09/06: Câu Chuyện Dòng Sông (t t ) – 5. Kiều Lan
Category: Tôi Tìm Hiểu Đạo Phật
Posted by: Tbl Đọc: 4521 lần
Phần II – 5. Kiều Lan
Tất Đạt học thêm trên mỗi bước đường một điều mới mẻ, vì vũ trụ đổi thay và chàng đang ở trong vũ trụ. Chàng thấy mặt trời lên trên núi rừng và lặn ở bãi xa. Ban đêm chàng thấy những vì sao trên nền trời và mảnh trăng lưỡi liềm như một con thuyền trôi trong màu xanh thẳm. Chàng thấy cây cối, trăng sao, loài vật, mây, ráng trời, hang đá, cỏ hoa, suối và dòng sông, sương lấp lánh trên bụi bờ buổi sớm, những dãy núi xa cao và xanh nhạt, chim hót, ong bay vù vù, gió thổi nhẹ qua đồng lúa. Tất cả thứ đó muôn màu sắc, muôn dáng hình vẫn luôn luôn tồn tại ở đây. Mặt trời và mặt trăng vẫn luôn luôn chiếu sáng, dòng sông luôn chảy và những con ong bay vù vù, nhưng ngày xưa đối với chàng, chúng không là gì cả ngoài ra một trò huyễn hoá trước mắt chàng, bị nhìn một cách hoài nghi, bị khinh thường và gạt ra khỏi tư tưởng vì chúng không phải là thực tại, vì thực tại nằm bên kia nhãn…
… giới. Bây giờ chàng nhìn chúng, chàng thấy và nhận ra nhãn giới, chàng tìm thấy vị trí của chàng trong vũ trụ này. Chàng không kiếm tìm thực tại; mục đích của chàng không ở một phía nào khác nữa. Vũ trụ tươi đẹp khi ta nhìn nó bằng cái nhìn này, không tìm kiếm, một cái nhìn đơn giản, cái nhìn của trẻ thơ. Trăng sao đẹp, bờ suối, bờ bể, rừng và hang đá, con dê và con nai vàng, hoa và bướm đều đẹp. Vũ trụ sẽ đẹp nếu ta nhìn thấy nó như vậy, hồn nhiên, tỉnh thức, chỉ quan tâm đến hiện tại mà không một thoáng nghi ngờ. Nơi kia mặt trời nắng gắt, nơi kia có bóng rừng im mát, nơi kia có chuối và bí ngô. Ngày và đêm đều ngắn, mỗi giờ qua nhanh như một chiếc buồm của con tàu chở đầy kho báu, chở đầy niềm vui. Tất Đạt trông thấy một đàn khỉ trong rừng sâu, chuyền qua những cành cao, và chàng nghe tiếng kêu man rợ của chúng. Tất Đạt trông thấy một anh cừu đực đi theo ái ân với một chị cừu cái. Trong một chiếc hồ, một con cá lớn đói đang đi săn mồi ăn chiều. Từng đàn cá nhỏ đang bơi lượn sáng loáng, lo lắng tránh xa cá lớn đang tìm ăn chúng. Sức mạnh và dục vọng phản chiếu trên những con sóng xao động vì cuộc đuổi bắt hăng say. Tất cả những điều ấy đã có từ bao giờ nhưng chàng không hề thấy, chàng chưa bao giờ hiện diện. Bây giờ chàng hiện diện và thuộc vào thế giới ấy. Bằng con mắt, chàng thấy ánh sáng và bóng tối, bằng trí óc, chàng trực nhận có trăng sao.
