10/12: Book3_20- Truyện Man Nương và Tứ Pháp
Category: Phật Học – Phật học ôn tập-
Posted by: Tbl Đọc: 7880 lần
BƯỚC VÀO CỬA PHẬT – Quyển 3
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
Một Bảo tháp lớn nhất của kỳ quan Borobodur,tượng trưng cho Tánh Không và sự Giác Ngộ(vì Tháp trống không; không cả Tượng Phật) – NN sư tầm .
Bài 20. TRUYỆN MAN NƯƠNG VÀ TỨ PHÁP
1. GS Dương Quảng Hàm viết trong Việt Nam Văn học Sử yếu, chương nói về đời Hậu Lê: Lĩnh nam trích quái (nhặt lấy những việc…
… lạ ở đất Lĩnh Nam) do một tác giả vô danh soạn từ trước, sau hai ông Vũ-Quỳnh và Kiều-Phú hiệu chính và đề tựa (tựa Vũ-Quỳnh đề năm 1492, tựa Kiều-Phú đề năm 1493). Tập này, cũng như Việt-điện u-linh tập (Việt-điện : đất nước Việt ; u-linh : thiêng liêng) về đời Trần, góp nhặt những việc thần-tiên, cổ-tích ở nước ta, như những truyện về đời Hồng-Bàng, những truyện Bạch-trĩ (trĩ trắng), Kim-quy (rùa vàng), Tân lang (cau), Tây-qua (dưa hấu), Bánh chưng, Phù-đổng thiên-vương, Lý Ông-Trọng, Chử-đồng tử, Từ Đạo-hạnh, Dương Không-lộ, Ngư-tinh, Hồ-tinh, Hai bà Trưng, Thần Tản-viên, v.v… Cứ xem những đề mục ấy thì biết quyển ấy có liên lạc với tập Việt-điện u-linh kể trên. Cứ theo hai bài tựa nói trên thì nguyên quyển ấy có 22 truyện, nhưng người đời sau cứ tục thêm mãi vào, càng ngày càng nhiều.
GS Lê Hữu Mục, trong bài Dẫn nhập của cuốn Lĩnh Nam Chích Quái do ông dịch, viết là chích thay vì trích và đã dùng một trang để biện minh cho cách viết của ông. Ngoài bìa sách, ông đề tên tác giả là Trần Thế Pháp. Dưới đây là tóm tắt truyện thứ 14 trong sách Lĩnh Nam Chích Quái :
Vào thời mà thái thú Sĩ Nhiếp cho đắp thành ở phía Nam sông Đuống (tức là sông Thiên Đức nối liền sông Hồng với sông Thái Bình), thì ở một nơi gần đó có chùa Phúc Nham. Một nhà sư Ấn Độ tên là Gia-la-đồ-lê đến trụ trì ở chùa ấy. Nhà sư này hay đứng một chân, thường biểu diễn pháp thuật, được dân chúng kính phục, vì thế mà rất đông người theo đạo Phật.
Một người con gái tên là Man Nương, mồ côi cha mẹ, nghèo khổ, cũng đến lễ ở chùa, nhưng vì không thể tụng kinh trên chánh điện theo mọi người được do có tật nói ngọng, nên thường làm công quả, lo việc thổi cơm nấu nước ở dưới bếp của nhà chùa.
Một buổi tối kia, nàng đã lo xong bữa cơm chiều mà chư tăng vẫn chưa tụng kinh xong, nên nàng ngồi chờ ở ngạch cửa rồi ngủ quên ở đó. Khi sư Đồ-lê tụng kinh xong, trở về tăng phòng thì ông vô ý bước qua mình nàng. Man Nương thụ thai từ đó.
Nàng bỏ đi. Sau, nàng sinh được một đứa con gái, ẵm đến trao cho sư Đồ-lê.
Nhà sư nhận đứa bé và cho nàng một cây gậy, dặn khi nào có hạn hán, muốn cứu dân thì cứ dùng gậy đó mà vẫy xuống đất, sẽ có nước phun ra. Rồi nhà sư bế hài nhi đem đến đặt dưới gốc cây đa bên sông và nói: Ta gửi Phật tử này cho mày, hãy giữ lấy, sau được thành Phật đạo.
Man Nương trở về ở chùa. Một năm kia, trời hạn hán, nàng nhớ lời nhà sư, đem gậy ra mà vẫy xuống mặt đất, tự nhiên nước chảy ra ào ào, làm ơn cho rất nhiều người.
Khi Man Nương hơn tám mươi tuổi, cây đa bị đổ, trôi đến bến trước cửa chùa thì dừng lại. Dân chúng xung quanh kéo đến xem, dùng búa, rìu mà chặt cây cũng không nổi ; rồi họ rủ nhau kéo cây vô bờ, cây cũng không nhúc nhích. Khi Man Nương xuống đến bến, thấy vậy, thử dùng tay mà kéo thì cây chuyển động. Sau khi kéo được cây lên bờ nàng bèn nhờ thợ đẽo trổ thành bốn pho tượng Phật. Khi bổ cây ra thì thấy một phiến đá rất nặng, phát quang. Thợ khiêng ra nhưng tuột tay, phiến đá chìm xuống nước.
Sư Đồ-lê đặt cho bốn pho tượng là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện (Tứ Pháp). Cầu xin gì đều ứng nghiệm. Khi khiêng tượng Pháp Vân, thì thấy quá nặng. Người ta lội xuống sông, vớt phiến đá lên đặt trước tượng thì tượng nhẹ đi, khiêng được. Người ta cho rằng đó là con của Man Nương đã hóa đá nên gọi là Thạch Quang.
