19/10: 67.Ba Tư Lương Về Tịnh Độ Tông-68.Thiền Tông
Category: Phật Học – Phật học ôn tập-
Posted by: Tbl Đọc: 5198 lần
BƯỚC VÀO CỬA PHẬT-Quyển 1
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
Bài 67.Ba tư Lương về Tịnh Độ Tông
1.Tịnh độ nghĩa là gì?
Tịnh, thanh tịnh nghĩa là trong sạch. Tịnh độ là nơi chốn thanh tịnh trong sạch, trái với uế độ, trược độ là nơi chốn nhơ nhớp, bẩn thỉu. Tịnh độ còn gọi là tịnh thổ và có tên khác là cực lạc quốc hay lạc bang. Còn nhiều tên khác nữa: Phật địa, Phật giới, Phật quốc, Phật độ, Thanh tịnh độ, Tịnh diệu quốc độ. Tịnh độ là một quốc độ do một vị Phật lãnh đạo.
Tịnh độ mà chúng ta nói đến hàng ngày là Tịnh độ của đức Phật A-Di-Đà. Thật ra, trong thập phương thế giới, có nhiều cõi tịnh độ. Thí dụ như cõi tịnh độ Tịnh Lưu ly của đức Phật Dược Sư nói trong kinh Dược Sư, cõi tịnh độ Diệu hỷ của đức Phật Bất Động nói trong kinh Đại Bảo Tích, cõi tịnh độ Đâu Suất của Bồ-tát Di-Lặc vv …
Chúng ta nên chú ý rằng Ta-bà thế giới (1) mà chúng ta đang sống không phải là một tịnh độ, trái lại đó là một uế độ, tức là một nơi…
… bị ô nhiễm bởi ngũ trược là: kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sinh trược và mệnh trược (2).
Hai chữ tịnh độ và tịnh độ tông khác nhau. Tịnh độ tông là một tông phái của đạo Phật (vài tông phái khác là Thiền tông, Mật tông …). Tông phái này dạy tu hành bằng pháp môn niệm Phật cầu vãng sinh về cõi tịnh độ của đức Phật A-Di-Đà. Phật tử niệm danh hiệu đức Phật A-Di-Đà để khi lâm chung được ngài đến đón về cõi Cực lạc của ngài.
Hàng ngày, khi chúng ta nói “tu Tịnh độ” là nói tắt “tu theo pháp môn niệm Phật của Tịnh Độ tông”.
2. Phân loại các cõi Tịnh độ.
Có vô số cõi Tịnh độ. Mỗi đức Phật an trú tại cõi tịnh độ trang nghiêm của mình.
Nếu kể thập phương tịnh độ thì ở phương Đông có tịnh độ của Phật A-Súc-Bệ, của Phật Tu Di Tướng, của Phật Tu Di Quang, của Phật Dược Sư, …, ở phương Nam thì có tịnh độ của Phật Nhật Nguyệt Đăng, của Phật Danh Văn Quang, …, ở phương Tây thì có tịnh độ của Phật A-Di-Đà, của Phật Vô Lượng Tướng, của Phật Đại Quang, …, ở phương Bắc thì có tịnh độ của Phật Tối Thắng Âm, của Phật Nhật Sinh, …, ở Hạ phương thế giới thì có tịnh độ của Phật Sư Tử, Phật Danh Văn, …, ở Thượng phương thế giới thì có tịnh độ của Phật Phạm Âm, Phật Tú Vương vv…
Kinh Phạm Võng cho biết rằng: “Nay ta là Tỳ-Lô-Xá-Na ngồi trên đài sen gồm có ngàn hoa. Trên ngàn hoa ấy lại thị hiện ngàn thân Thích-Ca. Mỗi hoa lại biến thành trăm ức cõi Phật và trong mỗi cõi lại hiện ra một Thích-Ca”. Đó gọi là Y tha tịnh độ, hiện ra cho người khác thọ dụng. (Phật Tỳ-Lô-Xá-Na hay Phật Đại Nhật chính là Pháp thân Phật).
