11/03: 31.Tôn Giả Muc-Kiền-Liên-32.Tôn Giả A-Nan
Category: Phật Học – Phật học ôn tập-
Posted by: Tbl Đọc: 6456 lần
BƯỚC VÀO CỬA PHẬT – Quyển 2
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
Bài 31.Tôn Gỉả Mục-Kiền-Liên
1. Rằm tháng bảy là một ngày lễ quan trọng, đó là ngày lễ Vu-Lan. Nhờ tụng Kinh Vu-Lan, chúng ta biết nguồn gốc lễ Vu-Lan là do chuyện ngài Mục-Kiền-Liên tìm cách cứu mẹ khỏi cảnh quỷ đói. Ngài Mục-Kiền-Liên là một trong mười đại đệ tử của đức Phật, là bậc thần thông đệ nhất. Nhờ thần thông, ngài thấy được vong linh của mẹ là bà Thanh-Đề bị đọa thành quỉ đói, khổ sở vô cùng; ngài muốn dùng sức thần thông của mình để cứu mẹ mà không nổi nên về cầu cứu đức Phật. Đức Phật dạy rằng phải nhờ sức chú nguyện của chư tăng, nhân ngày tán hạ tức là ngày rằm tháng bảy, thì mới hội đủ thần lực để làm công việc ấy. Nhờ nương sức oai thần của chư tăng mười phương mà mẹ ngài thoát khỏi cảnh khổ ngạ quỷ.
Sau khi tụng kinh, chúng ta niệm : Nam mô Đại hiếu Mục-Kiền-Liên bồ-tát. Tôn giả Mục-Kiền-Liên được coi là nhân vật tượng trưng cho lòng đại hiếu.
2. Hôm nay, chúng tôi xin trình bày…
… mấy nét về tôn giả Mục-Kiền-Liên. Chữ sanskrit ghi tên tôn giả là Maudgalyāyana, chữ pali ghi là Moggallāna, phiên âm thành Mục-Kiền-Liên hay Mục-Kiện-Liên, gọi ngắn là Mục-Liên; còn một phiên âm khác là Một-Đặc-Già-La. Ấy là chưa kể tên do dịch nghĩa mà ra, như Đại Tán Tụng … Để tôn xưng, người ta thêm chữ Mahā vào trước (mahā nghĩa là lớn), vì thế mới có tên Đại Mục-Kiền-Liên và Ma-Ha Mục-Kiền-Liên. Một thuyết khác cho rằng Mục-Kiền-Liên là một họ, nhiều người cùng mang họ đó nên dễ lầm, do đó phải thêm chữ Ma-Ha cho rõ.
Tôn giả Mục-Kiền-Liên vốn là dòng bà-la-môn phong lưu, sang trọng ở vùng ngoại thành Vương Xá nước Ma-Kiệt-Đà, là một người học rộng, có hạnh đức và trí huệ. Trong khi dự một cuộc lễ ở thành Vương Xá, tôn giả đã làm quen với tôn giả Xá-Lỵ-Phất. Đó là hai người bạn chí thân, cùng tuổi, ngang tài, học rộng, khiêm cung, đức hạnh và rất mực kính trọng nhau. Mỗi khi nhắc đến ngài Mục-Kiền-Liên là người ta nghĩ ngay đến ngài Xá-Lỵ-Phất và ngược lại. Hai người giao kết xuất gia. Tôn giả Mục -Kiền-Liên về xin phép cha mẹ, nhưng không được chấp thuận. Sau nhờ chí cương quyết của tôn giả nên cha mẹ đành cho phép. Còn tôn giả Xá-Lỵ-Phất thì gặp hoàn cảnh dễ dàng hơn. Hai vị đến thành Vương Xá, nơi đó có sáu nhà sư ngoại đạo đang nổi danh, nên đến nghe họ thuyết pháp. Sau, cùng nhau theo làm đệ tử ông Sanjaya nhưng không được thỏa dạ nên bỏ đi. Hai người hẹn với nhau ai tìm được đường tu trước thì phải báo ngay cho người kia (1).