[Từ điển di tích văn hóa Việt Nam cho biết một số chi tiết khác với trên]
2. Ngày nay, dân ta vẫn còn thờ Tứ Pháp trong nhiều chùa hoặc hệ thống chùa vùng Bắc Ninh, Hưng Yên.
Nếu căn cứ vào cuốn Lịch sử Phật Giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến thời Lý Nam Đế của Lê Mạnh Thát thì Cổ châu Pháp vân Phật bản hạnh ngữ lục chép rõ truyện Man Nương (dài gấp ba truyện Man Nương trong Lĩnh Nam Chích Quái), tóm tắt như sau:
Vào khoảng năm 189 sau TL, hai nhà sư Kỳ Vực và Khâu Đà La đến thành Luy Lâu là trị sở của Sĩ Vương. Có một người tên là Tu Định thỉnh hai sư ở lại. Kỳ Vực không chịu, còn Khâu Đà La nhận lời đến ở nhà Tu Định. Sư thường tĩnh tọa nhiều ngày không ăn. Tu Định thấy vậy sinh lòng ngưỡng mộ. Tu Định có một con gái năm ấy mới 12 tuổi, cung kính lễ phép. Sư đặt tên là A Man. Ở được hơn tháng, sư từ giã ra đi. Tu Định xin làm đệ tử. Sư dạy : “Sảy cám lấy tấm, ngày tối bốn phương đổi ngôi, vì chưng lòng mê. Lòng mê thì mắc phàm trái thánh. Nhà ngươi ở trong phép ta bởi vì có duyên xưa vậy. Nhưng còn con gái A Man tuy là thân nữ song rất có phần đạo, nếu gặp được một người nam, thì thành nên một pháp khí lớn. Ngày nay ta độ cho ngươi như chỗ ngươi mong muốn”. Sư bèn ở lại thêm. Sáng chiều trì kinh, sư nhấc chân lên, kéo dài bảy ngày. Gọi A Man đến trước mặt, sư xoa đầu mà nói: “Con đã thành pháp khí của ta”. Rồi bảo: “Sau đây ba năm, trời tất có hạn lớn, chẳng phải chỉ mùa lúa khô héo, mà người vật đều không có chỗ uống. Ta giúp cho con một việc”. Sư lấy gậy cắm xuống đất, khi nhổ gậy lên, nước theo đó mà phun ra; bèn khiến Tu Định đào giếng ở đấy. Nói rồi, sư ra đi vào trong núi. Tu Định dắt A Man theo đến chân núi, biết chỗ sư ở. Tu Định thường đem trái tới cúng dường. Có lần sai A Man đi một mình. Lúc A Man có mang, Tu Định xấu hổ, đến chỗ sư hỏi: “Gái không chồng mà chửa, lỗi ấy tại ai?”. Sư biết ý, mỉm cười mà nói rằng: “Nhẫn, nhẫn, nhẫn. Tất cả oan gia từ đây hết. Ta và ngươi, sạch dứt ở đây”. Tu Định trở về, nuôi dưỡng A Man. Thai đến mười bốn tháng thì vào ngày mồng tám tháng tư, giờ ngọ sinh ra một bé gái. A Man bồng đem vào núi đến chỗ sư, trao con cho sư. Sư bảo rừng cây: “Các cây đại thọ đây, có cây nào vì ta nuôi dưỡng đứa trẻ này thì hãy mở lòng chứa nó, ngày kia tất có thể vì trời người mà ra lịnh, muôn đời được tôn trọng”. Liền có một cây lớn mở toác ra. Khi sư đem đứa bé đó đặt vào trong chỗ mở thì cây liền khép lại. Sư bèn nói kệ rằng :
Hình hài như nghịch lữ,
Tâm không, cảnh cũng không,
Quấn quýt một mùi đạo,
Đáp vật muôn duyên cùng.
Nói kệ xong, sư ẩn mình, không ai thấy, chỉ nghe tiếng tụng niệm ở trong núi rừng. A Man lạy vọng mà trở về. Sau đó ba năm không mưa. Khe đầm khô cạn, nhiều người chết khát . Nhưng giếng nhà A Man nước múc không tuyệt, người ở trong thành phần lớn nhờ ở giếng ấy. Khi Sĩ Vương cho người đến hỏi thì A Man tâu vua đầy đủ. Sĩ Vương khiến sứ đi tìm sư mà không được nên nhờ A Man đến núi gặp sư, đem lịnh vua nói cho sư biết. Sư đứng dậy, nhấc chân, chỉ trong nháy mắt, bỗng nhiên mưa lớn. Sĩ Vương và mọi người mang đồ hiến cúng, chất đầy cửa núi. Sư không ngó tới, chỉ ở dưới gốc cây, ngày đêm kinh hành.
Khi cây đại thụ nói trên bị đổ thì nước lụt đẩy trôi về bến Luy Lâu. Thấy trong cây có nhạc và mùi thơm, dân trình Sĩ Vương. Ông sai người kéo vào bờ nhưng chưa quyết định dùng cây gỗ làm gì. Đêm, ông nằm mơ thấy người khổng lồ bảo: “Ngày nay cùng với ông nở mày nở mặt. Nhìn lui, nhằm mà đi, trong tám ngàn năm”. Người ta bàn đó là gỗ thiêng, đem làm tượng. Sĩ Vương sai thợ cắt gỗ làm bốn bức tượng Phật để thờ. Trong cây có một khối đá, khi thợ đem rửa thì khối đá rớt xuống sông, chỗ ấy gọi là “vực Phật”. Bốn nơi sáng lập chùa để thờ bốn tượng Phật, là chùa Thiền Định, Thành Đạo, Phi Tướng, và Trí Quả. Ngày khánh thành chùa, gặp nắng hạn lớn. Cầu xin bốn Phật thì có mưa to ngay. Nhân đó, có tên là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Khi rước tượng vào chùa thì riêng tượng Phật Pháp Vân quá nặng, không dời được. Sĩ Vương hỏi bọn thợ thì họ nói lại việc tảng đá rớt xuống sông, ông bèn sai người đánh cá lặn xuống thì thấy tảng đá có tỏa sáng. Sau khi vớt lên và đặt tảng đá trước tượng thì người ta khiêng tượng dễ dàng. Ngẫm nghĩ lâu, người ta mới biết cây gỗ là cây đã mang giữ con của Khâu Đà La, tức là con gái của Man Nương vậy …
Ngày nay trước chùa Thiền Định, có một ngôi mộ, người đời gọi đó là mộ A Man, cũng gọi là mộ Phật mẫu. Mỗi năm, ngày 17 tháng giêng là ngày kỵ của A Man….
