13/05: Bài 23. DỨT PHIỀN NÃO – Bài 24. NHẤT ĐẠI SỰ

13/05: 23. DỨT PHIỀN NÃO – 24. NHẤT ĐẠI SỰ
Category: Phật Học – Phật học ôn tập-
Posted by: Tbl Đọc: 4572 lần
23. DỨT PHIỀN NÃO-24.NHẤT ĐẠI SỰ
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

Bài 23 .Dứt Phiền Não
Người Phật tử nào cũng có một số nguyện trong đó có những nguyện chung cho mọi người theo đạo Phật và một vài nguyện riêng của người đó. Ở đây chúng ta nhắc đến bốn nguyện lớn nhất, được gọi là Tứ Hoằng Thệ Nguyện, còn gọi là tổng nguyện, tức là nguyện chung của các nhà tu học:
Chúng sinh vô biên, thệ nguyện độ,
Phiền não vô tận, thệ nguyện đoạn,
Pháp môn vô lượng, thệ nguyện học,
Phật đạo vô thượng, thệ nguyện thành.
Hôm nay chúng ta tìm hiểu về câu “Phiền não vô biên, thệ nguyện đoạn”. Có hai điểm cần phải đào sâu: phiền não là gì? và đoạn phiền não như thế nào?
Phiền não là một tên chung để chỉ tất cả những sự ham muốn, say đắm, lo lắng, buồn phiền, lầm lạc, xao xuyến, bất an, sợ hãi, khổ sở… của chúng sinh. Theo đạo Phật thì tất cả các sự phiền não này đều bắt nguồn từ tam độc là tham, sân và si. Trên thực tế, hầu như ngày nào, người Phật tử…
… cũng nghe nhắc đến ba chữ này.
Tham hay tham dục là ham muốn thái quá, muốn vơ về cho mình thật nhiều tiền tài, danh vọng, sắc đẹp…, dù đã có nhiều rồi vẫn chưa hài lòng, cho nên có câu “Lòng tham không đáy”. Từ cái tham này, nảy ra bao nhiêu nghiệp ác, điều này chúng ta có thể hiểu dễ dàng, trong đời sống hàng ngày có rất nhiều thí dụ để chứng minh.
Sân hay sân hận là giận dữ, bực bội, cáu kỉnh, oán thù… Từ cái sân này chúng sinh gây ra các tội ác. Căm giận đến mức chỉ mong hại người này, giết kẻ khác, dù chưa làm được, cũng sẽ gây ra ác nghiệp về ý. Bực tức quá không nhịn được, chửi rủa người khác, dùng lời thô tục, sẽ gây ra ác nghiệp về khẩu. Oán thù đến độ mất hết tự chủ cầm dao đâm người, cầm súng bắn người hoặc sai người khác làm việc đó, sẽ gây ra ác nghiệp về thân.
Si hay si mê là cái độc thứ ba. Si còn gọi là vô minh hay tà kiến. Đó là sự mê muội, không sáng suốt, không nhìn thấy đường chánh, sa vào đường tà. Vô minh là nguồn gốc của thập nhị nhân duyên, nguồn gốc của sinh tử luân hồi. Ngay cả những người tu, dù đã phát tâm cầu đạo bồ đề cũng luôn luôn phải học hỏi để tránh vô minh, tránh si mê, thí dụ như đã tu Phật mà lại mê sự bỏ lý, hoặc mê lý bỏ sự, nghi ngờ chánh pháp, cũng là sai vậy.
Đó là nói về tam độc. Trong kinh sách, còn nói nhiều đến phiền não. Thí dụ như “tứ phiền não” gồm có ngã si, ngã kiến, ngã mạn, ngã ái, hay “lục đại phiền não” gồm có: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến hay “thập phiền não” gồm có: tham, sân, si, mạn, nghi, ngã kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ và giới cấm thủ.
Tóm lại, phiền não là cái gốc làm cho chúng sinh gây nên tội lỗi, gây nên ác nghiệp và vì thế cứ trôi lăn mãi trong vòng luân hồi sinh tử và chịu đựng những hậu quả xấu xa trong các kiếp tới. Do đó, một trong bốn nguyện lớn của con Phật là phải dứt phiền não.
Nhưng vấn đề khó khăn là “dứt phiền não bằng cách nào?”. May mắn cho chúng ta, trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, đức Bổn Sư đã dạy rằng muốn tránh sự hại của phiền não, cần phải tu thanh tịnh nghiệp tức là ba nền phước để đưa về cõi Tịnh độ của Đức A-Di-Đà:
1. Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, tu thập thiện.
