01/10: 1.Chiếc nhạn bay rồi – 2.Duyên do tai nạn khiến Ni sư Trí Hải tử nạn
Category: Tôi Tìm Hiểu Đạo Phật
Posted by: Tbl Đọc: 6165 lầ
Lời mở: Một số bạn đọc đã hỏi chúng tôi về “Ni sư Trí Hải qua đời ra sao ?” . Trong mục “Tôi tìm hiểu Đạo Phật”, trước khi khởi đăng dịch phẩm rất nổi tiếng của Ni sư Trí Hải : “Tạng Thư Sống Chết”, chúng tôi đã đăng phần tiểu sử của Sư Bà Trí Hải (“Sư Bà Trí Hải”, là một cách gọi rất thân mật của người dân đối với…
… Ni sư .). Trước đó, chúng tôi cũng đã đăng một dịch phẩm khác của Sư Bà là “Câu chuyện dòng sông” .- Dưới đây là hai chi tiết khác chung quanh tang lễ của Ni sư Trí Hải . Mời quí bạn theo dõi – NN
Nguồn:thuvienhoasen.com
… Lễ Di Quan Cố Ni sư Thích Nữ Trí Hải
TRANG ĐẶC BIỆT
TƯỞNG NIỆM
CỐ NI TRƯỞNG THÍCH NỮ TRÍ HẢI
CHIẾC NHẠN BAY RỒI
Cánh nhạn bay rồi sao quá mau
Nhìn theo sửng sốt tới ngàn sau
Thế gian sanh diệt bây giờ thấy
Cảnh đẹp Hoa Nghiêm đổi sắc màu
Nhiếp niệm còn nguyên hiện ảnh hình
Cao siêu màu nhiệm biển tâm linh
Có không đáy nước trăng chìm xuống
Vang dội Kim Cang vọng tiếng kinh
Nhắm mắt cho trời đứng lặng yên
Thoáng nghe mùi vị của hương thiền
Tấm thân tứ đại rồi tan biến
Về với vô cùng hết đảo điên
Sóng vỗ sông dài hướng đại dương
Tang tình khúc hát tiễn lên đường
Ba sinh dù có ngàn thương nhớ
Tiếng vỗ bàn tay về một phương.
Los Angeles ngày 8 tháng 12 năm 2003
Thi Sĩ Huyền Không tức HT Thích Mãn Giác (1929-2006)
0o0
HẠT BỤI THEO VỀ
Huyền Không
Là khách vãng lai của thế giới sinh tử thì gặp gỡ hay ly biệt là thường tình. Thế nhưng, cái lúc nhận được tin một người thân đột ngột lìa bỏ mình, là một giây phút cực kỳ khó khăn. Chấp nhận được vô thường với cõi lòng an nhiên thật là không dễ dàng gì bởi mất mát nào cũng là thương tích. Đôi mắt như sẵn đau niềm đau của kiếp người cũng ướt đẫm những giòng thương cảm, tâm hồn chới với thẩn thờ. Hôm nay, lại có thêm một người gần đã vẫy tay đi xa, thêm một tấm lòng thân cận cảm thông giã từ lên đường về theo hạt bụi, những hạt bụi tình cờ cho cuộc khứ lai: Ni Sư Thích Nữ Trí Hải, con người thân thuộc của khung trời văn hóa Phật Giáo Việt Nam trong nửa cuối thế kỷ hai mươi, gương mặt tu nữ thạc học mà tâm hồn gắn liền với những trang chữ long lanh diệu pháp; đã bất ngờ bỏ đời, để lại biết bao bùi ngùi xúc cảm trong lòng kẻ ở.
