CUNG CHÚC TÂN XUÂN QUÝ TỴ 2013
Nhã Nhạc
blank_page
Xuân khứ xuân lai xuân bất tận ……
…Và như thế, mùa xuân lại đang trở về , như một người chung thủy, không bao giờ sai hẹn …
Tôi nghe, trong đầu, những câu hát ca ngợi Xuân :
Xuân đã về, xuân đã về !
Kìa bao ánh xuân về tràn lan mênh mông .
………………………….
Xuân đã về, xuân đã về !
Ta hát vang lên câu ca mừng chào xuân .
(Xuân đã về-Minh Kỳ)
Xuân đến hoa mơ, hoa mận nở,
Gái xuân rũ lụa trên sông Vân …
(Gái xuân-thơ Nguyễn Bính)
Những câu hát làm nhớ rộn ràng những mùa xuân rực rỡ, xa xưa trên quê hương …Này đây đêm 30 Tết, hòa vào dòng người đông đảo, trong khí xuân ấm áp, tình người tự nhiên cũng trở nên gần gũi, thân mến nhau hơn, chúng tôi đưa Mẹ đến chùa Vĩnh Nghiêm (trái ) lễ Phật, hái lộc đầu xuân …Sớm lắm thì cũng phải một giờ bốn mươi sáng mới về tới nhà …Một bánh pháo hồng đã được đốt , âm vang ròn rã ..Mẹ vào nhà trước để “xông nhà” – cho được hên như ý muốn quanh năm – Hương, nến sáng lung linh trên bàn thờ Phật, bàn thờ Tổ tiên, Ông bà …Chúng tôi đun một ấm nước pha trà mời mẹ chén trà đầu năm, và cũng là để sau đó, chúc Tết mẹ …và lần lượt con, cháu đợi mẹ lì xì phong bao đỏ …Này đây, còn như in trong trí, nét mặt vui tươi rạng rỡ của mẹ nhìn đàn con, cháu quây quần bên mình …và đây, ánh mắt reo vui, tinh nghịch của đàn cháu thơ ngây, tay “cầm chắc” những bao lì xì đỏ …Cả nhà uống trà, ăn mứt, hàn huyên cho đến gần ba giờ sáng Mồng Một Tết mới chịu tạm biệt nhau, nghỉ ngơi …Ôi, cái thuở thanh bình ấy, biết đến bao giờ trở lại ! …
Đã mấy chục năm nay, kể từ ngày xa lìa quê hương, người Việt khắp nơi thường lo cho mình một mảnh vườn , để có thể trồng được cây mai, cây đào, cây mận …, chúng ta chăm sóc, vun xới cả năm, để đến ngày Tết Nguyên Đán cổ truyền, hoa mai, hoa đào, hoa mận, nở ra tô thắm một góc vườn, như đem lại cả một trời xuân với những kỷ niệm một thời không thể quên nơi quê nhà !
………..
Chỉ không biết, năm nay, sau những tuần lễ giá lạnh bất thường đối với Nam Cali – với Bolsa, Quận Cam –hoa xuân có nở ra đều khắp và đúng hẹn như Nàng Xuân hay không ?
Hoa đào Nhật Tân
Dù thế nào, Nàng Xuân cũng đang hiện ra trên ngưỡng cửa nhà nhà , tươi thắm trong sắc lá, màu hoa, như muốn đem đến cho chúng ta một lời chúc :
BÌNH AN – HẠNH PHÚC – THỊNH VƯỢNG – Nhiều MAY MẮN trong năm Quý Tỵ 2013 này !
Vẫn biết thời tiết đã không được ấm áp những ngày cuối năm, Kinh tế thì ảm đạm, vẫn còn khó khăn, một vài người bà con, thân quen mất việc một, hai năm vẫn chưa có lại ; các sinh viên tốt nghiệp cũng một, hai năm chưa tìm được việc làm, phải về nhà sống với gia đình hay làm những việc không tương xứng với khả năng ….Dù đã ra khỏi vòng “lao động”, chúng tôi hiểu rất rõ tâm trạng của bà con hay người thân quen đang gặp khó khăn …
Nhưng, xin bà con,thân hữu của tôi, hãy học bài học kiên nhẫn của Thời Tiết / Thiên Nhiên . Thời Tiết đã trải qua mùa hạ nắng cháy da, hạn hán hay khô cằn, mùa Thu với giông bão, lũ lụt , mùa Đông với gió heo may, tuyết phủ khắp trời, giá lạnh buốt xương …
Cuối cùng, Thời Tiết cũng vẫn đem Mùa Xuân về với chúng ta đúng hạn kỳ ! …
Xin hãy kiên nhẫn thêm, xin hãy buông xả bớt lo âu, phiền muộn, xin hãy giữ vững tấm lòng từ bi bác ái ….
