1.Mai Thảo.Mãi mãi ký ức (Du Tử Lê)2.Người thày học cũ(Mai Thảo)3.Nghe Xuân Ca,nhớ NS Phạm Duy(RFA)-

Mai Thảo. Mãi mãi. Ký ức.
Nguồn:dutule.com-01/02/2015

Tác giả : Du Tử Lê

MaiThao-Tranh_DinhCuong-content-content

Lời nói đầu: Nhân dịp kỷ niệm 12 năm, ngày mất (10 tháng 1 năm 1998) của nhà văn Mai Thảo, chúng tôi xin được gửi tới quý bạn đọc và thân hữu, hai bài viết về nhà văn này, của chúng tôi.

Bài thứ nhất, chúng tôi viết một ngày sau khi ông mất. Bài thứ hai, chúng tôi viết 30 ngày sau đó, dứơi bút hiệu Lê Hà Nam, cho tạp chí Hợp Lưu, số “Tưởng Mộ Mai Thảo,” tháng 2 và 3 năm 1998.

Dưới đây là bài “Mai Thảo, thế giới đèn mầu, Saigòn, trước 1975” sau khi được hiệu đính.

Trân trọng,

DTL.

1. Mai Thảo, thế giới đèn mầu, Saigòn, trước 1975.

Nói tới nhà văn Mai Thảo, trong hơn hai mươi năm qua, ở hải ngoại, người ta chỉ có thể hình dung ông trong cung cách lạnh lùng, lừng khừng của một nhà văn lưu vong. Hoặc người ta nhớ tới ông, trong câu chuyện của một ông già, mỗi buổi sáng thường lững thững trên một đoạn đường Bolsa (khúc nối liền giữa khu chợ 99 và Phước Lộc Thọ.)

Cũng chính ở khúc đường này, nhiều lần, cảnh sát đã chặn ông lại, nhét vào túi ông những tấm giấy phạt vì tội… “vi phạm luật đi…bộ!”

Ông bị phạt nhiều tới độ ông trở thành một nhân vật…nổi tiếng của Hội đồng thành phố Westminster.

Tôi nhớ, năm 1996, một nhóm anh em văn nghệ sĩ đứng ra tổ chức “Đêm Mai Thảo,” tại Hý viện Westminster Auditorium, thuộc thành phố Westminster. Nghị viên Lâm Quang, lúc đó còn là quyền Thị Trưởng Thành Phố Westminster, lên sân khấu trao bảng “Ngợi Ca Thành Tích Văn Học” cho Nhà văn Mai Thảo.

Trong phần phát biểu, Nghị viên Lâm Quang chuyển lời xin lỗi của Hội Đồng Thành Phố và, của Cảnh sát trưởng thành phố này, tới tác giả “Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền.”

Họ Lâm nói, dù biết Mai Thảo là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam Việt Nam, nhưng sự việc ông băng qua đường một cách bừa bãi là một điều nguy hiểm cho sinh mạng của ông trước nhất; kế tới, cản trở lưu thông và, sau chót…“vi phạm luật dành cho người đi bộ!”

“Bởi thế, nếu không phạt ông, thì Cảnh sát Westminster chúng tôi cũng sẽ không thể phạt những người…đi bộ khác,” Ông Lâm Quang nói.

“Và trong “Đêm Mai Thảo” này, chúng tôi xin cầu chúc nhà văn Mai Thảo, tương lai sẽ không còn bị phạt vì tội đi…bộ nữa. Được như vậy, cá nhân chúng tôi cũng bớt phần…áy náy.”

Đêm đó, hội trường rung rinh vì những chuỗi cười ngặt nghẽo, ném lên từ khán giả.

Trên sân khấu, người đàn ông vừa bước vào tuổi 70, cũng bật cười. Nụ cười móm mém. Nụ cười hóm hỉnh. Thân ái. Nhẹ nhàng chấp nhận.

Trong số 500 khán giả, những người yêu mến Mai Thảo kia, tôi nghĩ, có dễ ít ai biết, cái ông già hom hem, móm mém đang đứng trước họ đó, hai mươi năm trước, từng là “Ông Hoàng Của Ngàn Lẻ Một Đêm Sài Gòn.”

Tôi nghĩ, trong số 500 khán giả, những người yêu mến Mai Thảo kia, có dễ ít ai biết, cái ông già chỉ còn vài chiếc răng chệu chạo, lung lay, loáng thoáng đâu đó trên gương mặt xanh rớt ấy, hơn hai mươi năm trước, là một tay chơi từng đương đầu với nguyên băng thảo khấu, đàn em của Bảy Viễn: Băng Lai Văn Sang. Giữa thập 1950, một đêm, băng Lai Văn Sang, xuất quân từ sòng bài Đại Thế Giới ở Chợ lớn, đại náo một vũ trường ở đầu đường Trần Hưng Đạo, trong một cuộc biểu dương quyền lực, để tranh dành một vũ nữ hoa khôi, tên C. thời đó…

Tình địch của băng Lai Văn Sang, ngày ấy, không ai khác hơn: Mai Thảo.