2. Thọ tam qui, ngũ giới cho đến cụ túc giới.
3. Phát tâm bồ-đề, tin sâu lý nhân quả, đọc tụng kinh đại thừa, khuyến tấn kẻ tu hành đạo Phật.
Suy nghĩ lại thì tu phước như vừa kể trên sẽ “tránh được sự hại của phiền não”chứ chưa “dứt được phiền não”. Quả thật, nếu được về cõi Tịnh độ của đức A-Di-Đà thì đó là một quốc độ trong ấy người ta “không nghe thấy danh từ ác”, tuy vậy vẫn còn phải theo các “thượng thiện nhân” để tu tập đi đến chánh quả bởi vì lên đến Tịnh Độ chưa phải là đã thành Phật, mới chỉ trông thấy Phật thôi (hoa nở thấy Phật, hoa khai kiến Phật).
Trái nghĩa với phiền não là bồ-đề tức là giác ngộ. Vậy thì muốn dứt phiền não thì phải tu tập cho được giác ngộ. Giác ngộ điều gì? Giác ngộ những điều Phật đã dạy tức là giác ngộ các lý vô thường, vô ngã, không; giác ngộ lý nhân quả; giác ngộ đời là bể khổ, cần phải tu để giải thoát khỏi sinh tử luân hồi, vượt qua thập thiện, tứ đế, thập nhị nhân duyên mà lên tới bồ-tát đạo, giác ngộ được thực tướng của vũ trụ, đạt được Niết-bàn. Lúc đó là đã qua “bờ bên kia”, hết mê, thành ngộ, gặp cảnh mà lìa cảnh chứ không mắc cảnh nữa.
Bấy giờ, ta mới hiểu tại sao Lục tổ Huệ năng lại nói “phàm phu tức Phật, phiền não tức bồ-đề”. Hết mê là ngộ, phàm phu trở thành Phật; hết phiền não là gặp bồ-đề. Mê và ngộ chỉ cách nhau có một sợi tóc, phiền não và bồ-đề cũng chỉ cách nhau có một sợi tóc. Đó là dùng những danh từ đối nhau trong thế gian của chúng ta, có trắng có đen, có sướng có khổ, có phải có trái v.v… Khi đã thành Phật, đã chứng Niết-bàn, đã vào cảnh giới tuyệt đối thì không còn phân biệt tốt xấu, thiện ác v.v… Vậy những lời phê bình rằng đạo Phật không phân biệt thiện ác, chỉ là những lời phê bình nông cạn, chưa hiểu đạo Phật nói những gì. Có những điều để nói cho thế gian, có những điều để nói cho cõi tuyệt đối; ở một nơi mà không có ai đói cả chỉ toàn là người no thì còn ai bàn no đói làm gì, cả danh từ no đói cũng không còn nữa.
Bàn như trên rồi lại suy nghĩ về bản thân chúng ta đang sống ở xã hội này, còn lo toan trăm bề, công ăn việc làm, con cái cháu chắt, nhà cửa xe cộ, bạn bè xa gần v.v… làm gì đủ thì giờ để tu tập một phần chứ đừng nói cả các điều nêu trên. Vì thế chúng ta cần tìm ra một cách nào đó tu tập hằng ngày cho thích ứng với hoàn cảnh chúng ta.
Phương pháp đơn giản nhất là niệm Phật. Niệm Phật để thanh tịnh ba nghiệp thân khẩu ý. Không phải một vài tháng một vài năm mà là suốt đời, phải tinh tấn niệm Phật. Pháp môn này đã được nói đến nhiều rồi, ở đây chỉ xin nhắc lại mà thôi.
Thứ nữa là để một vài lúc để quán về lý vô ngã của đạo Phật. Muốn vậy phải đọc kinh sách nói về lý vô ngã, phải nghe giảng về lý vô ngã rồi mới có “vốn liếng” để suy nghĩ, để quán. Không phải quán như thế rồi sẽ hết cái Ta, nếu tu đến hết được cái Ta thì đã thành Bồ-tát rồi, thành Phật rồi. Thật ra, cái Ta sẽ bớt dần đi, từ đó tham sân si cũng giảm dần đi, kết quả là phiền não nhường bước cho bồ-đề. Khi cái Ta bớt dần thì quan niệm về Người lại rõ hơn, bấy giờ ngã ái, ngã mạn, v.v… đã kém, ta sẽ chấp nhận người khác dễ dàng hơn, chấp nhận rằng chúng sinh có thân khác nhau, ý khác nhau, khẩu khác nhau không phải chỉ có Ta là hơn cả, ý của ta là hay hơn cả, lời của ta là đẹp hơn cả, hành động của ta là phải hơn cả. Đầu óc rộng rãi hơn, thấy mình và người gần nhau hơn, các thứ tham sân si giảm đi, phiền não nói chung giảm đi. Thế đã là tốt lắm. Mong rằng công việc này cứ tiếp tục hoài hoài, một lúc nào đó không còn “nhân, ngã, chúng sinh, thọ giả” nữa thì bấy giờ là “thấy Như Lai” như Kinh Kim Cương đã dạy. Quả là khó! Đã nói là Phật đạo, tức là có con đường thoát khổ, đã có con đường thì phải đặt chân lên mà đi mới tới đích. Có Thường Bất Khinh bồ tát đứng bên cạnh nói thầm rằng: “Ngài là Phật sẽ thành”. □ (Hình trên: Chùa trên núi Thiểm Tây -Trung Quốc – NN sưu tầm )
