21/01: Bài 19. Đường Tam Tạng – Bài 20. Tây Du Ký .

21/01: 19. Đường Tam Tạng – 20. Tây Du Ký
Category: Phật Học – Phật học ôn tập-
Posted by: Tbl Đọc: 6311 lần
BƯỚC VÀO CỬA PHẬT – Quyển 2
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

Bài 19. ĐƯỜNG TAM TẠNG
Nhiều vị trong số chúng ta ở đây đã đọc truyện Tây Du, kể chuyện Đường tam tạng sang Tây Trúc thỉnh kinh, dọc đường gặp bao nhiêu nỗi khó khăn cực nhọc, nhưng rồi cũng thành công, mang được nhiều kinh sách Phật về Trung Quốc. Sở dĩ Ngài được như vậy là nhờ sự giúp đỡ của các đệ tử Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng và Bạch Mã như đã được kể trong truyện. Thật ra, Tây Du Ký do Ngô Thời Ân (thế kỷ thứ XVI , đời nhà Minh, 1368-1644, bên Tàu) tưởng tượng ra mà viết, còn cuốn Tây Vực Ký mới là tác phẩm do chính ngài Huyền Trang viết, sau cuộc du hành kéo dài từ năm 629 đến năm 645, hết 17 năm. Tây Du Ký hấp dẫn hơn vì nó chứa đựng nhiều chi tiết ly kỳ, huyền ảo, siêu thực do óc tưởng tượng của một văn sĩ thông minh tạo ra; hơn nữa, đối với ai có kiến thức về duy thức học thì lại thấy nó mang mật nghĩa…
… về môn học khó khăn đó. Muốn biết các chi tiết xác thực về chuyến đi thì phải coi Tây Vực Ký. Người ta gọi ngài Huyền Trang là Đường Tam Tạng vì ngài sống vào thời nhà Đường (618 – 907) và bản thân ngài tinh thông cả ba tạng Kinh, Luật, Luận. Người ta cũng gọi ngài Huyền Trang là Tam Tạng pháp sư , pháp sư nghĩa là vị sư tinh thông cả ba tạng. Pháp sư cũng có nghĩa vị sư sở trường về giảng Kinh, thuyết Pháp.
Ngài Huyền Trang họ Trần, sinh năm 602 tại Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Bấy giờ nhà Tùy còn đang cai trị. Lúc bắt đầu đi học thì cũng như đa số sĩ tử thời đó, ngài học theo Khổng. Nhưng đến năm 13 tuổi, ngài xin xuất gia theo Phật. Năm 20 tuổi, ngài thọ cụ túc giới và trở thành sa di (cụ túc = đầy đủ; cụ túc giới nghĩa là giới đầy đủ, tỳ-kheo phải giữ đủ 250 điều, tỳ-kheo-ni phải giữ đủ 348 điều). Vào lúc 28 tuổi ngài nguyện đi Tây Trúc thỉnh kinh sách Phật để mang về Trung quốc, dịch ra, để truyền bá đạo của đức Thế tôn. Nhưng bấy giờ nhà Đường mới lên chưa kịp chinh phục các khu vực miền Tây, do đó ngài ra đi mà không có sắc điệp nghĩa là giấy tờ chính thức do nhà vua cấp cho để tiện việc đi đường và giới thiệu. Đã không cấp giấy tờ, vua Đường Thái Tông còn ra lệnh cấm không cho ngài khởi hành, các bạn đồng hành của ngài đều rút lui, riêng mình ngài cương quyết giữ vững lời nguyện. Ở cửa ải Ngọc Môn, một nhà lữ hành khuyên ngài quay lại vì đường đi cực kỳ nguy hiểm, nhưng ngài không lùi, ý chí sắt đá không hề suy suyển. Hành trình phải qua những miền hoang vu, sa mạc, cho nên ngài suýt bỏ mạng nhiều phen , nhưng do chư Phật gia hộ, ngài qua mọi tai nạn. Ngài được các quốc vương Tây Vực tiếp đãi và giúp đỡ rất tận tình (Tây Vực, Tây Trúc, Thiên Trúc là những tiếng dùng để chỉ nước Ấn-Độ, thời xưa nước ấy chia làm nhiều nước nhỏ).
