22/07: Bài 8- Đạo Phật giúp được những gì ?
Category: Phật Học – Phật học ôn tập-
Posted by: Tbl Đọc: 5059 lần
LGT- Bài 8 : Đạo Phật giúp được những gì ? đã được đăng kỳ trước cùng bài 7 ; nhưng vì bài quá dài đối với khuôn khổ trang Web, chúng tôi đã phải ngắt ra . Để quí bạn đọc tiện theo dõi, chúng tôi đăng lại toàn bộ bài 8 này .
Trân trọng – NN
BƯỚC VÀO CỬA PHẬT – Quyển 3
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
Bài 8 . Đạo Phật giúp được…
… những gì ?
Thấy chúng tôi chăm chỉ đến chùa, chịu khó ngồi tụng kinh niệm Phật cùng các đạo hữu, một số bạn già đã một đôi lần tỏ ra thắc mắc, cho rằng chúng tôi thiếu sáng suốt, không nhận ra nhiều điều đáng nghi ngại – thậm chí đáng chê trách – liên quan đến việc chạy đua xây chùa thật lớn cả trong nước lẫn ngoài nước, đến phương thức hoằng pháp quá cũ kỹ và thiếu thống nhất, thí dụ như dùng kinh sách và sớ chữ nho, đặt nặng việc cầu siêu hơn là giảng pháp, phương thức hành lễ mỗi chùa một khác. Họ dè dặt đặt vấn đề liên quan đến một số người xuất gia không giữ đủ giới luật – thậm chí theo đuôi chính quyền để mưu cầu lợi lộc – và bàn đến sự tu học thiếu nghiêm túc của một số Phật tử chỉ biết giữ các hình thức mà quên mục đích cao cả của đạo Phật. Chúng tôi không chối cãi vì mấy điều mà các bạn ấy vừa nêu ra quả thật là có.
Chúng tôi xin trả lời rằng đức Phật đã biết rõ mọi chuyện ấy. Kính mời quý vị nghe một đoạn trong Kinh Đại Tập Nguyệt Tạng: Sau khi đức Thế Tôn nhập Niết Bàn, Phật pháp sẽ diễn biến qua năm thời kỳ từ thạnh đến suy, gọi là Ngũ Kiên Cố, mỗi thời kỳ kéo dài 500 năm (kiên cố nghĩa là bền chắc, ý nói trong mỗi thời kỳ, nghiệp duyên và tâm niệm của chúng sinh rất vững chắc):
1/ Giải thoát kiên cố: 500 năm đầu tiên, hành giả hiểu sâu lẽ mầu, giữ gìn giới hạnh, một trăm người tu, có đến bảy chục vị đắc đạo.
2/ Thiền định kiên cố: sang 500 năm tiếp theo, kẻ xuất gia và tại gia đi sâu vào cảnh giới thiền định, một trăm người tu, có được sáu, bảy người chứng đạo.
3/ Đa văn kiên cố: tới 500 năm thứ ba, căn của chúng sinh cạn cợt hơn trước, đa số chỉ thích học rộng nghe nhiều. Kinh, Luận thạnh hành khắp nơi. Kẻ thiết thực cầu giải thoát còn có ít người, huống chi là chứng quả. Tuy nhiên, trong số muôn ức người tu, cũng có đôi ba bậc đắc đạo.
4/ Tháp tự kiên cố: tiếp đến 500 năm thứ tư, đa số hướng về việc cất chùa, xây tháp, bố thí, tụng kinh để cầu phước báo; về phương diện văn, tư, rất ít có người, huống nữa là tu ! Tăng chúng chỉ tụng kinh để gieo căn lành phước báo ở tương lai, không mấy ai ngộ đạo. Họ chưa hiểu xuất gia là phải ra khỏi nhà tam giới hay ít nữa là ra khỏi nhà phiền não, chứ không phải là chỉ ra khỏi nhà thế tục, cạo tóc mặc cà-sa là đủ.
5/ Đấu tranh kiên cố: đến 500 năm thứ năm, nhân loại vì ngã chấp nặng, tự ái nhiều, chẳng những ngoài đời thường xảy ra cảnh tranh đua giết hại lẫn nhau, mà trong đạo cũng lắm kẻ chen lấn trên đường danh nẻo lợi. Phật tử tuy nhiều song ít người tin hiểu sâu tam tạng kinh điển, ít ai thiết thực vì đạo, đi đúng với đạo trên phương diện tự lợi lợi tha. (1)
Đại khái, từ khi đức Phật nhập Niết bàn đến năm 2001 này là 543 + 2001 = 2544 năm. Vậy bây giờ là thời kỳ thứ năm rồi. Suy nghĩ về mấy điều trên đây, chúng ta thấy đức Phật đã biết trước thật rõ ràng.
