28/05: 53.Mù sờ voi – 54. Bám níu
Category: Phật Học – Phật học ôn tập-
Posted by: Tbl Đọc: 5092 lần
BƯỚC VÀO CỬA PHẬT Quyển 2 (tiếp theo)
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
BÀI 53. MÙ SỜ VOI
1. Con người ta sinh ra, lớn lên .. phải chịu ảnh hưởng rất lớn từ gia đình, nhà trường và xã hội. Ấy là chưa kể ảnh hưởng của tôn giáo, của khung cảnh làm việc. Tất cả những yếu tố kể trên tác động mạnh mẽ lên mỗi con người, có thể nói là rèn đúc nên con người. Người ta còn nói đến nhiều yếu tố khác như nòi giống, màu da và của thậm chí các đảng phái chính trị! Theo đạo Phật, còn một yếu tố rất quan trọng, đó là cái nghiệp cũ từ các kiếp trước nay nằm trong a-lại-da của mỗi người. Chính vì cái nghiệp đó cho nên hai anh em ruột cùng hoàn cảnh gia đình, trường học và xã hội, tôn giáo … mà vẫn khác nhau! Khác nhau về tính nết, về sức khỏe, về trí thông minh, về sở thích … và về cách phản ứng trước mỗi sự kiện mà mình gặp trong đời.
2. Do những hoàn cảnh như vậy, nên mới có những ý kiến khác…
… biệt nhau về một vấn đề – dù chỉ là một vấn đề – giữa những cá nhân, những gia đình, những giai cấp, những tôn giáo, những dân tộc … Từ những khác biệt ấy mà nảy sinh ra dè bỉu, giận hớn, ghét bỏ, hận thù, thậm chí xung đột võ trang và chiến tranh. Nào là những thiên kiến tức là những ý kiến nghiêng về một phía nào đó, thí dụ như cho rằng chỉ có chủ nghĩa X, học thuyết Y là đúng, còn các chủ nghĩa hay học thuyết khác đều sai… Nào là thành kiến, định kiến tức là những ý kiến có sẵn trong óc mình, cứ thế mà theo, không chịu thay đổi, thí dụ như cho rằng “mẹ chồng người Bắc rất khó tính”. Nào là biên kiến, tức là những ý kiến cực đoan, thí dụ cho rằng xã hội này nát quá rồi, phá đi hết, chẳng cần chính quyền gì cả!
Tất cả những thứ vừa kể không những làm cho con người khó thông cảm với nhau, thù nghịch nhau mà quan trọng hơn cả là làm cho người ta không tìm ra được sự thật!
3. Đứng trước những ý kiến khác nhau, đạo Phật dạy phải suy nghĩ kỹ càng khi gặp một vấn đề. Đức Phật đã dạy trong kinh Kālāma (Tăng Nhất tập) rằng chúng ta cần phải suy xét kỹ kưỡng về mọi điều, kể cả lời dạy của thày mình tức là của chính đức Phật. Kinh nói : Một ngày kia, đức Phật đi qua một làng tên là Kesaputta. Dân chúng nơi đó gọi là dân Kàlàma ; khi nghe Phật đến, đón Ngài để hỏi: Bạch Ngài, những nhà tu đến đây thuyết pháp, nhưng họ cho rằng chỉ có giáo lý của họ là đúng; còn lại tất cả đều sai lầm! Chúng con hoang mang chẳng biết ai sai ai đúng. Phật nói: Các người hoài nghi là phải ! Các người đừng bao giờ để cho ai dẫn dắt mình cả, sách vở cũng vậy, lý trí cũng vậy. Đừng tin theo những kẻ lý luận hay, biện bác giỏi; cũng đừng để cái hào nhoáng bên ngoài trông như hữu lý nó cám dỗ các người, hoặc người nói đó là bậc thày của mình ! Chỉ khi nào tự mình các người biết rằng việc gì thuận với mình, tốt đối với mình thì hãy nhận và theo. Còn trái lại, cái gì các người tự mình nhận thấy không hạp, giả dối xấu xa … thì hãy xa lánh nó.
