Trở Lại Chiến Trường Xưa (Nguyễn Công Khanh)-

Trở Lại Chiến Trường Xưa.
Nguyễn Công Khanh
blank_page

 
Tướng Ngô Quang Trưởng (Hình trên Net-NN)
Hai vị dũng tướng, Marcel Bigard của chiến tranh Việt Pháp và tướng Ngô Quang Trưởng của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, cùng bại trận trong hai cuộc chiến làm thay đổi vận mạng của Việt Nam. Hai ông cùng có ý nguyện cuối cùng là sau khi qua đời, tro của mình sẽ được đem về rải tại chiến trường xưa
Tướng Marcel “Bruno” Bigard (1916-2010) là một sĩ quan Pháp đã tham dự ba cuộc chiến tranh: Thế chiến Thứ Hai, Chiến Tranh Đông Dương  trong đó có trận Điện Biên Phủ và trận chiến Algeria. Ông xuất thân từ lính động viên binh nhì, 30 năm sau qua các chiến trận, hoàn thành binh nghiệp ở cấp tướng. Ông đã được chỉ định làm Tổng Trưởng Quốc Phòng một thời gian. Sau đó giải ngũ và ông được bầu là dân biểu trong Quốc Hội Pháp. Ông có 16 tác phẩm liên quan đến chiến tranh, đặc biệt nhất là chống du kích.
Năm 1945, lần đầu ông được phái đến Đông Dương, trong đó có nhiệm vụ huấn luyện Dân Quân Thái tại biên giới Lào chống lại sự xâm nhập của Việt Minh. Ba năm sau ông trở lại Việt Nam lần thứ hai để chỉ huy tiểu đoàn Thái, sau đó là tiểu đoàn Đông Dương vùng cao nguyên. Ông đã tham dự nhiều trận đánh tại Bắc Việt.
Tháng 11 năm 1953, ông chỉ huy Tiểu đòan Nhẩy Dù tham dự trận mở màn Điện Biên Phủ. Tháng 3 năm 1954, Tiểu đoàn Dù của ông trở lại, để tăng cường cho các căn cứ đang bị bao vây. Lòng quả cảm, tài mưu lược của ông đã giúp chặn lại nhiều cuộc tấn công vũ bão của đối phương. Ông được thăng Trung Tá tại mặt trận. Nhưng cuối cùng ngày 7 tháng 5 năm 1954 Điện Biên thất thủ. Ông đã cùng mười ngàn đồng đội bị bắt cầm tù. Ba tháng sau ông được hồi hương.
Ông mất ngày 18 tháng 6 năm 2010. Ông là một trong những người được tặng huân chương nhiều nhất. Ý nguyện cuối cùng là tro của ông sẽ được rải xuống Điện Biên Phủ, nơi ông thất trận bỏ lại những đồng đội đã ngã gục nằm ở đó trong bao lâu nay.
Theo tài liệu của Wikipedia là một trong những tài liệu có thể tin cậy, những con số liên quan đến trận Điện Biên Phủ về phía Pháp gần như chính xác, còn con số về phía Việt Minh không được tiết lộ và chỉ là ước lượng. Trong trận này Pháp vận dụng gần 16,000 quân, tử trận và mất tích khoảng trên 4,000, bị bắt làm tù binh 10,998, trong số này có 4436 là thương binh. Những tù binh này đã phải lội bộ 400 kms (259 miles) mới đến được trại giam,và trong thời gian bị giam cầm, khoảng hơn 5,000 tù binh đã chết. Số tù binh Pháp và lính thuộc địa hồi hương chỉ còn lại 3290. Còn số tù binh lính địa phương Việt Nam và Thái là 3013 người, không biết số phận họ ra sao. Về phía Việt Minh, theo nhiều nguồn tin, nhưng chắc chắn là con số gấp nhiều lần hơn của Pháp. Việt Minh đã vận dụng khỏang 50,000 quân chính quy và 50,000 dân công trong việc tiếp vận cho chiến trường. Số tử trận có thể từ 15,000 đến 20,000, vì chiến thuật biển người của họ. Con số thương binh không được tính, thường gấp nhiều lần. Rất nhiều binh sĩ hai bên đã mất tích vì bị bùn lầy vùi lấp trong các chiến hào đã không được tìm kiếm. Hiện nay có 4 nghĩa địa tại Điện Biên, an táng 4,000 lính Việt Minh. Về phía Pháp chỉ có hai tượng đài nhỏ do các cựu chiến binh Pháp xây để tưởng niệm các đồng đội của họ. Chiến tranh chấm dứt. Việt Nam chia đôi. Gần một triệu người di cư từ Bắc vào Nam đi tìm tự do.
