11/06: 57-Hoài nghi – 58.Làm lành lánh dữ (HH Nguyễn Văn Phú)

11/06: 57-Hoài nghi – 58.Làm lành lánh dữ
Category: Phật Học – Phật học ôn tập-
Posted by: Tbl Đọc: 6784 lần

BƯỚC VÀO CỬA PHẬT Quyển 2
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
Bài 57. HOÀI NGHI
1. Con người ta sinh ra, lớn lên .. chịu ảnh hưởng rất lớn từ gia đình, nhà trường và xã hội., cộng thêm Nếu theo một tôn giáo nào đó thì lại chịu ảnh hưởng của tôn giáo ấy. Khi đi làm kiếm sống, khung cảnh làm việc là một ảnh hưởng nữa. Tất cả những yếu tố kể trên tác động mạnh mẽ lên mỗi con người, có thể nói là rèn đúc nên con người. Người ta còn đẩy xa việc nghiên cứu mọi thứ ảnh hưởng đến nhiều yếu tố khác như nòi giống, màu da và của thậm chí các đảng phái chính trị! Theo đạo Phật, còn một yếu tố nữa, đó là cái nghiệp cũ từ các kiếp trước nay nằm trong a-lại-da của mỗi người. Chính vì cái nghiệp đó cho nên hai anh em ruột cùng hoàn cảnh gia đình, trường học và xã hội, tôn giáo … mà vẫn khác nhau! Khác nhau về tính nết, về sức khỏe, về trí thông minh, về sở thích … và về cách phản ứng trước mỗi sự kiện…
… mà mình gặp trong đời, dù sự kiện đó thuộc phương diện nào, vật lý, tâm lý hay luân lý, kinh tế và chính trị …
Trong cuốn Phật Học Tinh Hoa, ông Nguyễn Duy Cần góp ý : « Với một đầu óc sùng tín dễ dàng, con người dễ giẫm lên những thành kiến cố hữu mà từ mới lọt lòng mẹ đến giờ đã un đúc và khuôn khổ từ mảnh mún của ta. Không có gì ru ngủ con ngươì bằng thành kiến và tập quán tư tưởng; trước ta người ta đã cảm nghĩ như thế thì ta cũng cảm nghĩ theo như thế … và sau này thiên hạ ai ai cũng sẽ cảm nghĩ như thế mãi » (1)
2. Do những hoàn cảnh như vậy, nên mới có những ý kiến khác biệt nhau về một vấn đề – dù chỉ là một vấn đề – giữa những cá nhân, những gia đình, những giai cấp, những tôn giáo, những dân tộc … Từ những khác biệt nhau ấy mà nảy sinh ra dè bỉu, giận hớn, ghét bỏ, hận thù, thậm chí xung đột võ trang và chiến tranh. Nào là những thiên kiến tức là những ý kiến nghiêng về một phía nào đó thí dụ như cho rằng chỉ có chủ nghĩa X, học thuyết Y là đúng, còn các chủ nghĩa hay học thuyết khác đều sai… Nào là thành kiến, định kiến tức là những ý kiến có sẵn trong óc mình, cứ thế mà theo, không chịu thay đổi, thí dụ như cho rằng mẹ chồng người Bắc rất khó tính, người da đen lười biếng chỉ thích lãnh tiền xã hội… Nào là biên kiến, tức là những ý kiến cực đoan, thí dụ cho rằng xã hội này nát quá rồi, phá đi hết, chẳng cần chính quyền gì cả!
Tất cả những thứ vừa kể không những làm cho con người khó thông cảm với nhau, thù nghịch nhau mà quan trọng hơn cả là không tìm ra được sự thật!
Ðạo Phật liệt kê ra nhiều thứ ác kiến tức là những tư tưởng xấu, trái với chánh pháp, ngả theo tà giáo, mê tín, dị đoan. Ác kiến đồng nghĩa với tà kiến.