Vậy ai đến với đạo Phật, sẽ tự mình suy nghĩ , cân nhắc và quyết định. Không cần phải tin điều gì mà mình chưa cân nhắc, chưa hiểu. Dù quy y Tam Bảo hay chưa, tất cả chúng ta đều có thể chọn cách sống mà Phật đã chỉ dạy.
4. Ngày xưa, khi còn nhỏ, tôi đã nghe nói đến câu chuyện nhiều người mù từ lúc mới sinh được sờ một con voi. Sau đó, mỗi người tả con voi theo nhận xét của mình. Ý kiến của các người mù đó khác nhau rất nhiều. Và bài học rút ra từ chuyện ấy rất đơn giản : người ta chỉ biết một phần của sự thật, khó mà biết được sự thật toàn vẹn. Khi đã được xem kinh Phật, tôi mới hiểu rằng chuyện “người mù sờ voi” là một truyện trong kinh Phật, như sau :
Trong phẩm Mù bẩm sinh của bộ kinh Phật Tự Thuyết, kinh số 66 có tên là Các giáo phái ngoại đạo, đức Phật dùng thí dụ về những người mù sờ voi. Kinh viết : Vào dạo ấy, đức Phật và một số đông các vị tỳ-kheo đang trú tại thành Xá-Vệ. Nơi đó cũng tụ tập nhiều tu sĩ ngoại đạo thuộc nhiều giáo phái khác nhau. Họ chủ trương và thuyết giảng các quan điểm xung khắc về thế giới, về cuộc đời, về thân thể, về sanh mạng, về sống, về chết. Mỗi nhóm khăng khăng bảo vệ ý kiến riêng của mình. Họ tranh luận và đả kích nhau bằng các vũ khí cay độc của miệng lưỡi, nói rằng: Như thế kia không phải là sự thật. Như thế này mới là sự thật … Các vị tỳ-kheo vào thành Xá-Vệ khất thực, chứng kiến các cảnh tranh cãi của ngoại đạo, sau đó vào đảnh lễ đức Phật và kể lại các chuyện ấy.
Đức Phật dạy: … Này các tỳ-kheo, thuở xưa có một ông vua. Một hôm nhà vua ra lệnh: có bao nhiêu người ở kinh đô này, sinh ra đã mù, hãy nhóm họ lại một chỗ. Quan quân vâng lệnh. Nhà vua sai : Hãy đem một con voi ra đây. Rồi nhà vua ra lệnh cho quan quân để họ sờ con voi và nói cho họ biết rằng: Đây là con voi. Trong số những người mù đó, người thì sờ vào đầu voi, người thì sờ tai voi, người thì sờ chân voi, kẻ lại sờ đuôi voi và có kẻ chỉ sờ chùm lông ở đuôi voi. Lúc đó vua lên tiếng hỏi những người mù rằng: Đã thấy con voi chưa?. Người đã sờ đầu voi thưa rằng con voi như cái thùng phi. Người đã sờ tai voi thưa rằng con voi như cái rổ sàng gạo. Người đã sờ chân voi thưa rằng con voi như cái cột nhà. Người đã sờ đuôi voi thưa rằng con voi như cái chày. Người đã sờ túm lông ở đuôi voi thưa rằng con voi như cái chổi. Thế rồi ai cũng cho mình là phải: Con voi không phải như vậy, như thế này mới là con voi, con voi nó như thế này. Họ cãi nhau. Họ đả kích nhau bằng miệng cho đến khi đánh nhau bằng tay.
Này các tỳ-kheo, nhà vua mỉm cười trước cảnh tranh cãi của đám người mù… Rồi đức Phật thốt lên bài kệ:
Có nhiều du sĩ bà-la-môn
Chấp chặt quan kiến của mình
Những ai thấy một phía của sự việc
Thường hay chỉ trích và tranh luận
Dựa vào đó, ý kiến của chúng tôi là: người ta thường chỉ nắm được một phần của chân lý và vì thế nên tránh những cực đoan, tránh những lý luận kiểu cho rằng chỉ có mình là đúng vì biết đâu rằng mình chỉ thấy có một khía cạnh nào đó của sự thật. Vì thế mọi người phải học hỏi, phải suy xét, phải cân nhắc những ý kiến của mình và của người khác.