3. Chúng tôi nghĩ rằng truyện Man Nương rõ ràng là một truyện quái lạ được mấy nguồn kể lại với những chi tiết khác nhau ít hoặc nhiều, những chi tiết mà người đời nay cho là khó tin : bước qua bụng mà chửa ; gửi con cho cây đa; cả trăm người kéo mà cây ở dưới sông không nhúc nhích, thế mà Man Nương kéo thì được ngay ; Man Nương nhờ thợ lấy gỗ làm tượng thì được mà trước đó lấy búa cùng rìu mà chặt thì cây không hề hấn gì, trái lại búa và rìu sứt mẻ hết cả… Nhưng có một điều đáng ghi là sự linh ứng khi người ta cầu mưa, cầu nắng. Không phải chỉ dân tin mà cả vua chúa, nho sĩ cũng tin, tin luôn cả việc phù hộ cho đất nước, ghi lại bằng văn thơ.
Chúng ta hãy nói trước về chi tiết viết ở đầu truyện : Sĩ Nhiếp cho đắp thành ở phía nam sông Đuống. Sĩ Nhiếp là một thái thú từ nhà Hán bên Tàu sang cai trị nước ta. Nghe chữ thái thú là ta đã ghét rồi, trước hết thái thú là một viên quan của bọn đô hộ, thứ nhì là chữ ấy dính với tên thái thú Tô Định tàn ác, giết ông Thi Sách là chồng bà Trưng Trắc. Tuy vậy dân Việt chúng ta rất công bằng. Vì Sĩ Nhiếp có công lớn nên được dân ta gọi là Sĩ Vương. Có công như thế nào ? Có người bảo rằng ông ấy dạy chữ viết cho dân, dĩ nhiên đó là chữ Hán, nhưng dù sao có chữ Hán thì có truyền bá văn hóa. Việc ấy có đúng không? Theo Việt Nam Sử Lược thì: “Sĩ-Nhiếp (187-226) giữ được đất Giao-Châu khỏi loạn, …, trị dân có phép tắc và lại chăm sự dạy bảo dân cho nên lòng người cảm-mộ cái công-đức, mới gọi tôn lên là Sĩ-vương. … . Nhà làm sử thường cho nước ta có văn-học là khởi đầu từ Sĩ-Nhiếp. Cái ý-kiến đó có lẽ không phải. Vì rằng từ khi nhà Hán sang cai-trị đất Giao-chỉ đến đời Sĩ-Nhiếp đã được hơn 300 năm, người Giao-chỉ đã có người học hành thi đỗ” ….
Chúng ta suy nghĩ tiếp theo : cái thành mà Sĩ Nhiếp cho đắp có phải là thành Luy Lâu không ? Coi tài liệu do GS Đào Đức Hoàng đã dẫn trong tập Những mối tương quan giữa Phật giáo và Văn hóa của dân tộc Việt Nam, ta thấy: “Trung tâm Luy Lâu (thuộc địa hạt huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh ngày nay) hình thành vào khoảng hậu bán thế kỷ thứ II. Trung tâm này lúc đầu chỉ là nơi gặp gỡ sinh hoạt (điểm tập trung) của các tăng sĩ Ấn-Độ theo các thuyền buôn của các thương gia Ấn trên đường sang Viễn Đông liên hệ về thương mại. Nhưng dần dà, sinh hoạt tôn giáo của họ (thờ Phật, đốt trầm, đọc kinh, cúng dường các tháp Phật nhỏ, và bố thí …) đã lôi kéo được người dân bản xứ (Giao Châu) … Sinh hoạt Phật giáo tại đây nhờ vậy hình thành và khởi thịnh nhất là từ khi chùa Dâu được xây cất và sau này các nhà truyền giáo Ấn-Độ tới hay từ Trung Hoa sang, mỗi khi ở lại Giao Châu, đều tới trung tâm Luy Lâu để làm công việc hoằng pháp”.
Ông còn ghi thêm rằng: “Thành Luy Lâu xưa, nay còn nhận rõ được di tích, là một hình chữ nhật chiếm trọn khu vực làng Lũng Khê và ngôi đền thờ Sĩ Nhiếp rất có thể đã lập trên nền dinh thái thú trước kia vào thời Hán thuộc” và ông có in kèm bản đồ với chú thích ‘bản đồ vẽ theo không ảnh’ và ‘tài liệu trích từ sách Kiến trúc Phật giáo Việt Nam của Nguyễn Bá Lăng do Hoa Cau xuất bản năm 1989’.