Có năm ác kiến : 1/ thân kiến (chấp thân này là ta) 2/ thường kiến (xem muôn vật là thường còn, chẳng biến đổi) 3/ đoạn kiến (coi chết là hết, chẳng có quả báo chi cả) 4/ giới cấm thủ (giữ giới theo mê tín, dị đoan) 5/ kiến thủ kiến ((bám níu vào các ý tưởng sai lạc của mình) (2)
3. Ðạo Phật đề cao tự do tư tưởng. Ðức Phật đã dạy trong kinh Các vị ở Kesaputta, còn gọi là kinh Kàlàma, (Anguttara-Nikàya, Tăng Nhất tập) rằng chúng ta cần phải suy xét kỹ kưỡng về mọi điều, kể cả lời dạy của thày mình tức là của chính đức Phật. « Ngày kia, đức Phật đi qua một làng nọ, tên là Kesaputta. Dân chúng nơi đó gọi là dân Kàlàma ; khi nghe Phật đến, đón Ngài để hỏi: « Bạch Ngài, những nhà tu đến đây thuyết pháp, nhưng họ cho rằng chỉ có giáo lý của họ là đúng ; còn lại tất cả đều sai lầm ! Chúng tôi hoang mang chẳng biết ai sai ai đúng ». Phật nói : « Các người hoài nghi là phải ! Các người đừng bao giờ để cho ai dẫn dắt mình cả, sách vở cũng vậy, lý trí cũng vậy. Ðừng tin theo những kẻ lý luận hay, biện bác giỏi ; cũng đừng để cái hào nhoáng bên ngoài trông như hữu lý nó cám dỗ các người, hoặc người nói đó là bậc thày của mình ! Chỉ khi nào tự mình các người biết rằng việc gì thuận với mình, tốt đối với mình thì hãy nhận và theo. Còn trái lại, cái gì các người tự mình nhận thấy không hạp, giả dối xấu xa … thì hãy xa lánh nó ». (3)
Vậy ai đến với đạo Phật, sẽ tự mình suy nghĩ , cân nhắc và quyết định. Không cần phải tin điều gì mà mình chưa cân nhắc, chưa hiểu. Dù quy y Tam Bảo hay chưa, tất cả chúng ta đều có thể chọn cách sống mà Phật đã chỉ dạy.
4. Ngày xưa, khi còn nhỏ, tôi đã nghe nói đến câu chuyện nhiều người mù từ lúc mới sinh được sờ một con voi. Sau đó, mỗi người tả con voi theo nhận xét của mình. Ý kiến các người mù đó khác nhau rất nhiều. Và bài học rút ra từ chuyện ấy rất đơn giản : người ta chỉ biết một phần của sự thật, khó mà biết được sự thật toàn vẹn. Khi đã được xem kinh Phật, tôi mới hiểu rằng chuyện người « mù sờ voi » là một truyện trong kinh Phật, như sau :
Trong phẩm « Mù bẩm sinh » (Jaccandha-vagga) của bộ kinh Phật Tự Thuyết, kinh số 66 có tên là « Các giáo phái ngoại đạo » (Tittha Sutta), đức Phật dùng thí dụ «Những người mù sờ voi ». Kinh viết : Vào dạo ấy, đức Phật và một số đông các vị tỳ-kheo đang trú tại thành Xá-Vệ. Nơi đó cũng tụ tập nhiều tu sĩ ngoại đạo thuộc nhiều giáo phái khác nhau. Họ chủ trương và thuyết giảng các quan điểm xung khắc về thế giới, về cuộc đời, về thân thể, về sanh mạng, về sống, về chết. Mỗi nhóm khăng khăng bảo vệ ý kiến riêng của mình. Họ tranh luận và đả kích nhau bằng các vũ khí cay độc của miệng lưỡi, nói rằng : « Như thế kia không phải là sự thật. Như thế này mới là sự thật » … Các vị tỳ-kheo vào thành Xá-Vệ khất thực, chứng kiến các cảnh tranh cãi của ngoại đạo, sau đó vào đảnh lễ đức Phật và kể lại các chuyện ấy. Ðức Phật dạy : « … Này các tỳ-kheo, thuở xưa có một ông vua. Một hôm nhà vua ra lệnh : có bao nhiêu người ở kinh đô này, sinh ra đã mù, hãy