi người phải chứng nghiệm bằng bản thân, bằng nỗ lực và thất bại của chính mình qua nhiều thử thách cam go. Người đã giác ngộ chỉ có thể kể lại đoạn đường gian khổ đã đi qua, nhưng không thể diễn đạt được cái cứu cánh hạnh phúc họ đã đạt đến. Cũng như người đã đứng trên ngọn núi cao chót vót chỉ có thể mô tả con đường, ngõ ngách leo núi, nhưng không thể nào mô tả được cảm giác khi họ đang đứng ở trên cao kia, cùng với những quang cảnh trên đỉnh núi. Muốn biết tường tận như họ, chúng ta chỉ có thể nỗ lực leo núi như họ đã làm, không có cách nào khác.” (3)
[Sau khi đức Phật thành đạo dưới gốc cây tất-bát-la (pippala) thì cây đó được gọi là cây bồ-đề. Có rất nhiều tài liệu về việc này (4)].
3. Bồ-đề nghĩa là giác ngộ; bồ-đề trái nghĩa với phiền não, mê mờ, vô minh. Diệt tận phiền não thì đắc bồ-đề. Nói ngắn nhất: ai ai cũng có sẵn bồ-đề, nhưng bị phiền não che lấp, diệt hết phiền não thì bồ-đề hiện ra. Câu “phiền não tức bồ-đề” có nghĩa là phiền não và bồ-đề chỉ cách nhau có một sợi tóc, hết phiền não là có ngay bồ-đề!
Lúc đầu thì danh từ bồ-đề liên hệ đến bốn thánh đạo của các bậc nhập lưu, nhất lai, bất hoàn, la hán; các quả vị này đạt được do thành tựu viên mãn 37 phẩm trợ đạo (hay trợ bồ đề), do đoạn diệt vô minh vì Tứ diệu đế đã được viên thành.
Quan niệm của Nhất thiết hữu bộ cũng không khác: đắc bồ-đề là “không còn phải học nữa”, thực hiện xong hoàn toàn Tứ diệu đế, vô minh đã bị xóa tan và 37 phẩm trợ đạo đã hoàn mãn.
Theo Nam tông, bồ-đề nghĩa là thấu đáo và chứng đắc Tứ diệu đế, mà điểm tột đỉnh là chấm dứt khổ đau. Bồ-đề của các vị Thanh văn, Độc giác và Phật là ba thứ bậc khác nhau. Chỉ có chư Phật mới là Đại Giác hay là Toàn Giác còn các vị Thanh văn và Độc giác vẫn chưa có đủ thập lực của chư Phật (5).
Theo Đại thừa tức là Bắc tông thì bồ-đề được hiểu như là trình độ giác ngộ được rằng niết-bàn và sinh tử là một, chủ thể và khách thể là một, chứng đắc trí tuệ bát-nhã, ngộ được Phật tính của mình và tính không của vạn pháp, hoàn toàn giác ngộ tính “như thị” (6).
Theo Đại thừa, có ba thứ bồ-đề: bồ-đề của la-hán (giác ngộ cho mình), của bồ tát (giác ngộ cho mình và cho người) và vô thượng bồ-đề của Phật (đây mới đích thực là bồ-đề trọn vẹn). Bồ-đề của hàng nhị thừa tức thanh văn và duyên giác chỉ mới đoạn diệt được ngã chấp, còn như vô thượng bồ-đề thì đoạn diệt cả ngã chấp và pháp chấp. Cách hiểu này rõ ràng là coi nhẹ Tiểu thừa!
Theo kinh Pháp Hoa thì Niết-bàn của hàng nhị thừa mới chỉ là hóa thành, là chỗ nghỉ chân tạm thời mà thôi, bồ-đề này chưa rốt ráo, chưa được coi là bồ-đề trọn vẹn bởi vì chỉ khi nào đạt đến nhị không (ngã, pháp đều không) nhờ trí bát-nhã mới gọi là giác ngộ hoàn toàn được vậy. [kinh Pháp Hoa, quyển III, phẩm Hóa Thành Dụ]. Đó chỉ là những cách hiểu của Đại thừa thôi! Vì theo Tiểu thừa, kinh Pháp Hoa không do đức Phật thuyết, mà do các tác giả Đại thừa ngụy tạo ra! Hơn nữa, chính đức Phật đã dạy vạn pháp vô ngã mà lại còn chia ra ngã không, pháp không làm gì.