Khi còn ở trong nước, ngài rất chăm chú nghiên cứu tam tạng. Tư chất thông minh tột bậc, ngài học rất nhanh và hiểu rất sâu. Khi tới Ấn-Độ, ngài học hỏi thêm nhiều bộ kinh luận thuộc loại khó nhất. Một giảng sư 70 tuổi nói về ngài như sau: “Vị sư Trung Hoa này thật thông minh sắc sảo và không ai trong đại chúng này có thể sánh bằng. Trí tuệ của ngài có thể tương đương với truyền thống của ngài Thế Thân và ngài Vô Trước …”. Đã là một học giả uyên thâm, ngài còn có tài hùng biện nữa. Khi ở tu viện nổi tiếng nhất là tu viện Nalanda, danh tiếng của ngài lan rộng vì ngài đã có dịp tranh luận với những người ngoại đạo, những nhà sư tiểu thừa và ngay cả với các nhà sư đại thừa hiểu sai và giảng sai giáo pháp. Những người đó nghe ngài thuyết xong đều chịu thua. Một người ngoại đạo dán giấy ra ngoài cửa, thách ai dám bẻ 40 ý kiến của mình đã viết ra trên đó; ông ta đã nghe ngài lý luận và chịu khuất phục. Một nhà sư đại thừa tên là Sư Tử Quang (Simhaprabha) rất thông Trung quán luận và Bách luận, đã công kích và đòi bỏ thuyết Du-già. Do được nghe lời lý luận của ngài mà sư ấy thất thế. Ông ta nhờ bạn đến đấu lý trả thù nhưng ông này cảm phục ngài, không tranh cãi!
Ở tu viện Nalanda, ngài được học chánh pháp nơi vị sư trưởng là ngài Giới Hiền (Silabhadra), được nghe giảng về Trung luận, Bách luận, Du-già sư địa luận, Thuận chánh lý luận, Nhân minh luận, Đối pháp, Tập lượng vv… Tại các nơi mà ngài chỉ trú ngụ ngắn hạn, ngài cũng học hỏi được rất nhiều, kể cả lý thuyết của nhiều bộ phái trong đạo Phật. Sự thông minh xuất chúng và ý chí sắt đá của ngài là những yếu tố giúp ngài thành đạt điều sở cầu tìm hiểu Phật pháp. Còn một nguyện nữa là thỉnh kinh và dịch kinh.
Trở về Trung Quốc vào năm 645 với rất nhiều kinh sách chữ phạn, ngài được nhà vua tiếp kiến. Ngài dọn đến ở chùa Hoằng Phước và bắt đầu dịch kinh. Với số lượng kinh lớn như vậy, không thể nào ngài làm nổi một mình cho hết được. 12 vị sư danh tiếng tinh thông kinh điển đại thừa và tiểu thừa, 9 nhà sư giỏi văn phạm, 1 nhà sư chuyên về ngữ nguyên học và một nhà sư học giả về phạn ngữ cùng với ngài làm việc. Nhà vua đích thân thăm hỏi luôn luôn về công cuộc dịch kinh và ưng thuận cấp thêm nhân lực, và nhà vua đã phê vào cuốn Tây Vực Ký của ngài soạn, phụng theo ý vua.
Ngài dịch khoảng bảy chục tác phẩm chia làm hơn 1300 tập, thật là vĩ đại! Vì bận dịch và lo nhiều việc khác như xây tháp tại chùa Từ Ân để chứa kinh, phòng cháy, nên sách do ngài trước tác không có nhiều. Ta cần chú ý đến tính cách bác học của ngài trong việc chọn kinh để dịch. Ngài dịch kinh sách tiểu thừa, đại thừa. Ngài dịch các bộ luận, đặc biệt là Duy thức luận, duy thức là lý thuyết của Pháp tướng tông mà ngài là vị giáo tổ. Ngài không quên dịch một số số tác phẩm Mật tông và Tịnh độ tông vì đức tin của ngài vào hai pháp môn ấy. Thật vậy, ngài đã thành tâm niệm chú những khi gặp hiểm nguy và luôn luôn thoát nạn, ngài cũng có ước nguyện tái sinh lên cung trời Đâu-Suất để thọ giáo đức Di-Lặc về Du-già sư địa luận.
Năm 664, ngài 63 tuổi và mới dịch xong bộ Bát-nhã ba-la-mật, ngài cảm thấy mệt, vài ngày sau ngài viên tịch, vua Đường Cao Tông ra lệnh làm quốc táng và xây tháp cho ngài tại chùa Từ Ân. Thật là một cao tăng đáng cho chúng ta khâm phục. □
Bài 20. TÂY DU KÝ
Trước đây, khi nói về ngài Huyền Trang, tức là Đường Tam Tạng, tôi đã thưa rằng Tây Du Ký do Ngô thừa Ân tưởng tượng mà viết ra, nhưng có nhiều chi tiết ly kỳ và lý thú, nên được biết đến nhiều hơn là Tây Vực Ký là chuyện thật do chính ngài Huyền Trang viết, kể lại chuyến đi Tây Trúc thỉnh kinh. Tôi cũng đã thưa rằng Tây Du Ký có chỗ mang ẩn nghĩa dính líu đến Duy thức học, môn học làm nền móng cho Pháp tướng tông mà ngài Huyền Trang là giáo tổ. Hôm nay, tôi xin nói về mấy chỗ ẩn nghĩa đó.