Có vì thế mà chúng ta nản lòng không ? Dĩ nhiên là không. Tại sao vậy ? Sách đã dạy: “Y pháp bất y nhân”. Hãy y theo pháp, chớ y theo con người. Con người dù là xuất gia, nếu không thực hành đúng lời Phật dạy, thì sẽ gây ra và chịu đựng bất thiện nghiệp, đúng theo luật nhân quả. Đó là việc của con người, nhưng Phật pháp thì vẫn còn đó, vẫn sáng ngời, chúng ta cứ y vào đó mà học, mà tu, mà tìm đường giác ngộ và giải thoát, giác ngộ Chân Lý và giải thoát khỏi cảnh sinh tử luân hồi.
Vấn đề đối với những ai ít đến chùa và nhất là đối với các bạn trẻ là : Phật pháp mênh mông, biết bắt đầu từ đâu, biết thực hành như thế nào ? Tôi cứ đến chùa lễ Phật, tụng kinh, làm công quả, như vậy được chưa ? Xin thưa : đến chùa lễ Phật, điều này không khó lắm, nhưng ý nghĩa việc lễ Phật là thế nào ? Có phải là xì xụp lễ lạy, cầu xin phúc cho mình và cho vợ con hay là còn gì khác ? Tụng kinh, điều này cũng có thể thực hiện được, nhưng thú thật, sao mà nhà chùa kéo dài cả tiếng đồng hồ, lúc thì tiếng Việt, lúc thì chữ Nho, có lúc lại chen tiếng Phạn, không làm sao hiểu nổi. Ngay như Việt văn cũng đã khó hiểu rồi, huống chi là chữ Nho và chữ Phạn! Trong kinh, quả thật, có nhiều đoạn khó tin hay hơn nữa, có vẻ mê tín dị đoan. Không hiểu thì làm sao tin ; không tin thì làm sao tu ?
Thời giờ ít oi, sách vở kinh điển như rừng, thiện tri thức lại khó tìm ! Thật là cả một vấn đề lớn đối với các bạn cao niên đang tìm một chỗ dựa tâm linh khi về già, đối với các bạn trung niên đang lo việc làm ăn và việc gia đình, đối với các bạn thanh niên đang được huấn luyện trong tinh thần khoa học, trong luận lý Descartes, đặt nặng trí hơn là tâm, lý luận hơn trực giác. Mong đến với đạo Phật quá, mà tìm không thấy cửa vô !
Rất nhiều thắc mắc, chúng ta không thể gỡ rối và giải đáp ngay trong một buổi. Hơn nữa, đầu đề mà chúng tôi đưa ra hôm nay là “Phật giáo giúp được gì cho chúng ta?” nên chúng tôi không dám lạc đề.
Rõ ràng là hai cuộc đại chiến thế giới của thế kỷ 20 đã để trong ký ức nhân loại những hình ảnh hãi hùng và ghê rợn. Rồi đến những đe dọa khủng khiếp của chiến tranh lạnh và cuộc chạy đua vũ trang chưa từng thấy, với những vũ khí có thể giết hại hàng triệu người trong chốc lát. Bên cạnh đó là những bước tiến thật dài và thật nhanh của khoa học, đặc biệt về nguyên tử và về điện tử, điện toán, đem đến những phát minh vô cùng kỳ diệu, ảnh hưởng mạnh mẽ đến sinh hoạt vật chất và tinh thần của con người. Ấy là chưa kể đến sự thắng lợi của trào lưu dân chủ sau việc phá bỏ bức tường Bá Linh , kéo theo bao nhiêu thay đổi về chính trị, kinh tế và văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, chúng ta thấy chưa thấy có dấu hiệu mầu hồng cho hiện tại và tương lai của nhân loại: chiến tranh còn diễn ra ở rất nhiều nơi, đói khát và bệnh tật lan tràn trên nhiều vùng, sự chênh lệch giàu nghèo giữa các nước, giữa các tầng lớp và giữa các cá nhân đã tỏ ra sâu rộng hơn. Tại những nơi tạm gọi là khá giả thì xã hội được biến thành xã hội tiêu thụ, tiêu thụ đủ mọi mặt hàng hóa, tiêu thụ quá cả nhu cầu thật sự ; con người đang bị lệ thuộc càng ngày càng nặng nề vào các hãng truyền thông và các ngân hàng cùng các công ty bảo hiểm. Cho nên một câu hỏi được đặt ra : Thật sự, trong hoàn cảnh thế giới ngày nay, con người có hạnh phúc không ?
