23/11: Book 3_19- Suy Tư
Category: Phật Học – Phật học ôn tập-
Posted by: Tbl Đọc: 7177 lần
BƯỚC VÀO CỬA PHẬT
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
Bài 19. SUY TƯ
1. Vắng mặt tại Tổ Đình thân mến này gần một năm, hôm nay chúng tôi vui mừng được trở lại sau cơn đau nặng vừa qua. Lời đầu tiên của chúng tôi là thành kính tri ân Hòa Thượng Viện Chủ đã từ bi thăm hỏi luôn luôn và hàng ngày trì chú cầu nguyện cho chúng tôi mau lành…
… bệnh. Chúng tôi xin tri ân chư thượng tọa, đại đức tăng, ni không ngại công việc bề bộn đã dành thời giờ cầu an cho chúng tôi trong nhiều tháng liền. Chúng tôi xin thành thực đa tạ quý đạo hữu, đặc biệt là quý đạo hữu trong ban Hoằng pháp, lúc nào cũng săn sóc thăm hỏi chúng tôi, làm cho tinh thần chúng tôi thêm vững vàng. Kính xin chư Phật và chư Bồ-tát mười phương gia hộ cho toàn thể quý vị thân tâm thường an lạc.
Trong khi ở bệnh viện, lúc thân và tâm đã tạm ổn định, chờ ngày xuất viện, chúng tôi đã suy tư nhiều về những việc xa việc gần; hôm nay xin chia xẻ các suy tư ấy cùng quý vị. Dĩ nhiên, đây là những suy tư vụn vặt, phát xuất ra từ những hoàn cảnh riêng của chúng tôi.
2. Thoạt tiên là nghĩ về khổ đau. Thật ra, ai cũng biết rằng trong tứ diệu đế thì đế thứ nhất là khổ đế tức là chân lý về sự khổ và bất cứ Phật tử nào cũng hiểu rằng đạo Phật là đạo thoát khổ. Nghe giảng nhiều cũng không bằng chính mắt mình trông thấy, tai mình nghe thấy. Vào bệnh viện thì trông thấy ngay, nghe thấy ngay mọi thứ khổ, khỏi cần ai mô tả hay chỉ dạy cho thấy. Tôi tin chắc rằng trước các cảnh khổ đó, ai ai cũng nguyện rằng nếu phải “ra đi” thì xin được đi thoát một cách nhẹ nhàng, tránh được các cảnh khổ đó. Tuy vậy, cái nghiệp của mình nó như thế nào, nó dẫn dắt mình đến cảnh nào? Vì thế, lời nguyện chưa đủ mà phải hành thiện nghiệp hàng ngày hàng giờ, sao cho thiện nghiệp xóa bớt hay xóa hẳn ác nghiệp, ngõ hầu tự cứu mình khỏi cảnh đọa đầy khi cuộc đời đi quá buổi xế chiều.
Nhưng đấy chỉ là nói về đau khổ về thân xác, còn bao nhiêu đau khổ về nhiều phương diện nữa. Để hiểu chữ dukkha của đạo Phật – dukkha được dịch là đau khổ – chúng ta phải mất nhiều thì giờ. “Nghĩa rộng của dukkha là bất an. Dukkha là sự giằng co không ngừng giữa hai thái cực: tìm kiếm sự thích thú và tránh né điều khó chịu. Không phải chỉ khi nào đau đớn, buồn rầu, than khóc mới là dukkha. Mừng rỡ trước lời khen, sảng khoái trong điệu nhạc, cũng là dukkha, vì các niềm vui ấy có điều kiện và không lâu bền. Đó là những thể hiện về bề mặt của trạng thái dao động liên tục: ưa điều này, ghét điều nọ. Sự giằng co ấy nằm sâu trong tâm thức của tất cả chúng sinh, và khống chế mọi tư tưởng, tình cảm, lời nói của chúng sinh. Cứu cánh của Phật giáo là sự an tịnh không tùy thuộc điều kiện, Nibbana, tức là Niết-bàn”.
