04/11: 3.Vãng Sinh Tịnh Độ-4.Kinh Phật Di Giáo
Category: Phật Học – Phật học ôn tập-
Posted by: Tbl Đọc: 4749 lần
Bước Vào Cửa Phật-Quyển 2
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
Bài 3. VÃNG SINH TỊNH ĐỘ
Mỗi khi cùng Ban Hộ Niệm của chùa đến tụng kinh cho một đạo hữu vừa quá vãng, hoặc là chứng kiến sự ra đi của một người bạn, chúng ta thường nảy ra các suy nghĩ, suy nghĩ về ý nghĩa và mục đích của cuộc đời, đặc biệt là suy nghĩ về ý nghĩa của cái chết.
Một số người nghĩ rằng cuộc đời chẳng có ý nghĩa gì hết, con người sở dĩ có mặt ở cõi này chẳng qua là một “tai nạn” do cha mẹ làm ra, bản thân mỗi người đâu có trách nhiệm gì. Bất ngờ sống tại thế giới này, chịu đựng đủ mọi thứ trói buộc: trói buộc của xã hội, của cộng đồng, của gia đình và ngay của cả chính mình nữa, có lúc nào là được tự do thật sự đâu!
Một số người khác cho rằng cuộc đời chỉ có ý nghĩa khi con người cố gắng làm cho đời mình càng ngày càng tươi đẹp về mọi phương diện, cả vật chất lẫn tâm linh. Nhưng phái khác bảo rằng chỉ nghĩ đến mình…
… thôi là ích kỷ, phải tận tâm tận lực tạo hạnh phúc cho chính mình đồng thời cho tha nhân nữa.
Lại có nhóm chủ trương rằng cuộc đời ngắn ngủi như kiếp phù du, tội gì mà vất vả cực nhọc, cần phải tìm cách hưởng thụ về mọi mặt cho thỏa chí v.v…
Phật tử chúng ta nghĩ thế nào?
Đối với Phật tử, cuộc đời này chỉ có ý nghĩa khi được mở trí huệ, trí huệ nói đây là trí huệ bát-nhã; không phải là sự hiểu biết, trí thông minh thông thường mà chúng ta vẫn đề cập đến hàng ngày, mà là sự hiểu biết cùng tột do tu hành, để đưa đến giác ngộ và giải thoát, giải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi. Sự tu hành ấy đặt trên căn bản tam học là giới, định, huệ và tam tuệ là văn, tư, tu để diệt tam độc là tham, sân, si và đạt được tình trạng vô ngã, giác ngộ và giải thoát.
Đứng trước cái chết, nhiều người chép miệng “quả là vô thường!”. Thật ra, khi nói đến vô thường thì phải bước thêm một bước nữa, đó là tự hỏi ta cần nghĩ gì, cần làm gì. Vô thường là một định luật thiên nhiên, không ai cưỡng lại được. Có vô thường mới có biến đổi. Mà đã biến đổi thì có thể theo chiều hướng này hay chiều hướng kia, có thể trở thành tốt hay thành xấu. Phật tử chúng ta cương quyết nhắm về hướng thiện, hướng tốt và luôn luôn tự nhủ rằng “con quỉ vô thường đang rình rập chúng ta”, chúng ta phải can đảm và tỉnh táo nhìn vào sự thật và chuẩn bị.
Phái duy vật chủ trương rằng chết là hết. Khi vật chất đã tan rã rồi, khi thân xác đã chết thì chẳng có linh hồn nào để tồn tại, chẳng có gì lên thiên đường, chẳng có gì xuống địa ngục, nghĩa là chẳng có thưởng phạt chi cả, chết là hết! Lành dữ, hay dở, tốt xấu … đến lúc chết là xong.
Ngược lại, một số đông cho rằng ngoài thân xác, con người có linh hồn, một linh hồn trường cửu bất biến. Khi chết, hình hài trở về cát bụi, linh hồn hoặc là lên thiên đường, hoặc là xuống địa ngục. Lại có một số khác nghĩ rằng sau khi cái hồn rời khỏi thân xác thì nó sẽ hiện hữu tại một cảnh nào đó gọi là âm cảnh, mãi mãi sinh hoạt ở đó. Người ta lại tưởng tượng thêm ra rằng sinh hoạt ở cõi âm cũng tương tự như ở nơi trần thế này, “dương sao, âm vậy!”
