13/01: 1.Thư đi tin lại-Kỳ 8 &.Vào Chùa & Tu thế nào?(Hoằng Hữu NVP)-3.An lạc trong đời giả tạm-
Category: Tôi Tìm Hiểu Đạo Phật
Posted by: Tbl Đọc: 5128 lần
THƯ ĐI TIN LẠI – Kỳ 8
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
Một cảnh chùa ở Miến Điện
59 – Không phải là đời sống trong Giáo hội Tăng già lúc nào cũng yên ổn thoải mái đâu ! Thời đức Phật còn tại thế, cũng nhiều chuyện lắm . Chúng ta chỉ nghe chuyện Đề-bà-đạt-đa phá hoại Giáo Hội âm mưu hất đức Phật đi để chiếm chỗ mà đã thấy nhức đầu, huống chi là còn…
… bao nhiêu chuyện lớn nhỏ hết sức phức tạp hàng ngày nữa . Thí dụ như trong Kinh Kalacùpama, thuộc Trung Bộ Kinh,ta thấy có một vị tỳ kheo sống liên hệ quá mật thiết với các tỳ kheo ni,ai chỉ trích thì ông ta nổi giận . Phật phải dạy bảo ông ta về việc quan hệ mật thiết nói trên và sự nóng tính . Trong kinh Kosambiya cũng thuộc Trung Bộ Kinh,ta thấy các tỳ kheo sống ở Kosambi không những cãi lộn nhau mà còn “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” nữa ! Đức Phật phải đến quở trách và giảng cho họ thế nào là lục hòa .
Ghi chú- Lục hòa: 1/ Giới hòa: cùng giữ giới,phải hòa thuận , 2/ Kiến hòa: cùng học giáo pháp,kiến thức phải hòa . 3/ Lợi hòa: bá tánh cúng dàng thì cùng hưởng . 4/ Thân hòa: chỗ tu hành thường chật chội,nên nhường nhịn nhau . 5/ Khẩu hòa: nhường nhịn nhau về lời nói . 6/ Ý hòa: hòa thuận về ý tứ,chia sẻ vui buồn .
60 – Thế nào là Long Hoa hội ? Phải nói dài một chút mới đủ rõ . Hiện nay,có một vị đại bồ-tát tên là Di-Lặc (Sanskrit: Mâtreya, Tàu phiên âm là Milei,dịch là Từ Thị), trụ trên cung trời Đâu-suất (Tushita), gọi ngắn là Đâu-suất . Đức Phật Thích-Ca cho biết rằng ngài Di-Lặc sẽ thành Phật và là vị Phật kế ngay sau đức Thích-Ca . Ngài sẽ ngồi đại định và thành Phật dưới cội cây Long Hoa . Gọi là cây Long Hoa vì cây đó hình con rồng và trổ hoa màu vàng . Tại đó ngài thuyết pháp ba hội . Do đó có tên Long Hoa hội hoặc rõ hơn, Long Hoa tam hội . Dưới thời Phật Di-Lặc, đời sống sung sướng lắm nên người t among mỏi tới hội Long Hoa mà hưởng phúc .
Chùa bên này cũng nhận được thư nói về hội Long Hoa như bên đạo hữu, thư ấy xác nhận rằng sắp tới hội Long Hoa rồi . Thời buổi này thiếu gì người đầu óc lệch lạc ! Chúng tôi coi như thư đó không có, vì theo kinh sách thì còn lâu lắm, cả triệu năm nữa, mới tới hội Long Hoa .
Chú thích- Ngài Di-Lặc (chứ không phải Lac ) còn có một tên khác nữa là A-Dật-Đa (Ajita). Hiện nay, ngài là một đại bồ-tát,tuy vậy chúng ta vẫn quen gọi ngài là Phật, thời vị lai, mới là Phật . Nam mô đương lai hạ sanh Di-Lặc tôn Phật .
61 – Tượng ngài Di-Lặc rất dễ nhận : mập mạp, tươi cười,phanh bụng, có 5 hay 6 đứa trẻ bám quanh . Nhiều người lầm ngài với ông Địa, nhưng cần nhận xét rằng,ngài có 5 hay 6 đứa trẻ bám quanh, ông Địa thì không . Trong chùa, đó là tượng cười duy nhất,tất cả các tượng khác đều nghiêm trang, ở thế nhập định . Người ta thấy ngài cười nên gọi là ông Vô lo Cũng có người thấy ngài mập mạp mà phanh bụng nên gọi ngài là “ông nhịn mặc mà ăn”, còn tượng đức Thích-Ca gầy trơ xương sườn được gọi là “ông nhịn ăn mà mặc” (ít chùa có tượng Đức Thích-Ca gầy gò trơ xương, đó là tượng Tuyết sơn, nhắc lại một kiếp trước của Phật Thích-Ca khi ngài ngồi tu khổ hạnh trên Hi Mã Lạp Sơn tức Tuyết sơn).