Con người có tám thức: năm thức đầu là nhãn thức, nhĩ thức, tị thức, thiệt thức, thân thức, thức thứ sáu là ý thức, thức thứ bảy là mạt-na-thức và thức thứ tám là a-lại-da-thức. Khi con mắt (nhãn căn) gặp cái cây chẳng hạn (cái cây gọi là nhãn trần) thì làm nảy ra nhãn thức, nhờ nhãn thức ta mới biết là cái cây. Khi tai (nhĩ căn) gặp tiếng còi chẳng hạn (tiếng còi gọi là thanh trần), thì hai thứ ấy làm duyên cho nhãn thức nảy ra, nhờ nhĩ thức ta mới biết là tiếng còi, vv …
Khi trong ta, có một tư tưởng chẳng hạn, thì cơ quan nào coi về thứ đó? Thưa rằng đó là giác quan thứ sáu vô hình, gọi là ý. Ý vô hình, nó “đóng đô” ở nơi vô hình gọi là ý căn. Cơ quan Ý gặp một tư tưởng thì tư tưởng đó gọi là một pháp. Phải có ý thức thì ta mới biết đó là một tư tưởng. Ý thức quan trọng vì nó tổng hợp năm thức kia, có nó thì mới có suy nghĩ, học hỏi, lý luận, đặt kế hoạch vv… Nó là “công vi thủ, tội vi khôi” (công cũng do nó đứng đầu, tội cũng do nó đứng thứ nhất).
Thức thứ bảy là cái gì? Chính là cái ý căn. Nó có nhiều tên lắm, ta hãy dùng tên mạt- na-thức, nói ngắn là mạt-na. Nó là thứ so đo, tính toán, quyết định, đáng chú ý là nó hay quyết định theo thói quen của con người, và đáng chú ý nữa là nó chấp ngã nặng nề, cái ta do nó mà mạnh. Thế thì nó xấu hay sao? Không! Nó bảo vệ cái thân mệnh ta, nó nghĩ cách bảo vệ cái ta.
Còn thức thứ tám là cái nào? Nó cũng có nhiều tên, ta hãy dùng tên a-lại-da, nó là cái kho, kho chứa nghiệp do thân khẩu ý gây ra và cả nghiệp của các đời trước. Các chủng tử (nhân) mà người ta gieo vào đó sẽ trổ quả. Chính a-lại-da mang cái nghiệp vô hình đi luân hồi.
Con heo Trư Bát Giới ham ăn ham uống, tượng trưng cho năm thức đầu, tiếp xúc với ngoại cảnh rồi bị ngoại cảnh chi phối, tham lam, cái gì hay, đẹp, tốt cũng muốn chiếm về phần mình, tay luôn luôn cầm đinh ba sẵn sàng quơ mọi thứ cho mình ; “hương thơm vị ngọt quen mồm mũi, tiếng dịu mầu xinh bận mắt tai”; khi đã vướng vào sắc, thanh, hương, vị, xúc rồi, mà lại không có ai chỉ bảo cho con đường giải thoát để trở về quê hương thật sự của mình là cõi Niết-bàn thì luân hồi không biết kiếp nào mới ra khỏi: “trôi giạt còn dài đời gió bụi, quê hương muôn dặm bóng xa khơi” (Trần Thái Tông, bài Bốn núi, trong Khóa Hư Lục, bản dịch của Ngô tất Tố).
Con khỉ Tôn Ngộ Không do thông minh nhanh nhẹn, làm chúa đàn khỉ ở Hoa Quả Sơn, đây là tượng trưng cho thức thứ sáu tức là ý thức, sự suy xét, sự lý luận, sự phán đoán … , nói dễ hiểu Tôn Ngộ Không tượng trưng cho lý trí. Lý trí này nghĩ phải, nghĩ trái đều được, nghĩ trái như là phá rối tận Thiên đình, nghĩ phải như yểm trợ và bảo vệ sư Huyền Trang sang Tây Trúc thỉnh kinh Phật. Muốn huấn luyện cho biết nghĩ phải thì cần thực hành chánh pháp, chệch một chút là hỏng; đó là ý nghĩa việc Tôn Ngộ Không đội kim cô, nghĩ sai là đau đầu ngay. Làm chúa khỉ rồi, một ngày kia, Tôn Ngộ Không tức Hầu Vương muốn hưởng mãi phúc trời tức là muốn bất tử. Một con khỉ già chỉ bảo cho biết rằng nên tu thành Phật, Thánh thì “sống ngang trời đất”.
