01/10: Book3_15 . Trí Tuệ Bát – Nhã
Category: Phật Học – Phật học ôn tập-
Posted by: Tbl Đọc: 6612 lần
BƯỚC VÀO CỬA PHẬT – Quyển 3
Hoàng Hữu Nguyễn Văn Phú
Bài 15. TRÍ TUỆ BÁT–NHÃ
1. Mấy tháng trước, chúng tôi có dịp trình bày đề tài “một số đặc điểm của Phật giáo”. Sau đó, trong khi giải lao, một đạo hữu hỏi rằng: “Nếu phải nói thật gọn lại thì đạo hữu chọn điều gì là đặc điểm nổi bật nhất của đạo Phật?”.
Tôi trả lời: “ Tôi thấy đơn giản…
… lắm. Đạo Phật là đạo của Từ Bi và Trí Tuệ. Nhưng Từ Bi thì các đạo khác cũng có đề cập tới dù với vài danh từ tương đương nhưng nghĩa hẹp hơn, còn như Trí Tuệ thì thật là đặc biệt của đạo Phật. Vậy xin thưa: đặc điểm sáng chói trong Phật giáo chính là Trí Tuệ.”
Hôm nay, chúng tôi xin đánh bạo khai triển đề tài Trí Tuệ hay Trí Huệ (Bắc đọc là tuệ, Nam đọc là huệ).
2. Có hai chữ đối nghịch nhau là ngu và trí, ngu si và thông minh, đần độn và trí tuệ. Ngu, ngu si nghĩa là dốt nát, chậm hiểu, học hành thì chậm chạp, làm việc thì sai trái. Thông minh là sáng dạ, học đâu hiểu đấy, áp dụng vào việc thì nhanh, không lầm lẫn.
Ngu si là thiếu kiến thức, thiếu học hành, thiếu hiểu biết và thiếu kinh nghiệm trong một hay nhiều lĩnh vực. Thông minh là học nhanh hiểu chóng, mau mắn nắm bắt được, hiểu được những ý kiến, những lời giảng của người khác hay ở trong sách vở.
Trong đạo Phật, ngu si và thông minh, vô minh và trí tuệ, ngu và trí, ngu và hiền có nghĩa khác một chút.
Ngu si, vô minh là không biết, không hiểu chánh pháp, mù mờ chẳng biết gì đến tứ diệu đế, bát chánh đạo, lý nhân quả, lý duyên khởi, nghiệp báo … , không chịu tìm học chánh pháp, không chịu tu tập, nên rốt cuộc chìm đắm trong vòng sinh tử luân hồi. Trong thập nhị nhân duyên, vô minh là nguyên nhân chính của việc luân hồi trong ba cõi. Trong Phật học ta thấy chữ vô minh được dùng nhiều hơn chữ ngu si, và chữ si thường được dùng đứng riêng như trong mấy chữ tham sân si.
Có trí tuệ theo nghĩa thông thường là có sự hiểu biết về một hay nhiều vấn đề, do biết học tập, nghiên cứu, tìm hiểu, phân tích, tổng hợp, suy diễn …, biết rút ra kết luận và kinh nghiệm, là có khả năng giảng giải và truyền đạt các hiểu biết ấy.
Trí tuệ trong đạo Phật không phải là loại phàm trí nói trên đây. Để phân biệt trí tuệ trong đạo Phật với phàm trí, người ta dùng chữ trí tuệ bát-nhã hay bát-nhã (thật ra, bát-nhã đã có nghĩa là trí tuệ rồi. Nói trí tuệ bát-nhã là nói dư. Vậy chỉ nên dùng một chữ bát-nhã thôi cho nhẹ, nhưng với các đoạn văn trích trong kinh, sách thì phải tôn trọng nguyên bản). Chữ bát-nhã này do phiên âm chữ pali pannā (trên chữ n, có dấu ngã, đọc như nh của ta) hay chữ sanskrit prajnā mà ra. Bát-nhã là sự hiểu biết toàn diện có tính cách trực giác, không dựa trên lý luận, trên khái niệm và trên ngôn từ. Bát-nhã do tu hành mà có, không do học hành lý luận. Nhờ bát-nhã mà thấy rõ được thực tướng của vạn pháp. Cái thấy của người phàm là cái thấy sai lầm. Cái thấy của người có bát nhã là cái thấy đúng như thực, sự thực thế nào là thấy đúng được như thế.
Khi phân biệt phàm trí với bát-nhã như trên đây, chúng ta không hề có ý hạ thấp phàm trí. Học giỏi, có kiến thức, có tài năng, có phát minh vv.. là những điều đáng quý, có thể giúp ích nhiều cho nhân quần xã hội. Ở đây, chúng ta chỉ muốn nói rõ rằng những điều ấy không dẫn đến giải thoát như đạo Phật đề ra mà thôi.