nhóm họ lại một chỗ. Quan quân vâng lệnh. Nhà vua sai : « Hãy đem một con voi ra đây ». Rồi nhà vua ra lệnh cho quan quân để họ sờ con voi và nói cho họ biết rằng : « Ðây là con voi ». Trong số những người mù đó, người thì sờ vào đầu voi, người thì sờ tai voi, người thì sờ chân voi, kẻ lại sờ đuôi voi và có kẻ chỉ sờ chùm lông ở đuôi voi. Lúc đó vua lên tiếng hỏi những người mù rằng : « Ðã thấy con voi chưa? ». Người đã sờ đầu voi thưa rằng con voi như cái thùng phi. Người đã sờ tai voi thưa rằng con voi như cái rổ sàng gạo. Người đã sờ chân voi thưa rằng con voi như cái cột nhà. Người đã sờ đuôi voi thưa rằng con voi như cái chày. Người đã sờ túm lông ở đuôi voi thưa rằng con voi như cái chổi. Thế rồi ai cũng cho mình là phải : « Con voi không phải như vậy, như thế này mới là con voi nó như thế này ». Họ cãi nhau. Họ đả kích nhau bằng miệng cho đến khi đánh nhau bằng tay.
Này các tỳ-kheo, nhà vua mỉm cười trước cảnh tranh cãi của đám người mù… Rồi đức Phật thốt lên bài kệ:
Có nhiều du sĩ bà-la-môn
Chấp chặt quan kiến của mình
Những ai thấy một phía của sự việc
Thường hay chỉ trích và tranh luận » (4)
5. Tôi có đọc một bài đăng trong ÐẠI HỌC, tập san nghiên cứu của Viện Ðại Học Huế (tôi không nhớ rõ là số mấy]. Ðó là bài Học thuyết Phật Thích-Ca có phải là một hoài nghi chủ nghĩa không? của linh mục Trần Thái Ðỉnh, một linh mục được nhiều người biết là thâm hiểu đạo Phật. Linh mục tóm tắt chuyện « Mù sờ voi » nói trên đây và ghi rõ là chuyện ấy lấy trong kinh Udàna [nên ghi thêm số 66 sau chữ Udàna thì mới đủ rõ].
Linh mục viết vào phần cuối câu chuyện : « Nhà vua đây ám chỉ đức Phật, Ngài cho truyện tranh luận kia là truyện những anh mù xem voi. Cho nên thái độ của Ngài là « nhìn thế sự mà buồn cười ». Tóm lại, thái độ của Phật trước những tranh biện là : cười. Cười là thái độ bất can thiệp … Không tranh luận, đó là thái độ của nhà vua. Và cũng là thái độ đầu tiên của Phật Thích-Ca khi đứng trước trăm ngàn học thuyết tương phản nhau… ».
Từ đó, linh mục lý luận dần dần để bảo rằng học thuyết của Phật Thích Ca là một hoài nghi chủ nghĩa.. Tôi không tán thành ý kiến của linh mục và xin mời linh mục coi kinh Phạm Võng, trong đó đức Phật nhận xét về rất nhiều chủ trương ngoại đạo!. Ý kiến của tôi vẫn là: người ta thường chỉ nắm được một phần của chân lý và vì thế nên tránh những cực đoan, tránh những lý luận kiểu cho rằng chỉ có mình là đúng vì biết đâu rằng mình chỉ thấy có một khía cạnh nào đó của sự thật. (5)
« Cười là thái độ bất can thiệp », linh mục giải thích như vậy e không ổn! Có cả chục thứ cười trong tiếng Việt (cười mũi, cười ruồi, cười mỉm, cười khảy…, cười chúm chím, cười tủm tỉm, cười ha hả, cười hô hố …) tại sao giải thích cười là bất can thiệp? Tôi thì hiểu đơn giản như sau : « Ðấy, thấy chưa, có một vật sờ mó được, mà mỗi người một ý, tranh luận đến mức đánh nhau! Hơn nữa, mù bẩm sinh, chưa biết con voi bao giờ mà đã tranh luận về con voi! Phải học hỏi nhiều lắm mới thấy chân lý».