Trên đường đi, Tất Đạt nhớ lại tất cả những gì chàng đã thực nghiệm trong vườn Lộc Uyển, những giáo lý mà chàng đã nghe từ đức Phật, cuộc đối thoại với bậc Toàn Giác. Chàng hồi tưởng mỗi chữ chàng đã nói với đấng Giác Ngộ, và chàng ngạc nhiên rằng mình đã nói những điều mà chính mình chưa thật biết. Điều chàng nói với đức Phật — rằng sự giác ngộ của Phật là điều huyền bí không thể giảng dạy được, không thể diễn tả và thông cảm được – mà chàng đã một lần chứng nghiệm trong một giờ sáng suốt, chính là điều mà bây giờ chàng bắt đầu thực nghiệm. Chàng cần phải có kinh nghiệm bản thân. Chàng đã biết từ lâu rằng bản thân chàng là Tiểu ngã, cùng nguồn gốc với Đại ngã, nhưng chàng chưa bao giờ thật tìm thấy Tự ngã, vì chàng đã tóm nó vào cái lưới tư duy. Thân thể dĩ nhiên không là Tự ngã, cảm giác, tư tưởng, sự hiểu biết, sự tinh khôn để rút kết luận và dệt những tư tưởng mới từ những ý đã có sẵn, cũng không phải là Tự ngã. Không, thế giới tư duy cũng vẫn còn ở bên này bờ và nó không đưa đến mục đích nào khi con người phá huỷ giác quan để chỉ nuôi Tự ngã bằng tư duy và kiến thức. Tư tưởng và giác quan đều quý báu, sau chúng là ý nghĩa cuối cùng ẩn nấp. Thật đáng nên lắng nghe cả hai, không khinh thường cũng không xem trọng cái nào hơn, mà phải chú tâm lắng nghe cả hai một cách cẩn thận. Chàng sẽ chỉ lắng nghe lời chỉ bảo của tiếng nói nội tâm, không dừng lại bất cứ chỗ nào, ngoài chỗ mà tiếng nói ấy chỉ định. Tại sao đức Cồ Đàm đã ngồi dưới gốc cây khi Ngài đạt được toàn trí? Ngài đã nghe một tiếng nói, một tiếng nói trong thâm tâm đã ra lệnh cho Ngài yên toạ dưới gốc cây đó, và Ngài đã không hành hạ thể xác, không tế thần linh, tắm nước thiêng hay cầu nguyện, uống hay ăn, ngủ hay mơ; Ngài đã nghe theo tiếng nói, không tuân theo mệnh lệnh nào khác ở ngoài, chỉ theo tiếng nói ấy – đó là điều hay và cần thiết – ngoài ra không có gì cần nữa.
Suốt đêm, khi ngủ trong một căn lều tranh dành cho người bộ hành, chàng đã mơ một giấc mơ. Chàng mơ thấy Thiện Hữu đứng trước mặt, trong chiếc áo vàng của nhà tu khổ hạnh. Thiện Hữu trông buồn bã và hỏi chàng:
– Tại sao anh bỏ tôi?
Chàng liền ôm lấy bạn và khi kéo bạn sát lòng mình và hôn, thì bạn không còn là Thiện Hữu nữa, mà là một người đàn bà và ngoài cái áo của nàng là một bộ ngực đầy, và chàng nằm xuống uống những dòng sữa vị ngọt và nồng nàn. Có vị của đàn ông và đàn bà, của mặt trời và núi rừng, của loài vật và hoa lá, của mọi thứ quả, của mọi khoái lạc. Thứ sữa ấy làm mê man. Khi Tất Đạt thức dậy, con sông mờ nhạt loang loáng ánh qua liếp cửa của chòi tranh, và trong rừng một tiếng cú kêu vang lên sâu thẳm và trong vắt.
Khi ngày bắt đầu lên, Tất Đạt nhờ người chủ nhà của chàng, một người lái đò, đưa chàng qua sông. Người lái đò đưa chàng trên con thuyền tre. Mặt nước rộng và phẳng lì loang loáng hồng trong ánh nắng ban mai.
– Con sông thật đẹp – chàng nói với người đồng hành.
– Vâng, người chèo đò đáp. Con sông rất đẹp, tôi yêu thích nó hơn tất cả mọi sự. Tôi đã thường lắng nghe nó, nhìn ngắm nó, và luôn học được ở nó một điều gì. Người ta có thể học được rất nhiều từ một dòng sông.
– Cám ơn ông lái đò, Sa Môn bảo khi chàng lên bờ. Tôi sợ e rằng tôi không có gì để tặng ông, cũng không có tiền trả. Tôi không nhà cửa, tôi là con của một người Bà La Môn và là một vị Sa Môn.
