Tự Lực Văn Đoàn Và Tuổi Thanh Xuân
Nhã Nhac
Lúc đó, chúng tôi ở vào cuối những năm Đệ Nhất Cấp , đầu Đệ Nhị Cấp trở lên, đã tự mình tìm đọc và hiểu các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn với các tác giả như Thạch Lam , Khái Hưng, Thế Lữ, Xuân Diệu, Hoàng Đạo , Nhất Linh …Đối với chúng tôi , những tác phẩm này đã mở ra một chân trời mới đầy quyến rũ . Bằng lối văn trong sáng , giản dị nhưng chân thành , gây cảm xúc mạnh mẽ nơi người đọc ,những tác phẩm này đã đề cập đến những vấn đề rất thông thường trong cuộc sống như : tình gia đình , lòng yêu quê hương, yêu đồng bào , cuộc sống khổ cực nơi thôn dã , cảnh bất công trong xã hội …
Chỉ khác một điều các tác giả đã phân tích thực trạng một cách thấu đáo, qua nhân vật , đặt vấn đề và giải quyết vấn đề một cách rốt ráo – mà có người nói rằng những nhân vật này đã làm một cuộc cách mạng – Đã có rất nhiều sách , rất nhiều những bài nghiên cứu về nhóm Tự Lực Văn Đoàn (TLVĐ), các tác phẩm và các tác giả . Ở đây chúng tôi chỉ muốn cùng các bạn đồng song của mình ôn lại một thời thanh xuân với TLVĐ mà thôi . Dù thế nào, chúng tôi cũng phải công nhận rằng TLVĐ đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm hồn chúng tôi , đến văn phong của chúng tôi sau này .
Cùng với những câu ca dao, tục ngữ …khi còn trong tay mẹ , lớn lên một chút, chập chững những bước đầu tiên vào Tiểu học với những bài học của Luân Lý Giáo Khoa Thư , của Cổ Học Tinh Hoa, những bài học thuộc lòng …tất cả những thứ này đã đặt nền móng căn bản cho đạo đức, cho tình yêu quê hương, đồng bào nơi chúng tôi …Nhưng với TLVĐ, nhiều tác phẩm đã mở rộng hơn tầm mắt của chúng tôi – ở tuổi đời tươi đẹp , trong sáng đó – đã là những tiếng gọi “lên đường” , đã góp phần tạo ra nhân cách chúng tôi một cách rõ ràng , đã gợi ra những lý tưởng để theo đuổi . Chúng tôi cám ơn Bố Mẹ , cám ơn Nhà Trường , cám ơn TLVĐ .
Dưới đây, mời bạn đọc thưởng lãm một đoạn văn được trích từ truyện Đoạn Tuyệt của Nhất Linh để thấy được phần nào cái lý do mà TLVĐ đã ảnh hưởng đến chúng tôi,thời đó .
Đoạn Tuyệt
….(Trích đoạn )
“ Một buổi chiều về cuối năm , một buổi chiều êm như giấc mộng; mấy cây thông ở đầu hiên nhà đứng lặng yên đợi gió .
Dũng và Độ ,hai người thẫn thờ, không nói ,ngả đầu vào lưng ghế ,nhìn khói thuốc lá từ từ lan ra ngoài nhà rồi tan vào quãng không .
Trên bàn phủ vải trắng, có để một chai rượu mùi, hai cái cốc đầy rượu và một đĩa quả : sắc thuỷ tinh trong, pha với mầu xanh vàng , đỏ của trái cây diễn ra một quang cảnh ấm áp .
Ngoài kia,ánh nắng vàng buổi chiều như tiếc ngày cuối cùng của một năm, còn lảng vảng trên các ngọn đồi, chòm cây, lướt thướt trên những cánh đồng cỏ mầu xanh già .Những thôn xóm rải rác dưới chân đồi hay bên bờ con sông trắng cong queo như bị đè nén dưới vẻ to tát của trời đất rộng rãi .Khói thổi cơm chiều ở một vài nhà gần như không có sức lên cao nữa, toả ra thành từng đám mầu lam ôm lấy các mái tranh . Tiếng người gọi nhau ở dưới đồng đưa lên khiến Dũng nghĩ đến cái đời của dân quê, cái đời lạnh lẽo, vô vị kéo dài mấy nghìn năm .Đã mấy nghìn năm, họ sống như bám lấy mảnh đất già cỗi, xưa thế nào, giờ vẫn thế, vui ít, khổ nhiều, bao giờ cũng thảm đạm như buổi chiều đông này, không hề khao khát một cảnh đời sáng sủa hơn, mong ước một ngày mai tốt đẹp hơn ngày hôm nay .