6. Danh từ hoài nghi chủ nghĩa (scepticisme) có nghĩa là : 1/ tâm trạng của người không chấp nhận mọi tin tưởng hay mọi xác quyết đã được số đông công nhận. 2/ chủ nghĩa cho rằng không có chân lý tuyệt đối và do đó cần ngưng lại các phán đoán của mình (tự điển Larousse). Câu chuyện « mù sờ voi » không chứng minh được rằng Phật giáo là một hoài nghi chủ nghĩa, nó chỉ muốn nói lên rằng mỗi người mù bẩm sinh kia chỉ biết một phần sự thật, có thế thôi. Vì thế người không mù bẩm sinh phải học hỏi, phải suy xét, phải cân nhắc những ý kiến của mình và của người khác. Ðức Phật là bậc toàn giác, đã biết được thực tướng của vạn pháp.
Ðạo Phật không phải là một hoài nghi chủ nghĩa. Khuyên dân Kàlàma như đã trình bày ở trên không hề có nghĩa là khuyên họ hoài nghi; thật ra là khuyên họ suy nghĩ đắn đo, chín chắn; sau khi suy nghĩ kỹ lưỡng rối, đánh giá thiện ác rồi mới tin. Cái nghi này là một cái chấm hỏi, đặt vấn đề, tìm hiểu chứ không phải nghi rồi mất lòng tin, bỏ qua luôn, không xét nữa.
Ở ngoài đời, người ta nghi một thứ gì đó là do nó không hợp với sở thích của mình, nó ngoài sự tưởng tượng của mình, nó quá sức hiểu biết, quá sức tu học của mình, nó lạ lùng chẳng giống những cái mà mình đã thấy. Ðây là nghi ngờ, chưa tin, tuy vậy nếu được học hỏi, giải thích cho hiểu thì sẽ tin.
7. Bây giờ, xin thưa rằng đạo Phật coi NGHI là một trong các phiền não. Phiền não căn bản là ba độc tham sân si như chúng ta đã biết từ lâu. Còn có nhiều thứ: tứ phiền não, lục đại phiền não, thập phiền não.
Tứ phiền não gồm có:
a/ ngã si, tức là cái vô minh của mình.
b/ ngã kiến, tức là chấp mình có thật, chấp cái “ta”, chỉ thấy cái “ta”.
c/ ngã mạn, tức là cho rằng mình hơn người.
d/ ngã ái, tức là tự ái, chỉ biết thương mình mà thôi.
Lục đại phiền não là những gì? Ðó là: tham, sân, si, mạn, nghi (nghi ngờ chánh pháp), ác kiến (tin nhảm, tưởng sai).
Thay chữ ác kiến trên đây bằng 5 thứ khác thì được thập phiền não: tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến (ngã kiến), biên kiến (chấp một bên, thí dụ: chấp thường, chấp đoạn…), tà kiến (ý kiến sai lầm, thí dụ: chối bỏ nhân quả…), kiến thủ kiến (bo bo giữ ý kiến dù rằng sai), giới thủ kiến (giữ những giới sai lầm, thí dụ tôn kính con bò…).
Bài học cho chúng ta là :
Phải quay vào trong, xét chính mình, để coi xem đâu là những phiền não đang trói buộc mình, làm hại mình và tìm đường dứt phiền não.
Phải nhũn nhặn, đừng cho rằng chỉ có ý kiến của mình là đúng.
Phải học hỏi, phá nghi hoặc ngõ hầu tiến tu. 
CHÚ THÍCH
(1) Nguyễn Duy Cần, Phật Học Tinh Hoa, Khai Trí, Saigon, 1965; trang 57.
(2) Theo Tiểu Từ Ðiển Phật Học thông dụng, Thiện Nhựt Huỳnh Hữu Hồng.