Tóm tắt lại dukkha là một cái gì bất an, bất toàn, thiếu sót; dukkha lớn nhất, ấy là mong mỏi mà không được, ghét bỏ mà lại tới! Một điều nhỏ nhất về dukkha mà tôi xin kể ra trong trường hợp riêng của tôi là khi mổ bao tử xong, tôi không được uống nước trong rất nhiều ngày, khát vô cùng. Ai cũng nghĩ rằng đã được truyền nước biển rồi thì sao còn khát? Trên thực tế, tôi khát nước ghê gớm, chỉ nghe tiếng nước chảy trong bồn hay trông thấy ai cầm ly cà phê đi qua là thèm uống hết sức. Một điều nhỏ khác là ngứa lưng vào lúc giữa đêm. Ban ngày, y tá đã bắt nằm nghiêng để lau lưng và xoa phấn rôm rồi nhưng không đủ, ban đêm ngứa lưng mà không có ai giúp thì thật khổ! Từ trên đầu trở xuống, bao nhiêu là giây nhợ, đụng đến là rắc rối, nên cứ nằm đó mà chịu trận!
3. Xin sang một suy tư khác, về việc vào phòng mổ. Đã học Phật pháp, tôi tạm biết theo sách vở về những diễn biến lúc sắp chết, nhất là cận tử nghiệp. Nằm trên xe đẩy vào phòng mổ, tôi bình tĩnh mỉm cười với nhà tôi và các cháu đi bên cạnh, rồi cố gắng quên hết, xả hết, chỉ tập trung vào việc niệm Ngài Bồ-tát Quán Thế Âm. Tôi hiểu rằng Ngài luôn luôn tầm thanh cứu khổ cứu nạn nên tôi niệm Ngài, cầu xin Ngài cứu tôi. Tôi không niệm đức Phật A-Di-Đà vì tình thực tôi chưa chờ đợi Ngài đến tiếp dẫn! Vả lại, nếu tôi có mệnh hệ nào thì Ngài Quán Thế Âm cũng tiếp dẫn tôi được! Khi thuốc mê bắt đầu tác dụng thì tôi không biết gì nữa, trong tâm không còn niệm gì cả! Sau, tôi hỏi người nhà thì biết rằng ca mổ của tôi khá nặng, tôi mê gần hai ngày, phải nằm ở trong phòng hồi sức trên nửa tháng. Khi tỉnh lại, tôi cố nhớ lại xem lúc mê, đầu óc có gì không. Tôi chỉ nhớ mang máng là có một tiếng nói hình như kể lại thoang thoáng một kiếp trước của tôi, rồi một số hình ảnh thiếu rõ ràng hiện ra rất nhanh và một thứ tiếng nói kết luận bằng câu: ai cũng có một cuộc đời, cuộc đời là một cuốn kinh vô tự (kinh không chữ). Ngay lúc ấy, tôi nghĩ được lời phê bình rằng: lời nói vô tích sự, dùng chữ vay mượn! Vào một lúc khác, có tiếng nói thúc dục tôi phải hưởng thụ các thú vui của cuộc đời. Tôi phản ứng, tỏ ý không chịu và tiếng đó ngưng. Sau, tôi ngẫm nghĩ lại, đó không phải là có ai nói gì, chẳng qua là trong tâm tôi có sự xung đột giữa cái thiện và các ác. Rút ra kinh nghiệm trước mắt là tâm mình có đủ thiện và ác, trong a-lại-da thức của mình có đủ thứ chủng tử tốt và xấu, và hiện nay tốt và xấu còn đang xung đột. Rõ ràng là tôi tu tập chưa đủ, xấu và tốt vẫn lẫn lộn, nghiệp vẫn có cả đen lẫn trắng. Phải cố gắng nhiều hơn, phải điều tâm kỹ hơn; nói rõ ra là tâm tham dục còn mạnh; chính mình phải can đảm nhìn vào tâm mình để biết sai lầm mà sửa, sửa tức là tu! Luôn luôn làm như vậy.