Người ta đã nhận xét, đã suy nghĩ, và đã thấy rằng nhân loại chưa có hạnh phúc. Vẫn có tranh chấp triền miên – nhiều lúc đẫm máu – giữa nhiều dân tộc, giữa nhiều sắc tộc, giữa nhiều quốc gia, giữa nhiều tôn giáo và nhân loại đang cố tìm một lối thoát.
Phật giáo, có mặt trên thế gian này đã trên 25 thế kỷ, có thể cống hiến một giải pháp.
Trước hết, người ta nhận xét rằng một trong các đặc điểm của Phật giáo là tự do tư tưởng. Trong kinh Kalama, chính đức Phật đã dạy rằng ai ai cũng phải suy xét kỹ mọi điều mà mình thấy, mình nghe, mình học, bất kể những điều ấy đến từ đâu, từ thày mình hay từ chính đức Phật. Do đó bất cứ ai đến với đạo Phật cũng có thể yên tâm, cứ việc nghe, cứ việc đọc, cứ việc thảo luận, cho đến khi nào tự mình nhận thức được rằng lời Phật dạy là phải, là đúng và mình có thể đem ra thực hành được. Việc quy y Tam Bảo sẽ tới sau, nếu mình muốn. (2)
Một đặc điểm khác của Phật giáo là lòng khoan dung. Phật giáo không chủ trương chống đối hay loại bỏ các tôn giáo khác, trái lại Phật giáo tôn trọng các tôn giáo ấy. Vì lý do đó mà khi truyền bá rộng ra ngoài bờ cõi Ấn-Độ, Phật giáo không hề gây nên chiến tranh tôn giáo bao giờ. Tuy vậy, chúng ta cũng cần nghiên cứu xem tại sao một nước thấm nhuần Phật giáo như Cam Bốt lại xẩy ra những cuộc tàn sát khiến thế giới phải kinh sợ, một nước như Sri Lanka lại nội chiến triền miên cho đến tận hôm nay, và một nước như Thái Lan lại quá nổi tiếng về những chuyến du lịch kém lành mạnh. Ấy là chưa nói đến nước Việt Nam chúng ta, khoe thống nhất về lãnh thổ mà lại chia rẽ về mọi mặt, và nói thẳng ra là Phật giáo Việt Nam trong nước cũng như ngoài nước quả có chia rẽ nặng nề. Vậy thì không nên vội vã mà nói rằng đạo Phật của chúng ta cái gì cũng là “nhất”.(3)
Nhờ tự do tư tưởng và lòng khoan dung mà con người dễ thông cảm với nhau hơn và từ đó dẹp được nhiều tranh chấp và tránh được nhiều chém giết. Người Việt Nam chúng ta biết rõ những tai hại và tàn ác cùng cực của “độc quyền tư tưởng”, của “đấu tranh không khoan nhượng”, của “chuyên chính vô sản” hơn một nửa thế kỷ nay rồi, nên lòng người luôn luôn hướng về tự do tư tưởng và sự khoan dung. Hai điều này, Phật giáo sẵn sàng cống hiến.
Chúng ta thử ngẫm nghĩ xem nhân loại mong điều gì trước tiên ? Chắc chắn là mong hòa bình và hạnh phúc. Đạo Phật dạy : hãy làm cho tâm bình trước đã. Tâm bình là tâm không bị xáo trộn. Xáo trộn bởi những gì ? Bởi những phiền não mà ba cái chính là lòng tham lam ham muốn, lòng sân hận cáu kỉnh giận hờn và lòng si mê lầm lạc, nhận những cái giả làm cái thật, ba thứ đó gọi ngắn là ba độc, tức là tham, sân, si. Phiền não do đâu mà có ? Do sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) tiếp xúc với sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) gây ra yêu thích, ham muốn, thèm khát cái này, chán chường, ghét bỏ cái kia … từ những thương yêu, ham muốn, ghét bỏ, giận hờn đó mà phạm vào những tạo tác do ý, do miệng và do thân ; đó là nguồn gốc của ba nghiệp (thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp), và ba nghiệp này dẫn dắt con người vào sáu nẻo luân hồi, rứt không ra ! [sáu nẻo luân hồi gồm có : địa ngục, ngã quỷ, súc sinh, a-tu-la, người và chư thiên. Do tu hành mà có thể thoát khỏi luân hồi, tiến lên bậc thánh : thanh văn, duyên giác, bồ-tát, Phật].