(3) Sách Phật Học Tinh Hoa nói trên, trang 55. Thật ra, kinh này khá dài (6 trang), ông Thu Giang chỉ lấy một đoạn ngắn thôi. Bản dịch của HT Thích Minh Châu về đoạn ấy là : « Ðương nhiên, này các Kàlàma, các ông có những nghi ngờ. Ðương nhiên, này các Kàlàma, các ông có những phân vân. Trong những trường hợp đáng nghi ngờ, các ông đương nhiên khởi lên phân vân. Này các Kàlàma, chớ có tin vì nghe báo cáo, chớ có tin vì nghe truyền thuyết, chớ có tin vì được kinh điển truyền tụng, chớ có tin vì lý luận suy diễn, chớ có tin vì diễn giải tương tự, chớ có tin vì đánh giá hời hợt các dữ kiện, chớ có tin vì phù hợp với định kiến, chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa-môn là đạo sư của mình. Nhưng này các Kàlàma, khi nào tự mình biết rõ như sau : Các pháp này là bất thiện; các pháp này là đáng chê; các pháp này bị các người có trí chỉ trích; các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận sẽ đưa đến bất hạnh khổ đau, thời này Kàlàma, hãy từ bỏ chúng … ». Chính xác hơn văn của ông Nguyễn Duy Cần. •
(4) Dựa theo một bài của Sư Thiện Hiền.
(5) Xem bản dịch của HT Thích Minh Châu sẽ thấy đoạn cuối: “Rồi này các tỳ-kheo, ông vua ấy hoan hỷ … Rồi thế tôn nói lên lời cảm hứng:
Có một số Sa-môn,
Cùng với Bà-la-môn,
Họ chấp trước, giành giật,
Trong các luận thuyết này,
Họ tranh luận, tranh chấp,
Họ nhìn chỉ một phía”.
Ta thấy chữ hoan hỷ, không thấy chữ cười. ◊
Bài 58. LÀM LÀNH LÁNH DỮ
1. Bạch Cư Dị. Khi nói về các thi sĩ Trung Quốc, người ta hay kể đến Lý Bạch, Đỗ Phủ, Khuất Nguyên, Tô Đông Pha, Bạch Cư Dị … Bài này đề cập đến một câu chuyện liên quan đến Bạch Cư Dị nên chúng tôi chỉ xin ghi ra vài dòng về thi sĩ ấy. Ông sinh năm 772, đời Đường, ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc; sau di cư đến tỉnh Thiểm Tây. Thời niên thiếu, nhà nghèo, ông chịu nhiều khổ cực. Thi đậu tiến sĩ, ông ra làm quan nhưng ít được lòng cấp trên do trực tính, có lúc bị biếm làm tư mã (một chức quan nhỏ coi việc hình pháp) ở Giang Châu, rồi làm thứ sử Hàng Châu. Trong một số tác phẩm (như Tỳ Bà Hành …), ông mượn câu chuyện người thiếu phụ bến Tầm Dương để nói lên tâm trạng của mình nơi bị biếm. Sau được thăng làm thị lang bộ Hình, tới năm 845 thì về hưu với hàm thượng thư bộ Binh. Ông về ở ẩn tại núi Hương Sơn, huyện Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, hiệu là Hương Sơn Cư Sĩ. Ông mất năm 846, thọ 74 tuổi (772-846), để lại 3800 bài thơ trong đó nổi danh nhất là Tỳ Bà Hành và Trường Hận Ca (1). “Ông đứng ngang hàng với Lý Bạch và Đỗ Phủ, nhưng nếu Lý Bạch phóng đãng giang hồ, Đỗ Phủ lăn lóc phong trần thì ông là một nhà nho hiển đạt, địa vị nghiêm túc, nghiêng về trí tuệ” (2)