4. Suy tư sau đây liên quan đến một diễn biến quan trọng trong khi tôi đau: Chiều hôm đó, bỗng nhiên tôi có cảm giác ngực bị ép xuống và khó thở. Tôi cố hít mạnh nhưng không có kết quả. Tôi chợt nhớ đến hình ảnh của thân phụ tôi bị nhồi máu cơ tim tại bệnh viện Hoàn Mỹ ở Saigon năm 1974 và từ trần sau đó. Tôi thoáng nghĩ là tôi đang ở vào trường hợp này. Lúc bấy giờ, chỉ có con gái út tôi đứng cạnh giường. Tôi bảo cháu: “ Chắc bố đi đây, con ạ”. Cháu òa khóc và nhớn nhác tìm bác sĩ . May mắn làm sao, ngay lúc ấy, trong phòng có một bác sĩ và là bác sĩ chuyên về tim. Ông ta nói với y tá đi lấy thuốc và tự tay chích cho tôi. Tôi cảm thấy lồng ngực giãn ra và dễ thở; sau đó tôi được chuyển tới đặc khu chuyên trị về tim, nằm ở đấy ba ngày cho tới lúc tim được ghi nhận là bình thường. Ôn lại việc này, tôi có cảm giác là lúc tôi nghĩ rằng tôi sắp “đi” thì tôi không thấy sợ hãi, chỉ hơi luống cuống vì sự việc xảy ra quá nhanh. Tôi không thấy sợ hãi, có lẽ đó là do sự cấp bách của hoàn cảnh chứ không phải do lòng can đảm hay sự chuẩn bị trước của tôi.
Như vậy là tôi chưa chết. Học Phật, có được một điều là tạm hiểu lẽ sinh tử, không đến nỗi sợ chết quá đáng. Có thể là nhờ điểm này mà tôi đỡ sợ chăng? Dù sao, có một bài học cần nhớ là phải luôn luôn nghĩ đến lời dạy về vô thường của đức Phật; buổi tối, khi đi ngủ thì nên tự bảo mình rằng chưa chắc sớm hôm sau có còn xỏ chân vào đôi giày để dưới chân giường được không. Cho nên chớ giải đãi, già thì lại càng không nên giải đãi, đã nhất định tu tập thì phải quyết tâm đi, làm ngay bây giờ đi, cứ hứa với hẹn mà chẳng chịu thực hành, khi tới việc thì không thể kịp! Bởi vì khi đau quá, khi bất tỉnh, hôn mê … thì niệm Phật sao được!
Bình thường thì ai ai cũng ham sống sợ chết cho nên trong thâm tâm, lúc nào cái bản năng sinh tồn cũng mạnh. Nói rằng sức mạnh của cái bản năng sinh tồn này cộng với sức mạnh của nghiệp lực làm cho thần thức của người chết tích cực tìm nơi tái sinh tức là tìm luân hồi, điều này có lẽ đúng! Nhưng Phật tử chúng ta thì chỉ muốn thoát sinh tử luân hồi. Cho nên niệm Phật cầu vãng sinh Cực Lạc quốc là một việc cấp thiết nhất, quan trọng nhất của hàng Phật tử chúng ta, nhất là Phật tử lớn tuổi.
Tôi không chết nên tôi không thể biết có hay không sự việc một cái gì đó (cái hồn) từ trong “tôi” bay bổng lên trần nhà, nhìn xuống giường bệnh của mình thì thấy bác sĩ, y tá chạy vạy cấp cứu, thấy người thân cuống cuồng khóc mếu v v… Tôi cũng không thể biết có hay không sự việc cha mẹ anh em … đã khuất về đón đi!
5. Suy tư tiếp theo là suy tư về quá khứ của mình. Người ta vẫn nhắc: quá khứ qua rồi, tương lai chưa tới, chỉ có hiện tại là đáng kể. Điều đó đúng, song chỉ đúng trên một phương diện nào đó mà thôi. Nuối tiếc hay than van thì chẳng lấy lại được gì; ước muốn quá đáng hay nhiều ảo vọng cũng chẳng có kết quả gì. Chúng ta đừng để quá khứ hay tương lai làm cho tâm mình bị xáo trộn, bởi vì khi yêu ghét, ấm ức, hận thù phát sinh thì chúng ta mất an lạc. Quay lại quá khứ để rút tỉa kinh nghiệm, nhìn về tương lai để hoạch định công việc thì rõ ràng là việc bình thường với một người bình thường. Việc mà chúng ta nói ở đây là đừng có vướng víu !