BÀI 24. NHẤT ĐẠI SỰ
1. Nhất đại sự của phàm nhân.
“Chư Phật chỉ vì nhân duyên một việc lớn mà xuất hiện ở đời”. Việc lớn này là việc gì? Là sự nghiệp “khai thị ngộ nhập Phật tri kiến”, tức là mở bày cho thấy mà vào Phật tánh. Cái lớn là tri kiến Phật, là Phật tánh, là thực tướng, hay không tướng.
Đối với con người thì nhất đại sự là chuyện sinh tử. Người tu Phật nhằm tự giải thoát ra khỏi cái nghiệp sinh tử luân hồi. Đức Phật chỉ cho ta con đường giải thoát, được hay không là do chúng ta.
Phàm phu chúng ta lúc nào cũng bị vấn đề sinh tử ám ảnh, nói rõ ra ai cũng tham sống sợ chết. Các vị đắc đạo hiểu rõ “đủ duyên thì sanh, hết duyên thì tử”, cuộc đời chỉ là huyễn hóa, ảo mộng. “Sinh như đắp chăn bông, tử như cởi áo hạ”.
2. Chúng ta từ đâu tới?
Nhờ kinh Khởi Thế Nhân Bản (kinh Trường Bộ, tập 4, kinh số 4), chúng ta biết rằng con người gốc gác từ những chúng sinh từ cõi trời Quang Âm Thiên thác sanh qua trái đất này. Mới đầu do ý sanh, nuôi sống bằng hỷ, tự chiếu hào quang … Dần dần, sống bằng đất, vị như mật ong thuần tịnh, rồi bằng nấm. Thiện ác nẩy ra. Có cỏ, cây leo, lúa mọc ra, bị cắt nhiều quá không lớn được. Rồi tham lam, nói láo, đánh cắp, tức giận … xuất hiện. Phải chọn người cầm đầu, khởi lên giới vực xã hội …
Tóm lại, tổ tiên chúng ta đến từ một thế giới khác. Nếu hỏi “Ai sinh ra các chúng sinh đó?” thì không có câu trả lời. Phật giáo không đề cập đến một “nguyên nhân đầu tiên” vì nếu nói đến điều ấy thì một câu hỏi khác bật ra ngay: “Trước cái nguyên nhân đó là cái gì?”. Vì đạo Phật không nói đến một Đấng Sáng Tạo nên có người cho rằng đạo Phật là “vô thần”, về điều này chúng ta sẽ thảo luận trong một bài khác.
3. Khoa học nói gì về trái đất và con người?
▪ 15 tỉ năm trước đây, có “tiếng nổ lớn” big bang.
▪ 4.7 tỉ năm trước: Trái đất mới đầu là một quả cầu lửa, nguội dần, vỏ đặc lại. Hơi gặp lạnh đọng lại, rơi xuống thành mưa. Chỉ có một đại châu và một đại dương duy nhất, tình trạng này kéo dài 4.5 tỉ năm. Có mưa, có sông ngòi, có soi mòn và lắng đọng.
▪ 3 tỉ năm trước: có sinh vật đơn bào (1 tế bào, unicellulaire).
▪ 1 tỉ năm trước: có sinh vật đa bào, đa bào có đuôi.
▪ 500 triệu năm trước: có loài bò sát khổng lồ, rêu biển, cây, loài lưỡng thể (amphibie), các loài bò sát biết bay.
▪ 200 triệu năm trước: loài có vú.
▪ Khoảng 70 đến 25 triệu năm trước: con proconsul.
▪ 15 triệu năm trước, con proconsul cho ra hai nhánh: dryopithecus ( xuống đến khỉ) và ramapithecus (xuống đến người). Sau đây, nói tiếp về ramapithecus:
▪ Khoảng 2 đến 1 triệu năm trước: Homo habilis. [khéo] (homo = “ngợm”!)