Lười biếng nhất có lẽ là những ai có lập trường rằng chẳng thể nào biết được sau khi chết, có những việc gì xẩy ra, có tái sinh hay không, có đầu thai hay không, hay là chỉ còn “hư vô”. Đã không biết thì chẳng cần nói, chẳng cần bàn làm chi cho mệt, sống cái đã!
Phật tử chúng ta nghĩ sao? Nghĩ như sau này:
Một là con người gồm có thân và tâm tức là sắc và danh. Con người có thần thức, nhưng đó không phải là một linh hồn trường cửu, bất biến. Gọi là hồn, là vong linh, hương linh, thức … không quan trọng, cái quan trọng là “không trường cửu, bất biến”.
Thứ hai là sau kiếp sống này, sẽ còn một kiếp khác, nghĩa là Phật giáo chấp nhận có sự tái sinh. Sống chết, chết sống … nối tiếp nhau như những đợt sóng nhô lên, thụt xuống, liên miên như vậy. Tuy thế, cái quá trình liên miên ấy có thể được chấm dứt khi đã đạt được quả vị thánh, vượt ra khỏi sinh tử luân hồi.
Thứ ba là nói về “cái gì đi đầu thai, đi tái sinh?” Thần thức vô hình của mỗi người sẽ mang cái nghiệp của người đó để đi vào một kiếp mới. Cái nghiệp này quyết định kiếp mới này sẽ sung sướng hay khổ sở, yên vui hay sóng gió v.v… Kiếp mới này sẽ diễn ra ở một trong sáu cảnh giới: địa ngục, ngã quỹ, súc sinh, a-tu-la, nhân, thiên. Đối với những vị tu hành đắc đạo thì sẽ “lên” một trong bốn thánh đạo gồm thanh văn, duyên giác, bồ-tát, Phật, hết sinh tử luân hồi.
Thứ tư, đối với đại thừa, trừ hai trường hợp (những kẻ bị đày địa ngục hoặc các vị được lên hàng thánh) đi ngay sau khi tắt thở, còn đa số thì sau khi bỏ cái thân tiền ấm (thân cũ) sẽ mang thân trung ấm (vô hình) tối đa 49 ngày, sau đó sẽ có thân hậu ấm (kiếp mới). Trong vòng 49 ngày đó thì sẽ tùy nghiệp mà tái sinh vào cảnh giới mới. Thiện đạo là a-tu-la, nhân, thiên. Ác đạo là địa ngục, ngã quỉ, súc sinh.
Lẽ dĩ nhiên không ai muốn sa vào nẻo ác.
Trong số các đường thiện thì cõi thiên sung sướng hơn cả; tuy vậy vì sung sướng quá nên khó tu hoặc là quên tu, đến lúc hết phước báo lại phải chịu luân hồi. Vào cõi a-tu-la cũng khó tu vì a-tu-la hay sân hận. Vào cõi người, nếu gặp Phật, gặp Pháp thì dễ tu, đã tu thì có hi vọng giải thoát. Nhưng chúng ta cần nhớ rằng được làm người rất là khó. Trong kinh có kể thí dụ sau này: “Có một con rùa mù sống ở đại dương, hàng trăm năm mới nổi lên mặt nước một lần. Trên mặt nước, có một cái bọng nổi bồng bềnh. Con rùa nổi lên trúng vào cái bọng, thử hỏi việc này dễ hay khó. Khó vô cùng! Được tái sinh vào làm kiếp người cũng khó như là con rùa mù trồi lên mặt nước biển mà đâm trúng vào cái bọng vậy!”
Trong việc tái sinh, động cơ chính là cái nghiệp vô hình. Con người tuy chết đi, nhưng cái nghiệp vô hình còn đó. Người ta hay nói đến thường nghiệp tức là cái nghiệp từ thân, khẩu, ý hàng ngày, do thói quen tích lũy, thí dụ y sĩ thì quen chữa bệnh, đồ tể thì quen mổ heo, mổ bò … Trọng nghiệp là cái nghiệp nặng như giết người, phá tăng đoàn … Cận tử nghiệp là cái nghiệp gây ra vào lúc gần chết, cận tử nghiệp đáng sợ ở chỗ nó quyết định nơi tái sinh. Phải nói thêm là thường nghiệp và trọng nghiệp ảnh hưởng lớn tới cận tử nghiệp.