Tôi là một trong bao nhiêu triệu người Việt Nam sinh ra trong một nước thuộc địa, lớn lên và sống trong loạn lạc, đất nước bị chia cắt làm hai, nội chiến tàn khốc tràn lan, tản cư, di cư, rồi di tản … mấy lần xây dựng cơ đồ, mất hết sự nghiệp, có người bị tù đầy hàng chục năm, … Cho nên có rất nhiều điều đáng để nghĩ lại. Nghĩ lại vì các cụ đã dạy “ôn cố tri tân”. Nghĩ lại để nhớ ơn những người đã làm ơn cho mình. Nghĩ lại cũng để nhận lỗi với những người mà mình đã xúc phạm cách này hay cách khác. Nghĩ lại để biết ai là kẻ xấu đã làm hại mình và theo lời Phật dạy, bỏ qua những oán thù; điều này khó thật, tuy rằng ai cũng hiểu mạng lưới thù hận giống như là một cái nhà tù!
Một đạo hữu rất chăm lễ bái hàng ngày, đã nói với tôi rằng trong lời nguyện buổi sáng trước bàn thờ Phật, bạn ấy thường thêm câu: “nguyện cho tất cả những ai đã làm hại con cũng được hưởng an lạc!”. Ông bạn ấy còn khuyên tôi nên nguyện rằng: “ xin xóa bỏ hết những nợ nần mà những ai đã vay con mà không trả”. [Thật thế, tôi mong sao trong những kiếp sau, họ không phải trả nợ tôi vì tôi tự ý xóa nợ rồi!]. Tôi nghĩ rằng ông bạn ấy có lý, vì luật nhân quả không bao giờ sai chạy! Đó là mới nghĩ về quá khứ của riêng tôi thôi, còn quá khứ của gia đình, của làng nước, của dân tộc! Nghĩ lại để tìm hiểu tại sao đất nước mình lại khổ cực đến thế. Khó mà quên nổi! Nhưng già rồi, mệt óc làm gì, quên đi thôi! Không vướng mắc, phải luôn luôn nhắc mình như vậy; còn vướng mắc là còn khổ! Để thì giờ chuẩn bị việc khác cần thiết hơn! Hãy tích cực lo hành trang cho mình “về quê”!
6. Lẽ dĩ nhiên, khi ốm nặng người ta hay suy nghĩ về cái chết và về tái sinh. Không ít người cho rằng chết là hết. Riêng tôi, tôi tin có tái sinh, có luân hồi và tin vào pháp môn niệm Phật cầu vãng sinh Tịnh độ. Tôi nhớ cách đây cả mấy chục năm, khi ngồi với một số bạn dạy môn Triết, có người nói với tôi rằng: con người ta lúc nào cũng mong sống lâu và hơn nữa, mong sống mãi. Nhận xét thấy mỗi năm vạn vật thay đổi, khi mùa xuân trở về, cây cối đâm trồi nẩy lộc, sang một đời mới, con người nghĩ rằng mình cũng là một phần tử của vũ trụ, và như vậy, chết rồi mình sẽ có đời mới. Tức là có tái sinh. Theo cách nói đó thì con người mong được tái sinh giống như cây cối sống lại vào mùa xuân. Riêng tôi, tôi tin rằng con người ta có tái sinh, tin mà không chứng minh được. Tôi tin như vậy ngay từ trước khi được đọc các truyện tiền kiếp của đức Phật trong kinh Bổn Sanh.