4. Bồ-đề tâm hay tâm bồ-đề là tâm cầu giác ngộ, nguyện thành Phật. Khi phát nguyện “Phật trí vô thượng, thệ nguyện thành” chính là phát nguyện cầu tâm bồ-đề. Năng lực của mình thì thật là ít ỏi mà khổ đau của chúng sinh thì quá lớn, quá nhiều cho nên muốn độ chúng sinh (chúng sinh vô biên, thệ nguyện độ) thì chính mình phải tu cho thành Phật; phát tâm tu thành Phật chính là phát tâm bồ-đề vậy.
■ Một việc làm tự nguyện có bốn đặc tính:
1/ nó phải phát xuất từ tâm mình muốn làm, không phải do ai bắt làm hay do hoàn cảnh thúc đẩy mà phải làm, tức là tâm phải thành thật, trong sáng.
2/ một khi mà việc đã tiến hành rồi thì không ngại khó khăn, vinh nhục, không sợ thiên hạ đàm tiếu,
3/ hậu quả ra sao, thì vẫn kiên nhẫn chịu đựng,
4/ kết quả dù mau hay chậm cũng không thành vấn đề, không sốt ruột.
[Đây là nói về việc tự nguyện phát tâm bồ-đề; còn như trong đời sống hàng ngày thì phải uyển chuyển hơn, thí dụ như khi điều khiển một xí nghiệp, có quyết định rồi thì cương quyết thi hành nhưng khi nhận thấy rõ khuyết điểm thì phải đặt vấn đề điều chỉnh].
■ Có bốn bậc bồ- đề tâm từ thấp đến cao tùy theo đẳng cấp của bồ -tát:
1/ bồ-đề tâm do lòng tin vào Phật pháp.
2/ bồ-đề tâm do ý nguyện trong sáng của các bồ-tát từ địa thứ nhất đến địa thứ bảy.
3/ bồ-đề tâm chín mùi của các bồ-tát từ địa thứ tám đến địa thứ mười.
4/ bồ-đề tâm vô thượng của chư Phật với lòng từ bi và trí tuệ vô biên. (7)
■ Tâm bồ-đề có hai phương diện: tương đối và tuyệt đối.
♦ Phương diện tương đối gồm hai giai đoạn:
1/ ý định và ý nguyện, được nung đúc bởi lòng từ bi vô hạn, đạt được giải thoát tức là đắc Niết Bàn, để mưu cầu hạnh phúc cho hết thảy chúng sinh, nghĩa là “trên cầu vô thượng bồ-đề, dưới hóa độ chúng sinh”, đó là tâm nguyện bồ-đề. Để phát triển nguyện bồ-đề, phải thực hành tứ vô lượng tâm tức là từ bi hỷ xả. Hai đại sư Shāntideva và Atīsha thường được Mật tông Tây tạng nói đến rất nhiều vì các ngài đề ra các phương cách để thực hành tứ vô lượng tâm (8).
2/ thực hành tu tập và thiền quán nhằm mục đích nắm bắt được phương tiện thực hiện nguyện ước nói trên. Đó là tâm hạnh bồ-đề. Hành giả tu lục độ hay thập độ ba-la-mật.
Nói thí dụ cho dễ hiểu, hai giai đoạn đó là: có ý muốn đi hành hương xứ Phật và cất bước lên đường đi hành hương là hai giai đoạn.
Trong mọi tình huống, điểm quan trọng nhất là tâm nguyện và tâm hạnh không phải chỉ nhắm vào mình hay người thân của mình mà phải nhắm vào lợi ích của chúng sinh. Hơn nữa, phải tu học và thiền định, chuẩn bị bước lên cao, dần dần vào bước tuyệt đối.
♦ Phương diện thứ nhì mang tính cách tuyệt đối: đó là hướng về giác ngộ của chư bồ tát. Đó là đạt được cái nhìn “như thị”, tức là đạt được ngã không và pháp không, đồng thời nhận rõ được Phật tính hiện hữu nơi mỗi chúng sinh.
■ Bồ-đề tâm có ba đức là trí đức, đoạn đức và ân đức:
1/ trí đức là hết mê lầm, hết điên đảo, thấm nhuần sâu xa các lý căn bản của đạo pháp: vô thường, khổ, vô ngã, không.
2/ đoạn đức là dứt sạch phiền não, tham sân si, mạn, nghi, ác kiến, nói chung dứt mọi thứ trói buộc chúng sinh trong khổ đau, sinh tử luân hồi.
