20/04: 15 . VÔ THƯỜNG – 16 . NHÂN QUẢ
Category: Phật Học – Phật học ôn tập-
Posted by: Tbl Đọc: 4459 lần
15. VÔ THƯỜNG – 16. NHÂN QUẢ
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
Bài 15 .Vô Thường
Trong giáo lý của đức Phật, chúng ta thấy nói đến “tứ vô thường”, một giáo lý quan trọng bậc nhất. Đó là “vô thường, khổ. vô ngã và không”, tóm tắt thật gọn lý thuyết của Phật giáo. Chữ vô thường đứng trước nên gọi chung là tứ vô thường.
Vô thường là do “vô thường biến dị” nói gọn. Vô thường nghĩa là thay đổi, biến chuyển, khi thế này, lúc thế khác, không giữ nguyên hình tướng hay tình trạng. Nói vô thường thì bao giờ cũng hàm ý thời gian ở trong.
Không phải chỉ có đức Phật mới nói đến vô thường. Đức Khổng tử nói: “Trôi chảy mãi thế thôi, ngày đêm không ngừng”, vũ trụ dưới mắt ngài giống như một dòng nước không ngừng trôi chảy. Trong Tứ thư Ngũ kinh của Khổng giáo, có kinh Dịch, với nghĩa Dịch là biến dịch, đổi thay.
Triết gia Hy Lạp Héraclite đã nói rằng “chẳng ai đi qua một con sông tới hai lần”, ý nói đã qua sông rồi, khi quay lại thì con sông không còn như cũ nữa! Thi sĩ…
… thì thương tiếc cho đóa hoa xinh tươi “sớm nở tối tàn”.
Nguyễn Du “đau đớn lòng” khi nhận thấy cuộc đời trải qua một “cuộc bể dâu”, nay là nương dâu, mai đã thành bãi biển!
Trong Cung Oán Ngâm Khúc, có hai câu: “Trăm năm còn có gì đâu, Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì”.
Đạo Phật nói vô thường, nhưng điều đặc sắc trong đạo Phật là chỉ cho chúng ta con đường thoát ra khỏi vô thường, có vô thường là có khổ đau.
Thân chúng ta, ngay lúc này đây, biết bao nhiêu tế bào đang chết đi, đồng thời bao nhiêu tế bào khác đang thành hình. Điều ấy nhỏ nhẹm quá, mắt thường khó thấy, nhưng sáng dậy, soi gương, thấy vài vết nhăn hằn thêm trên trán hay vài sợi tóc bạc rụng trên vai áo, ta thấy ngay tính cách vô thường của chính ta.
Không những thân xác đổi thay, mà cả tâm ta cũng biến thiên từng giây từng phút, nhanh vô cùng. Ta hay nghe nói đến “tâm viên ý mã”, tâm được ví với con khỉ luôn luôn chuyền từ cành nọ sang cành kia, ý được ví với con ngựa không để cho cái cẳng yên lúc nào. Một thoáng, đang vui đổi sang buồn. Nay yêu, mai đã ghét rồi.
Vạn sự vạn vật ngoài chúng ta cũng không thoát khỏi luật vô thường. Núi kia “trơ như đá”, ấy thế mà đang mòn, mòn chút một, mắt ta không thấy nhưng núi có mòn, “trăm năm bia đá thì mòn”. Đống tuyết trước cửa, cao gần đến mái nhà, chỉ sau vài ngày nắng ấm, đã tan mất! Bao nhiêu người học hành giỏi giang, bằng cấp thật cao, chuyên môn nhuần nhuyễn, thế mà vẫn “điên cái đầu” về sự thay đổi quá nhanh chóng của kỹ thuật! Bao nhiêu người “bừng con mắt dậy, thấy mình tay không” vào ngày 30-4-75, ấy là chưa kể những người mất cả mạng trong “trại cải tạo” hay ngoài biển khơi! Bất cứ cái gì cũng không tránh khỏi bốn giai đoạn của quy luật “thành trụ dị diệt” hoặc là “sinh lão bệnh tử”. Có đức Phật Thích-Ca hay không có Ngài, quy luật ấy vẫn có trong trời đất.