Phật tử luôn luôn được nhắc nhở rằng đạo Phật là đạo Giác Ngộ và Giải Thoát, và phải có bát -nhã mới đi tới Giác Ngộ và Giải Thoát được.
3. Nói đơn giản thì: 1/ người ngu là người mê muội, nhiều ảo tưởng, nhiều nhận định điên đảo, nặng nhất là coi cái ta là thật! 2/ người trí biết đi tìm đường giải thoát, hiểu biết sâu xa về con đường dẫn đến an lạc và hạnh phúc thật sự, đến niết-bàn và chăm tu trên đường ấy.
Lại nữa, một đằng thì tham đắm, một đằng thì dứt bỏ, như kinh Pháp Cú đã ghi:
Hãy đến nhìn đời này, Nhìn xe vua lộng lẫy,
Người ngu mới tham đắm, Bậc trí nào đắm say! (171)
Xin trích thêm hai đoạn trong Kinh Pháp Cú như sau:
Người ngu dầu trọn đời, Thân cận người có
Chẳng biết được Chánh pháp, Như muỗng với vị canh (64)
Người trí dù một khắc, Thân cận người có trí
Biết ngay Chân diệu pháp, Như lưỡi với vị canh (65)
Gặp chánh pháp, người ngu chỉ giống như là cái muỗng, múc canh mà nào biết vị của canh. Trái lại, người trí thì như cái lưỡi, nếm canh là biết vị của canh!
4. Nói đến chánh pháp, chúng ta hãy trở lại bài pháp đầu tiên của đức Thế Tôn, ghi trong kinh Chuyển Pháp Luân. Kinh này là kinh căn bản của đạo Phật, nói về Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo.
Con đường thoát khổ là bát chánh đạo. Con đường tám nhánh chạy song song ấy gồm có: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tiến, chánh niệm và chánh định.
Tám chi này được thu gọn làm ba thứ gọi là tam học: đó là giới, định và tuệ Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng làm thành GIỚI.
Chánh tinh tiến, chánh niệm, chánh định làm thành ĐỊNH.
Chánh kiến, chánh tư duy làm thành TUỆ (hay HUỆ).
Giới, Định, Tuệ là ba chân của một cái đỉnh, thiếu một chân thì không đứng được; ba điều ấy hỗ trợ cho nhau, không phải cái này có trước, cái kia có sau.
Trong cuốn Introducing Buddhism, tác giả Bodhicitto đã viết như sau: “Đức Phật dạy rằng nơi nào các đệ tử của Ngài luôn luôn gắng công hành trì trên con đường giữ gìn giới hạnh, huân tập tâm ý và khai phát trí tuệ này thì nơi đó không bao giờ thiếu vắng các bậc giác ngộ. Sự phân tích thành 8 nhánh hay 3 nhóm tu học là để cho dễ hiểu. Tuy nhiên các yếu tố đó cần phải hành trì đồng đều, để bổ sung, hỗ trợ cho nhau thì con đường đó mới trọn vẹn và mang đến ích lợi, giải thoát thật sự . Đó là một con đường rộng mở cho tất cả mọi người … Con đường tu học là con đường tự nỗ lực, không cần đến sự cầu xin thần linh … Đức Phật là vị Đạo sư, Ngài chỉ cho chúng ta con đường giải thoát, chúng ta phải tự mình tiến bước trên con đường đó, Ngài không phải là Đấng cứu rỗi … Nguyên tắc của đạo Phật là phải tự mình chứng ngộ, chứ không phải là giáo điều để mù quáng tin theo …” .
Ngay tại một số trang đầu của cuốn Thanh Tịnh Đạo, tác giả Buddhagosa đã viết: Có một vị trời hỏi đức Phật, đại ý rằng : ‘Ai có thể tháo gỡ cái lưới triền, cái mớ bòng bong làm cho chúng sinh trong tam giới bị quấn quít như thế?’ (triền là cái lưới tham trói buộc, theo nghĩa đan mắc vào nhau như những cành cây chằng chịt như mạng lưới trong các khu rừng tre). Đức Phật trả lời bằng bài kệ :
Người trú giới có trí
Tu tập tâm và tuệ
Nhiệt tâm và thận trọng
Tỳ kheo ấy thoát triền.
Trú giới là đứng vững trên đất giới. Tu tập tâm và tuệ nghĩa là tu tập cả định và huệ. Nhiệt tâm là có nghị lực. Thận trọng là có tuệ giác, chỉ ề tuệ phòng hộ. Trong câu trả lời, chữ tuệ được nhắc tới ba lần : lần đầu là tuệ bẩm sinh (có trí), lần thứ nhì là tuệ với nghĩa về quán, còn lần này chỉ về tuệ phòng hộ hướng dẫn mọi công việc..
