24/06: Bước Vào Cửa Phật-Quyển 3-Bài1.Phật Giáo – Bài 2.Câu chuyện canh khuya

24/06: Bước Vào Cửa Phật-Quyển 3-Bài1.Phật Giáo – Bài 2.Câu chuyện canh khuya
Category: Phật Học – Phật học ôn tập-
Posted by: lenhac Đọc: 6586 lần
Lời nói đầu- Như chúng tôi đã thưa với quý độc giả kỳ trước, hôm nay, chúng tôi khởi sự đăng tác phẩm “BƯỚC VÀO CỬA PHẬT” Quyển 3 của tác giả Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú, Giáo sư-Cựu Hiệu trưởng trường Trung Học Hưng Đạo-Saigon, trước 1975 -Bên dưới là chân dung GS Nguyễn Văn Phú- . Giáo sư và gia đình định cư tại Montreal-Canada .Tác phẩm này gồm những bài tham luận tác giả thuyết trình trong các khóa AN CƯ của Chư Tăng Ni trước đây tại Montreal, sau đó được in thành sách, xuất bản năm 2010 . Xin chia xẻ cùng quí bạn đọc – NN

Hoằng Hữu
NGUYỄN VĂN PHÚ
BƯỚC VÀO CỬA PHẬT
Quyển 3
HƯNG ĐẠO XUẤT BẢN
Montréal 2010
MỤC LỤC
QUYỂN 3
01. Phật Giáo 02. Câu chuyện canh khuya
03. Câu chuyện đường xa 04. Câu chuyện trên đỉnh núi
05. Ảnh hưởng của đạo Phật
đối với người Việt Nam 06. Linh hồn
07. Suy nghĩ về đạo Phật 08. Đạo Phật giúp được những gì?
09. Chữ Không trong đạo Phật 10. Ngài Long Thọ
11. Chết và Tái sinh 12. Tam thiên đại thiên thế giới
13. Chữ Tâm trong đạo Phật 14. Nam tông và Bắc tông
15. Trí…
… tuệ bát-nhã 16. Phát tâm bồ-đề
17. Bồ-tát và bồ-tát đạo 18. Ngài Huyền Trang
19. Suy tư 20. Chuyện Man Nương và Tứ Pháp
21. Le Bouddhisme au Viet Nam 22. Liberté. Freedom
23. Introduction au Sutra sur
le Bouddha-de-la-Médecine
0o0-0o0-0o0-
BƯỚC VÀO CỬA PHẬT – Quyển 3
1. PHẬT GIÁO
Nói đến Phật giáo tức là nói đến đức Thích-Ca Mâu-Ni, người sáng lập ra đạo Phật, mà các Phật tử gọi là đức Phật. Người Trung Hoa theo âm một chữ Phạn mà viết ra Phật-Đà, chữ này có nghĩa là Giác giả. Giác giả là người biết thấu suốt đến nguồn gốc các sự vật ở trong vũ trụ, cái lẽ của tạo hóa để chỉ cho người ta con đường giải thoát, nghĩa là sau khi chết khỏi phải trở lại làm các kiếp khác, thế là ra khỏi luân hồi.
Vậy, trước khi xét qua giáo lý của đức Phật, ta nhắc qua lược sử đức Phật. Ngài là một hoàng tử, con vua một xứ ở phía Bắc nước Ấn Độ bây giờ. Ngài ra đời chừng độ 600 năm trước Thiên chúa giáng sinh, suýt soát đồng thời với Lão Tử và Khổng Tử. Năm Ngài 16 tuổi thì lấy vợ, sau có một con trai. Tuy sống trong cảnh cực kỳ sung sướng, nhưng ông hoàng này vẫn lưu tâm đến mọi cảnh khổ của người đời, nào già nua, nào ốm đau, rồi lại đến cảnh chết. Thấy thế, Ngài sinh đăm chiêu, lúc nào cũng nghĩ đến cách làm cho mình và đồng loại thoát được những cảnh đau lòng ấy. Một đêm kia, trong khi mọi người đang ngủ yên, Ngài bỏ cung điện và gia đình ra khỏi cửa thành đi tìm đường giải thoát. Ngài ước mong gặp các hiền giả để hỏi đạo. Sau mấy năm học đạo của mấy đạo sư thuở ấy (Ấn-Độ có nhiều đạo), thái tử vẫn chưa tìm ra được phương thuốc gì để chữa gốc đau khổ cho chúng sinh. Ngài bèn bỏ lối học các đạo sư, rồi một mình ngồi thiền định và quán sát dưới một gốc cây to.
