01/05: Bài 19.SÁU NẺO LUÂN HỒI – Bài 20. THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN

01/05: 19.SÁU NẺO LUÂN HỒI – 20. THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN
Category: Phật Học – Phật học ôn tập-
Posted by: Tbl Đọc: 5813 lần
19. SÁU NẺO LUÂN HỒI .20.THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

Bài 19. SÁU NẺO LUÂN HỒI
Kinh Pháp Hoa nói: “Chư Phật Thế Tôn chỉ vì “nhất đại sự nhân duyên” mà hiện ra nơi đời. “Nhất đại sự”, một việc lớn, việc lớn nhất là khai, thị, ngộ, nhập Phật tri kiến cho chúng sinh. Vì thế, chư Phật trong ba đời nối tiếp nhau thuyết kinh Pháp Hoa – vua của các kinh – để chúng ta thoát ra khỏi chúng-sinh- tri-kiến mà ngộ nhập Phật-tri-kiến.
Đối với ngừơi phàm như chúng ta, nhất đại sự chính là sự sống, chết. Từ khi biết suy nghĩ, con người vẫn quanh quẩn với ba câu hỏi lớn: Vũ-trụ từ đâu ra? Con người từ đâu ra? Chết rồi, con người đi về đâu? Cũng có khi đặt ba vấn đề khác là: Vũ trụ là gì? Vật chất là gì? Đời sống là gì?
Khoa học ngày nay tiến bộ rất nhiều, đã khám phá ra nhiều điều bí mật, nhưng tựu trung, các câu hỏi nêu trên chưa được trả lời rõ rệt. Thậm chí có người nghĩ rằng: các khám phá của khoa học làm cho con người…
… thắc mắc thêm. Nói thế, không phải là bi quan, mà chính là để nói lên rằng các khám phá của khoa học cho biết các chi tiết càng ngày càng tỉ mỉ, càng tinh vi, đồng thời càng gợi ra cho con người thấy sự kỳ diệu của sự sống và của vũ trụ. (Hình bên:Chùa Nam Hải Quan Âm – Nha Trang)
Đạo Phật không giải đáp vấn đề “vũ trụ từ đâu ra?”, Đức Thế Tôn đã nói: “Cũng như nước biển chỉ có một vị mặn, đạo của ta chỉ có một vị là vị giải thoát”, giải thoát khỏi sinh tử luân hồi, giải thoát khỏi mọi khổ đau. Với Phật nhãn, rất có thể Ngài đủ tri kiến giải đáp các vấn đề mà chúng ta mới nêu lên, nhưng chính Ngài cũng thấy rằng các việc đó không giúp được gì cho sự giải thoát.
Đạo Phật cũng không nói đến “nguyên nhân đầu tiên” sinh ra sự sống.
Đối với đời sống hiện tại và sự luân hồi, thuyết 12 nhân duyên giải thích tại sao có đời sống có luân hồi. Khi một người chết đi thì thân xác “trở về cát bụi”, còn thần thức đi tái sinh (thường nói là đi đầu thai). Thần thức này chứa cái nghiệp, tức là toàn thể những gì người ta đã làm, đã nói, đã nghĩ trong kiếp này và các kiếp trước, kể hết mọi thứ tốt xấu hay không tốt xấu. Khi một bào thai được thành hình thì nó cần đủ ba yếu tố: trứng của mẹ, tình trùng của cha và một thần thức. Vì vậy, đời sống có ngay từ lúc bào thai được thành hình. Khi bào thai thành người thì người này đã có sẵn cái nghiệp và hứng chịu các quả báo tốt hay xấu tùy theo cái nghiệp đó.
Đại cương là như vậy, nhưng con người không bị bắt buộc phải cắn răng chịu đựng một cách thụ động cái nghiệp ấy. Bằng cách làm lành, nghiệp của kiếp hiện tại có thể làm nhẹ cái nghiệp xấu tích lũy từ các kiếp trước, nếu không xóa được hẳn thì cũng làm nhẹ được, đồng thời gây nhân lành cho các kiếp sau. Vì thế người ta nói rằng: kiếp này ra sao là do các kiếp trước gây ra, kiếp sau ra sao là do kiếp này và các kiếp trước gây ra. Và, điều đáng nhấn mạnh là: bản thân ta có đủ năng lực để chuyển nghiệp xấu thành nghiệp nhẹ hơn hay nghiệp lành, hoặc là chuyển nghiệp lành thành nghiệp lành hơn, bản thân ta chịu trách nhiệm về đời sống của ta trong kiếp này và trong các kiếp sau nếu còn luân hồi.