Còn nhiều loại nữa nhưng ở đây chỉ xin kể những cõi mà chúng ta thường nghe thấy:
a/ Phàm thánh đồng cư tịnh độ, tức là quốc độ của các thánh Thanh văn, Duyên giác và các phàm là nhân và thiên. Chữ đồng cư có nghĩa là ở chung.
b/ Phương tiện hữu dư tịnh độ, tức là nơi cư trú của hàng tiểu thừa còn phải tu tiến thêm nữa, chữ hữu dư ở đây nghĩa là còn sót lại, chưa rốt ráo (Sót lại các sự mê lầm nhỏ như vi trần). [Không chắc các môn phái tiểu thừa công nhận như vậy!].
c/ Thật báo vô chướng ngại tịnh độ, đó là cảnh giới an trú của các vị đại bồ-tát. Vì không có gì làm trở ngại nên gọi là vô ngại.
d/ Thường tịch quang tịnh độ, đó là cảnh giới an trú của chư Phật. Thường vắng lặng mà vẫn thường quang minh, trí huệ của chư Phật tỏa chiếu cùng khắp.
Bốn loại vừa kể trên đây được gọi chung là nhất tâm tịnh độ, vì do nương nơi tâm mà biến hiện và tùy theo trình độ tu chứng cao thấp.
3. Cực lạc quốc độ của đức Phật A-Di-Đà.
Chúng ta thường dùng danh từ Cực lạc quốc độ hay ngắn hơn, Cực lạc quốc hay Cực lạc, để chỉ cõi tinh độ của đức Phật A-Di-Đà; còn có các tên khác như An lạc quốc, An dưỡng quốc, Thanh thái quốc … Tất cả đều hàm ý vui sướng vô cùng. Nếu thấy chữ Tu-ma-đề thì đó là do phiên âm chữ phạn Sukhāvatī mà ra, chữ Phạn này nghĩa là Tịnh độ. Chữ Pháp dùng Terre Pure, chữ Anh dùng Pure Land, nay người ta đưa chữ Sukhāvatī để dùng cho quen dần.
Kinh sách nhắc lại rằng: “Ngài Pháp Tạng tỳ-kheo bỏ ngôi vua đi tu, gặp Phật Thế Tự Tại Vương, đã phát 48 điều nguyện. Ngài Pháp Tạng thành Phật A-Di-Đà, thế giới của ngài là cõi Cực lạc. Ai tin theo 48 lời nguyện đó mà tu thì đều được ngài độ cả”. Sau đây là hai trong số 48 lời nguyện đó.
Nguyện thứ 19: “Nếu tôi thành Phật, mà chúng sinh mười phương phát tâm bồ-đề, tu các công đức, chí tâm phát nguyện, muốn sinh về nước tôi; rồi tới lúc mệnh chung, ví như tôi chẳng cùng đại chúng hầu quanh hiện ra trước người ấy thì tôi xin chẳng giữ lấy ngôi chính giác”.
Nguyện thứ 20: “Nếu tôi thành Phật, mà chúng sinh mười phương nghe danh hiệu của tôi đem lòng niệm tưởng đến nước tôi, trồng các cội đức, chí tâm hồi hướng, muốn sinh về nước tôi, ví như chẳng toại lòng đó thì tôi xin chẳng giữ lấy ngôi chính giác”.
Muốn biết quốc độ của Phật A-Di-Đà cảnh trí đẹp đẽ ra sao, “nhân dân” ở đấy sinh hoạt sung sướng thế nào thì chúng ta chịu khó xem lại kinh A-Di-Đà. (Phật học gọi cảnh trí là y báo và “nhân dân” là chánh báo). Thí dụ: đất đai bằng phẳng, không thiên tai, trời quang đãng, không khí mát mẻ, cây cối hoa lá xinh tươi, nước mát, ngọt, không phiền não cực nhọc, có sẵn bảy báu … ; “nhân dân” hình tướng đẹp đẽ, khỏe mạnh, tiùnh tình nhu hòa, đạo tâm kiên cố, thoát sinh tử luân hồi …
4. Phương pháp tu hành cầu vãng sinh Tịnh độ.
Tịnh độ tông dạy tu theo pháp môn niệm Phật. Niệm là nhớ nghĩ, niệm Phật A-Di-Đà là nhớ nghĩ đến Phật A-Di-Đà.
Mấy phương pháp niệm Phật thường được kể ra là: trì danh niệm Phật, tham cứu niệm Phật, quán tướng niệm Phật, quán tưởng niệm Phật và thực tướng niệm Phật.
