11/10/2010: TỪ NGỮ
Category: Tôi Tìm Hiểu Đạo Phật
Posted by: Tbl Đọc: 3508 lần
Hình : NN trước chùa Thiên Mụ- Huế
Có rất nhiều từ ngữ liên quan đến Đạo Phật mà trước đây , tôi không hiểu rõ hay hiểu một cách rất lơ mơ . Thực tình mà nói , lúc đó – thời gian còn đi học – tôi đâu có thì giờ để tìm hiểu cho rõ nghĩa của những chữ này đâu ! Đạo Phật đối với tôi -những ngày còn đi hoc – mỗi khi theo mẹ đến …
… chùa , Đạo Phật là hình ảnh Đức Phât Thích Ca uy nghiêm và từ ái trên Toà Sen , Đạo Phật là các Sư , các Ni , các Tăng trong những bộ áo vàng hay nâu xồng , là những tiếng kinh , tiếng mõ nhịp nhàng , êm ái , là mùi thơm của nhang khói … tất cả những thứ đó làm cho tâm hồn tôi dịu lại , lâng lâng ..và lưu luyến , không muốn ra về …Khi lớn khôn , ra trường rồi đi làm , kiến thức tôi có về Phật giáo vẫn không có gì hơn , vì tôi phải đoc những sách về nghề nghiệp , những loại sách để mở rộng kiến thức , những sách về văn chương để mở rộng tâm hồn ,v…v.. , tôi vẫn không có thì giờ đọc sách về Đạo Phật ( không biết đây có phải là một cái cớ không , hay chỉ vì tôi chưa có cơ duyên đến với Phật ?! )
Sau này mẹ của chúng tôi già yếu đi mỗi ngày , chúng tôi đưa mẹ đi chùa lễ Phật , vẫn không bao giờ quên lời mẹ dạy : phải biết thương người , phải biết từ bi hỷ xả , phải biết hậu quả của việc mình làm là nghiệp báo ,v…v…Nhưng tôi vẫn hiểu rất lơ mơ về ý nghĩa rốt ráo của những từ nay` !
Cho tới những năm gần đây , bắt nguồn cảm hứng từ quyển :”Phật Giáo yếu lược ” của thày Hiệu trưởng NVP. , tôi đã đoc ít nhiều những sách về Đạo Phật . Thói quen đọc sách của tôi – bất cứ loại sách nào – là phải tìm cho ra ý nghĩa của chữ mà tôi không hiểu rõ , dù thoạt nhìn vào tưởng như dễ hiểu , tưởng như đã hiểu rồi , có thể bỏ qua , đọc sang trang khác …Chẳng han , hai chữ Đạo Phât , rồi Đức Phật Thích ca ( trong đầu tôi hiện ra câu hỏi : Phật là gì vậy ? v…v..) Rồi hai chữ ‘ bồ đề : chuỗi hạt Bồ Đề , lá bồ đề ?…Niết bàn , Cõi niết bàn …là gì mà chúng ta vẫn cầu nguyên cho những người vừa từ trần được “ lên cõi Niết bàn “ ! v..v..
Chỉ khi truy nguyên ý nghĩa của từng chữ , tôi mới hiểu được rằng :
* Đạo: con đường ; Phật : người đã giác ngộ , nghĩa là đã tìm ra chân lý của cuộc sống .Chân lý đó gọi là Chân lý Vô Ngã . Cái Ngã , cái “ ta “ , cái bản thể , cũng như tất cả mọi vật , mọi sự khác đều là giả ảnh , không có thực , nó chỉ là do những cái khác hợp lại mà khởi ra ( do duyên hợp ). Biết thế để làm gì sẽ lại là một chương lớn khác . Vậy Đao Phật là con đường chỉ ra cách nào để trở thành người biết giác ngộ , biết “ đời là giả tạm “ như chúng ta vẫn thường nói;cách nào để thoát ra khỏi cảnh trầm luân của kiếp người ?
*Bồ đề : tiểu sử cuộc đời Đức Thích ca cho biết : một đêm kia , cũng như nhiều đêm trước đó , kể từ khi từ bỏ cuộc sống vương giả , thái tử Sidđhârtha, đang ngồi trầm mặc dưới một gốc cây bồ đề , thì bỗng nhiên thái tử bừng tỉnh ngộ , nhận thấy rõ chân lý của cuộc đời , biết rằng con người có đủ khả năng thành Phật, thành bậc giác ngộ và cũng đủ khả năng giải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi . Thái tử đã trở thành PHẬT , nghĩa la` người đã giác ngộ ; lúc đó Ngài 35 tuổi : “ không phải Ngài sinh ra là Phật , mà Ngài đã tu hành thành Phật “ . Từ đó , cây bồ đề , lá bồ đề , …đều tượng trưng cho Phật , cho sự giác ngộ . Chuỗi hạt bồ đề đã được làm bằng những hạt của cây bồ đề , sau này được trồng rất nhiều ở Ấn đô , Miến Điện , v…v..
*Niết bàn : đó không phải là một nơi chốn, mà là một trạng thái của tâm, bộc lộ những điều sau : 1-đã diệt hết tham, sân si( phương diện luân lý ). 2-đã diệt được cái ngã ( phương diện tâm lý ). -3 đã thoát khỏi sinh tử luân hồi ( phương diệ siêu hình ) . Linh hồn một người quá vãng đươc lên cõi niết bàn tức là đã lên được một cảnh giới chân thật siêu thoát ; là thường trụ, là bất sanh , bất diệt .
*Tôi cũng rất tâm đắc với chữ “ bát nhã ‘ trong đạo Phật .Bát nhã dịch ở tiếng Phạn Prajna , có nghĩa là” sâu xa “ , một trí tuệ sâu xa , thoát ly ra khỏi những tư tưởng dung tục , bậy bạ . Tôi cũng yêu thích âm nhac , trong tâm lý , âm nhac dùng để di dưỡng tâm hồn , nâng tâm hồn đến chỗ thanh cao … Không biết có phải vì vậy không mà tôi đã ghép 2 chữ đó thành bút hiệu “ Nhã Nhạc “ từ hồi ở Sai Gon , khi tôi viết bài cho các em học sinh đăng vào báo Xuân hay báo Hè của các em , hay viết cho các bạn .
Còn rất nhiều những từ ngữ Phật giáo khác nữa mà khi tìm ra ý nghĩa chính xác , sâu rộng của nó , chúng ta cảm thấy có hứng thú để tiếp tục đoc những trang sách nói về Phật Giáo .
Xin được trở lại vấn đề này trong một dịp khác .
Nhã Nhac