Theo như vậy thì con Đuờng Thanh Tịnh tức con đường dẫn đến Niết-bàn được Ngài giảng là Giới, Định và Tuệ.
Giới là khởi đầu của giáo lý, giới tốt đẹp vì nó mang lại những đức đặc biệt. Sự tốt đẹp của giáo lý ở chặng hai được nêu bằng Định (hạnh lành). Sự tốt đẹp của chặng cuối được nêu bằng Tuệ, đem lại đức bình thản đối với những điều khả ý và bất khả ý.
Nhờ sự hỗ trợ của Giới viên mãn mà đắc ba minh (túc mạng minh – nhớ được các đời trước; thiên nhãn minh – biết sự chết và tái sinh của các hữu tình; lậu tận minh – đoạn trừ tất cả các lậu hoặc). Nhờ sự hỗ trợ của Định viên mãn mà đạt đến sáu thông (thần túc thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, túc mạng thông, lậu tận thông, thiên nhãn thông). Nhờ sự hỗ trợ của Tuệ viên mãn mà được bốn vô ngại (nghĩa vô ngại, pháp vô ngại, từ vô ngại, biện tài vô ngại)
… Đề phòng vi phạm những điều ô nhiễm là nhờ Giới; đề phòng các ám ảnh của ô nhiễm là nhờ Định; đề phòng các tuỳ miên (khuynh hướng nội tại đưa đến ô nhiễm) là nhờ Tuệ.
Sự thanh lọc những ô nhiễm do tà hạnh là nhờ Giới; thanh lọc những ô nhiễm do dục tham là nhờ Định; thanh lọc những ô nhiễm do tà kiến là nhờ Tuệ.
Bậc Dự lưu và bậc Nhất lai được gọi là “thành tựu viên mãn các phẩm loại về Giới”; bậc Bất hoàn được gọi là “Định viên mãn”; Bậc A-la-hán được gọi là bậc “Tuệ viên mãn”.
Vậy là chúng ta học được rằng : Tuệ đem lại bình thản, tuệ giúp đề phòng các tùy miên, tuệ giúp thanh lọc các ô nhiễm, tuệ dẫn đến bốn vô ngại.
5. Đã nói đến Bát nhã thì tốt hơn cả là tìm đến Kinh Bát Nhã.
Ngũ thời giáo của đức Phật gồm có :
1. Thời Hoa Nghiêm : 21 ngày (kinh Hoa Nghiêm)
2. Thời Lộc Uyển : 12 năm (các kinh A Hàm)
3. Thời Phương Đẳng : 8 năm (các kinh Đại thừa)
4. Thời Bát Nhã : 22 năm (kinh Bát Nhã)
5. Thời Pháp Hoa : 8 năm kinh Pháp Hoa, 1 ngày 1 đêm kinh Niết Bàn.
Sự phân chia ra 5 thời như vậy chỉ là một giả thuyết của tông Thiên Thai mà thôi! Có chỗ khác thì lại đặt ra giả thuyết tam thời giáo! Ấy là chưa kể những việc các kinh đại thừa như Hoa Nghiêm, Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Bát-Nhã vv… đều được soạn sau khi đức Phật nhập diệt hàng mấy trăm năm!
Theo thuyết trên thì thời Bát-nhã kéo dài trên 20 năm (đức Phật giảng pháp trong 45 năm tất cả). Đức Phật thuyết giảng kinh Ma-Ha Bát-Nhã Ba-La-Mật-Đa gồm 600 cuốn (bộ dài nhất trong Đại Tạng kinh) cho các vị đại bồ-tát. Kinh Kim Cang Bát-Nhã Ba-La-Mật-Đa – thường gọi là kinh Kim Cang – thì ngắn gọn hơn nhiều, chỉ chừng vài chục trang, đó là kinh mà Lục tổ căn dặn đệ tử phải tu theo. Có rất nhiều nhà nghiên cứu, phiên dịch, giảng giải kinh này. Tóm tắt toàn bộ kinh, rút lại thật cô đọng để chỉ còn phần cốt tủy, chứa toàn các xác quyết rất mạnh, không một lý luận dài dòng, đó là Ma-Ha Bát-Nhã Ba-La-Mật-Đa Tâm Kinh – gọi ngắn là Tâm Kinh – vẻn vẹn có 260 chữ. Tất cả chúng ta đều thuộc làu kinh này cả bản âm Hán và bản tiếng Việt.