Điều này dẫn đến một suy tư khác: cái gì đi tái sinh? Câu trả lời là : thần thức của người mới chết mang cái nghiệp của người đó đi tái sinh. Phật giáo Nam tông chủ trương rằng khi một người chết đi thì đi tái sinh ngay, đi về đâu thì tùy theo nghiệp,. Vì thế không đặt vấn đề cầu siêu. Phật giáo Bắc tông chịu ảnh hưởng của Tử thư Tây tạng cho rằng từ khi một người chết đi cho đến khi tái sinh, thời gian chờ đợi tối đa là 49 ngày, và người sống cần cầu siêu để giúp cho “người” đó chọn được đường lành. Đúng ra, chỉ có 1/7 công đức cầu siêu, công đức làm việc thiện … là dành cho người chết thôi (ấy là nói trường hợp thật sự có công đức, mà công đức thì còn tùy vào lòng thành của thân nhân và bằng hữu của người mới từ trần).
Thân trước khi chết được gọi là thân tiền ấm, thân sau khi tái sinh là thân hậu ấm (hữu hình). Giữa hai thân ấy là thân trung ấm (vô hình). Thí dụ người chết kia được tái sinh làm người, con người này sướng hay khổ hay không sướng không khổ cũng là do cái nghiệp tích lũy từ mọi kiếp trước và kiếp này quyết định.
7. Có người bẻ: “Ông chết rồi, giả sử thần thức của ông có kiếp mới, lúc ấy ông khác rồi, có phải là ông bây giờ đâu mà sợ sướng hay khổ; kẻ khác được sung sướng hay bị đau khổ thì kệ người ta, ông thắc mắc làm chi”. Trả lời: “Quả là thế nhưng nên biết rằng khi thế gian này càng ít người đau khổ – do các kiếp trước đã làm lành – thì cuộc đời nói chung càng tươi sáng. Chúng ta mong cho đời này tươi sáng, đời sau tươi sáng, thế thì hãy tu tỉnh để cho thân khẩu ý luôn luôn tạo nghiệp lành, để cho kiếp này an vui, các kiếp sau cũng an vui, ai an vui cũng được, miễn là giảm số người đau khổ trên thế gian này, thế là từ bi, thế là đại từ bi, chứ còn là gì nữa!”
Cái ta hôm nay và cái ta kiếp sau tuy không phải là một, nhưng vẫn không phải là hai, vì cái dòng nghiệp cứ trôi chảy đều đều, dòng sống vẫn diễn biến liên tục; sống và chết chẳng qua chỉ là các đợt sóng nhô lên, hụp xuống của đại dương mà thôi! Người phàm không biết kiếp trước mình là ai, nhưng các bậc giác ngộ như đức Phật hay chư đại bồ-tát có thể biết kiếp trước và vô số kiếp trước của mình.
Sau đây là một bài thơ của sư bà Diệu Không ở Huế :
Trăm năm trước thì ta chưa có,
Trăm năm sau, có cũng như không,
Cuộc đời sắc sắc không không,
Hơn nhau chỉ một tấm lòng từ bi.
Trăm năm trước thì cái ta của ngày hôm nay đây chưa có nhưng mà cái tiền thân của nó thì có, hai cái “ta” ấy khác nhau nhưng có liên hệ với nhau, cho nên “tuy hai mà một, tuy một mà hai”. Cái ta hôm nay và cái ta kiếp sau cũng như vậy, không phải là một mà cũng không phải là hai!