2. Ô Sào thiền sư. Đến đây, chúng tôi nói qua về Ô Sào thiền sư vì câu chuyện sắp kể có liên quan đến thiền sư. Sư tên là Phan Hương Quang, xuất gia năm lên 9 tuổi; đến khi 21 tuổi thì thọ cụ túc giới tại chùa Quả Nguyện ở Kinh Châu. Sau sư đến chùa Tây Minh ở Trường An và đến chỗ pháp sư Phục Lễ học kinh Hoa Nghiêm và Luận Khởi Tín, và được pháp sư dạy cho bài tụng Chân Vọng và phép tu Thiền-na. Vua Đường Đại Tông xuống chiếu vời thiền sư Quốc Nhất vào triều, sư vào yết kiến, phát minh tâm địa. Sau, sư đi xuống phía nam, thấy núi Tần Vọng có cây tùng lớn tán xòe như cái dù, liền nương thân ở trên ngọn cây ấy. Bạch Cư Dị ra coi giữ Hàng Quận, vào núi hỏi sư đại ý Phật pháp là gì, sư trả lời: “Các việc ác chớ làm; hãy làm các việc thiện”. Bạch Cư Dị nói: “Điều đó đứa trẻ lên ba cũng hiểu được”. Sư trả lời: “Nhưng ông già 80 tuổi cũng khó làm được”. Bỗng một hôm sư nói với người thị giả rằng: “Nay quả báo ta đã hết”, nói xong ngồi mà tịch. (3)
3. Bốn câu kệ trong Kinh Pháp Cú. Khi tìm học kinh sách, tôi được đạo hữu Thiện Nhựt tặng cho cuốn Tìm Hiểu và Học Tập Kinh Pháp Cú gồm 2 tập, mỗi tập trên 400 trang. Nhờ đó, ở trang 475, tôi biết rằng có bài Tích chuyện về lời thưa hỏi của tôn giả A-Nan tận cùng bằng bài kệ 183 như sau:
Thuở ấy, một hôm tôn giả A-Nan bạch Phật: “Bạch Thế Tôn, con không biết các giáo lý của chư Phật ngày xưa có giống với các giáo lý của Thế Tôn ngày nay chăng”.
Đức Phật đáp: “Này A Nan, tóm lược tất cả giáo lý của chư Phật trong quá khứ, để chỉ dạy cho các tỳ kheo tu tập đều được ghi trong các câu kệ sau đây:
Việc ác chẳng làm, Điều lành siêng tu,
Tâm ý trong sạch, Lời chư Phật dạy.
Có nơi dịch như sau:
Không làm các điều ác, Gắng làm các việc lành,
Giữ tâm thanh tịnh, Đó là lời chư Phật.
Chữ Hán là
Chư ác mạc tác, Chúng thiện phụng hành,
Tự tịnh kỳ ý, Thị chư Phật giáo.
Tiếng Anh là
Every evil never doing
and in wholesomeness increasing
and one’s heart well-purifying:
this is the Buddhas’ Sasana.
Những lời này do chính kim khẩu đức Thế Tôn thuyết ra, Phật tử chúng ta cứ theo đó mà tu, không thể nào sai được! Tuy vậy, việc không đơn giản như thi sĩ Bạch Cư Dị đã nghĩ, bởi vì phải tìm hiểu ba câu đầu của bài kệ, mà riêng hai câu thôi, sư Ô Sào nói là chưa chắc ông già 80 tuổi đã làm nổi. Bởi vì thực hành mới là khó!
4. Tránh các điều ác. Đức Phật đã đặt ra các giới luật nhằm mục đích giúp cho Phật tử tránh các điều ác. Khi đã thọ Tam quy Ngũ giới thì chúng ta cố gắng giữ năm giới sau này:
► Không sát sinh: không giết hại sinh linh, dù là người hay loài súc vật, như thế là thực hành được lòng từ bi, không gây ác nghiệp.