No Ấm, Thịnh Vượng, một ngày gần đây, sẽ trở về với chúng ta .
Một lần nữa, Nhã Nhạc xin gửi đến quý độc giả, các em, bằng hữu, gia đình lời chúc Năm Mới Quý Tỵ 2013 : BÌNH AN – HẠNH PHÚC – VẠN SỰ NHƯ Ý .
Cali, Xuân Quý Tỵ 2013
Nhã Nhạc
………………………………………………………………..
THƠ XUÂN
Chiều xuân
Anh Thơ
Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng
Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi
Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời
Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ
Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ;
Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió,
Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa.
Trong đồng lúa xanh rờn và ướt lặng
Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra
Làm giật mình một cô nàng yếm thắm
Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa.
o0o
Xuân ý
Hồ Dzếnh
Trời đẹp như trời mới tráng gương
Chim ca tiếng hát rộn ven đường
Có ai bên cửa ngồi hong tóc
Cho chảy lan thành một suối hương
Sắc biếc giao nhau, cành bắt cành
Nước trong, hồ ngợp thủy tinh xanh
Chim bay cành trĩu trong xuân ý
Em đợi chờ ai, khuất bức mành?
Giữa một giờ thiêng tình rất đẹp
Mắt buồn và rất… rất thanh thanh
Mày ai bán nguyệt, người ai nhỏ
Em ạ, yêu nhau chết cũng đành
*************************
Những vần thơ xuân – Một số tác giả Cỏ Thơm *
ĐÊM XUÂN XỨ LẠ
Thu không trống vọng mấy hồi
Sông xuôi đá chắn cát bồi bãi xa
Mai đào vườn lặng chim ca
Hồn ai dạo giữa trăng tà lung linh
Nhớ cố nhân chốn lữ đình
Đêm xuân xứ lạ một mình nghe mưa
Giang hồ sóng đẩy gió đưa
Quanh co lối mộng vẫn chưa quên tình.
Lý Hiểu
******************
MƠ XUÂN
Ngẩn ngơ thiên lý một mình
Hành trang còn mối tơ tình vấn vương
Trong tịch mịch những đêm trường
Ước mơ xuân đến viễn phương mịt mờ
Nguyệt cầm lạnh những phím tơ
Bơ vơ lạc lối bên bờ sơn khê
Người đi sao chẳng thấy về
Mây hồng lãng đãng bốn bề tịnh không
Chập chùng hư ảo mênh mông
Thoảng nghe như tiếng gió đông thở dài
Sương rơi hay lệ u hoài
Theo dòng nước chẩy trải dài chân mây
Hài xuân nhẹ bước đến đây
Ngàn hoa tươi thắm hây hây nắng đào
Hương xuân quyện gió dạt dào
Từng đàn chim én lao xao phiêu bồng.
Quỳnh Anh
********************
Bài xướng
TIN XUÂN
Có còn con én báo tin xuân
Vẫn kiếm tìm nhau chốn bụi trần
Chiếc lá lìa cành khuya tống cựu
Cành hoa nở nụ sớm nghinh tân
Dòng sông hoài niệm màu thanh thủy
Ngọn núi trầm tư sắc bạch vân
Đá biết tuổi vàng chưa đá nhỉ
Bao giờ nhân diện chút nhân tâm
Phan Khâm
o0o
Bài họa
ĐÓN XUÂN
Vần thơ ươm nụ đợi mùa xuân
Mưa tuyết nhẹ rơi phủ cõi trần
Vắng tiếng chim ca thời son trẻ
Không màu hoa thắm thuở thanh tân
Khăn xưa phảng phất mùi phương thảo
Áo cũ nhạt phai sắc cẩm vân
Đốt nén hương lòng chờ đón Tết
Mai vàng thấp thoáng nở trong tâm
Nguyễn Thị Ngọc Dung
*Nguồn:cothommagazine.com
……………………………………………………….