Tôn giả Xá-Lỵ-Phất nhân gặp một đệ tử của đức Phật là Át-Bệ mà biết được Phật pháp nên về rủ bạn quy y Tam Bảo. Theo đức Phật trong vòng bảy ngày, ngài Mục-Kiền-Liên đã đắc quả a-la-hán; và trong vòng nửa tháng thì đến lượt ngài Xá-Lỵ-Phất đắc quả. Hai vị là hai đại đệ tử vô cùng xuất sắc và đức hạnh của đức Thế Tôn, rất gần đức Thế Tôn, coi như hai cánh tay của đức Thế Tôn. Người ta nói đó là hai cánh của con chim đại bàng.
Ngày nay, trong nhiều chùa, người ta thấy tượng hai vị Ca-Diếp và A-Nan ở hai bên tượng Phật Thích-Ca (hai ngài là sơ tổ và nhị tổ của Phật giáo). Tuy nhiên trong thực tế, khi đức Thích-Ca còn tại thế thì người ta phải công nhận rằng : không kể những dịp phải đi hoằng hóa nơi xa, hai vị Xá-Lỵ-Phất và Mục-Kiền-Liên luôn luôn ở bên cạnh đức Phật. Khi hai vị nhập diệt, đức Phật than: «Này các tỳ-kheo, đối với ta bây giờ quả thật trống rỗng, khi Xá-Lỵ-Phất và Mục-Kiền-Liên không còn».
3. Đa số Phật tử chúng ta đồng hóa ngài Mục-Kiền-Liên với kinh Vu-Lan và lòng chí hiếu. Nếu đọc thêm tài liệu thì chúng ta thấy người ta nhắc nhiều đến các phép thần thông của ngài, các phép ấy lên đến một độ cao siêu, oai mãnh cho nên ngài mới được kể là bậc thần thông đệ nhất. Những thần thông nào? Đó là lục thần thông hay lục thông của các vị đã đắc quả a-la-hán, duyên giác, Phật : 1) Thiên nhãn thông (thấy mọi vật trong vũ trụ). 2) Thiên nhĩ thông (nghe mọi tiếng khắp nơi). 3) Túc mạng thông (biết chuyện đời trước của mình và của người, biết luôn cả đời này với đời sau). 4) Tha tâm thông (biết đoán trong tâm người). 5/)Thần túc thông (phép đi khắp nơi trong nháy mắt, phép biến hóa chi tùy ý). 6) Lậu tận thông (phép trong sạch hoàn toàn, nhà đạo dứt hết các trìu mến, chấp trước, không còn chấp pháp, không còn chấp ngã). (1)
Các vị đệ tử của đức Phật khi đắc quả a-la-hán đều có thần thông cả nhưng ít khi thi triển, vả lại đức Phật không khuyến khích việc thi triển thần thông. Chúng ta hãy nghe câu chuyện này : khi một tu sĩ ngoại đạo trổ tài đi trên mặt nước cho đức Phật coi, đức Phật đã nói : Tu trên 40 năm chỉ để đi trên mặt nước như thế thôi sao? Ta chỉ cần đưa cho chú lái đò một xu là được chở qua sông ngay. Như thế là ngài muốn cho mọi người hiểu rằng mục đích của Phật pháp là giác ngộ và giải thoát khỏi sinh tử luân hồi chứ không phải là đắc thần thông. Đắc thần thông chỉ là kết quả của việc tu hành Phật đạo, đắc thần thông rồi thì chỉ dùng thần thông trong vài trường hợp khẩn cấp cứu khổ cứu nạn hay hàng phục tà ma ngoại đạo, không được coi thần thông là mục đích sau cùng để đạt tới.
Việc ngài Mục-Kiền-Liên thi triển thần thông được nói đến rất nhiều nhưng ở đây chúng tôi chỉ kể ra một hai trường hợp điển hình. Nhưng trước đó, xin nhấn mạnh rằng công việc du hóa thuyết pháp độ sinh và hàng phục tà ma ngoại đạo của ngài Mục-Liên thật là trọng đại. Chúng ta không nên để việc thần thông che lấp những sự kiện ấy.
