30/06: Bài 35. Vô Ngã – Bài 36. Bàn Về Vô Ngã

30/06: 35. Vô Ngã – 36. Bàn Về Vô Ngã
Category: Phật Học – Phật học ôn tập-
Posted by: Tbl Đọc: 4713 lần
BƯỚC VÀO CỬA PHẬT-BOOK1
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

 


35. VÔ NGÃ-36. BÀN VỀ VÔ NGÃ
Bài 35. Vô Ngã
Một hôm tôi đến chùa, đúng lúc trong chùa đang tụng kinh Thập Thiện, mới nơi trang 2, đã thấy câu “thật ra không có gì là tác giả”, ý nói “có hành động mà không có người hành động, có đau khổ mà không có người chịu khổ đau”.
Thêm nữa, tôi mới nhận được thư của một ông bạn từ San Jose bên California nhắc lại vấn đề vô ngã và nêu ra thắc mắc: “Nếu đã là vô ngã thì cái gì lên Niết-bàn?”.
Cách đây vài tháng, sau một buổi lễ lớn tổ chức tại chùa, tôi đứng nói chuyện với một ông bạn từ xa đến dự lễ, ông ấy hỏi tôi rằng: “Khi đạo hữu học kinh Phật, đạo hữu thấy chỗ nào khó hiểu nhất ?”. Tôi trả lời : “Đối với riêng tôi, lý vô ngã khó hiểu nhất”.
Hôm nay, tôi xin cố gắng trình bày những chỗ mà tôi thấy khó trong lý vô ngã.
Ngã là ta. Vô ngã là : không có cái ta. Thông thường ai cũng nghĩ đến cái ta, luôn luôn tìm cách…
… thu mọi thứ tốt đẹp về cho mình, nếu không được cả thì cũng tìm cách dành phần hơn. Rồi đến khi biết được rằng cái ta thể xác này cũng sẽ có ngày bị hủy hoại mất, thì người ta laiỉ chăm chú đến cái ta vô hình, cái ta tinh thần, cái linh hồn. Phái này thì bảo rằng linh hồn trường tồn, bất biến. Đó gọi là chấp thường. Phái kia thì lại nhận rằng chết là hết, linh hồn tiêu diệt luôn. Đó gọi là chấp đoạn. Theo Phật giáo, cả hai thứ đó đều sai lầm.
Con người gồm có thân và tâm. Quan sát thật kỹ cái thân mình thì riêng cái đầu không phải là cái ta, riêng cái tay không phải là cái ta, riêng cái chân không phải là cái ta, … cái ta là một hợp thể, đủ duyên thì còn, hết duyên thì tan. Vả lại, cái ta lúc này đây và cái ta ngày hôm qua, cái ta năm ngoái … chẳng cái nào giống cái nào, thế thì cái ta nào là thật? Một thoáng thôi, đã có bao nhiêu tế bào chết đi, bao nhiêu tế bào sinh ra, vậy rõ ràng là cái ta thay đổi liên tục. Còn cái tâm nữa, tâm bây giờ và tâm lúc nãy, tâm lát nữa đều khác nhau, đang vui hóa buồn, đang yêu bỗng ghét, thế thì cái tâm nào là thật? Tóm lại, cái ta tuy có mà chỉ là giả có thôi, nó không thật có, nó nhờ vào những cái khác mà có, chữ cái ta chỉ là một danh từ tạm dùng để gọi cái hợp thể của thân và tâm mà thôi, chẳng có cái nào là cái ta cả.
Những cái ta mà mình thấy chung quanh mình là những cái ta xã hội, cái ta mà xã hôi đặt ra cho tiện. Khi một người sinh ra đời, cha mẹ đặt cho một cái tên, Mỗ chẳng hạn. Khai sinh tên là Mỗ, lúc bé là Mỗ, lớn lên cũng là Mỗ, đậu lấy bằng cấp ghi tên Mỗ … rồi khai tử lại vẫn Mỗ, ấy thế mà chẳng có Mỗ nào giống Mỗ nào cả. Xã hội đặt tên cho tiện, chỉ có thế thôi.
Tuy vậy, tôi đang sống đây, có gia đình quyến thuộc, có bạn bè bà con … thế mà lại bảo vô ngã, tức là không có tôi. Chỗ này chính là chỗ mà tôi cho là khó thông. Lấy cái ngã để suy nghĩ về cái vô ngã, khó quá chừng, ấy là chưa muốn nói “vô lý quá chừng”.