6 đứa bé tượng trưng cho mắt, tai,mũi, lưỡi,thân, ý, tức là lục căn (vì ý là thứ vô hình nên có chỗ bớt đi 1, chỉ còn 5 trẻ thôi).Lục căn tiếp xúc với ngoại cảnh,làm cho con người “động tâm”, tham sân si nổi lên, gây ra ba nghiệp thân, khẩu, ý, do nghiệp đó mà bị luân hồi . Ngài Di-Lặc không bị ảnh hưởng của ngoại cảnh, mắt không vướng hình, tai không vướng tiếng, v.v… nên ngồi cười ! Ngài tượng trưng cho hạnh xả . Xả hết, không chấp bất cứ cái gì do lục căn mang lại .
Mồng một Tết là ngày vía đức Di-Lặc . Phật tử chúc nhau “hưởng một mùa xuân Di-Lặc”, lúc nào cũng tươi, cũng cười, sự đời không ảnh hưởng nổi .
62 – Tối nào cũng sám hối thì rất tốt . Nhưng phải tránh việc làm hình thức . Cần đứng trước bàn thờ Phật, sám hối việc sai trái của mình một cách thành khẩn và nguyện không tái phạm nữa . Nếu tái phạm, lại sám hối kỹ hơn . Sám hối gồm 2 việc: bộc lộ sai trái và nguyện không tái phạm . Muốn biết sự sai trái thì phải tự xét mình, đấy là một việc khó, vì thông thường, người ta hay thấy lỗi của người khác chứ không thấy lỗi của mình . Xét mình, thấy lỗi của mình, là một việc can đảm . Trước bàn thờ, nhận lỗi ấy, lại can đảm hơn . Nhất định không tái phạm, lại càng can đảm . Vậy gọi là chân xám hối.
Nếu chỉ tụng kinh Thủy Sám hay kinh Lương hoàng sám mà không thấy lỗi của mình, không sửa, thì tụng vô ích, việc làm chỉ có hình thức, không có ích gì chi sự tu tập
Nên sám hối cho cả những ác nghiệp gây ra từ trước dù rằng mình quên chi tiết, như thế để xóa nghiệp hay ít nhất là để làm nhẹ cái nghiệp . Ác nghiệp có thể là một nguyên nhân gây ra bệnh tật mà ngày hôm nay mình đang chịu đựng, cho nên có một điều là sám hối có thể làm nhẹ bệnh hay hết bệnh . Điều này có vẻ là khó tin,nhưng không phải là không có .
63 – Tam cương, ngũ thường là những điều căn bản của Nho giáo . Tam cương là quân thần, phụ tử, phu thê . Ngũ thường là: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín . Tam quy là: quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Ngũ giới là: không sát sinh, không ăn trộm, không nói dối, không tà dâm, không uống rượu .
Dựa vào 2 cái tam và hai cái ngũ đó mà bảo rằng Nho giáo và Phật giáo cũng như nhau thì quả là quá “bạo miệng” . Tôi không dám chia xẻ ý kiến ấy với ông bạn của đạo hữu đâu .
64 – Từ năm 580, vị sư người Ấn là Tì-ni-đa-lưu-chi (Vinitaruci) đến ở chùa Pháp Vân (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh) lập ra Thiền phái thứ nhất ở nước Nam truyền được 19 đời (580-1216) trong có các vị Phấp Hiền (tịch 626), Đỗ Pháp Thuận (tịch 990), Vạn Hạnh (tịch 1018), Từ Đạo Hạnh (tịch 1122). Dòng thiền này còn có tên là dòng thiền Nam Phương .
Từ năm 820, vị sư người Tàu tên là Vô Ngôn Thông đến ở chùa Kiến Sơ (Bắc Ninh) lập ra Thiền phái thứ hai, truyền được 14 đời (820-1221) trong có các vị Ngô Châu Lưu (tịch 1011), và vua Lý Thái Tông (1000-1054). Dòng thiền này còn có tên là dòng Quan Bích
Thế kỷ thứ XI, vị sư Tàu tên là Thảo Đường được phong làm quốc sư, lập ra Thiền phái thứ ba truyền được 5 đời (1069-1175) trong có các vị vua nhà Lý : Thánh Tông (1023-1072), Anh Tông (1136-1175), Cao Tông (1173-1210).
