21/10: Chết Là Hết -Mà Cũng Không Phải Là Hết
Category: Phật Học – Phật học ôn tập-
Posted by: Tbl Đọc: 6049 lần
(LGT- Bài thứ 69 kỳ này đã chấm dứt Bước Vào Cửa Phật – Quyển 1 .- Trong những kỳ tới, chúng tôi sẽ gửi đến bạn đọc Bước Vào Cửa Phật-Quyển 2 của tác giả Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú. Xin đón đọc . Hình bên là Ngôi chùa Hoa Sen ở Ấn Độ -NN sưu tầm)
BƯỚC VÀO CỬA PHẬT-QUYỂN 1
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
BÀI 69. CHẾT LÀ HẾT
MÀ CŨNG KHÔNG PHẢI LÀ HẾT
Trong nhiều dịp, tại giảng đường chùa chúng ta đây, quý vị đã nghe nói về nhân quả và luân hồi, nên tôi không có ý nhắc lại toàn bộ giáo lý về nhân quả và luân hồi, mà chỉ xin lấy ra một giai đoạn trong quá trình “luân chuyển liên tục” để làm đề tài của bài nói chuyện hôm nay.
Đức Phật thuyết bài pháp đầu tiên ở rừng Lộc Uyển cho năm tôn giả, mà ta hay gọi là anh em ông Kiều Trần Như. Bài pháp này ghi trong Kinh Chuyển Pháp Luân, một kinh căn bản nhất của Phật giáo. Kinh này dạy về Tứ Diệu Đế, tức là Bốn Chân Lý Vi Diệu, hoặc Bốn Sự Thật Do Các Bậc Thánh Chứng Nghiệm. Chân lý…
… thứ nhất : Có khổ. Chân lý thứ nhì : Nguyên nhân của khổ là tham ái, chấp thủ. Chân lý thứ ba : Có thể diệt khổ để chứng Niết-bàn. Chân lý thứ tư : Con đường thoát khổ là Bát chánh đạo.
Các nỗi khổ đau của chúng sinh, về cả vật chất lẫn tinh thần, thì rất nhiều, kể ra mãi không hết. Được kể đầu tiên là sinh, lão, bệnh, tử. Đã sinh ra là không thể nào tránh được già, ốm rồi chết. Đó là một quy luật trong trời đất, không ai có thể thoát ra khỏi quy luật đó được. Nếu người con Phật hiểu rõ như vậy thì sẽ rất bình thản trước cái chết cũng như rất bình thản trước bệnh tật. Lẽ dĩ nhiên, bệnh tật làm mình đau đớn nhưng khi mình hiểu đó là nghiệp quả mà mình phải gánh chịu thì dù không bình thản nổi thì cũng biết can đảm chịu đựng và nguyện sẽ cẩn trọng hơn khi tạo nghiệp mới.