Đạo Phật dạy chúng ta phải tu, tu không có nghĩa là xuất gia khoác áo cà-sa, mà có nghĩa là sửa mình. Nói đơn giản là chống lại ba độc (tham, sân, si). Trên thực tế, việc này rất khó. Trong xã hội bận rộn và thiếu thời giờ như ngày nay, giải quyết ra sao ? Đức Phật đã dạy một điều hết sức đơn giản, đó là thiểu dục tri túc tức là ít ham muốn và biết đủ. Chúng ta hãy tưởng tượng một người kia, có nhà rồi lại muốn nhà to hơn, có xe rồi lại muốn xe đẹp hơn, có tiền lại muốn nhiều tiền hơn …, quanh năm suốt tháng chạy vạy, xoay sở lo toan … làm gì còn thời giờ và tâm trí mà tìm hạnh phúc ! Có người hiểu lầm thiểu dục tri túc là từ bỏ phấn đấu. Thật ra, trong đạo Phật, có danh từ tinh tấn, đó là chăm chỉ, cố gắng lo cho đời sống bản thân, cho gia đình và giúp ích cho xã hội, chữ đời sống nói ở đây bao gồm luôn đời sống vật chất, tinh thần và tâm linh.
Phật dạy rằng chớ có tham lam, ham muốn, vơ vét vì ai cũng biết rằng lòng tham thì không có đáy, nó sẽ gây ra đau khổ cho chính mình và cho người khác. Trái lại, chúng ta nên cứu khổ và cho vui ; biết cứu khổ là có lòng bi, biết cho vui là có lòng từ. Từ bi là như thế. Khi biết vui với cái vui của người khác mà không đố kỵ ghen ghét người ta, đó là có lòng hỷ. Khi biết bỏ cáu kỉnh, bực bội, sân hận, oán hờn, đó là có lòng xả ; xả, xả hết, sẽ thấy nhẹ nhàng, lâng lâng, sẽ biết cười như đức Phật Di-Lặc, ngài là vị Phật duy nhất có tượng hình dung một người cười mà không tham thiền nhập định, ngài cười vì đã xả hết rồi, không còn vướng mắc gì nữa, lúc ấy là lúc tâm được bình.
Ngoài hai điều thiểu dục tri túc, từ bi hỷ xả, còn gì đáng nhấn mạnh ? Thiểu dục tri túc là đối với mình, từ bi hỷ xả là đối với người. Còn một điều thật là hay trong đạo Phật, đó là phản quang tự kỷ, nghĩa là quay ánh sáng soi vào chính mình, chính lòng mình. Thông thường, con người chỉ hướng ra cảnh bên ngoài cho nên “tai vướng tiếng êm ái, lưỡi ham vị ngon ngọt, mũi thích mùi thơm tho …” rồi dính mắc vào, ham muốn, chạy theo, chiếm đoạt …, mang cái khổ choàng vào mình. Trong các thứ khổ thì “cầu mà không được” là một. Hơn nữa, con người có cái tật chỉ nhìn thấy các cái dở, các cái xấu và các lỗi lầm của người khác và cố tình quên những các cái dở, các cái xấu và các lỗi lầm của chính mình. Biết quay vào trong để xét bản thân mình, thường xuyên và nhẫn nại, dần dần sẽ nhận ra những lỗi lầm và khuyết điểm của mình, mới hiểu rằng mình đã bị ngấm ba độc ra làm sao rồi chân thành sám-hối, đồng thời nguyện cương quyết không tái phạm, trong sách gọi đó là chân sám-hối. Nhìn vào ta và xung quanh ta, chúng ta nhận xét rằng vì thiếu phản quang tự kỷ mà con người phạm vào một lầm lẫn vô cùng lớn lao : đó là việc cho cái ta, cái ngã của mình một giá trị quá lớn đồng thời cho cái ta, cái ngã của người khác một giá trị quá nhỏ.