3/ ân đức là làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh, “chúng sinh vô biên, thệ nguyện độ” không chỉ đơn thuần là một ước nguyện mà là một bổn phận phải thực hành mỗi lúc, mỗi ngày.
■ Nhà sư Tây Tạng Geshe Kelsang Gyatso (9) đã viết: “Tâm bồ-đề là tâm tôn quý và cao cả nhất của các bậc đã chứng ngộ”. Ông kể chuyện về đại sư Atìsha là người đã chứng đắc nhiều thần thông và chứng ngộ chân không, thiện xảo về Kinh Điển và Mật điển, mà vẫn xác nhận rằng bồ đề tâm là quý báu hơn cả và xác nhận rằng trong số các vị thày của ông thì ông tôn trọng nhất vị thày Ấn Độ tên là Sherlingpa đã dạy tâm bồ đề cho ông. Mỗi khi nhắc đến vị thày này thì ông khóc mà đảnh lễ.
5. Phát bồ-đề tâm hay phát tâm bồ-đề cần được trình bày làm bốn phần:
1/ Đầu tiên là lập chí (lấy nghĩa ở chữ phát) thệ nguyện (lấy nghĩa ở chữ tâm) mong cầu bồ-đề, (lấy nghĩa ở vô thượng bồ-đề), như vậy phát tâm bồ-đề có nghĩa đơn giản là phát nguyện cầu thành Phật. Đây gọi là thệ nguyện phát.
2/ Phát tâm bồ-đề cần phải có nhiều trợ duyên. Thí dụ như được sinh ở nơi có nhiều dịp gặp Phật pháp. Lại phải gặp được thiện tri thức khuyên bảo quy y Tam Bảo, giảng giải kinh sách, chỉ dẫn đường tu và khuyến khích tinh tấn. Sau đó, hoàn cảnh làm ăn cần được suông sẻ để khỏi bị trói buộc quá về sinh kế. Phải chăm đi chùa, được gần gũi nhiều bạn đạo chân thành, chung ý hướng. Lẽ dĩ nhiên điều thứ nhất nói trên đây là chính, mấy điều vừa nói chỉ là trợ duyên. Đây gọi là trợ duyên phát.
3/ Tâm có đặc tính là tri giác, là biết, nhưng nếu biết sai thì là mê hoặc, mà biết đúng thì là giác ngộ. Nói cách khác, tâm có tánh giác ngộ, có tánh bồ đề nhưng bị vô minh tích lũy từ vô thủy che khuất đi, cũng như mặt trời bị mây che khuất vậy. Tu cho đúng để bổn tánh giác ngộ hiện ra, tri giác chuyển thành trí giác (thức chuyển thành trí) tức là bao nhiêu điều biết đều là biết đúng cả, chẳng có sai trệch. Đây gọi là tự tính phát.
Đến chỗ này, chúng ta nhớ lại rằng Lục tổ Huệ Năng đã dạy: “Tự tính bồ đề bổn lai thanh tịnh, vận dụng tâm ấy tức nhiên thành Phật”. “Nào dè tự tánh vốn sẵn thanh tịnh, Nào dè tự tánh vốn không sanh diệt, Nào dè tự tánh vốn sẵn đầy đủ, Nào dè tự tánh vốn không lay động, Nào dè tự tánh có công năng sinh ra muôn pháp”. Tự tánh này chính là chân tâm, là chân không, cái chân không mà lại là diệu hữu! Mà cũng lại là Phật tánh.
Sa-môn Thiện Hoa đã viết trong sách Triết lý Kinh Thủ Lăng Nghiêm: “Ngài A Nan xin Phật dạy cho biết do phương nào mà mười phương chư Phật đã tu hành và đều được chứng quả, thì Phật dạy: chỉ ngộ chân tâm mà thôi. Ngộ được chân tâm, như người tỉnh giấc mộng. Không ngộ được chân tâm, như người còn ngủ chiêm bao. Đó là phương pháp duy nhất mà mười phương chư Phật tu hành đã được thành đạo chứng quả.”
Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, đức Phật đã dạy: “Chân tâm này phi tâm thức, phi bốn đại, phi lục nhập, thập nhị xứ, thập bát giới, phi vô minh và vô minh tận, cho đến phi lão tử và phi lão tử tận, phi tứ đế, phi trí và phi đắc, phi thập nhị nhân duyên, phi lục độ, phi thập hiệu của chư Phật, phi Niết-bàn và bốn đức của Niết-bàn” (nghĩa là phi cảnh giới của tứ thánh là thanh văn, duyên giác, bồ tát và Phật), tóm lại là Chân Tâm phi tất cả các cảnh giới của thế gian (6 cõi phàm) và xuất thế gian (4 quả Thánh).