Trong một gia đình, một đoàn thể, một xã hội, có một nghiệp chung, ấy là cộng nghiệp, khác với nghiệp riêng của mỗi cá nhân tức là biệt nghiệp. Bao nhiêu triệu người Việt Nam, tất cả đều chịu một cộng nghiệp trong mấy chục năm chiến tranh tàn khốc vừa qua, nhiều ít đều bị ảnh hưởng xa gần, trực tiếp, gián tiếp của bom đạm, chém giết, cướp bóc, tàn bạo. Tuy thế cách chịu đựng của mỗi người không giống nhau, vì mỗi biệt nghiệp mỗi khác.
Khi nói đến đầu thai, đến kiếp khác, đôi lúc người ta chỉ nghĩ đến đầu thai thành người. Thật ra, có sáu đường để đầu thai gọi là lục đạo: ba ác đạo là địa ngục, ngã qủy, súc sinh và ba thiện đạo là: a-tu-la, nhân, thiên. Đó là sáu nẻo luân hồi. Vì thế phải dùng chữ tái sinh mới đúng. Bốn đường khác: thanh văn, duyên giác, bồ-tát, Phật là bốn thánh đạo, không còn sinh tử luân hồi như sáu đường nói trên.
Tất cả mười đường này còn có tên là “thập pháp giới”. Và, theo một quan niệm của tông Thiên Thai, thì con người thoắt đổi từ pháp giới này qua một pháp giới khác, không phải đợi đến lúc đầu thai, kiếp này, kiếp khác. Nghe hơi lạ tai, nhưng sự thực thì đó là một cách nhìn theo khía cạnh tâm lý như sau:
Địa ngục Khổ triền miên Enfer
Ngã quỷ Thèm khát Rapacité
Súc sinh Ham muốn Animalité
A-tu-la Tức giận Colère
Nhân Bình thường Humanité
Thiên Hỷ lạc Extase
Thanh văn Siêng tu Etude
Duyên giác Suy tư Réflexion
Bồ -tát Bồ-tát tính Nature de Boddhisattva
Phật Phật tính Bouddhéité
Đang là người, biết kìm hãm dục vọng, biết lẽ phải, biết sống hài hòa với mọi vật quanh mình, bỗng nổi nóng điên khùng, ấy là đã biến thành a-tu-la, hoặc bỗng cảm thấy hoan lạc như mới nhận được một thứ gì mình mong mỏi, một ước mơ đã thành, thì đã bước lên bậc thiên v.v… Đó là quan niệm “Nhất tâm cụ thập pháp giới” (một tấm lòng chứa đủ mười cõi pháp giới). Nghĩ rộng ra nữa, cách trình bày trên chưa được đủ, xin đề nghị cách nói như sau: mỗi chúng sinh ở trong một pháp giới đều có đủ tiềm năng để tới chín pháp giới kia, dù là trong một khoảnh khắc, dù là trong một hay nhiều lần tái sinh.
Thần thức đi tái sinh, nói nôm na là hồn đi tái sinh. Gọi là hồn, hay thần thức không có gì quan trọng. Nhưng điểm đáng nhớ là: đạo Phật không quan niệm một linh hồn trường cửu. Nói rằng không có linh hồn là sai, nói rằng có linh hồn trường cửu cũng sai; hai xác ngôn ấy đều là biên kiến cả. Đạo Phật chỉ quan niệm hồn là một thứ vô hình tích lũy, ngậm chứa tất cả cái nghiệp của cá thể, mang cái nghiệp đó đi tái sinh.