{theo Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu}.
Phái Trúc Lâm Yên Tử do vua Trần Nhân Tông lập ra, ngài làm sơ tổ,tiếp đến nhị tổ Pháp Loa, tam tổ Huyền Quang .
65 – Khi nói “12 bộ kinh” thì không nên hiểu chữ bộ theo nghĩa thông thường, mà phải hiểu là “12 thể thuyết pháp của đức Phật” . Đó là: 1/ Khế kinh tức là các kinh thấy hàng ngày ở chùa, gọi ngắn là kinh, chữ khế nghĩa là thích hợp với (khế lý, khế cơ) . 2/ Ứng tụng tức là các bài kệ nói sau lời giảng . 3/ Thọ ký, trong đó Phật báo trước vị nào sẽ thành Phật . 4/ Phúng tụng là các bài kệ . 5/ Tự thuyết tức là những kinh mà Phật tự ý thuyết, không đợi ai thưa thỉnh hay nêu câu hỏi . 6/ Nhân duyên, giảng về nhân duyên quả báo . 7/ Thí dụ, nói về kiếp trước của một số chúng sinh,cho thấy nhiệp báo luân hồi . 8/ Bổn sự, nói về những việc làm trong những đời trước của đức Phật . 9/ Bổn sanh, nói về những kiếp trước của đức Phật . 10/ Phương quảng tức là các kinh Đại thừa, ý nghĩa rộng lớn . 11/ Vị tằng hữu, nói về những chuyện chưa từng có, khó tin . 12/ Luận nghị, trong có các lời bàn luận cao siêu .
66 – Tại sao gọi vua Trần Nhân Tông (sau khi xuất gia) là đầu đà ?
Đầu Đà là danh từ để nói về tu khổ hạnh , cốt diệt trừ phiền não, giả thoát thân tâm . Người tu hạnh đầu đà là giữ đúng 12 hạnh đầu đà khó khăn lắm, thí dụ như : chỉ có 3 bộ y, chỉ ăn một bữa, sống một mình, ngủ ngồi, ở dưới gốc cây, không giữ tiền v.v… Trong số 10 đại đệ tử của đức Phật, ngài Ca diếp là “giữ hạnh đầu đà đệ nhất” . Vua Trần Nhân Tông sau khi xuất gia, cũng giữ hạnh đầu đà , nên ngài là Hương Vân đại đầu đà . Hiệu khác của ngài là Điều Ngự Giác Hoàng . Tôi hiểu Giác Hoàng là : nhà vua giác ngộ, có lẽ đúng .
Người ta thích thu và giữ nhiều tiên thì mặc người ta, sao lại gọi người ta là “cuối đà”? Theo đạo Phật, luật phổ biến nhất trong vũ trụ là luật nhân quả, ai gieo nhân thì hái quả, không sai chạy đâu . Lợi dụng đạo, tội báo nặng lắm .
(Còn tiếp)
………………………………………………………………………
Bước Vào Cửa Phật -Quyển 1
Hoằng Hữu NguyỄn Văn Phú
Đề tài ôn tập 1 -Bài 41. VÀO CHÙA –
Chùa là nơi thờ Phật, có tăng hoặc/và ni ở. Dịch là pagode, pagoda, cũng có nơi dịch là temple bouddhique, buddhist temple. Trong tiếng pali mà đức Phật dùng để thuyết pháp, có chữ thūpa, sanskrit là stūpa, chữ Tích Lan là dagoba. Nghĩa đen là búi tóc (hair knot) nhắc đến một nét đặc thù tròn tròn của kiến trúc Phật giáo Ấn Độ. Thoạt đầu, stūpa là nơi thờ xá lợi của đức Phật Thích-Ca hay các thánh tăng, sau chỉ là nơi thờ Phật, coi như đức Phật còn hiện diện. Ta phiên âm chữ stūpa là phù-đồ (“dù xây chín đợt phù-đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người”).
Có người bàn rằng chữ chùa của ta là do chữ phù-đồ mà ra, tôi không dám chắc. Lại có người nhận rằng chữ mít của ta là do chữ paramita (= ba-la-mật-đa) mà ra và nói chùa nào cũng trồng cây mít, gỗ mít dùng làm mõ, tượng … Xin nhường cho các nhà ngôn ngữ học quyết định.