4/ Khi tu hành thì phải tinh tấn, các ưu điểm phát triển dần dần, hành giả qua các giai đoạn của chứng ngộ, bồ tát lên cao dần trong thập địa cho đến khi đắc vô thượng bồ-đề. Đây gọi là đẳng lưu phát. (10)
■ Trong sách Et si vous m’expliquez le Bouddhisme, tác giả nói rằng:
– Những chướng ngại trên đường cầu bồ đề là: – ham cuộc đời này quá đáng – ham các khoái lạc ở cõi luân hồi này – ham cảnh an lạc ở cõi Niết bàn – không biết đường nào mà đi đến bồ đề.
– Nguyên nhân để đắc được bồ-đề là: chúng ta có sẵn Phật tính.
– Chỗ dựa của bồ-đề là chính cái thân này của chúng ta.
– Các thuận duyên là: được sinh ra làm người, với đầy đủ các căn, sống nơi trung độ, không làm nghề ác, trong một xã hội cởi mở hiểu thế nào là thiện ác, có Phật ở đời, có Phật thuyết pháp, Pháp hãy còn hiện hữu, vẫn còn có người theo Phật pháp và mình có dịp tiếp xúc với Phật pháp.
– Còn nghịch duyên thì cũng nhiều: sinh ra trong ba đường ác, sinh ở cõi thiên, ngu đần tối dạ, ở nơi man rợ, nhiễm nhiều tà kiến, ác kiến, sinh vào thời không có Phật. (11)
6. “Người phát bồ-đề tâm thì làm cách nào mà an trụ trong tâm ấy và làm cách nào mà hàng phục tâm mình?” Kinh Kim Cang (12) cho chúng ta biết các câu trả lời. Kinh mở đầu như sau: Khi ấy, trưởng lão Tu-Bồ-Đề kính bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn, những thiện nam, tín nữ phát cái tâm vô thượng chính đẳng chính giác rồi, nên trụ cái tâm ấy như thế nào và hàng phục cái tâm của họ như thế nào?”
Câu hỏi của ngài Tu-Bồ-Đề gồm hai phần: 1/ trụ cái tâm bồ-đề như thế nào? và 2/ hàng phục cái vọng tâm như thế nào?
Phần 1 được Phật trả lời trong phần “Diệu hạnh vô trụ” và phần 2 được Phật trả lời trong phần “Hàng phục cái tâm” của kinh Kim Cang.
■ Hàng phục cái tâm của mình, nói rõ ra là hàng phục cái vọng tâm của mình. Cái vọng tâm ấy là gì? Là cái tâm lăng xăng, chạy nhảy lung tung, như con khỉ chuyền cành. Nói thế là mới chỉ nói nhẹ, chứ vọng tâm là cái tâm chứa đầy sai lầm, điên đảo, coi vô thường là thường, coi vô ngã là ngã, coi khổ là sướng, coi bất tịnh là tịnh, mà nặng nhất có lẽ là cho rằng cái ngã này là thật, suốt ngày, suốt năm, suốt tháng, suốt đời chỉ chăm chăm chú chú lo cho cái ta, cái của ta, từ đó mà tham sân si nổi lên, ác nghiệp chất đầy như núi, làm cho chúng sinh trôi lăn mãi trong vòng sinh tử luân hồi.
■ An trụ tâm bồ-đề là sống đúng theo bồ-đề tâm ấy, lúc nào cũng như lúc nào, không phải lúc có lúc không. Thật là khó! Khó vì nhiều chướng ngại, nhiều phiền não, nhiều chấp trước tích lũy từ vô thủy, biết bao thiên kiến, thành kiến, tà kiến chứa chất trong tâm! Có người nói: “đến như ngài đại đệ tử của đức Phật là ngài Tu-Bồ-Đề còn chưa thông nên mới phải thưa thỉnh đức Phật để được Phật chỉ dạy nữa là”, nhưng theo tôi nghĩ thì thật ra, đây là dịp để ngài Tu-Bồ-Đề khải thỉnh vì lợi ích của mọi người, ngài mong sao lời vàng của đức Thế Tôn đến với mọi người.