Trường hợp thứ nhất: Dân chúng thành Xá-Vệ mở yến tiệc thết đãi đủ hết các giáo phái và mời thêm nhiều khách quý như vua Ba-Tư-Nặc. Tôn giả Mục-Kiền-Liên tới trước, đợi Phật và đoàn chư tăng tùy tùng ở bên này bờ sông. Bỗng dưng mực nước dâng cao rất mạnh làm đổ cây cầu bắc ngang sông. Tu sĩ ngoại đạo kẹt cả ở bên kia sông. Tôn giả Mục-Kiền-Liên trông thấy đức Phật từ đằng xa đi tới, bèn hóa phép làm ra một cây cầu để nghênh đón đức Phật và chư tăng. Những người ngoại đạo thấy vậy, tranh nhau lên cầu, cầu gẫy, họ té cả xuống sông. Khi Phật tới nơi, lại có một cây cầu mới để ngài bước lên. Thấy nạn nhân ngoi ngóp dưới nước, đức Phật chạnh lòng từ bi, cứu họ lên hết. Họ theo chân đức Phật mà qua cầu, khi mọi người qua hết thì cầu biến mất!
Trường hợp thứ nhì : Vào một đêm yên tĩnh, hai vị Xá-Lỵ-Phất và Mục-Kiền-Liên cùng ngụ trong một thiền phòng. Khi tôn giả Xá-Lỵ-Phất không nghe thấy tiếng thở của bạn thì bèn hỏi lý do. Tôn giả Mục-Liên cho biết mình đang bận thưa thỉnh với đức Phật. Tôn giả Xá-Lỵ-Phất tỏ ý thắc mắc vì lúc đó Phật đang ở một nơi rất xa. Tôn giả Mục-Kiền-Liên giải thích rằng đức Phật và ngài đều có thiên nhãn thông và thiên nhĩ thông nên cứ ngồi yên tại hai chỗ cách xa nhau mà vẫn nói chuyện với nhau được, và cho biết thêm rằng nếu để tâm vận dụng thì tôn giả Xá-Lỵ-Phất cũng làm được như vậy.
Nghe chuyện này, người ta có thể nghĩ rằng thần thông của ngài Xá-Lỵ-Phất thua kém thần thông của ngài Mục-Kiền-Liên. Thật ra, ngài Xá-Lỵ-Phất rất khiêm nhường và quý mến bạn nên cố ý đề cao bạn. Có một lần, khi đức Phật chuẩn bị thuyết pháp, hai vị đang ở xa không muốn về trễ nên rủ nhau cùng bay về pháp hội. Ngài Mục-Kiền-Liên bay trước nhưng khi tới nơi thì thấy ngài Xá-Lỵ-Phất đã ngồi hầu Phật rồi! Sau thời pháp, ngài trình đức Phật rằng có lẽ thần thông của mình đã kém đi chăng, vì rõ ràng là bay trước mà tới sau. Đức Phật cho biết rằng thần thông của Mục-Kiền-Liên không kém ai, trừ Phật – tuy nhiên cần nhớ rằng Xá-Lỵ-Phất còn là bậc đại trí huệ!
Khi thấy người ta bàn tán cho rằng tôn giả Mục-Kiền-Liên không chắc đã là bậc thần thông đệ nhất thì tôn giả Xá-Lỵ-Phất đến xin đức Phật làm sao cho mọi người trả lại danh hiệu thần thông đệ nhất cho bạn quý của mình. Đức Phật nhận lời. Sau một buổi thuyết pháp, trước thính chúng, đức Phật bảo ngài Mục-Kiền-Liên thi triển thần thông. Một chân đạp lên địa cầu, một chân đạp lên cõi trời Phạm thiên, ngài Mục-Kiền-Liên khiến cho đại địa rung động sáu cách (2) và ngài dùng phạm âm mà thuyết pháp trong không trung. Đại chúng bấy giờ hết sức bái phục, thấy rằng quả thật ngài là thần thông đệ nhất.
Trong cuốn sách Thập đại đệ tử của đức Phật, chúng tôi đọc được những dòng này (3): Thần thông của Mục-Kiền-Liên trong hàng đệ tử Phật không ai sánh bằng. Phàm việc gì ngài vận dụng thần thông đều thành tựu. Thần thông rất tiện cho việc tiếp dẫn chúng sinh, nhưng thần thông không thể đi ngược phép tắc nhân quả, không thể thắng nghiệp lực, không thể giải thoát sinh tử, đó là sự thật. Thí dụ: Cũng vì ác nghiệp quá nặng cho nên khi dòng họ Thích bà con của đức Phật bị kẻ thù đến tàn sát, ngài Mục-Kiền-Liên đã cố gắng mà cũng không thể cứu nổi : ngài hóa phép bay vào kinh thành đang bị vây hãm, thu gọn năm trăm người họ Thích vào trong bình bát rồi bay ra khỏi thành. Nhưng khi mở bình bát ra thì chỉ thấy vết máu mà thôi!