Chiều hôm ấy, Dũng như cảm thấy tâm hồn của đất nước, mà biểu hiệu cho đất nước ấy, không phải là những bậc vua chúa, danh nhân, chính là đám dân hèn không tên không tuổi .Dân là nước .Yêu nước chính là yêu chung đám thường dân, nghi đến sự đau khổ của đám thường dân .
Quanh năm xuôi ngược, dừng chân lại ít ngày ở đồn điền một người bạn thân, ngồi nhàn nhã uống cốc rượu tiễn năm trong một toà nhà gạch sang trọng, Dũng vẫn thấy mình là một người dân và càng cảm thấy cái thú man mác được hoà với đám dân không tên không tuổi, sống cái đời của họ sống, mong ước như họ mong ước, khác nào một cây cỏ lẫn trong muôn nghìn cây cỏ ngoài nội Nhưng trong cái thú hoà hợp ấy có lẫn chút rạo rực, nao nức, vì chưa được thoả nguyện về hiện tình của dân quê, nên khao khát mà sự khao khát không diễn được nên lời ấy, nó bắt Dũng tin ở sự thay đổi, tin ở công Dũng làm trong bấy lâu và có lẽ làm mãi, chưa biết bao giờ nghỉ .
Độ nhìn Dũng, thương hại cho bạn bấy lâu sống cuộc đời gian nan, vất vả, phiêu dạt khắp bốn phương trời .Chàng gạt tàn thuốc lá, thở dài, nói vẩn vơ một câu như để an ủi bạn:
– Sống không nghĩ ngợi như bọn dân kia thế mà lại sướng .
– Tôi cũng nghĩ như anh, vì tôi tin ở sự tiến bộ .Ta có thể làm cho họ hơn lên được ………Tôi vẫn hằng mong ước dân quê đỡ phải chịu hà hiếp, ức bách . Ta phải tin rằng sự ao ước ấy có thể thành sự thực và làm cho dân quê cũng ước mong một cách tha thiết như ta .
Bấy giờ dưới đồng, sương phủ xuống mờ mờ, tiếng người gọi nhau lúc nãy, giờ đã im …
Yên lặng …Buổi chiều im lặng như ru người ta vào cõi mộng .
Bỗng thốt nghĩ riêng đến nỗi khổ của mình, Dũng nện gót giầy xuống gạch, cầm cốc rượu uống cạn, cười bảo Độ :
-Anh rót cho tôi cốc nữa .Anh uống đi, uống nhiều đi chứ !
Độ vừa rót xong, Dũng lại dốc cạn lần nữa .
_ Hôm nay, tôi muốn uống thật say để tiễn năm cũ đi .
Thật ra, chàng muốn say để quên những ý nghĩ buồn rầu về Loan, nó đến ám ảnh chàng từ lúc Độ ở Hà Nội về kể chuyện Loan cho chàng nghe .Tuy chàng muốn không bao giờ xuôi Hà Nội, tuy chàng muốn quên hẳn không bao giờ nghĩ đến Loan, thế mà vừa rồi chàng vẫn khẩn khoản nhờ Độ dò xét hộ chàng về tình cảnh Loan .Từ ít lâu nay, tự nhiên chàng thấy cái tình yêu người cũ tràn ngập cả tâm hồn : cái tình mà chàng tưởng đã nguội lạnh như đám tro tàn, nay lại còn ngùn ngụt bốc lên, không sao dập tắt được .
Tiếng pháo tiễn năm cũ nổ ran ở dưới chân đồi đưa lên ….
Nhất Linh Nguyễn-Tường-Tam
(Hình 1 :Nhất Linh Nguyễn-Tường-Tam 1905-1963 – Hình 2 : Bìa sách này do chính Nhất Linh vẽ cảnh Đà Lạt )
(Còn tiếp)- NN
Paid Links