■ Đức Phật bảo ông Tu-Bồ-Đề: “Các Bồ-tát lớn nên hàng phục cái tâm như vầy: hết thảy các loại chúng sinh, hoặc do trứng sinh, hoặc do thai sinh, hoặc do ẩm ướt sinh, hoặc do hóa sinh; hoặc có sắc, hoặc không có sắc; hoặc có tưởng, hoặc không có tưởng; hoặc chẳng phải có tưởng, chẳng phải không có tưởng, ta đều làm cho vào vô dư niết-bàn mà được diệt độ”.
Điều này khó hiểu và khi hiểu được mấy danh từ trong đó rồi thì nỗi băn khoăn hiện ra: khó thực hiện quá! Bản thân mình lo chưa xong thì làm sao độ cho hết thảy chúng sinh vào vô dư Niết-bàn? Hết thảy chúng sinh thì đông quá, độ sao nổi! Vô dư Niết-bàn thì còn cao hơn Hữu dư Niết-bàn nữa chứ! Có người bàn: Đó là Phật dạy cho bồ-tát, cho đại bồ-tát, chứ phàm phu như chúng ta “phúc mỏng nghiệp dày” thì lo với cao quá làm chi!
May mắn thay! Đã có lời giải thích: chúng sinh ấy chẳng phải bằng xương bằng thịt đâu! Phải hiểu rằng: mỗi một niệm khởi lên thì kể là một chúng sinh, mà loại chúng sinh này thì quả thật là vô biên. Ý nghĩ nào do si mê mà khởi ra thì coi là noãn sinh, ý nghĩ nào do tham dục mà khởi ra là thai sinh, ý nghĩ nào do tà kiến mà khởi ra là thấp sinh, ý nghĩ nào do vọng tưởng mà khởi ra là hóa sinh! Đó là chúng sinh của tâm thức, gây vô tận phiền não. Độ hết chúng sinh ấy thì hết phiền não! Muốn độ như thế thì phải tu hành đến mức nhận rõ được rằng mọi chúng sinh đó là huyễn, là không thực. Hơn nữa, vạn pháp đều là huyễn. Thế thì tu làm gì? Tu như huyễn!
■ Đức Phật dạy tiếp: “Diệt độ vô lượng, vô số, vô biên chúng sinh như thế mà thật ra không có chúng sinh nào được độ. Bởi vì sao? Tu-Bồ-Đề! Nếu bồ-tát có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh, tướng thọ giả thời chẳng phải là bồ-tát! Lại nữa, đối với pháp, bồ-tát không nên trụ vào pháp mà bố thí, nghĩa là bố thí mà không trụ vào các pháp sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; bố thí mà không trụ vào tướng”.
■ Muốn cho tâm bồ-đề phát sinh thì “dùng cái tâm không vướng bốn tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả mà làm hết thảy mọi việc lành” (dĩ vô ngã, vô nhân, vô chúng sinh, vô thọ giả, tu nhất thiết thiện pháp). Ngã là ta, là ngôi thứ nhất, là moi, je, me, I; nhân là ngôi thứ nhì, là toi, tu, you; chúng sinh là ngôi thứ ba, là nó, chúng nó, il, elle, ils, elles, he, she, they; thọ giả nói về thời gian nhanh chậm, nhiều ít. Hãy độ cho chúng sinh mà không vướng mắc vào ý nghĩ ta (ngã) là người độ, nó là kẻ được độ (nhân), bao nhiêu loài cũng độ hết (chúng sinh), độ liên tục mọi kiếp, không ngừng nghỉ mỏi mệt (thọ giả).
Thế thì nói ngắn lại là “không trụ vào đâu cả, không vướng mắc vào đâu cả mà phát bồ đề tâm” (ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm). Vậy kết luận là:
1/ muốn an trụ tâm bồ đề thì cứu độ chúng sinh, không phân biệt và
2/ muốn hàng phục vọng tâm thì không thấy thật có mình, có người vv ..
Hai việc này đi song song với nhau, là hai mặt của một đồng tiền.
Đến câu này thì khó hiểu: “pháp còn bỏ huống chi là phi pháp” (pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp). Pháp là điều Phật dạy, phi pháp là ngược lại. Dĩ nhiên phi pháp thì phải bỏ rồi, nhưng pháp thì sao lại bỏ? Bởi vì còn chấp thì còn khổ. Đã dùng bè qua sông rồi, lên bờ rồi, còn vác cái bè trên vai làm chi! Cho nên cần phải tự nguyện làm mọi việc lành vì lợi ích của chúng sinh mà không chấp trước vào đâu hết (vô trụ), không chấp có, không chấp không, không chán sinh tử, không tham luyến Niết-bàn. Đức Phật nói: “45 năm nay, ta chưa dạy một điều nào” là theo ý đó vậy.