Chùa chiền là danh từ để chỉ chung các chùa. Có một ông nói rằng chiền là do chữ thiền mà ra. Tôi không có ý kiến.
Đình là nơi thờ thành hoàng của làng, đồng thời là nơi hội họp của làng.
Đền (temple) là nơi thờ thần thánh hoặc những nhân vật được thần thánh hóa, thí dụ như đền Kiếp Bạc thờ đức Trần Hưng Đạo, đền Sòng thờ bà Chúa Liễu Hạnh …
Miếu là một cái đền nhỏ thờ những thần “thấp” hơn, thí dụ: miếu thổ địa.
Miễu thì nhỏ hơn miếu, thí dụ: miễu âm hồn.
Am có hai nghĩa: đó là chùa nhỏ của tư gia, hoặc là nơi cất sơ sài nơi vắng vẻ dành cho người muốn xa cảnh náo nhiệt.
Tĩnh là một cái bàn thờ thần thánh.
Văn miếu, văn từ, văn chỉ là nơi thờ đức Khổng tử, các bậc tiên hiền hay các danh nho.
Thông thường, trước cửa chùa, có một cây đa cổ thụ, với các rễ phụ lớn nhỏ chằng chịt.
Cổng chùa gọi là cổng tam quan, với ba cửa, cửa giữa lớn hơn hai cửa bên. Ngày lễ, ba cửa cùng mở. Ngày thường, chỉ mở một cửa bên thôi. Có chùa đặt gác chuông ở trên cổng tam quan. Phải trèo thang lên mà thỉnh chuông (= đấm chuông). Qua cổng tam quan là sân chùa với một số cây đại và cây cảnh (= cây kiểng). Hai bên sân là nhà khách và nơi trụ trì của tăng ni, nhiều chùa xây hai dãy nhà này về phía sau. Hết sân là đến nơi thờ Phật tức là nơi quan trọng nhất.
Chánh điện là chỗ đặt các bàn thờ, ngăn cách với bái đường là nơi tăng ni và Phật tử hành lễ. Đứng ở bái đường nhìn lên thì thấy hoành phi với mấy chữ nho lớn như Đại Hùng Bảo Điện hoặc Thiên Nhân Sư .
Thờ những vị nào? Tại các chùa Nam tông thì người ta chỉ thờ đức Thích-Ca mà thôi. Còn tại các chùa Việt Nam theo Bắc tông, thì thờ nhiều vị.
Trên cùng là tượng tam thế gồm ba vị Phật giống nhau tượng trưng cho các vị Phật quá khứ, hiện tại và vị lai.
Bậc thứ nhì, thờ tượng Phật A-Di-Đà với hai phụ tá là Bồ-tát Quán Thế Âm và Bồ-tát Đại Thế Chí (ngài Quán Thế Âm cầm bình nước cam lồ, ở bên trái của đức Phật). Đó là Di-Đà tam tôn hay Tây phương tam thánh.
Bậc thứ ba là tượng Phật Thích-Ca, hai bên là Bồ-tát Văn-Thù (Đại Trí) cưỡi sư tử xanh, và Bồ-tát Phổ Hiền (Đại Hạnh) cưỡi voi trắng. Đó là Tam Thánh.
Có chùa thờ đức Thích-Ca tay cầm hoa sen (gọi là tượng Niêm hoa) hai bên có hai đại đệ tử đứng: ngài Ca-Diếp (già) và ngài A-Nan (trẻ), đó là Thích-Ca tam thánh.
Rồi đến tượng đức Di-Lặc, vị Phật tương lai, mập mạp, phanh ngực, cười thoải mái, người bình dân gọi là “ông vô lo”,”ông nhịn mặc mà ăn”. Chung quanh có sáu đứa trẻ bám, đó là sáu tên giặc tức lục tặc, tượng trưng sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý là những thứ làm cho con người chạy theo cảnh, do đó mà gây nên nghiệp (nếu chỉ thấy năm tên giặc thì ta hiểu rằng người nặn tượng đã bớt đi “ý” vì nó vô hình).
Tượng Tuyết sơn là gì? Đó là tượng đức Thích-Ca gầy gò chỉ có da bọc xương khi đang tu khổ hạnh, gọi là “ông nhịn ăn mà mặc”. Rất ít khi thấy tượng hai vị phụ tá của ngài Di-Lặc: hai Bồ-tát Pháp Hoa Lâm và Đại Diệu Tường, nếu có thì cả ba gọi chung là Di- Lặc tam tôn.