Quả thật, khi người ta chết thì thân tứ đại tan rã. Nếu chỉ xét đến đó thôi thì người ta bảo: “chết là hết.” Phật giáo dạy rằng nói thế là “chấp đoạn”. Do cái nghiệp tích lũy từ nhiều kiếp trước và trong kiếp này mà mỗi chúng sinh bị nghiệp lực vô hình đẩy đi tái sinh vào một kiếp sau tương ứng với cái nghiệp ấy, đúng theo các luật nhân quả và duyên sinh. Xin nhắc lại: Tham ái là nhân tố thúc đẩy tái sinh, và nghiệp lực là duyên chính yếu trong tiến trình tạo tác chúng sinh. Đạo Phật khơng dạy “chết là hết” mà dạy rằng cái chết chỉ là một bước, một giai đoạn, trong tiến trình “sinh tử, tử sinh,” cứ thế hoài, trong từng sát-na của mỗi kiếp sống, rồi từ kiếp này sang kiếp tới. Cái tử lúc này là để chuyển sang cái sinh lúc tới. Cuộc đời có thể diễn tả bóng bẩy như các ngọn sóng nhấp nhô liên tục trên biển cả: nhô lên là sinh, hụp xuống là tử, sinh-tử, tử-sinh …
Trên đây, tôi nói “sinh tử, tử sinh, cứ thế hoài” chỉ là do thói quen mà thôi, chứ thật ra, đức Phật đã dạy mỗi người có thể chặt đứt cái vòng luân hồi đĩ do công trình cố gắng tu tập của chính mình. Vì thế mới có thành ngữ “vô thủy, hữu chung,” nghĩa là không biết bắt đầu từ đâu nhưng có chỗ chấm dứt, chấm dứt vòng sinh tử luân hồi. Khi chấm dứt được sinh tử luân hồi thì chúng sinh ấy trở thành bậc Thánh. Sự tu tập này không đơn giản và ngắn hạn, có thể kéo dài trong nhiều đời, nhiều kiếp. Nói như vậy, không phải để mà nản lòng, mà là để nhắc người tu tập nuôi dưỡng lòng kiên nhẫn trên đại lộ Bát chánh đạo, mà khởi đầu phải là Chánh kiến, tức là Hiểu Mọi Việc Theo Đúng Chánh Pháp.
Ngoài ra, nếu có ai vì không có Chánh kiến mà tin rằng thần hồn hoặc linh hồn sẽ còn mãi mãi (tức là một tự thể cố định) thì Phật giáo gọi đó là “chấp thường.” Chấp thường và chấp đoạn đều là biên kiến, không đúng với lẽ thật. Vì vậy, chúng tôi đặt tên cho bài này là “Chết Là Hết Mà Cũng Không Phải Là Hết” để diễn đạt hai ý: thứ nhất, “hết” vì người ấy sau khi chết đi thì không hiện diện nữa; thứ hai, “không phải là hết” vì có sự luân chuyển do nghiệp lực chủ động. Thêm vào đó, tiếng thơm để lại cho đời thì không bao giờ hết, cũng như gương sáng của Đức Thế Tôn vẫn sống mãi trong lòng của bao nhiêu thế hệ Phật tử.
Thông thường, người ta ai cũng sợ chết. Tại sao người ta lại sợ cái chết? Có nhiều lý do lắm song rút lại cũng chỉ là do quan niệm cố hữu về cái ta mà thôi. Những cái của ta, những cái thuộc về ta: vợ con, người thân, của cải, danh vọng, ước vọng, v.v… sẽ không còn nữa. Không còn là của ta nên ta tiếc! Xét cho kỹ theo cách nhìn của đạo Phật, lòng tham đóng vai chính trong việc này! Mà lòng tham đó gắn liền với cái ngã ảo tưởng của mỗi người.
Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng tôi đã được nghe kể một câu chuyện như sau này : Một người kia được ông lãnh chúa cho phép chạy bộ từ lúc mặt trời mọc tới lúc mặt trời lặn, chạy một vòng tròn tính từ nơi khởi hành, vòng tròn rộng bao nhiêu đất thì lãnh chúa ban cho bấy nhiêu. Người ấy cố chạy cho nhanh và cho xa hầu kiếm được nhiều đất. Khi thấy mặt trời sắp lặn thì lấy hết sức chạy về nơi khởi hành, nhưng khi về tới nơi thì mệt quá, lăn ra chết! Lúc ấy, lãnh chúa lạnh lùng bảo quân hầu: “Đem chôn hắn đi. Trên đời này, ai ai cũng chỉ được phép có ba thước đất mà thôi!”
Chắc quý vị cũng đã từng nghe người ta nói : “Lúc sinh ra đã trắng tay thì khi chết đi, cũng trắng tay!”, hay là: “Vơ vét cho nhiều, thì lúc chết cũng chỉ là cảnh xe tang đi trước, xe tiền đi sau mà thôi.” Các điều hiển nhiên đó đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, nhưng trong thực tế thì tuy người ta âm thầm đồng ý như vậy nhưng ít nguời chịu suy nghĩ sâu xa về các điều ấy để áp dụng vào đời sống của mình, áp dụng một cách có trí tuệ chứ không gàn dở. Gàn dở giống như trong câu chuyện cổ Hy Lạp: ông Diogène xưa kia sống không nhà cửa, trong tay chỉ có một cái bát. Khi thấy một người nghèo xuống sông dùng hai tay vục nước uống thì ông ta thấy cái bát của mình là dư thừa và liệng ngay cái bát đi!