Sự chết đối với đạo Phật, không phải là hết. Sự chết cũng không phải là tận cùng bằng sự thưởng phạt lên thiên đường hay xuống địa ngục vĩnh viễn. Sự chết chỉ là một giai đoạn chuyển tiếp từ một kiếp sống này qua một kiếp sống khác. Đời người như một trang giấy, đọc đến hết trang là phải giở sang trang khác; đó là chết và sang kiếp khác. Cứ mỗi lần sang trang là sang một kiếp mới. Sự so sánh chỉ tạm ổn, vì đối với Phật học, không thể biết đời sống bắt đầu từ bao giờ (vô thủy = không có chỗ bắt đầu), nên sách không có trang đầu tiên, nhưng có thể thoát vòng sinh tử luân hồi được (hữu chung = có chỗ chấm dứt). Tuy vậy, Pháp tính luôn luôn thấm nhuần hết thảy mười phương pháp giới. Chúng ta hay dùng danh từ Pháp tính để áp dụng cho vạn pháp, còn danh từ Phật tính để áp dụng cho chúng sinh.
Phật tính này có nhiều danh từ để gọi, nhưng không có danh từ nào diễn tả nổi, vì nó vượt ra ngoài tầm hiểu biết của con người, ngoài ý niệm của con người, đó là một thứ “vô niệm”, chỉ có thể “nhập” được khi nào đã “chứng ngộ”, đã “giải thoát”. Phật tính này thấm nhuần vạn pháp, là sự sống, khắp không gian, suốt thời gian. Ta không biết hơn và, nếu hỏi sâu nữa: Phật tính ở đâu ra, thì không thể trả lời được. Vì Phật tính thấm nhuần vạn pháp, nên vạn pháp là bình đẳng. Bình đẳng là theo nghĩa đó, theo nghĩa “cùng có Phật tính”, chứ không phải bình đẳng về phương diện vật chất, kinh tế hay chính trị. Vạn pháp sai biệt nhau về hình tướng, hình tướng chỉ là bề ngoài, vô thường giả hữu, nhưng bản thể của vạn pháp là một, một này là Phật tính vậy. Cái một ấy mới là cái thật, vì thế mới gọi “nhất chân bình đẳng pháp giới”. Nếu dịch chữ sùnyattà là không (vide, vacuité) và cũng dịch là bình đẳng (égalité, identité), thì cái “không” này chính là Phật tính bình đẳng vậy. “Không” là chẳng có tự tính riêng rẽ, mà bản thể chung là Phật tính, nên có thể nói “không” (hay Chân Không), chính là Phật tính vậy.
Thôi không còn vướng mắc vào vòng luân hồi nữa, thì khỏi còn đâu thai, khỏi còn tái sinh. Bấy giờ thần thức lên cảnh giới của bốn đường Thánh: Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, Phật. Vào cảnh giới Niết-bàn nghĩa là thoát vòng sinh tử luân hồi, nghĩa là không còn cái ta, cái ngã riêng mà là thể nhập vào cái chân ngã, cái chân như, tức là Pháp thân Phật. Chứng nhập Niết-bàn nghĩa là các nghiệp đều đã thanh tịnh cả, thân, khẩu, ý đều thanh tịnh, không còn nghiệp thì không còn báo, không còn luân hồi!
Nhìn vào hiện tượng giới, nhận thấy khổ, vô thường, vô ngã và tu hành để nhập Niết -bàn tịch tĩnh là một giai đoạn. Nhìn vào bản thể, nhận thấy Pháp tính chung cho vạn pháp và tu hành để nhập vào Pháp tính đó, thấm nhuần luôn vào vạn pháp, lại là một giai đoạn nữa. Đến đây không còn cái ngã nữa, chỉ còn cái Chân Ngã, biến khắp pháp giới, không gì là không hiện được, vì thế mới thấy sinh tử tức Niết-bàn, phiền não tức bồ-đề, chúng sinh tức Phật. Phải đến mức đó, thành Phật rồi, mới “thấy” như vậy, mới “sống” như vậy và mới hiện hữu khắp nơi khắp chốn, suốt thời gian quá khứ, hiện tại, vị lai, mới “chiếu thập phương quốc độ vô sở chướng ngại”, mới “thọ lượng vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp” được, mới “tự giác, giác tha” và như thế mới gọi là “tâm Phật không đâu không từ bi”, mới gọi là “thập phương tam thế Phật, A-Di-Đà đệ nhất”. Có từ bi làm đức hạnh đệ nhất thì mới cứu chúng sinh trong sáu neœo không ngưng nghỉ, không mệt mỏi. Để cứu chúng sinh, chư Phật không trụ ở Niết-bàn mà xuống cõi Sa- bà. Vì thế kinh Lăng Già nói: “Đối với chư Phật không có Niết-bàn”!