► Không trộm cắp: người trộm cắp phạm vào tài sản, tư hữu của người khác, làm cho người ta bị thiệt thòi, đau khổ và nhiều khi uất hận. Hơn nữa kẻ trộm cắp còn nơm nớp lo sợ bị truy tố trước pháp luật và có khi chính kẻ ấy bị ray rứt một khi xét lại hành vi của mình. Trái lại, người ngay thẳng thì tâm được bình an, không phải lo sợ ra trước pháp luật, sống thoải mái với mọi người xung quanh, và như thế đời sống cộng đồng sẽ được yên ổn.
► Không tà hạnh: trong một gia đình, nếu vợ và chồng cùng giữ đúng bổn phận, không có những quan hệ bất chính với người khác thì gia đình hòa thuận, vợ chồng tin yêu lẫn nhau, và xã hội không bị xáo trộn, thanh thiếu niên theo được gương tốt.[Ba điều nói trên giúp cho thân được trong sạch].
► Không nói dối: người không nói dối là người thực thà, có thì nói có, không thì nói không, nhờ đó mà được mọi người tín nhiệm. Lòng tín nhiệm này là một trong các yếu tố thành công về sau.
► Không uống rượu và dùng các chất ma túy: người say sưa không còn suy xét nghiêm chỉnh, hành động bừa bãi, trái luân lý, trái pháp luật, nhiều khi trở thành lố lăng hay hung hãn, có lúc trở nên nguy hiểm, bị người xung quanh xa lánh, chê cười. Ngoài ra, rượu và các chất ma túy làm hại sức khỏe, làm suy giảm thần kinh. Hơn nữa, tiền bạc tiêu nhiều quá để mua rượu và ma túy có thể dẫn đến mất nghiệp! Cửa nhà bán hết, cho chân vào cùm. [Hai điều nói trên đây đây có mục đích giữ cho miệng được thanh tịnh].
■ Nói kỹ hơn, có 10 điều mà ta phải giữ:
A/ Về thân: không sát sinh, không trộm cắp, không tà hạnh.
B/ Về khẩu: không nói dối, không nói đôi chiều, không nói lời độc ác, không nó lời thô bỉ. [Vọng ngữ: lời nói dối trá, trống rỗng. Lưỡng thiệt: lời nói đôi chiều, nói chia rẽ – còn gọi là ly gián ngữ. Ác khẩu: nói lời thô lỗ, độc ác – còn gọi là thô ác ngữ. Ỷ ngữ: lời nhơ nhớp, bẩn thỉu – còn gọi là tạp uế ngữ].
C/ Về ý: không tham, không sân, không si.
Người Phật tử giữ giới chính là để xây dựng một cuộc sống lành mạnh từ thể chất đến tinh thần cho chính mình, gia đình mình và cho xã hội nữa.
5. Làm các điều lành: Làm 10 điều thiện (coi Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo):
1/ phóng sinh (mà không sát sinh)
2/ bố thí (mà không trộm cắp)
3/ sống trong sạch (mà không tà hạnh)
4/ nói lời thành thật (mà không nói dối)
5/ nói lời hiền lành (mà không thô ác)
6/ nói lời đoàn kết (mà không chia rẽ)
7/ nói lời có ích (mà không vô nghĩa)
8/ biết từ bỏ, hay bố thí (mà không tham)
9/ có lòng từ (mà không sân)
10/ sáng suốt, có trí, tỉnh giác (mà không si)
Nên nhớ: trong lục độ ba-la-mật, hạnh thứ nhất là hạnh bố thí, chúng ta giúp chúng sinh về cả hai phương diện tinh thần và vật chất và việc này làm cho chúng ta loại bỏ dần dần lòng tham lam keo kiệt và ý niệm tự ngã (ta, của ta). Có ba cách bố thí :
Tài thí: tùy phương tiện, tùy khả năng của mình mà giúp đỡ người khác trong lúc họ túng thiếu về vật chất. Đem tiền bạc, quần áo, thuốc men, thức ăn … cho người trong vùng bão lụt là một thí dụ.
Pháp thí: tùy hoàn cảnh, tùy cơ hội mà hướng dẫn hay giảng giải cho người khác hiểu Phật pháp và sống theo lời Phật dạy.
Vô úy thí: giúp cho người khác không sợ hãi trước những hoàn cảnh đáng lo sợ.