Tôi gặp Phùng Khánh khi cô mới vừa rời mái gia đình quý phái và thâm nghiêm bên bờ sông Hương để lên đường du học. Với dáng dấp đoan trang thanh nhã cọng với một tâm hồn mẫn cảm đã dẫn dắt người thiếu nữ hoàng phái đi vào thế giới sung túc của chữ nghĩa và không khí trí thức trầm mặc của hàng hàng kệ sách thư viện. Sống ở Hoa Kỳ những năm đầu 60 với cõi lòng ẩn mật rất Huế, khi về lại Việt Nam, Cô đã ra mắt với người đọc quê hương hai bản dịch nỗi tiếng là “Câu chuyện dòng sông” của Herman Hesse và “Bắt trẻ đồng xanh” của Salinger; mà không lâu sau đó người đọc đều đã nhận ra gương mặt tuyệt vời của một dịch giả vừa uyên bác cẩn trọng, vừa trong sáng nghiêm túc. Mãi cho tới mấy chục năm sau, Cô vẫn giữ vị trí của người chuyển ngữ tài hoa nhất. Sau ngày hồi hương không lâu, Phùng Khánh quyết định cắt ái từ thân xuất gia với Pháp hiệu Trí Hải. Cô về làm việc cho Đại Học Vạn Hạnh với phần vụ Thư Viện Trưởng – một Thư Viện Trưởng độc nhất suốt thời gian hưng thịnh của Vạn Hạnh. Thầy Minh Châu và tôi vô cùng cưng quý Thư Viện và cũng rất nễ trọng vị Thủ Thư nên đã nhìn thấy và hoà讠toàn cảm thông sự khó tính trong điều hành của Cô Thư Viện Trưởng. Biết chúng tôi vốn chịu chìu “mệ” trí thức nên các nhân viên thư viện cũng dựa vào cô mà thách thức các nguyên tắc điều hành chung nhưng nhờ biết khéo léo quản trị, chúng tôi duy trì được mọi tôn ti trật tự. Trí Hải là một người rất thương quý sách, biết giá trị của sách nên Cô đã vận động nhiều cách để đem về cho thư viện những mặt sách quý hiếm, làm thuận tiện cho sự nghiên cứu xử dụng không chỉ riêng cho sinh viên Vạn Hạnh mà còn chung cho cả giới trí thức thành phố, không chỉ phong phú cho tầng lớp đạo gia mà còn quá giàu có cho những nhà tìm hiểu thế tục. Nếu tất cả sách mà Thư Viện Vạn Hạnh hiện có đã tạm là hình ảnh của một đại dương trí thức thì cái Pháp hiệu định phận của Cô Thủ Thư Trí Hải (biển tuệ) đã hòa nhập là Một khiến cho không khí Thư Viện lúc nào cũng thoảng mùi trầm hương: trầm hương tỏa ra từ lòng sách và hồn người. Và từ xứ trầm hương đó, cô Trí Hải đã gửi tặng cho đời những trang chữ thơm tho mầu nhiệm. Nếu nghĩa của Văn là Đẹp thì cả đời Ni Sư đã phụng sự cho cái Đẹp đó hết sức tận tụy và những ai đã có một lần để cho lòng trầm tư theo hồn sách (trong hơn 10 tác phẩm đã được phổ biến) thì sẽ biết cám ơn sự thanh cao còn lưu lại trong hồn mình từ sự hiến tặng lân mẫn của người vừa mới đi xa.