Trì danh niệm Phật là xưng danh hiệu Phật, tức là miệng niệm sáu chữ Nam-mô A-Di- Đà Phật hay bốn chữ A-Di-Đà Phật, niệm liên tục.
Tham cứu niệm Phật là niệm trong tư tưởng, niệm thầm không ra tiếng.
Quán tướng niệm Phật là nhìn thẳng vào hình tuợng của đức Phật A-Di-Đà để ở trước mặt, miệng xưng danh hiệu ngài rõ từng tiếng, tai nghe rõ từng tiếng, tâm chỉ nhớ đến ngài mà thôi.
Quán tưởng niệm Phật là phương pháp dựa vào kinh Quán Vô Lượng Thọ mà theo 16 phép quán cảnh giới y báo và chánh báo ở cõi Cực lạc.
Thực tướng niệm Phật khó nhất vì đề cập đến thực tướng chân thật, không sinh không diệt, không đi không lại … của vạn pháp tức là Chân Tâm. HT Tuyên Hóa nói: Đây chính là một phương pháp tham thiền. Hành giả tham công án “Niệm Phật là ai?”.Vì lẽ đó, HT Trí Thủ nói rằng “pháp môn Tịnh độ ít đề cập đến phương pháp này, mà riêng nhường cho Thiền tông đề xướng”.
Đối với những người như chúng ta ở thời buổi khó khăn này thì hai pháp đầu dễ ứng dụng hơn cả. Nói là dễ là vì đem so sánh với các pháp sau, chứ nếu vào chi tiết thì phải nhận thấy việc thực hành đòi hỏi sự quyết tâm và lòng kiên nhẫn. HT Thiện Hoa đã viết: “ Khi đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, uống lúc nào cũng niệm Nam mô A-Di-Đà Phật. Niệm từ lúc thức dậy cho đến lúc đi ngủ. Khi gần đi ngủ, ngồi bán già hay kiết già, chắp tay mà nguyện rằng: – Con tin lời của đức Phật A-Di-Đà, giữ một lòng niệm danh hiệu Ngài, nguyện đời này, bao nhiêu tội chướng đều tiêu sạch, đến khi lâm chung được Phật và các vị Bồ-tát đến tiếp dẫn con về Cực lạc”.
Ngài viết thêm rằng niệm Phật có lợi ích ngay cả trong đời sống hiện tiền ngoài việc chính là được vãng sinh về Cực lạc sau khi lâm chung.
Thật vậy, niệm Phật sẽ trừ được niệm chúng sinh, niệm chúng sinh là những nhớ nghĩ lăng xăng, xấu xa, ác độc, tham giận, kiêu căng, thù hận … Nếu chăm chú niệm Phật thì các tạp niệm và ác niệm không sinh ra được. Tâm đã trong sạch thì miệng không nói lời thô ác, thân không làm việc ác, như thế thân khẩu ý mỗi ngày một thanh tịnh hơn. Đó chính là tu vậy.
Hơn nữa, nhờ niệm Phật mà người ta sẽ giải trừ được tâm buồn phiền do các cảnh đời hàng ngày gây ra như chia ly, xung đột, bệnh hoạn, thất bại …(3).
5. Vài thắc mắc
a/ Có vô số Phật, tại sao chỉ niệm Phật A-Di-Đà? Niệm Phật A-Di-Đà là niệm tất cả chư Phật vì các ngài đồng một thể tánh.
b/ Sao lại chỉ cầu xin về Cực lạc phương Tây của Phật A-Di-Đà? Vì đức Phật Thích-Ca giới thiệu rõ ràng và dạy phép tu cụ thể.
c/ Xin về cõi Tịnh Lưu Ly của Phật Dược Sư được không? Được. Nhưng Phật A-Di-Đà có nguyện tiếp dẫn chúng sinh. 48 nguyện của ngài rất rộng.
d/ Nghe sao tu có vẻ dễ vậy, niệm danh hiệu không thôi mà được về Cực lạc! Chính đức Phật Thích-Ca cũng đã nói rằng điều này khó tin, vì vậy hành giả phải tin lời dạy của đức Phật Thích-Ca và các nguyện của đức Phật A-Di-Đà.
