1.Đi chơi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (TN)-2.Tôi và Sài Gòn(Đỗ Duy Ngọc)

Đi chơi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long

Băng Tâm thân mến,

 

 

Với trời và mây và gió , biển mênh mông .

Như đã báo cho bồ biết trong một thư trước , sáng ngày 28/04 /2018 , mình đã cùng với gia đình con trai Út lên đường đi về miền Tây , thăm các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long , nhân các cháu có kỳ nghỉ sau kỳ thi cuối cấp.
Đầu tiên là đến Mỹ Tho sau khi đi trên đường cao tốc khá tốt , qua cầu Mỹ thuận , cây cầu dài do chuyên viên Úc xây , thay thế cho những chuyến phà từ bao nhiêu năm qua, nghỉ ăn sáng với hủ tíu Mỹ tho nổi tiếng . Nơi đây có cù lao Thới sơn với 4 cồn nổi do phù sa sông Cửu long bồi đắp bao năm qua mà thành , 4 cồn là cồn Long , cồn Ly , cồn Quy và cồn Phụng. Tụi mình chọn đi cồn Phụng , nơi ông đạo Dừa nổi tiếng làm chủ từ những năm đầu thế kỷ trước . Đi ca nô từ bến tàu suốt theo dòng sông , tới bến phụ lại sang đi xuồng ba lá , sau đó mới lên bờ đi xe ngựa tới đền thờ ông đạo Dừa.

 

 

 

Thăm đền thờ ông đạo Dừa ở Cồn Phụng – Mỹ Tho

 

 

Trên đường ra cồn Phụng : đi xuồng ba lá

 

 

đi xe ngựa ra cồn Phụng

 

Vì là đất phù sa nên cây cối mọc lên xanh tốt, cây trái sum xuê, đặc biệt là đường nhựa sạch sẽ, con ngựa phải có túi đằng sau đựng chất thải ,đường xá không có rác . Theo anh thuyết trình viên thì Ông đạo chính ra phải gọi là ông đạo Vừa, ổng là con điền chủ nên du học ở Pháp về, lý thuyết về đạo của ông là vừa tin những tín điều của Phật giáo, vừa tin những tín điều của Công giáo, và vừa của đạo Cao đài . Chữ “Vừa” đó người miền Nam phát âm là “Dừa”, vì thế ổng mang chết tên là ông Đạo Dừa. Câu niệm hàng ngày của ổng là : Nam mô A di Đà Phật – Nam mô A di Đà Phật – Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật cứu khổ cứu nạn – AMEN. Tụi mình ngồi nghe phải mím chặt môi lại để đừng phá ra cười ! Tuy vậy ổng vẫn được dân địa phương tôn kính lắm. Ổng có tới 3 bà vợ nhưng chỉ có 1 cô con gái, nghe nói đã đi ra sống ở ngoại quốc và giờ không biết tin tức gì . Thăm xong cồn Phụng thì đã gần hết ngày, lại nghỉ ăn trưa và đi tiếp đến Cần Thơ, qua cầu Cần thơ do chuyên viên Nhật xây từ năm 2007 . Cần thơ là thủ phủ của miền Tây, tỉnh lớn lắm, không khác mấy với Saigon. Buổi tối đi chơi phố đi bộ bến Ninh Kiều, ngủ đêm tại khách sạn Cần thơ.
Sáng hôm sau tính đi chợ nổi Cần thơ, nhưng đến bến tàu quá đông , không thể chờ mua được vé, nên phải bỏ, rất tiếc không đi được chợ nổi Cần thơ. Sau đó đi tiếp đến Sóc Trăng, ghé nhà thờ Tắc Sậy viếng mộ cha Phanxico Bửu Diệp, cầu xin cho được mọi sự bình an, đi đến nơi, về đến chốn. Sau đó đến Bạc Liêu, ghé thăm nhà Công Tử Bạc Liêu, đại gia giầu có nổi tiếng miên Tây, căn nhà lầu 3 mặt tiền của công tử với đồ đạc bàn ghế, giường , tủ , toàn làm bằng gỗ quý, cẩn xà cừ , bây giờ do người con trai của ông thừa hưởng, bán vé làm nơi du lịch. Ăn trưa rồi trực chỉ đi đến Đất mũi Cà Mau.