Lai rai câu đối Tết:Rồng rắn lên mây,bạn vàng xiết nợ !
Nguồn:Hà Sĩ Phu-Dân Làm Báo
Hà Sỹ Phu (Danlambao) – Nếu một đất nước lạc hậu còn mang bệnh nan y (cần thuốc “rịt đầu” là do bệnh từ đầu óc, từ não trạng, hay từ giới cầm đầu?), nhưng không có phương thuốc tự chữa mà phải “xin phương thuốc” từ kẻ bên ngoài xa lạ (phải lên trời, lên mây, sang Moscou, sang Bắc Kinh) thì “thầy thuốc” nào cũng đòi trả giá cả, và cuối cùng “nhân dân vẫn chỉ hoàn là cái lưng con ngựa, chỉ thay người cưỡi” như lời Phan châu Trinh là đúng lắm vậy. Kẻ đã là “ân nhân” nhưng sau lại chuyển thành kẻ xâm lược là bài học quá lớn, không có gì khó hiểu, vấn đề là khi nó đã trở mặt thành kẻ xâm lược mà còn khư khư giữ cái “ơn” lúc trước thì còn ngu muội nào hơn, và nếu cứ trượt dài trên dốc ngu muội, đâm lao phải theo lao, thì khoảng cách từ đó đến chỗ bán nước phỏng có đâu xa?…
*
Năm nay Rồng sang Rắn, lòng lại bồi hồi nhớ những đêm trăng tuổi thơ, mấy đứa rủ nhau chơi trò Rồng rắn lên mây…
Trò chơi đồng giao này chia làm 4 đoạn:
1/ Đoạn 1: Lên trời tìm thầy thuốc.
Đám trẻ túm eo nhau thành chuỗi như rồng rắn vừa đi quanh khoảng sân sáng trăng, vừa hát như gõ cửa nhà “thầy thuốc”: Rồng rắn lên mây, có cây núc nác, có nhà điểm binh, thầy thuốc có nhà không? Thầy thuốc trả lời đi vắng (người nhà thầy thuốc trả lời thì đúng hơn) vì lý do gì đấy do lũ trẻ tưởng tượng ra. Cứ thế vài lần.
2/ Đoạn 2: Xin thuốc và cho thuốc.
Thầy thuốc và Rắn giáp mặt:
– Rồng rắn đi đâu?
– Rồng rắn xin thuốc rịt đầu cho con.
– Con lên mấy?
– Con lên một.
– Thuốc chẳng hay!
– Con lên hai.
– Thuốc chẳng hay!… …
Cứ thế tăng dần đến “Con lên mười” thì “Thuốc hay vậy” (lúc ấy thầy thuốc mới đồng ý cho thuốc, cho phương án điều trị).
3/ Đoạn 3: Sự trả giá cho liều thuốc.
Thầy thuốc bắt đầu đòi trả công, giữa hai bên có cuộc mặc cả, thầy thuốc đòi:
– Xin khúc đầu! (xin đầu người ta thì chết người ta à, nên Rắn cự tuyệt)
– Những xương cùng xẩu! (Rắn từ chối trả giá)
– Xin khúc giữa! (cũng giết người ta luôn)
– Những máu cùng me! (ý nói đây cũng là chuyện giết người)
– Xin khúc đuôi!
– Tha hồ thầy đuổi được (thì) thầy ăn! (chấp nhận sự thách thức)
4/ Đoạn 4: Cuộc chiến giữa “thầy thuốc” và phía bị mang ơn
Theo lời chấp nhận, thầy thuốc đưổi bắt “khúc đuôi”, nhưng “đầu Rắn” giang rộng hai tay chặn lại để bảo vệ đuôi, trong khi thầy thuốc tìm mọi cách để chộp cái đuôi cho kỳ được. Chộp được đuôi Rắn thì ván chơi kết thúc để chơi lại ván khác…
Tuy chưa xác định được tác giả và thời điểm xuất hiện trò chơi này, nhưng ai cũng mang máng thấy trò chơi phản ánh một thời cuộc nào đó của vận mệnh nước nhà. Có người cho đây là thời kỳ Nam Bắc phân tranh Trịnh Nguyễn, có người cho đây là cuộc chiến giữa dân ta và Thực dân Pháp, và cũng có người cho đây là “lời sấm” ứng với cuộc Nam Bắc Quốc Cộng phân tranh vừa qua và quan hệ với “ông bạn vàng” Trung quốc hiện nay.