4. Trong Việt Nam Phật giáo sử lược, tác giả Nguyễn Lang viết: “Đạo Phật truyền vào Việt Nam khoảng đầu kỷ nguyên Tây Lịch. Tài liệu chắc chắn cho biết rằng vào hạ bán thế kỷ thứ hai, tại nước ta đã có một trung tâm Phật giáo phồn thịnh và quan trọng rồi, nhưng có thể đạo Phật đã du nhập vào nước ta trong thế kỷ đầu của kỷ nguyên”(trang 13) … “Trung tâm Phật giáo Luy Lâu được thiết lập do sự viếng thăm của thương gia và tăng sĩ Ấn Độ tới bằng đường biển, đó là một điều mà tất cả các học giả đều phải đồng ý. Đạo Phật tại Giao Châu do từ Ấn Độ truyền sang trực tiếp, không phải là từ Trung Hoa truyền xuống (trang 17) … Trung tâm Luy Lâu được hình thành vào thượng bán thế kỷ thứ nhất của tây lịch” (trang 18). Như vậy là có hai ý kiến khác nhau một chút về thời điểm thành lập trung tâm Luy Lâu. Nhưng không thể xác nhận rằng có phải Sĩ Nhiếp xây thành Luy Lâu hay không.
Từ Điển Phật Học (Chân Nguyên & Nguyễn Tường Bách) cho biết Luy lâu “là trung tâm phát triển Phật Giáo đầu tiên tại Việt Nam, nay là tỉnh Bắc Ninh. Luy Lâu là một trong ba trung tâm Phật giáo thời thế kỷ thứ 1, 2 bên cạnh Lạc Dương và Bành Thành, hai trung tâm thuộc Trung Quốc. Theo một số nhà nghiên cứu, Luy Lâu được hình thành trước cả hai trung tâm kia, thậm chí là nơi xuất phát của Lạc Dương và Bành Thành. Luy Lâu là nơi các tăng sĩ Ấn Độ đến bằng đường biển trước khi họ vào Trung Quốc nên giả thuyết nói trên có thể đứng vững. Đây là một cứ điểm quan trọng cho thấy Phật giáo Việt Nam ban đầu được du nhập trực tiếp từ Ấn Độ chứ không phải chỉ từ Trung Hoa truyền xuống”.
5. Truyện Man Nương mang tính cách thần bí, nói việc xảy ra vào thời thái thú Sĩ Nhiếp (cuối thế kỷ thứ II) với nhiều chi tiết có vẻ hoang đường đối với người thời nay. Nhưng bây giờ đây, năm 2001, rõ ràng chúng ta vẫn còn thấy bốn chùa Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện ; không những thế, hàng năm dân chúng vẫn tổ chức các ngày lễ hội long trọng tại mấy chùa đó. Ấy là chưa kể đến các vị vua ta đã cho rước Phật Pháp Vân về kinh đô làm lễ cầu mưa. Hơn nữa, lại có cả chùa thờ Man Nương, coi như là mẹ chung của bốn vị Tứ Pháp. Vậy thì có những cái hư hư trộn lẫn với những cái thực thực. Các nhà khảo cổ, xã hội học, sử học, … , hãy cứ gia công nghiên cứu. [Chúng ta, người Việt “phàm phu”, nghe những truyện như thế thì cảm thấy bâng khuâng pha lẫn thú vị vì thấy mình gắn bó với những cái hư hư thực thực ấy, mình là một phần nhỏ của những thứ ấy hay đúng ra những thứ ấy đã bám rễ vào tâm hồn mình, tâm hồn Việt Nam, làm cho mình rung động nhẹ nhàng, có khi nhớ nhung, ray rứt.]
Vân là mây, vũ là mưa, lôi là sấm, điện là chớp. Đó là bốn hiện tượng tự nhiên, người xưa không hiểu được nguồn gốc nên sợ hãi, do đó phải thờ cúng để được che chở và ban phúc lành : mây mang mưa đến làm cho cây cối, nhất là lúa, tươi tốt phát triển, nhờ đó mùa màng thu hoạch được nhiều. Tuy vậy, mưa nhiều quá cũng có thể gây ra tai họa lụt lội. Trong khi ấy, sấm chớp báo tin mưa, đồng thời cũng đã có lần sét đánh người chết cháy đen đáng sợ. Hẳn là những điều này có ở dân tộc ta trước khi Phật Giáo du nhập. Thờ bốn “vị” Vân, Vũ, Lôi và Điện là vì thế. Tuy vậy, điều đáng chú ý là thờ ở chùa chứ không phải ở đền ! Vì bốn vị là Phật, Phật của ta, của dân ta !
GS Khiếu Đức Long nhận xét: “… Lão giáo khi du nhập Giao Châu là đã biến thể thành Đạo giáo với pháp thuật bùa chú và hòa lẫn ngay với tín ngưỡng vật linh bản xứ sùng bái những mãnh lực thiên nhiên như mưa, sấm, sét, núi sông, cây đá… Đến khi Phật giáo từ Ấn Độ sang đây thì cũng có nhiều vị tăng có khuynh hướng sử dụng pháp thuật cứu người để thu phục tín đồ. Do đó cũng dễ hiểu là cả ba : Phật giáo pháp thuật, Đạo giáo bùa chú và tín ngưỡng vật linh kết hợp với nhau dễ dàng”. (Luận về nền Văn Hóa Tổng Hợp của Dân Tộc Việt Nam, trang 262, 263).
6. Ông Lê Mạnh Thát đã có những phát kiến đáng chú ý nhưng chưa biết đúng đến đâu, liên quan đến sự du nhập Phật giáo vào nước ta ngay từ thời kỳ các vua Hùng. Tại hội nghị của International Association of Asian Studies tổ chức tại Houston vào tháng 2 năm 2000, một tham dự viên là Budden Gyoshi đã giới thiệu các tác phẩm của ông, có ích cho những ai muốn nghiên cứu về Phật giáo Việt Nam với những phát kiến làm thay đổi các nhận định từ trước. [Xin thận trọng khi đọc mấy dòng sau đây về các phát kiến ấy!!]