Sau 49 ngày thiền định, Ngài giác ngộ hoàn toàn chân lý, thấy rõ ràng trong trí tuệ sáng suốt của Ngài nguyên nhân của đau khổ, nguyên nhân của sinh tử luân hồi. Lúc ấy, Ngài đã đi tới đích nghĩa là tìm ra đạo giải thoát mà bây giờ ta gọi là đạo Phật. Bấy giờ, Ngài vừa 35 tuổi. Ngài đi hoằng pháp 45 năm và tịch diệt năm 80 tuổi.
Sau khi giác ngộ, đức Phật đem đạo giải thoát nhiệm mầu giảng dạy khắp nơi, cho hết thảy mọi người từ vua chúa đến trộm cướp, từ người phú quý đến kẻ bần tiện, không phân biệt một ai.
Theo ngài thì Phật tánh vẫn có từ ngàn xưa trong khắp mọi thế giới và tất cả mọi người đều có đủ khả năng thành Phật, vì chúng sanh và Phật đều có chung một Bản thể sáng suốt, đều có chung một Chân tâm trong sạch linh diệu tức là Phật tánh vậy. Nhưng Bản thể ở chúng sinh đã bị nhơ bụi phủ kín, Chân tâm đã bị ngu tối làm mê lầm xấu xa cho nên người ta chưa được thành Phật. Khi nào lau chùi nhơ bụi, diệt trừ hết tham sân si, trở nên hoàn toàn thanh tịnh, bấy giờ tự nhiên thành Phật không khác gì đức Thích-Ca Mâu-Ni. Trong kinh có câu: Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành. Nếu chúng sinh kiên quyết tu tập theo giáo lý của Phật thì chắc chắn thế nào cũng thành Phật. Đức Phật là một thày học chứ không phải là một chúa tể, một vị thượng đế có khả năng định đoạt số mệnh cho chúng ta. Vì lẽ đó, đạo Phật không hẳn là một tôn giáo như các tôn giáo khác mà đồng thời cũng không hẳn là một triết học.
Những điều mà đức Phật giảng dạy là những Chân lý chi phối tất cả mọi vật lớn bé, vô hình hay hữu hình trong vũ trụ ; những chân lý mà Ngài giảng là chân lý rốt ráo, cùng cực. Những chân lý này, trí óc con người rất tầm thường nên chưa nhìn được hết, chưa nghe được hết, chưa hiểu và chưa suy nghĩ được hết. Đức Phật dạy phải tu luyện để làm cho trí tuệ trở nên hoàn toàn sáng suốt để có thể trực giác thấy Chân lý cùng cực, tuyệt đối.
Trong những chân lý mà đức Phật giảng dạy, chúng ta nên lưu ý đến hai chân lý sau đây để có một ý niệm đại cương về đạo Phật.