Trong truyền thống Bắc tông, các vị tu Bồ-tát đạo thực hành lục độ ba-la-mật gồm có bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ ba-la-mật. Kinh Hoa Nghiêm thêm vào bốn độ nữa là phương tiện, thệ nguyện, tuệ lực, tri kiến cho nên có mười độ.
Các vị chuyên hành thiền thì chú trọng đến kinh Kim Cang và Bát-Nhã Tâm Kinh. Còn luận thì có bộ Đại Trí Độ Luận nổi tiếng. Đọc kinh Pháp Bảo Đàn, ngay phẩm thứ nhất là Hành do, chúng ta biết rằng người thanh niên nghèo Huệ Năng nhờ nghe được lời tụng kinh Kim Cang mà phát tâm xuất gia tìm đạo nơi Ngũ tổ Hoằng Nhẫn. Vào đêm truyền y bát, Ngũ tổ đã giảng kinh Kim Cang cho ngài Huệ Năng nghe và ngài Huệ Năng giác ngộ ngay. “Này các thiện tri thức, lúc tôi ở nơi Hòa Thượng Hoằng Nhẫn, chỉ nghe giảng kinh Kim Cang một lần, lập tức thấy được Chân như Bổn tánh”.
Về sau, Ngài Huệ Năng dặn rất kỹ rằng phải tu theo kinh Kim Cang. “Này các thiện tri thức, nếu chư vị muốn nhập pháp giới thậm thâm, nhập Bát nhã tam muội, cần phải tu hạnh Bát-Nhã Ba-la-mật. Chỉ cần trì một quyển kinh Kim Cang Bát-Nhã Ba-la-mật, ắt sẽ được kiến tánh và nhập Bát -nhã tam-muội”.
Vậy thì chúng ta nên dùng kinh Pháp Bảo Đàn và kinh Kim Cang để tìm hiểu về Giới Định Huệ, nhất là về Huệ.
Sau đây là lời ngài Huệ Năng trong Kinh Pháp Bảo Đàn: “ … thấy một người khách tụng kinh. Huệ Năng này nghe qua, tâm liền mở mang tỏ sáng mới hỏi khách tụng kinh gì. Khách đáp: – Kinh Kim Cang.
Huệ Năng lại hỏi: – Ở đâu đến mà tụng kinh ấy?
Khách rằng: -Tôi ở chùa Đông Thiền, huyện Hoàng Mai, xứ Kỳ Châu, chùa ấy do Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn Đại sư chủ trì giáo hóa tại đó ”…
Khi Ngài Huệ Năng đến xin theo tu học nơi Ngũ Tổ thì chỉ được giao cho việc giã gạo ở dưới bếp. Ngài kể: “Một hôm, Ngũ Tổ tới, lấy gậy gõ cối ba lần rồi bỏ đi. Huệ Năng này liền hiểu ý Tổ Sư, đến canh ba đi vào thất. Ngũ Tổ lấy áo ca-sa đắp cho ta, rồi nói kinh Kim Cang cho ta nghe, đến câu Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm, (nên không trụ vào chỗ nào mà sanh tâm mình, nghĩa là để cái tâm trống không, chẳng trụ vào đâu cả) Huệ Năng này nghe rồi liền rất tỏ sáng, biết rằng cả thảy muôn pháp không lìa tánh mình, mới bạch với Tổ Sư rằng:
Nào dè tánh mình vốn tự nhiên trong sạch
Nào dè tánh mình chứa đầy đủ muôn pháp
Nào dè tánh mình vốn không lay động
Nào dè tánh mình có thể sinh ra muôn pháp
Nếu chẳng biết bổn tâm thì học pháp vô ích. Bằng biết bổn tâm và thấy bổn tánh mình, tức gọi là Trượng phu, là Phật, Thày cõi Trời và Người” …
Qua đoạn kinh này, ta hiểu rằng kinh Kim Cang dạy pháp vô trụ (không trụ vào chỗ nào mà sinh tâm mình). Ngài Huệ Năng đã hốt nhiên giác ngộ do nghe được pháp vô trụ. Vô trụ, thì phải ly tướng, mà ly hết tất cả mọi tướng thì thành Phật, ly nhất thiết tướng tức danh chư Phật.
Trong kinh Kim Cang, chúng ta thấy một loạt những đoạn kiểu như “A đó, không phải là A, ấy chính là A”, thí dụ “đệ nhất ba-la-mật, mà không phải là đệ nhất ba-la-mật, ấy chính là đệ nhất ba-la-mật”, làm cho người học choáng váng. Sau khi hết sức cố gắng, chúng ta mới tạm giải thích và tạm hiểu như thế này: “hãy xem cái bàn này, nó do nhiều duyên kết hợp lại với nhau mà thành, khi các duyên ly tán thì hết cái bàn, cái bàn trở thành không, nó không có tự tính riêng của nó cho nên thật sự đó chẳng phải là cái bàn; chúng ta đồng ý với nhau mà gọi nó là cái bàn cho tiện mà thôi”.