Khuyên dân Kālāma như đã trình bày ở trên không hề có nghĩa là khuyên họ hoài nghi; thật ra là khuyên họ suy nghĩ đắn đo, chín chắn; sau khi suy nghĩ kỹ lưỡng rối, đánh giá thiện ác rồi mới tin. Cái nghi nếu có chỉ là một cái chấm hỏi, đặt vấn đề, tìm hiểu chứ không phải nghi rồi mất lòng tin, bỏ qua luôn, không xét nữa.
Ở ngoài đời, người ta nghi một thứ gì đó là do nó không hợp với sở thích của mình, nó ngoài sự tưởng tượng của mình, nó quá sức hiểu biết, quá sức tu học của mình, nó lạ lùng chẳng giống những cái mà mình đã thấy. Đây là nghi ngờ, chưa tin, tuy vậy nếu được học hỏi, giải thích cho hiểu thì sẽ tin.
5. Bây giờ, xin thưa rằng đạo Phật coi NGHI là một trong các phiền não. Phiền não căn bản là ba độc tham sân si như chúng ta đã biết từ lâu. Còn có nhiều thứ: tứ phiền não, lục đại phiền não, thập phiền não. Tứ phiền não gồm có: 1/ ngã si, tức là cái vô minh của mình. 2/ ngã kiến, tức là chấp mình có thật, chấp cái “ta”, chỉ thấy cái “ta”. 3/ ngã mạn, tức là cho rằng mình hơn người. 4/ ngã ái, tức là tự ái, chỉ biết thương mình mà thôi.
Lục đại phiền não là những gì? Đó là: tham, sân, si, mạn, nghi (nghi ngờ chánh pháp), ác kiến (tin nhảm, tưởng sai).
Thay chữ ác kiến trên đây bằng 5 thứ khác thì được thập phiền não: tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến (ngã kiến), biên kiến (chấp một bên, thí dụ: chấp thường, chấp đoạn…), tà kiến (ý kiến sai lầm, thí dụ: chối bỏ nhân quả…), kiến thủ kiến (bo bo giữ ý kiến dù rằng sai), giới thủ kiến (giữ những giới sai lầm, thí dụ tôn kính con bò…).
6. Bài học cho chúng ta là :
Phải quay vào trong, xét chính mình, để coi xem đâu là những phiền não đang trói buộc mình, làm hại mình và tìm đường dứt phiền não.
Phải nhũn nhặn, đừng cho rằng chỉ có ý kiến của mình là đúng.
Phải học hỏi, phá nghi hoặc ngõ hầu tiến tu. □
BÀI 54. BÁM NÍU
Trong Tăng Chi bộ kinh, có kinh Mười Đề Tài Thảo Luận, chúng ta được đọc mấy dòng sau đây:
… Đức Thế Tôn, sau thời nghỉ trưa, ghé qua phòng sinh hoạt. Khi đến nơi, ngài ngồi vào một chỗ đã được xếp sẵn. Rồi ngài hướng về các vị khất sĩ và hỏi: “Các ông hội họp nơi đây để nói về đề tài gì, và đang thảo luận đến đâu khi ta bước vào và cắt ngang câu chuyện?” “Bạch Thế Tôn, vừa mới đây, chúng con họp ở phòng sinh hoạt sau khi khất thực và thọ trai, rồi nói chuyện về nhiều đề tài như sau: ‘Này quý bạn, vua Tần-Bà-Sa-La của nước Ma-Kiệt-Đà hay vua Ba-Xà-Na-Đề của nước Câu-Thi-La, vị nào giàu sang hơn, có nhiều của cải hơn, kho báu lớn hơn, nhiều voi ngựa hơn, quân đội hùng hậu hơn, nhiều uy thế hơn, nhiều quyền lực hơn?’.Cuộc thảo luận ấy chưa đi đến kết luận khi Thế Tôn bước vào.”
Đức Phật dạy: “Này các khất sĩ, có mười đề tài nên thảo luận. Những gì là mười? Hãy nói về lòng khiêm tốn, về niềm vui bình dị, về việc xa lánh trần tục, về sự không vướng mắc, về hạnh tinh tấn, về giới đức, về định lực, về trí tuệ, về giaỉ thoát, về giải thoát tri kiến . Đó là mười đề tài chính đáng. Nếu quý vị cứ liên tục thảo luận về mười đề tài này cho đến nơi đến chốn, quý vị sẽ sáng hơn mặt trời và mặt trăng, đầy dõng mãnh và hùng lực.”