Khi đức Phật còn tại thế, có người tìm đến cầu học, hai tay cầm hai bó hoa lớn để cúng dường. Khi thấy người ấy, đức Phật bảo “Buông!”. Ông ta buông tay trái, bó hoa rơi xuống. Đức Phật lại bảo “Buông!”. Ông ta buông tay phải, bó hoa kia cũng rớt xuống đất. Đức Phật lại bảo “Buông!”. Ông ta ngơ ngác, thưa: “Bạch Thế Tôn, con đã buông cả hai tay rồi, còn gì nữa mà buông?”. Đức Phật dạy: “Như Lai bảo ông buông lần thứ nhất là dạy ông buông sáu căn, lần thứ hai là dạy ông buông sáu trần, lần thứ ba là dạy ông buông sáu thức. Khi căn, trần, thức không vướng mắc thì tất cả 18 giới sẽ không sinh khởi, lúc ấy ông được giải thoát.”
7. “Khó quá nhỉ! Tu khó quá nhỉ!” Đó là lời suy nghĩ vắn tắt của người thứ nhất đọc bản thảo của bài tham luận này. Nào tôi có dám nói tu là dễ bao giờ đâu! Khi đem trình bày bài này hầu Hòa Thượng và quý ngài, quý vị, tôi căn cứ vào các tài liệu có sẵn chứ làm gì có kinh nghiệm tu hành mà dám múa bút, tôi chỉ xin trình bày rồi chờ đợi lời chỉ dạy mà khai tâm, mở trí mà thôi.
Đã thọ tam quy, cố gắng trì ngũ giới (mà vẫn sai phạm luôn!), niệm Phật hàng ngày (mà có khi còn lơ là!), chăm đi chùa (mà vẫn trốn vài khi!), phàm phu chúng con xin học thuộc và cố gắng thực hành mấy câu sau này: “Làm hết mọi việc lành, Tránh hết mọi điều ác, Giữ tâm ý trong sạch, Chư Phật dạy như thế.” □
CHÚ THÍCH.
(1) Đại sư Thật Hiền, Phát Bồ-Đề Tâm, HT Thích Trí Quang Việt dịch 1971.
An Exhortation to Resolve upon Bodhi, Comments and Provisional Translation by the Buddhist Text Translation Society 1995, Chùa Vạn Hạnh, Tỳ Kheo Thích Hằng Hiển, San Diego, xb năm 2002.
(2) Đức Phật và Phật pháp, tác giả: Nārada Mahā Thera, dịch giả: Phạm Kim Khánh, Kỳ Viên Tự, Washington DC, 1998.
(3) Nguồn mạch tâm linh, Thích Nữ Trí Hải, Ưu Đàm xb, Montreal, tr.105.
(4) a/ Le Bouddha, Sa vie, Sa Doctrine, Sa Communauté, tác giả: H. Oldenberg (nguyên tác bằng tiếng Đức), nhà xb Félix Alcan, Paris, 1921, nơi trang 110-111, có chú thích như sau: Cunningham (Archoel., Reports, I, 5) dit de l’arbre pippala (ficus Religiosa) situé à Ourel (Bouddha-Gayâ) qu’on croit être cet arbre de la Science: “Le fameux arbre de la Bôdhi existe encore, mais il est tout à fait délabré, un gros tronc, avec trois branches dirigées du côté de l’Ouest, est encore vert, mais les autres branches sont dégarnies d’écorce et pourries & L’arbre doit avoir fréquemment renouvelé car le pippala actuel est debout sur une terrasse élevée d’au moins 30 pieds (9 mètres) au-dessus du pays environnant.” Dans l’intervalle, un orage a détruit l’arbre (1876). Cunningham donne la suite de son histoire dans son Mahabôdhi, p.30.
b/ Nếu tra cứu chữ bodhi tree trong Google thì chúng ta sẽ thấy site sau đây www..angelfire.com/electronic/bodhidharma/bodhi_tree.html
(5) Theo Phật Học Từ Điển của Đoàn Trung Còn thì Thập lực là mười sức mạnh của trí tuệ như sau:
1/ biết sự đúng sai của sự và lý, biết đoán hậu quả của sự việc.
2/ biết nhân quả của chúng sinh trong ba đời.