Vì muốn cho con người có toàn những niệm lành vào lúc hấp hối ngõ hầu cận tử nghiệp được lành, nên Tịnh độ tông dạy chúng ta pháp môn niệm Phật, cầu vãng sinh Tây phương Cực lạc của đức Phật A-Di-Đà. Mục đích của pháp môn “niệm Phật cầu vãng sinh” là dồn các chủng tử lành vào trong tâm thức. Vào lúc lâm chung, đầu óc không còn bị vướng vào của cải, danh vọng, gia đình, bạn bè … , không bị mắc vào sân hận, thù hằn … , trong tâm chỉ toàn là những niệm (nhớ nghĩ) về Phật mà thôi, đó là những niệm lành trấn áp tất cả các niệm ác, niệm tạp.
Nhờ nguyện lực của đức Phật A-Di-Đà, người quá vãng được đón về Tây Phương Tịnh độ. Tới đó được gặp chư Phật, chư bồ-tát, chư thượng thiện nhân nên dễ tu hành tinh tiến để lên cõi trên, không bị thoái chuyển. Đó là bước đầu của giải thoát.
Nghe vậy thì có vẻ dễ nhưng trên thực tế công việc không đơn giản. Tu theo pháp môn Tịnh độ, phải chú ý đến ba yếu tố tín, nguyện, hành; đó là ba cái chân của một cái đỉnh, thiếu một là hỏng. Tín là tin: tin Phật, tin Pháp, tin Tăng, tin vào nguyện của đức A-Di-Đà, tin có tịnh độ, tin lý nhân quả nghiệp báo. Nguyện là nguyện bỏ cõi ta-bà đau khổ, nguyện sinh về Tây Phương Cực lạc để tu học thành Phật. Hạnh là niệm Phật chuyên cần, chăm chú, cương quyết cho đến mức nhất tâm bất loạn. Ngoài ra phải trồng thiện căn, gieo nhân phước đức vì kinh A-Di-Đà có nói: “Không thể vì một chút thiện căn phước đức nhân duyên mà sinh sang nước kia được”. Tin sâu, nguyện chắc, hành siêng, hàng ngày thanh tịnh thân khẩu ý, có thế mới gọi là đủ hành trang để lên đường về Quê được!
Kính chúc quý đạo hữu có đầy đủ ba điều tín, nguyện, hành. □
PHỤ LỤC. Trí Húc đại sư (1599-1655) tự là Ngẫu Ích (còn gọi là Linh Phong đại sư, gọi theo nơi trụ trì là núi Linh Phong) đã viết hơn 40 bộ sách, trong đó có cuốn “Phật thuyết A-Di-Đà kinh yếu giải”. Lời kết luận của sách đó có đoạn sau này: (chép theo bản dịch của Tuệ Nhuận)
“Khi Húc mới xuất gia, tự phụ là Thiền Tông, khinh miệt các giáo môn khác, dám nói càn rằng: ‘phép trì danh niệm Phật chỉ để dành cho người trung căn và hạ căn’. Về sau nhân vì ốm nặng nên mới phát tâm cầu về Tây Phương, mới chịu nghiên cứu các sách, mới biết phép ‘niệm Phật tam-muội’ thực quý giá vô ngần, mới chịu hết lòng chấp trì danh hiệu Phật với một sức mạnh bằng vạn con trâu kéo không lại …” Kinh Phật nói rằng: ‘Đời mạt pháp, ức vạn người tu hành, ít có một người tu đắc đạo, chỉ còn nhờ phép niệm Phật mới được độ thoát’. Than ôi! nay chính là đời mạt pháp rồi, mà bỏ pháp môn niệm Phật này, thì còn có pháp nào tu học được nữa”.
Sách ấy có ghi mấy câu sau đây của Vĩnh Minh Thọ thiền sư (còn gọi là Diên Thọ hay Trí Giác thiền sư) sống vào thế kỷ thứ 10 bên Trung Quốc:
1/ Có Thiền Tông, có Tịnh Độ, Như thêm sừng cho mãnh hổ. Đời hiện tại làm thầy người, Đời vị lai làm Phật Tổ.
2/ Có Thiền Tông, không Tịnh Độ, Mười người tu, chín người đổ. Ấm cảnh nếu thấy hiện ra, Chỉ chớp mắt là theo nó.
3/ Không Thiền Tông, có Tịnh Độ, Vạn người tu, vạn người đỗ. Đã được thấy Phật Di-Đà, Còn lo gì chẳng khai ngộ.
4/ Không Thiền Tông, không Tịnh Độ,, Địa ngục đêm ngày đau khổ. Muôn đời nghìn kiếp còn lâu, Nhờ cậy ai, ai tế độ?
Bài 4. PHẬT DI GIÁO KINH
Vua Đường Thái Tông nước Trung-Hoa sai người chép Phật Di Giáo Kinh (nghĩa là Kinh Di Giáo của đức Phật) để phát cho các quan từ ngũ-phẩm trở lên và thứ-sử các châu, mỗi người một cuốn. Nếu các quan đó thấy đức-hạnh của tăng ni không giống như lời đức Phật dạy trong Kinh, thì có thể lấy lẽ công và tư mà khuyến-cáo, khiến phải thi-hành.
Kinh này chép lại vắn tắt lời đức Phật dạy các đệ-tử khi Ngài sắp nhập Niết-bàn, cho nên gọi là Kinh Di Giáo. [Kinh nói về thời-kỳ đức Thế-tôn gần nhập diệt, là Kinh Đại Bát-niết-bàn, gọi tắt là Kinh Niết-bàn].
Kinh này nguyên viết bằng chữ Phạn, được một nhà sư người Thiên Trúc (Ấn-Độ) ở Trung Hoa, tên là Đàm Vô Sấm, đời nhà Lương dịch từ chữ Phạn ra chữ Hán. Một nhà sư khác, người Trung-Hoa, tên là Thích Pháp Hiển cũng dịch từ chữ Phạn ra chữ Hán, đời nhà Tấn. Bản dịch sau ngắn hơn bản dịch trước nhiều, vì chỉ có 19 phẩm thay vì 52 phẩm như bản trước.
Hòa thượng Thích Tâm Châu đã dịch bản Hán-văn của Sa-môn Thích Pháp Hiển ra Việt Văn vào năm 1958.
So với Kinh Đại Bát-Niết-bàn thì Kinh Di Giáo ngắn hơn nữa vì kinh sau chỉ ghi lời dạy của đức Phật vào lúc gần nhập Niết-bàn, chứ không ghi các lời thuyết giảng về Phật-tính và dạy các bồ-tát tu-hành bốn đức Thường, Lạc, Ngã, Tịnh để đạt Đại Niết-bàn.
KINH DI GIÁO gồm các phần sau đây:
1. Lời Tựa 2. Trì-giới 3. Chế-ngự Tâm 4. Tiết-thực 5. Giới ngủ nhiều 6. Giới hờn- giận 7. Giới kiêu-mạn 8. Giới nịnh-bợ 9. Ít ham muốn 10. Tri-túc 11. Lìa xa 12. Tinh-tấn 13. Không quên niệm 14. Thiền-định 15. Trí-huệ 16. Không nói đùa 17. Tự cố gắng 18. Quyết-nghi 19. Chúng-sinh được độ 20. Pháp-thân Phật thường còn 21. Kết-luận.
Xem đầu-đề các phần ghi trên, chúng ta nhận thấy ngay tính-cách thực tế của lời dạy, ngắn gọn và dễ hiểu, cốt tóm lược cụ thể cách-thức tu hành. Lời dạy thiết thực, đơn giản làm chúng ta liên tưởng đến Kinh Pháp Cú.
● Sau đây, xin trích đăng phần “TRÌ GIỚI” (lược dịch):
“Hỡi các Tỳ-khưu. Sau khi Ta tịch diệt, cần phải tôn trọng Giới luật. Giới luật là đại sư của các ngươi; nếu Ta còn ở đời thì Ta và Giới luật không khác nhau.
Kẻ biết giữ Tịnh giới, không ham buôn bán, sắm sửa nhà ruộng, nuôi nô tỳ, gia súc, tránh xa vật báu và cây cối trồng tỉa như xa tránh lửa, không chặt cây cày ruộng, không bốc thuốc, xem tướng, coi sao, đoán vận mạng, làm bùa chú, thuốc thánh, thuốc tiên. Cần phải giữ mình, ăn uống đúng bữa, dùng đồ thanh tịnh. Chẳng nên giao hảo với người sang, khinh chê người kém. Cần phải dùng tâm niệm đoan chính để mong giải thoát khỏi vòng sinh tử. Không được chứa giấu những kẻ xấu, không được phô tướng lạ để lừa gạt người. Đối với các thứ cúng dường, cần phải biết vừa đủ và chẳng nên tích lũy.
Đó là nói về các hình thức Trì giới. Giới là gốc của Giải thoát. Nhờ Giới mà sinh Thiền định và Trí huệ diệt khổ.
Vậy các tỳ-khưu phải trì Tịnh giới, đừng để thiếu xót, hủy hoại. Ai biết trì giới, thì người đó có pháp lành. Không trì giới thì không thể sinh công đức được. Vậy phải biết rằng Giới là nơi an trụ an ổn nhất của các công-đức”.
● Tiếp theo là phần “CHẾ NGỰ TÂM”.
“Hỡi các tỳ-khưu, khi đã an-trụ nơi Giới rồi, thì phải chế ngự ngũ căn, ngăn ngũ căn phóng dật, nhập vào ngũ dục, giống như người chăn bò, không để cho bò chạy bừa bãi làm hại lúa người ta.
Nếu buông thả ngũ căn thì ngũ dục tăng lên vô hạn, không kiềm chế nổi, sẽ giống như ngựa dữ không cương, lôi người ta xuống hố. Ai bị cướp làm hại, thì chỉ khổ một đời thôi, còn ai bị ngũ căn làm hại thì bị tai ương nhiều đời. Ngũ ăn làm hại rất nặng, cho nên phải chế ngự ngũ căn như chế ngự giặc vậy.
Nếu buông thả ngũ căn thì sớm muộn sẽ thấy sự tiêu diệt. Ngũ căn lại do cái tâm làm chủ, vậy các tỳ-khưu phải chế ngự cái tâm, nó đáng sợ hơn rắn độc, thú dữ, giặc cướp, nó hại hơn cả lửa cháy tràn-lan. Giống như người kia tay cầm bát mật, chỉ nhìn bát mật mà không thấy cái hố dưới chân, giống như con voi điên không có xiềng sắt, giống như con vượn thả, leo cây, mặc sức nhảy truyền, khó mà kiềm-chế được. Phải khuất phục cái tâm, đừng để tâm phóng dật. Buông thả cái tâm thì việc lành tiêu ma, chế ngự cái tâm thì mọi việc xong xuôi. Vì thế các tỳ-khưu phải chuyên cần tinh tấn, khuất phục cái tâm của mình!”
● Sau đây là phần “ÍT HAM MUỐN”.
“Hỡi các tỳ-khưu! Nên biết rằng người nhiều ham muốn, vì mong nhiều lợi nên nhiều khổ não. Người ít ham muốn, vì không cầu, không muốn, nên không bị cái khổ ấy. Ít ham muốn là một hạnh mà mình phải tu tập; hơn nữa hạnh này làm nẩy sinh ra các công đức nên lại càng phải tu tập. Người ít ham muốn chẳng cần phải nịnh bợ ai để lấy lòng người ta, và chẳng bị các căn lôi kéo. Người đó trong lòng thanh thản, không lo không sợ; đụng chạm đến việc gì cũng thấy dư giả, không thấy mình thiếu thốn. Người ít ham muốn ắt có cảnh Niết-bàn”.
“Hỡi các tỳ khưu! Nếu muốn thoát khỏi mọi khổ não thì nên quán tưởng lẽ tri túc. Phép tri túc là chỗ giàu có, vui vẻ, yên ổn. Người tri túc dù nằm trên đất cũng thấy yên vui. Kẻ không tri túc dù có ở thiên đường cũng chưa vừa ý”. □
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
Bước Vào Cửa Phật-Quyển 2- Montreal 2010
(Hình:Một hình ảnh khác về Ngôi Chùa Hoa Sen-Ấn Độ- NN sưu tầm)