Đến mấy câu kệ của đức Phật:
Nếu dùng sắc thấy ta
Nghe âm thanh bảo là ta
Kẻ ấy theo đạo tà
Không thể thấy Như Lai
thì thật là “dễ sợ”; vậy thì lâu nay đúc tượng, in sách, tụng kinh, đọc chú là sai lầm cả rồi sao? Không thể thấy Như Lai được sao?
Được nghe giảng, chúng ta nhận ra rằng: kinh Kim Cang rút lại là phá chấp, phá chấp ngã, phá chấp pháp, bỏ qua mọi hình tướng, âm thanh, mùi vị .. giải phóng cái tâm khỏi mọi thứ trói buộc đó để mà thấy Chân Tâm, đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền; kinh đã cố ý thiết lập một cái nhìn mới, bỏ hết những chấp trước cố hữu do thành kiến, thiên kiến, tà kiến tích lũy từ bao nhiêu kiếp, bỏ hết để trực diện sự thật. Sự thật này, có sao thấy vậy. Đó là thực tướng của vạn pháp, thực tướng ấy gọi là không tướng, bất sinh bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm.
Nếu nhớ lại một đoạn trong kinh Pháp Bảo Đàn, khi sư Huệ Minh cầu pháp, thì thấy Lục tổ chỉ giảng rất vắn tắt : “ Ông vì pháp mà đến đây thì khá hãy dứt hết trần duyên, chớ sanh một niệm tưởng. Tôi sẽ nói rõ Phật pháp cho ông nghe” … “ Không nghĩ việc lành, không nghĩ điều dữ, chánh trong thời gian đó, cái ấy, tức là tỏ thấy cái Bổn lai Diện mục của bậc Thượng tọa vậy”.
HT Minh Trực bình luận : “ Cái ấy, nhà Phật dùng danh từ ấy mà chỉ cái tánh Bổn lai. Trong ấy có cái chơn thật không lành không dữ, không hình không trạng, không tiếng không hơi, diệu diệu huyền huyền, bất sanh bất diệt, toàn trí toàn năng, chí chơn chí mỹ chí thiện, vô thượng, chánh đẳng, chánh giác…”.
Không lành, không ác … thế là vượt qua nhị nguyên: thiện ác, tốt xấu, đen trắng, nhanh chậm, vô minh trí tuệ, đắc vô đắc … tức là bỏ qua tục đế để bước vào chân đế, ở đó không có khổ tập diệt đạo, không có già chết cũng không có cái hết già chết, không có vô minh, cũng không có cái hết vô minh, không có trí huệ cũng không có chứng đắc!
6. a/ Về vấn đề Định và Huệ, Lục tổ Huệ Năng quan niệm như sau: “Pháp môn của ta đây lấy Định Huệ làm căn bản. Đại chúng chớ mê lầm mà nói Định với Huệ là khác nhau. Định và Huệ chỉ là một thể, chẳng phải hai. Định là cái thể của Huệ. Huệ là cái dụng của Định. Tức là lúc Huệ thì Định ở trong Huệ, lúc Định thì Huệ ở trong Định … Định và Huệ giống như cái đèn và ánh sáng. Có đèn tức là sáng, không có đèn tức là tối. Đèn là cái thể của ánh sáng, ánh sáng là cái dụng của đèn.”(Kinh Pháp Bảo Đàn, phẩm Định Huệ).
b/ Pháp môn của Lục tổ “lấy Vô niệm làm tông, Vô tướng làm thể, Vô trụ làm gốc. Vô niệm là khi niệm, lòng không động niệm. Vô tướng là đối với các sắc tướng, lòng lìa tướng. Vô trụ là đối với các điều lành dữ, tốt xấu ở thế gian, kẻ thù người thân, xem cả thảy như không không. Vô niệm : vô là vô cái gì? Niệm là niệm cái gì? Vô là không chấp hai tướng yêu ghét, không có lòng phiền não. Niệm là niệm cái Chân Như Bổn Tánh …”. Pháp môn này dẫn đến trí huệ bát-nhã, đến kiến tánh thành Phật.
