14/08: Book3-12-Tam Thiên Đại Thiên Thế giới
Category: Phật Học – Phật học ôn tập-
Posted by: Tbl Đọc: 8974 lần
BƯỚC VÀO CỬA PHẬT-Quyển 3
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
Bài 12. TAM THIÊN ĐẠI THIÊN THẾ GIỚI *
1. Trong kinh A-Di-Đà, chúng ta thấy một câu được nhắc lại sáu lần : “ Chư Phật như thế, số lượng nhiều như số cát sông Hằng, các Ngài trụ tại nơi nước các Ngài, hoan hỉ xuất ra tướng quảng tràng thiệt (tướng lưỡi rộng dài), che khắp tam thiên đại thiên thế…
… giới …”. Tam thiên đại thiên thế giới nghĩa là gì?
Tụng kinh Địa Tạng, chúng ta gặp câu đầu : “ Tôi nghe như vầy: một thuở nọ, tại cung trời Đao lợi, đức Phật vì Thánh Mẫu mà thuyết pháp …”. Cung trời Đao lợi ở đâu?
“Đức Phật là đạo sư của tam giới, là từ phụ của tứ sinh…” . Tứ sinh là thai sinh, noãn sinh, thấp sinh và hóa sinh, còn Tam giới là những gì? (Bài này có rất nhiều danh từ, xin đọc chậm!)
2. TAM GIỚI. Tam giới còn có những tên khác là tam hữu, ba cõi. Đây là tên nói chung cho tất cả các cõi gồm các chúng sinh còn chịu cảnh luân hồi, chưa hoàn toàn siêu thoát, nghĩa là chưa lên đến các bậc Thánh (Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, Phật). Tam giới gồm có Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới.
1/ Dục giới. Chúng sinh thuộc cõi này còn muốn ăn và muốn dâm. Bậc trên gồm chư Thiên (Tiên) trong 6 cảnh gọi là Lục dục thiên. Bậc giữa gồm loài người, a-tu-la. Bậc thấp gồm súc sinh và ngạ quỷ, địa ngục.
2/ Sắc giới. Chúng sinh thuộc cõi này không còn muốn dâm, không còn muốn ăn nhưng còn hình hài. Chư Thiên (tiên) hình thể đẹp đẽ, cư ngụ trong các cung điện lộng lẫy. Cõi này có tới 20 tầng trời (cộng với sáu tầng của lục dục thiên nói trên là 26 tầng).
3/ Vô sắc giới. Chúng sinh cõi này là các bậc đại tiên không có hình hài, không cung điện mà chỉ có tâm thức thôi, luôn luôn trụ trong thiền định thâm diệu. Có 4 tầng trời (cộng với 26 tầng đã nói trên là 30 tầng của chư Thiên).
3. SƠ ĐỒ. Xin coi trang cuối. Coi bảng sơ đồ đó, chúng ta mới thấy 30 tầng trời. Còn loài người chẳng hạn, xếp vào chỗ nào? Còn hai tầng ở dưới cùng gọi là địa cư và hư không cư. Địa cư là nơi sinh sống của những loại chúng sinh cư ngụ trong lòng đất và trên mặt đất. Hư không cư là nơi sinh sống của những loại chúng sinh cư ngụ nơi không gian. Danh từ này rất rộng nghĩa vì bao gồm luôn tất cả chư thiên; hư không cư nói ở đây nghĩa hẹp hơn nhiều (ý nói chim muông chẳng hạn). Cùng với 30 tầng trời đã nói trước thì khi thêm hai tầng địa cư và hư không cư, ta thấy tất cả là 32 tầng của chúng sinh. (Chúng ta cần nhấn mạnh rằng chúng sinh trong tam giới dù là chư thiên bậc rất cao cũng vẫn phải chịu cảnh luân hồi). (1)
4. CHÚNG SINH. Chữ sanskrit sattva được dịch là chúng sinh, hữu tình, hữu thức, hàm sinh. (Pháp: êtres, créatures, êtres sensibles. Anh: sentient beings). Theo Phật học Từ điển của Đoàn Trung Còn và Từ điển Phật học Hán Việt thì: Chúng sinh là những loài có sinh ra. Nghĩa thứ nhì: chúng sinh sinh ra là do những nhân duyên giả hợp, do tứ đại ngũ uẩn tạm hiệp. Nghĩa thứ ba: chúng sinh đã có sinh thì tất có tử, tử rồi lại sinh, cứ thế luân hồi. (Không gọi là chúng tử vì có sinh là thế nào cũng có tử).