Biết luật vô thường, phải áp dụng vào đời sống như thế nào?
Đầu tiên là bớt được sự ham muốn, lòng ái dục. Của cải, danh vọng, quyền lực… không có gì bền vững cả cho nên không cần hết lòng tìm kiếm mong cầu. Dù có cũng hiểu rằng nó vĩnh cửu, thường hằng. Ta không nên lầm ham muốn với tinh tiến tức là sự cố gắng để tiến lên về phương diện tinh thần và tâm linh.
Thứ nhì là hiểu đời hơn, do đó bớt buồn khổ và thất vọng. Nếu thời tiết thay đổi bất chợt, làm hại xe cộ, cây cối, nhà cửa… của mình, mình cũng không bực bội, than vãn. Bạn bè có ai quay lại nói xấu mình, phản mình, hại mình, … mình chấp nhận sự thay đổi trong lòng con người, dùng lòng “xả” mà xóa hết đi, có thể người ta sẽ hối hận. Nếu quán thật kỹ bản thân mình, biết đâu mình cũng đã làm mất lòng người khác.
Thứ ba là biết thương yêu đồng loại hơn. Tất cả chúng ta đều chịu sự chi phối của luật vô thường, sẽ phải chết, nhưng không biết lúc nào, tất cả đều mang án tử hình cả, cho nên cùng cảnh ngộ. Vì thế chẳng nên chèn ép nhau, thù hận, đâm chém nhau làm gì. Ngược lại, nên tha thứ cho nhau, giúp đỡ nhau, thương yêu nhau. Xã hội nhờ đó mà sẽ tốt đẹp hơn.
Cuối cùng là câu hỏi này: Có cái gì thường hằng không? Đức Phật trả lời rằng có. Cái thường hằng, đó là Phật tánh. Đó là bản thể của vạn pháp. Nói cho kỹ: Pháp tánh chung cho vạn pháp, Phật tánh chung cho chúng sinh. Ai ai cũng có Phật tánh cả, ai ai cũng có thể thành Phật. Mê là chúng sinh, ngộ là Phật.
Trở lại vấn đề “sinh tử sự đại”. Đã có sinh là phải có tử. Trong các đau khổ thì sinh tử luân hồi được kể là đau khổ nhất. Đạo Phật là đạo thoát khổ vì đạo Phật dạy cách tu hành để thoát khỏi sinh tử luân hồi, ngõ hầu nhập vào hàng thánh: thanh văn, duyên giác, bồ-tát, Phật.
Tóm lại, vô thường là một định luật của trời đất. Phật tử chúng ta tìm hiểu vô thường không phải để than vãn, buồn nản mà là để áp dụng vào cuộc sống hàng ngày và việc tu hành giải thoát. □
Bài 16. NHÂN QUẢ
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, có một người kia – mà cấp dưới gọi là bác sĩ nhưng sự thật là y tá được “đôn” lên – từ Bắc vào Nam làm giám đốc một bệnh viện khá lớn. Anh ta hung hăng lắm, ra lệnh giết con chó của bà sơ làm việc thiện nguyện tại bệnh viện mặc dù nhiều người, kể cả bệnh nhân, nài nỉ góp tiền mua cho hắn một con chó bán sẵn ở ngoài chợ để hắn nhậu với bạn bè, nhưng hắn không nghe … Hắn lại chính tay cầm búa đập cái am nhỏ ở bệnh viện, am đó là nơi dân chúng đến khấn vái kêu cầu, xin phước cho thân nhân đau ốm đang nằm trong bệnh viện. Một ngày kia, khi trèo lên mái nhà loay hoay sửa ăng-ten hay một cái gì đó, hắn bị điện giật chết. Người ta nói: rõ ràng là quả báo nhãn tiền!