 

 

Đến Mũi Cà Mau
Muốn giang tay ôm cả trời và đất quê hương

 

Từ đầu tỉnh đến đất mũi, con đường dài 105 km, đường xẻ băng qua rừng đước, rừng mênh mông là rừng, tuy là đã trải nhựa, nhưng vì là đất phù sa bồi và đi qua mấy chục cây cầu, đường gồ ghề, rất khó đi. Đến đất mũi, trèo lên điểm chốt, chụp ảnh , nhìn ra biển mênh mông, gió mát rượi, thấy quê hương mình đẹp quá, ước gì dân mình cứ mãi được làm chủ đất nước mình ! Trở về tới trung tâm thành phố Cà Mau , trời đã tối mịt !
Sáng hôm sau , đi thăm thành phố Cà Mau, trung tâm thành phố sạch sẽ , đẹp đẽ và êm đềm. Có điều lạ là thấy nhiều người chít khăn tang trắng, tay cầm bó hoa như đi viếng mộ người thân , nét mặt đăm chiêu. À, hôm nay là 30/04 , ngày quốc nạn, ngày chiến thắng của người này lại là ngày tang tóc của người kia ! Và hôm nay, là ngày giỗ , họ đi thăm mộ người thân , chết trong ngày cuối cùng của chiến tranh ! Buổi tối, đi chơi chợ đêm, thăm thành phố ban đêm !

 

 

Đi uống cà phê ở quán Cafe KOI, chơi với cá KOI , một loại cá cảnh nhập từ Nhật, cho cá ăn .

 

Sáng hôm sau, trên đường về, ghé Vĩnh Long, phải qua phà đến Vĩnh Bình, chợt nhớ đến Hồng Hy , những năm trước , hay khoe mỗi năm đến tết, hay về quê chồng ở Vĩnh Bình, phải đi qua mấy con sông, mấy chuyến phà ! Sau đó là đến Bến Tre, quê hương của dừa, rừng dừa mênh mông ! Ghé chợ Bến Tre, mua trái cây , bánh trái về làm quà . Từ đó đi thẳng về Saigon , kết thúc chuyến đi dài dọc đất nước, mệt nhưng vui !
Chuyến đi vui vì khách du lịch đông, chỗ nào cũng nghẹt người, , nhưng phần đông là người miền Nam. Gặp người miền Nam, tính tình phóng khoáng, chân thật, nhưng khôn ngoan và mến khách. Không gặp những người miền ngoài , giọng nói eo éo, và những đám du khách tàu, xì ngà, xì ngộ nghênh ngang ngay trên đất nước mình ! Cầu mong cho tụi nó tha cho, đừng tiến vào đất này !
Mình có nhờ con cháu chụp cho nhiều tấm ảnh, mình sẽ gửi ngay sau đây , bồ đón xem nhé,
Chúc bồ vui nhé, khỏe nữa,
Thân ái,
Tân Nguyên

………………………………………………………………………………………………………………………………………….

Tôi và Sài Gòn
     Đỗ Duy Ngọc

                                                                                       FW from Kim Vu to :

Tôi vốn không phải là dân Sài Gòn. Tôi là thằng con trai miền Trung vô Sài Gòn kiếm cái chữ từ những năm cuối của thập niên sáu mươi, đầu bảy mươi của thế kỷ trước. Là thằng sinh viên nghèo tự lập chẳng ai nuôi nên tôi chỉ quanh quẩn ở những xóm lao động của Sài Gòn hoa lệ thời ấy.