Một thí dụ : Từ trước tới nay, chúng ta đều coi truyện Chử Đồng Tử và vợ là công chúa Tiên Dung (con gái một vua Hùng, khoảng thế kỷ thứ ba trước Công nguyên) là một truyền thuyết, thậm chí một truyện hoang đường. Nhưng nay, ông Lê Mạnh Thát xác nhận rằng :
Sư Phật Quang là một sứ giả mà vua A Dục (trị vì bên Ấn Độ 247 – 232 trước Công nguyên) gửi đi để truyền bá đạo Phật ra ngoài bờ cõi nước Ấn Độ. Sư ở tại một nơi trên dãy Tam Đảo tỉnh Phúc Yên và trụ tại chùa Tây Thiên, không xa trung tâm chính trị và quân sự của vua Hùng. Sư giảng dạy đạo Phật cho Chử Đồng Tử và Tiên Dung tại một nơi ở vùng Nghệ Tĩnh ngày nay. Sư ban cho môn đệ Chử Đồng Tử một cái nón lá và một cây gậy để cứu giúp chúng sinh … [Từ đó mới có những truyện thần phép của Chử Đồng Tử mà nay chúng ta thường nghe kể lại …].
Mấy điều ấy, nếu đúng, cho thấy rằng đạo Phật du nhập Việt Nam sớm hơn là các sách vở đã ghi, vì thế việc mấy nữ tướng của Hai Bà Trưng dùng nhà chùa làm nơi chiêu tập nhân tài và quân sĩ trước khi khởi binh đánh đuổi quân Hán hay các bà quy y Phật và lập chùa sau khi thua trận, là việc tin được. Thí dụ : chùa Tiên La ở huyện Duyên Hà tỉnh Thái Bình là chùa của nữ tướng Bát Nàn (ngài về đó sau khi bị thương ngoài mặt trận), ngày nay vẫn còn. Hai Bà khởi nghĩa khoảng năm 40 sau CN, tức là đầu thế kỷ thứ nhất, còn như Sĩ Nhiếp thì sống vào cuối thế kỷ thứ II.
7. Bây giờ chúng ta nói về việc thờ Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện tức là Mây, Mưa, Sấm, Chớp). Pho tượng bà Pháp Vân (tức là bà Dâu) thờ ở chùa Thiền Định, còn có tên là chùa Pháp Vân, chùa Dâu ; bà Pháp Vũ (tức là bà Đậu) thờ ở chùa Thành Đạo, còn có tên là chùa Pháp Vũ ; bà Pháp Lôi (tức là bà Tướng) thờ ở chùa Phi Tướng ; bà Pháp Điện (tức là bà Dàn) thờ ở chùa Phương Quang. Chính bà Man Nương thì được thờ ở quê là làng Mèn (làng Mãn Xá ?), chùa này gọi là chùa Phật Man. Chúng tôi không tìm được chi tiết về làng Mèn.
Trong sách Việt Nam Danh Lam Cổ Tự, tác giả Võ Văn Tường ghi: “Chùa Dâu, tọa lạc trên đất làng Dâu, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc (Hà Bắc là do hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang hợp lại, nhưng từ 1996, hai tỉnh lại được tách ra). Nơi đây, xưa là trung tâm của cố đô Luy Lâu. Chùa cách Hà Nội khoảng 30 km. Đây là ngôi chùa đầu tiên của Việt Nam được khởi dựng vào đầu thế kỷ thứ III, chùa là một trung tâm Phật giáo nổi tiếng trong nước và ngoài nước. Chùa còn có tên là Thiền Định, Duyên Ứng, Pháp Vân … là chốn tu trì và là đạo tràng thuyết pháp, nơi truyền bá Phật giáo quan trọng của các danh tăng Tỳ-Ni-Đa-Lưu-Chi, Pháp Hiền, Quán Duyên …
Vào các năm 1073, 1169, 1434, 1448, các vua Lý Nhân Tông, Lý Anh Tông, Lê Thái Tông và Lê Nhân Tông đã tổ chức lễ cầu đảo tại chùa hoặc đến chùa rước tượng về chùa Báo Thiên ở kinh đô để cầu đảo. Ông Mạc Đĩnh Chi là người đứng ra hưng công xây dựng lại chùa với quy mô lớn vào thế kỷ XIV. Chùa đã được trùng tu nhiều lần” (trang 385). Ca dao có câu:
Dù ai đi đâu về đâu,
Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về.
Dù ai buôn bán trăm nghề,
Nhớ ngày mồng tám thì về Hội Dâu.
Tháp nói trong ca dao đó là tháp Hòa Phong có 9 tầng (cao 17 mét), sau đổ nát, làm lại, chỉ còn ba tầng. Tháp do Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi thiết kế và cho xây dựng năm 1737. Lòng tháp rỗng, tường tháp dày đến hơn 1,5 mét. Trên có treo chuông và khánh đồng. Cách xếp đặt trên chánh điện là cách cổ điển : Hàng cao là tượng Tam thế, hàng dưới là tượng Di Đà tam tôn (Di Đà, Quán Âm, Thế Chí), hàng thứ ba là tượng Thích Ca tam thánh (Thích Ca, Văn Thù, Phổ Hiền). Tượng bà Dâu ( Pháp Vân) lớn hơn cả, cao tới gần 3 mét. Chùa Dâu nằm trên bờ sông Dâu. Người ta nói rằng tên Dâu là do bà dạy dân trồng dâu nuôi tằm. Đó chỉ là một giả thuyết. Một tài liệu nói rằng bà Man Nương là người có công xây chùa và cho làm tượng bằng gỗ dâu, nên có tên là chùa Dâu. Đó lại là một giả thuyết nữa, kém vững hơn. Hội chùa Dâu nhằm ngày 17 tháng Giêng (ngày mẫu Man Nương hóa) và ngày 8 tháng tư âm lịch là ngày Phật đản (coi như bốn bà sinh vào ngày đó chăng ?).