Tôi nghĩ, trong số 500 khán giả, những người yêu mến Mai Thảo, yêu mến ông già có nụ cười hóm hỉnh, móm mém, chưa từng lập gia đình kia, có dễ ít ai biết, giữa thập niên 50, từ Saigòn, đã một mình, bay ra cố đô Huế. Ông lừng lững tới tận nhà nữ ca sĩ họ Lục, (sau này trở thành danh ca dưới tên H.Th.) để xin hỏi cưới nàng.Người đàn ông đó, cũng là Mai Thảo.

mai thao 1

Không chỉ đa số khán giả của “Đêm Mai Thảo” kia, không biết mà, ngay song thân của người nữ ca sĩ họ Lục, ngỡ ngàng, kinh ngạc khi nghe Mai Thảo tự giới thiệu… “thân thế” mình:

“Tôi là Mai Thảo. Từ Saigòn ra. Chúng tôi thực sự muốn lấy L.H. làm vợ. Nếu hai cụ đồng ý thì, tôi hứa, trong vòng một tháng, bố mẹ chúng tôi sẽ bay ra đây, nói tiếp phần còn lại…”

Liền sau đó, ông xin phép song thân họ Lục, để được đưa con gái họ… đi chơi!

Cũng liền sau đó, song thân của người con gái họ Lục, cho hay, sẽ khó khăn cho họ biết là chừng nào, nếu có một chàng rể như… Mai Thảo!

Tôi nghĩ, trong số 500 khán giả, những người yêu mến ông già có nụ cười móm mém, hóm hỉnh kia, có dễ ít người biết, giữa thập niên 1950, khi lớp người miền Bắc di cư vào Nam, còn bị người địa phương ngắm nhìn như những người… ngoại quốc … (Những người không phải là người… “Diệc”… Những người ăn… thịt người, chuyên bắt cóc con nít?!) thì, Mai Thảo đã trở thành người em nhỏ trong tình thương, quý của nữ nghệ sĩ Phùng Há, của lão nghệ sĩ Năm Châu… Mai Thảo cũng trở thành người anh đáng tin cậy của Thành Được, Kim Chung, Bích Hợp, Dũng Thanh Lâm…

Nghệ sĩ lừng danh Thành Được, hiện cư ngụ tại miền bắc Cali, thuở xa xưa, mỗi lần gặp nhà văn Mai Thảo, thường dùng hai chữ “Văn nhân” để tỏ lòng quý, trọng ông.

Mai Thảo, với những đêm lăn lóc ở Tổ Đình, chờ tan một xuất diễn, đợi hết một buổi tập tuồng, để được theo chân bà chị Phùng Há, ông anh Năm Châu đi vào thế giới Saigòn ban đêm. Thế giới của những nghệ sĩ cải lương, chèo cổ nổi tiếng đương thời.

Chính Mai Thảo là người đầu tiên, vào từ miền Bắc, mở được cánh cửa tương thông, thân ái giữa những người làm nghệ thuật ở hai đầu “thế giới” lạ lẫm. Không có ông, tôi nghĩ, khó ai biết được tới lúc nào, cánh cửa tương thông, thân ái nọ, mới được mở rộng?!)

Tôi nghĩ, trong số 500 khán giả, những người yêu mến ông già đã tận hiến trọn vẹn cuộc đời của mình cho dòng văn học Việt Nam ở quê hương, cũng như tại quê người, có dễ ít ai biết, hơn 20 năm trước, chính ông già lạnh lùng, lừng khừng, đôi lúc giống như bất thường đó, lại là người phong tặng danh hiệu cho nhiều tiếng hát miền Nam. Những danh hiệu mà, hôm nay, ở hải ngoại, mỗi khi nhắc tới họ, một số người trong chúng ta, chưa quên. Như, Thanh Thúy, “Tiếng hát Liêu Trai.” Thái Thanh, “Tiếng hát vượt thời gian,” Lệ Thu, “Tiếng Hát Mùa Thu Sương Khói”…

Đó là một phần chân dung đời thường của nhà văn Mai Thảo. Người đứng đầu tạp chí Sáng Tạo. Một tạp chí trương cao ngọn cờ cổ súy phong trào “giải phóng” dòng văn học, nghệ thuật miền nam, từ những năm giữa thập niên 1950, khỏi ảnh hưởng của phong trào văn chương tiền chiến.