Cuộc đời cô Trí Hải không chỉ là người bạn thân thiết của sách vở, Cô còn là nguời chị cả đáng yêu trong gia đình An Sinh Xã Hội Vạn Hạnh. Từ vị trí người chị hiền lành độ lượng nầy, Cô đã là chiếc cầu nối cho bao lớp trẻ đi vào đời để phụng sự. Người chị mà đôi mắt biết thương xót đã cúi xuống thiết tha trên những nỗi đời bất hạnh, mà đôi tay biết chở che đã đưa ra nâng đỡ những mảnh sống khốn cùng, mà đôi chân vương giả đã không từng biết chối từ đi vào những xóm quê lầy lội, những đường làng tả tơi, những miền đất bão lụt hoang tàn. Mấy mươi năm dài, mặc cho thời thế đổi thay mà tấm lòng vì đời không lay chuyển. Khắp những chốn đau nhức bất an nhất của đất nước, người dân khổ hạnh mãi còn giữ lại trong đôi mắt mến thương của họ hình ảnh tà áo màu lam dịu hiền biểu tượng của cho vui và cứu khổ đã một dạo nào thấp thoáng giữa mưa nắng đời thường. Tà áo ấy đã gắn liền với các công tác từ thiện, thủy chung cho đến ngày cuối cùng phủi tay giải nghiệp. Chọn lựa của trái tim từ bi là nhiều lúc tình nguyện hứng chịu khổ nạn thay cho chúng sanh, bị đau đớn riêng mình cho tâm được an vui mà đi tiếp trên con đường cứu độ. Ni Sư Trí Hải đã vào đời trong ước nguyện, đã phụng sự con người như thế và hôm nay, giã đời giữa lúc đang thật hành hạnh lớn của trái tim từ bi “chúng con khổ nguyện xin cứu khổ”. Chưa có ai của Ni giới Việt Nam, trong mấy mươi năm máu lệ của quê hương đã nuôi tâm bố thí theo sáu pháp qua bờ nhiệt thành như Ni Sư Trí Hải. Chừng ấy cũng đủ cho Ni Sư, trong cuộc giã từ nầy, cất lên một tiếng cười lớn giữa biển khổ kiếp người.
Một lần mới đây thôi, Ni Sư kể cho tôi biết rằng Ni Sư đã viết và đem treo những câu thơ của Huyền Không trong vườn chùa. Cho thơ nói chuyện với hoa cỏ lá cành, cho thơ cùng thở với gió mùa, cho thơ đi vào mắt rồi ở lại trong lòng người, cho thơ sống với một chút đất trời quê hương. Tôi ở xa mà cũng được ấm lòng vì những dòng thơ viết ra ngày nào đã tìm thấy một tâm hồn bầu bạn. Mà thôi. Hết rồi. Ngày 7 tháng 12 đã là một ngày tang tóc. Thị giả của Ni Sư, khi thuật lại cho tôi nghe chi tiết về sự ra đi đột ngột và nặng nhọc nầy tôi đã không dừng được nước mắt xót thương. Tôi khóc theo niềm cảm xúc từ muôn trùng. Ngày trước, khi nghe tin Huệ Minh và Tiểu Phượng mất tích tại Rạch Giá, tôi có đau buồn nhưng niềm đau thấm chậm. Bây giờ, với cái chết trong tai nạn thảm khốc nơi vùng đất đỏ Long Khánh của Ni Sư thì niềm đau trong tôi mãnh liệt bội phần. Tôi chắp tay lạy Phật, nguyện cầu cho những người thân yêu đó có được những tái sinh thuận lợi, để nối tiếp con đường cứu độ dở dang của các vị Bồ Tát nhập thế làm lợi lạc cho đời. Hạt bụi sẽ luân hồi trở lại bằng nguyện lực vô biên.
Huyền Không
(HT Thích Mãn Giác)
……………………………………………………………………….
2- DUYÊN DO TAI NẠN ĐỤNG XE
LÀM NI TRƯỞNG TRÍ HẢI TỬ NẠN
Duyên do tai nạn đụng xe làm Ni Trưởng Trí Hải tử nạn ra sao?
Sau đây là lời kể của Phật tử P. Mai. Ghi lại theo lời kể của “thân nhân một phật tử sống sót, tỳ kheo ni Tuệ Như và sa di Diễm bị thương nhẹ lược thuật.” Các môn đồ thân cận trước giờ vẫn gọi Ni Sư Trí Hải là “sư” và có khi gọi bằng “cô” — cách xưng hô này vẫn được giữ trong bài này.
Tang lễ của Ni Sư Trí Hải, Tỳ Kheo Ni Tuệ Nhã và Sa di ni Phước Tịnh.