Để tiện việc học hành, và vì lúc đấy cũng chẳng có phương tiện di chuyển, tôi bám trụ khu Trương Minh Giảng suốt quãng đời đi học. Cho đến khi đi làm mua nhà, tôi vẫn quanh quẩn khu vực ấy. Thế nên Sài Gòn trong tôi là những xóm nghèo, Sài Gòn với tôi là những người lao động nghèo, những căn nhà nho nhỏ, lụp xụp bên bờ kinh Nhiêu Lộc mà bây giờ không còn nữa. Ngay đống rác ngay chân cầu Trương Minh Giảng thuở xưa cũng là nơi ghi dấu nhiều ký ức cùa tôi một thời đã đi qua không trở lại.

Lúc mới vào Sài Gòn, tôi mê những hàng cây. Những cây me đường Nguyễn Du với những quán cà phê ven vỉa hè. Tôi và bè bạn rong chơi ở đấy suốt đời sinh viên để ngắm những hàng me, để đón những lá me nhỏ xíu rớt trên vai mình, để nhìn những hạt mưa bay bay trên những vòm lá xanh biếc màu ngọc bích và để yêu một thành phố.

Tôi cũng mê những buổi chiều đi lang thang sau giờ học ở Đại học Văn khoa, đến cuối đường Gia Long, ở gần nhà thương Grall để ngắm hai hàng cây giao nhau và cuối con đường là chủng viện Công giáo với tường màu gạch đỏ. Cảnh đó giống như một tác phẩm nghệ thuật và lúc đó tôi nghĩ đây là con đường đẹp nhất Sài Gòn. Đi thêm một đoạn nữa, ta ngỡ ngàng với hàng cây cổ thụ vươn cao từ khu Ba Son chạy ra Đinh Tiên Hoàng, những hàng cây thẳng tắp luôn khiến con đường nhiều bóng mát điểm những bóng nắng loang lổ như một bức ảnh đẹp được chụp bởi một tay máy nghệ sĩ..

Tôi cũng thích bách bộ lang thang đến đường Đoàn Thị Điểm (bây giờ là Trương Định) để ngắm những ngôi nhà sang trọng nhưng rất thanh lịch thấp thoáng sau hàng rào đầy hoa và con đường nhiều bóng râm. Nhiều lần đi kiếm cơm ăn ké bạn bè ở Đại học xá Minh Mạng, tôi cũng ngắm nhìn những hàng cây cao vút cạnh ngôi nhà thờ màu đỏ như gợi nhớ một bức tranh nào đó đầy màu sắc của hoạ sĩ Đinh Cường.

Có nhiều đêm, đi qua ngôi nhà lớn ở đầu đường Trương Minh Giảng tôi nghe tiếng dế gáy ở bụi cỏ và hương ngọc lan thơm ngát từ ngững cây ngọc lan cổ thụ trong sân toà nhà dưới ánh đèn đường mờ đục. Tiếng dế và hương thơm ngọc lan vẫn năm trong ký ức của tôi đến tận bây giờ bởi con đường đó gắn với tôi biết bao kỷ niệm không thể quên. Kể nhiều vòm cây khóm lá để thấy ấn tượng đầu tiên của một chàng học trò tỉnh lẻ đến Sài Gòn chính là những con đường với những hàng cây rợp bóng.

Đến bây giờ, tôi đã ở Sài Gòn được gần nửa thế kỷ. Chưa bao giờ có ai hỏi tôi là người gốc Sài Gòn hay là dân Sài Gòn xịn, dù đã ở lâu xứ này, tôi vẫn nói giọng Quảng dù đã nhẹ hơn người chánh gồc Quảng. Ở đất này, ai đã đến và sinh sống ở đây đều là người Sài Gòn. Sài Gòn có nhiều người Bắc di cư năm 1954. Sài Gòn cũng có nhiều người miền Trung từ Quảng Nam, Ngãi, Quy nhơn, Bình Định. Sài Gòn còn có rất nhiều người miền Tây lên, từ miền Đông Nam bộ đến. Nhưng dù họ đến từ đâu, họ ở đây đã là dân Sài Gòn, chẳng có ai phân biệt, chẳng có ai thắc mắc. Và đó cũng là đặc điểm đặc biệt của người Sài Gòn khác với Hà Nội.