Đó cũng là một phần nhân-cách-Mai-Thảo. Người đi hết một đời nhà văn của mình mà, không hề lưu lại một dòng, một chữ gây thương tổn bạn văn.

Nhớ lại, biết được như thế, chúng ta sẽ không ngạc nhiên, tại sao đám tang ông, đám tang một nhà văn, (dù là nhà văn hàng đầu,) lại có nhiều, quá nhiều những khuôn mặt, những tên tuổi tiêu biểu cho nửa thế kỷ tân nhạc và, sân khấu Việt Nam, quê người; cũng như giới tay chơi, giang hồ hữu hạng…bên cạnh những khuôn mặt thuộc văn giới. Đủ loại!

Từ đó, tôi nghĩ, Mai Thảo không chỉ lớn lao trong văn học, mà, ông còn lớn lao trong nhiều lãnh vực khác của đời sống Việt Nam nữa.

…………………………………………………………………………

Người thầy học cũ

Tác giả:Mai Thảo – Nguồn: Talawas

Mai Tao-tho

Hình bìa một tác phẩm Thơ của Mai Thảo(NN sưu tầm)

Y gặp lại người thầy học cũ một ngày mưa lớn. Con đê chạy dọc hữu ngạn sông Đáy chỗ đó là giữa quãng Ba Thá, Vân Đình. Đường lầy. Kẻ đi ngược, người về xuôi. Cuộc kháng chiến gian khổ thu lại trong giây phút gặp gỡ bất thình lình một nỗi tủi mừng rưng rưng và cái hình ảnh buốt lạnh của con đường dài thẳm, trùng điệp hầm hố dưới mưa bụi trắng xóa. Xa xa dấu vết những làng xóm tiêu hủy còn lại.

Hai thầy trò nắm chặt tay nhau, mưa vẫn đổ lớn – cùng chạy đến trú dưới một gốc cây. Nhiều năm tháng qua đi từ ngày bỏ trường lăn mình vào cuộc đời, bây giờ Y đã lớn, đứng cạnh thầy cao hơn thầy hẳn một cái đầu. Thầy thì tuổi già đã làm cho thân hình nhỏ lại. Nhưng giữa hai người vẫn không có sự thay đổi. Người thầy vẫn vững chãi và tự tin hơn. Thái độ gương mẫu và che chở bên trong cửa lớp ngày nào Y vẫn nhận được.

“Thầy ở đâu xuống?”

“Tôi ở Ba Thá xuống”.

“Thầy vẫn dạy học”.

Người thầy học cười hiền lành:

“Phải, tôi vẫn dạy học nhưng trường làng vừa bị bom đốt cháy chiều hôm qua. Hôm nay tôi phải về Ty báo cáo. Ty ở dưới Vân Đình. Tôi mất hết, chỉ chạy được những cái này.

Những cái này: một cái bị cói, mấy bộ quần áo nâu và một cái gậy trúc.

Y nhìn cái cơ nghiệp nhỏ nhoi vô nghĩa, những đồ tùy thân cuối cùng còn sót lại của một cuộc đời đạo đức và liên tưởng tới hai hình ảnh: vị chân tu của một thời đại nào đi truyền bá trong khổ hạnh những tư tưởng đẹp cho nhân loại và hình ảnh một con đường mưa bay, buổi chiều xuống trên liên khu rộng lớn, người thầy học cũ lại một mình bước đi trên con đường đó mang trên mớ tóc bạc cái nghề đạm bạc cao quý, mang nặng nó trong đêm tối và mưa bão.

Mưa vẫn đổ lớn. Hai thầy trò đứng sát vào nhau hơn. Thầy nhìn trò, gật đầu:

“Các anh đổi thay nhiều lắm. Trưởng thành cả rồi. Nhưng mà ở đâu và bao giờ các anh vẫn nhận ra tôi, tôi vẫn nhận ra các anh. Anh thì vẫn còn nguyên vẹn cái nhìn lơ đãng ra ngoài cửa lớp những buổi trưa mùa hạ”.

Y trả lời:

“Vâng, con vẫn thế. Con vẫn nhớ con như thế”.

Giọng thầy trầm trầm trong tiếng mưa đổ rào rào:

“Chúng ta vẫn thế”.

Đôi mắt sâu của thầy nhìn xuôi theo con đường dài, qua màn mưa về tận cuối đường, xa hơn cái xa của cuối đường:

“Chiến tranh đổi thay hình thể những ngả đường trên đó chúng ta đi. Tất cả trở nên khó khăn cực nhọc và chua xót hơn cũ. Những ụ đất. Những hầm hố. Những chiếc cầu đổ. Hình như mưa bão cũng nhiều hơn”.