e/ Niệm Phật mà chưa được “nhất tâm bất loạn” thì có được vãng sanh không? Đừng lo lắng quá. HT Thiền Tâm nói rằng khi niệm Phật mà tâm trụ nơi câu niệm Phật thì gọi là định tâm niệm Phật; trái lại là tán tâm niệm Phật. Dĩ nhiên, định tâm hay hơn tán tâm rất nhiều. Tuy vậy, dù có tán tâm chăng nữa thì các niệm về Phật cũng huân tập vào thức thứ tám tức a-lại-da thức. Hạt giống niệm Phật khi thành thục tất dẫn phát thức thứ sáu cho sinh khởi tịnh niệm, rồi từ đó cổ động ra năm thức truớc để thành hiện hành … Nước đục, lóng mãi cũng thành trong. Tạp niệm nhiều, niệm Phật lâu tất cũng thành chánh niệm.
6. Ba tư lương của ngưởi tu Tịnh độ.
Trên đây, chúng ta nói lý thuyết hơi nhiều, bây giờ cần nhấn mạnh đến phần thực hành, có thế mới thật sự bổ ích. Như khách đi xa phải chuẩn bị hành trang, tiền bạc, lương thực, người tu pháp môn Tịnh độ phải có đủ ba tư lương là tín, nguyện và hành.
Trước hết, phải có đức tin chắc chắn. Tin những gì? Tin lời dạy của đức Phật Thích- Ca trong các kinh, đặc biệt là kinh A-Di-Đà. Tin lời nguyện của đức Phật A-Di-Đà. Tin cõi Tịnh độ là cảnh có thật để cầu vãng sanh về đó. Tin phương pháp niệm Phật do chính đức Phật Thích-Ca đã dạy.Tin nơi sư quyết tâm bền chí của mình.
Rồi đến, phải lập nguyện vững vàng. Thiết tha mong mỏi sinh về Cực lạc, lập nguyện thật chắc, không lùi bước, không đổi ý, luôn luôn mong được về cõi Tịnh độ của Phật A-Di-Đà.
Và phải thực hành thật siêng năng, bền bỉ, không lùi bước. Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, nếu có thể là niệm danh hiệu Phật A-Di-Đà, gặp lúc không tiện thì niệm thầm. Chớ lo tán tâm, cứ bền gan, sẽ có kết quả.
KẾT LUẬN. Pháp môn niệm Phật là một pháp môn dễ tu hành hơn cả, ai ai cũng thực hành được, ở chỗ nào, vào lúc nào cũng niệm Phật được cả. Muốn được kết quả chắc chắn thì ba tư lương phải đầy đủ: tin sâu, nguyện thiết, hành siêng. □
CHÚ THÍCH.
(1) Ta-bà thế giới. Theo nghĩa nói hàng ngày, chúng ta hiểu thế giới là trái đất chúng ta đang ở. Theo quan niệm Phật giáo, một nghìn thái dương hệ làm thành một tiểu thế giới. Một nghìn tiểu thế giới làm thành một trung thiên thế giới. Một nghìn trung thiên thế giới làm thành một đại thiên thế giới, còn gọi là tam thiên đại thiên thế giới. Vậy thì một đại thiên thế giới có 1000x1000x1000 tức một tỉ thái dương hệ. Khi nói “tam thiên đại thiên thế giới” thì tam thiên này mang ý nghĩa ba số nghìn nhân với nhau. Đức Phật Thích-Ca là hóa chủ của một đại thiên thế giới có tên làTa-Bà Thế Giới hay Sa-Bà Thế Giới. Chủ tể của Sa-Bà Thế Giới là Thi Khí Đại Phạm Thiên Vương.
(2) Ngũ trược: a- Kiếp trược, tuổi thọ của con người giảm dần dần.
b- Kiến trược, con người thấy biết một cách tà vạy, điên đảo.
c- Phiền não trược, con người đầy tham sân si.
d- Chúng sinh trược: con người ở đời, khổ nhiều vui ít.
e- Mạng trược: con người chỉ lo thỏa thích vật chất, chẳng lo tu hành.
(3) Sách Niệm Phật Thập Yếu của HT Thiền Tâm, trang 116, đã ghi 10 phương pháp Niệm Phật như sau:
1- Phản văn trì danh.
2- Sổ châu trì danh.