Thế là rõ ràng, Lục tổ đã trình bày xong phương pháp tu của ngài, chỉ trong mấy dòng mà thôi. Cứ như thế mà tu sẽ đến kết quả! Ngài dạy là phải thực hành chứ không nói xuông cho nên nhiều chỗ ngài “đả kích” những ai chỉ nói mà không làm.
c/ Ngũ Tổ có hai đệ tử xuất sắc nhất, chủ trương hai môn phái : Môn phái của Ngài Huệ Năng được gọi là Nam đốn (tức là môn phái phía Nam nước Tàu chủ trương giác ngộ nhanh chóng), môn phái của ngài Thần Tú được gọi là Bắc tiệm (tức là môn phái phía Bắc nước Tàu chủ trương từ tốn kiến tánh).
Nhà sư Chí Thành – một môn đệ của ngài Thần Tú – nghe lời thày, đến cầu đạo nơi Lục tổ. Khi ngài hỏi về Thiền, sư Chí Thành đáp : “(Ngài Thần Tú) thường chỉ dạy đại chúng trụ tâm quán tịnh, ngồi mãi không nằm”. Đại sư bảo rằng : “Trụ tâm quán tịnh, ấy là bịnh, chẳng phải Thiền”… Và tiếp : “Ta nghe nói thày ông dạy phép Giới Định Huệ nhưng chưa rõ thày ông dạy như thế nào, hãy nói cho ta nghe”.
Chí Thành bạch : Ngài Thần Tú dạy: Không làm các điều ác, gọi là Giới. Làm tất cả các điều thiện, gọi là Huệ. Tự tịnh ý mình, gọi là Định.
Đại sư nói : Lối giải thích ấy quả là bất khả tư nghị, song kiến giải của ta thì lại khác … Tâm địa không có nghi hoặc, là Giới của tự tánh. Tâm địa không có động loạn, là Định của tự tánh. Tâm địa không có si mê, là Huệ của tự tánh … Giới Định Huệ của thày ông là để khuyến những người căn cơ thấp, còn Giới Định Huệ của ta là để khuyến những người căn cơ cao. Bởi vì giác ngộ tự tánh chính là cốt yếu của giáo lý của ta, thực ra ta cũng chẳng buồn lập Giới Định Huệ.
Điều mà chúng ta thấy rõ nhất ở đây là : Lục tổ nhấn mạnh đến tự tánh, giác ngộ tự tánh. Chúng tôi mạo muội đề nghị cách hiểu rằng giác ngộ tự tánh đây chính là đắc trí huệ bát-nhã để thấy được thực tướng của vạn pháp.
7. Về bát-nhã thì Lục tổ dạy như sau: “Cái trí Bồ đề Bát-nhã, người thế gian vốn tự có, nhưng bởi tâm mê, nên chẳng tự ngộ được … Suốt ngày miệng niệm Bát nhã mà chẳng biết Bát nhã trong tánh mình … Miệng niệm và lòng làm theo thì miệng và lòng hiệp nhau. Cái bổn tánh là Phật, lìa tánh thì không có Phật nào khác … Các cõi Phật thảy đều trống không. Cái diệu tánh của người thế gian vốn là trống không, chẳng có một pháp gì trong đó mà tìm đặng. Cái tự tánh Chơn không cũng giống như th ế … Thế giới tuy là trống không mà có thể bao hàm muôn vật. Cái tánh trống không của người thế gian cũng giống như thế… Cái tâm lượng thật là rộng lớn, châu biến tất cả pháp giới, dùng nó liền hiểu rõ ràng tới chỗ cùng lý tận tánh. Cái tâm lượng ấy khi ứng dụng ra thì biết hết cả thảy sự vật. Cả thảy tức quy về một, một tức gồm hết cả thảy, tới lui thong thả, tâm thể suốt thông, không ngưng trệ, tức là Bát nhã vậy … Cả thảy trí Bát-nhã đều do trong tánh mình mà sanh, chớ chẳng phải do nơi ngoài vào. Chớ lầm dùng cái ý thức. Ấy gọi là Chân tánh tự dụng”.
Chỗ đáng nhớ ở đây là : ai ai cũng có trí bồ-đề bát-nhã, do tâm mê muội nên chẳng tự ngộ được.
8. Truyền thống Nam tông đặt nền tảng của pháp hành thiền Minh sát trên kinh Tứ Niệm Xứ, bản ngắn xếp ở Trung Bộ, bản dài xếp ở Trường Bộ.
Theo Nam tông, bát-nhã là một trong Thập độ : bố thí, trì giới,viễn ly, trí tuệ, tinh tiến, kham nhẫn, chân thật, quyết định, tâm từ, buông xả.
Theo chỗ chúng tôi hiểu thì không có kinh Nam Tông nào nói riêng về Bát-nhã nhưng Bát-nhã được nói tới rất nhiều, rải rác trong các kinh. Và không có một hệ thống triết lý Bát-nhã như trong Bắc tông.