3/ biết mức độ tu hành của chúng sinh.
4/ biết tâm tính của đệ tử, của tín đồ và của chúng sinh.
5/ biết chúng sinh hiểu đạo tới đâu, biết các lối nhận hiểu của thế gian và xuất thế gian. 6/ biết hết các cảnh giới giống nhau hoặc khác nhau, các cảnh giới trong mười phương, biết đường đi bất luận đến kết quả nào.
7/ biết hết phần hành hữu lậu của lục đạo đến đâu và phần hành niết bàn vô lậu đến đâu, tức là biết hết các đường đạo mà chúng sinh noi theo để giải thoát.
8/ biết mọi việc của chúng sinh trong vô lượng thế giới, không ngăn ngại; thấy biết việc sinh tử và thiện ác của họ.
9/ biết các đời trước rất xa của chúng sinh.
10/ biết đoạn hẳn các tập khí tức thói quen.
[Niết-bàn kinh, quyển hai: “Chừng thập lực huệ nhựt lặn mất đi rồi, các ngươi sẽ bị màn vô minh che án”.]
(6) Thập như thị. Xin coi một đoạn trong kinh Pháp Hoa, bản dịch của HT Tuệ Hải, chùa Giác Hoàng (Washington, DC, USA) tái bản tại Hoa Kỳ, 1998, trang 53. tướng như vậy, tính như vậy, thể như vậy, lực như vậy, tác như vậy , nhân như vậy, duyên như vậy, quả như vậy, báo như vậy và trước sau rốt ráo như vậy . [► 1/ Such a form. 2/ Such a nature. 3/ Such an embodiment. 4/ Such a potency. 5/ Such a function. 6/ Such a primary cause. 7/ Such a secondary cause. 8/ Such an effect. 9/ Such a recompense. 10/ Such a complete fundamental whole. ► 1/ Ainsité de caractère 2/ Ainsité de nature. 3/ Ainsité d’essence. 4/ Ainsité de force. 5/ Ainsité d’action. 6/ Ainsité de cause. 7/ Ainsité de condition. 8/ Ainsité de fruit. 9/ Ainsité de rétribution. 10/ Ainsité d’égalité première et dernière.]
(7) Thập địa của các Bồ-tát là:
1/ Hoan hỷ địa (the land of joy, terre joyeuse, skt: pramudità-bhùmi)
2/ Ly cấu địa (the land of purity, terre immaculée, skt: vimalà-bhùmi)
3/ Phát quang địa (the land of radiance, terre illuminatrice, skt: prabhàkàrì-bhùmi)
4/ Diễm tuệ địa (the blazing land, terre rayonnante de lumière, skt: archismatì-bhùmi)
5/ Cực nan thắng địa (the land extremely difficult to conquer, terre difficile à conquérir, skt: sudurjayà-bhùmi)
6/ Hiện tiền địa (the land in view of wisdom, terre en vue de la réalité, skt: abhimukhì-bhùmi)
7/ Viễn hành địa (the far-reaching land, terre d’éloignement, skt: dùrangamà-bhùmi)
8/ Bất động địa (the immovable land, terre inébranlable, skt: achalà-bhùmi)
9/ Thiện tuệ địa (the land of good thought, terre d’excellente intelligence, skt: sàdhumatì-bhùmi)
10/ Pháp vân địa (the land of dharma clouds, terre des nuées de dharma, skt: dharmameghà-bhùmi)
(8) The Shambala Dictionary of Buddhism and Zen: The various methods for arousing the mind of enlightenment stem primarily from Atīsha (980/90-1055) and entered into all schools of Tibetan Buddhism through him.
Shāntideva was the author of two surviving works Collection of rules and Entering the Path of Enlightenment.
Shāntideva, Bodhicaryàvatra, một bản dịch ra tiếng Pháp là La Marche vers l’Éveil, Version réalisée par le Comité de Traduction Padmakara d’après la traduction de Louis Finot. Éditions Padmakara, La Besse, France, 1992. Có nhiều bản tiếng Anh và tiếng Pháp. Tôi biết 3 bản tiếng Việt: 1 của đại đức Trí Siêu (Bồ-tát hạnh), chùa Đức Viên xb, San Jose, 1990; 1 của ni sư Trí Hải (Nhập Bồ-tát hạnh) nhà Xuân Thu xb, California, 2001, 1 của Nguyên Hiển (Nhập hạnh Bồ-tát), Hội Phật học Phổ Minh xb, California, 2005.