Tượng Thích-Ca sơ sinh là tượng ngài mới sinh, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất, tượng cửu long hình dung chín con rồng phun nước tắm cho ngài.
Hai bên, có thể thấy hai vị ngồi trên ngai, y phục nhà vua, đội mũ vuông, đó là vua Đế Thích coi 33 tầng trời miền Đao-Lỵ và vua Đại Phạm Thiên coi Tam thiên đại thiên thế giới cõi Ta-bà (kinh sách Tàu gọi là Ngọc Hoàng thượng đế). Có chùa thay hai vua này bằng Ngọc Hoàng thượng đế và hai phụ tá là Nam Tào và Bắc Đẩu.
Hai bên chánh điện, thường bày tượng hai vị bồ-tát: đức Quán Thế Âm và đức Địa Tạng. Ngài Địa Tạng cưỡi con lân, tay phải cầm tích trượng để phá địa ngục cứu tội đồ, tay trái cầm hạt minh châu soi đường. Ở đầu tích trượng, là bốn cái vòng bán nguyệt tượng trưng tứ diệu đế, mỗi vòng mang ba khoen, tất cả là 12 khoen, tượng trưng thập nhị nhân duyên. Nếu thấy tượng ngài Quán Âm với một ngàn tay, mỗi tay có một con mắt thì đó là tượng Quán Âm thiên thủ thiên nhãn.
Hai bên bái đường có tượng hai vị Hộ pháp, mặc võ phục: ông Khuyến thiện, ông Trừng ác, gọi tắt là ông Thiện, ông Ác.
Bàn thờ Đức Ông chính là bàn thờ Thổ thần trông nom đất đai tài sản của chùa.
Bàn thờ Long Vương thờ vua Rồng đã quy y Phật.
Sau bái đường, có bàn thờ tổ Bồ-Đề-Đạt-Ma, bàn thờ các vị tổ sáng lập tông phái và chùa, và bàn thờ vong thờ những phật tử quá vãng.
Có cả bàn thờ các phật tử vị pháp vong thân.
Chùa nào rộng, thì cho vẽ thêm hình Thập điện Diêm vương và Thập lục hoặc Thập bát la-hán. Có chùa lại còn thờ chư vị, không liên quan gì đến đạo Phật!
Sau nhà bếp, nhà kho, nơi làm tương, làm đậu … là một khoảng đất rộng với giếng nước, vườn rau và vài cái tháp, nơi chôn các vị tăng của chùa đã viên tịch.
o0o
Đề tài ôn tập 2- Bài 42. TU THẾ NÀO ?
Đề tài “Tu thế nào?” thật ra không phải là một đề tài dành cho tôi. Lý do rất đơn giản: tôi đã tu gì đâu mà dám nói! Chưa biết bơi mà lại nói chuyện bơi, như thế nào thì quả là “bạo phổi”. Nhưng đã lỡ nhận lời với ban Hoằng pháp thì tôi đánh bạo tra cứu sách vở rồi tóm tắt lại đem ra đây mà đọc, mong quý đạo hữu thông cảm mà tha thứ cho những điều sai lầm và thiếu sót.
Chúng ta ai cũng biết truyện Kiều, trong đó có nhiều câu bộc lộ ảnh hưởng Phật giáo, ở đây tôi xin đưa ra hai câu này: “Có trời mà cũng tại ta, tu là cội phúc, tình là giây oan.” (câu 2657-2658). Nói đến thiên mệnh là dính líu đến Khổng giáo. Nói đến ta chịu trách nhiệm về thân khẩu ý của ta, gây nghiệp là do ta, làm cho nhẹ đi cái ác nghiệp là do ta, thoát khỏi nghiệp sinh tử luân hồi cũng do ta, đấy là lý thuyết Phật giáo. Chúng ta hãy để ý đến câu tu là cội phúc (cội là gốc cây già và lớn). Cụ Nguyễn Du rõ ràng là muốn khuyên chúng ta tu rồi còn gì, nhưng cụ chỉ mới giới thiệu chút chút thôi, cụ chỉ nêu vấn đề phúc (hay phước) và chưa khai triển chữ huệ, vì có đủ hoàn toàn phước và huệ thì mới thành Phật được!