Cuốn Pannā in Early Buddhism ghi ra những Kinh và Luận Phật giáo Nguyên Thủy bàn về Bát -nhã, dù rằng có những lúc danh từ Bát-nhã không được đề cập tới. Tác giả phân biệt tưởng tri, thức tri với tuệ tri tức là ba sự biết do tưởng uẩn, thức uẩn và trí tuệ. Tuệ tri thì tròn đầy, viên mãn, diệt trừ được tham sân si, dẫn đến giải thoát.
HT Minh đã viết một bài về Trí Tuệ năm 1995, trong đó những kinh sau đây đã được kể ra và dẫn trích : – Kinh Xà Dụ – Kinh Đại Mã Ấp – Kinh Đoạn Giảm – Kinh Mật Hoàn – Kinh Song Tầm – Kinh Ái Tận Đoạn và các đoạn 277, 278, 279 trong kinh Pháp Cú.
Tìm trong Kinh Bộ Nam tông, Tăng Chi Bộ Kinh chẳng hạn, Thiên Sáu, đoạn 50, ta thấy : “Với các căn được phòng hộ, này các Tỳ Kheo, với người đầy đủ các căn được phòng hộ, giới đi đến đầy đủ. Với giới có mặt, với người đầy đủ giới, chánh định đi đến đầy đủ. Với chánh định có mặt, với người đầy đủ chánh định, tri kiến như thật đi đến đầy đủ. Với tri kiến như thật có mặt, với người đầy đủ tri kiến như thật, nhàm chán, ly tham, đi đến đầy đủ. Với nhàm chán, ly tham có mặt, với người đầy đủ nhàm chán, ly tham, giải thoát tri kiến đi đến đầy đủ.”
Và trong Thiên Bốn, đoạn 248 : “Bốn pháp này, này các Tỳ Kheo, đưa đến trí tuệ tăng trưởng. Thế nào là bốn? Thân cận bậc Chân nhân, nghe diệu pháp, như lý tác ý, thức hành pháp tùy pháp. Bốn pháp này, này các Tỳ Kheo, đưa đến trí tuệ tăng trưởng.”
Tuy đường lối của hai tông Nam và Bắc có khác nhau nhưng mục đích chỉ là một: đó là huấn luyện cái nhìn chân chánh, thấy biết mọi hiện tượng như thực, ngộ nhập được thực tướng của vạn pháp, chứng nghiệm Tam tướng (vô thường, khổ, vô ngã) hay Tứ vô thường (vô thường, khổ, không, vô ngã).
9. Bài đã khá dài, chúng tôi muốn nói vắn tắt về Bát-nhã. Trong lúc đang lúng túng thì may mắn, chúng tôi đọc được những dòng viết của đạo hữu Thiện Nhựt trong cuốn Tìm hiểu Bát-nhã qua kinh Kim Cang, chúng tôi mạn phép ghi gọn lại ở đây:
“Có một toa thuốc thần diệu, trị dứt hẳn bịnh khổ, đó là Bát-nhã ba-la-mật. Cuốn kinh đáp ứng được nhu cầu trị lành bệnh cho chúng sanh, chính là kinh Kim Cang bát-nhã ba-la-mật. Toa thuốc gồm có ba vị thuốc chánh yếu:
Thứ nhất là văn tự bát-nhã, là tất cả kinh điển bàn về bát nhã. Bộ kinh Đại Bát-nhã thâm sâu, khó cho người sơ cơ. Kinh Kim Cang Bát-nhã ba-la-mật, ngắn hơn … chứa đủ lý và sự, nghĩa là vừa chỉ cho lý vô ngã, vừa dạy thực hành bằng phương pháp quán chiếu để diệt trừ tận gốc ngã kiến mà quay về với chân tâm thanh tịnh.