Đối với đạo Phật, cái ta đó chỉ là giả mà thôi. Có người hỏi : thế thì có cái gì thật ? Phật giáo đáp : bản thể của con người mới là thật, còn tất cả mọi hiện tượng trên thế gian này chỉ là giả. Bản thể ấy đâu ? Nó có tên là Phật tánh. Đức Phật dạy : Chúng sinh nào cũng có Phật tánh. Mọi Phật tử chăm lo tu hành để thấy tánh là như vậy. Minh tâm kiến tánh là như vậy. Kiến tánh thành Phật là như vậy.
Đối với mình thì thiểu dục tri túc, đối với người thì từ bi hỷ xả (gọi là bốn tâm vô lượng). Để tiến xa trên đường thành Phật, hành giả hãy cố đạt đến vô ngã. Con đường thật là khó khăn, nhưng đã là con đường thì phải đặt chân lên mà đi, tự mình đi, không ai đi hộ được. Đến chùa tìm học ở các đồng đạo, mỗi khi ta thấy vị nào đã làm cho cái ta nhỏ đi được thì chúng ta biết rằng vị đó đang tiến trên đường tu. Ngược lại, cũng có chỗ đáng nghĩ ngợi khi thấy người nào đi chùa cả mười năm mà chẳng có gì khá hơn, vì cái ta vẫn còn quá lớn !
Nói vậy, sợ đi xa đề mất rồi ! Quay về thế giới đau khổ, loạn lạc ngày nay, đạo Phật giúp được gì ? Đã biết rằng tâm bình thì thế giới bình, nhưng bao giờ thì sáu tỷ cái tâm trên trái đất này mới bình ? Vì thế đạo Phật đã dạy chủ trương bất bạo động. Nôm na là không dùng sức mạnh để giải quyết các vấn đề tranh chấp. Có bạn sẽ hỏi : quân thù nó đánh mình, chẳng lẽ ngồi yên ? Thắc mắc thế là phải. Câu trả lời là: hãy bình tĩnh xem xét vấn đề để tìm mọi giải pháp ôn hòa đã, hết đường hòa bình mới tính cách khác, nghĩa là tính đến võ lực. Đó là trả lời theo quan điểm thế gian. Còn thái độ xuất thế gian thì chúng ta theo không nổi. Tại sao ? Vì đối với các vị đã lên đến hàng bồ-tát thì cái ngã không còn nữa.
Nhân nói về tâm bình và nghiệp báo, chúng tôi xin phép bàn với vài đạo hữu đã nêu lên thắc mắc rằng “không biết do cái nghiệp nào mà dân tộc ta khổ sở triền miên như vậy?”. Vấn đề quá rộng lớn vì lan sang nhiều lĩnh vực như lịch sử, xã hội và chính trị. Tôi muốn giới hạn vào địa hạt đạo Phật. Mỗi người có một cái nghiệp riêng gọi là biệt nghiệp. Mỗi dân tộc có một cái nghiệp chung gọi là cộng nghiệp, tạm gọi như là tổng số các nghiệp riêng của từng cá nhân. Chúng tôi chưa dám bàn về ý kiến nói rằng “cái tội diệt Chiêm Thành, chiếm Chân Lạp, quét Cao Mên của tiền nhân chúng ta là những nhân xấu của cái cộng nghiệp xấu của chúng ta ngày nay”. Rất có thể đó là một trong các nhân. Chỉ gần đây thôi, thế hệ chúng ta chứng kiến được, những cuộc đấu tố chém giết dã man trong cải cách ruộng đất theo mẫu ngoại bang, với các cố vấn ngoại bang, những cuộc thảm sát hàng loạt tại Huế hồi tết Mậu Thân, những trại khổ sai dưới cái tên gọi là học tập cải tạo làm chết bao nhiêu người, tan nát bao nhiêu gia đình, những chiếc ghe chở quá đầy người để thu cho được nhiều vàng bất chấp những hiểm nguy trên biển cả làm cho hàng bao nhiêu ngàn người chết đuối, những vụ san bằng các nghĩa địa nhất là các nghĩa trang quân đội … bao nhiêu những thứ ấy hẳn là những yếu tố làm cho cộng nghiệp của dân tộc ta không phải là một cộng nghiệp thiện. Dĩ nhiên, trong cái cộng nghiệp ấy vẫn còn các biệt nghiệp, cho nên vẫn có người thoát các khổ nạn bằng cách này hay cách khác. Điều quan trọng nhất cho chúng ta là biết gây thiện nghiệp, từng cá nhân gây thiện nghiệp, dần dần cái cộng nghiệp mới khá được. Đó là biết ứng dụng đạo Phật vào đời sống chung của dân tộc. Trong một bài ngắn, chúng tôi không thể kể ra nhiều chi tiết, tuy nhiên quý đạo hữu có thể tìm đọc các tài liệu xác thực về các sự kiện mà chúng tôi mới nêu lên ở trên đây.