8. Thế rồi lại nghĩ lan man lại nghĩ về sự chết và cầu vãng sinh. Sinh tử sự đại, sống chết là một việc lớn! Suy tư bao nhiêu về sự chết cũng không cùng, lý do đơn giản là mình đã chết đâu, có vốn liếng gì về cái chết mà suy với tư! Tại đây, chúng tôi đã có dịp nói về đề tài: “Chết là hết mà cũng không phải là hết”. Hết là thân xác tan rã . Không hết là nghiệp lực rất mạnh đẩy a-lại-da thức vào một kiếp mới tùy theo nghiệp của từng người. Đại đa số chúng ta theo pháp môn niệm Phật cầu vãng sinh Tây phương Cực lạc quốc của đức Phật A-Di-Đà, vãng sinh lên đó để tu tiến lên cao dần dần, chứ không tái sinh vào một cảnh giới nào khác trong lục đạo (địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, a-tu-la, nhân, thiên). Nói thì đơn giản vậy, nhưng tôi nghĩ rằng việc niệm Phật cầu vãng sinh không đơn giản vì phải hội đủ ba tư lương tín, nguyện, hành (tin sâu, nguyện thiết, hành siêng) thì mới hy vọng. Tôi nói hy vọng mà không nói chắc chắn vì kinh dạy rằng: “bất khả dĩ thiểu thiện căn phúc đức đắc sinh bỉ quốc”. Đã thiếu thiện căn phúc đức lại còn giải đãi, làm cho xong, làm lấy lệ, thì khó thành công. Có người mở băng niệm Phật nghe xuốt ngày, nghe mà không phải là nghe, nghe mà tay làm bếp, óc nghĩ đi chợ .. kết quả hẳn là ít oi. Lại có người mở băng giảng pháp của thày A, thày B .. rồi nói: “thày giảng hay quá!”. Khi có người hỏi: “hay chỗ nào?” thì quên hết rồi, trả lời không được! Vậy chúng tôi xin nhắc: tin sâu, nguyện thiết, hành siêng. Đó là nhắc bản thân tôi, xưa nay tôi nói nhiều làm ít, lại hay giải đãi hôn trầm; khi ốm đau nằm trên giường bệnh, nghĩ lại sự tu tập của mình thì thấy mắc cỡ lắm lắm!
9. Quý vị cũng như chúng tôi luôn luôn cầu vãng sinh về nơi đó sau khi chết. Mà chúng ta quên một điều là chư bồ-tát nhằm thiết lập Tịnh độ ngay trên thế gian này! Nói nhẹ nhàng nhất, không lạm bàn chi tiết, thì Tịnh độ là nơi cực lạc (vô cùng sung sướng). Đó là một điều lý tưởng, nếu tránh không muốn nói đến chữ không tưởng! Riêng tôi, tôi thiết tha nguyện cầu về Tịnh độ của đức Phật A-Di-Đà, tức là cầu thoát sinh tử luân hồi. Xã hội quanh tôi – nhất là xã hội ở VN hiện nay – chưa thể coi là tịnh độ được. Tuy vậy, hàng tuần, tôi lên chùa, tôi tìm cái tịnh độ nhỏ bé của tôi giữa cảnh chùa trang nghiêm, trong không khí đầm ấm, với mùi nhang thơm ngát, ai ai cũng tươi cười. Tôi thấy khung cảnh này thích hợp với tôi. Rồi đến tiếng chuông tiếng mõ, tiếng tụng kinh, niệm Phật, nhất là niệm Phật, từng tiếng từng tiếng rót vào tai tôi, Tôi hân hoan đón nhận, tạng thức của tôi chắc là đã được gieo nhiều chủng tử lành, chủng tử niệm Phật sẽ át các chủng tử tạp và chủng tử xấu. Đó là cái tịnh độ nhỏ bé thân thiết của tôi, tôi khỏi tìm đâu xa! Cũng như mọi người, tôi còn đang vật lộn với cái nghiệp có tốt có xấu của tôi, tôi rất cần chủng tử lành, rất nhiều chủng tử lành!
10. Đã nói Tịnh độ phương Tây là nói đến việc từ giã cõi đời này và việc cầu siêu. Có một vị hòa thượng nói rằng khi đức Phật còn tại thế, ngài có đi cầu siêu cho đám nào đâu, ý nói đạo Phật không có cầu siêu. Ý kiến ấy đã bị nhiều tu sĩ phản bác. Tôi đã đi dự lễ cầu siêu ở một số chùa, tôi nhận xét rằng nghi thức không giống nhau, tôi rút ra kết luận rằng quan niệm của mỗi phái mỗi khác. Ở đây, chúng ta tổ chức các khóa niệm Phật và khi cầu siêu thì chủ yếu là tụng kinh A-Di-Đà và niệm Phật. Sau đây là ý kiến riêng của tôi. Nay đa số các bệnh viện đã cho phép giữ xác 8 tiếng trước khi đưa vào nhà xác. Lúc đó, các thày và gia quyến tổ chức hộ niệm ngay bên giường được rồi. Dĩ nhiên phải tránh làm ồn ào, phiền cho người xung quanh không quen với lễ nghi Phật giáo. Sách bảo rằng thông thường, thần thức có ba ngày rưỡi chờ đợi để hiểu rằng mình đã chết. Sau 8 giờ, còn hơn ba ngày nữa, thần thức vẫn luẩn quẩn bơ vơ thì sao? Tôi đề nghị gia chủ xin với chùa tụng kinh, niệm Phật ngay mà không cần đợi phát tang, vì đợi như vậy có một khoảng trống, thần thức bỡ ngỡ và sợ hãi trong một khung cảnh hoàn toàn mới lạ. Nếu gia đình có bàn thờ Phật ở nhà thì cũng nên tụng kinh và niệm Phật ngay sau khi người thân từ trần.