1. Lý nhân quả. Đức Phật Thích Ca ngồi dưới gốc cây bồ-đề đã soi thấy nguyên nhân sâu xa của đau khổ làm chìm đắm chúng sinh từ quá khứ vô thủy trong thời gian vô tận : những việc làm, lời nói và ý nghĩ trong kiếp này không phải tiêu tán đi với thời gian mà sẽ xây hoàn cảnh của kiếp tương lai, đau buồn hay sung sướng. Muốn biết đời trước tạo nhân gì thì hãy nhìn đời này chịu quả như thế nào ; muốn biết đời sau chịu quả gì thì hãy xem đời này gieo những nhân gì. Chân lý này là lý nhân quả. Chân lý này rất giản dị, đức Phật giảng cho chúng sinh nghe như một bài luân lý sơ đẳng, cốt khuyên dạy người ta nên làm điều thiện tránh điều ác, vì làm điều thiện thì được hưởng sự hay, làm điều ác thì phải chịu hậu quả đau đớn. Cũngnhư một hạt giống tất sinh ra một quả, gieo hạt nào thì được quả nấy. Nói bóng thì gieo việc làm tốt tất sau này thu được quả tốt, gieo việc làm xấu thì thu được kết quả xấu. Nhân và quả thì bao giờ cũng cùng một giống một loại. Mà ai cũng biết trong nhân đã có quả sẵn chỉ chờ cơ hội thuận tiện là quả phát sinh và lớn lên. Trong quả cũng có nhân nằm sẵn chỉ chờ dịp tốt là nhân này mọc lên để sinh ra quả. Đây là một thí dụ nhân sinh quả, quả sinh nhân của một ý nghĩ dở : một ý nghĩ oán giận tạo ra ý nghĩ trả thù (quả) – quả này làm nhân sinh ra hành động đánh người – quả đánh người làm nhân cho những hình phạt : tù tội, xiềng xích – quả tù tội xiềng xích lại làm nhân cho buồn phiền đau khổ – quả buồn phiền đau khổ làm nhân để sinh ra quả là thân gầy còm ốm yếu hoặc chết.
Đức Phật dạy: những nhân quả cứ theo đuổi nhau mà nối tiếp mãi trên con đường vô tận là thời gian nên chúng sinh cũng theo những nhân và quả ấy mà chết đi sống lại mãi. Sự chết đi sống lại nối tiếp nhau từ kiếp này đến kiếp khác như một cái vòng bánh xe quay tròn không bao giờ nghỉ. Bởi thế gọi là luân hồi (luân = bánh xe ; hồi = trở lại). Theo Phật dạy, con người tùy theo những hành động, lời nói, ý nghĩ đã làm tốt hay xấu, lành hay dữ, khi chết đi sẽ tái sinh trong các cõi khác nhau : cõi trời, cõi người, cõi thần, cõi súc vật, cõi quỷ đói, cõi địa ngục, hoặc sẽ lên các cõi thánh không còn luân hồi.
2. Lý vô thường, vô ngã. Chân lý này cốt dạy chúng sinh nhận xét những hiện tượng trong vũ trụ, trong đó có con người sinh ra và hoạt động, đều là tạm thời, đều là giả.
Vô thường nghĩa là không giữ lâu bền một hình dáng, một trạng thái nào, mà biến đổi luôn.
Vô ngã nghĩa là không có cái Ta, không có một tự thể riêng biệt, một bản chất cố định của mỗi vật, để tạo ra cái Ta của vật ấy.
Thật thế, bất cứ vật nào cũng trải qua bốn thời kỳ : sinh ra, lớn lên, già và chết (hay tan rã). Từ vật nhỏ li ti như con vi trùng cho đến những vật rất to lớn như trái núi, trái đất, mặt trăng, mặt trời, ngôi sao, tất cả phải chịu định luật của lý vô thường.