– Điều đó tôi cũng thấy rõ, người chèo đò nói – và tôi không chờ đợi ngài trả công hay cho chác gì tôi. Ngài sẽ cho tôi một lần khác.
– Ông nghĩ vậy sao? Tất Đạt vui mừng hỏi.
– Hẳn là thế. Tôi đã học điều này cũng từ con sông nữa. Mọi sự đều trở về. Ngài nữa, vị Sa Môn ơi, ngài cũng sẽ trở lại. Nào, chúng ta từ biệt! Mong ngài nghĩ đến tôi khi ngài tế lễ các vị thần.
Họ mỉm cười chia tay. Tất Đạt sung sướng trước sự thân mật của người chèo đò. Anh ta thật giống Thiện Hữu. Chàng nghĩ, vừa mỉm cười. Mọi người ta gặp đều giống Thiện Hữu. Mọi người đều biết ơn, dù chính họ xứng đáng được tạ ơn. Mọi người đều ưa phục tòng, mọi người đều ước mong là bạn của ta, vâng lời và ít suy nghĩ. Người ta đều là trẻ con cả.
Ban trưa, chàng đi qua một làng mạc. Trẻ con nhảy múa tung tăng trên con đường nhỏ trước mặt những chòi bằng đất sét. Chúng chơi đùa la hét và vật lộn nhau, nhưng bỏ chạy rụt rè khi người Sa Môn lạ lùng xuất hiện. Ở cuối làng, con đường chạy dài theo một dòng suối, và bên bờ suối, một người đàn bà đang quỳ gối giặt giũ. Khi Tất Đạt chào, nàng ngẩng đầu lên nhìn chàng với nụ cười và chàng thấy rõ tròng trắng của mắt nàng chiếu long lanh. Chàng nói lên một lời chúc tụng theo tục lệ những du khách, và hỏi đường còn bao xa nữa là đến thành phố. Khi ấy nàng đứng lên, tiến đến chàng, đôi mắt ướt sáng lên một cách quyến rũ trên gương mặt trẻ của nàng. Nàng trao đổi vài nhận xét với Tất Đạt, hỏi chàng ăn cơm chưa và có phải rằng những Sa Môn ngủ một mình trong rừng ban đêm không được theo người đàn bà nào cả hay không. Đoạn nàng đặt bàn chân trái lên trên chân phải của Tất Đạt và phác một cử chỉ thường làm khi một người đàn bà mời một người đàn ông hưởng thú khoái lạc ái tình mà thánh kinh gọi là “leo xuống cây”. Tất Đạt cảm thấy máu chàng nóng lên và khi chàng nhận ra hình ảnh giấc chiêm bao của chàng vừa qua, chàng hơi cúi mình về phía người đàn bà và hôn lên đầu chóp nâu của ngực nàng. Nhìn lên, chàng thấy mặt nàng tươi cười, đầy dục vọng, với đôi mắt hơi nhắm của nàng khẩn cầu khao khát.
Tất Đạt cũng cảm thấy khát khao và lòng rung động vì dục vọng, nhưng vì chàng chưa hề động đến một người đàn bà, chàng hơi do dự một lúc, mặc dù tay chàng sẵn sàng để ôm lấy nàng. Lúc ấy chàng bỗng nghe tiếng nội tâm của chàng, và tiếng ấy nói “Đừng!”. Rồi tất cả ma lực đều biến đi khỏi khuôn mặt tươi cười của người đàn bà, chàng chỉ thấy cái nhìn nồng nàn của một người đàn bà trẻ say đắm. Chàng vỗ nhẹ má nàng, và nhanh chân đi khỏi người đàn bà đang tiu nghỉu và khuất bóng trong rừng tre.
Trước khi chiều xuống, chàng đến một thành phố lớn, và chàng sung sướng, vì chàng khao khát gặp người ta. Chàng đã sống trong rừng núi khá lâu và chòi canh của người chèo đò trong đó chàng ngủ đêm trước, là mái nhà đầu tiên trên đầu chàng sau một thời gian dài.