Một đạo hữu góp ý với tôi rằng chỉ nên niệm Phật thật nhiều, như vậy có hiệu quả hơn, vì để dành tất cả “một giờ tụng kinh A-Di- Đà và nửa giờ tụng Nghi thức” cho việc niệm Hồng danh thì niệm Hồng danh được nhiều hơn gấp bội. Đấy chỉ là một đề nghị thôi. Riêng tôi thì tôi tán thành.
Ít lâu nay, nhiều gia đình đặt “máy niệm Phật” bên tai người quá cố. Tôi không biết liệu nhà thương và nhà quàn họ có chịu để như thế cho đến lúc làm lễ phát tang không vì có thể có những bất tiện cho họ.
11. Suy tư tiếp theo là suy tư về cộng nghiệp của chúng ta, của người Việt Nam chúng ta. Mỗi người có cái nghiệp riêng của mình, mỗi đoàn thể có cái nghiệp chung. Cộng nghiệp là cái tổng cộng của các nghiệp riêng của mỗi thành phần. Khi nằm trong bệnh viện, tôi nhận thấy các bác sĩ, y tá, y công, kỹ thuật viên … đều tử tế, vui vẻ và tận tụy (dĩ nhiên, có một hai trường hợp thiếu lương tâm chức nghiệp, nhưng không đáng kể). Từ đó, tôi nghĩ đến số đông dân Canada hiền lành, chất phác, đến các đoàn thể làm công việc xã hội, từ thiện, đến những tổ chức bất vụ lợi phục vụ người kém may mắn không phải chỉ ở Canada mà còn ở nhiều nước ngoài v.v.. Như vậy, nói chung dân Canada tạo thiện nghiệp nhiều hơn ác nghiệp và vì thế mà dân Canada được hưởng một đời sống tinh thần và vật chất khá cao, trong một khung cảnh hòa bình. Tôi nói thế là nói về cộng nghiệp, chứ nói về nghiệp riêng của mỗi người thì chắc chắn là ở Canada, có người tốt, có người xấu, có người sướng, có người khổ. Từ đó nghĩ lan man về dân Việt Nam mình, chắc quý vị cũng đồng ý với chúng tôi rằng dân mình khổ nhiều hơn sướng, cộng nghiệp chắc chắn là dưới mức trung bình! Nếu chỉ nhìn thấy các tòa bin-đinh cao ngất, hàng dãy xe hơi bóng loáng, cả rừng xe gắn máy chạy nghẹt đường, nhiều sân gôn cỡ quốc tế, các cuộc thi hoa hậu đủ mọi loại v.v.. thì thấy nước mình giàu sang, tiến bộ. Tuy nhiên, nếu nhìn vào nhiều mặt khác, như nếp sống văn hóa, giáo dục đào tạo, y tế công cộng, công tác cứu trợ v.v.. và nếu về thăm các vùng quê, vùng xa, vùng sâu thì người ta sẽ bi quan hơn. Coi lại lịch sử nước ta, nghĩ lại cuộc Nam tiến, nhớ đến việc nước Chàm và các vụ rắc rối cũ, mới với Cao Mên, đồng thời xét lại diễn tiến chính trị mấy chục năm gần đây, vụ biên giới cùng vụ các đảo Hoàng Sa, Trường Sa (tôi viết bài này trước khi có việc Trung cộng lập huyện Tam Sa thuộc Hải Nam, bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa) thì có thể hiểu được phần nào mức độ cộng nghiệp của dân ta tốt xấu đến đâu. Làm sao tạo được một cộng nghiệp lành mạnh cho chúng ta? Vấn đề ấy đi ra ngoài phạm vi bài này của chúng tôi.
12. Cuối cùng, là những suy tư về kinh sách. Nằm trong bệnh viện, dĩ nhiên là tôi không có kinh sách như lúc ở nhà; chỉ còn lại ở trong óc mấy câu thần chú và kinh Di-Đà đã thuộc rồi mà thôi. Lúc tinh thần đã tỉnh táo một chút, tôi suy nghĩ về kinh sách. Thí dụ như kinh Pháp Hoa – được gọi là vua của các kinh – sao mà dài thế, dài đến nỗi cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền phải sám hối để viết rằng tại sao phải nói dài vậy chỉ để trình bày một vài ý kiến ngắn như là: 1/ Chư Phật ra đời nhằm mục đích khai thị ngộ nhập Phật tri kiến, 2/ Ai ai cũng có Phật tánh, ai ai cũng có thể tu thành Phật, 3/ Ba thừa rút lại là một Phật thừa. Trong khi ấy thì những kinh mà Hòa Thượng Viện chủ giảng ở đây vào sáng chủ nhật thì chỉ ngắn gọn có một hay hai trang mà thôi, đức Phật nói ngắn gọn trực tiếp vào đề, thường kết thúc bằng một bài kệ vài câu cho Phật tử dễ nhớ. Các kinh này thuộc về kinh Nam tông, (Bắc tông cũng chấp nhận) do chính đức Phật thuyết; còn các kinh dài như Duy-Ma-Cật, Thủ-Lăng-Nghiêm, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa … thuộc về các kinh Bắc tông, không từ kim khẩu đức Thế Tôn thuyết ra (nên Nam tông không chấp nhận). Chúng ta tụng kinh dài vào các dịp lễ chính còn hàng ngày thì tụng kinh Cầu an, kinh Di-Đà, tuy là kinh Bắc tông nhưng ngắn.
Nhiều Phật tử như chúng tôi từ khi có thì giờ thì tìm đọc các sách nghiên cứu về Phật pháp, nói cho cùng thì chúng ta tìm hiểu Phật pháp qua ý kiến của các cá nhân hay nhóm cá nhân mà sự hiểu biết về Phật pháp nông sâu khác nhau. Chữ nghĩa làm chúng ta chìm đắm vào sự tìm tòi. Tôi chưa ngộ gì cả và không thể nào biết có bao nhiêu Phật tử đã ngộ! Trên tường trong phòng tôi, tôi có treo một bản liệt kê 14 điều Phật dạy, viết và in kiểu thư pháp, do một người bạn đi VN về gửi cho. Nay tôi quấn lại rồi cất đi vì tôi không kiểm soát được những lời Phật dạy đó lấy ở kinh nào, dù rằng người ký tên ở cuối bản đó là một hòa thượng! Tôi có ý nghi ngờ, vì Phật đã dạy: cái nào không liên quan đến khổ, không, vô thường, vô ngã thì không phải Phật pháp, mà chỗ này có nói về ngã! Vậy tôi tự bảo: từ nay, đọc ít chứ, gắng thực hành nhiều đi : “tránh mọi điều ác, làm mọi điều lành, thanh tịnh tâm ý ” (Chư Phật dạy như vậy). Được thế thì cũng đủ quá rồi! Nói vậy chứ thật ra, thực hành rất là khó, nhất là thanh tịnh tâm ý. Một thiền sư đã nói rằng: “Ông lão tám mươi tuổi chưa chắc đã làm nổi”… Thời giờ dành cho chúng tôi đã hết. Cám ơn quý vị đã chú ý nghe chúng tôi nói. □
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
(Hình: Cửu Hoa Sơn , thắng tích Phật Giáo TQ – NN sưu tầm)
Paid Links