4. Ngài Mục-Kiền-Liên trong một kiếp trước là dân thuyền chài, đã bắt và giết rất nhiều cá. Nghiệp sát sinh đem lại quả báo: sẽ bị người ta hại. Tôn giả Mục-Liên bị hại như thế nào?
Kinh Tăng Nhất A Hàm, quyển 18, 19, đã viết như sau: Bấy giờ tôn giả Mục-Liên đi vào thành La-Duyệt khất thực. Đám Phạm chí (người tu theo đạo Bà-la-môn) từ xa nhìn thấy, bèn nói với nhau rằng : Người kia là đệ tử của sa-môn Cù-Đàm. Đó là đệ tử giỏi nhất trong đám đệ tử. Chúng ta hãy xúm lại đánh cho hắn một trận. Đám ấy quây đánh khiến thân ngài tả tơi, rất là đau đớn. Khi ấy ngài Mục-Liên mới vận thần thông tới nơi ở của ngài Xá-Lỵ-Phất là Kỳ Hoàn tịnh xá. Ngài Xá-Lỵ-Phất nói: Trong số các đệ tử của đức Thế Tôn, ngài là bậc thần thông đệ nhất, sao ngài không vận thần thông tránh họ đi. Ngài Mục-Liên đáp : Túc nghiệp tôi còn nặng quá, chữ thần còn chưa dám nghĩ tới, huống hồ dám phát ra thông sao! Tôi mang sự đau đớn này tới từ biệt ngài đi nhập vào Bát Niết-bàn đây. Ngài Xá-Lỵ-Phất nói: «Ngài hãy khoan một chút, để tôi diệt độ trước đã ». Ngài Xá-Lỵ-Phất liền tới từ biệt đức Phật, rồi về quê hương thuyết pháp cho bà con thân thích nghe, và sau đó diệt độ. Ngài Mục-Liên cũng tới từ biệt đức Phật, rồi về quê hương thuyết pháp và diệt độ (4).
Sách Thập đại đệ tử kể trên đây chép chi tiết hơi khác : bọn lõa hình ngoại đạo từ trên núi lăn đá xuống để giết ngài Mục-Liên, đá rơi loạn xạ như mưa khiến nhục thân vô thường của tôn giả nát bấy như tương. Hai ba ngày sau, bọn sát nhân chưa dám đến gần vì chúng còn sợ thần thông của ngài.Vua A-Xà-Thế nghe tin ngài Mục-Liên bị ám hại, hết sức tức giận, ra lệnh bắt hết những kẻ ngoại đạo tàn ác kia đem ném vào hầm lửa.
Kinh Pháp Hoa ghi rằng đức Phật có thọ ký cho ngài Mục-Kiền-Liên và ngài Xá-Lỵ-Phất sau sẽ thành Phật. □
CHÚ THÍCH
(1) Theo Phật học Từ điển của Đoàn Trung Còn , in lại tại Saigon, 1992: Sáu nhà sư ngoại đạo là sáu sư trưởng của sáu phái tuy cùng tu theo đạo Bà-la- môn nhưng mỗi người trưng ra một học thuyết khác nhau. Họ cùng thời với đức Phật. Sau khi đức Phật nhập diệt rồi, sáu phái ấy còn tồn tại. Từ điển kể trên kê rõ tên và giảng về học thuyết của lục sư ngoại đạo đó.
(2) Chấn động sáu cách, đó là nói về sáu cách rung chuyển của đất : động (rung động), khởi (vùng dậy), dõng hay dũng (phun ra), chấn (vang dội), hống (gào lên), kích (đánh ra). Ba thứ trước là nói về hình thể. Ba thứ sau là nói về âm thanh. (theo Từ điển nói trên).
(3) Coi Thập Đại Đệ tử, tác giả : Thích Tinh Vân, dịch giả : Như Đức. Ấn tống 1997, không thấy ghi nhà xb và nơi xuất bản.