“Chùa Dàn (Hà Bắc) tọa lạc ở xã Chí Quả (hay Trí Quả), huyện Thuận Thành gần chùa Dâu, ở cố đô Luy Lâu. Chùa có tên là Phương Quang Tự, được xây cùng với chùa Dâu. Chùa đã được trùng tu nhiều lần” (Danh Lam Cổ Tự, trang 386).
“Chùa Đậu (Hà Tây – do hai tỉnh Hà Đông và Sơn Tây hợp lại) tọa lạc ở thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín. Chùa có tên chữ là Thành Đạo Tự, thờ nữ thần Pháp Vũ nên còn gọi là chùa Pháp Vũ, tương truyền có cùng thời với chùa Dâu. Nhưng theo văn bia thì chùa được dựng từ thời Lý… Trong có quả đại hồng chung đúc năm 1801, đời Tây Sơn. Chùa còn lưu lại nhiều di vật và đồ thờ có giá trị như rồng đá (dáng dấp đời Trần), gạch (đời Mạc), sách đồng (đời Lê), khánh, chuông … đặc biệt là nhục thân của thiền sư Đạo Châu (tục danh Vũ Khắc Minh) và thiền sư Đạo Tâm (tục danh Vũ Khắc Trường)” (sách trên, trang 394).
Sau khi chỉ rõ được địa điểm của chùa Dâu, chùa Đậu và chùa Dàn, chúng tôi cố tìm chi tiết về chùa Phi Tướng thờ bà Tướng (nhưng không thấy, xin tìm thêm sau). Có một điều thắc mắc là tại sao chùa Pháp Vũ tức chùa Đậu lại ở mãi xa, tận huyện Thường Tín, thuộc tỉnh Hà Đông mà không ở vùng Thuận Thành ? Từ điển di tích văn hóa Việt Nam cho biết: “… Tương truyền thái thú Giao Châu là Sĩ Nhiếp đến miền huyện Thượng Phúc thấy thế đất đẹp, dân cư đông đúc, khuyên dân lập chùa, rước tượng Pháp Vũ ở huyện Siêu Loại (nay là huyện Thuận Thành, Hà Bắc) về thờ, đặt tên là chùa Thành Đạo (cũng gọi là chùa Pháp Vũ) … Năm 1636, đời Lê Thần Tông, cung tần Ngô Thị Ngọc Nguyên xuất tiền sửa chùa, văn bia 1639 có ghi việc sửa chùa. Năm 1655 vua Lê Thần Tông sắc phong là ề An Nam đệ nhất danh lam Ừ. Các chúa Trịnh cũng thường đến thăm và lễ Phật ở chùa này. Năm 1698, Định vương Trịnh Căn đến thăm chùa có đề thơ nôm :
Thanh quang mè mẽ chốn dao quang,
Gấp mấy trần gian mấy thế thường.
Cửa mở tượng đồ, đồ tuệ chiếu,
Vẹn gồm khoa lục, lục kim cương.
Duềnh thâu bích hải, duềnh quanh quất,
Sắc ánh từ vân, sắc rỡ ràng.
Thịnh đức càng ngày càng hiển ứng,
Rành thay rành rạch dấu thiêu hương.
Năm 1718, An Đô vương Trịnh Cương đến thăm chùa cũng có đề thơ vịnh. Năm 1742, chúa Trịnh Doanh cùng thái phi Trương Thị Ngọc Chử đến thăm, cho tu sửa lại chùa. Đến nay, chùa còn giữ được di vật như rồng đá đời Trần, gạch và bệ đá hoa sen thời Mạc, hai bài thơ nôm của hai chúa Trịnh Căn, Trịnh Cương khắc trên biển gỗ v.v…” (trang 520-521).
8. Nhiều sách giới thiệu “cụm chùa Tứ Pháp ở bên bờ sông Dâu” làm cho người ta hiểu lầm rằng chùa Đậu ở gần đó, mà khi tra cứu đúng ra thì lại ở tận Thường Tín, nghĩa là từ Thuận Thành phải đi về phía Tây Nam vài chục km và phải qua sông Hồng !
Thật ra, việc thờ Tứ Pháp không phải chỉ gói trọn trong bốn chùa kể ở các phần trên đây. Tín ngưỡng Tứ Pháp đã lan rộng cho nên có nhiều vùng thờ Tứ Pháp. Người ta đã dẫn bài viết của tác giả Toan Ánh, đại khái như sau : tại tổng Ôn Xá, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên có chùa Ôn Xá – tục gọi là chùa Un – thờ bà Pháp Điện. Khi cần cầu mưa (đảo vũ) thì dân tổng rước tượng ba bà Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi đến hội với bà Pháp Điện. Có câu ca dao
Ba bà trẩy hội chùa Un,
Mưa gió ùn ùn thiên hạ dễ làm ăn.
Người ta không rước tượng Pháp Điện ra khỏi chùa, lý do dễ hiểu là con người mang tâm lý “sợ sét đánh”.
Còn có hội rước đảo vũ ở huyện Yên Mỹ, Hưng Yên và ở huyện Mỹ Hào cũng thuộc Hưng Yên, cách tiến hành khác nhau nhưng mục đích chính vẫn là cầu mưa hay cầu tạnh, còn một mục đích nữa là tăng cường sự liên lập giữa các làng với nhau vì luôn luôn phải rủ nhau cùng tổ chức lễ hội.