Chúng sinh đối với Phật cũng như luân hồi đối với Niết-bàn. Chúng sinh còn mê, còn tham sân si; Phật thì đã giác ngộ, hết hẳn tham sân si. Tuy vậy, chúng sinh có thể tu thành Phật (nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tánh).
Chúng sinh thế giới gọi ngắn là chúng sinh giới, tên khác là chúng sinh thế gian, là thế giới hợp lại bởi các loài hữu tình tức là cảnh giới của các vật có mạng sống. Đối nghĩa: khí thế giới hay khí thế gian là cảnh giới của các vật vô tình như cây cỏ, đất đá.
Các loại chúng sinh gồm có: tội nhân ở địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, người, a-tu- la, chư thiên. Đó gọi là sáu cảnh giới, sáu thú. Địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh là ba đuờng ác (ác đạo). Thiên, nhân, a-tu-la là ba đường lành (thiện đạo).
Chú ý : Thánh đạo gồm có bốn: Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, Phật. Đó là bốn đường thánh. Với sáu đường nói trên thì tổng cộng là mười đường, hay mười cảnh giới. (2)
5. TIỂU THẾ GIỚI. Theo quan niệm của Phật giáo về vũ trụ thì : Một tiểu thế giới, như thế giới chúng ta đang ở, gồm có: 1 núi Tu-Di, 1 mặt trời, 1 mặt trăng. 7 vòng núi vàng và 7 vòng nước thơm liên tiếp bao bọc nhau vây quanh núi Tu-Di. Phía ngoài 14 vòng nói trên là 1 biển nước mặn. Trên biển nước mặn này, có 4 châu là Đông thắng thần châu, Tây ngưu hóa châu, Nam thiệm bộ châu, Bắc câu lư châu. Mỗi châu có hai châu nhỏ đi kèm.
Bốn châu nói trên do bốn vị Thiên Vương (Tứ Thiên Vương) cai trị, bốn vị ấy đóng tại bốn mặt của núi Tu-Di: phía Đông do Trì quốc Thiên Vương, phía Tây do Quảng mục Thiên Vương, phía Nam do Tăng trưởng Thiên Vương, phía Bắc do Đa văn Thiên Vương.
Bao lấy biển nước mặn, ở ngoài cùng là một vòng núi tên là núi Thiết Vi.
Có thể nói: tiểu thế giới vừa mô tả trên đây giống như một thái dương hệ .
Núi Tu-Di. Chữ sanskrit Meru hay Sumeru phiên âm thành Tu-Di (Tu-mê-lư, Tu-di-lâu, Tô-mê-lư) và dịch nghĩa thành Diệu cao (Diệu Quang, An Minh, Thiện Tích) là hòn núi lớn ở trung tâm của một tiểu thế giới. Núi cao trên mặt nước 84.000 do tuần, phần chìm dưới mặt nước 84.000 do tuần, bề ngang trên mặt nước cũng vậy. [1 do tuần – sanskrit : yojana – bằng 16 dặm Tàu, 1 dặm Tàu ăn 576 mét, vậy 1 do tuần tương đương với 9.216 mét. Thế thì núi Tu-Di cao chừng 774 km. ]
Hình thù núi Tu-Di khá lạ : chân rộng, giữa thót lại, trên xòe ra.
Mặt phía Đông bằng pha lê (cristal) trong suốt. Mặt phía Nam làm bằng ngọc lưu ly xanh (lapis-lazuli bleu). Mặt phía Tây bằng hồng ngọc (rubis). Mặt phía Bắc bằng lam ngọc ( émeraude) hay bằng vàng.
Kể từ dưới đáy lên thì 8 tầng cuối là địa ngục. Ba tầng tiếp theo do long chúng và Long Vương (tức là loài rồng) cùng Dạ-xoa, La-sát cư ngụ. Tầng thứ tư do bốn vị Thiên Vương ngụ, mỗi vị cai quản một phía Đông Tây Nam Bắc. Tầng này gọi là Tứ Thiên Vương ởụ lưng chừng núi Tu-Di. Tầng thứ năm là trời Đao-Lợi còn được gọi là tam thập tam thiên, ở trên đỉnh núi Tu-Di, có vua Đế Thích (Indra) ngự trị. Người ta hay nói 33 tầng trời, nói vậy là không chính xác. Thật ra là 4 phương, mỗi phương có 8 cung trời ( 4 x 8 = 32) thêm cung trời Hỷ kiến thành ở trung ương là 33 cung trời tất cả.