Đây là một đoạn trích trong sách Con đường thoát khổ do ni sư Thích nữ Trí Hải dịch từ cuốn L’enseignement du Bouddha của Walpola Rahula: Năm uẩn ấy họp lại, ta quen gọi là một “cá thể”, chính là đau khổ (dukkha). Không có “cá thể” hay “tôi” đằng sau năm uẩn ấy để chịu khổ. Buddhaghosa đã nói” “Chỉ có đau khổ, nhưng không có người khổ đau; có hành động, nhưng không có người hành động”. Không có người đẩy xe bất động đằng sau sự chuyển động mà chỉ có sự chuyển động … Không có người tư tưởng đằng sau tư tưởng. Chính tư tưởng là người tư tưởng, nếu tách bỏ tư tưởng ra sẽ không thấy đâu là người tư tưởng.(1) (2). Rõ ràng là trái với câu “Tôi suy tư, vậy tôi hiện hữu” (Je pense, donc je suis) của Descartes.
Đọc đến chỗ này, tôi xin trình với quý vị rằng tôi luống cuống hết sức và vì thế tôi mới nói với ông bạn của tôi rằng vô ngã là chỗ mà tôi thấy khó thông nhất trong Phật học. Tôi nghĩ rằng nếu đại đức Rahula nói thế này thì tôi hiểu tạm được: “Có người chịu đau khổ, nhưng cái người ấy chỉ là một hợp thể, chẳng có cái ta, nên tôi xin nói gọn lại là không có người chịu đau khổ, trơ ra chỉ còn có sự đau khổ mà thôi”.
Mục đích của đạo Phật là giải thoát khỏi khổ đau, khỏi sinh tử luân hồi. Muốn thế phải tu đến mức đạt được vô ngã và mấy điều khác nữa. Mình đạt đến vô ngã, mọi người quanh mình cũng đạt đến vô ngã, vậy là hết Ta và Người. Cả Ta và Người đều không cả thì làm gì còn Chúng sinh nữa.
Nghe nói vậy, thấy “ngon lành” thật. Nhưng mà vô ngã thì như trên kia tôi đã nói, khó vào quá! Vậy chúng ta tính sao? Chẳng lẽ thoái lui? Tôi đi tìm thêm, và thấy trong The Shambala Dictionary of Buddhism and Zen mục sau này về vô ngã (pali: anatta, sanskrit: anātman; non-self, non-essentiality; non-soi, non-moi) : không có ngã theo cái nghĩa rằng trong mỗi một thể hiện hữu, không có một thứ gì thường hằng, vĩnh cửu, toàn vẹn, độc lập. Cái ta, theo Phật giáo, chỉ là một “cá thể” do năm uẩn hợp lại mà thành và nó chỉ là tạm thời và thay đổi.
Đến chỗ này, tôi thấy lóe ra một tia sáng: chúng ta hãy hiểu rằng vô ngã là dùng để nói về những hợp thể tức là những pháp do nhiều duyên hợp lại mà thành, khi hết duyên thì tan. Lý luận cách đó nghe “suôi” hơn, dễ hơn. Chúng ta không có ngã – vô ngã – là vì chúng ta nhờ vào các cái khác mà có, chúng ta không có cái ngã riêng biệt.
Nghĩ thêm chút nữa : không có cái ngã riêng biệt, không có tự ngã, thế thì có cái gì khác không? Đạo Phật bảo rằng: có. Tất cả các pháp đều có Pháp tánh, tất cả các loài hữu tình đều có Phật tánh. Gặp những người không phải Phật tử mà bảo người ta rằng họ có Phật tánh, e rằng người ta buồn. Danh từ không quan trọng, nội dung cần hơn. Chúng ta hãy nói: Tất cả chúng sinh đều có chung một bản thể, Phật tử gọi bản thể ấy là Phật tánh, đơn giản vậy thôi.