Hôm nay, chúng tôi xin nói vê một trong mười điều trên đây, đó là sự không vướng mắc, không bám níu. Con người thường vướng mắc, thường bám níu chặt nhất, mạnh nhất vào những cái gì? Thoạt tiên là cái thân; dĩ nhiên ai cũng lo cho cái thân mình, lo cho nó khỏe mạnh, vì sức khỏe đáng ngàn vàng theo như ý kiến chung. Dĩ nhiên ai cũng lo cho cái tâm này được an lạc. Tập thể dục cho thân thể tráng kiện thì quả là tốt, ngồi thiền cho cái tâm bình thản lại, niệm Phật cho cái tâm hết lăng xăng, như thế là đáng khen, đáng khuyến khích. Tuy vậy, khi đã bám níu vào cái thân, vào cái tâm thì lại săn sóc nó quá đáng, làm dáng cho nó, chau chuốt cho nó, thế là tốn thời giờ, tốn tiền bạc, bao nhiêu công việc hàng ngày để đâu? Các bổn phận về mọi phương diện để đâu?
Rồi đến sự bám níu vào lục trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Mắt vướng sắc, tai vướng tiếng, mũi vướng hương, lưỡi vướng vị, thân vướng xúc, ý vướng pháp. Lục căn tiếp xúc với lục trần là việc bình thường hàng ngày, có gì đáng chê trách? Cái đáng chê trách là sự vướng mắc, vướng mắc đến trở thành nghiện, không có không được. Một thí dụ nhỏ như nghiện thuốc lào, muốn dứt mà dứt không nổi, “đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”. Như vậy thì mình là nô lệ của thuốc lào. Người nô lệ của rượu, của món nhậu vv… cũng như vậy. Không nghiện những thứ ấy, có người lại nghiện thứ khác mà không nhận ra. Đó là bám níu vào những kỷ niệm vui, buồn trong quá khứ, nhất là kỷ niệm vui nó ve vuốt mình; đó là bám níu vào những dự kiến xa vời hay không tưởng về tương lai. Đó là bám níu vào những quyền lợi vật chất hay tinh thần đang được hưởng thụ, bám đến nỗi không ngại ngùng chà đạp lên quyền lợi của người khác!
Lại còn thêm sự bám níu vào những ý tưởng, những kiến thức, những chủ nghĩa vv… mà mình mê say. Đáng trách hơn nữa là: có khi biết những thứ đó sai rồi mà vẫn cố lý luận để nghĩ rằng mình phải. Phân tích ra thì thấy lý do là lòng tự ái, tự ái cho nên không muốn nghĩ rằng mình đã chọn sai, đã lầm đường lạc lối, tự mình sai mà còn dắt người khác sai theo; người ta ví như một anh mù dắt theo một đoàn mù! Cũng có thể lý do là quyền lợi riêng!
Chúng ta vừa nói đến chữ tự ái, yêu cái ta. Như thế chúng ta đi vào cốt lõi của vấn đề. Vấn đề nằm ở chỗ bám níu vào cái “ta”, cái “của ta”. Bám níu vào cái “ta” và cái “của ta” quả thật thì ai cũng có, có một cách tự nhiên, sinh ra là đã thế rồi. Bệnh này nặng nhất, làm phát sinh ra nhiều vấn đề. Cái gì cũng muốn là “của ta”, là “thuộc về ta”. Được rồi mà vẫn thấy chưa đủ cho nên đòi thêm, chiếm thêm, có khi hại người khác để vơ về phần mình cho nhiều … Đó là tham. Lòng tham thì không đáy!
Khi nào không được như ý mình thì bực bội, cáu kỉnh, ghen ghét, thù hận … Đó là sân. Giận mất khôn! Ai cũng biết như vậy mà mấy ai tránh được.