Và thầy thở dài:

“Chúng ta là những con người cũ đang tập đi trên những con đường mới”.

Rồi thầy quay lại hỏi:

“Còn anh, bây giờ anh làm gì?”

“Thưa thầy con đi buôn”.

“Đi buôn?”

“Con bỏ học từ sau Cách mạng tháng Tám. Thuyền hàng của con chắc bây giờ đang ngược dòng đi lên ở giữa khoảng Rót Rét. Con sẽ đón thuyền ở vùng Bương Cấn và nếu đêm nay ngớt mưa sẽ đi thẳng tới Phú Thọ”.

Người thầy “Thế à” một tiếng nhỏ rồi không nói gì nữa. Tính thầy vẫn ít nói. Mưa ào ào trên đầu. Trước mắt họ dòng sông Đáy đục đỏ chảy đi hung dữ. Bãi xa mịt mùng bên kia. Người học trò đứng lùi lại phía sau và nhìn thấy sát tầm mắt, những sợi tóc bạc gió thổi lay tạt trên khuôn mặt mà trông nghiêng vẫn đựng đầy cái vẻ trầm lặng cũ, những ngày xưa nhìn xuống Y trên một nền bảng đen. Những kỷ niệm những hình ảnh của một lớp học vừa trở về lướt thướt và buốt lạnh trên khoảng đường này. Những chùm hoa mùa hạ đỏ chói chang trên góc cửa sổ, sự hé mở của những giấc mộng ban đầu nở từ những chùm hoa rực rỡ ấy, nhịp bồng bềnh đẩy đưa của tâm hồn chạy đến những chân trời những thế giới hoang vu. Cánh bướm mỏng của niềm rung động mới. Những tấm kính sáng trong. Tiếng giảng bài trầm trầm đi giữa hàng ghế. Tà áo thâm và cái đỉnh mũ trắng. Những bực gạch mưa làm mòn cạnh đi lên từng cửa lớp. Lối kiến trúc cổ kính của một mái trường xây cất trên nếp thành đổ nát cũ lượn vòng giữa những hàng cây và những ao đầm. Thành phố ở dưới với tiếng hú dài của một tiếng còi tàu kéo theo những vệt khói còn treo lâu trên nền trời. Ý niệm thứ nhất về không gian trong chuyến đi tưởng tượng. Vụ hè sắp tới thấp thoáng hình ảnh con đường mất hút dưới nắng.

*

Y nhớ thầy đã về sau một buổi tựu trường có nhiều thuyên chuyển. Cũng một buổi sáng mưa lớn. Có tiếng giày từ ngoài hành lang đi tới. Thầy vào, đứng lại một giây nhìn mọi người, nói: “Chào các anh”, đoạn đi thẳng lên bục cao. Giờ học thứ nhất được dành cho sự làm quen nhau. Người thầy bày tỏ nỗi vui riêng sau mười mấy năm ở rừng được đổi về một trường thành phố.

Thầy nói: “Trường cũ ở sát biên giới Hoa – Việt, học trò nửa Kinh nửa thiểu số. Trên ấy đêm rừng dài và buổi sáng nào cũng dầy đặc sương trong lớp học vừa mở cửa. Rừng thì trùng điệp ở chung quanh. Sân trường đôi khi còn in những dấu chân thú dữ. Và rét thì rét ghê rét gớm. Các học trò chân tay cũng cóng buốt và mặt mũi xám tái lại. Phải đóng kín cửa cho hơi nóng truyền đi một lúc sau mới làm việc được”.

Hình ảnh của một lớp học biên giới được gợi lên bằng giọng nói đặc biệt trầm trầm. Cái lối kể chuyện của thầy cũng khác. Và ngay lập tức, trong số bốn mươi lăm học trò chăm chú lắng nghe, từ một chỗ ngồi tận đáy lớp nhìn lên, Y cảm thấy mến yêu ngay người thầy học mới. Một nỗi mến yêu đặc biệt chưa từng có. Tưởng như một khám phá, một đổi thay lớn.

Trong một cuộc đời học trò, từng năm học đi lên, mỗi năm lại gặp một người thầy, nhưng trong tất cả những người thầy đó, thường vẫn chỉ có một người mà về sau lúc đã giã từ cửa lớp, ở mãi chỗ sâu xa cách biệt trong cuộc đời, mỗi lần nhớ lại là người học trò lại nhớ trước nhớ ngay đến người thầy ấy. Tại sao? Có thể vì một nét mặt, một giọng nói, được khắc sâu hơn vào dĩ vãng. Có thể vì một sự bắt buộc nào đó, trừu tượng và siêu hình, khiến cho tương quan tình cảm vượt khỏi mức bình thường, chứa đựng một ý nghĩa rộng lớn hơn.