Người Việt Nam nào, dù không theo đạo Phật, cũng có một ý niệm về nhân quả báo ứng, ý niệm nhiều khi thật là mờ nhạt, nhưng vẫn hiện hữu. Đó là ảnh hưởng của đạo Phật vào cách suy nghĩ của dân tộc ta. Chúng ta hãy tìm hiểu về luật nhân quả. Đây là một luật có sẵn trong thiên nhiên, đức Phật không đặt ra luật ấy, có Ngài hay không có Ngài, luật ấy vẫn tồn tại. Nhờ đạt được sự sáng suốt hoàn toàn, Ngài nhận ra luật ấy và chỉ rõ cho mọi người thấy. Thấy rồi, hiểu rồi, đem ra áp dụng vào cuộc sống, lý thuyết phải đi đôi với thực hành. Nói dễ hiểu, nhân là nguyên nhân, quả là kết quả. Nhân là cái hạt, quả là cái trái từ đó mà ra.
Nói rằng hạt lúa là nhân, bông lúa vào mùa gặt sau là quả thì dễ hiểu. Nhưng trong vũ trụ, sự vật liên quan chằng chịt với nhau nên khó nhận ra cái nào là nhân, cái nào là quả. Tách rời một việc, có thể hiểu; nhưng nhìn chung toàn thể thì khó. Trong nhân hiện tại có sẵn quả vị lai. Và trong quả hiện tại, có sẵn nhân vị lai.
Hạt lúa để trên viên gạch không thể nào cho bông lúa được. Gieo hạt lúa rồi thì còn phải bao nhiêu thứ nữa mới ra nổi cây lúa. Một nhân không thôi thì không đủ sinh ra quả, phải có nhiều duyên giúp vào thì mới có quả để báo lại. Luật nhân quả nói cho đầy đủ là luật “nhân duyên quả báo”. Duyên nào giúp cho quả trổ ra thì gọi là trợ duyên; duyên nào làm cho quả chậm tới hay không tới gọi là nghịch duyên. Một nhân mà gặp những duyên khác nhau có thể cho những quả khác nhau. Thí dụ như gieo cùng một giống lúa nhưng nơi nào gặp hạn hán thì bông lúa nhỏ hay lép, nơi nào có đồ bón thì bông lúa sẽ mang nhiều hạt và hạt to.
Nhân và quả luôn luôn cùng loại. Người ta thường dùng câu: “trồng dưa thì được dưa, trồng đậu thì được đậu” để nói lên cái ý ấy. Làm điều thiện là gây nhân lành, sẽ hưởng quả lành đời này hay các đời sau. Làm điều ác là gây nhân ác, sẽ lãnh quả ác ngay đời này hay các đời sau. Lãnh ngay bây giờ, ta nói đó là“quả báo nhãn tiền”.
Hột soài sinh cây soài, trứng gà nở ra con gà…, tôi đồng ý rằng nhân quả cùng loại. Nhưng khi tôi gõ chuông thì có tiếng chuông, tôi không thấy sự gõ và cái tiếng là cùng một loại. Xin thưa: thí dụ mà bạn đưa ra hay lắm, nhưng đó là thuộc lãnh vực vô tri. Còn soài thuộc về thực vật, gà thuộc về sinh vật, đều có sự sống.
Đối với con người thì luật nhân quả rất rõ rệt. Nếu nhân là tốt nết, quả là được nhiều người yêu quý; nhân là được nhiều người yêu quý, quả là đến đâu cũng có người giúp đỡ v.v.. Nhân là tham lam, quả là trộm cắp; nhân là trộm cắp, quả là vô tù v.v… Nhân là sân, quả là đánh người; nhân là đánh người, quả là xộ khám v.v…
Thời gian từ nhân đến quả khác nhau rất nhiều. Đánh ai thì người đó phản ứng ngay tức khắc. Gieo lúa đợi mùa gặt thì phải mấy tháng. Trồng dừa thì mấy năm sau mới có trái dừa. Đi học lấy bằng cử nhân thì phải chăm chỉ mười mấy năm. Làm hỏng môi sinh, sẽ gánh hậu quả vào một lúc nào đó, có thể là nay đang chịu hậu quả rồi.