Trở lại với bản thân tôi, tôi vẫn thấy khó, cái khó về chữ nghĩa thì tìm mãi, tìm mãi cũng sẽ tạm vỡ ra được, nhưng cái khó nhất nằm ở phần thực hành. Phải quán vô ngã hoài hoài, e không đủ thời giờ. Phải thực hành vô ngã, bỏ cái ta đi, thế thì lại càng khó. Thực tế sờ sờ trước mắt, bao nhiêu vấn đề cá nhân, gia đình, xã hội bao vây bản thân ta, bỏ qua sao nổi. Tôi tìm ra một lối thoát tàm tạm: hàng ngày, trong cuộc sống, hãy dẹp dần dần cái ta. Bằng cách gì? Vì đánh thẳng vào cái ta là chuyện khó, nên chúng ta hãy đánh vào những chỗ mà cái ta nó lộ ra. Cái này là của tôi, đấy là tham. Không chiếm được thì tức giận, đó là sân. Không nhận lý nhân quả … , đó là si. Hãy đánh thẳng vào tham, sân, si, “cột” ái dục, là những thứ vô cùng mạnh mẽ. Không ai dám nói rằng mình đã chiến thắng ái dục cả ; mà có khi thoát ra khỏi ái dục rồi lại còn bất ngờ bị rơi trở lại vào vòng ái dục, “gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi”!
Vậy thì tìm đến vô ngã, không phải là chỉ cố tìm hiểu trên chữ nghĩa, mà là thực hành chống tam độc tức là tham sân si. Chống được tam độc đó thì cái ta sẽ dẹp dần đi, mau hay chậm là do hành giả quyết tâm nhiều hay ít.
Tóm lại :
1/ Tất cả những gì là duyên hợp thì không có tự thể riêng biệt, tức là không có ta, tức là vô ngã.
2/ Phải suy nghĩ kỹ để biết cái ta của mình dù là thân hay tâm cũng chỉ là hợp thể thôi nên vô ngã.
3/ Phải thực hành tiến đến chứng đắc vô ngã, nhưng vì khó cho nên đánh tham sân si trước, đánh ái dục trước. □
CHÚ THÍCH.
(1) Il n’y a pas d’autre « être » ou de « moi » qui éprouve dukkha. Comme le dit Bouddhaghosa : « Seule la souffrance existe, mais on ne trouve aucun souffrant; les actes sont, mais on ne trouve pas d’acteur ». Il n’y a pas de moteur immobile derrière le mouvement. Il y a seulement le mouvement … Il n’ y a pas de penseur derrière la pensée. La pensée elle-même est le penseur.
(2) The anātman is one of the central teachings of Buddhism; it says that no self exists in the sense of a permanent, eternal, integral, and independent substance within an individual existent. Thus the ego in Buddhism is no more than a transitory and changeable empirical personality put together from the five aggregates. In Hinayāna, this analysis is limited to the personality; in Mahāyāna, it is applied to all conditionally-arising dharmas. This freedom from self-nature is called in the Mahāyāna shūnyatā (emptiness).□
Bài 36. Vô Ngã
Khi biết rằng tôi thường đi chùa thì các bạn già của tôi hay nêu ra một số vấn đề liên quan đến đạo Phật. Có người nói đến những điều không tốt trong tổ chức của một số chùa hay trong sinh hoạt của một số tu sĩ trong và ngoài nước; có người đưa ra vài đề nghị chấn chỉnh kỷ luật của tăng đoàn cũng như cách thức hoằng pháp và thủ tục lễ bái cho được thống nhất. Nói để mà biết thôi chứ tôi cũng chỉ là một người đi chùa như bao nhiêu người khác, làm gì có chút thẩm quyền nào. Nếu không kể vài lời phê phán khá nặng thì nói chung ai cũng mong Phật giáo đáp ứng được những mong mỏi của đại chúng vì dù sao cũng là tôn giáo của số đông người Việt Nam chúng ta. Hôm nay tôi không đề cập đến những ý kiến ấy mà chỉ xin đưa ra một vấn đề mà những vị có nghiên cứu kinh sách Phật – và ngay cả các bạn trẻ nữa – thường hay nêu ra: đó là thuyết vô ngã.
Thuyết Vô ngã là một hòn đá tảng để xây nền cho tòa nhà Phật pháp. Thật thế, khi tra cứu kinh Dhammapada tức là kinh Pháp Cú là một kinh rất được quý trọng trong Nam tông, phẩm Đạo, thì ba câu căn bản là Chư hành vô thường, Chư hành là khổ, Chư pháp vô ngã. (Có người gọi đó là Tam pháp ấn. Đa số các sách khác thì nói Tam pháp ấn là Chư hành vô thường, chư pháp vô ngã, Niết-bàn tịch tĩnh. Một tác giả nói rằng Tam pháp ấn là Không, Vô tướng, Vô tác). Theo Bắc tông, bốn chữ căn bản là Vô thường, Khổ, Không, Vô Ngã – gọi ngắn là Tứ Vô thường (vì chữ vô thường đứng trước).