Buổi sáng hôm đó, trời trong xanh, đúng vào ngày Điện Biên Phủ thất thủ, ngày 7 tháng 5, một máy bay nhỏ giống như máy bay thám thính hồi đó xuất hiện và bay nhiều vòng trên thung lũng lòng chảo Điện Biên, rồi từ từ xuống thấp. Sau đó, có những đám bụi từ phi cơ được tung xuống. Bỗng nhiền có những âm vang, nghe như hòa lẫn của những hồi kèn thúc quận với lời ngân của bài ca Hồn Tử Sĩ.  Rồi những cơn gió lốc xóay từ đâu bốc lên đỡ những đám bụi đó cuốn đi và chạy vòng trong thung lũng qua các cứ điểm quân sự ngày xưa: Anne Marie, Isabelle, Gabrielle, Beatrice, Dominique, Hugette, Claudine, Elaine… Chiếc máy bay lượn quanh thêm một vài vòng nữa, rồi khuất dần về phía chân trời. Thung lũng yên lặng trở lại. Tưởng như trong giây phút đó, trong những nghĩa trang bao la với những dãy mộ sơn trắng, những chiến binh Việt Minh chợt tỉnh giấc từ giấc ngủ ngàn thu, cùng trở dậy chào mừng những vong hồn tử sĩ phía bên kia đã một thời tranh sự sống chết với mình, nay có một chủ tướng đã xuống nằm cùng với đồng đội.
Đọan rải tro trên chỉ là một sự tưởng tượng, ý nguyện cuối cùng của tướng Beagard đã bị từ chối cùng thời gian Tổng Trưởng Quốc Phòng Pháp sang thăm Việt Nam năm 2010. Nhà cầm quyền Hà Nội không muốn đó là một tiền lệ không hay cho họ.
*
Vi tướng thứ hai là Trung Tướng Ngô Quang Trưởng (1927 -2007). Sinh tại Kiến Hòa, ông xuất thân là một sĩ quan tốt nghiệp Khóa 4 Thủ Đức năm 1954. Ngay sau khi  ra trường, ông gia nhập binh chủng Nhẩy Dù cho đến năm 1966, từ cấp Đại đội Trưởng, Tiểu Đòan Trưởng  rồi Tham Mưu Trưởng của Sư Đòan Dù. Sau đó binh nghiệp của ông đã gắn liền với miền Trung, vùng địa đầu giới tuyến cho đến khi triệt thóai, qua các chức vụ Tư Lệnh Sư Đòan 1 Bộ Binh, Quân Đòan 1, Quân Khu 1. Những lần được thăng cấp của ông đều dựa vào công trận. Ông có 3 tác phẩm ghi lại các kinh nghiệm trong chiến tranh Việt Nam được tàng trữ trong Trung Tâm Quân Sử Quân Lực Hoa Kỳ (U.S. Army Center of Military History)
Ông đã được gọi là Người Hùng Quảng Trị, một vị tướng thanh liêm. Sau 1975, ông đến Hoa Kỳ, sống lặng lẽ tại tiểu bang Virginia cho tới khi qua đời.
Ý nguyện cuối cùng là tro của ông sẽ được đem về rải trên đỉnh đèo Hải Vân. Gia đình ông đã làm tròn ý nguyện đó.  *
Hãy tưởng tượng một lần nữa, buổi sáng hôm đó, một chiếc xe van chạy từ phía Đà Nẵng leo lên đèo Hải Vân. Lúc lên tới đỉnh, đến một chỗ đậu sát bên đường, gần chỗ tháp canh cổ được xây lại thời Minh Mạng. Phía dưới là rừng xanh, xa là biển rộng. Cả gia đình gồm một bà mẹ và mấy người con xuống xe. Trên áo họ còn đeo một mảnh vải đen, dấu hiệu của tang chế. Một người con, có lẽ là con cả, hai tay ôm một chiếc bình gốm. Họ đi đến một mỏm đất cao, nhìn ra biển Thái Bình bao la. Một người con khác thắp hương, đưa cho mỗi người một nén. Họ bắt đầu đọc kinh. Tiếng kinh của họ thoảng bay trong gió. Bài kinh được đọc xong. Người con cả đưa hũ tro đến cho mẹ và các em. Mỗi người bốc một nắm nhỏ, ngần ngừ như lưu luyến, rồi họ tung ra phía biển. Tiếng kinh lại thầm thì vang lên quyện vào với khói hương trầm như những tiếng gọi vong hồn tử sĩ.  Một cơn lốc từ đâu thổi đến, mang theo những âm vang từ lòng đất. Cơn lốc đã cuốn khói hương và tro của tướng Trưởng bay về phía giới tuyến, nơi mà ông đã nhiều lần hành quân, lội bộ hay ngồi quân xa hay trên trực thăng cùng các chiến hữu trong những trận chiến khốc liệt mà bao nhiêu đồng đội của ông gục ngã. Hôm đó ông đã trở về với họ.
Cũng theo Wikipedia, tổn hại trong chiến tranh Việt nam của ba phía là: Hoa Kỳ lính chết 58,272, bi thương 153.000, mất tích nay còn là 1,687, 866 tù binh hồi hương. Nguồn tin từ chính phủ miền Bắc cho biết, tử trận 1.1 triệu, trong đó có 849,000 lính Bắc Việt và 251,000 lính Việt Cộng miền Nam, 300,000 binh sĩ mất tích, số bị thương không được biết. Phía Việt Nam Cộng Hòa, 266,000 tử trận, các con số khác không có nguồn tin nào. Về phía dân chúng khỏang trên 2 triệu người chết.