▪ 700 ngàn năm trước Homo erectus. [đứng]
▪ 100 ngàn năm trước Homo sapiens. [khôn]
▪ 60 ngàn năm trước Homo sapiens sapiens [khôn khôn]
▪ 10 ngàn năm trước Người.
▪ 10.000 – 60.000 năm trước canh nông.
▪ 5000 năm trước chữ viết.
▪ 2000 năm trước đồ đồng.
▪ 1000 năm trước Tây lịch đồ sắt.
4. Sinh.
Phật giáo quan niệm có 4 cách sinh: 1/ thai sinh, sinh bằng bào thai từ dạ của mẹ (người, trâu, bò,…) 2/ noãn sinh, sinh bằng trứng ( chim, rắn, rùa, …) 3/ thấp sinh, sinh ở nơi ẩm thấp (cá, muỗi, ruồi…) 4/ hóa sinh, sinh do biến hóa, hoàn toàn do nghiệp lực (chư thiên, ngạ quỷ, tội đồ địa ngục, hoặc chúng sinh của một thế giới tân tạo).
Một câu hỏi: Lập trường của Phật giáo đối với vấn đề phá thai ra sao? – Không tán thành phá thai vì phá thai là sát sinh, phạm giới cấm thứ nhất của đạo Phật. Nhưng ngừa thai thì được.
Khoa học nay nói thêm đến các cách sinh sau đây:
1/ sự thụ thai nhờ tinh trùng của người khác (IAD: insémination avec donneur).
2/ tạo bào thai trong ống nghiệm (FIV: fécondation in vitro).
3/ tạo bào thai trong ống nghiệm với sự chuyển phôi châu tức embryon (FIVATE: fécondation in vitro avec transfert d’embryon).
4/ cloning, clonage, tạo ra một sinh vật từ một sinh vật khác không do thụ thai. Người ta dùng chữ nhân bản để dịch chữ cloning.
Đây là mấy vấn đề lớn, chúng ta hãy cùng nhau thảo luận. Một vấn nạn: thần thức nhập vào thai lúc nào? Cách đây 25, 26 thế kỷ, không có những vấn đề này!
5. Không có Ta (vô ngã).
Thân và tâm tức là sắc và danh là hai thành phần của con người, nói rõ hơn, con người là hợp thể của ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức).
Thân do duyên hợp của tứ đại là đất nước gió lửa, là một hợp thể, nó không có tự thể vì phải dựa vào những cái khác mà thành. Thân lại không thường hằng, làm sao có thể bảo nó là cái Ta thực sự được! Tâm thay đổi từng phút, từng giây, từng sát-na, nên cũng không thể gọi nó là cái Ta thực sự được. Vì thế, Phật giáo đưa ra lý thuyết vô ngã, không có Ta. Trên đời này, không có cái Ta thật sự, chỉ có cái Ta quy ước, nghĩa là cái Ta tạm gọi trong đời sống gia đình, cộng đồng và xã hội mà thôi. Đạo Phật không hề phủ nhận cái Ta đó. Cái Ta đó có đấy, nhưng mà là giả có, nó là huyễn. Đừng phá hủy nó, mà cũng đừng nuông chiều nó, nó chính là phương tiện để tu. Sáu căn là gốc của tội lỗi nhưng cũng là phương tiện để tu. Đời như huyễn, tu cũng như huyễn.
Trên thực tế, người tu Phật phải quán chiếu tính cách vô ngã của mình, từ đó bớt dần tham sân si mạn và mở rộng lòng đối với muôn loài.
6. Chết.
Ta vẫn nghe nói “sinh ký tử quy” nghĩa là “sống gửi chết về”. Sống là ở tạm cõi này, chết là về. Nhưng về đâu? Đạo Phật trả lời: Có sinh là phải có tử, tử rồi tái sinh. Sinh tử, tử sinh, cứ thế mãi, y hệt như sóng nhô lên rồi hụp xuống rồi lại nhô lên … Tuy vậy, có thể chấm dứt luân hồi nhờ tu giải thoát, giải thoát khỏi cái nghiệp sinh tử luân hồi. Lúc đó trở thành bậc thánh: thanh văn, duyên giác, bồ-tát, Phật. Vậy thì chuỗi sinh tử tuy “vô thủy” mà có thể “hữu chung”. Luân hồi thì qua một trong sáu đường: 3 đường lành là thiên, nhân, a-tu-la, 3 đường ác là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.