Thứ hai là quán chiếu bát-nhã, nghĩa là dùng tâm trí sẵn có mà suy xét sâu xa. Tách ra mà nói thì quán là quan sát, phân tách các chỗ phức tạp ra các phần nhỏ để soi kỹ; còn chiếu là soi chiếu, tức là đem chỗ vừa phân tách ra đó rọi lên để tìm lấy lý lẽ thâm sâu về giải thoát mà ứng dụng về thực hành … Biết thực hành đúng cách quán chiếu bát-nhã thì ngã kiến từ từ bị dũa mòn, một phần vô minh bị vén lên, làm hiển lộ một phần ánh sáng, đó là thủy giác. Lâu ngày thuần thục thì về được với bổn giác tròn đầy. Đó là phát giác được Phật tánh. Từ đó đến nơi giác ngộ và giải thoát hoàn toàn, còn xa, nhưng chắc là đến được …
Thứ ba là thực tướng bát-nhã, là cái hình tướng thật sự của bát-nhã ba-la-mật, cái trí huệ đưa hành giả sang bờ bên kia tức là bờ giác ngộ và giải thoát. Hình tướng thật sự ấy ra sao? Là chẳng có hình tướng gì hết ráo. Vì thế nên Bát-nhã mới thực là Chân Không. Thực tướng bát nhã là vô tướng mà cũng là vô bất tướng. Vô tướng vì thực tướng bát-nhã chẳng tự mình riêng có một tướng nào. Vô bất tướng vì thực tướng bát-nhã ở khắp mọi nơi, khắp mọi thời, lúc tiềm tàng, khi hiển lộ qua muôn hình vạn trạng của pháp giới. Đó là chân không diệu hữu vậy. Đó là tên khác của Phật tánh vậy. Kinh Kim Cang dạy phải lìa hết mọi tướng, và ly tướng tức danh chư Phật, vì ly tướng xong thì Phật tánh hiển bày!”
10. Trước khi kết thúc, chúng tôi xin nói về hai việc: học kinh và từ bi, trí tuệ.
1/ Nhớ đến bốn câu nổi tiếng: “Giáo ngoại biệt truyền, Bất lập văn tự, Trực chỉ nhân tâm, Kiến tánh thành Phật” của Thiền tông Trung Hoa, chúng ta tự hỏi: Hành giả có cần nghiên cứu kinh sách không? Câu trả lời là: Có. Nhưng cần nhấn mạnh là học kinh sách mà không chấp trước, không nô lệ chữ nghĩa, không để cho chữ nghĩa trói buộc mình. Vậy là không bám víu vào kinh điển mà cũng chẳng bác bỏ kinh điển. Lục tổ Huệ Năng dạy: hành giả phải chuyển kinh chứ không để cho kinh chuyển mình!
2/ Đạo Phật bao giờ cũng chủ trương từ bi đi đôi với trí tuệ. Trong bài này, đầu đề là trí tuệ cho nên chỉ bàn về trí tuệ, chứ không dám bỏ quên từ bi. Vì thế, cần nhắc lại một cách rõ ràng rằng từ bi và trí tuệ không được tách rời nhau trong tiến trình tu hành. Có nơi đã ví từ bi và trí tuệ như là hai cánh của một con đại bàng.
Để kết luận, xin đọc lại câu đầu của Bát-nhã Tâm kinh: Khi Bồ-tát Quán Tự Tại thực hành sâu xa pháp bát-nhã ba-la-mật-đa, ngài soi thấy năm uẩn đều không, qua hết mọi khổ ách.
Trí tuệ bát-nhã là phương pháp, là đường lối, là công hạnh tu học đã giúp cho ngài Quán Tự Tại soi thấy năm uẩn đều không và nhờ đó mà vượt qua hết mọi khổ ách. Hơn nữa, Trí tuệ bát-nhã đã giúp cho chư Bồ-tát đạt tới đích cứu kính Niết-bàn. Cuối cùng, Trí tuệ bát-nhã đã giúp cho chư Phật trong ba đời đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Vậy ta có thể kết luận rằng trí tuệ bát-nhã vừa là những bước chân trên con đường, vừa là con đường hướng tới, vừa là nơi đến của các bậc tu hành. □
Tài liệu tham khảo:
– Thanh Tịnh Đạo – Visuddhi Magga – của Ngài Buddhaghosa, Thích nữ Trí Hải dịch, chùa Pháp Vân, Pomona – California ấn hành, 1992.
– Pannā in Early Buddhism (A Philosophical Analysis with special reference to the Visuddhimagga), của Tiến sĩ Baidyanath Labh, Eastern Books Linkers, New Delhi, India, 1992).
– Kinh Pháp Bảo Đàn, HT Minh Trực dịch, Phật Học Viện Quốc Tế xb, California, 1987.
– Kinh Pháp Bảo Đàn, Đôn Hoàng bản, HT Mãn Giác dịch, Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo Việt Nam, Chùa Việt Nam Los Angeles xb, 1985.
– Kinh Pháp Bảo Đàn, bản dịch của Thiện Nhựt, chưa phổ biến rộng.
– Tìm hiểu Bát nhã qua kinh Kim Cang, Thiện Nhựt, 1995.
– Introducing Buddhism, Bodhicitto, Bình Anson lược dịch, site Internet Buddha Sasana.
– Kinh Pháp Cú, HT Minh Châu, Tu thư Phật học Vạn Hạnh, Saigon, 1982. □
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
(Hình: Bên ngoài một ngôi chùa Khmer – NN sưu tầm)
Paid Links