Nếu hiểu rằng mọi thứ đều chỉ là vô thường, có đấy rồi mất đấy, thì chẳng nuối tiếc làm chi cho mệt. Nếu đi sâu vào Đạo thì lại hiểu thêm rằng mọi pháp có đấy nhưng mà chỉ là giả hợp mà thôi, lúc ấy mình lại bình thản hơn nữa. Tuy vậy, phải lên đến một trình độ nào đó mới hiểu biết và thực hành như vậy được, còn người phàm như chúng ta thì nhiều khi đọc sách, chỉ biết sơ sài như vậy mà đâu có thực hành được! Đọc kinh, nghe giảng, coi bình luận, ta thường tự bảo “Đúng quá! Đúng quá!” nhưng sau đó quên ngay, chẳng thay đổi được gì trong cách suy nghĩ và hành động của mình!
Tại sao vậy? Bởi vì chúng ta suy nghĩ (và từ suy nghĩ sang hành động) rập theo những nề nếp, những thói quen tích lũy từ nhỏ theo đời sống gia đình, trường học, xã hội, tơn giáo, chủ nghĩa v.v… Cộng thêm những tập khí đã huân tập từ bao nhiêu kiếp vô minh. Đứng trước một cảnh ngộ, một sự việc, một tình huống, chúng ta nảy ra tác ý phản ứng, mà tác ý này thì rập theo khuôn khổ của các khung cảnh vừa kể trên. Cái nếp ấy ăn sâu vào giòng nghiệp, càng ngày càng sâu, rất khó mà rũ ra, gột đi. Có người phấn đấu và cho rằng : “Tơi đã can đảm rũ bỏ những cái cũ rồi!” Tuy vậy, đó chỉ là một ảo tưởng vì người ấy lại rơi vào một cái khung mới. Thí dụ: con người cổ lỗ ở Phi Châu nghĩ rằng có hiếu với cha mẹ vừa từ trần là đem chôn vào bụng mình (tức là làm thịt cha mẹ để ăn), thế hệ sau đó có người nhất định làm khác, dứt khoát đem cha mẹ mới chết vất vào rừng! Bỏ nếp cũ, theo cách mới, nhưng cách mới lại là nếp thì cũng khó được coi là tiến bộ được!
Đạo Phật dạy: hãy thấy cái thực đằng sau các hiện tượng. Ví như thấy nước trong muôn vàn đợt sóng; sóng là hiện tượng, nước là bản thể. Phật dạy như lý tác ý, nghĩa là suy xét đúng theo sự thật, phù hợp với ba đặc tính của đời sống, đó là: Khổ, Vô Thường, Vô Ngã. Cả đời tu của mỗi người là vươn lên đến trình độ như lý tác ý vậy!
Trở lại đề tài, đó là cái bước từ kiếp này qua kiếp sau.
Lúc người ta gần kề hơi thở cuối, thì cận tử nghiệp tác động: cái gì mình ưa thích nhất, quý hóa nhất, làm nhiều nhất, nhớ nhiều nhất … ở trong cuộc đời mình (mà nổi bật nhất vẫn là tham ái) lúc ấy thể hiện để làm nhân tố tái sinh. Thí dụ: Ông chủ keo kiệt kia lúc nào cũng chỉ nghĩ đến mấy lọ vàng chôn dưới gầm giường nên khi chết tiếc của quá, vội đầu thai vào con chó để giữ nhà! Hoặc vị sư kia suốt ngày cặm cụi nơi vườn mía xum xuê ở sau chùa, lúc chết vẫn còn luyến tiếc vườn mía nên thác vào làm con sâu trong gốc mía!