Nghe kể lại, Ni Sư Trí Hải vừa đi thăm sư bà ở Nha Trang về thì được tin có một phật tử từ Mỹ về mời ni sư đi hành hương Phan Thiết. Đại đệ tử Tuệ Dung nghe sư nhận lời trên điện thoại “Ngày mai sẽ đi”; các đệ tử nghe vậy rất buồn vì sợ sư mệt nhưng không dám can.Ngày đó, chiếc xe 12 chỗ ngồi đến rước sư và 3 thị giả, cô Tuệ Nhã, Phước Tịnh và cô Diễm cùng đi. Gia đình phật tử gồm 6 người nhưng có 2 người bị mệt nên không đi được.
Trên đường về, ngày 14 tháng 11 âm lịch, xe đi ngang một nơi thấy người ta đang tìm kiếm một người bị chết trôi. Ni Sư Trí Hải yêu cầu tài xế dừng lại để Ni Sư cầu siêu cho người bất hạnh. Tài xế đòi về gấp để xem SeaGames và mặc cả “nếu cô cúng thì con sẽ chạy mau cho kịp, cô đừng rầy”.
Sau khi cúng xong, xe chạy càng nhanh. Khi ngang Long Khánh, đến chỗ bị nạn, xe chùa cố tránh một chiếc xe Honda chạy cùng chiều lại gặp một chiếc cam nhông ngược chiều. Xe cam nhông tránh xe chở củi, ra quá giữa đường lọt xuống ổ gà và bị lật. Xe hành hương trờ tới và bị xe chở gạo đè lên. Tài xế, 2 người đi Honda, 3 sư cô, 2 phật tử và 2 người đi đường đều chết còn các người khác bị thương. Tai nạn xảy ra gần chùa sư cô Tuệ Như và độ 15 phút sau, sư cô Tuệ Như đã đến bệnh viện gần đó để nhận người thân.
Thân nhân ở Hoa Kỳ về chiều thứ năm 11 tháng 12 dl, đến viện Đại Học Vạn Hạnh thì đã thấy kim quan của 3 cô đang được làm lễ tại đó. Độ 5 giờ chiều lại có lễ đưa giác linh di ảnh của 3 cô lên lầu để phật tử lễ. 5 giờ sáng ngày thứ sáu 12 tây là lễ di quan ra xe để về nơi hỏa táng cách chùa độ 45 phút. 11 giờ sáng tro cốt được đưa về gởi ở tháp chùa Già Lam chờ đến 50 ngày mới đưa về Tịnh Thất Hốc Môn, nơi cô Trí Hải rất yêu thích.
Các phật tử đã làm suốt ngày đêm để kết 1 mái xe hoa lan, huệ, sứ, hồng vv…đủ loại. Rèm xe được kết bằng nhiều chuỗi hoa lài thơm phức buông rũ xuống 4 bên. Cột nhà cũng được quấn hoa đủ loại.
Nhiều Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức tăng ni 3 miền Trung, Nam Bắc VN về dự lễ. Phật tử bà con ở Mỹ Canada, Đức, Pháp cũng về được mấy người, trong số có cô Thái Thị Kim Lan.
Cô Tuệ Như cho biết nơi xảy ra tai nạn (Suối Cát) đường thẳng không có ổ gà và nhiều xe đã lật, làm chết nhiều người. Có một cái miễu bên đường để thờ các vong linh. Cô nói thêm “chắc sư con đã xả thân để siêu độ cho các vong hồn tại đó và hy vọng đoạn đường ấy sẽ được sửa sang cảnh giác để tránh các tai nạn trong tương lai”.
(P. Mai) Tin Việt Báo ngày 26-12-03
…………………………………………………………………..
*Phần tiểu sử Cố Ni sư Trí Hải, chúng tôi đã đăng trong “Tạng Thư Sống Chết” do Ni sư dịch, cũng trong Mục : “Tôi tìm hiểu Đạo Phật” -NN