Coi cái ta là có thật, là nhất, đó gọi là chấp ngã. Đạo Phật dạy lý vô ngã. Mọi pháp trên thế gian này đều do duyên hợp, đủ duyên thì có hết duyên thì tan, làm gì có tự thể riêng biệt. Thế gọi là vô ngã. Cái ta này là giả hợp, đâu có thật. Cho nên chấp trước rằng cái ta có thật là một điều sai. Nhìn sự vật không đúng sự thật gọi là si.
Tham sân si là ba độc, là ba phiền não căn bản. Lẽ ra nên xếp thứ tự là si tham sân vì si là cội gốc, là thủ phạm. Vì nhìn sai, hiểu sai nên mới cho cái ta là thật, mới sinh ra tham và sân rồi bấu víu, bám níu đủ thứ, từ đó mà sinh ra đau khổ.
Đạo Phật là đạo thoát khổ. Muốn thoát khổ thì tu bát chánh đạo. Tuy nhiên, trước mắt là tu sao cho đừng bám níu, phải buông xả. Cuộc đời tự nó không khổ, chỉ vì mình bám níu nên mình khổ, cho nên mình phải buông xả. Có người kia chỉ trích ta, ta nghe thấy, ta phiền lòng, bực bội, tìm cách trả thù vv… Nếu ta tập dần dần, biết tiếng chỉ trích chỉ là âm thanh, âm thanh tự nó chẳng khổ, cho nên mình chẳng chấp, mình buông xả, như thế tâm mình được an. “Nhưng nó nói xấu tôi, tôi chịu không nổi!”. Đấy, có chữ “tôi” rồi, cái “ta” nó nổi lên rồi. “Vậy thì nhịn à? Chịu không thấu!”. Nhịn như thế mới là tu, là buông xả, là nhẫn nhục. Đức Phật có dạy một người rằng: “Còn ông, đối với bất cứ việc gì ông cũng bị vướng mắc như vậy, làm sao ông giải thoát được?”. [Xin coi Phụ Lục 1 ở cuối bài này].
Khi nói về xả thì người ta thường nhắc tới hạnh xả của bồ tát Di-Lặc. Ngài Di-Lặc có một hóa thân, đó là Hòa thượng Bố Đại, xuất hiện vào thời nhà Lương bên Trung Quốc. Hòa thượng ăn mặc xốc xếch, đi đâu thì thường mang một cái bao lớn bằng vải bố, gặp ai có món gì thì xin, bỏ vào bao; khi gặp trẻ con thì đem ra phân phát … Một hôm có người hỏi rằng: “Đại ý Phật pháp là thế nào?”. Hòa thượng buông cái bao lớn xuống đất rồi đứng thẳng, khoanh tay. Hỏi tiếp: “Chỉ là như vậy, hay lại có việc hướng thượng?”. Hòa thượng nhặt cái bao, vác lên vai mà đi. (Xin coi thêm Phụ Lục 2)
Ý nghĩa thế nào? Đại ý Phật pháp là xả, là buông bỏ, là hết bám níu; cho nên cái bao đang ở trên vai, bèn quẳng xuống, thế là buông bỏ. Còn đeo đẳng, còn chấp trước thì không thể “vào” Phật pháp được. Tự ý xả, vui mà xả, chẳng phải do ai ép buộc. Rồi sao nữa? Còn pháp hướng thượng, là gì? Là giác ngộ. Mang cả cái bao lên vai, là được tất cả, được giác ngộ!!