Tóm lại, đạo Phật có thể cống hiến hạnh phúc cho mỗi người qua phản quang tự kỷ và thiểu dục tri túc, có thể cống hiến an lạc cho xã hội qua từ bi hỷ xả , có thể cống hiến thanh bình cho dân tộc qua sự xây dựng một cộng nghiệp tốt lành và cống hiến hòa bình cho nhân loại qua tự do tư tưởng, khoan dung và bất bạo động.
Quý vị hỏi thêm : “đạo Phật có thể giúp gì cho con người trước cái chết ?” Vấn đề quá lớn, những gì chúng tôi sắp trình bày ở đây chỉ là mấy nét sơ sài mà thôi.
Đạo Phật quan niệm rằng con người do năm uẩn hợp thành, năm uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc là thân thể, còn bốn thứ vô hình kia (thọ. tưởng, hành, thức) gọi chung là tâm. Thế thì con người có thân và tâm. Do đó, ta thường nghe người ta chúc lành cho nhau bằng mấy chữ thân tâm an lạc.
Thân thì do bốn đại là đất, nước, gió, lửa hợp thành ( nên hiểu : đất là những thứ rắn như xương …, nước là những thứ lỏng như máu …, gió là những thứ hơi như không khí…, lửa là những thứ thuộc về sức nóng như thân nhiệt …). Tâm thì gồm thọ, tưởng, hành và thức : thọ là cảm giác như dễ chịu, khó chịu, trung hòa …, tưởng là nhớ nghĩ, hành là mọi tạo tác tâm lý còn gọi là tác ý, thức là biết tức là tri giác. Cái biết của mắt là nhãn thức, của tai là nhĩ thức, của mũi là tỵ thức, của lưỡi là thiệt thức, của thân (da) là thân thức, của ý là ý thức. Đó gọi là sáu thức.
Thức thứ bảy là thức chấp ngã. Thức thứ tám ( tên là a-lại-da) là cái kho vô hình chứa cái nghiệp vô hình của con người. Khi con người chết đi, nếu không thành thánh tức là chưa thoát khỏi sinh tử luân hồi, thì mọi thứ tan rã, chỉ có thức thứ tám này còn lại, nó mang cái nghiệp đi sang một thân khác ; nói nôm na cho dễ hiểu là cái thức ấy đi đầu thai, hợp với tinh cha huyết mẹ thành một con người khác ; đó là nói theo cách nói hàng ngày, chứ sự thật thì “người ta” có thể tái sanh thành cái khác vì có tới sáu nẻo luân hồi.
Người ta thường gọi cái đó là thần thức, trong sớ cầu siêu gọi là hương linh hay vong linh. Thời gian đi sang thân khác tối đa là 49 ngày. Trong khi bỏ thân cũ tức thân tiền ấm, chờ thân mới tức thân hậu ấm thì thần thức không có thân gì cả, nhưng sách cứ gọi là thân trung ấm. Các vị tôn đức Tây Tạng đã nhập định thật sâu mà theo rõi chuyển động của thần thức nên các ngài biết rõ trong 49 ngày ấy có những chi tiết gì, tất cả đã được ghi trong cuốn sách gọi là Tử thư Tây Tạng.
Sự tái sanh vào cảnh giới nào tùy thuộc vào cái nghiệp. Kiếp sống này là do nghiệp của các kiếp trước mà ra. Kiếp này lại gây nghiệp cho nên khi chết đi, cái nghiệp gồm nghiệp cũ cộng với nghiệp của kiếp này lại dẫn đến tái sinh (trừ trường hợp tu thành thánh). Sang kiếp mới, lại gây nghiệp, chết đi thì lại tái sanh, cứ như thế hoài. Cho nên con người trôi lăn mãi trong vòng luân hồi. Tạm coi như đợt sóng nhô lên là sống, đợt sóng thụt xuống là chết.