Vấn đề là: tu thế nào? Đời nhà Đường ở bên Tàu, có một ông thi sĩ nổi tiếng về những bài Trường hận ca và Tỳ bà hành, đó là Bạch Cư Dị, học Nho, thi đậu, ra làm quan nhưng lại mộ đạo Phật, nên có một bút hiệu là Hương Sơn cư sĩ. Ông ta đến thăm thiền sư Ô Sào, là người sống ở trên một cây tùng lớn có tán xòe rộng và hỏi thiền sư rằng : “Thế nào là đại ý Phật pháp?”. Thiền sư trả lời : “Các việc ác chớ làm, hãy làm các việc thiện, giữ tâm ý cho trong sạch”. (Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý). Bạch Cư Dị nói: “Điều đó đứa trẻ lên ba cũng biết”. Thiền sư bảo: “Nhưng ông già tám mươi cũng khó làm được”. Thế là dạy làm lành tránh dữ, rất đơn giản. Nói đúng thì tôn giáo nào, luân lý nào cũng dạy như vậy. Còn câu “giữ tâm ý cho trong sạch” thì khó hơn. Chúng ta hơi ngạc nhiên vì thường thường thì câu trả lời của các thiền sư rất là khó hiểu. Thí dụ như khi được hỏi thế nào là đại ý Phật pháp, thì một thiền sư đã trả lời: “Ba cân gai”. Chúng ta không nên bận tâm moi óc tìm hiểu vì đó là câu trả lời của một ông thày cho riêng một đệ tử, thày trò người ta thông cảm bao nhiêu lâu rồi, nay chỉ cần một chữ để khai ngộ mà thôi. Trong trường hợp ông thi sĩ phóng khoáng thích ngâm thơ và uống rượu thì một câu trả lời nói trên đây là quý rồi! Có lẽ ông thi sĩ với bằng cấp cao đó chờ đợi một câu trả lời sâu xa hơn.
Khi nói rằng có tới 84 ngàn pháp môn để tu, là muốn nói có rất nhiều cách tu. Tông phái nào có phương pháp tu của tông phái đó. Xưa kia, có nhiều tông phái lắm. Nay còn lại ba tông phái chính là Mật tông, Thiền tông và Tịnh độ tông. Ai tu theo Mật tông sẽ được sư phụ “bí mật” truyền pháp, người ngoài khó mà thông suốt được. Thiền tông dạo này được nhắc đến khá nhiều, nhưng đa số lầm thiền và Thiền tông. Thiền tông là một tông phái dùng phương pháp thiền để “trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”. Có người hiểu nông cạn: thiền là cách thở hít, là một phương pháp dưỡng sinh chống stress. Lại có người chê cười vì nghe thấy chuyện “thiền ôm”, kể trên Internet. Bây giờ tôi chỉ đưa ra mấy câu này, chép nguyên văn trong sách Thiền tông Việt nam cuối thế kỷ XX của thiền sư Thích Thanh Từ :
« Để thấy rõ nét lối dung hợp phép tu qua ba vị Tổ (Nhị tổ Huệ Khả, lục tổ Huệ Năng, sơ tổ Trúc Lâm tức vua Trần Nhân Tông bỏ ngai vàng để đi tu), chúng tôi cô đọng bằng những phép tu:
1. Biết vọng không theo, vì vọng tưởng là những tâm niệm hư ảo.
2. Đối cảnh không tâm, vì cảnh là tướng duyên hợp, giả dối tạm bợ.
3. Không kẹt hai bên, vì đối đãi là không thật.
4. Hằng sống với cái thật, không theo cái giả, vì giả là luân hồi, thật là giải thoát ».
Đại đa số Phật tử Việt Nam tu theo pháp môn niệm Phật của Tịnh độ tông. Phương pháp rất đơn giản: tin vào lời nguyện của đức Phật A-Di-Đà, luôn luôn niệm hồng danh của ngài và nguyện vãng sanh về quốc độ của ngài là cõi Cực lạc ở phương Tây. Đó gọi là tín, hành và nguyện. Tin thật chắc, nguyện thật vững, hành thật siêng. Khi hành giả lâm chung, Phật A-Di-Đà và thánh chúng tới dẫn thần thức của hành giả về Tây phương cực lạc quốc. Không phãi tái sanh qua những cách thường thấy, mà sanh ra từ một bông hoa sen, “hoa nở thấy Phật, thấy chư bồ-tát”, gặp thiện tri thức chỉ lối tu hành để thành Phật quả, chứ không phải lên đó là thành Phật ngay được, lên đó được cái hay nhất là khỏi sinh tử luân hồi, còn như muốn thành Phật hay thành bồ-tát thì còn phải tu.