Để kết luận, xin thưa rằng: bám níu là một việc rất thường tình, bám níu càng chặt thi càng đau khổ. Gốc của bám níu là chấp ngã. Phải tu tập hạnh xả; nói thì dễ nhưng mấy ai thực hành liên tục và tích cực. Vì thế phải tập, mỗi ngày một chút. Đến chùa lạy Phật, tụng kinh, xong rồi về nhà đâu lại vào đó thì không ích lợi gì cả. Phải tự sửa mình, mỗi ngày một chút. Đối với các vị lớn tuổi, chăm niệm Phật, có lẽ dễ hơn, bởi vì niệm Phật liên tục là một cách buông xả đơn giản! Đối cảnh vô tâm, mạc vấn thiền! □
PHỤ LỤC
(1) Tại kinh thành Sāvatthi của xứ Kosalā, có một pháp sư ngoại đạo tên là Atula. Một hôm Atula dẫn một nhóm đệ tử đến vấn đạo tôn giả Revata. Ngài Revata ngồi yên. Atula bỏ đi và trách: “Thuyết pháp như vậy thì ai hiểu!”. Sau đó Atula và các đệ tử tới vấn đạo tôn giả Sāriputta. Ngài Sāriputta giảng tường tận về lý duyên khởi. Atula bỏ đi và trách: “Thuyết pháp dài dòng như vậy thì ai hiểu!”. Sau đó Atula và các đệ tử tới vấn đạo tôn già Ānanda. Ngài Ānanda giảng vắn tắt về phước baú của hạnh bố thí. Atula bỏ đi và trách: “Thuyết pháp ngắn gọn như vậy thì ai hiểu!”. Cuối cùng, Atula đến đảnh lễ đức Phật và thuật lại đầy đủ về ba sự kiện vấn đạo ấy. Đức Phật dạy: “Cuộc đời là thế! Không nói cũng bị trách. Nói nhiều cũng bị trách. Nói ít cũng bị trách. Còn ông, đối với bất cứ việc gì, ông cũng bị vướng mắc như vậy, làm sao ông giải thoát được?”
(2) Khi Phật còn tại thế, có một người tìm đến cầu học, hai tay cầm hai bó hoa lớn để cúng dường. Khi thấy người ấy, đức Phật bảo: “Buông!”. Ông ta buông tay trái, bó hoa rớt xuống đất, đức Phật lại bảo: “Buông!”. Ông ta buông tay phải, bó hoa kia cũng rớt xuống đất. Đức Phật lại bảo: “Buông!”. Ông ta ngơ ngác, thưa: “Bạch Thế Tôn, con đa buông cả hai tay rồi. Còn gì nữa mà buông?”. Đức Phật dạy: “Như Lai bảo ông buông lần thứ nhất là dạy ông buông sáu căn, lần thứ hai là dạy ông buông sáu trần, lần thứ ba là dạy ông buông sáu thức. Khi căn, trần, thức không vướng mắc thì tất cả 18 giới sẽ không sinh khởi, lúc ấy ông được giải thoát”.
● Trong Tăng Chi Bộ Kinh (Chương “Sáu Pháp”, phẩm “Đáng được cung kính”), đức Phật dạy:
“Này các tỳ kheo, hãy thực tập sáu pháp vô thượng. Những gì là sáu?
Mắt thấy sắc, không ưa, không ghét – quân bình, chánh niệm, tỉnh giác.
Tai nghe tiếng, không ưa, không ghét – quân bình, chánh niệm, tỉnh giác.
Mũi ngửi mùi, không ưa, không ghét – quân bình, chánh niệm, tỉnh giác.
Lưỡi nếm vị, không ưa, không ghét – quân bình, chánh niệm, tỉnh giác.
Thân cạm xúc, không ưa, không ghét – quân bình, chánh niệm, tỉnh giác.
Ý đối với pháp, không ưa, không ghét – quân bình, chánh niệm, tỉnh giác.
Ai thành tựu sáu pháp ấy, xứng đáng cho chư thiên và nhân loại tôn trọng, cung kính, cúng dường, là phước điền vô thượng ở đời”.
● Trong Tương Ưng Bộ Kinh, đức Phật dùng biển làm thí dụ:
“Bậc thánh đệ tử thấy mắt là biển, sắc trần là sóng; tai là biển, thanh trần là sóng; mũi là biển, hương trần là sóng; … sáu căn là là biển, sáu trần là sóng. Nếu ai kham nhẫn nổi những đợt sóng vùi dập của sáu trần – sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp – thì người ấy vượt được qua biển lớn, tức là sang tới bờ giải thoát sinh tử”.
Sáu trần tạo duyên cho tâm chạy lăng xăng. Mắt thấy cảnh, tâm chạy theo cảnh, là tâm động. Mắt thấy cảnh, tâm không chạy theo cảnh, là tâm an . Vì vậy, muốn hàng phục tâm, thì đừng vướng mắc vào sáu trần, chỉ ghi nhận trung thực trong thái độ buông thả, mà không phán xét, không thêu dệt. □
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
(Hình: Borobudur 2 – NN sưu tầm)
Paid Links