Sa Tăng thì sao? Sa Tăng gánh hành lý, giữ giấy tờ. Giấy tờ để làm gì? đó là thẻ căn cước theo cách nói ngày nay. Căn cước này ghi rõ tên tôi, hành lý này của tôi, của thày tôi, của bạn tôi… luôn luôn có chữ “tôi”, rõ ràng là nói cái “ngã”. Sa Tăng tượng trưng cho thức thứ bảy, tức mạt-na, luôn luôn chấp ngã. Tu Phật là tiến tới chỗ vô ngã, một trong những điều cần để chứng ngộ Niết -bàn là đạt được tình trạng tâm lý vô ngã. Thế thì bỏ cái thân này đi chăng, tự tử chăng? Làm thế là điên rồ, không có cái thân này thì lấy gì mà tu? Thân phải khỏe mạnh, tâm phải trong sạch, thân tâm phải đi đôi với nhau. Khỏe như Bạch Mã mà Đường tăng cưỡi, thanh tịnh như lòng của Đường tăng. Thân khỏe, lòng tịnh, thêm vào ý chí tinh tấn, cần cù, nhẫn nại như Sa Tăng, thế thì vượt được mọi trở ngại trên đường tu hành.
Khi thày trò Đường tăng gặp nạn, bị tiểu yêu bắt nhốt vào túi, chỉ có một mình Tôn Ngộ Không ở ngoài, chưa nghĩ ta cách gì giải cứu thì may sao, gặp được ngài Di-Lặc chỉ mẹo cho tiểu yêu ăn dưa cả hột. Nó ăn, hột vào trong bụng, trổ thành cây, tiểu yêu chịu không thấu nên bị thua vv… Cái túi chứa hột, hột lớn lên thành cây, ý nghĩa gì đây? Đó là a-lại-da, tên khác là tạng thức. Túi chứa dụ cho cái kho (tạng = kho), hột là chủng tử, chủng tử lớn dần … chẳng qua là nhân đang trở thành quả, nghiệp đang thành hình. Lại nữa, nói tới đức Di-Lặc là nói tới Duy thức, chính ngài đã dạy Duy thức cho hai ngài Vô Trước và Thế Thân. Các vị ấy đã xiển dương môn Duy thức học, ngài Huyền Trang rất tinh thông môn học đó, đem truyền bá tại Trung Quốc nên ngài được coi là giáo tổ của Duy thức Pháp tướng tông.
Đường tăng là một nhân vật có thật, còn các nhân vật kia do óc tưởng tượng của văn sĩ Ngô Thừa Ân tạo ra. Tuy là tưởng tượng nhưng đây là một sự tưởng tượng có lớp lang, có hệ thống, có dựa trên một lý thuyết là Duy thức học nói riêng và vào Phật pháp nói chung. Khi còn ít tuổi, chúng ta đã thích thú Tây Du Ký. Nay học Phật, thấy rõ nhiều chi tiết khéo lồng vào truyện, khéo gợi Duy thức học và Phật học [thí dụ: có người mách cho Tôn Ngộ Không đến tìm Đạo ở động Tà nguyệt tam tinh, thì đó chẳng qua là chữ tâm ( “một vầng trăng khuyết, ba sao giữa trời”, cụ Nguyễn Du cũng đã dùng để tả chữ tâm) mà tâm lại chính là ý niệm cốt lõi nhất mà cũng khó hiểu nhất của đạo Phật] chúng ta cảm thấy thích thú thêm một phần nữa. □
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
Bước Vào Cửa Phật – Quyển 2 – Montreal 2010
Hình: Điện Potala, Tây Tạng, nơi Đức Đạt Lai Lạt Ma ở trước đây và cũng là Trung Tâm Phật Giáo Tây Tạng . Nhưng sau khi bị Trung Quốc chiếm đóng, thì trở thành Viện Bảo Tàng . (Theo blogspot ) – NN sưu tầm
Ị.Hoằng Hữu NVP:1/Sáu nẻo luân hồi-2/Thập nhị nhân duyên-II.Ba đức tính dẫn ta lên cõi Trời(TVHS)
I.Hoằng Hữu NVP:1.Bám níu-2.Ngã mạn-3.Linh hồn–II.Sự tích cái mõ và chày kình-(NN sưu tập).

Share

Leave a Reply

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Paid Links