Tôi nghĩ rằng trò chơi này ứng vào nhiều thời kỳ đều được, vì bài học bi hài này còn xoắn chặt với số phận dân tộc Rồng Tiên (hay Rồng Rắn) này, có thể lặp đi lặp lại nhiều lần do điều kiện địa chính trị tự nhiên và cội nguồn dân tộc, chừng nào dân tộc chưa có một sự trưởng thành căn bản để thoát khỏi số mệnh.
Bài học ấy là: Nếu một đất nước lạc hậu còn mang bệnh nan y (cần thuốc “rịt đầu” là do bệnh từ đầu óc, từ não trạng, hay từ giới cầm đầu?), nhưng không có phương thuốc tự chữa mà phải “xin phương thuốc” từ kẻ bên ngoài xa lạ (phải lên trời, lên mây, sang Moscou, sang Bắc Kinh) thì “thầy thuốc” nào cũng đòi trả giá cả, và cuối cùng “nhân dân vẫn chỉ hoàn là cái lưng con ngựa, chỉ thay người cưỡi” như lời Phan châu Trinh là đúng lắm vậy. Kẻ đã là “ân nhân” nhưng sau lại chuyển thành kẻ xâm lược là bài học quá lớn, không có gì khó hiểu, vấn đề là khi nó đã trở mặt thành kẻ xâm lược mà còn khư khư giữ cái “ơn” lúc trước thì còn ngu muội nào hơn, và nếu cứ trượt dài trên dốc ngu muội, đâm lao phải theo lao, thì khoảng cách từ đó đến chỗ bán nước phỏng có đâu xa? Bài học rút ra không phải là nghi ngờ hết thảy, là tự thu mình, cự tuyệt mọi ân nhân, cự tuyệt sự tìm thầy tìm thuốc để lại chết trong một thái cực ngu muội khác. Túi khôn của một dân tộc có gì khác hơn là sự sàng lọc cho đúng bạn tốt mà chơi, đường sáng mà theo, bụi rậm mà tránh?
Mười hai con giáp chỉ là những tượng trưng có tính chu kỳ để đo thời gian, nhưng với dân Việt Nam thì hai con Rồng-Rắn quả có thân tình đặc biệt, vừa thiêng, vừa yêu vừa sợ. Một đất nước dài loằng ngoằng cong như con rắn với 3 khúc khá khác biệt, đàng ngoài đàng trong, rồi 3 kỳ phân định, mấy cuộc phân tranh, các cường quốc thay nhau giằng xé… Cho nên không lạ, người Việt gửi gắm nỗi lòng đau đáu tâm can về vận nước vào một trò chơi đồng dao Rồng rắn lên mây… Trò chơi đã qua nhiều thế kỷ mà đến cuộc bàn giao Rồng-Rắn năm 2013 này vẫn làm nhói tim những thế hệ a còng.
Đất nước Rồng-Tiên này có phải đã thêm một lần dại dột rủ nhau Rồng Rắn lên mây ảo vọng, xin bài thuốc có Mác có Lê để đến nỗi chịu ơn một anh thầy thuốc bợm già đầy duyên nợ, đang đòi nợ bằng những thứ thiêng liêng mà dân Việt Nam mình thà chết chứ không bao giờ chấp nhận.
Xin mở đầu cảm hứng Câu đối Tết năm nay:
– Chuyện Rồng-Rắn lên mây, thầy thuốc ấy đòi công ba(từng) khúc ruột !
– Tình Việt-Trung xuống dốc, bạn vàng đây xiết nợ một (cả) sơn hà?
Hà Sỹ Phu
danlambaovn.blogspot.com
…………………………………………………..