Cận tử nghiệp mạnh như thế nên chúng ta phải tìm cách tạo một cận tử nghiệp tốt lành. Bao nhiêu việc gì cần làm, bao nhiêu điều gì cần nhắn nhủ gia đình, bè bạn v.v… đều làm cho xong, tiền bạc của cải không còn vướng mắc. Hãy chăm lo niệm Phật, ngay từ lúc còn tỉnh táo khỏe mạnh, niệm càng nhiều càng tốt, để cho bao nhiêu điều nhớ nghĩ về Phật tích lũy thật nhiều, để đẩy hết mọi ác niệm, tạp niệm ra ngoài tâm. Khi tâm đã có cái nếp ấy rồi, cái nếp ấy định hướng cho giòng nghiệp về Cõi Cực Lạc.
Xin nhấn mạnh : chúng ta phải luôn luôn chuẩn bị, dù ít tuổi cũng phải chuẩn bị, khơng nên nghĩ rằng “còn nhiều thì giờ, vài năm nữa lo tu cũng không sao.” Thật ra, nghiệp ngay lúc hiện tại đây là cận tử nghiệp bởi vì cận tử nghiệp là sự tích lũy liên tục và sinh tử là chuỗi dài luân chuyển, không ai biết trước cái thân mạng này chấm dứt lúc nào, có thể vài năm nữa, nhưng cũng có thể là giây phút tiếp theo lúc hiện tại.
Niệm Phật và nguyện vãng sinh về cõi của Phật A-Di-Đà là phương pháp hay nhất để thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi trong thời buổi khó khăn như hiện nay. Có nhiều pháp môn tu hành, nhưng pháp môn niệm Phật tương đối dễ thực hành hơn cả. Tuy dễ mà phải kiên trì chứ không thể lười biếng được. Niệm Phật chính là vun bồi cận tử nghiệp vậy!
Thế thì chúng ta nghĩ gì, làm gì? Chúng ta nghĩ đến nghiệp. Mỗi người có nghiệp riêng gọi là biệt nghiệp (đồng thời có nghiệp chung gọi là cộng nghiệp). Nghiệp riêng có tốt có xấu: nếu xấu hẳn thì đã sinh ra ở cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh; nếu tốt hẳn thì đã sinh lên cảnh giới chư thiên… Thế gian có câu “trả hết nghiệp thì về.” Có người về thảnh thơi, có người về vất vả; ấy cũng là do nghiệp quả. Trong cuộc đời của mỗi người, ngoài nghiệp cũ, lại có nghiệp tạo trong kiếp này. Nghiệp cũ, ta không làm gì được; nhưng nghiệp mới thì hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát của mỗi người, tốt hay xấu tùy ở mình, thiện hay ác cũng tùy ở mình. Ta có thể tạo nghiệp lành để làm nhẹ bớt hay triệt tiêu nghiệp dữ. Ai dám tự hào rằng trong đời mình, mình không phạm giới. Cho nên hàng ngày phải sám-hối cùng với tụng kinh. Già yếu như chúng ta, khó mà ngồi tụng kinh được, cho nên cách hay nhất là sám-hối và niệm Phật: “Nam Mô A-Di -Đà Phật.” Niệm thầm, niệm nhỏ, niệm ra tiếng đều được, lúc nào cũng được, nơi nào cũng được. Chăm chỉ đều đặn, tin tưởng mãnh liệt, quyết chí về Tây Phương.
Người nào hết lòng tin vào Đức A-Di-Đà, tha thiết nguyện xin về Cực Lạc, chuyên cần niệm hồng danh đức A-Di-Đà thì thế nào cũng được vãng sinh về cõi nước của Ngài vì Ngài đã phát đại nguyện như thế.
Kinh kính chúc quý lão đạo hữu: tin sâu, nguyện thiết, hành chuyên. □
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú