05/08: Bài 11: CHẾT VÀ TÁI SINH

05/08: Bài 11: CHẾT VÀ TÁI SINH
Category: Phật Học – Phật học ôn tập-
Posted by: Tbl Đọc: 4994 lần
BƯỚC VÀO CỬA PHẬT-Quyển 3
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

QUAN NIỆM CỦA ĐẠO PHẬT VỀ
Bài 11. CHẾT VÀ TÁI SINH **
1. Thông thường, người ta không muốn nói đến cái chết. Người ta kiêng, không nhắc đến cái chết, nhất là vào dịp Tết. Bởi vì chữ chết gợi ra một cái gì buồn thảm, mất mát, chia lìa. Nhưng đức Phật Thích-Ca lại nhìn cái chết dưới một khía cạnh khác, ngài khuyên các đệ…
… tử phải luôn luôn suy ngẫm về cái chết, luôn luôn cảnh giác rằng bất cứ lúc nào đó, cái chết cũng có thể ập đến với bất cứ ai và làm chướng ngại cho việc tu hành. “Nhân duyên đem cái chết đến cho ta rất nhiều : con rắn, con rít, con bò cạp … có thể cắn ta, miếng cơm đang nuốt hay cơn gió độc có thể làm hại ta, nhân hay phi nhân có thể công kích ta … làm ta mệnh chung. Như vậy sẽ làm chướng ngại cho ta. Các tỷ-kheo nên suy xét rằng lỡ ta mệnh chung đêm nay thì có thể các pháp ác chưa được đoạn tận, cho nên phải tận lực tác động ước muốn, tinh tấn, tinh cần, nỗ lực, không có thối chuyển, chánh niệm và tỉnh giác…Phải sống hoan hỷ, hân hoan, ngày đêm cần phải học tập trong các thiện pháp”.
2. Nhà xuất bản NIL ở Pháp đã cho phát hành dưới dạng sách bỏ túi cuốn Nhà tu hành và triết gia (Le moine et le philosophe) của Jean-François Revel và Matthieu Ricard với lời ghi chú “Hai cha con biện luận về ý nghĩa cuộc đời” (Un père et son fils débattent du sens de la vie). Cuốn này ghi lại những buổi thảo luận giữa triết gia J-F. Revel và người con là tiến sĩ sinh học Matthieu Ricard, ông này là tu sĩ Phật giáo Tây Tạng đã nhiều lần tháp tùng đức Đạt-Lai Lạt-Ma làm thông dịch viên cho ngài. Cuốn này có nhiều chương và chương nào cũng hấp dẫn. Sau đây là lược dịch một vài đoạn trong chương Đạo Phật và cái chết (Le bouddhisme et la mort); chúng ta nên nhớ đó là ý kiến của Phật giáo Tây Tạng và ý kiến này ảnh hưởng đến Phật giáo Bắc tông.
Jean-François. Pascal đã viết theo Thánh Kinh rằng ai cũng phải luôn luôn nghĩ rằng mình không thể biết lúc nào Chúa sẽ gọi mình về, mười năm nữa hay năm phút nữa. Montaigne viết “bàn về triết học là học cách chết”. Tôi nghĩ rằng vấn đề sửa soạn cái chết, và giai đoạn thân trung ấm tức giai đoạn chuyển tiếp, là một điều quan trọng trong Phật pháp. Có thật có một cuốn Tử thư chăng?
Matthieu. Có. Hành giả lúc nào cũng ý thức được cái chết, nhưng không buồn bã sầu khổ mà trái lại, tự thúc đẩy mình không bỏ phí một giây phút nào của cuộc sống. Những người quên chuyện chết, quên lý vô thường, dễ lăn xả vào công việc, và cho rằng mình sẽ lo đời sống tâm linh sau thì cũng chẳng muộn gì. Lầm to. Cái chết có thể bất chợt đến mà không báo trước. Hành giả phải nhớ điều ấy. Khi một nhà tu đốt lửa thì người đó tự bảo chẳng biết ngày mai còn ngồi đó mà dóm lửa không. Khi thở ra mà còn hít vào được, người đó cho rằng mình sung sướng. Quán vô thường và quán về cái chết thúc đẩy người ta hướng theo tâm linh .
J-F. Đối với một Phật tử, cái chết có đáng sợ không ?
M. Thái độ của một Phật tử trước cái chết tùy thuộc vào trình độ tu tập của người đó. Thoạt đầu thì cũng sợ và thường tự hỏi: “Làm sao thoát khỏi cái chết?”; sau khi đã khá hơn thì tự hỏi: “Làm sao qua được tình trạng trung gian (bardo) mà không lo âu, vẫn tin tưởng và thanh thản?” … Đến mức thật cao hơn nữa thì hành giả thấy rằng chết chỉ là một chặng của cuộc sống, chỉ là một sự chuyển tiếp, chẳng có gì đáng sợ.
J-F. Đạo Phật có thêm gì không?
M. Tiến trình của sự chết và những sự việc sau đó được mô tả kỹ lưỡng trong nhiều sách Phật giáo. Khi con người tắt thở thì tiếp theo là nhiều chặng tan rã của tâm thức và thể xác. Khi thế giới vật chất xóa nhòa đi thì thần thức nhập vào trạng thái tuyệt đối, trái ngược với trạng thái mà ta thấy khi tâm thức còn liên kết với thể xác. Lúc chết, thần thức rút vào “không gian chói sáng của cảnh giới tuyệt đối” trong một nháy mắt thôi, sau đó nó bật ra để trải qua một trạng thái trung gian (hay trạng thái quá độ, gọi là bardo) dẫn tới một kiếp mới tức là tái sinh. Có cách tu hành để ở lại trong trạng thái tuyệt đối nói trên để vươn tới sự thực chứng bản thể cao tột của vạn pháp” …
Cuốn Tử thư Tây Tạng, dài và phức tạp, dùng cho Mật tông Tây Tạng thì mới thích hợp vì trong lúc sống, các tín hữu đã được huấn luyện theo hướng ấy rồi. Tây tạng khí hậu rất lạnh nên xác chết giữ được khá lâu. Về phần chúng ta thì chỉ cần biết một số chi tiết thiết yếu để ứng dụng mà thôi.
3. a/ Chết là sự tan rã của tứ đại đất nước gió lửa (tạm gọi là “tan rã bên ngoài”) và sự tan rã các loại tư tưởng và các loại thức (tạm gọi là “tan rã bên trong”). Đó cũng là sự tan rã các loại “khí” bấy lâu nay vẫn giữ cho cơ thể hoạt động.
Nói chung, có năm loại khí : khí của công năng sinh hoạt, khí của công năng hấp thụ, khí của các công năng thấp (bụng), khí của các công năng cao (ngực) và khí của các công năng thường hữu (chỗ nào cũng có, omniprésent). Các khí ấy làm cho cơ thể hoạt động, nếu chúng điều hòa thì con người khỏe mạnh. Khi hấp hối, một khí khác hiện ra, khí này thông thường vẫn lờ mờ trong cả con thân người, đó là “khí của nghiệp và của sự chuyển biến”, khi nó hiện ra thì mọi khí khác bị xáo trộn, những triệu chứng bệnh lý hiện ra để rồi con người chết đi.
b/ Thoạt tiên, khí của công năng hấp thụ bị xáo trộn, thức ăn nuốt vào hoặc là bị thổ ra, hoặc là không tiêu hóa nổi. Rồi đến khí của công năng sinh hoạt bị xáo trộn, tinh thần mất sự sáng suốt, còn cảm thụ những cảnh khó chịu, đau đớn, buồn khổ. Tiếp đến sự xáo trộn của khí của các công năng thấp, làm cho bí đại và tiểu tiện. Sau đó là sự xáo trộn của khí của các công năng cao, làm cho khó nuốt, khó thở. Cuối cùng là sự xáo trộn của khí của các công năng thường hữu, xúc giác kém hẳn, nhiều cảm thụ bực bội khó chịu, chân tay khó cử động.
c/ Sự xáo trộn làm cho các khí rời bỏ những trung tâm của chúng; các kinh mạch và các xa luân bị tàn phá. Sự tàn phá này xảy ra đồng thời với sự băng hoại của các đại và các biểu lộ bên ngoài tương ứng với chúng: thân thể (ứng với không đại), sự thở hít (ứng với phong đại, tức là gió), thân nhiệt (ứng với hỏa đại, tức là hơi nóng), huyết (ứng với thủy đại, tức là nước) và thịt (ứng với địa đại, tức là đất). Khi các khí biến mất đi thì các cảm giác cũng mất theo.
d/ Năm khí tan rã đồng thời kéo theo sự tan rã này : đất rút vào nước, nước rút vào lửa, lửa rút vào gió tức không khí, và gió rút vào thức.
– Khi đất rút vào nước thì gân cốt rão, đầu ngoẹo, ngực xẹp, chân tay co ruỗi khó khăn, ngồi không nổi, nước dãi và nước mũi chảy ra. Đầu óc kém tỉnh táo, như chìm trong tối tăm. Người hấp hối muốn cử động, muốn tung chăn mền, muốn ngồi dậy mà không nổi. Thân thể nặng vô cùng, như bị cả trái núi đè. Mắt không nhìn thẳng nổi. Thấy những hình ảnh méo mó như khi nhìn bãi cát nóng bỏng giữa trưa có mặt trời chói chang.
– Khi nước rút vào lửa thì miệng và lỗ mũi khô, đường tiêu và tiểu hết làm việc điều hòa. Đầu óc rối bời, ý nghĩ khó chịu. Có cảm giác đang rơi trong khoảng trống, bị chìm ngập, giữa tiếng thác nước ào ào. Nhìn cái gì cũng mờ mờ ảo ảo, như có khói bao phủ xung quanh.
– Khi lửa rút vào gió thì miệng và lỗ mũi lạnh, hơi thở ngắn, chân tay mất dần cảm giác. Có những lúc hết tỉnh táo sáng suốt. Thấy những cảnh như cháy to, cùng với những đốm sáng như đom đóm.
– Khi gió rút vào thức thì hơi thở hổn hển, hít vào ngắn và khó, thở ra dài. Rồi ngưng thở. Các hình ảnh liên quan đến nghiệp hiện ra, ác nghiệp tạo ra những cảnh sợ hãi, làm cho la hét hay rên rỉ; thiện nghiệp mang đến những cảnh yên vui, gặp chư thiên đầy ánh sáng. Thí dụ, đồ tể thấy súc vật kéo đến đòi cắn chết. Nghe thấy tiếng gió rít ầm ầm, rất mạnh. Có cảm giác ngất đi và hình ảnh giống như một ngọn đèn dầu.
e/ Thức tan vào không. Bấy giờ, xác thân có vẻ có sắc trở lại, hơi thở hết hẳn, hơi nóng dồn về tim. Đặc điểm của việc thức tan vào không là sự xuất hiện ba loại ánh sáng : trắng, đỏ và đen. Con người có hai nguyên lý dương và âm, chúng sẽ tan vào nhau ở nơi tim khi người ta chết. Nguyên lý dương màu trắng đóng đô ở đỉnh đầu đi xuống tim, ánh sáng giống như ánh sáng trăng. Bấy giờ 33 loại ý nghĩ về sân, hận, thù biến mất. Nguyên lý âm đóng đô ở lỗ rún đi lên tim, ánh sáng giống như ánh sáng mặt trời. Bấy giờ 40 loại ý nghĩ về ái dục và thủ biến mất. Khi hai nguyên lý dương và âm tiêu tán vào tim thì thần thức mất khả năng nhận biết. Đó là lúc thấy màu đen như đêm tối. Bấy giờ 7 loại ý nghĩ về ngu si và vọng tưỡng biến mất. Thế là chết hẳn.
4. Ngay sau lúc chết, một luồng sáng trong suốt chói lọi xuất hiện, đó chính là bản thể của tâm tức là Phật tánh, Pháp tánh, là Chân như. Đó gọi là Ánh Sáng Căn Bản, hay Điểm Linh Quang. Bất cứ ai cũng thấy nhưng chỉ những ai lúc sống đã tu đến một mức thật cao mới “nhận ra” rằng đó là Chân như và “đi theo”, thế là được giải thoát! Còn kẻ phàm thì không “nhận ra”, không chú ý, có khi thấy sáng chói lọi lại sợ, quay đi, mà sự thật thì Điểm Linh Quang ấy chỉ xuất hiện đối với họ trong khoảnh khắc, “một búng ngón tay” mà thôi; vài người thấy Điểm Linh Quang trong “khoảng một bữa ăn”.
[Ghi chú: Sogyal Rinpoche nói rằng sau đó lại có một luồng sáng thứ nhì nữa hiện ra trong một thoáng, ấy là Pháp tánh. Ông bảo rằng ánh sáng thứ nhất là Tướng của Chân Như còn ánh sáng thứ nhì là Dụng của Chân Như. Tử Thư Tây Tạng không nêu ra điều này].
Không nhận ra Ánh Sáng thứ nhất và thứ nhì đó để đi theo mà giải thoát thì rơi vào tình trạng hôn mê, thần thức chìm đắm trong tối tăm, bất tỉnh trong khoảng ba ngày rưỡi. Rồi sau, thần thức mới thật sự rời khỏi xác.
Chúng tôi có ý kiến: Người ta khuyên không nên động vào xác chết trong thời gian đó. Cái khó với chúng ta ngày nay là làm sao tôn trọng được thời gian ấy trong hoàn cảnh đời sống hiện tại, ở Canada đây cũng như ở trong nước, nhất là ở trong nước với khí hậu nhiệt đới! Chúng tôi thấy có nơi bảo rằng đừng động đến xác chết trong vòng 8 giờ đồng hồ. Bệnh viện đâu có cho kéo dài như vậy. Khó quá!
– Trong một bài trên đăng báo Los Angeles Times, do nhật báo The Gazette ở Montreal in lại – tôi không nhớ ngày phát hành – ký giả John Dart kể lại trường hợp của nhà vô thần (atheist) nổi tiếng người Anh là Sir Alfred Ayer. Ông già 88 tuổi này là một triết gia, phải nằm bệnh viện vì sưng phổi, một hôm bị hóc miếng cá hồi, rồi chết vì nghẹt thở, nhưng được các bác sĩ cứu sống lại sau khi đã bị coi là đã chết được bốn phút. Như vậy, ông ta đã trở về từ cõi chết. Ông ta kể lại trong bài Tôi đã thấy gì khi tôi chết (What I Saw When I Was Dead) đăng trên báo Sunday Telegraph rằng: “Tôi đã thấy một luồng ánh sáng màu đỏ, hết sức chói chang, ngay cả khi quay mặt đi không nhìn, cũng làm cho đau đớn. Tôi nhận ra rằng luồng sáng ấy cai quản cả vũ trụ. Trong số các quan chức, có hai môn hạ được giao việc trông nom không gian, v.v …” [ I was aware that this light was responsible for the government of the universe. Among its ministers were two creatures who had been put in charge of space]. Ông tuyên bố rằng ông ta vẫn là một người vô thần (… my conviction that there is no God) nhưng xác nhận rằng chắc chắn phải có một cái gì đó sau khi chết (… death does not put an end to consciousness …; chứ không phải “chết là hết”). [Người theo đạo Phật có thể hiểu đó chẳng qua là đức Phật A Di Đà với hai bồ tát Quán Âm, Thế Chí tức là Di Đà tam tôn vậy]. Hết góp ý kiến.
Giai đoạn thứ nhất vừa nói trên là giai đoạn đối diện Chân như.
5. Tiếp đến là giai đoạn xuất hiện các cảnh thiện ác. Trong một khoảng thời gian rất ngắn, có năm luồng sáng bật ra cùng một lúc với những thiên thần hiền hòa và những cảnh vui tươi hoặc những thần dữ tợn, cáu kỉnh và những cảnh khủng khiếp. Thần thức thấy các cầu vồng, các điểm sáng, các đám mây và nhiều hiện tượng sáng khác. Đồng thời hiện ra đủ các cảnh giới từ địa ngục đến niết-bàn, giữa những tiếng ầm ầm mạnh mẽ đáng sợ như hàng ngàn tiếng sấm sét hợp lại. Điều đang nhớ nhất là : ánh sáng của chư Phật thì hết sức chói chang, còn ánh sáng của sáu nẻo luân hồi cũng có màu sắc như thế nhưng lại mờ nhạt, dịu hơn. [Ghi chú: Riêng các đạo hữu phát nguyện vãng sanh Tây Phương Cực Lạc của đức Phật A Di Đà thì cần nhớ rằng ánh sáng của ngài màu đỏ].
– “Người ta” có khuynh hướng chạy theo những ánh sáng dịu vì thấy dễ chịu, trong khi các ánh sáng chói chang làm cho người ta sợ, muốn tránh. Thế là đi vào đường tái sanh. Tất cả những thứ ấy đều không thật, chỉ là do nghiệp của mỗi người chiêu cảm mà ra. Tốt xấu là tùy ở nghiệp thiện hay nghiệp ác. [Ghi chú: Những ai lúc sống đã chuyên tâm niệm Phật A Di Đà thì đến lúc này là lúc thấy kết quả: nếu thần thức đầy đủ chủng tử niệm Phật, lúc này nó chín muồi, nếu thần thức cứ tiếp tục niệm Phật thì thoát]. Thường thường, thần thức nặng vô minh, lo sợ cuống cuồng không biết xoay sở ra sao nên rơi vào giai đoạn thứ ba là giai đoạn tái sinh.
6. Tâm thức được tái tạo. Khí “gió” ứng với ánh sáng màu xanh lá cây tới trước cùng với khí làm phát sinh vô minh (chỗ này khó hiểu : le souffle “qui fait s’élever l’ignorance” revient, en même temps que le souffle “éolien”, Kalou Rinpoche). Khí “lửa”, “nước” và “đất” trở về, ứng với ánh sáng màu đỏ, trắng, vàng theo thứ tự. Tất cả những thứ này làm ra cái thân trung ấm (gọi là thân nhưng chưa có phần vật chất mà chỉ có phần tinh thần). Cùng lúc, các loại ý nghĩ tái xuất hiện, theo thứ tự ngược lại với thứ tự mà chúng tan đi trước đấy. Thoạt tiên là 7 loại ý nghĩ về ngu si và vọng tưởng, thứ đến 40 loại về ái dục và thủ, rồi đến 33 loại về sân, hận, thù ghét.
– Bardo tiếp theo là bardo chuyển biến, nói rõ hơn là bardo chuẩn bị vào kiếp mới. Lúc này chỉ có bốn uẩn rưỡi mà thôi chứ không phải năm uẩn : thọ, tưởng, hành, thức và một nửa sắc. Tại sao nói “một nửa”? Vì làm gì có thân xác như chúng ta đây, chỉ có một cái thân tinh thần mà người thường không thấy nhưng những “người” cùng cảnh thì thấy và “họ” thấy nhau. Thân này có năm giác quan thông thường như chúng ta, có thể trông thấy cảnh giới chúng ta, có thể di chuyển qua các chướng ngại như tường vách, núi v.v… và mỗi khi nghĩ ở đâu thì được tới đấy, muốn cái gì thì được cái đó, nhưng chính vì nghĩ loạn lên và được hết mọi thứ nên ở trong một hoàn cảnh hết sức bối rối và khó chịu. Muốn nói với vợ con mà nào họ có thấy; nói thì họ không trả lời. Lúc ấy “người ta” biết rằng không còn ở cõi đời thường nữa rối và thấy buồn rầu, đau khổ và bực rọc, ưa gây lộn. Đủ mọi thứ trào lên do nghiệp lực. Thiện nghiệp gây ra những cảm nhận dễ chịu, nhẹ nhàng, vui sướng, trái lại ác nghiệp gây ra những cảm nhận khó chịu, đau khổ, sợ hãi.
Thời kỳ này thường kéo dài 7 tuần tức là 49 ngày.
7. Sau đó là tái sinh vào kiếp khác, ở một trong sáu cảnh giới của luân hồi. Có thể ít hơn 49 ngày. Kẻ nào mà nghiệp rất nặng, phải xuống các ác đạo thì thường bị đi rất sớm. Ai tu hành cao thì nghiệp nhẹ, sớm lên cảnh giới cao. Nói chung chung, nếu nghiệp trung bình, không rõ rệt thì cần 49 ngày.
– Trong ba tuần đầu thần thức cảm nhận những gì giống như đời vừa qua, sau đó nghiệp cũ mờ dần đi và nghiệp mới cho kiếp mới hiện dần dần rõ ra. Có những dấu hiệu về cảnh giới sắp tái sanh : môi trường (cảnh người, cảnh trời, hang sâu, tổ chim, …) , các loại thức ăn, các phong cảnh, các bạn bè thân quyến, các ý tưởng v.v… Có “người” thấy cha mẹ về đón, hay đi vào nơi đô hội …, như vậy là có thể tái sinh làm người.
Có bốn cái sợ: đó là những tiếng kinh khủng khiếp do núi sập, đại dương xoáy, cuồng phong, lò lửa hực. Những thứ ấy tương ứng với đất nước gió và lửa. Có ba cái vực: người ta có cảm giác rơi xuống một cái vực sau hay một cái hầm, xám, hoặc đỏ, hoặc tối. Những thứ ấy tương ứng với sân, tham và si.
– Sau đó là giai đoạn tái sinh; có bốn cách sinh mà chúng ta đã biết là : thai sinh, hóa sinh, thấp sinh và noãn sinh. Có một điều rất đáng nhớ : trong hoàn cảnh hết sức bối rối của thân trung ấm, nếu tâm thức đã được “huấn luyện” từ trước thì nhờ cái nếp đã huân tập mà nó tự điều khiển được hướng đi về đâu. Bài học lớn cho chúng ta là chỗ đó.
Cái tâm thức mang nghiệp đi vào một kiếp mới.
Tái sinh làm người thì sao? Thức gặp tinh cha và huyết mẹ vào lúc hai người đang gặp nhau, ba yếu tố ấy tạo nên một bào thai. Rồi cứ theo thập nhị nhân duyên mà luân hồi. Tu để phá vỡ 12 mắt xích ấy thì được giải thoát.
Tu Tịnh độ thành công thì được lên miền Cực Lạc của đức Phật A Di Đà, lên đó thì không thoái chuyển nhưng phải tu thêm.
8. Kết luận.
1/ Con người có danh và sắc tức tâm và thân. Tâm gồm thọ, tưởng, hành, thức.
2/ Thức do tám thứ hợp lại, căn bản là thức thứ tám (a-lại-da). A-lại-da mang nghiệp đi tái sinh vào cảnh giới mới.
3/ Phải tu sao cho khi vừa chết, thần thức nhận ra được “điểm linh quang” để đi theo, do đó được giải thoát.
4/ Từ lúc chết đến lúc tái sinh, tối đa là 49 ngày. Tất cả những gì do thân trung ấm cảm nhận trong thời gian đó đều do nghiệp chiêu cảm cho nên ta phải tu thiện nghiệp. Thức có thể hướng về nẻo mong muốn nếu tu tập đủ trong lúc còn sống. □
TÀI LIỆU THAM KHẢO
– The Tibetan Book of The Dead, or The After-Death Experiences on the Bardo Plane, according to Làma Kazi Dawa-Samdup’s English rendering, Compiled and edited by W.Y.Evans-Wentz, 3rd edition 1957, Oxford University Press, London Oxford New York.
– Bên kia cửa tử, Nguyên tác: Bardo Thodol của Phật giáo Tây Tạng, dịch giả : Như Pháp Quân Trần Ngọc Anh. Người truyền pháp: Giáo chủ Lạt ma Padma Sambhava. Dịch sang Anh văn: Lạt ma Kazi Dawa samdup. Dịch sang Pháp văn: Marguerite La Fuente. Nhà xb Thế Giới, 1993, San Jose, CA, USA.
– Đọc Tử Thư Tây Tạng, Đồng Loại Trần Nguyên Trung, đăng trong Bản Tin Chùa Khánh Anh, Bagneux, Pháp quốc.
– Tạng Thư Sống Chết, Sogyal Rinpoche, Ni sư Trí Hải dịch, Đại Thừa xuất bản, không đề năm và địa chỉ. Nguyên tác là The Tibetan Book of Living and Dying, Nhà xb Harper, San Francisco.
– La Voie du Bouddha suivant la tradition tibétaine, Kalou Rinpoché, Éditions du Seuil, 1993, Pháp.
– Suy niệm về hiện tượng chết, Phạm Kim Khánh dịch cuốn Reflexions on Death của V.F.Gunaratne. Sách do bà Nghiêm Hồng San ấn tống tại Houston, 1985.
Phụ Lục Về Bardo
Danh từ Bardo Thodol hay Bardo Theudreul của Tây Tạng gồm hai chữ bardo và thodol. Bardo là ở giữa hai trạng thái, khoảng giữa, chuyển tiếp, quá độ, còn thodol nghĩa đại khái là sự hiểu biết qua lời dạy, ý nói nhờ lời chỉ dạy của vị cao tăng mà thần thức thoát khỏi tình trạng nằm trong bardo.
Có 4 bardo: 1/ bardo từ lúc sinh ra cho đến lúc chết đi (như hoàn cảnh của chúng ta đây). 2/ bardo lúc hấp hối, tức là từ sống sang chết. 3/ bardo ngay sau khi chết, giai đoạn này gọi là trống rỗng. 4/ bardo từ lúc vừa nói trên đến lúc tái sinh, giai đoạn này gọi là trở thành hay chuyển biến. Sau đó là kiếp sống mới, và quay lại bardo số 1. Nếu có ai hỏi bardo thứ 5 và bardo thứ 6 nghĩa là gì thì ta trả lời rằng đó là bardo khi nằm mơ và bardo khi thiền định, hai thứ này được coi là nằm trong bardo số 1. [1/ Bardo de la naissance à la mort. 2/ Bardo du moment de la mort, correspondant à l’agonie. 3/ Bardo de la vacuité, période suivant la mort. 4/ Bardo du devenir. 5/ Bardo du rêve. 6/ Bardo de la méditation]
Chúng ta hãy coi vài trang trong cuốn Le moine et le philosophe (Nhà tu và triết gia), hai cha con bàn luận về ý nghĩa của cuộc đời; ông con là nhà tu Matthieu Ricard, ông bố là triết gia Jean-François Revel. Ông bố hỏi về bardo, ông con trả lời :
Bardo có nghĩa là tình trạng chuyển tiếp. Có nhiều bardo. Thứ nhất là bardo của cuộc đời, giữa lúc sinh ra và lúc chết. Rồi đến bardo vào lúc chết tức là vào lúc mà thần thức tách khỏi xác thân. Người ta nói đến hai giai đoạn tan rã: tan rã của các cơ năng vật lý và cảm nhận (tan rã bên ngoài), tan rã của các quá trình tinh thần (tan rã bên trong). Tan rã bên ngoài là sự tiêu tán của năm đại tức là đất, nước, gió, lửa và không. Khi địa đại tiêu tán thì thân thể trở nên nặng nề, giữ thế nằm ngồi khó khăn, con người có cảm giác như bị cả một quả núi đè xuống. Khi thủy đại tiêu tán thì các màng nhầy khô lại, con người khát nước, tâm thần trở nên mập mờ chập chờn và như bị một dòng nước sông cuốn trôi vật vờ. Khi hỏa đại tiêu tán thì thân thể mất nhiệt, con người càng lúc càng khó nhận ra chung quanh. Khi phong đại tiêu tán thì con người thấy khó thở, không cục cựa được và bất tỉnh. Bấy giờ thấy nhiều ảo giác, cuốn phim của cả cuộc đời mình diễn ra trong tâm thức. Cũng có khi người ta thấy một tình trạng cực kỳ thanh lặng, và thấy một không gian sáng láng, an bình. Rồi tắt thở. Nhưng một sinh lực gọi là sinh khí còn tồn tại trong một thời gian rồi mới mất đi. Lúc ấy là chết hẳn, tức là lúc luồng tâm thức lìa khỏi xác. [Không thấy nói đến thức đại. Sau đây ta sẽ thấy nói đến thức đại tan vào không đại].
Luồng này trải qua một loạt những trạng thái càng ngày càng vi tế – đó là sự tan rã thứ nhì tức là sự tan rã bên trong. Người ta thấy một ánh sáng rực rỡ, một hạnh phúc cùng tột và không còn bị vướng mắc vào một ý niệm nào cả. Đó chính là lúc được tiếp xúc với Tuyệt Đối. Người đã tu tập cao có thể ở yên trong tình trạng đó và chứng ngộ Tỉnh Thức. Nếu không thì cái tâm nằm trong thời chuyển tiếp từ lúc chết đến lúc tái sanh. Những gì mà người ta thấy bấy giờ tùy thuộc vào trình độ tâm linh. Kẻ nào mà trình độ tâm linh không ra gì thì bị ba nghiệp thân khẩu ý xô đẩy qua những cảnh khổ não ít hay nhiều của bardo này, hệt như cái lông chim bị gió nghiệp thổi vậy. Chỉ những ai đã đạt đến một trình độ tâm linh nào đó mới làm chủ được làn gió đó thôi. Tiếp đến là bardo của sự chuyển biến, các cách thức tái sanh vào kiếp mới bắt đầu từ đây…
Vì không thấy Matthieu Ricard nói rõ về sự tan rã bên trong ra sao mà lại nói thẳng sang Ánh Sáng của Tuyệt Đối, chúng ta hãy quay về với Kalou Rinpoche. Ông nói : sau khi phong đại đã tan vào thức rồi thì thức tan vào không. Lúc này, xác thân có chút khởi sắc trở lại, con người tắt thở và thân nhiệt tập trung nơi tim. Đấy là lúc cuối của tiến trình chết. Khi thức tan vào không thì thấy ba loại ánh sáng : trắng, đỏ và đen. Nguyên lý dương ở đỉnh đầu rút về tim, lúc ấy thấy ánh sáng trắng, giống như ánh sáng trăng. Bấy giờ 33 loại ý nghĩ liên quan đến sân, hận và thù tan hết. Nguyên lý âm ở rún rút về tim, lúc ấy thấy ánh sáng đỏ, giống như ánh sáng mặt trời. Bấy giờ 40 loại ý nghĩ liên quan đến ái dục và thủ tan hết. Khi cả hai nguyên lý âm và dương rút về tim rồi thì thức mất khả năng nhận biết. Lúc ấy thấy ánh sáng đen, gọi như vậy thôi (chứ đã sáng, sao còn đen?), như là ở trong đêm tối vậy. Bấy giờ bẩy loại ý nghĩ liên quan đến ngu si và vọng tưởng tan hết (như vậy là có 33 + 40 + 7 = 80 loại ý nghĩ). Từ lúc bắt đầu có sự tan rã bên ngoài và bên trong đến lúc này gọi là bardo lúc chết. Rồi sao nữa?
Tất cả mọi người, không trừ ai, khi vừa mới chết, đều thấy một thứ ánh sáng rực rỡ, đó chính là bản thể của tâm, tức là chân tâm, tức là Phật tánh. Một người phàm thì cũng thấy nhưng mà không nhận ra được Phật tánh ấy, không hiểu gì cả, bỏ qua đi và thần thức rơi vào tình trạng hoàn toàn mê trong khoảng ba ngày rưỡi. Ngược lại, những nhà tu hành đến một trình độ cao nào đó trong khi sống thì lúc này ề nhận ra ngay được ánh sáng rực rỡ đó và được nhập vào đó, được thu hút vào đó, được hòa vào đó và như thế là được giải thoát. Đó là ánh sáng con gặp ánh sáng mẹ. Một tôn giáo khác gọi tình trạng ấy là tiểu ngã nhập vào đại ngã.
Nếu có thời giờ để nghiền ngẫm cuốn sách The Tibetan Book of Living and Dying của Sogyal Rinpoche mà cô Trí Hải đã dịch thành Tạng Thư Sống Chết thì rất tốt vì nhờ đó mà thấu hiểu Phật pháp, thấu hiểu sống và chết, nhất là thấu hiểu cái tâm và tiến trình tái sinh theo Phật giáo Tây Tạng và Phật giáo Đại thừa. Sách ấy nói về cái ánh sáng kia như sau: «… Cuối cùng, khi không còn có cái gì che mờ cái tâm giác ngộ thì cái được hiển bày là nền tảng tối sơ của bản chất tuyệt đối chúng ta, như một bầu trời trong sáng không mây. Điều này gọi là sự xuất hiện Ánh Sáng Căn Bản hay Điểm Linh Quang khi chính tâm thức cũng tan vào trong không gian bao la của chân lý… Ánh sáng khởi lên vào lúc chết là tia tự chiếu của tính giác trong ta, «tự tánh vô vi hiện diện suốt trong sinh tử và niết-bàn». Mặc dù Ánh Sáng Căn Bản hiện ra một cách tự nhiên, phần đông chúng ta hoàn toàn không sẵn sàng để đón nhận tính bao la thuần túy của nó, chiều sâu rộng vi tế, tính giản dị sơ nguyên của nó … vì tập quán của nhiều đời vẫn còn, ẩn nấp trong hậu trường của tâm phàm tình của chúng ta. Thay vì đón nhận ánh sáng thì lại sợ hãi, vì vô minh chúng ta lùi lại, và theo bản năng, bám lấy những gì chúng ta từng bám giữ».
Tuy vậy, còn một cơ hội tiếp theo ngay sau đó. Ấy là sự xuất hiện của ánh sáng pháp tánh nổi lên từ không gian lan khắp của Ánh Sáng Căn Bản [Việc này không thấy nói trong sách Tử Thư Tây Tạng và sách Nhà tu và Triết gia]. Ánh sáng lần đầu là TƯỚNG của tự tánh tâm, và Ánh sáng lần thứ nhì này là DỤNG của tự tánh tâm. Thông thường người ta không trực nhận mà lại trốn chạy nên lỡ cơ hội giải thoát. Vì thế khi sống phải tu tập phần tâm linh để cố chặn vô minh là nguyên nhân làm cho người ta lầm lạc và ngăn cản người ta nhận ra ánh sáng quý báu đó.
[Vì không nhận được Ánh Sáng đó, không được giải thoát nên tâm thức ở trong tình trạng mê mờ, bất tỉnh (trong ba ngày rưỡi). Sau đó tâm thức trở lại, vẫn mang theo những vọng tưởng. Trong một thoáng, nó cảm nhận năm thứ ánh sáng hiện ra như những cầu vồng, những điểm sáng, những đám mây … Tử Thư Tây Tạng coi đó là những thiên thần ôn hòa hay dữ tợn. Đồng thời hiện ra đủ các cảnh giới từ địa ngục đến niết-bàn, giữa những tiếng ầm ầm mạnh mẽ đáng sợ như hàng ngàn tiếng sấm sét hợp lại. Điều đang nhớ nhất là : ánh sáng của chư Phật thì hết sức chói chang, còn ánh sáng của sáu nẻo luân hồi cũng có màu sắc như thế nhưng lại mờ nhạt, dịu hơn. Người ta có khuynh hướng chạy theo những ánh sáng dịu vì thấy dễ chịu, trong khi các ánh sáng chói chang làm cho người ta sợ, muốn tránh. Thế là đi vào đường tái sanh. Tất cả đều do nghiệp chiêu cảm mà ra cả.
Tâm thức được tái tạo. Khí gió ứng với ánh sáng màu xanh lá cây tới trước cùng với khí làm phát sinh vô minh. Khí lửa, nước và đất trở về, ứng với ánh sáng màu đỏ, trắng, vàng theo thứ tự. Tất cả những thứ này làm ra cái thân trung ấm (gọi là thân nhưng chưa có phần vật chất mà chỉ có phần tinh thần). Cùng lúc, các loại ý nghĩ tái xuất hiện, theo thứ tự ngược lại với thứ tự mà chúng tan đi trước đấy. Thoạt tiên là 7 loại ý nghĩ về ngu si và vọng tưởng, thứ đến 40 loại về ái dục và thủ, rồi đến 33 loại về sân, hận, thù ghét. vv… □
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
Hình: Chùa Lưỡng Xuyên-Trà Vinh-VN – NN sưu tầm
** Chú thích : Trong BƯỚC VÀO CỬA PHẬT_3, tác giả Hoẵng Hữu Nguyễn Văn Phú đã lược bỏ bài 10 và các bài tiếng Pháp – NN

Share

Leave a Reply

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Paid Links