Hai tầng 3 và 4 vừa nói trên ở lưng chừng và ở đỉnh núi Tu-Di theo thứ tự. Ở trên hư không, phía trên cõi trời Đao-Lợi, có 4 cõi trời nữa là Dạ-Ma (Yāma), Đâu-Suất (Bồ -tát Di-Lặc đang ngự ở đây), Hóa Lạc và Tha Hóa tự tại. Vậy là 6 cõi trời, gọi tên chung là Lục dục thiên, thuộc Dục giới. Rồi đến Sơ thiền thiên (gồm bốn tầng) thuộc Sắc giới.
Tha Hóa tự tại thiên nói ngắn là Tự tại thiên có hai nghĩa: một là cảnh trời Tha Hóa tự tại thiên, hai là vị thiên chủ ở cảnh trời ấy, tức là Ma Vương, tên thật là Ba Tuần.
Đại Phạm thiên hay Đại phạm như ý thiên có hai nghĩa: một là cảnh trời Đại Phạm, hai là các thiên thần ở đó. Vị vua ở cảnh trời đó là Đại Phạm Thiên Vương (gọi ngắn là Phạm Vương, Brāhma), cai quản các cảnh trời Phạm thân, Phạm chúng, Phạm phụ và Đại phạm. Có nơi gọi ngài là Ngọc Hoàng thượng đế (theo Đoàn Trung Còn và Huỳnh Hữu Cửu). Phạm Vương là tiếng tắt để gọi ngài Phạm Thiên Vương, Đại Phạm Thiên Vương, vị chúa tể Ta-bà thế giới (theo Đ.T.Còn).
Đại Tự Tại Thiên Vương là vị chúa tể cõi trời Đại tự tại tức là cõi trời cao nhất của Sắc giới. Đạo Bà-la-môn gọi vị đó là thần Vishnu (Vi-Nữu) (theo H.H.Cửu).
6. TAM THIÊN ĐẠI THIÊN THẾ GIỚI.
● Một nghìn tiểu thế giới làm thành một tiểu thiên thế giới. Mỗi tiểu thiên thế giới có một trời Nhị thiền (gồm ba tầng).
● Một nghìn tiểu thiên thế giới làm thành một trung thiên thế giới. Mỗi trung thiên thế giới có một trời Tam thiền (gồm ba tầng).
● Một nghìn trung thiên thế giới làm thành một đại thiên thế giới. Mỗi đại thiên thế giới có một trời Tứ thiền (gồm chín tầng).
Sơ thiền thuộc về Dục giới; Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền thuộc về Sắc giới. Cuối cùng là trời Tứ không (gồm bốn tầng) thuộc về Vô Sắc giới.
Sơ đồ này trích trong sách Phật Học Tinh Yếu của HT. Thiền Tâm, tr 335.
Một đại thiên thế giới gồm có 1000 x 1000 x 1000 (tức là một tỉ) tiểu thế giới, do đó có tên tam thiên đại thiên thế giới. Tam thiên ở đây không có nghĩa là ba nghìn mà là ba số nghìn nhân với nhau. Cõi Ta-bà do đức Thích-Ca chăm sóc là một đại thiên thế giới. Có rất nhiều đại thiên thế giới. Mỗi đại thiên thế giới do một đức Phật chịu trách nhiệm hóa độ chúng sinh. Trong Kinh A-Di-Đà có câu: “Này Xá-Lỵ-Phất, từ đây đi về phương Tây hơn mười vạn ức phật độ, có thế giới tên là Cực lạc, nơi đó có đức Phật hiệu là A-Di-Đà đang thuyết pháp …”. Phật độ, Phật quốc, Phật địa, Phật sát là những chữ đồng nghĩa [mười vạn là một ức. Một vạn vạn cũng là một ức (theo Đào Duy Anh)].