Bài luận đầu tiên của Y được nhiều điểm nhất lớp. Một sự lạ. Ba hôm sau khi thầy trả bài, gọi đến tên, ngợi khen và mỉm cười bảo Y hãy đọc cho cả lớp nghe một đoạn văn hay, Y đứng dậy, tờ giấy trên tay run run và giây phút đó đã là cả một dấu son rực rỡ trong cái lịch sử học trò của Y từ trước đến nay vốn rất tầm thường tăm tối.

Y lười và lơ đãng. Trên tất cả các môn học, điểm số bao giờ cũng ở dưới cùng. Một sự đội sổ toàn diện. Suốt đời Y nhớ mãi cái giờ học lịch sử ấy của một tên học trò đội sổ ngồi tối tăm ở cuối lớp, lần đầu đứng lên ngượng nghịu, hồi hộp đọc cho cả một lớp im sững thán phục cái thành công thứ nhất của đời mình. Ngồi xuống còn cảm động.

Cả lớp không tìm hiểu được nguyên nhân sự đổi thay đột ngột này. Chính Y cũng không hiểu. Y đã viết bài luận ấy cho một người xem, nó là cái biểu tỏ cụ thể của một tình cảm chân thật và tốt đẹp gửi đến cho một người thầy đã tả được một cái trường học biên giới bằng “những dấu chân thú dữ” và “sương trắng dầy đặc cửa lớp buổi sớm”.
*

Mưa vẫn đổ lớn.

Buổi chiều như đã muốn đến từ bãi sông bên kia. Trời thấp và xám. Con thuyền đầy hàng ngược dòng ở giữa khoảng Rót Rét bồng bềnh trong ướt lạnh còn là điểm vui ấm bé nhỏ so với tâm sự của người thầy mất trường, không biết sẽ về một nơi nào trong mưa bay.

Hai người cùng cúi đầu suy nghĩ. Thầy nói:

“Anh vừa nói hiện anh đi buôn đấy nhỉ?”

“Dạ”.

“Các anh làm thật nhiều nghề. Mỗi người một đường. Cuối tháng trước tôi có gặp một anh không rõ đã học tôi năm nào, làm khẩn hoang ở một đồn điền Nho Quan. Vùng ấy lam chướng, nước độc, rất có hại cho sức khỏe. Trông anh ta xanh yếu đáng ngại. Cứ như anh đi đây đi đó trên một con thuyền, có lẽ lại hay hơn”.

“Kể thì mấy năm nay, từ ngày ra trường con chưa từng có dịp được đi nhiều, thấy nhiều như bây giờ. Nhưng nghề buôn không phải là một chí hướng thích hợp. Nhiều lúc con vẫn cảm thấy đang làm một việc vô ích”.

Người thầy đáp:

“Tôi biết. Nhưng chúng ta bây giờ thường vẫn phải làm ngay cái việc nhìn thấy trong tầm tay với mà không có quyền từ chối, lựa chọn. Thế hệ các anh biết bao nhiêu người hiện đang đứng lạc vị trí, băn khoăn tìm đường. Ở tuổi các anh thật đau đớn. Chúng tôi thì không nói làm gì. Nhiều lúc cực nhọc vất vả, tôi vẫn thầm cảm ơn trời còn cho mình được cầm cái thước kẻ giảng bài. Tôi làm gì khác được nếu thôi dạy học?”

Thầy cười khẽ:

“Thói quen của nghề nghiệp đấy: Thấy các anh là hỏi về dự định vào đời. Không thích đi buôn, anh muốn làm gì?”

“Có một lần trong giờ luận, thầy nói đùa con có thể trở thành nhà văn, con vẫn ao ước thực hiện được câu nói đùa ấy”.

“Thế ư! Tôi không nhớ nữa, nhưng nếu có nói thì nói thực đâu phải đùa. Phải rồi, Việt văn là môn học xưa kia anh ham thích nhất”.

Giọng thầy trở nên ân cần:

“Cố gắng đi. Biết đâu chẳng một ngày tôi được đọc văn của một người học trò cũ là anh. Niềm an ủi lớn nhất của một người thầy vẫn là được thấy người học trò cũ của mình đi vào tương lai trên lối đi đã được phác định từ trong cửa lớp”.