Ngoài phố thị, cạnh một khu rừng đẹp, người lữ hành lang thang gặp một đoàn gia nhân mang đầy những giỏ. Ở giữa, trong một chiếc kiệu trang hoàng có bốn người gánh, một người đàn bà, bà chủ, ngồi trên chiếc ghế dựa đỏ, dưới chiếc tàn lọng sặc sỡ màu. Tất Đạt đứng lặng ở cửa vào khu rừng nhỏ và ngắm đoàn rước, những người tớ trai tớ gái và giỏ. Chàng nhìn chiếc kiệu và người đàn bà ngồi trong. Dưới mớ tóc đen bới cao, chàng thấy một gương mặt rất sáng, dịu hiền và thông minh, một cái miệng đỏ chót như một trái anh đào mới cắt, đôi mày tuyệt xảo và một vòng cung cao, đôi mắt đen láy tinh khôn và ưa quan sát, chiếc cổ thon trắng muốt nổi trên chiếc áo choàng vàng lục của nàng. Đôi bàn tay mịn màng dẻo dai dài và thon, nơi cườm tay đeo những chiếc vòng vàng chói.
Tất Đạt thấy nàng tuyệt đẹp và lòng chàng vui rộn lên. Chàng cúi thấp khi chiếc kiệu đi qua gần chàng, và lại ngẩng đầu lên ngắm gương mặt xinh đẹp trong sáng, nhìn vào đôi mắt bồ câu một lúc và thở hít vào mùi hương mà chàng không nhận ra mùi gì. Người đàn bà đẹp gật đầu mỉm cười một lát, rồi biến khuất trong cụm rừng, theo sau là đàn tôi tớ.
Tất Đạt nghĩ: ta đã vào thành phố này dưới một ngôi sao may mắn. Chàng cảm thấy hăm hở muốn đi vào cụm rừng ngay, nhưng chàng nghĩ lại, vì chàng sực nhớ đến cái nhìn của bọn tôi tớ trai và gái nhìn chàng trước cửa đi vào, một tia nhìn khinh mạn và nghi ngờ, một tia nhìn như muốn xua đuổi.
Ta vẫn còn là một Sa Môn, chàng nghĩ, vẫn còn là một nhà khổ hạnh, ăn xin. Ta không thể vẫn là một người như thế. Ta không thể đi vào cụm rừng ấy trong hình thức này. Và chàng cười lớn.
Chàng dò hỏi những người chàng gặp đầu tiên về khu rừng, và về người thiếu phụ; và được biết đó là khu rừng của Kiều Lan, một kỹ nữ danh tiếng, và ngoài khu rừng ra, nàng còn làm chủ một biệt thự trong thành phố. Chàng đi vào thành. Chàng chỉ có một mục đích. Theo đuổi đích ấy, chàng rảo bước qua thành phố, đi lang thang trong những đường hẻm, đứng lặng ở vài chỗ, và đứng nghỉ trên bực đá đưa xuống sông. Về chiều, chàng làm quen với một người thợ phụ hớt tóc, người chàng thấy đang làm việc dưới bóng một vòm cây. Chàng lại gặp ông ta đang cầu nguyện trong một ngôi đền, ở đấy ông ta kể lại cho chàng nghe những câu chuyện về thần Tình ái. Ban đêm chàng ngủ giữa những chiếc thuyền trên sông, và sáng sớm, trước khi những khách hàng đầu tiên đến tiệm, chàng đã nhờ người thợ phụ cạo hết râu cho mình. Chàng cũng bảo chải tóc và xức dầu láng. Rồi Tất Đạt đi tắm trên dòng sông.
Khi về chiều, nàng Kiều Lan xinh đẹp tiến đến khu rừng của nàng trong chiếc kiệu, Tất Đạt đang đứng ở cổng vào. Chàng cúi chào và đón nhận lời chào của nàng. Chàng ra hiệu cho người tôi tớ đi sau cùng, và nhờ anh ta báo tin cho chủ biết có một người Bà La Môn trẻ muốn nói chuyện với nàng. Sau một lúc, người gia nhân trở lại, bảo Tất Đạt theo mình, lặng lẽ dẫn Tất Đạt đi vào trong một gian trại ở đó Kiều Lan đang nằm trên một chiếc thảm, và để chàng lại đấy.