Cái gì gây ra luân hồi? Cái nghiệp. Thân, khẩu, ý gây ra nghiệp. Nghiệp vô hình chứa trong kho vô hình, gọi là tạng thức hay a-lại-da. Nghiệp vô hình nhưng sức rất mạnh gọi là nghiệp lực. Nghiệp lực thúc đẩy đi tái sinh (thường gọi là đi đầu thai). Trong cái lực này có hai yếu tố mạnh là ái dục và ý chí muốn sống. Cái gì đi tái sinh? Tạng thức chứa cái nghiệp đi tái sinh, được gọi là thần thức. Lúc chết rồi, người ta hay gọi là vong linh hay hương linh. Rất ít khi dùng chữ hồn, linh hồn, e hiểu lầm rằng hồn là thứ thường hằng bất biến. Những vị đã đến hàng thánh thì lúc chết sẽ đi ngay. Những kẻ tội nặng phải đọa địa ngục cũng đi ngay. Các trường hợp khác phải mang thân trung ấm, đợi tối đa 49 ngày sẽ tùy nghiệp mà đi tái sinh.
(Gọi là thân trung ấm nhưng nó vô hình. Trước khi chết, có thân tiền ấm. Tái sinh rồi, có thân hậu ấm. Thân tiền ấm và thân hậu ấm thì hữu hình).
Các bậc thánh đi về đâu? Không thể nói “tái sinh làm thánh” vì phiền não hết rồi thì làm gì còn điều kiện tái sinh. Không thể nói “trở thành hư vô” vì có cái gì đâu để mà xóa cho thành hư vô. Các bậc thánh chứng ngộ Niết-bàn nghĩa là hết tham sân si, hết cái ta, hết luân hồi. Niết-Bàn là một trạng thái của tâm, không phải là một nơi chốn. Có thể nói: Nhập Niết-bàn là hòa vào bản thể vũ trụ! Đó là nói vậy thôi chứ chúng ta đâu đã vào cõi tuyệt đối.
Vấn đề tự tử. Đạo Phật không tán thành tự tử. Đành rằng đời là bể khổ nhưng không thể chấm dứt đau khổ bằng cách tự tử. Tại sao? Vì cái nghiệp còn y nguyên đó, tự tử không xóa được. Vừa tự tử xong là chuẩn bị tái sinh, không thể tránh được. Đã thế cái cận tử nghiệp lại nặng chĩu những chán chường, oán hận, đau buồn, lo lắng … đẩy thần thức vào những nẻo ác.
Vấn đề trợ tử. Ít lâu nay, chúng ta nghe nói đến trợ tử, nghĩa là giúp cho những người bị bệnh quá hiểm nghèo, sống không ra sống, chết không ra chết, được chết bình an. Lập trường của đạo Phật thế nào? Đau đớn là do cái nghiệp, con người không thể tránh cái nghiệp được, cắt nó lúc này thì kiếp sau nó lại còn đó. Vì thế đạo Phật dạy nên giúp người bệnh nặng bằng sự săn sóc, sự an ủi, giảng kinh, dạy niệm Phật, đồng thời tụng kinh hồi hướng công đức đến người bệnh. Sức mạnh tinh thần có thể làm cho bệnh nhân bớt đau đớn. Khổ một nỗi, người bệnh còn biết gì đâu. Vì thế gia đình phải chuẩn bị sớm.
7. Kết luận.
1/ Ta là gì? là hợp thể danh và sắc. Ta có, nhưng là giả có. Cái “ta xã hội” vẫn có, “cái ta để tu hành” vẫn có.
2/ Ta từ đâu tới? Từ cha, mẹ và nghiệp lực của mọi đời trước.
3/ Có bắt buộc cắn răng chịu đựng nghiệp dữ không? Không! Tạo nghiệp lành và chí thành sám hối để ngăn nghiệp dữ, như đắp đê ngăn lụt vậy.
4/ Chết rồi đi đâu? Đi tái sinh. Các bậc thánh “lên” Niết-bàn.
5/ Có thể thoát sinh tử luân hồi không? Có. Một là tu thành thánh, hai là theo pháp môn niệm Phật cầu vãng sinh về cõi Tịnh độ của đức Phật A-Di-Đà, lên đấy để tu.
6/ Tu giải thoát thế nào? Phước và huệ, phải đầy đủ cả hai.
7/ Khó quá, tu không nổi! Cần có tự tín và kiên nhẫn, Phật tánh có sẵn ngay trong ta. Long Nữ, thân gái, thân rồng, 8 tuổi, đã thành Phật trong nháy mắt! □
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
“Bước Vào Cửa Phật” – Book 1

Share

Leave a Reply

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Paid Links