Mưa bỗng ngớt đi, tiếng đổ ào ạt dừng lại. Mé sông bên kia, bờ bãi mịt mùng ban nãy nổi lên dần dần. Nhưng vòm trời thì vẫn thấp nặng và nghi ngút hơi nước. Trận mưa lớn vừa ngớt chỉ để sửa soạn cho một trận mưa lớn khác sắp đổ xuống.

Hai người ra khỏi gốc cây. Người thầy nhìn lên trời:

“Đã có thể đi được rồi. Tôi phải đi xuống Ty bây giờ cho kịp”.

Thầy quay lại, cánh tay gầy yếu đặt lên vai người học trò cũ:

“Lâu lắm mới gặp nhau tôi cám ơn các anh còn nhớ đến tôi. Các anh bây giờ đã khôn lớn cả, đã tự trưởng thành trong những kinh nghiệm, tôi cũng không có điều gì phải khuyên bảo nữa. Thôi anh ở lại”.

Giây phút giã từ này thật là cảm động.

“Con ân hận không được gặp thầy lâu. Con theo thuyền độ nửa tháng bán hàng xong rồi sẽ trở lại vùng này. Xin thầy địa chỉ để con được lại thăm trường mới”.

Người thầy gạt đi:

“Chính tôi hiện giờ cũng không biết rồi sẽ được thuyên chuyển đi đâu. Liên khu trong, một trường mới mở trong núi hay là nghỉ dạy vĩnh viễn không chừng. Chắc khó gặp lại, anh còn nhớ đến tôi là đủ và đừng băn khoăn về vấn đề tìm thăm tôi”.

Người thầy bước đi, cái bị cói nằm trên bờ vai gầy, gậy trúc chống xuống đường lầy. Y chạy theo thầy:

“Con đi buôn cũng không đến nỗi túng thiếu lắm. Thật tình không dám nghĩ đến chuyện trả ơn, nhưng con có giúp thầy được điều gì không?”

Người thầy lắc đầu mỉm cười:

“Tôi một thân một mình cũng không cần gì. Cám ơn anh. Thôi anh trở lại”.

Y đứng sững giữa con đê nhìn theo bóng dáng cổ kính của người thầy. Cái bị cói, cái gậy trúc, những sợi tóc bạc cứ nhỏ dần mãi. Rồi những cái điểm bé nhỏ ấy nhòa đi sau màn mưa.

Y gặp lại người thầy học cũ của Y lần ấy là lần cuối cùng. Bán xong chuyến hàng, Y lên bộ về thẳng Vân Đình. Hỏi thăm Ty Học chính ở đó, Y được biết người ta đã nói với thầy là các trường bị phá hủy gần hết, phải đợi một thời gian để lập trường mới và người thầy đã bỏ đi không để lại địa chỉ.

*

Đến nay đã mười tám năm.

Viết văn, tôi thực hiện được cái ước vọng duy nhất của thuở nhỏ. Trong số những nguyên nhân thầm kín thúc đẩy tôi, tôi ghi nhận lời thầy khuyên nhủ cố gắng ngày nào trên quãng đường lầy.

Sự đổi thay quyết định một đời người thường vì những nguyên nhân nhỏ. Ở đây có thể vì lời khuyên của một người tôi kính yêu.

Từ đó tôi không gặp lại thầy, cũng không trở lại một cửa lớp nào nữa. Nhưng kỷ niệm còn giữ được của buổi học ấy, nỗi cảm động đứng giữa hàng ghế đọc bài luận ấy cho cả lớp nghe – nhớ lại – vẫn đưa tôi trở về được với cái thế giới học trò. Nó nằm trong chu vi một lớp học, nhưng rộng và riêng biệt đúng như một thế giới. Chùm hoa phượng, những phiến kính sáng trong, cái đỉnh mũ trắng, những ngày hè chói nắng. Câu văn đầu tay vụng dại, bỡ ngỡ. Trên tất cả, khuôn mặt trầm lặng của thầy ngó xuống như một nỗi bình yên.

Bây giờ đôi khi ngừng tay trên một trang bản thảo, lúng túng trước một danh từ, một ý tưởng diễn đạt khó khăn, tôi lại thấy những hàng chữ dập dập xóa xóa trước mắt bỗng phảng phất giống với trang giấy nháp của bài luận cũ. Hình ảnh người thầy lúc đó lại hiện lên. Tôi muốn được gặp lại, để nói, ít nhất cũng một lần, với thầy:

“Những trang giấy này có được một phần lớn nhờ thầy”.