Các thế giới ấy do ai làm ra? Không có ai làm ra cả! Ở đâu ra? Từ diệu tâm mà ra! Diệu tâm là cái tâm thể tuyệt diệu không thể nghĩ bàn. Diệu tâm có nhiều tên khác: Chân tâm, Chân như, Chân không… …, đó là thứ “không sinh, không diệt, không tăng, không giảm, không nhơ, không sạch …”. Diệu tâm có khả năng hóa hiện ra các thứ hữu hình từ thô kệch đến vi tế: kiến đại, thức đại, không đại, phong đại, hỏa đại, thủy đại, địa đại.
Trên địa đại, còn gọi là địa luân, có một biển nước thơm lớn, trong đó là một hoa sen lớn. Vòng theo phía trong hoa sen là núi Kim Cang. Trong vòng này là một biển nước thơm với vô lượng thế giới. Tất cả gọi chung là Thế giới hải Liên hoa tạng trang nghiêm (đến đây, hẳn là chúng ta đã hiểu “hoa tạng” nghĩa là gì).
Ty-Lư-Xá-Na Phật (sanskrit: Vairocana-Buddha) hay Tỳ-Lư-Già-Na Phật, Lô-Xá-Na Phật, Ma-Ha Tỳ-Lô-Xá-Na Phật, dịch là Đại Nhật Phật là một đức Như Lai hào quang chiếu khắp nơi như ánh sáng mặt trời. Ngài làm Pháp Vương ở cõi tịnh độ Liên hoa đài tạng thế giới, thường có bồ-tát Văn-Thù và bồ-tát Phổ-Hiền theo hầu hai bên (theo Đoàn Trung Còn).
“Cộng nhập (cùng vào) Tì-Lô tính hải” là nói theo chỗ này.
Trong bài Cơ cấu và Biến chuyển của vũ trụ theo đạo Phật, tạp chí Làng Văn), tác giả Huỳnh Hữu Cửu ghi chú: Các thế giới được thành lập có nhiều nguyên do: Pháp lực của Diệu tâm, Thần lực của chư Phật, Nguyện lực của các Bồ-tát và Nghiệp lực của các chúng sanh. Thế giới hư hoại cũng vì các nguyên do trên.
Hai hình này trích trong Làng Văn số 75, tháng 11-90,
trong bài của Huỳnh Hữu Cửu
7. KIẾP.
Trong cách nói hàng ngày, chúng ta hay dùng chữ kiếp, thí dụ “một kiếp người” “cho đáng kiếp”, chữ kiếp ấy ý nói một đời, một thời gian chừng 100 năm là nhiều. Trong đạo Phật chữ kiếp có nghĩa khác rất xa nghĩa trên. Chữ sanskrit kalpa, phiên âm thành kiếp-ba, dịch là đại thời.
Thế giới phải theo luật thành trụ hoại diệt hay thành trụ hoại không. Các thời kỳ thay đổi được tính bằng tiểu kiếp, mỗi tiểu kiếp dài 16.798 .000 năm tức là gần 17 triệu năm. 20 tiểu kiếp thành một trung kiếp (355.960.000 năm, gần 356 triệu năm). 4 trung kiếp thành một đại kiếp 1.343.840.000 năm, gần 1 tỉ 344 triệu năm).
Mỗi thời kỳ thành, trụ, hoại, không của tam thiên đại thiên thế giới kéo dài một trung kiếp, cho nên tất cả quá trình thành trụ hoại không kéo dài một đại kiếp.
thành trụ hoại không
20 tiểu kiếp [׀׀׀׀׀׀׀׀׀׀׀ ] 1 trung kiếp 1 trung kiếp 1 trung kiếp 1 trung kiếp
Đại kiếp của chúng ta đây gọi là Hiền Kiếp, đại kiếp trước gọi là Trang Nghiêm Kiếp, đại kiếp sau gọi là Tinh Tú Kiếp. Mỗi đại kiếp có 1000 vị Phật. Hiện nay chúng ta đang ở vào thời nào? ở phần sau của tiểu kiếp thứ 9 của thời kỳ trụ. (Phần trước là phần mà tuổi con người cứ tăng dần, phần sau là phần mà tuổi con người cứ giảm dần). Trong 8 tiểu kiếp trước đó, không có Phật. Đến tiểu kiếp thứ 9 có 4 đức Phật ra đời là: Câu Lưu Tôn Phật, Câu Na Hàm Mâu Ni Phật, Ca Diếp Phật, Thích Ca Mâu Ni Phật.