Niệm Phật phải chú tâm, không được để cho tâm “đi chợ” nghĩa là tâm không được suy nghĩ lăng xăng. Có người khoe rằng mỗi ngày niệm Phật được năm hay bảy chục chuỗi nhưng cái cần là có chú tâm không. Có người thì lại giải đãi, ngày có niệm, ngày không niệm. Chúng ta cần nhấn mạnh rằng: niệm Phật phải chú tâm và phải thực hành đều đặn.
Trong đời sống hàng ngày, hành giả phải gắng giữ tam quy ngũ giới và làm mười điều thiện như đức Thế tôn đã dạy trong kinh Thập Thiện. Như thế để tạo thiện căn, phúc đức và nhân duyên chuẩn bị vãng sanh. Đầy tội lỗi thì Phật nào đến rước cho được! Điều này do Đức Thế Tôn dạy trong kinh A-Di-Đà: « Ít thiện căn, phúc đức, nhân duyên, thì không thể sinh sang nước kia được đâu ».
Còn một việc nữa: đó là sám hối. Không phải là sám hối kiểu hình thức, cho đủ việc ngày 14 hay ngày cuối tháng ta, mà là chân sám hối, sám hối tội của chính mình và hứa chắc không tái phạm nữa, đồng thời tụng kinh Thủy Sám hay kinh Lương Hoàng Sám.
Đối với các đạo hữu đã biết về thức thứ tám tức là tạng thức hay a-lại-da, tôi xin nói thêm rằng: niệm Phật là cốt để huân, để ướp các chủng tử lành, thiện, tốt, sạch vào trong tạng thức, dẹp các tạp niệm, tà niệm, ác niệm đi, làm sao cho đến lúc lâm chung, tâm mình chỉ còn toàn là niệm về Phật mà thôi, chỉ hướng về Phật mà thôi, như vậy là đi theo Phật, là có Phật tới đón. Không chịu niệm từ bây giờ, lúc gần chết thì không thể kịp được. Thật vậy, có người không may gặp tai nạn thì niệm Phật sao được, có người đau đớn quá chỉ quằn quại rên la trên giường bệnh thì niệm Phật sao được, có người tiếc hết thứ nọ đến thứ kia, lại thêm vợ con khóc inh ỏi bên tai, nếu có niệm nào thì đó là niệm của, niệm người, đâu phải là niệm Phật. Nói cho các bạn trẻ đã học khoa tâm lý của triết học, thì phương pháp niệm Phật cầu vãng sanh là một thuật huấn luyện tâm lý, gây một cái nếp trong tâm, khơi một cái rãnh trong tâm, nôm na là tạo ra một thói quen tâm lý.
Tóm lại, trả lời câu hỏi đặt ra lúc đầu: tu thế nào?, tôi xin dựa vào sách vở mà thưa rằng: trong thời buổi này, căn cơ kém như chúng ta thì tu bằng cách niệm Phật. □
CHÚ THÍCH . Xin giới thiệu cuốn NIỆM PHẬT THẬP YẾU của HT Thích Thiền Tâm do Phật học viện Quốc tế xuất bản năm 1982 tại Hoa kỳ, gồm 10 chương như sau: Niệm Phật phải
1/ vì thoát sinh tử
2/ phát lòng bồ-đề
3/ dứt lòng nghi
4/ quyết định nguyện vãng sinh
5/ hành trì cho thiết thật
6/ đoạn tuyệt phiền não
7/ khắc kỳ cầu chứng nghiệm
8/ bền lâu không gián đoạn
9/ an nhẫn các chướng duyên
10/ dự bị lúc lâm chung. □
…………………………………………………………..
Fwd: Chuyển tiếp: An lạc trong đời giả tạm
Greg Le to:me
Mời xem và thư giãn
o0o
CÓ PHẢI KHI CHẾT, KHÔNG MANG THEO ÐƯỢC GÌ HAY KHÔNG?
Trở lại vấn đề Khi Chết không mang theo được gì, nhiều người đã nhận thức rõ điều ấy, và đó là một sự thật hiển nhiên mà từ cổ đại tới nay, mọi người trên quả đất đều thấy và biết.
Tuy nhiên, đối với Phật giáo thì Khi chết mỗi người đều có mang theo “cái” mà không ai thấy hay biết “cái” mang theo đó là cái “Nghiệp” của chính họ.