4) Theo Từ Điển Phật học Hán Việt , Phân viện nghiên cứu Phật học xb, hai tập, Hà Nội, 1992 & 1994. □
Bài 32. TÔN GIẢ A-NAN
1. Mỗi khi tụng kinh, chúng ta thấy kinh bắt đầu bằng mấy chữ “Tôi nghe như vầy”. Đó là lời nói của ngài A-Nan, vị thị giả của đức Phật. Ngài A-Nan là một trong mười đại đệ tử của đức Phật, là bậc đa văn đệ nhất (đa văn nghĩa là nghe nhiều). Trí nhớ của ngài rất là kỳ diệu, ngài nhớ tất cả các bài pháp của đức Thế tôn. Đại trưởng lão Ma-ha Ca-Diếp được đức Thế tôn truyền y bát để nhận trách nhiệm làm Tổ thứ nhất của Phật giáo. Mấy tháng sau khi đức Thế tôn tịch diệt thì ngài Ma-Ha Ca-Diếp triệu tập Kết tập pháp để đọc tụng toàn thể các điều giảng dạy của đức Phật, nhằm mục đích giữ lại cho chính xác bởi vì khi đức Phật thuyết pháp thì không có ai ghi chép thành văn bản. Ngài A-Nan được cử tụng lại các kinh và nhờ trí nhớ siêu phàm của ngài mà ngày nay chúng ta có được đày đủ các kinh trong Tam tạng.
Hôm nay, chúng tôi xin trình bày vài nét về ngài A-Nan.
2. Chúng ta đều nhớ rằng đức Phật Thích-Ca khi chưa xuất gia là thái tử Tất-Đạt-Đa, con vua Tịnh-Phạn và hoàng hậu Ma-Da. Vua Tịnh-Phạn có một người em ruột là vua Bạch-Phạn, vị này có hai con trai là Đề-Bà-Đạt-Đa và A-Nan-Đà (gọi tắt là A-Nan, chữ này dịch thành Khánh Hỷ, nghĩa là vui mừng). Đức Thích-Ca thành đạo khi ngài 35 tuổi. Lúc đó ngài A-Nan mới chừng sáu bảy tuổi, vậy có thể nói rằng ngài kém đức Phật vào khoảng 30 tuổi. Ngài bắt đầu làm thị giả cho đức Phật khi ngài trên 20 tuổi, lúc ấy đức Phật đã 50 tuổi.
Vài năm sau khi đức Phật thành đạo, Ngài trở về hoàng cung ở thành Ca-Tì-La-Vệ. Các vương tôn công tử đua nhau đi đón Ngài. Sức cảm hóa của Ngài rất mạnh mẽ. Rất nhiều người xin xuất gia theo Ngài, trong số đó có các hoàng thân Đề-Bà-Đạt-Đa (sau này là người phản bội đức Phật, mưu toan ám hại Ngài mà Ngài vẫn từ bi tha thứ), A-Nan, Bạt-Đề, A-Na-Luật (sau là bậc thiên nhãn đệ nhất) …, đặc biệt là có con trai duy nhất của Phật là La-Hầu-La mới có mấy tuổi (sau là bậc tu mật hạnh đệ nhất) và người thợ cạo của các công tử tên là Ưu-Bà-Ly (sau này là bậc trì giới đệ nhất).
3. Trong mười mấy năm từ sau khi đắc đạo, đức Phật không có thị giả chính thức, nếu có thì chỉ là mấy vị làm việc tạm, chưa hề chính thức đảm nhận công việc khó khăn ấy. Khi đức Phật tới tuổi 50 thì sức khỏe kém đi, đồng thời công việc hàng ngày quá nhiều, tân khách lại quá đông nên các đệ tử nghĩ đến việc kiếm một thị giả cho ngài.