Nếu có dịp đi xe lửa Xuyên Việt Bắc Nam, người ta sẽ thấy có rất nhiều nghĩa trang liệt sĩ nằm dọc hai bên đường sắt, với những hàng mộ trắng thẳng tắp và kỳ đài Tổ Quốc Ghi Ơn được chăm lo chu đáo. Trong khi đó không còn thấy đâu nghĩa trang của những người lính Cộng Hòa miền Nam. Bức tượng người lính an nghỉ Tiếc Thương và cả nghĩa trang Biên Hòa cũng bị phá nát. Quốc hội Mỹ vừa thu hồi 1 triệu đô la trợ giúp kỹ thuật giúp tìm các binh sĩ hai bên  mất tích trong trận chiến tranh vừa qua, vì nhà cầm quyền Việt Nam đã từ chối không chịu tìm những binh sĩ miền Nam.
Nhìn lại thế giới, các cuộc nội chiến như Bắc-Nam của Mỹ, Đông và Tây Đức sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ, họ giải quyết khá nhanh, không gây những di hại hận thù dai dẳng. Ngay như giữa Mỹ và Nhật trong Thế Chiến Thứ Hai, cả hai cùng đập nhau những đòn chí tử, nhưng chẳng bao lâu kẻ thua người thắng sát lại với nhau, khiến cho Nhật Bản trở lại vai trò cường quốc. Như cái tinh thần thượng võ của hai võ sĩ quyền Anh, cùng ra sức nện nhau bằng những cú đấm thôi sơn lên mặt nhau, dù rằng mắt mũi sưng vù, nhưng sau trận đấu họ lại đến ôm lấy nhau. Chắc đó hẳn là cái văn hóa chiến tranh của phương Tây.
Việt Nam đến nay 37 năm rồi vẫn chưa xong.  Đại Hàn, Triều Tiên và Cam-Bốt không biết đến bao giờ. Có thể đó là do ảnh hưởng độc hại của “Văn Hóa Cầm Quyền” Trung hoa. Luôn luôn nuôi thù hận giữa các triều đại, bằng cách chu di tam tộc, nhổ cỏ nhổ tận gốc, phân chia giai cấp, bần nông đấu tố địa chủ vv… Cái bóng ma Trung Quốc vẫn còn phủ trùm lên các chư hầu Á Châu, không những họ đã không thoát ra được, mà các chư hầu này còn đi xa hơn cái văn hóa thâm độc đó, bằng những từ ngụy quân ngụy quyền, cải tạo, diệt tư sản, đẩy người ra biển để trục lợi. Cam Bốt lại còn đi quá xa bằng cách diệt chủng,
hai triệu người vô tội đã chết một cách dã man…
*
Cuộc chiến tranh triền miên vừa qua là một cuộc nội chiến tàn hại nhất trong lịch sử Việt Nam. Bao nhiêu người đã chết, hận thù vẫn chưa tiêu. Hai bên đều bị hai thế lực bên ngoài trực tiếp hay gián tiếp thúc đẩy để tương tàn, sát hại lẫn nhau. Chiến thắng Điện Biên Phủ tưởng sẽ đem lại cho miền Bắc hạnh phúc ấm no, trái lại người dân vẫn bị trầm luân trong cảnh đói khổ bao cấp suốt hơn hai mươi năm trời kế tiếp. Rồi đến, Đại Thắng Mùa Xuân, đất nước thống nhất, đói khổ trầm luân vẫn tiếp tục và biết bao nhiêu thảm cảnh mới lại tiếp tục xẩy ra, hàng trăm ngàn sĩ quan miền Nam bị đưa đi tù đầy cải tạo, gia đình ly tán. Triệu người vượt biển đi tìm tự do và biết bao mạng người vùi thân dưới biển sâu. Phải đợi đến hơn mười năm sau khi lệnh cấm vận được bãi bỏ, đất nước mới có cơ hội thay đổi, nhưng lại gây nên bao tệ trạng xã hội trầm trọng, và vẫn không thoát khỏi nguy cơ lệ thuộc, mất đất mất biển.
Tướng Trưởng đã trở về cùng với các đồng đội của ông. Những tàn tro của ông hẳn đã bay đến bên các nấm mộ của các binh sĩ, các dũng tướng anh hùng đã tuẫn tiết trong giây phút cuối cùng. Tro của ông chắc cũng đã bay đến bên những nấm mộ của các sĩ quan tàn lụi trong các trại cải tạo. Cùng nhau họ đã viết một thiên bi hùng ca cho những người lính thất trận miền Nam.
Nguyễn Công Khanh                                                                                                                                                                                        __________________________
*Theo bài viết “Rải tro theo gió” của nhà văn Nguyễn Tường Thiết, sự việc này đã được thực hiện vào mùa hè 2008

Share

Leave a Reply

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Paid Links