Trong tiểu kiếp thứ 10 sắp tới sẽ có đức Phật Di Lặc ra đời, ngồi dưới cây Long Hoa mà thuyết pháp nên có hội Long Hoa. Phải đợi gần 9 triệu năm nữa đức Phật Di Lặc mới ra đời!
8. KẾT LUẬN. Trên đây là vũ trụ quan của Phật giáo nói hết sức sơ lược. So với vũ trụ quan của khoa học ngày nay thì người ta có thể nghĩ rằng các điều trình bày trên chỉ riêng thuộc về Phật giáo. Điều ấy đúng. Mục đích của chúng tôi là trình bày một số điều cơ bản để người học Phật hiểu rõ hơn những điều nói trong kinh. Nghĩ xa, thì với trí tuệ thông thường, chúng ta thấy các phát minh khoa học hiện đại là hay, là tiến bộ; tuy nhiên các hiểu biết ngày nay và sắp tới còn đang và sẽ chuyển biến, rất có thể cái gì hôm nay đúng hay đủ thì mai trở thành lạc hậu hay thiếu sót. Trung tâm gia tốc thuộc Đại học Stanford ở Hoa Kỳ vừa mới loan tin tìm ra một loại “hạ nguyên tử” mới là Ds(2317), buộc các nhà vật lý phải xem xét lại các hiểu biết hiện tại về hạt quark!
Với trí tuệ bát nhã của các vị toàn giác, chư Phật nhìn vạn pháp một cách “như thị”. Vả lại, cái có tương đối “tại đây và bây giờ” chỉ là giả có. Huyễn có!
Đã huyễn còn nói làm chi? Nói để biết tìm đường mà tu.
Tu khó quá. Đúng, quả là khó. Có ai nói tu là dễ đâu! Nhưng có một con đường giải thoát thích hợp với mọi người ngay từ thời xưa và nhất là thích hợp với mọi người thời nay: Hãy nhất tâm niệm Phật cầu vãng sinh Tây Phương, tới đó có chư Phật, chư Bồ tát, chư thượng thiện nhân chỉ đường tu mà đắc quả Phật. Khó tin! Chính đức Thích-Ca đã bảo thế rồi.
Hãy tin thật vững, nguyện thật thiết, hành thật chuyên. Chậm thì lỡ. □
CHÚ THÍCH.
(1) Sách lại nói đến tam giới cửu địa. Cửu địa hay cửu hữu, cửu môn, cửu hữu tình cư là chín địa vị trong ba cõi gồm có: 1 dục giới ngũ thú địa, 4 thiền thiên và 4 không thiên. Kể rõ ra là :
1/ Ngũ thú địa hay ngũ thú tạp cư địa trong Dục giới là nơi có chúng sinh ở trong 5 cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, nhân, thiên (sách quên ghi các thần, tức là a-tu-la!)
2/ Ly sinh hỷ lạc địa (Sơ thiền thiên)
3/ Định sinh hỷ lạc địa (Nhị thiền thiên)
4/ Ly hỷ diệu lạc địa (Tam thiền thiên)
5/ Xả niệm thanh tịnh địa (Tứ thiền thiên)
6/ Không vô biên xứ địa (6,7,8,9 gọi chung là tứ không thiên)
7/ Thức vô biên xứ địa
8/ Vô sở hữu xứ địa
9/ Phi tưởng phi phi tưởng xứ địa
(2) Từ điển Đoàn Trung Còn viết: A-tu-la là một trong mười hạng chúng sinh (thập giới, thập loại), một nẻo trong sáu nẻo, một bộ trong tám bộ chúng sinh (coi thiên long bát bộ dưới đây). Nhân dịp này, xin ghi chú rằng cụ Nguyễn Du đã viết Văn tế thập loại chúng sinh, liên quan đến rằm tháng bảy. Thập loại chúng sinh nói trong đó không phải là mười loại mới kể trên đây. Cụ Nguyễn Du nói đến mười loại sau này: vua chúa bị giết, quý nữ liều thân, tể thần thất thế, đại tướng bại trận, ham giàu chết đường, ham danh chết quán, buôn bán chết xa, binh lính chết trận, kỹ nữ cô đơn, chết vì nghèo nàn tai họa.