Khi ngài A-Nan được các trưởng lão tiếp xúc để đề cử làm thị giả cho đức Phật, thì thoạt tiên ngài từ chối, sau vì lời thỉnh cầu khẩn khoản và lời giải thích thỏa đáng của các vị trưởng lão, ngài ưng thuận nhưng xin trình trước với đức Phật những điều sau đây, cốt để tránh những điều dị nghị sau này cho rằng ngài nhận việc vì có ý mưu cầu các lợi ích vật chất :
1. Không mặc áo mà đức Phật ban cho, dù là mới hay cũ,
2. Không dùng các thức ăn uống mà thí chủ dâng cúng Phật, dù là đồ thừa,
3. Không ngụ chung tịnh thất với đức Phật,
4. Không đi theo Phật đến những nơi mà thí chủ chỉ thỉnh Phật mà thôi,
5. Được đức Phật hoan hỉ cùng đi với ngài tới nơi mà ngài được mời,
6. Được quyền sắp xếp, tiến cử những vị khách muốn đến gặp đức Phật,
7. Được phép hỏi đức Phật mỗi khi có điều hoài nghi,
8. Được đức Phật hoan hỉ nói lại những bài pháp mà đức Phật đã thuyết khi ngài vắng mặt.
Đức Phật nhận những đề nghị ấy và ngài A-Nan trở thành thị giả của đức Phật trong hơn hai mươi lăm năm, cho đến khi đức Phật nhập diệt. Ngài làm bổn phận rất cần mẫn và tận tụy, với lòng tôn kính cao độ và sự săn sóc tận tâm đối với đức Thế tôn. Bất cứ tài liệu nào cũng công nhận như vậy.
4. Khi ngài A-Nan gia nhập tăng đoàn thì ngài là một hoàng tử trẻ tuổi hình dung tuấn tú, ăn nói khoan thai, tính tình hòa nhã, lại biết nhường nhịn. Vì lẽ ấy nên ai ai cũng quý mến và nhiều cô thầm yêu trộm nhớ. Cũng vì thế mà nhiều phen ngài bị phiền phức. Truyện kể rằng : Một thời kia, vua Ba-Tư-Nặc mở tiệc mời Phật thụ trai nơi cung cấm, các trưởng giả cư sĩ trong thành cũng xin cúng dàng trai tăng. Đức Phật sai ngài Văn-Thù hướng dẫn các vị bồ-tát và a-la-hán đến nhà các trai chủ. Riêng ngài A-Nan vắng mặt vì đã có lời mời riêng ở nơi xa. Khi về chỉ có một mình, mà không có ai cúng dàng, ngài bèn cầm bình bát đi khất thực. Qua nhà kia, có một cô gái tên là Ma-Đăng-Già đã có lòng thương nhớ ngài từ lâu. Mẹ cô này đã giúp con gái bằng cách xin bùa chú của tà đạo để mê hoặc ngài A-Nan. Đức Phật biết thị giả của mình lâm nạn, tuyên đọc thần chú rồi sai ngài Văn-Thù dùng chú này mà giải thoát cho ngài A-Nan đồng thời bắt cô gái Ma-Đăng-Già về tịnh xá để ngài giáo hóa (sau, cô gái này cũng ngộ đạo). Việc này là nguyên do Phật nói một kinh đại thừa hết sức quan trọng là kinh Thủ Lăng Nghiêm.
Như trên đã ghi, ngài A-Nan là một vương tử trẻ và đẹp, tính tình thuần nhã lại hay giúp đỡ người khác cho nên được cảm tình của mọi người, nhất là phái nữ. Câu chuyện nàng Ma-Đăng-Già vừa nói trên đây là một thí dụ. Khi ngài thuyết pháp thì trong thính chúng cũng rất đông phái nữ. Một lần kia, ngài theo lệnh của Phật đem bánh phát cho dân chúng mỗi người một cái; vô tình ngài đã phát cho một thiếu nữ hai cái bánh vì hai cái bánh đó dính vào nhau; do đó có lời xầm xì rằng ngài có tình ý với cô kia. Có một ni cô thương nhớ ngài quá mà phát bệnh, nhờ bạn đến cầu xin ngài đến thăm cô ấy trước khi chết. Khi đến, thấy ánh mắt cô kia không đoan trang, áo quần thiếu nghiêm túc, ngài bèn bỏ đi. Cô ấy hiểu ra, hổ thẹn, y phục tề chỉnh, xin ngài quay lại; ngài bèn thuyết pháp cho và cô ấy đã phấn đấu dứt được ái dục. Thật ra thì ngài