Hiểu theo từng chữ thì vô là không, ngã là ta, vô ngã là không có ta. Mới nghe, thật là vô lý: chính mình đang sống, đang nói … mà lại bảo rằng “không có ta”. Người có đi chùa thì thắc mắc rằng: “không có ta thì ai tu, ai chứng; ai gây nghiệp, ai chịu quả báo; cái gì đi đầu thai; cái gì lên Niết-bàn, v.v… ? ”.
Tôi sẽ cố gắng nói vắn tắt vì thời giờ có hạn và xin thú thật, nếu có nhiều thời giờ thì cũng không đủ “vốn” đến trình bày một vấn đề “hóc búa” như vậy!
Vô ngã chỉ là một danh từ tạm dùng để chỉ một thứ gì sâu xa hơn, rộng rãi hơn, cần nghiên cứu kỹ chứ không thể gói gọn trong cái nghĩa chữ là “không có ta”.
Trong Phật học, một lý thuyết quan trọng vào bậc nhất là lý duyên khởi hay duyên sinh. Lý ấy xác nhận rằng bất cứ cái gì cũng phải do nhiều thứ hợp lại mà thành chứ không phải tự nó có. Nói theo chữ nhà Phật thì mọi pháp trên thế gian này đều do các duyên hợp lại với nhau mà thành. Nói ngắn nữa: mọi pháp không tự có mà đều do duyên sinh.
Khi đã nhận rằng cái gì cũng do duyên sinh tức là cái gì cũng phải tùy thuộc vào cái khác mà thành thì người ta nói thêm rằng cái đó không có tự thể, không có tự tính, không có cái gì là chính nó cả. Vì thế mới có chữ vô ngã. Vậy vô ngã là chẳng có tự thể, tự tính mà phải phụ thuộc vào cái khác.
Con người là một hợp thể gồm có năm uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Nói ngắn là con người gồm thân và tâm. Thân (sắc) là thứ sờ mó thấy được. Tâm (nói chung bốn thứ thọ, tưởng, hành và thức) không sờ mó thấy được, chỉ có tên mà thôi (danh). Vì thế mói có ba danh từ: ngũ uẩn (hay ngũ ấm), thân-tâm và danh-sắc.
Khi mình nói: ta hay tôi thì mình hiểu và người khác cũng hiểu mình định nói ai, không lầm lẫn được. Cái tôi ấy, cái ta ấy là cái cần thiết trong đời sống xã hội, đời sống cộng đồng. Nếu không thì lẫn lộn, sai lầm, lung tung, nát bét hết cả. Hãy lấy một câu trích trong kinh Thập Thiện : “Rốt cuộc không có ai là tác giả” nghĩa là “không có ai làm những việc ấy” và một câu khác trích trong sách: “Không có người đau khổ, chỉ có sự đau khổ”. Nếu hiểu những câu ấy một cách nông nổi thì rất nguy hiểm, vì kẻ cầm dao đâm người ta thì rõ ràng là thủ phạm rồi, sao lại nói không có ai? Nó thoát khỏi bàn tay công lý hay sao? Không, về phương diện xã hội, cộng đồng, thì thật là có kẻ cầm dao đâm người. Đạo Phật đâu có gàn dở đến mức bảo là không có kẻ phạm tội đâm người!
Thế thì đạo Phật bảo cái gì? Bảo rằng: cái ta, cái tôi, của ta, của tôi mà người ta vẫn nói hàng ngày là có, là hiện hữu nhưng nó có mà không thật. Tại sao? Vì nó không tự nó có mà phải do những cái khác hợp lại. Cái xe hơi đang đậu sờ sờ ở ngoài sân kia kìa, nó có đấy nhưng thật sự nó là do thùng, máy, bánh và nhiều thứ khác hợp lại. Cái thùng không phải là cái xe, cái bánh không phải là cái xe v.v… Danh từ xe hơi chỉ là một cái tên gọi cho tiện mà thôi. Có tên ấy mới mua xe, mới lấy giấy chủ quyền, mới đóng bảo hiểm, v.v… Vẫn là sự tiện dụng về phương diện xã hội. Có thế thôi.