“Sống gửi, thác về”. Hãy sống thế nào để lúc thác được về với Phật, được nhập Niết- Bàn, được hòa vào Pháp thân Phật! Khó lắm thay mà cũng hy vọng lắm thay! Khi tụng Bài kệ khai kinh:
Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp, Phật pháp cao siêu rất nhiệm mầu
Bách thiên vạn kiếp nan tao ngộ Nghìn muơn ức kiếp dễ hay đâu
Ngã kim kiến văn đắc thụ trì Con nay nghe, thấy xin vâng giữ
Nguyện giải Như Lai chân thực nghĩa. Nguyện giải chân nghĩa của Như Lai.
rồi nghe Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ-tát dạy mười điều nguyện rằng:
Kính lễ chư Phật.
Xưng tán Như Lai.
Quảng tu cúng dường.
Sám hối nghiệp chướng.
Tùy hỷ công đức.
Thỉnh chuyển pháp luân.
Thỉnh Phật trụ thế.
Thường tùy Phật học.
Hằng thuận chúng sinh.
Phổ giai hồi hướng.
Người Phật tử đã rõ phải hiểu lý và hành như thế nào rồi. Con đường đã vạch, chỉ còn phải lên đường mà thôi! □
Bài 20. THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN
1. Trong đạo Phật, có một thuyết rất quan trọng, đó là thuyết duyên khởi. Thuyết này là một trong các tư tưởng cơ bản của Phật pháp. Thế nào là duyên khởi? Tự điển Phật học Việt Nam (Thích Minh Châu & Minh Chi) cho biết: “Mọi sụ vật, mọi hiện tượng trên thế giới và xã hội đều hình thành và phát triển do những điều kiện nhất định mà Phật giáo gọi là nhân duyên … Thuyết duyên khởi giải thích sự tương quan, tương liên của tất cả mọi hiện tượng tâm lý và vật lý. Theo thuyết duyên khởi, mọi hiện tượng đều không có bản thể độc lập (vô ngã), mà chỉ là sự tổng hợp của nhiều yếu tố (nhân duyên) tương quan và tương liên với nhau, luôn luôn biến động (vô thường) từ trạng thái này sang trạng thái khác.
Bốn mệnh đề sau đây thâu tóm nội dung thuyết duyên khởi:
1/ Cái này có thì cái kia có. 2/ Cái này sinh thì cái kia sinh.
3/ Cái này không thì cái kia không. 4/ Cái này diệt thì cái kia diệt.
Theo thuyết duyên khởi thì không có thần ý luận (cho rằng mọi việc xẩy ra là do ý muốn của thần linh) và ngẫu nhiên luận (cho rằng mọi việc xẩy ra là do ngẫu nhiên, tình cờ)”.
2. Tự điển Phật học (Chân Nguyên & Nguyễn Tường Bách) ghi trong mục Mười hai nhân duyên như sau: “Hán Việt: Thập nhị nhân duyên; Sanskrit: pratìtya-samutpàda; Pali: paticca-samuppàda. Nguyên nghĩa là duyên khởi, nhân duyên sinh; nhưng vì luật nhân duyên này bao gồm mười hai nhân duyên (điều kiện, sanskrit: nidàna) nên gọi là mười hai nhân duyên. Nguyên lý 12 nhân duyên và giáo pháp vô ngã làm rường cột cho tất cả các tông phái Phật giáo”.
Thế nào là thập nhị nhân duyên ? Đó là mười hai thứ kể nối tiếp nhau theo thứ tự như sau đây (cái trước có thì cái sau có, cái trước diệt thì cái sau diệt):
1/ vô minh 2/ hành 3/ thức 4/ danh sắc 5/ lục nhập 6/ xúc 7/ thọ 8/ ái 9/ thủ 10/ hữu 11/ sanh 12/ lão tử.