hoàn toàn thẳng thắn, lúc nào cũng giữ được tâm ý trong sạch. Có thể kết luận rằng dù nhiều người mê ngài, chạy theo bám víu ngài mà ngài vẫn an nhiên không vướng chút ái dục nào. Hơn nữa từ khi nhận nhiệm vụ nặng nề và bận rộn làm thị giả hầu Phật, sự phiền nhiễu từ phía nữ nhân giảm dần, các lời xì xầm cũng hết, trong tâm ngài hoàn toàn cởi mở chờ đợi những lời pháp vàng ngọc từ nơi kim khẩu của đức Thế tôn mà thôi. Và sự tu dưỡng của ngài dần dần trở nên thuần thục. Tại rừng cây sa-la, trước khi đức Phật tịch diệt, ngài có khuyên ông A-Nan rằng : “A-Nan! Ngươi muốn xa lìa phiền não, đạt đến chứng ngộ, không thể bận tâm về nữ nhân. Nhất là ông, tuy bây giờ đã lớn tuổi rồi đó, nhưng ông không tiếp xúc với họ thì tốt hơn. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì nên xem người già như mẹ, người lớn như chị, người nhỏ như em. Này A-Nan, ông phải nhớ kỹ lời ta đấy!”. Ngoài những lời đó, đức Phật còn nói : “Ông theo làm thị giả ta rất lâu, ân cần nhẫn nại; ông đối với ta không hề thiếu sót, ta đem công đức ấy đền đáp cho ông. Ông nên dụng tâm tinh tấn tu tập, chẳng bao lâu sẽ dứt đoạn phiền não, chứng thánh quả”.
5. Chính nhờ ngài A-Nan đã cầu xin với đức Phật nên nữ giới mới được phép xuất gia như nam giới. Câu chuyện như sau : Sau khi các vương tôn công tử dòng họ Thích và ngay cả La-Hầu-La đều được đức Phật cho phép xuất gia, thì hoàng hậu Kiều-Đàm-Di của vua Tịnh-Phạn (là người dì đã nuôi nấng đức Phật) mấy lần xin Phật cho phép nữ giới được xuất gia nhưng Phật không chấp nhận. Rồi Phật rời đi xa. Bà bèn cùng rất nhiều phụ nữ dòng họ Thích từ bỏ cuộc sống vương giả, nhung lụa, mặc trang phục của nhà tu, ba y một bát, đầu trần chân đất, vất vả tìm theo đến thành Tỳ-Xá-Ly và nhất định xin cho được như nguyện, nếu không sẽ liều chết tại chỗ. Ngài A-Nan vào trình Phật, Phật không hứa khả cho nữ giới xuất gia. Sau mấy lần cầu khẩn của ngài A-Nan, đức Phật đành ưng thuận cho phép bà dì mẫu của mình và mấy trăm cô xuất gia làm tì-kheo-ni, và sau này Phật giáo có ni đoàn cũng là do nhân duyên ấy. Quả thật, đó chính là nhờ sự can thiệp của ngài A-Nan vậy.
6. Anh ruột của ngài là Đề-Đà-Đạt-Đa cũng là một đệ tử của Phật, trước khi nhập tăng đoàn ông ta là một người văn võ song toàn nhưng có tính hay ghen ghét, và tự cho mình chẳng kém Phật. Ông ta không chịu tu tập mà chỉ mong đắc thần thông, yêu cầu Phật dạy thần thông cho nhưng Phật từ chối. Các vị trưởng lão Xá-Lợi-Phất, Mục-Kiền -Liên … biết căn tính ông ta như vậy nên cũng không dạy thần thông mà chỉ dạy giáo lý thôi. Ông ta bèn tìm mọi cách chia rẽ tăng đoàn và tăng chúng, rồi đứng ra lập một giáo hội riêng. Không những thế, ông ta còn âm mưu làm hại Phật hoặc giết Phật nữa nhưng thất bại. Ngài A-Nan nhiều lần bực bội với người anh ruột nhưng theo gương nhẫn nhục của đức Phật, ngài cũng bỏ qua, trong lòng biết rằng anh mình chắc chắn sẽ bị quả báo. Đức Phật từ bi hỷ xả, đã không giận mà lại còn coi ông ta là một thiện trí thức bởi vì do những lần ông ta đã gây ra nhiều chuyện nên ngài mới có dịp đặt ra các giới luật; hơn nữa, ngài còn thọ ký cho ông ta chỉ vì trong các đời trước ông ta đã có nhiều công đức.