– Có phải anh đứng ngoài cổng hôm qua và chào ta không? Kiều Lan hỏi.
– Vâng, chính thế. Hôm qua tôi thấy nàng và chào nàng.
– Nhưng hôm qua hình như anh có bộ râu và tóc dài đầy bụi, phải không?
– Nàng đã quan sát rất giỏi, đã thấy mọi sự. Nàng đã thấy Tất Đạt, con một vị Bà La Môn, người đã từ bỏ gia đình để trở thành một thầy Sa Môn, và đã tu trong ba năm. Nhưng giờ đây tôi đã từ bỏ con đường ấy và đến thành phố này, và người đầu tiên tôi gặp chính là nàng. Tôi đến đây để nói với nàng, hỡi nàng Kiều Lan, rằng nàng là người đàn bà đầu tiên mà Tất Đạt muốn nói chuyện cùng mà không hạ đôi mắt. Tôi sẽ không bao giờ hạ đôi mắt khi gặp một người đàn bà đẹp nữa.
Kiều Lan mỉm cười và mân mê chiếc quạt lông công, đoạn hỏi:
– Tất Đạt đến để nói với ta có chừng ấy sao?
– Tôi đến để nói cùng nàng điều đó, và để cám ơn nàng vì nàng quá xinh đẹp. Và nếu nàng không phật ý, hỡi nàng Kiều Lan, tôi xin yêu cầu nàng hãy là bạn và thầy của tôi, vì tôi không biết tí gì về nghệ thuật mà nàng đang nắm vững.
Lúc ấy Kiều Lan bật cười:
– Tôi chưa bao giờ nghe chuyện một người Sa Môn trên núi xuống muốn gặp tôi và học với tôi. Chưa bao giờ một người Sa Môn tóc dài, áo quần rách rưới đến với tôi. Nhiều thanh niên đến gặp tôi, kể cả con trai những người Bà La Môn, nhưng họ đều ăn mặc đẹp đẽ, giày bóng, đầu họ thơm tho và túi đầy tiền. Đấy những thanh niên đến với tôi như thế đấy, hỡi thầy Sa Môn.
Tất Đạt bảo:
– Tôi bắt đầu học được ở nàng hôm nay. Hôm qua tôi cũng đã học được một điều. Tôi đã cạo râu, chải đầu và bôi dầu láng. Hỡi người diễm tuyệt, tôi không còn thiếu bao nhiêu nữa: áo quần đẹp, giày đẹp và tiền trong túi. Tất Đạt đã làm những việc khó khăn hơn những chuyện tầm thường ấy, và đã thành công. Tại sao tôi lại không đạt được điều mà hôm qua tôi quyết định khởi sự – làm bạn với nàng và học nơi nàng những lạc thú của ái tình? Nàng sẽ thấy tôi là một người học trò có khả năng. Hỡi Kiều Lan, tôi đã học nhiều điều khó khăn hơn những gì nàng phải dạy tôi. Thế ra Tất Đạt không tươm tất vừa ý nàng, với đầu tóc láng bóng, nhưng không có quần áo tốt, giày và tiền?
Kiều Lan cười lớn, đáp:
– Không, Tất Đạt không đủ tươm tất. Anh phải có quần áo thật đẹp và giày thật tốt, và tiền đầy túi, và tặng phẩm cho Kiều Lan. Anh đã biết chưa, hỡi thầy Sa Môn từ rừng núi xuống? Anh hiểu không?
– Tôi hiểu lắm. Tất Đạt kêu lên. Làm sao tôi không hiểu được, khi những lời ấy thốt ra từ một chiếc mồm xinh đẹp thế kia? Môi nàng giống như một trái anh đào mới cắt, hỡi Kiều Lan. Môi tôi cũng đỏ thắm và tươi mát, và sẽ hợp với môi nàng lắm, để nàng xem. Nhưng này, hỡi nàng Kiều Lan xinh đẹp, nàng không sợ hay sao, sợ vị Sa Môn từ rừng núi xuống để học về yêu đương?
– Tại sao tôi phải sợ một vị Sa Môn, một thầy Sa Môn ngốc nghếch từ rừng núi xuống, và không biết gì về đàn bà?
– Ồ, người Sa Môn rất hùng mạnh và không sợ gì cả. Người có thể cưỡng bức nàng, hỡi cô gái đẹp, người có thể cướp của nàng và làm nàng đau đớn.
– Không, hỡi Sa Môn. Tôi không sợ. Có bao giờ một thầy Sa Môn hay một Bà La Môn sợ rằng có kẻ sẽ đến đánh người ấy và cướp của người ấy kiến thức, lòng sùng bái, năng lực suy tư? Không, bởi vì những cái ấy thuộc về của chính ông ta, và ông ta chỉ có thể cho những gì ông ta muốn, và nếu ông ta muốn. Cũng hệt như thế với Kiều Lan và những lạc thú của tình yêu. Đôi môi của Kiều Lan đẹp lắm, nhưng ai muốn cưỡng bức Kiều Lan để hôn chúng, người ấy sẽ không hưởng một chút gì ngọt ngào từ nơi môi ấy, mặc dù chúng biết rõ làm sao để ban bố sự ngọt ngào. Anh là một người học trò giỏi, hỡi Tất Đạt, bởi thế anh nên học thêm điều này: người ta có thể cầu xin, mua, được tặng hay gặp tình yêu trên các nẻo đường, nhưng tình yêu không bao giờ trộm cướp được. Anh đã hiểu lầm. Vâng, thật đáng tiếc, nếu một người thanh niên đẹp đẽ như anh mà hiểu lầm điều đó.
Tất Đạt cúi đầu mỉm cười:
– Nàng nói phải, Kiều Lan, thật đáng tiếc. Thật sẽ vô cùng đáng tiếc. Không, không một giọt ngọt ngào nào sẽ bị rơi mất từ môi nàng hay môi tôi. Vậy Tất Đạt sẽ trở lại khi có đầy đủ những gì đang thiếu – áo quần, giầy, tiền bạc. Nhưng hỡi nàng Kiều Lan xinh đẹp, nàng không thể cho tôi vài lời khuyên nhủ sao?
– Lời khuyên? Sao lại không? Ai mà lại không sẵn sàng chỉ cho một thầy Sa Môn, nghèo khó ngu ngốc từ núi xuống, sống giữa những con lừa?
– Hỡi nàng Kiều Lan, tôi có thể đi đâu để kiếm được nhanh chóng ba thứ trên?
– Ông bạn ơi, nhiều người muốn biết điều đó lắm. Ông phải làm những gì ông đã học để kiếm tiền, quần áo và giày. Một người nghèo khó không thể kiếm tiền bằng cách nào khác hơn?
– Tôi biết suy tư, tôi biết chờ đợi, tôi biết nhịn đói.
– Không biết gì khác sao?
– Không. Ồ có, tôi biết làm thơ. Nàng có thể cho tôi một cái hôn để đổi lấy một bài thơ không?
– Tôi sẽ đổi nếu bài thơ của anh vừa ý. Bài thơ ấy gọi là gì?
Suy nghĩ một lúc, Tất Đạt đọc lên những vần thơ:
Nhác trông người kiều nữ
Dạo gót sen về rừng
Ngõ vào, Sa Môn đứng
Nghiêng mình trước bông hoa
Nàng mỉm cười diễm lệ
Chàng Sa Môn thầm nghĩ:
“Nên dâng nàng lễ vật
Hơn cúng tế thần linh”
Kiều Lan vỗ tay thật lớn, đến nỗi những đôi vòng vàng của nàng kêu reng rẻng.
– Bài thơ của anh rất hay, hỡi thầy Sa Môn áo nâu. Và thật cũng không mất gì nếu tôi cho anh một chiếc hôn vì nó.
Nàng đảo mắt ra hiệu cho chàng lại gần. Chàng để mặt sát mặt nàng, kề môi sát môi nàng, đôi môi tựa trái anh đào mới cắt. Kiều Lan hôn chàng đắm đuối, và người Sa Môn ngạc nhiên vô cùng thấy nàng đã dạy chàng nhiều quá, nàng khôn khéo quá, cách nàng chế ngự chàng, xua đuổi chàng, và sau chiếc hôn dài đầu tiên, bao nhiêu cái hôn khác chờ đợi chàng, chàng đứng yên, thở rất dài. Lúc ấy chàng giống hệt một trẻ nhỏ ngạc nhiên trước sự hiểu biết và kiến thức tràn đầy trải qua trước mắt.
– Bài thơ của anh rất hay, Kiều Lan bảo, nếu tôi giàu có, tôi sẽ trả tiền cho anh về bài thơ ấy. Nhưng sẽ rất khó khăn cho anh nếu anh muốn kiếm được nhiều tiền như anh muốn với thi ca. Vì anh sẽ cần rất nhiều tiền, nếu anh muốn là bạn của Kiều Lan.
– Nàng biết hôn thật tuyệt – Tất Đạt ấp úng.
– Quả thế, chính vì vậy mà tôi không thiếu áo quần, giày và mọi thứ xinh đẹp. Nhưng anh sẽ làm gì, anh không biết gì khác ngoài suy nghĩ, nhịn đói và làm thơ sao?
– Tôi còn biết hát những bài tế thần – Tất Đạt nói. Nhưng tôi sẽ không hát nữa. Tôi cũng biết những bài phù chú, nhưng tôi sẽ không đọc nữa. Tôi đã đọc những thánh kinh.
– Xem! Kiều Lan ngắt lời, – anh không biết viết và đọc sao?
– Dĩ nhiên là biết. Nhiều người có thể làm được việc ấy.
– Không có nhiều. Chẳng hạn như tôi, tôi không biết. Thật tốt, thật rất tốt, nếu anh biết đọc, biết viết. Có thể anh cần đến cả những bài phù chú.
Lúc ấy một người tớ bước vào thì thầm bên tai bà chủ. Kiều Lan vội bảo Tất Đạt:
– Tôi có một người khách. Nhanh lên, cút đi, Tất Đạt. Không ai được thấy anh ở đây. Chúng ta sẽ gặp nhau lại ngày mai.
Tuy nhiên, nàng sai gia nhân đem tặng thầy Sa Môn thánh thiện một chiếc áo choàng trắng. Không biết rõ những gì đang xảy ra, Tất Đạt được gia nhân nàng dẫn đi ra, qua một con đường ngoằn ngoèo, đến một ngôi nhà có vườn. Chàng được tặng một chiếc áo, dẫn vào bụi rậm và người ta bảo chàng lập tức rời khỏi cụm rừng chớ để cho ai thấy chàng.
Vui mừng, chàng làm những gì người ta bảo. Đã quen với rừng núi, chàng lặng lẽ tiến ra khỏi khu rừng nhỏ và qua bên kia bờ rào. Vui mừng, chàng trở lại thành phố, mang theo chiếc áo cuộn tròn dưới cánh tay. Chàng đứng trước cửa một tửu quán ở đấy du khách tụ tập, lặng lẽ xin ăn và lặng lẽ nhận một mảnh bánh cốm. Có lẽ ngày mai, chàng nghĩ, ta sẽ không cần ăn xin nữa.
Bỗng chốc chàng cảm thấy tràn ngập một niềm kiêu hãnh. Chàng không còn là một Sa Môn: thật cũng không nên ăn xin nữa. Chàng quăng cho chó mảnh bánh cốm và nhịn ăn.
Đời sống ở đây thật là đơn giản, Tất Đạt nghĩ. Không có gì là khó khăn cả. Mọi sự đều là khó khăn, vô vọng khi ta là một Sa Môn. Bây giờ thì tất cả đều dễ dàng, đễ dàng như cái hôn mà Kiều Lan dạy. Ta chỉ còn cần quần áo và tiền bạc. Đó là những mục đích dễ dàng không làm ai mất ngủ.