3- Tùy tức trì danh.
4- Truy đảnh trì danh.
5- Giác chiếu trì danh.
6- Lễ bái trì danh.
7- Ký thập trì danh.
8- Liên hoa trì danh.
9- Quang trung trì danh.
10- Quán Phật trì danh. □
BÀI 68. THIỀN TÔNG
Mấy năm nay, chúng ta hay nghe nói đến thiền. Báo chí Âu Mỹ có đăng nhiều bài và hình ảnh về thiền, ngay gần chúng ta đây, người ta mới thấy thành lập một làng thiền. Hôm nay, chúng ta tìm hiểu về thiền, tôi nói tìm hiểu, vì bản thân tôi chưa ngồi thiền bao giờ. Cách đây ít lâu, tôi đọc được một câu chuyện thật ngắn về thiền sư Hành Tư: “Có vị tăng đến hỏi: ‘Thế nào là đại ý Phật pháp?’, thiền sư trả lời: ‘Gạo ở chợ Lư Lăng giá bao nhiêu?’ ”. Khó hiểu quá! Có lẽ quý vị đồng ý với tôi là coi chuyện về thiền, với quát, hét, đập, béo mũi, thổi tắt đèn…, chúng ta chịu, không kham nổi!
Thiền và Thiền tông khác nhau. Thiền là một phương pháp tu luyện, Thiền tông là một tông phái dùng thiền làm căn bản tu hành, làm đường lối ngộ đạo .
Chữ thiền là do chữ thiền-na nói ngắn. Thiền-na là chữ phiên âm từ chữ sanskrit dhyana (pali: jhàna) [ Tàu: ch’an-na hay chan. Nhật: zenna hay zen. Anh: meditation. Pháp:, méditation]. Dhyana, dịch là định lự tức là đình chỉ các tư lự, các suy nghĩ. Thiền-na và định-lự gom lại thành ra chữ thiền định, ngày nay chỉ gọi là thiền cho gọn. Sách Phật học phổ thông nói thiền là “tập trung tư tưởng vào một đối tượng duy nhất, không cho tán loạn, để cho tâm thể được vắng lặng, tâm dụng được sáng tỏ mạnh mẽ, dặng quan sát và suy nghiệm chân lý”.
Có nhiều loại thiền, cho nên ai tập thiền thì phải có thày hướng dẫn, không thể xem thường được: thiền ngoại đạo, thiền phàm phu, thiền tiểu thừa, thiền đại thừa …
Hai phương pháp chính của thiền đại thừa là:
1/ theo đúng sách vở, có quy củ nhất định,
2/ không căn cứ vào kinh sách, thày truyền thẳng sự giác ngộ của mình cho đệ tử, như là Phật Thích-Ca truyền tâm ấn cho ngài Ca-Diếp khi giơ cao cành hoa.
Thiền mà chúng ta sắp nói đây là Đạt-Ma tổ sư thiền, một thứ thiền khác với Như Lai thiền (thiền theo đúng kinh sách truyền lại từ thời đức Phật Thích-Ca).
Sau khi đức Thích-Ca tịch diệt, ngài Ca-Diếp là người đã tiếp nhận y bát, lên làm tổ thứ nhất, y bát truyền đến ngài Bồ-Đề-Đạt-Ma (Bodhidharma) là tổ thứ 28. Ngài từ Ấn Độ sang Trung Quốc vào năm 528, sáng lập ra Thiền tông tại đó nên người ta gọi ngài là sơ tổ (tức là tổ đầu tiên) của Thiền tông Trung Quốc, sau này mới truyền sang Việt Nam , Nhật bản … Y bát (cà-sa và bình bát của đức Phật) được truyền xuống các vị sau đây theo thứ tự: Huệ Khả, Đạo Tín, Tăng Xán, Hoằng Nhẫn, Huệ Năng. Đến Lục tổ Huệ Năng thì hết lệ truyền y bát và mỗi tổ không ấn chứng riêng cho một đệ tử nào cả.