Nhưng mà những dòng chữ tôi viết bây giờ chắc không bao giờ được biết tới những dòng mực đỏ phê điểm ấy nữa. Buổi gặp mặt cuối cùng. Con đường xa hút dưới mưa trắng. Số tuổi chất nặng lên cuộc đời đã xế chiều. Giọng nói trầm trầm ấy đã chìm lặng, tôi linh cảm như vậy. Cái gậy trúc ấy chắc đã rời khỏi cánh tay gầy yếu, rơi xuống một nơi nào đó, ở ngoài kia.

……………………………………………………………………………………..

Nghe Xuân Ca, nhớ nhạc sĩ Phạm Duy
Nguồn:RFA/ Nhạc sĩ Tuấn Khanh, viết từ Sài Gòn-2015-01-31

ns pham duy.jpg1
Nhạc sĩ Phạm Duy.- File photo

Người hát rong bằng tiếng Việt

Chỉ đến khi một người bạn buồn buồn, nâng ly champagne và nhắc, tôi mới giật mình nhớ rằng đã 2 năm ngày mất nhạc sĩ Phạm Duy. 2 năm thoáng qua thật nhanh. 2 năm tre đã tận, măng thì vụng dại, người Việt đã không có gì hay ho hơn trong âm nhạc, và vẫn phải lặng người khi ngồi nghe lại những bài hát của một người tự nhận mình là người hát rong bằng tiếng Việt, từ thế kỷ trước. Tưởng niệm một thiên tài, tự mình mở lại bài Xuân Ca, tôi lại thấy trong đó muôn ngàn ngậm ngùi, không chỉ cho người đã khuất mà cho một nước Việt mong manh mờ ảo.

Nhắc về Phạm Duy, có rất nhiều người thích nói về tục lụy trong đời ông, nhưng tất cả thì vẫn phải lắng nghe. Âm nhạc của Phạm Duy là tiếng lòng, là sách giáo khoa quốc túy, là câu chuyện kể đẫm gió bụi trần gian của kẻ hát rong đi qua chiến tranh và nội loạn. Và dù như thế nào, trong âm nhạc của Phạm Duy luôn văng vẳng một lời kêu gào ham muốn được sống, được chạm vào một cảm giác của cõi trần gian, khao khát yêu thương và hoan lạc với đời.

Xuân tôi ơi sức Xuân tôi còn khát khao
Dù nay, dù mai cũng như mọi ai chết trong địa cầu
Xuân muôn năm có ta Xuân còn hỡi Xuân
Thì xin, thì Xuân hãy cho tình nhân sống thêm vài lần

Câu hát về mùa xuân của Phạm Duy như hờn trách, như đau vì phải đời người phai tàn theo năm tháng khi trái tim vẫn ngùn ngụt đam mê. Nghe như có cái gì đó vọng lại từ đời mình, vọng lại từ những điều phù du yêu dấu mà chính mình đã trãi qua. Cuối những năm 90, khi làm quen và trò chuyện với ông, tôi mới nhận ra rằng sự tha thiết với cuộc sống vẫn cấu cào ông, bất kể lúc nào. Có lần, buổi xế chiều ở Việt Nam, tức đã rất khuya ở Mỹ, bất ngờ Phạm Duy gọi điện thoại về. Giọng ông thì thầm và đau đáu “Ở Việt Nam còn ai nghe nhạc tôi không?”. Tim tôi thắt lại. Tôi đã phải nói với ông rất nhiều rằng chính quyền và những quan chức dùng bộ máy kiểm duyệt như một thứ hình phạt tùng xẻo với đồng loại mình thì vẫn ráo riết thô bỉ, nhưng người dân vẫn đứng ngoài những điều đó, và họ vẫn nghe, hát mỗi ngày. Nhưng dù vậy, có lẽ ông vẫn chưa tin lắm, tự tay ông chép ra hàng loạt đĩa CD trên máy tính các bài hát của mình và nhờ Duy Cường mang về đưa cho tôi, dặn rằng nếu có ai muốn nghe nhạc Phạm Duy thì giúp ông, chia sẻ với họ.
“Tôi chưa bao giờ là người Cộng Sản”

ns pham duy 2
Nhạc sĩ Phạm Duy trong một lần đến thăm Cố Thi Sĩ Hữu Loan. Photo courtesy of phamduy2000.com