Đọc truyện Man Nương và tín ngưỡng Tứ Pháp, chúng ta học được mấy điều sau này: Tín ngưỡng Tứ Pháp ở nước ta có thể đã bắt nguồn từ việc thờ cúng Mây Mưa Sấm Sét là những hiện tượng mà con người cổ chưa hiểu, đó là những yếu tố giúp đỡ hay làm hại cho sinh hoạt, đặc biệt là việc trồng lúa, hoa màu. Cầy cấy thì “còn trông nhiều bề” :
Trông trời, trông đất, trông mây,
Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm,
Trông cho chân cứng, đá mềm,
Trời yên bể lặng mới yên tấm lòng.
(Quốc văn giáo khoa thư)
Nhà nông có câu: “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Cấy lúa cần nhất là nước rồi mới đến phân bón, sự chăm chỉ cần cù và hạt giống tốt. Vậy thì cần mưa ; mây chở mưa đến ; có chớp báo trước ; nhiều khi sấm chớp đi liền nhau. Có mưa là có nước. Tuy nhiên mưa mà đến độ “thối đất thối cát” thì cũng nguy hiểm. Vì thế phải thờ bốn bà Vân, Vu,õ Lôi, Điện để cầu mưa hay cầu tạnh tùy lúc.
Tín ngưỡng ấy có ở nước ta trước khi Phật giáo du nhập. Khi Phật giáo tới với bùa chú, phép, … , thì người dân dễ tin. Khi Phật giáo dạy từ bi, cứu khổ cứu nạn .. thì những điều ấy thích hợp với lòng người, do đó dễ được chấp nhận, và Phật giáo đi sóng đôi với tín ngưỡng bản thổ, ở đây là tín ngưỡng Tứ Pháp. Không những đi sóng đôi mà là hòa nhập, cho nên có thể nói Phật giáo đến nước ta đã Việt hóa ! Trong chùa Dâu chẳng hạn, có đủ tượng Phật và có tượng Phật Pháp Vân tức bà Dâu, người ta còn để ý rằng có lẽ tượng Phật không được coi quan trọng bằng tượng bà Dâu, vì tượng Phật nhỏ hơn và đặt ở bàn thờ ngoài trong khi tượng bà Dâu được đặt ở trong khám bên cạnh có tượng Kim Đồng, Ngọc Nữ. Lại có thờ Thạch Quang. Đặc biệt, có thờ cụ Trạng Mạc Đĩnh Chi là người đã đứng ra sửa chùa.
Đạo Phật tới đâu thì cũng chỉ dùng phương cách hòa bình, cảm hóa mà không áp đặt. Hơn thế, vì đạo Phật là một đạo rất khoan dung cho nên chấp nhận các tín ngưỡng địa phương. Vấn đề hình thức không quan trọng, miễn là tin và sống theo lời Phật dạy. Vì thế người dân Việt Nam nói ”nhờ ơn Trời Phật”, coi Trời cao hơn Phật, mà Phật chẳng thấy phiền hà gì ; mấy người vào đền, chào nhau “Mô Phật”, cũng chỉ là bình thường dù Phật chẳng có dạy lên đồng hầu bóng ; điểm cốt yếu là có tin nhân quả không, có tin nghiệp báo luân hồi không, có thực hành từ bi hỉ xả không, … nếu được vậy thì tốt rồi, đặt tượng Phật ngồi ngoài khám không có sao cả. Đạo Phật bảo : Hình tướng chỉ là bề ngoài, không cần chấp trước. Tất cả là “không” cơ mà. Khi người ta đạt đến mức ấy thì đúng là lên tới đỉnh cao của đạo Phật !
Từ đạo Phật đến Man Nương, qua Tứ Pháp, và Phật Việt Nam, đến các chùa rồi đến chữ Không. Quả thật, chúng tôi đi đã xa quá !
Vấn đề mà chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là việc gọi bà Dâu là Phật Pháp Vân và sự linh ứng của chùa Dâu tức chùa Pháp Vân. Sử có chép việc vua Lê Nhân Tông cho rước tượng Phật Pháp Vân về kinh đô Thăng Long để làm lễ cầu mưa. Đặc biệt, vua Lê Thánh Tông làm tới ba bài thơ về chùa Pháp Vân và một bài về chùa Pháp Vũ, tất cả còn ghi trong Hồng Đức quốc âm thi tập (triều vua Lê Thánh Tông có hai niên hiệu là Quang Thuận và Hồng Đức). Nhà xuất bản Văn Học ở Hà Nội đã xuất bản Hồng Đức quốc âm thi tập vào năm 1982. Đáng tiếc là chú thích về hai chùa Pháp Vân và Pháp Vũ có chỗ sai lầm !
Hẳn cũng vì một lý do quan trọng nào đó mà nhà nho Lý Tử Tấn (1378 – 1460) đã soạn văn bia chùa Pháp Vân (Pháp Vân cổ tự bi ký), quan trọng đến mức nhà bác học Lê Quý Đôn đã chép lại bài văn bia đó trong Kiến văn tiểu lục và Toàn Việt thi lục. Theo ý chúng tôi, điều quan trọng chính là ở chỗ Phật Pháp Vân là một vị Phật bản địa của Việt Nam và rất linh ứng, cho nên từ vua, quan cho đến dân đều hết sức sùng bái, sùng bái từ thời Luy Lâu đến tận nay, qua gần hai chục thế kỷ. Sùng bái qua hình tượng một vị Phật chứ không phải một vị thần, thánh; thờ trong chùa chứ không phải trong đền. □
Tài liệu tham khảo :
1/ Lĩnh Nam Chích Quái, bản dịch của Lê Hữu Mục, nhà xb Khai Trí, Saigon, 1961.