Đêm đầu tiên khi đặt chân đến Sài Gòn, tôi ngủ trên ghế đá chỗ vườn hoa Tao Đàn. Nửa đêm tôi bị đánh thức bởi hai người cảnh sát. Bởi thời đó thiết quân luật từ nửa đêm, không ai được ra đường. Sau khi đưa giấy tờ và kể lể hoàn cảnh vừa mới từ miền Trung vào đi học, chưa kiếm được người quen. Một anh cảnh sát bảo: Miền Trung à? Ái chà chà, mấy ông sinh viên quê ngoài ấy khoái theo Việt cộng lắm. Tui chẳng biết nói sao đành chịu bị giải về cái bót cảnh sát ở ngay góc chợ Bến Thành. Tui nằm ở đó một đêm, sáng ra có một ông sĩ quan cảnh sát đến, bảo tôi đi học thì gắng mà học hành, đừng nghe lới mấy tay Việt Cộng mà tiêu đời. Ông ta móc bóp, cho tôi tiền ăn sáng và uống cà phê. Đó là cái tình của ngưởi Sài Gòn đầu tiên trong đời tôi và gây cho tôi ấn tượng về con người ở xứ này.

Trong những ngày đói rách, khó khăn của cuộc đời, những người Sài Gòn, những người nghèo Sài Gòn đã bảo bọc, giúp đỡ tôi qua cơn khốn khó. Tôi không quên được cô gái bán cơm ở chợ Trương Minh Giảng. Thuở đó, tôi thất nghiệp, chẳng kiếm ra tiền, chắt bóp, vơ vét túi chỉ đủ gọi dĩa cơm trắng rồi xin miếng xì dầu ăn qua bữa.. Ăn được ba hôm như thế thì cô bán cơm hỏi sao không thấy anh ăn thức ăn, đành nói dối tôi ăn chay.

Cô ấy chỉ cười, không nói. Nhưng mấy hôm sau, dĩa cơm xì đâu của tôi luôn có dưới lớp cơm trắng khi thì miếng đậu hủ, lúc thì miếng thịt hoặc cái hột vịt kho. Được mấy hôm, tôi mắc cỡ, không dám ra ăn nữa. Sau đó lại kiếm được việc bán báo ở tận đường Phạm Ngũ Lão, tôi không ăn cơm ở đó. Thời gian sau tìm lại thì quán đã đổi chủ rồi, tôi chẳng tìm được lại cô gái bán cơm có nụ cười rất tươi và tấm lòng nhân hậu.

Ăn uống thiếu thốn lại tạng người không khoẻ, tôi hay bệnh vặt. Chính những người hàng xóm rất nghèo của tôi đã giúp tôi qua được những cơn bệnh, giúp tôi có chén cháo, viên thuốc. Cái tình đó tôi làm sao quên. Sau này ở lâu, tôi mới hiểu ra đó là bản chất của người Sài Gòn. Là cái tính ưa giúp người hoạn nạn, giúp kẻ sa cơ, tính ưa làm việc thiện của người Sài Gòn.

Mỗi lần đi xa rời Sài Gòn lâu, nhớ về Sài Gòn tôi chỉ nhớ những hàng cây và những người Sài Gòn tôi đã gặp, đã sống chung với họ một quãng đời. Người ta hay khen Sài Gòn với những cao ốc, những dinh thự, những khu ăn chơi bốc trời, những hàng quán xa hoa, những chiếc xe đắt tiền, những thú vui hoan lạc. Riêng tôi, trong tôi, Sài Gòn là vòm cây xanh lá, là những ngôi nhà bên dòng nước đen và ở đó tôi tìm thấy tình người.

Bây giờ, Sài Gòn đã đổi tên. Thế nhưng tôi vẫn gọi là Sài Gòn như một thói quen, cái tên của ký ức không thể nhạt phai. Người ta đang tìm đủ cách để thành phố này không còn ký ức của Sài Gòn. Nhưng với người Sài Gòn, Sài Gòn mãi mãi là Sài Gòn mà không có một cái tên nào khác có thể thay thế được.

15.4.2018
Đỗ Duy

Share

Leave a Reply

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Paid Links