6. Giữ tâm ý trong sạch. Đây là điều mà sư Ô Sào không nhắc, có lẽ sư cho rằng 2 câu trên đã đủ cho thi sĩ họ Bạch! Nghe câu này có vẻ nhẹ nhàng nhưng rất khó thực hành. Tâm ý con người chạy nhảy lung tung như con vượn chuyền cành, không lúc nào tĩnh lặng, cho nên giữ cho tâm được an là một việc vô cùng khó khăn. Ngài Huệ Khả (sau là nhị tổ của Thiền tông Trung Quốc) đã thỉnh cầu Tổ Bồ-Đề-Đạt-Ma an tâm cho, điều này chứng tỏ “an tâm” là một vấn đề trọng đại đối với ngài (và đối với tất cả mọi người tu Phật!).
Phương pháp mà Phật tử được nghe nói đến nhiều nhất là tọa thiền, ngõ hầu cột cái tâm lại không cho nó chạy lăng xăng. Vì vậy mà có nhiều người học Thiền. Đáng tiếc là không rõ loại thiền nào (vì có nhiều thứ thiền) và thày dạy có đúng là thiền sư chính tông không (thiền sư phải được thày ấn chứng, và chính thày lại phải được truyền thừa đúng theo tông phái). Hiện có nhiều người tự xưng là thiền sư, hoặc do đệ tử tôn xưng lên như thế, như vậy là thiếu sự trong sáng trong việc định danh và sự kế thừa. Người ta kể rằng đã có thiền sinh bị ‘tẩu hỏa nhập ma” vì thày dạy sai. Trong sách có nói đến câu “đối cảnh vô tâm, mạc vấn thiền”, ý nói đừng để tâm dính mắc vào cảnh, không những là cảnh bên ngoài mà kể luôn cả cảnh trong tưởng tượng trí nhớ v v…Lúc đó, khỏi hỏi chuyện thiền làm chi.
Phật tử còn được chỉ dạy pháp môn niệm Phật, niệm Phật cho đến lúc nhất tâm bất loạn, ấy là lúc tâm được an rồi vậy. Chúng tôi sơ cơ nên không dám lạm bàn. Xin trân trọng giới thiệu: tại Tổ Đình chúng ta đây, mỗi chiều thứ bẩy, có khóa tu Tịnh Độ (niệm Phật) do Thượng Tọa Thích Chân Hiếu hướng dẫn.
7. Kết luận. Tu Phật mà chỉ lo lễ bái, cầu xin van vái thì chỉ mới là bước đầu, chưa đủ. Vì đạo Phật là đạo giác ngộ và giải thoát cho nên phải học, phải tu. Tu Phật mà chỉ lo tra cứu tìm tòi những điều cao xa cho thỏa mãn trí tò mò, lo tranh luận những vấn đề triết lý để trưng sự hiểu biết, lại càng chưa đủ. Vì đạo Phật là đạo để thực hành. Bài kệ của đức Thế Tôn ghi trong kinh Pháp Cú đủ để đem ra thực hành cho đến hơn 80 tuổi, và mãi mãi cho đến lúc ngủ một giấc dài nhất trong đời người! □
GHI CHÚ
(1) BS Hoàng Xuân Chỉnh, Tự điển nhân danh, địa danh, tác phẩm văn học nghệ thuật Trung Quốc, không ghi nhà xb, năm và nơi xb. Có thể tìm ở sách này tiểu sử các thi sĩ nói ở mấy dòng đầu bài này. Trong tiểu sử Bạch Cư Dị, có đủ hai bài Tỳ Bà Hành và Trường Hận Ca.
(2) Nguyễn Tường Bách, Mùi Hương Trầm. Nhà xb Trẻ, HCM, 2008, trang 241.
(3) Phật học Từ điển Hán-Việt, Hà Nội, 2 tập, 1992 & 1994. □
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
Hình : Đền Angkor-Campuchia- NN sưu tầm

Share

Leave a Reply

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Paid Links