Đường lối tu tập của Thiền tông nằm trong bốn câu của ngài Bồ-Đề-Đạt-Ma: “Bất lập văn tự, Giáo ngoại biệt truyền, Trực chỉ nhân tâm, Kiến tánh thành Phật” (Không dùng chữ nghĩa, Truyền ngoài giáo lý, Chỉ thẳng tâm người, Thấy tánh thành Phật). Trong bốn câu có vẻ đơn giản đó, có hai chữ khó nhất của Phật giáo là tâm và tánh, cùng hai chữ “chỉ thẳng” và “thấy”. Đọc lên thì dễ, hiểu được quá khó, tu được càng khó nữa!
Thày cho trò một câu thoại đầu, một công án để tham cứu, trò bỏ tất cả thời giờ và năng lực thể chất và tinh thần mà suy nghĩ về công án đó. Thày ở bên cạnh theo rõi sự tiến bộ của trò, đến một lúc nào đó, thày chỉ cần giúp trò bước sau cùng mà thôi, miễn sao cho vấn đề được gỡ tung ra, trò tỉnh ngộ trong một tích tắc, trò hoát nhiên ngộ. Phương tiện thì rất nhiều, một tiếng hét, một cái đạp, một cái véo mũi, một cây quạt dựng đứng vv… Người đứng ngoài như chúng ta không hiểu là phải vì chuyện của hai thày trò là chuyện riêng giữa hai người, họ hiểu nhau, tâm của họ lúc ấy “rung theo cùng một tần số”, tâm của kẻ bàng quan không “ăn nhằm” gì đến đó cả. Thày đạt được mục đích: trò muốn ngộ thì tự tìm lấy, thày không tìm hộ được, vì cái mà ta học của người chưa phải là cái biết “của ta”, cái vay mượn ấy giống như nhìn người khác ăn cơm, mình không thể no được. Cái dạy của thày là thực tế, lấy trình độ tinh thần và tâm linh của đệ tử mà can thiệp đúng thời cơ, không lấy kinh sách giảng dài dòng, vì cái này thuộc lĩnh vực trí tuệ thông thường, còn thiền thì vươn lên đến trí tuệ bát-nhã.
Trò hỏi thày:
– Tâm con chưa an, xin thày dạy con phép an tâm.
– Đem tâm ra đây ta an cho.
– Con tìm tâm không được.
– Ta đã an tâm cho ngươi rồi!
Thày không chỉ tâm đâu, an tâm ra sao, mà chỉ nói: “Đem tâm ra đây ta an cho”. Trò tuân theo, tìm mãi chẳng thấy, chợt hiểu ra rằng cái tâm không thật, chợt tự mình thấy như vậy, tự gỡ rối vấn đề. Tự mình nắm bắt được chân lý. Và thành đạo!
Trong cuốn Phật học tinh hoa, tác giả Nguyễn duy Cần đã kể lại câu chuyện lý thú này mà ông trích ở sách Truyền đăng lục: Xưa Hương Nham hòa thượng tham học ở Bách Trượng thiền sư. Ông là bậc tuyệt thế thông minh, khôn ngoan lanh lợi, phàm hỏi một, trả lời đến mười … Thế mà khi tổ Huy Sơn hỏi “Lúc cha mẹ chưa sinh ra ta, vậy thử nói một câu xem sao!” thì tâm thần mờ mịt, chả còn biết trả lời ra sao được cả. Ông ta bèn trở về liêu, đem những sách vở bình nhật đã học mà đọc lại từ đầu chí cuối, mong tìm cho kỳ được câu trả lời … Nhưng rốt cuộc cũng chẳng tìm thấy. Chán nản, liền than: “Toàn là bánh vẽ, chẳng thể nào ăn vô!”. Nhiều lần ông khất cầu tổ Huy Sơn nói ra cho biết thì tổ Huy Sơn trả lời: “Nếu ta nói ra cho ngươi biết, nhất định sau này ngươi sẽ mắng ta! Vì đó chỉ là cái biết của ta, không ăn thua gì đến ngươi cả!”. Huơng Nham tức mình, đem tất cả kinh luận ra mà đốt hết, rồi qua đất Nam dương học nơi Tuệ Trung quốc sư. Ông khổ công nghiên cứu lâu ngày chầy tháng … Một hôm đi phát cỏ chặt cây, vô ý liệng một miếng niểng sành đánh trúng vào thân cây trúc, liền nghe ra một tiếng ngân lạ lùng … Bỗng liền khoát nhiên tỉnh ngộ! Ông vội vàng trở về tắm gội, đốt hương ngưỡng vọng về nơi tổ Huy Sơn mà nói rằng: “ Hòa thượng thật là bậc đại từ, ân ngài còn hơn cha mẹ sinh thành. Nếu lúc trước vì ta mà ngài nói ra, thì ngày nay sao ta được sự đắc ngộ này!”.