Vô minh là mê mờ, không tin nhân quả, nghiệp báo, tứ diệu đế, không tin Tam Bảo…, không tỏ ngộ chân tâm, không thấy được thực tướng của vạn pháp.
Hành là hành động, tạo tác (trong Phật học, chữ hành còn nhiều nghĩa khác).
Thức là thần thức, phần vô hình thọ quả báo, do nghiệp lực dẫn dắt đi tái sanh.
Danh sắc là phần tinh thần (danh) và vật chất (sắc) của con người.
Lục nhập nghĩa là 6 chỗ vào. Thân thể có 6 căn, ứng với 6 trần. Sáu căn là: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Sáu trần tương ứng với sáu căn ấy là: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.
Xúc là tiếp xúc, thí dụ mắt tiếp xúc với hình và màu, mũi tiếp xúc với mùi…
Thọ là lãnh. Vì căn tiếp xúc với trần nên người ta thọ lãnh vui, buồn, sướng, khổ…
Ái là yêu, ưa, thích. Vui thì sinh lòng tham, muốn chiếm đoạt. Buồn thì sinh rầu rĩ, khổ sở, sân hận… Con người tạo ra nghiệp là do chỗ này.
Thủ là giữ lấy, tìm cầu, do đó hành động, và gây nghiệp.
Hữu là hiện hữu, sinh tồn.
Sanh là sanh ra.
Lão tử là già rồi chết.
Thuyết thập nhị nhân duyên dùng để phân tích cơ chế sinh tử luân hồi của chúng sinh, trong đó có loài người.
3. Lý luận theo nhân quả thì nói:
Có nhân là vô minh nên gây ra quả là hành (khi có vô minh thì có hành; hay nói ngắn hơn theo lý duyên khởi: vô minh duyên hành).
Có nhân là hành nên gây ra quả là thức (hành duyên thức).
Có nhân là thức nên gây ra quả là lục nhập (thức duyên lục nhập)…v.v…
Có nhân là sanh nên có lão rồi có tử (sanh duyên lão tử)
♦ Nếu diệt được vô minh thì hành mất (khi vô minh diệt thì hành diệt).
Diệt hành thì thức mất … v.v…
Diệt sanh thì lão tử mất.
♦ Hỏi: Cái gì là nhân của lão tử? Đáp: Sanh.
Cái gì là nhân của sanh? Đáp: Hữu (hiện hữu, tồn tại)… v v..
Cái gì là nhân của hành? Đáp: Vô minh
Vậy có một kết luận hết sức quan trọng là: muốn khỏi cảnh sinh lão bệnh tử thì hãy diệt vô minh (cụ thể hơn, dễ hơn là: hãy diệt ái, thủ, hữu trước). Điều này làm rõ đế thứ nhì của Tứ đế: đế này nói về nguồn gốc của khổ (tập đế).
4. Trong 12 nhân duyên, nếu xét về thời gian, thì có hai nhóm làm nhân và hai nhóm làm quả.
Một nhóm nhân quá khứ gồm vô minh và hành.
Một nhóm nhân hiện tại gồm ái, thủ và hữu.
Một nhóm quả hiện tại gồm thức, danh sắc, lục nhập, xúc và thọ.
Một nhóm quả vị lai gồm có sanh và lão tử.
1/ vô minh 2/ hành : nhân quá khứ.
3/ thức 4/ danh sắc 5/ lục nhập 6/ xúc 7/ thọ : quả hiện tại.
8/ ái 9/ thủ 10/ hữu : nhân hiện tại.
11/ sanh 12/ lão tử : quả vị lai
Nhân quả, quả nhân, cứ thế mãi. Đó là vòng sinh tử luân hồi. Khi mà trí huệ vén được màn vô minh lên, chứng nghiệm Niết-bàn thì tiến trình sinh tử chấm dứt. Lúc ấy, người tu hành đạt được mục tiêu.