Cho đến nay, sự kiện gọi là Nghiệp quả hay Nghiệp báo vẫn còn gây nhiều thắc mắc khó hiểu mặc dù số lượng người tin vào Nghiệp (Karma) và nhất là tin vào vấn đề có sự tái sinh ở kiếp sau ngày càng gia tăng thấy rõ tại các nước Âu Mỹ.
NGHIỆP LÀ HẬU QUẢ CỦA KIẾP TRƯỚC?
Tái sinh vào kiếp sau tức là sau khi chết sẽ lại hóa sanh trở lại qua một kiếp đời khác.
Như vậy khi một người nào đó chết đi thì thật sự người đó không chết, vì chỉ cái thân xác tan rã mà thôi còn cái tinh anh vi diệu của người ấy (con ngươi, thường gọi là Hồn hay Linh hồn) lại chuyển qua một đời sống mới qua một thân xác mới.
Sự luân chuyển từ kiếp nầy qua kiếp khác gọi là sự luân hồi. Mỗi giai đoạn sống trong sự chuyển hoá luân hồi ấy gọi là mỗi Kiếp.
Mỗi Kiếp người đều phải chịu hậu quả của những hành động gây ra từ kiếp trước – tạo ra các nguyên nhân hay có thể gọi là cái nghiệp. Đó là luật Karma hay còn gọi là luật Quả Báo hoặc Nghiệp báo. Sự luân chuyển từ kiếp này qua kiếp khác gọi là Luân hồi.
NGƯỜI CHẾT CHỈ MANG THEO “CÁI NGHIỆP” CỦA HỌ ÐỂ TẠO QUẢ CHO KIẾP SAU
Để hiểu rõ giai đoạn này, ta hãy bất đầu khi một người chết đi, họ trở thành bất động. Sở dĩ xác thân khi chết bất động vì thật ra nó chỉ là một khối vật chất bình thường trong tự nhiên mà thôi. Nó như cái áo mặc, khi chết chính là lúc trút bỏ cái áo ấy. Khi sống, xác thân cử động được là nhờ có sự hổ trợ hợp đồng của các giác quan như thấy, nghe, nhận biết, ngửi, nếm, suy nghĩ tính toán… Khi chết, thân xác bất động thì các giác quan âý cũng mất luôn. Tuy nhiên có 2 thể vật chất đặc biệt không bị mất đi, vẫn còn tồn tại. Hai thể này có tên gọi là Mạt Na Thức và A Lại Da Thức mà kinh Phật giáo gọi là hai thức. Hai thức này sẽ là cầu nối giữa cái xác thân đã chết vớì các xác Thân sanh trở lại của kiếp kế tiếp.
Mạt Na Thức có nhiệm vụ sao chép lại bao quát về cá tánh, bản năng, năng khiếu, cảm xúc, sự hiểu biết và ký ức, hành vi cử chỉ lẫn tư tưởng của con người mà nó liên hệ lúc còn sống. Tất cả những ghi nhận, sao chép này từ Mạt Na Thức sẽ truyền hết cho A lại Da thức lưu trữ. Như vậy có thể hiểu A lại Da Thức như là một cái thư viện lưu trữ các tài liệu sách vở của một người lúc còn sống. Tài liệu ấy bao gồm các đặc tính, bản năng, thói hư tật xấu và cả tánh tốt của người đó. Tuy nhiên tùy theo sự dồn nén tập trung tư tưởng, tình cảm nào đó quá nhiều như uất hận, căm thù, đau khổ, sợ hãi, nuối tiếc… thì những tư tưởng tình cảm ấy sẽ là đầu mối cho đời sống kế tiếp mang nặng tất cả những gì đã bị kích động dồn nén ấy. Do đó mà các vị chân tu thấy rõ điều đó đã căn dặn mọi người rằng; lúc sắp qua đời phải cố giữ tâm yên bình không nên nuối tiếc, đau buồn hay căm giận. Đặc biệt sự căm thù, lòng tức giận là mối nguy ghê sợ nhất nếu phát sinh lúc lâm chung thì lúc tái sanh sẽ rơi vào vòng đau khổ cùng cực. Ðó cũng là lý do tại sao lúc người vừa mới chết, mọi người có mặt nên đọc kinh cầu nguyện, nhắc nhở tâm linh người chết nên sáng suốt, vui vẻ hầu tránh sự mê mờ u tối, lầm lạc khiến dễ sa vào nơi bất như ý…
…………………………………………….
Paid Links