Năm 2004, khi có cái lệnh quái gở về việc tất cả nghệ sĩ trên nước Việt phải thi lấy giấy chứng nhận hành nghề, Sở Văn Hóa Thông Tin ở Sài Gòn tổ chức các buổi giảng về chính trị bắt buộc tại rạp Hưng Đạo (đường Nguyễn Cư Trinh, quận 1). Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, lúc đó là quyền giám đốc Sở, đã tuyên bố đanh thép rằng có 4 cái tên được coi như xử bắn vắng mặt, ai âm mưu chơi nhạc, truyền bá sẽ bị liên lụy, đó là Phạm Duy, Hoàng Thi Thơ, Việt Dzũng, Nguyệt Ánh. Thế nhưng chúng tôi vẫn chơi Đưa em tìm động hoa vàng, vẫn hát Tạ tình, và vẫn nghe Một món quà cho quê hương. Âm nhạc vượt mọi rào cản và sợ hãi, dù bị hiến tế cho những mưu đồ chính trị. Lúc đó, chúng tôi nghe chuyện Lộc Vàng ở Hà Nội đi tù vì hát nhạc vàng, và ở Sài Gòn thì chúng tôi chứng kiến những bào hát cũ trước tháng 4-75 bị gạch khỏi danh sách sản xuất của các hãng băng đĩa nhà nước. Cũng lúc đó, tôi nhận được những bài hát mới của nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác rồi gửi về, trong đó có những bài phổ thơ từ những bài thơ tình rất mới của nhà thơ Hoàng Hưng. Ông ký tên trên các bài hát mới với bút danh là “Y Du”, tức tách từ chữ “Duy” và nói rằng nếu tôi nếu có dịp thì cứ xuất bản, đừng ngại chuyện tác quyền. Lúc đó, cầm những bài hát mà lòng tôi buồn vô hạn. Âm nhạc cứ phải lẩn khuất, âm nhạc chạy trốn phục binh. Lời hát cứ phải cất lên trong vết cắt kẽm gai ứa máu.

Khi đó, còn đang làm việc ở báo Tuổi Trẻ, tôi hỏi ý người chủ biên của mình là nhà báo Đoàn Khắc Xuyên về việc có nên làm một bài phỏng vấn nhạc sĩ Phạm Duy hay không. Anh Xuyên trầm ngâm một hồi, rít thuốc, nói “thôi cứ làm đi, nhưng để đó, rồi sẽ đến lúc”. Tôi gửi 41 câu hỏi cho nhạc sĩ Phạm Duy với niềm hy vọng rằng một ngày nào đó, ông sẽ lên tiếng dõng dạc quan điểm của mình trên báo chí trong nước. Ấy vậy mà, 2 năm sau khi ông mất, khi xem lại những câu hỏi đó, tôi biết còn rất lâu nữa, mới “đến lúc” như tôi và người chủ biên của mình hy vọng. Ngay khi ông về nước, cười nói và bước qua những trò tuyên truyền chính trị, như cách của một người già chìu lòng bọn trẻ con ngu ngốc để được yên, ông vẫn giữ nguyên trên website của mình phần trả lời cho tôi, với sự dứt khoát “Tôi chưa bao giờ là người Cộng Sản”.

Những lần gặp hiếm hoi, khi nhạc sĩ Phạm Duy đã quyết định về sống ở Việt Nam, cho tôi một cảm giác rằng ông như đang hát phần Nắng chiều rực rỡ trong đời mình, xuôi tay và chấp nhận mọi thứ để được nằm lại ở miền quê hương tinh khiết trong trái tim ông. Con ngựa hoang tự do và mỏi mệt chỉ mong được uống nước ở dòng sông cũ và không mong gì hơn là nghe thấy âm nhạc của mình vang lên trong lòng dân tộc.

Tôi nghe Xuân Ca và nhớ lại một câu trả lời của ông mà bật cười một mình. Phạm Duy ra đi để lại một gia tài âm nhạc cho đời Việt, để lại một tính cách tự do ngông cuồng đủ cho các cuộc tán gẫu không thể dừng. Khi tôi hỏi ông rằng có sự lý giải nào cho sự khác biệt giữa một Phạm Duy đầy triết lý với những bài ca tâm linh, thanh thoát và một Phạm Duy rất đời thường qua các bài tục ca hay không, ông trả lời rằng “Là nghệ sĩ mà tự giam mình vào những đề tài hạn chế thì chán bỏ mẹ ! Nhưng đừng tưởng rằng chỉ vì muốn thay đổi đề tài mà tôi soạn tục ca sau khi soạn tâm ca. Tục ca rất đứng đắn (seriously). Hơn nữa nó phản ảnh đúng cái thời đại mà ai cũng muốn văng tục”.

Một năm mới lại đến. Xuân ca lại văng vẳng trong trái tim người. Niềm khao khát còn đó nhưng mùa xuân thật sự của xứ Việt đang ở nơi đâu?

Kỷ niệm 2 năm, ngày mất nhạc sĩ Phạm Duy (27-1-2013 / 27-1-2015)

Nhạc sĩ Tuấn Khanh, viết từ Sài Gòn

*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.

………………………………………………………………………………………..

Share

Leave a Reply

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Paid Links