Xe là thế, còn con người thì sao? Nghĩ cho kỹ thì thân không phải là Ta vì cái thân ấy thay đổi từng phút từng giây, không biết cái Ta hôm nay, cái Ta hôm qua, cái Ta lúc nhỏ … , cái nào là Ta thật? Tâm cũng không phải là Ta vì nó biến đổi nhanh như chớp. Hơn nữa, nếu bảo cái thân là Ta thì cái tâm không phải là Ta hay sao. Nếu bảo cái tâm là Ta thì cái thân không phải là Ta hay sao. Nếu bảo cả thân và tâm đều là Ta thì rõ ràng Ta là một hợp thể, mà hợp thể thì làm gì có tự thể cho nên vô ngã! Chữ ta, tôi chỉ là những danh từ tiện dụng trong xã hội mà thôi.
Đến đây, có thể quý vị thấy chán vì không thích nghe lý luận và quan niệm rằng lý luận nghe chơi là hý luận, mất thời giờ. Sự thật thì đạo Phật không sa đà vào lý luận xuông. Vô ngã là một điều mà ta cần nhớ và cần tìm hiểu để tu hành cho có hiệu quả.
Cách đây chừng một tháng, hòa thượng Thiện Siêu viên tịch tại Huế. Lúc sinh thời, ngài viết nhiều về Phật pháp. Khi được đọc một bài của ngài luận về vô ngã, chúng tôi thấy hay cho nên trích ra mấy đoạn để quý đạo hữu cùng thưởng thức:
“Đạo là con đường, nhưng đi trên con đường đạo không như đi trên đường cái. Đường cái dễ đi dễ đến, có khoảng cách rõ rệt, bao nhiêu cây số là bấy nhiêu thời gian tương ứng, có điểm khởi hành, có điểm đến hẳn hoi. Nhưng đường đạo thì không như thế. Khi bắt đầu tu gọi là khởi điểm, mà khởi điểm này ở tại Tâm. Tu hành gọi là đi, cũng chỉ trong một Tâm ấy, mà khi đạt đến đích giác ngộ, thì cũng ở một Tâm ấy chứ đâu khác.
Thế mà tại sao đi mãi vẫn không đến? Đó chính là vì cái Ta cứ ngăn chặn làm cho trễ nải, biếng nhác, sa ngã, bước được một bước thì bị lục căn lục trần xen vào kéo lui ba bước: để ta ăn cái đã, để ta ngủ cái đã, để ta coi cái đã, để ta nghe cái đã. Cái ngã chấp đó càng bành trướng càng gây tai họa. Ngã chấp của ta càng to càng dễ gây đụng chạm với cái ngã của người khác. Người khác cũng bồi bổ cái ngã của họ nên lại va chạm với ta…”.
Tiếp theo là đoạn này: “Có người hỏi thiền sư Duy Khoang: “Đạo ở đâu?”.
Sư đáp: “Đạo ở trước mắt”.
“Sao tôi không thấy?”, người ấy hỏi.
Sư đáp: “Vì ngươi đương bận nghĩ tới mình tới ta cho nên không thấy”.
“Còn Hòa thượng có thấy không?”.
Ngài đáp: “Hễ còn bận nghĩ tới ta, người thì không thấy”.
Người ấy hỏi tiếp: “Khi không còn nghĩ tới ta, người nữa thì có thấy không?”.
Ngài đáp: “Khi không còn có tâm phân biệt bận nghĩ tới ta, người nữa thì bấy giờ ai còn hỏi đạo ở tại đâu”.
Chúng ta rút ra được bài học sau đây : khi tu đến lúc đạt được tâm vô phân biệt thì còn ai hỏi Đạo ở đâu làm gì nữa. Nó ở ngay trong cái tâm của hành giả rồi!
Vài câu trên đây cho chúng ta thấy: muốn thấy Đạo thì tu cho hết cái Ta, không còn phân biệt ta và người. Hết cái Ta là một điều kiện để chứng Niết-bàn. Sách nói rằng Niết bàn không phải là một nơi chốn mà là một trạng thái của tâm. Lúc ấy chính là lúc diệt hết tham sân si, đạt được vô ngã và thoát sinh tử luân hồi.