5. TÓM TẮT.
1/ vô minh (u mê, nhận định sai lầm)
→ 2/ hành (hành động thân khẩu ý, gây ra nghiệp)
→ 3/ thức (bào thai mang cái nghiệp)
→ 4/ danh sắc (có thân và tâm, lớn dần)
→ 5/ lục nhập (sáu quan năng thành hình và phát triển)
→ 6/ xúc [trẻ sơ sinh với xúc giác mạnh (1 – 3 tuổi)]
→ 7/ thọ [có tri giác (3 – 5 tuổi)]
→ 8/ ái [lớn lên, có yêu thích (6 – 14 tuổi)]
→ 9/ thủ [chấp thủ, ham muốn (15 – 20 tuổi)]
→ 10/ hữu (thực hiện ý muốn chiếm đoạt để sống, gây nghiệp)
→ 11/ sanh (vì gây nghiệp nên phải luân hồi )
→ 12/ lão tử (có sanh thì có già rồi chết).
Ghi chú. Theo Từ điển Phật học của Chân Nguyên & Nguyễn Tường Bách:“Nếu thuyết vô ngã chỉ rõ thế giới và con người do các yếu tố giả hợp kết thành với nhau, thực chất là trống rỗng, thì thuyết 12 nhân duyên có tính chất tổng hợp các yếu tố đó, chỉ ra rằng mọi hiện tượng thân tâm đều bắt nguồn từ những hiện tượng khác”.
Tiểu thừa cho rằng thuyết 12 nhân duyên đã giải thích nguyên nhân cái khổ và tất cả mọi pháp hữu vi đều có nguyên nhân và điều kiện mới sinh ra nên chúng vô ngã, không có một tự tính nào. Như thế thuyết 12 nhân duyên nhằm dẫn đến quan điểm vô ngã.
Trong Đại thừa, 12 nhân duyên được sử dụng để chứng minh sự không thật của sự vật và đặc biệt trong Trung quán tông, 12 nhân duyên được định nghĩa là Không. Kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa nhấn mạnh rằng 12 nhân duyên không nên hiểu theo thứ tự thời gian. Thuyết này nói lên sự liên hệ của vạn vật một cách tổng quát”. Ý kiến này được lấy trong từ điển The Shambala Dictionary of Buddhism and Zen.
6. Hành giả tu theo duyên giác thừa thì quán lý thập nhị nhân duyên để nhận định rõ cơ cấu của sinh tử luân hồi, tu hành để diệt vô minh, để chứng ngộ thực tướng của vạn pháp. Nếu căn cơ thấp thì chưa thể diệt ngay vô minh được, cần diệt ái thủ hữu trước đã.
Quả vị của duyên giác thừa là duyên giác; duyên giác và a-la-hán giống nhau về đại cương nhưng kể về thần thông thì duyên giác cao hơn.
Bích-chi-phật (đồng nghĩa với độc giác) là những bậc sinh ra không nhằm lúc Phật ra đời, tự mình tu hành diệt thập nhị nhân duyên nên giác ngộ, cũng được gọi là duyên giác. □
Ghi chú. Cuốn Dictionnaire Encyclopédique du Bouddhisme của Philippe Cornu dùng những danh từ Production conditionnée, Origines interdépendantes, Interdépendance để dịch chữ pali paticca samuppàda (= duyên khởi, duyên sinh).
Mười hai nhân duyên (les douze nidànas) là: 1/ l’ignorance 2/ les formations karmiques 3 / la conscience 4/ le nom-et-forme 5/ les six sources des sens 6/ le contact 7 / la sensation ou sentiment 8/ la soif ou désir 9/ la préhension ou attachement 10/ le devenir ou existence 11/ la naissance ou renaissance 12/ la vieillesse-et-mort
Tra chữ sanskrit Pratìtya samutpàda trong tự điển Shambala nói trên thì thấy các danh từ conditioning arising, interdependent arising, conditional nexus, causal nexus. Mười hai nhân duyên (nidàna) là: 1/ ignorance 2/ formations or impulses 3/ conscience 4/ name and form 5/ the six bases 6/ contact 7/ sensation 8/ craving 9/ clinging 10/ a new becoming 11/ birth 12/ old age and death. □
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
“Bước Vào Cửu Phật”- Book 1
(Hĩnh: NN sưu tầm)

Share

Leave a Reply

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Paid Links