Nói về nhân, duyên, quả, báo, thế là tạm đủ. Nhưng vấn đề chính đối với chúng ta là từ đó rút ra được những gì? Xin thưa: ít ra cũng rút ra được mấy điều sau đây.
Thứ nhất là tránh “cái gì cũng đổ cho số mệnh”. Thông thường, người ta hay nói: cái số nó vậy, trời sinh ra thế…, lại có câu “cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa” để khuyên chớ nên oán trách ông trời. Những điều đó bộc lộ một quan niệm mà hầu như chúng ta ai cũng có: tin rằng có một đấng tối cao là ông trời nắm quyền ban phát điều lành cho người thế gian., hoặc là bắt họ chịu điều xấu. Hiểu luật nhân quả thì sẽ thấy “mình làm mình chịu”, “ai gieo gió thì người đó gặt bão”. Mình làm lành các kiếp trước thì nay hưởng, mình làm ác trong các kiếp trước thì nay ráng chịu. Nếu muốn giảm thiểu hay triệt tiêu quả ác ngay trong đời này thì phải gắng tu tỉnh! “Mình làm mình được!”. “Đức năng thắng số!”.
Thứ nhì là mình phải làm lành để gây nhân lành, để sau này gặt hái quả lành. Một thi sĩ nổi tiếng hỏi thiền sư Ô Sào rằng: “đại ý Phật pháp là gì?”. Thiền sư trả lời : “Làm mọi việc thiện, chớ làm mọi việc ác” (1). Thi sĩ nói: “Điều đó con nít lên ba cũng biết”. Thiền sư bảo: “Con nít lên ba cũng biết, thế mà ông già tám mươi không làm nổi!”. Biết là một chuyện, làm lại là một chuyện khác. Chỗ này xin mở ngoặc để nói rằng có người thắc mắc tại sao thiền sư không thuyết “kiến tánh thành Phật”. Xin thưa, thi sĩ kia đâu có phải là nhà thiền, hơn nữa các đại sư tùy bệnh mà cho thuốc, thuốc này hợp với thi sĩ chăng.
Thứ ba là mình tin tưởng vào sự cố gắng của mình. Bao nhiêu những ý mà ta nghĩ, bao nhiêu những lời mà ta nói, bao nhiêu những việc mà ta làm đều là những nhân dồn chứa vào trong a-lại-da-thức của ta, người ta gọi đó là các mầm, các chủng tử, chúng đợi đủ duyên để lớn lên, để chín, để trổ quả theo như luật nhân quả mà ta đã biết. Tốt, xấu, hay không tốt không xấu là do ở ta. Đã do ở ta thì ta phải can đảm tự mình kiểm soát mình, kiên trì tu hành, không nên bỏ lơi như người kia mua đôi giày mới, rón rén tránh bước vào bùn, đến lúc lỡ giẫm vào bùn rồi thì không còn giữ gìn gì nữa.
Chúng ta hãy cố gắng thực hành tứ chánh cần: điều ác đã làm thì chặn đi, điều ác chưa làm thì chớ làm, điều thiện đã làm thì tiếp tục làm, điều thiện chưa làm thì gắng làm. □
(1) “Chớ làm ác. Chăm làm lành. Giữ tâm ý thanh tịnh. Chư Phật dạy như thế”.
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
Bước Vào Cửa Phật – Book 1 -Montreal 2010
(Hình:Chùa KIm Liên-Hà Nội-NN sưu tầm)