Hôm sau chàng trở lại nơi Kiều Lan ở để thăm nàng. Nàng bảo:
– Mọi sự đều tốt đẹp. Vạn Mỹ mời anh đến thăm ông ta. Ông ta là thương gia giàu có nhất trong thành phố. Nếu anh vừa ý ông ấy, ổng sẽ nhận anh giúp việc. Hãy khôn ngoan lên, vị Sa Môn áo nâu ơi! Và hãy thân mật với ông ấy: ông ta rất quyền thế, nhưng anh đừng nên quá nhún mình. Tôi không muốn anh là người tôi tớ của hắn ta, mà là người ngang hàng, nếu trái lại tôi sẽ bất bình về anh. Vạn Mỹ bắt đầu già và lười biếng. Nếu anh làm cho ổng vừa lòng, ổng sẽ rất tin cậy anh.
Tất Đạt cám ơn nàng và cười, và khi biết chàng đã đói từ hai hôm nay, nàng ra lệnh lấy bánh và trái cây cho chàng. Nàng bảo chàng khi sắp từ giã:
– Anh may mắn đó. Hết cánh cửa này lại đến cánh cửa khác mở ra cho anh. Sao mà may mắn thế! Anh có bùa chú gì chăng?
Tất Đạt trả lời:
– Hôm qua tôi đã nói với nàng rằng tôi biết suy tư, chờ đợi và nhịn đói, nhưng nàng không cho đó là hữu ích. Rồi nàng sẽ thấy chúng rất hữu ích, Kiều Lan ạ. Nàng sẽ thấy những Sa Môn khờ dại ở trong rừng biết được rất nhiều điều hữu ích. Hôm kia tôi hãy còn là một khất sĩ lôi thôi, hôm qua tôi đã được hôn nàng, và bây giờ tôi sắp sửa là một thương gia có tiền, có tất cả những gì mà nàng yêu chuộng.
– Phải đó, — nàng biểu đồng tình, — nhưng anh sẽ làm gì nếu không có tôi? Anh sẽ ra sao nếu Kiều Lan không giúp anh?
– Kiều Lan thân mến ơi, khi tôi đến khu rừng của nàng, tôi đã đi bước đầu. Ý hướng của tôi là học về tình yêu từ nơi người đàn bà đẹp nhất. Ngay khi tôi đưa ra quyết định ấy, tôi biết chắc tôi sẽ thực hiện nó. Tôi biết nàng sẽ giúp tôi, biết từ cái nhìn đầu tiên của nàng khi tôi mới đến.
– Và nếu tôi không muốn?
– Nhưng nàng đã muốn, Kiều Lan hãy nghe này, khi nàng ném một viên đá trong nước, nó tìm con đường nhanh nhất để rơi xuống đáy. Cũng thế, khi Tất Đạt có một mục đích. Nó không làm gì cả: nó chờ đợi, suy tư và nhịn đói; và khi làm những công việc thế tục nó cũng giống như hòn đá rơi trong nước, nó không làm gì, không khuấy động gì, mà tự để mình rơi. Tất Đạt bị lôi cuốn bởi mục đích của chính mình, vì nó không cho phép một điều gì chống lại mục đích đó len vào trong trí óc. Đó là điều mà Tất Đạt đã học từ các vị Sa Môn. Đó là điều mà những kẻ phàm phu cho là phép lạ và do quỉ thần sai khiến. Không có gì do quỉ thần cả, và cũng không có quỉ thần. Mọi người đều có thể thực hiện phép màu, mọi người đều có thể đạt đến mục đích nếu họ biết suy tư, chờ đợi và nhịn đói.
Kiều Lan lắng nghe chàng nói. Nàng yêu giọng nói ấy, yêu cái nhìn ấy. Nàng dịu dàng bảo:
– Có lẽ như anh nói, nhưng cũng có lẽ chính vì Tất Đạt là một chàng trai khôi ngô, vì cái nhìn của chàng thu phục được đàn bà, nên chàng mới may mắn như thế.
Tất Đạt hôn nàng từ giã.
– Tôi cầu mong được như vậy, hỡi người đã dạy cho tôi. Cầu mong cái nhìn của tôi mãi mãi làm đẹp lòng nàng, cầu mong sự may mắn sẽ mãi mãi đến với tôi từ nơi nàng!
(Nguồn : Thư viện Hoa Sen – Hinh: NN sưu tầm)
Paid Links