Thiên long bát bộ là những gì? Thiên là nói về chư thiên ở cả tam giới. Long là nói về các loài rồng. Chữ sanskrit nāga phiên âm thành na-già, dịch là rồng hay long. Có long chúng và Long Vương. Long Vương là vua các loài rồng, cai quản các suối, sông, ngòi, biển. Long Vương có lâu đài dưới biển để sinh hoạt và để giữ gìn các kho báu và bảo toàn các kinh sách (như kinh Hoa Nghiêm) vì loài người chưa đủ tầm hiểu biết.
Thiên và Long mới là hai, còn sáu loài nữa là những gì? Đó là: Dạ-xoa (Yaksa, quỷ dạ xoa, tuy là quỷ nhưng mộ Phật pháp); Càn-thát-bà (Gandharva, thần âm nhạc, hát hay); A-tu-la (Àsura, thần ở núi, hang và ở biển); Ca-lâu-la (Garuda, thần chim cánh vàng nên còn có tên là Kim xí điểu); Khẩn-na-la (Kinnara, nửa giống người, nửa giống thần nên còn được gọi là Nhân phi nhân); Ma-hầu-la-già (Mahoraga, đại mãng thần tức là thần rắn lớn, loại rắn chúa mình rắn nhưng có đầu người).
Chữ sanskrit āsura phiên âm là a-tu-la, gọi ngắn là tu-la, dịch là phi thiên. Đó là những thần có thần lực, có cung điện nhưng không đoan chánh như chư thiên. A-tu-la có ba loại: a- tu-la thiện đạo ở khoảng đất trống ngoài thành của Tứ Thiên Vương núi Tu-Di ; a-tu-la quỷ đạo ở theo bờ biển, các hang núi; a-tu-la súc đạo ở dưới đáy biển. A-tu-la nữ thì rất đẹp, a-tu-la nam thì xấu xí. Trong kinh Pháp Hoa, phẩm thứ nhất, có nói đến bốn A-tu-la Vương dẫn nhiều quyến thuộc đến nghe pháp. Nên nhớ: người nóng giận hay bị tái sinh vào cảnh giới a-tu-la.
(3) Cư sĩ Liêu Địch Nguyên viết một cuốn sách nhỏ do thày Quảng Phú dịch ra tiếng Việt, lấy tên là Liễu sinh thoát tử, sau đổi thành Thoát vòng sống chết, trong sách có mấy trang nói về bốn châu mà người ta cần cho các thân trung ấm biết như sau :
1/ Đông thắng thần châu. Nếu thân trung ấm thấy một cái hồ trong đó có những chim hồng, chim nhạn, họp thành bầy lũ, trống mái rượt nhau dạo chơi trên mặt nước thì đó là Đông thắng thần châu. Chớ có đi vào đó vì tái sinh ở đó tuy được an vui nhưng vì đắm theo vui nên quên tu, không siêu sinh thoát tử được.
2/ Nam thiệm bộ châu. Nếu thân trung ấm thấy những cung điện huy hoàng thì đó là Nam thiệm bộ châu. Nếu còn mong được thọ sinh thì nên cầu sinh về châu này. Vì ở đây có Phật pháp đang lưu hành, còn có thể tu trì mà được siêu thoát. Loài người chúng ta ở châu này.
3/ Tây ngưu hóa châu. Nếu thân trung ấm thấy một cái hồ hai bên bờ có trâu gặm cỏ thì đó là Tây ngưu hóa châu. Chẳng nên đến đó vì tuy giàu có nhưng chính vì giàu có mà thêm lòng tham, khó tu hành.
4/ Bắc câu lư châu. Nếu thân trung ấm thấy một cái hồ trên bờ có các loài súc vật cùng cây cối thì đó là Bắc câu lu châu. Ở đây, tuy sung sướng và sống lâu nhưng không có Phật pháp lưu hành, không mong gì liễu sinh thoát tử nên chẳng nên đến.
Đó chỉ là lời nhắc nhở ngắn gọn để cho thân trung ấm dễ nhớ.
● Tự điển bách khoa Phật giáo của Philippe Cornu (Dictionnaire Encyclo-pédique du Bouddhisme, ed. du Seuil, Pháp, 2001 – tôi đã mô tả núi Tu-Di theo sách này) dựa theo A-tì-đạt-ma, mô tả rõ hơn:
1/ Đông thắng thần châu màu trắng, hình bán nguyệt. “Người” ở đó cao lớn gấp đôi chúng ta, mặt bán nguyệt, hiền hòa, ăn chay, thọ trên 200 tuổi, ở đó không có Phật pháp. Nơi này có núi quý toàn kim cương, lưu ly, hồng ngọc, lam ngọc, hạt trai, vàng, bạc và pha lê.