Đạo Phật dạy cho chúng ta một cách tu đơn giản, dễ thực hành, để thoát luân hồi dù chưa thành thánh. Đó là việc gieo các nhân lành vào trong a-lại-da, mỗi giây mỗi phút gieo thật nhiều nhân lành ấy để cho chúng lớn dần lên, át hết các nhân xấu của nghiệp. Gieo thế nào ? Bằng cách niệm sáu chữ “Nam mô A-Di-Đà Phật” hay bốn chữ “A-Di-Đà Phật” vào bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào có thể được (chi tiết về pháp môn niệm Phật không nói ở đây). Mãi mãi rồi thành cái nếp, khi gần chết thì tâm không bị xáo trộn bởi các niệm (các ý nghĩ) tạp nhạp như tiếc của, nhớ vợ, thương con, hận kẻ thù v.v… ; trái lại, trong tâm chỉ còn toàn là các niệm về Phật A-Di-Đà mà thôi. Thần thức không bị lôi vào một trong sáu nẻo luân hồi mà trái lại được đưa lên một cõi yên tịnh gọi là Tịnh độ của đức Phật A-Di-Đà. Lên đó rồi, chưa phải là thánh nhưng được gần chư bồ-tát, chư thượng thiện nhân, tu học dần dần mà giải thoát. Nói dễ hiểu, nơi đó là cõi Cực Lạc của đức A-Di-Đà. Nói một cách khác, cao hơn, cõi Cực Lạc ấy chỉ là một tình trạng của cái tâm mà thôi.
Vậy thì đạo Phật ngoài việc dạy cho chúng ta cách sống với tâm bình, bình với chính mình, bình với đồng loại, tìm hạnh phúc bằng cái tâm bình ấy, lại còn dạy cho chúng ta chuẩn bị cho sự ra đi yên ổn, thoát khỏi sinh tử luân hồi. Như vậy chẳng là vô cùng quý báu ư ? Vấn đề là thực hành ngay trong đời sống hàng ngày. Nói thì dễ mà làm thì khó, ai cũng hiểu như vậy, song phải có gieo nhân mới mong hái quả được.
Để kết thúc bài nói chuyện hôm nay, chúng tôi xin sám-hối về những chỗ thiếu sót, tối nghĩa và sai lầm.
Kính xin Tam Bảo gia hộ cho toàn thể quý vị thân tâm thường an lạc. □
CHÚ THÍCH.
(1) trích lược từ cuốn Phật Học tinh yếu của HT Thích Thiền Tâm, quyển 2 , trang 190 và tiếp theo, Phật học viện Quốc Tế xuất bản tại Hoa kỳ.
(2) Kalama, ne vous laissez pas guider par des rapports, par des traditions et par ce que vous avez entendu dire. Ne vous laissez pas guider par des textes religieux, ni par la simple logique ou l’inférence, ni par les apparences, ni par le plaisir de spéculer sur des opinions, ni par des vraisemblances possibles, ni par la pensée “il est notre maître”… Le Bouddha dit aussi aux bhikkhu qu’un disciple devrait même examiner le Bouddha lui-même, de manière qu’il (le disciple) pût être entièrement convaincu de la valeur véritable du Maître qu’il suit. Cf Walpola Rahula, L’Enseignement du Bouddha, p.19, Éditions du Seuil, Paris, 1986].
(3) “Người học Phật phải mở rộng tâm hồn trí não hầu có thể thông cảm với tất cả các giáo lý khác. Sự cố chấp hẹp hòi và cuồng tín là trái rất xa với tinh thần Phật giáo : chân lý hiện lên muôn mặt, học thuyết này học thuyết kia chỉ là một vấn đề trình độ căn cơ mà thôi. Phật học, đầu tiên, là một cái học phá trừ kiến chấp. Bởi vậy, H. de Glasenapp, trong quyển Les Cinq Grandes Religions du Monde, có viết: ‘Trong các tín đồ tôn giáo trên hoàn cầu, chắc chắn là chỉ có tín đồ Phật giáo là thực hiện được tinh thần khoan dung hơn hết’ . Coi Nguyễn Duy Cần, Phật học tinh hoa, trang 60, Đại Nam chụp, in lại ở Hoa Kỳ, không đề năm. □
Hoằng Hữu Nguyễn văn Phú
(Hình: Durbar Square – Nepal – NN sưu tầm )