2/ Việt Nam Văn Học Sử Yếu, Dương Quảng Hàm, Trung Tâm Học Liệu bộ QGGD xb, in lần thứ 10, Saigon, 1968.
3/ Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim, nhà xb Tân Việt, in lần thứ 7, Saigon, 1964.
4/ Luận về nền Văn Hóa Tổng Hợp của Dân Tộc Việt Nam, Khiếu Đức Long, nhà xb Dân Việt, Montréal, 1993.
5/ Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Nguyễn Lang, nhà xb Lá Bối, Saigon, 1973.
6/ Từ điển Di Tích Văn Hóa Việt Nam, nhà xb KHXH, Hà Nội, 1993.
7/ Những mối tương quan giữa Phật Giáo và Văn Hóa Việt Nam, Đào Đức Hoàng, tài liệu thuyết trình mùa An cư Kết hạ tại Tổ Đình Từ Quang, Montréal, 1995.
8/ Việt Nam Danh Lam Cổ Tự, Võ Văn Tường, nhà xb KHXH, Hà Nội, 1992.
9/ Tiếp cận Tín Ngưỡng Dân Dã Việt Nam, Nguyễn Minh San, nhà xb Văn Hóa Dân Tộc, Hà Nội, 1994.
10/ Lịch sử Phật Giáo Việt Nam, quyển 1, từ khởi thủy cho đến năm 544, Lê Mạnh Thát, Đại Học Vạn Hạnh, Saigon, bản mới, có bổ túc, 1999.
11/ Hồng Đức quốc âm thi tập, do Phạm Trọng Điềm và Bùi Văn Nguyên phiên âm, chú giải và giới thiệu ; nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, 1982. Trang 147: “… Hoàng Việt địa dư chí chép : chùa (Pháp Vân) ở xã Vạn Kỳ, huyện Gia Bình, trấn Kinh Bắc (tức huyện Gia Lương tỉnh Hà Bắc bây giờ). Thời Sĩ Vương, một nhà sư đi lại với Man Nương ở trong chùa, có mang, sinh con gái, đặt tên là Pháp Vân. Do đấy chùa này cũng gọi là chùa Đại Bi. Trong chùa có thờ hai vị sư : Huyền Quang và Pháp Loa là hai người sáng lập ra chùa này”. Các chi tiết này đều sai lầm.
Trang 146: “Chùa Pháp Vũ còn gọi là chùa Diên Ứng ở xã Khương Tự, huyện Thuận Thành (Hà Bắc). Chùa có một trăm gian, tháp chín tầng và cầu chín nhịp, do Mạc Đĩnh Chi, trạng nguyên triều nhà Trần xây dựng. Chùa thờ bốn tượng Phật là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện (Đại Nam nhất thống chí)”. Thế là lầm Pháp Vân thành Pháp Vũ. Cụ Trạng Mạc Đĩnh Chi chỉ có công tu sửa, mở rộng chùa Pháp Vân thôi, không xây dựng chùa.
12/ Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú (nhà xb Khoa học xã hội Hà Nội, 1992) ghi: “Lý Tử Tấn người làng Triều Đông, huyện Thượng Phúc, Hà Đông, đỗ thái học sinh năm 1400 (đời Hồ Quý Ly). Học vấn của ông rộng khắp, thời bấy giờ ai cũng tôn trọng. Đầu đời Lê, ông đến yết kiến nơi hành tại, Lê Thái Tổ (Lê Lợi) khen là người học nhiều, sai giữ việc văn thư. Ông làm quan đến chức học sĩ viện Hàn Lâm trải khắp các triều Thái Tông, Nhân Tông …”.
(Ghi chú: Nguyễn Trãi người làng Nhị Khê, huyện Thượng Phúc, Hà Đông đậu thái học sinh năm 1400, cùng khoa với Nguyễn Tử Tấn).
13/ Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Quốc sử quán triều Nguyễn, Nhà xuất bản Giáo Dục, Hà Nội, 1998, trang 944, tập 1, ghi: “Đến đây (1448), hạn hán. Nhà vua (Lê Nhân Tông) đem trăm quan đến cung Cảnh Linh và chùa Báo Ân, làm lễ đảo vũ. Rồi rước tượng phật Pháp Vân đến chùa Báo Thiên, hạ lệnh cho sư tụng kinh cầu đảo. Nhà vua hầu hoàng thái hậu đến dự lễ. Ngày ấy tha cho 24 người tù bị tình nghi”.
Cũng sách trên, trang 347, ghi: “1073, mưa dầm mãi không tạnh. Nhà vua (Lý Nhân Tông) sai làm lễ ở chùa Pháp Vân và đền thờ núi Tản Viên để cầu được tạnh nắng. Lời chua- Chùa Pháp Vân ở thôn Văn Giáp, huyện Thượng Phúc thuộc Hà Nội. Tương truyền một hôm, mưa gió sấm sét ầm ầm, cây đa bị đổ ; người thôn ấy lấy gỗ đa tạc tượng* rồi dựng chùa thờ, nên gọi là chùa Pháp Vân. Núi Tản Viên ở huyện Bất Bạt tỉnh Sơn Tây. Đền thờ thần Tản Viên ở trên đỉnh núi. Tương truyền : thần núi ấy là Hương Lang, tức là một trong năm mươi con Lạc Long Quân theo mẹ về miền núi”.
Các nhà chú giải nhận thấy sai lầm nên viết ở cuối trang: “Chùa Pháp Vân (còn gọi là chùa Dâu) ở xã Khương Tự, huyện Siêu Loại, nay là xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Còn chùa Pháp Vũ (còn gọi là chùa Đậu) ở thôn Gia Phúc, huyện Thượng Phúc, nay là thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây” □
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
Paid Links