Đối với những người căn cơ kém cỏi như chúng tôi, chúng tôi thấy rằng đọc các kinh sách, đọc các bài tham luận thì có thể hiểu phần nào nhưng về thực hành thì khó. Cho nên chúng tôi trộm nghĩ như sau này: chứng được vô ngã thì khó nhưng hàng ngày, chúng ta có thể thực hành chút ít, một chút ít thôi nhưng phải thực hành chăm chỉ liên tục. Chút ít cái gì? Chỉ cần quay vào trong xem xét chính mình. Mỗi khi tham hay sân nổi lên thì tự xét ngay; nếu không được như thế thì trước khi ngủ phải tự kiểm mình để sám hối và nguyện không phạm nữa. Bớt tham, bớt sân tức là dẹp cái ngã vậy. Hãy thực hành bố thí ba-la-mật, bố thí càng nhiều thì cái tham càng xẹp, tức là cái ngã lui dần đi. Sân cũng như vậy. Dẹp sân chính là dẹp cái ta. Tại sao tôi nói bố thí ba-la-mật? Vì theo đó, bố thí mà không biết người nhận là ai, của cho đáng giá bao nhiêu, không cầu mong phước báo. Nghĩa là không thấy kẻ cho, người nhận, không phân biệt ta, người.
Điều khó hơn là si, gốc ở vô minh. Vô minh lớn nhất là nhận cái thân xác này là ta, hay nhận cái tâm lăng xăng này là ta. Đó là cái ta giả. Suy nghĩ nhiều và liên tục thì bớt dần. Phật học gọi là quán.
Đạo Phật còn nói đến một cái ta nguy hiểm hơn, một cái ta không có mà mình tưởng là có. Cái ta ấy mình nghĩ rằng nó làm chủ thân và tâm của mình.
Trong cuốn sách nhan đề Vô Ngã, in năm 1990, đại đức Thích Trí Siêu (tục danh Hoàng Quốc Bảo, sinh năm 1962, tu tại Pháp), dặn rằng chúng ta cần phải phân biệt hai cái Ta: “ 1/ Một cái Ta dường như hiện hữu độc lập, tự tánh ( le Je intrinsèque) không tùy thuộc vào nhân duyên bên ngoài, giữ vai trò chủ động, sai khiển năm uẩn. 2/ Một cái Ta giả lập (le Je désigné) trên 5 uẩn để chỉ định, phân biệt, xưng hô cho một cá nhân trong môi trường xã hội, cộng đồng. Nó là một danh từ quy ước (convention) rất cần thiết cho đời sống hàng ngày, thuộc Tục đế (vérité relative)” … Cái Ta thứ nhất là một tà kiến phải giải trừ vì nó không bao giờ hiện hữu. Còn cái Ta thứ nhì vô hại khi đã thấu hiểu Vô Ngã. Các vị A-la-hán, Bồ-tát sau khi chứng ngộ vẫn tiếp tục dùng chữ Ta, Tôi nhưng trong tâm các ngài không còn bấu víu vào cái Ta nào cả… Tuy cái Ta giả lập này tự nó không phải là một tà kiến, nhưng nếu không hiểu vô ngã thì mỗi lần dùng chữ đó lại vô tình củng cố thêm sự chấp ngã sâu dày từ vô thỉ.
Trên đây, chúng tôi mới nói về nhân vô ngã nghĩa là tính cách vô ngã của con người mà thôi mà chưa đề cập tới pháp vô ngã nghĩa là tính cách vô ngã của các pháp.
Trong sách Tâm kinh bát-nhã ba-la-mật-đa do Hòa thượng Thích Trí Thủ dịch ra tiếng Việt và chú giải (chùa Phổ Hiền tại Etobicoke, Ontario, tái bản năm 1996), chúng ta đọc được đoạn này: “Trong thân ngũ uẩn ấy, các thần giáo và triết học Ấn Độ cho rằng có một thần ngã (ātman) ngự trị bên trong bất di bất dịch, không chịu sự chi phối của vô thường. Nhưng Phật giáo vốn xây dựng trên lý duyên khởi, triệt để đánh đổ cái thần ngã ấy. Giáo lý vô ngã (anātman) của Phật giáo là câu trả lời đanh thép cho thuyết thần ngã vừa nói. Về sau, khi các trường phái A-tì-đàm vốn thuộc Thượng tọa bộ xuất hiện, giáo lý vô ngã tuy càng ngày càng thêm bền gốc chắc rễ, nhưng lại bị hạn cuộc trong phạm vi của lý thuyết nhân vô ngã. Đến lúc Đại thừa xuất hiện với giáo nghĩa Bát-nhã, thì vô ngã mới trùm lên trên hết thảy, đó là pháp vô ngã”. (Ghi chú: HT Trí Thủ tu theo đại thừa!)