2/ Nam diêm phù đề (nơi chúng ta ở) màu xanh, hình giống như hình thang; nơi đó, may mắn có chư Phật và Phật pháp. Người tho chừng 100 năm. Có nhiều cây diêm phù.
3/ Tây ngưu hóa châu màu đỏ, hình tròn. “Người” ở đó mặt tròn, cao lớn gấp bốn chúng ta, thọ đến 500 tuổi. Họ nuôi trâu bò, uống sữa.
4/ Bắc câu lư châu màu xanh lá cây, hình vuông. “Người” ở đó hết sức cao lớn, mặt như mặt ngựa, sống lâu cả ngàn tuổi, sung sướng vì đất tự nó sản xuất ra ngũ cốc cho mà ăn không phải lo cày cấy.
Người châu nọ không nhìn thấy châu kia, tất cả cũng không thấy được núi Tu-Di, trừ khi đã có thiên nhãn.
Dưới cõi Nam diêm phù đề có 8 địa ngục nóng (hỏa ngục) chồng lên nhau; chung quanh lại có 4 địa ngục. Còn có thêm 8 địa ngục lạnh (lãnh ngục) cũng xếp chồng lên nhau. 8 địa ngục này hoặc là ở gần các địa ngục nóng hoặc là ở dưới núi Thiết vi. Tội đồ sống trong đó. Ngạ quỷ thì sống trong các hầm ngầm dưới đất hay trong địa phận của Diêm Ma Vương (Yama, chớ lầm với Yàma tức Dạ-Ma) gọi ngắn là Diêm Vương, một tên khác là Tử Vương. Súc sinh thì sống rải rác dưới nước, trên cạn hay bay được trên không. □
TAM GIỚI
VÔ SẮC GIỚI. Tứ không thiên : Phi tưởng phi phi tưởng xứ 30
Vô sở hữu xứ 29
Vô biên thức xứ 28
Không vô biên xứ 27
SẮC GIỚI. Tứ thiền thiên : Đại tự tại thiên 26
Hòa âm thiên 25
Sắc cứu cánh 24
Thiện kiến 23
Vô nhiệt 22
Vô phiền 21
Vô tưởng 20
Quảng quả 19
Phước sanh 18
Vô vân 17
Tam thiền thiên : Biến tịnh 16
Vô lượng tịnh 15
Thiểu tịnh 14
Nhị thiền thiên : Quang âm 13
Vô lượng quang 12
Thiểu quang 11
Sơ thiền thiên : Đại phạm 10
Phạm phụ 9
Phạm chúng 8
Phạm thân 7
DỤC GIỚI. Lục dục thiên : Tha hóa tự tại 6
Hóa lạc 5
Đâu suất 4
Dạ Ma 3
Đao lợi 2
Tứ thiên vương 1
Cộng là 30 tầng trời
Dưới là Địa cư và Hư không cư. Tổng cộng là 32 tầng cho Tam giới
Theo P.Cornu : từ 1 đến 8 là địa ngục, 1 đến 4 là đế của thế giới. 1 là nơi trụ của Tứ Thiên vương, 2 là trời Đao Lợi , 3 là Dạ Ma, 4 là Đâu Suất, 5 là Hóa Lạc, 6 là Tha hóa tự tại (6 cõi trời này thuộc về Dục giới tức Kamadhatu). Rồi đến Sắc giới tức Rupadhatu, Cuối cùng là Vô sắc giới tức Arupadhatu.
Hoằng Hữu Nguyễn Phú
Hình:Chùa Vạn Phật Quang-Bà Rịa Vũng tầu- NN Sưu tầm
*NN chú thích: Một số bài viết trong Quyển 3 – như bài số 12 này, hay bài số 10 vừa qua: “Chữ ‘không ‘ trong đạo Phật” – có một nội dung mà độc giả cần thêm thì giờ để suy ngẫm, chúng tôi sẽ lưu bài viết lại trên trang web một thời gian lâu hơn thường lệ .
Trân trọng,
NN