(9) Buddhism in the Tibetan Tradition, tác giả là nhà sư Tây Tạng Geshe Kelsang Gyatso; ni sư Trí Hải dịch ra tiếng Việt với đầu đề Phật Giáo Truyền Thống Đại Thừa, Ưu Đàm Montreal phát hành. Coi trang 327 và kế tiếp. Gyatso còn viết cuốn Understanding the Mind ( Tìm hiểu cái Tâm), chưa dịch ra tiếng Việt.
(10) Ngài Huệ Năng, Thích Trí Quang, Phật học Viện Quốc Tế California xb.
(11) Et si vous m’expliquez le Bouddhisme, tác giả là nhà sư Tây Tạng Ringou Tulkou Rimpotché, préface de Mathieu Ricard, traduit de l’Anglais et adapté par Corinne Segers et Inès Wouters, NiL Éditions, Paris, 2001.
(12) Kinh Kim Cang Giảng Lục, tác giả: Thái Hư đại sư, dịch giả: TT Thích Huệ Hưng, chùa Tuyền Lâm tái bản, Saigon, 1970, PL.2514. □
………………………………………………….
TU LÀ CHỈNH SỬA
Chuyện dễ nhưng…khó!!!???
Good read!
Greg Le to me
khode
Chuyện về loài chim ó:
Nếu đặt một con chim ó vào trong một chiếc lồng, với kích thước khoảng 2m x 2,5m, nhưng hoàn không có nóc, tức là phần trên được mở toang; con chim này sẽ vẫn hoàn toàn là một… tù nhân trong lồng đó.
Lý do: con chim ó luôn bắt đầu bay “chạy đà” khoảng 3- 4m đầu tiên. Không có quãng đường để chạy, theo thói quen, chim ó không thể bay lên, và sẽ chấp nhận bị cầm tù suốt đời, trong một “nhà giam” nhỏ không có mái!
Câu chuyện con dơi:
Một con dơi thường bay ra ngoài kiếm ăn vào buổi tối. Nó là một sinh vật nhanh nhẹn, linh lợi và bay chính xác.
Tuy nhiên, nó không thể cất cánh mà lại thả người rớt xuống rồi mới bay. Nếu nó được đặt trên sàn hoặc một mặt phẳng, thì nó chỉ có thể lê bước loanh quanh một cách vô vọng, và, tất nhiên vô dụng, không thể bay đi.
Cho đến khi nó được rớt từ một độ cao nhỏ thôi là có thể tung mình bay vào không trung.
Câu chuyện về con ong nghệ:
Con ong nghệ, nếu bị thả vào một cái ly lớn không đậy nắp, cũng sẽ ở trong ly đó cho đến chết.
Nó không bao giờ nhìn thấy đường thoát ở phía trên, mà chỉ cố gắng tìm cách nào đó thoát ra qua các mặt ngang bên, hoặc qua… đáy ly.
Và câu chuyện về con người…
Trong rất nhiều trường hợp, con người cũng giống như con chim ó, con dơi và con ong nghệ ở trên. Vật lộn với tất cả các vấn đề rắc rối của mình, mà không bao giờ nhận ra rằng rất có thể có một giải pháp ở rất gần, trước mắt, vì từ lâu, con người đã thường tự giam mình trong những cái lồng của thói quen, sự cố chấp, sự ích kỷ, tham lam… và sự lệ thuộc vào người khác
Sent from my iPhone
……………………………………..
Good Read
From Greg Le
to me
“Become a possibilitarian. No matter how dark things seem to be or actually are, raise your sights and see possibilities— always see them, for they’re always there.”
—Norman Vincent Peale
Sent from my iPad
=============
“Optimistic people generally feel that good things will last a long time and will have a beneficial effect on everything they do. And they think that bad things are isolated: They won’t last long and won’t affect other parts of life.”
—Martin Seligman, PhD
-oOo-
“When we choose not to focus on what is missing from our lives but are grateful for the abundance that’s present . . . we experience heaven on earth.”
—Sarah Breathnach
-oOo-
“Gratitude unlocks the fullness of life. It turns what we have into enough, and more. It turns denial into acceptance, chaos into order, and confusion into clarity. I can turn a meal into a feast, a house into a home, and a stranger into a friend. Gratitude makes sense of our past, brings peace for today, and creates a vision for tomorrow.”
—Melody Beattie
-oOo-
‘Happiness not in another place, but this place…not for another hour, but this hour.’
WALT WHITMAN
…………………………………….