Nhiều khi chúng ta ngạc nhiên về cách xử sự của thiền sư. Một vị thiền sư đến một chùa kia, đã không giúp gì cho nhà sư trụ trì, lại còn tai ngược bê một pho tượng Phật xuống chẻ ra làm củi đun nước pha trà mà uống. Hôm sau lại tiếp tục chẻ một pho tượng nữa … Chúng ta không những ngạc nhiên mà còn bất mãn nữa trước hành động phạm thánh ấy. Sau hiểu ra thì câu chuyện như sau: sư trụ trì chấp tướng quá, không thể nào ngộ được, giảng bằng lời không thôi thì như nước đổ lá khoai, nên phải dùng “giải pháp mạnh” để cho ổng tỉnh ra! Thật ra thì Thiền tông không chú trọng nhiều đến các nghi thức.
Thiền tông du nhập Việt Nam vào cuối thế kỷ thứ VI. Năm 580, một đệ tử của ngài Tăng Xán tên là Tì-Ni-Đa-Lưu-Chi (Vinitaruci) sang nước ta truyền pháp cho ngài Pháp Hiền. Năm 820, một đệ tử của tổ Bách Trượng tên là Vô Ngôn Thông sang truyền pháp cho ngài Cẩm Thành. Nhà Lý đánh Chiêm thành, thế kỷ thứ XI, bắt được một tù binh, tên là Thảo Đường, người Tàu đệ tử dòng Vân Môn. Ngài lập ra dòng Thảo Đường. Tới thế kỷ thứ XVII, ngài Nguyên Thiều thuộc dòng Lâm Tế sang lập ra dòng Lâm Tế. Bây giờ có thể nói rằng ở nước ta, chỉ còn dòng Lâm Tế, các dòng Tì-Ni-Đa-Lưu-Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường đã mất từ lâu lắm. Nhưng rất đáng kể là có một dòng thiền hoàn toàn Việt Nam: dòng Trúc Lâm Yên Tử mà sơ tổ là Điều ngự Giác hoàng (vua Trần Nhân Tông), nhị tổ là ngài Pháp Loa, tam tổ là ngài Huyền Quang. Gần đây có một dòng thiền Việt Nam lấy tông chỉ là thiền giáo song tu, dùng cả thiền lẫn giáo (kinh sách) và ấn tống nhiều sách, được phổ biến sâu rộng.
Thiền tông là một tông phái Phật giáo đại thừa còn đứng vững cũng như Tịnh độ tông và Mật tông. Tông chỉ, phương pháp được thâu tóm trong bốn câu đã nhắc ở trên. Thiền tông hiện nay rất thịnh hành tại Nhật bản và Âu Mỹ lúc đầu nghe nhiều về thiền là qua chữ Zen của Nhật bản.
Chúng ta không nên hiểu Thiền tông qua những sự giới thiệu quá sơ lược hoặc là sự lạm dụng Thiền, làm cho người ta hiểu thiền là thở hít, dưỡng sinh, chống căng thẳng (stress). Quả thật, thiền có dạy thở nhưng đó là dạy quán hơi thở, và chỉ là bước đầu mà thôi. Nếu có thì giờ chúng ta nên chú tâm nghiên cứu và khi thấy hợp thì thực hành.
Có một câu hỏi: một số người ở VN cũng như ở hải ngoại tự nhận là thiền sư hay được các đệ tử gọi là thiền sư, thế thì những người đó có được vị tổ sư nào truyền thừa hay không? Nếu có thì cần nói rõ để cho mọi người họ biết thuộc tông phái nào. □
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
Bước Vào Cửa Phật- Quyển 1-Montreal 2010
(Hình: Cột nhũ thạch trong Động Thiên Đường trông giống Phật Bà Quan Âm .Động Thiên Đường, thuộc tỉnh Quảng Bình, miền Trung VN, được công nhận là Di Sản Quốc Tế, sau Động Phong Nha, cũng thuộc Quảng Bình . – NN)