7. Khi đức Phật nhập diệt, ngài A-Nan vẫn chưa chứng quả a-la-hán. Ngay trong mấy trang đầu kinh Lăng Nghiêm, chúng ta được biết : khi mắc nạn nơi nhà Ma-Đăng-Già rồi được ngài Văn-Thù cứu về nơi tịnh xá của Phật, ngài A-Nan đã khóc mà nói rằng “giận nỗi mình lâu nay nghe đạo tuy nhiều nhưng đạo lực chưa toàn, còn bị khốn với ma lực”. Khi ngài Ma-Ha Ca-Diếp – là người đã nhận y bát từ nơi đức Phật – triệu tập 500 vị a-la-hán để kết tập kinh điển tại một cái động lớn gần thành Vương-Xá thì nhiều vị đề nghị mời ngài A-Nan, tuy nhiên ngài chưa quyết định được chỉ vì ngài A-Nan chưa dứt hết phiền não, nếu mời tham dự e có lời dị nghị về sau. Ngài A-Nan vận dụng hết năng lực, tập trung tư tưởng, buông xả tận cùng, thiền quán vượt bực, và tới nửa đêm thì khai ngộ, chứng quả. Sáng hôm sau, ngài dùng thần thông mà vào động dự họp, trước sự kinh ngạc và sự tán thán của chư vị la-hán. Đại hội suy cử ngài lên tòa sư tử trùng tuyên Kinh Tạng và từ đó mọi người đều biết mấy chữ : “Tôi nghe như vầy …” của ngài.
8. Khi ngài trưởng lão Ma-Ha Ca-Diếp kế thừa y bát lên ngôi Tổ thứ nhất thì ngài đã trên 80 tuổi. Giữ nhiệm vụ trên 20 năm, vào lúc quá 100 tuổi, ngài trao lại nhiệm vụ cho ngài A-Nan, khi ấy cũng đã 80. Và ngài vào núi Kê Túc mà nhập Niết-bàn.
Thánh tăng A-Nan điều khiển Giáo Hội cho đến khi 120 tuổi, tất cả các đệ tử thân cận của đức Phật bấy giờ không còn ai. Ngài nghĩ đến đức Thế Tôn, đến các vị trưởng lão Xá-Lợi-Phất, Mục-Kiền-Liên, Ma-Ha Ca-Diếp … và tự nhủ : “Các vị đã nhập Niết-bàn cả, nay chỉ còn có một mình ta, như rừng cây cổ thụ đã bị đốn hết chỉ còn một cây, làm sao che mưa che nắng cho xuể. Đã đến lúc ta nhập Niết-bàn!”. Ngài trao y bát cho tôn giả Thương-Na-Hòa-Tu.
Lúc ấy hai bên sông Hằng, hai nước Ma-Kiệt-Đà và Tỳ-Xá-Ly chuẩn bị đánh nhau. Ngài e rằng họ sẽ tranh nhau xá lợi. Ngài bèn đến nơi hư không giữa sông mà nhập hỏa quang tam muội, tấn nhập Niết-bàn, khiến tro rơi sang hai bên sông, để cho hai bên kình địch cùng được xá lợi, không tranh giành sử dụng đao kiếm. Nhờ nguyện lực của ngài, hai bên đã tránh được chiến tranh!
Có một tác giả đã trích Tăng Chi bộ kinh để kể lại rằng đức Phật đã khen ngợi ngài A-Nan là “người có học vấn uyên thâm, trí nhớ trung thực và bền lâu, tác phong cao quý và trí tuệ nhạy bén, ý chí kiên định và là người chuyên chú, cần mẫn đối với công việc cũng như đời sống tu tập”.
Kết luận về cuộc đời của thánh tăng A-Nan – vị thị giả của đức Phật, cũng là vị Tổ thứ nhì của Phật giáo – hòa thượng Thích Tinh Vân đã viết : “Tôn giả A-Nan đã nhập diệt rồi, công lao của ngài đối với đức Phật, sự cống hiến của ngài đối với Phật pháp, tư cách ôn hòa từ mẫn, khiêm tốn nhân nhượng của một bậc thánh, mỗi độ xuân về, lại khiến mọi người hoài niệm”. □
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
Bước Vào Cửa Phật- Quyển 2- Montreal 2010
Hình: Bên ngoài một ngôi chùa Nhật Bản – NN sưu tầm
Paid Links