Để kết thúc bài nói chuyện này, chúng tôi xin tóm tắt như sau :
1/ Vô ngã không có nghĩa là không có cái ta, cái tôi. Vô ngã có nghĩa là không có tự thể riêng biệt cho mình, phải nhờ vào các duyên mà có, hết duyên hay thiếu duyên thì mất.
2/ Con người chúng ta thiếu vắng tự thể, là vô ngã nhưng trong đời sống xã hội hàng ngày, vẫn dùng chữ ta, chữ tôi vì một quy ước thuận tiện trong xã hội. Trong Phật học, có hai đế (sự thật) : tục đế và chân đế. Tục đế dùng cho người phàm. Chân đế dùng cho thánh nhân. Chúng ta chấp ngã, vì còn là phàm phu. Phải tu mà phá chấp ngã, tiến lên vô ngã. Các bậc thánh hết chấp ngã rồi, đạt đến chân đế, nhưng gặp người thường thì vẫn dùng chữ Ta, Tôi vì theo tục đế.
3/ Vì cho cái ta , cái tôi là có thật có nên người ta mới vơ vét cho mình, chỉ nghĩ đến mình … , tham lam, giận hờn từ đó mà ra. Chấp ngã chính là vô minh. Do chấp ngã nên nhiều phiền não, gây nghiệp nên cứ trôi lăn trong sinh tử luân hồi mãi.
4/ Tu thì phải tập dẹp bỏ cái ta, càng dẹp được nhiều bao nhiêu càng lên cao bấy nhiêu. Từ nhỏ, chúng ta đã học “Thương người như thể thương thân” nhưng thành thực mà tự xét, hỏi rằng trong bao nhiêu năm nay, chúng ta đã thực hành đúng như thế được chút nào chưa. Dẹp cái ta thì không còn soi mói lỗi lầm của người khác mà chỉ quay vào xét chính mình. Tôi có nghe một tu sĩ nói rằng : Làm chùa to, xây chùa đẹp mà chưa hết cái ta, vẫn nghĩ chùa của ta, đất của ta thì còn lâu lắm mới ngộ đạo. Làm việc thiện, giúp nạn nhân thiên tai bão lụt mà chấp ngã thì phước đức chẳng có bao nhiêu. Tụng kinh, niệm Phật mà cái ngã còn lớn thì bao giờ mới giải thoát?
5/ Việc chính là phải thực hành tu tập hàng ngày vì nếu chỉ tìm hiểu vô ngã, chỉ nói phá ngã mà chẳng làm gì cả thì vô ích. Đó gọi là “đói mà nhìn người khác ăn, mình no sao được”. Hòa thượng Thiện Siêu dạy: “Mặc dù biết Phật pháp là mênh mông, cũng không ngoài một vị giải thoát nên dù chỉ học một câu kinh, tu hành một pháp môn cho thấu đáo cũng có thể hưởng được hương vị giải thoát mà không cần uống hết cả biển giáo lý. Nhưng điều cốt yếu là phải thực hành, không phải nói xuông mà hiểu đạo được”.
6/ Hàng ngày, cần phải kiểm điểm chính mình, duyệt xét thân khẩu ý, thực hành từ bi hỷ xả dù là một chút thôi. Nếu chúng ta đang thực hành pháp môn niệm Phật thì cứ hết lòng thực hành. Thêm vào đó, phải cố gắng thanh tịnh hóa thân khẩu ý ; mà thanh tịnh hóa thân khẩu ý chính là phá chấp ngã vậy. □
Hoàng Hữu Nguyễn Văn Phú
Bước Vào Cửa Phật-Book 1
(Hình: Cảnh đền chùa ở Nepal vào lúc hoàng hôn – NN sưu tầm)

Share

Leave a Reply

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Paid Links