Chúng ta thường nhận xét và tưởng tượng bốn thời kỳ ấy dài tương đối bền lâu tùy theo mỗi vật. Nhưng đức Phật với trí tuệ sáng suốt đã trông thấy vạn vật biến đổi liền liền. Tất cả mọi vật đều chết đi sống lại (luân hồi), sống chết chết sống liền liền nối tiếp nhanh như dòng nước. Như vậy, thân ta (và mọi vật) luôn luôn đổi mới, nhưng ta không phải chỉ có một thân mà là vô số thân nối tiếp nhau không xen hở, thân trước làm nhân cho thân sau và thân sau làm quả cho thân trước. Sở dĩ chúng ta chỉ trông thấy một thân cho mỗi người mỗi vật là vì sự vật thay đổi quá nhanh so với sức phân biệt phàm phu. Cũng như chúng ta xem chiếu bóng : mỗi hình ảnh trên màn bạc là do hàng trăm hình ảnh trong cuốn phim chiếu ra. Tuy vậy, chúng ta không thấy sự thay đổi ấy mà chỉ thấy có một hình ảnh, một cảnh vật mà thôi. Chúng ta sống trong vũ trụ cũng y như thế. Cảnh vật và ngay ta nữa là một cuốn phim vĩ đại do vô số hình ảnh nối tiếp nhau diễn ra nhanh chóng mà chúng ta không nhận ra.
Vạn vật đã biến đổi nhanh chóng mà lại không có một tự thể, một cái Ta” riêng biệt. Thử xét cái “Ta” của con người là gì ? Là thân và tâm hợp lại. Mà xác thân chỉ là sự tạm hợp của bốn chất : chất cứng (thịt, xương), chất lỏng (máu, nước mắt), chất nóng (thân nhiệt), chất hơi (hơi thở). Ta thử suy nghĩ : khí trời đang ở bên ngoài thì gọi là cảnh vật, thoạt không đầy một nháy mắt hít vào trong lỗ mũi hoặc thấm qua làn da mỏng đã gọi là của ta. Những thán khí và các thứ hơi đang ở trong phổi hay trong thịt nói rằng là của ta, nhưng mới thoạt thở ra khỏi mũi hay qua làn da là cảnh ngoài. Rồi cây cỏ hút lấy thán khí ấy thì lại gọi là của cây cỏ. Các chất kia cũng đều như vậy cả, lúc của ta rồi ra của người. Khi bốn chất ấy rời nhau ra, mỗi thứ trở về mỗi loại của nó thì còn chất gì ở lại để gọi là của ta nữa.
Nếu lấy tâm làm “Ta” thì tâm là gì ? Là những tình cảm : vui, buồn, giận, hờn, yêu, ghét vv … Trong bấy nhiêu món, lấy món nào làm “Ta”? Mỗi món ấy thay đổi từng phút (đang vui lại buồn, đang ghét hóa yêu …). Đã thay đổi thì đâu là cố định mà là của “Ta”. Hoặc giả phải tổng hợp hết bấy nhiêu món lại để thành cái “Ta”: nhưng đã có hợp thì phải có tan ; khi đã tan rồi thì còn thứ gì ở lại để làm “Ta” nữa. Như thế cái “Ta” riêng biệt cho mỗi vật thật không có. Bởi vậy đức Phật dạy rằng : các vật không có bản chất gì riêng biệt của nó để làm thành một cái “Ta” riêng của nó. Nó chỉ là những hợp tướng tạm thời của nhiều phần tử duyên lại với nhau. Lúc nào hết duyên thì phải tan. Đó là định luật của lý vô thường, vô ngã của tất cả mọi vật trong vũ trụ.
Hiểu rõ như thế, con người sẽ không vì những cái tạm thời như xác thân, tiền tài, cảnh vật … mà ham mê, luyến tiếc, ghen ghét, mơ tưởng, ước mong để rồi đi đến lòng tham lam rồi tạo ra các tội lỗi, ác nghiệp là những nguyên nhân gieo nhân xấu, lượm lấy quả xấu là đau khổ, là quả báo, là luân hồi. Bởi thế, đức Phật có nói rằng: đời thế gian mà phàm phu sống, vũ trụ mà chúng ta trông thấy đều là giả. Cũng như chúng ta nằm chiêm bao. Trong giấc mộng, chúng ta trông thấy nhiều cái hay, cái đẹp. Những hình ảnh ấy tuy hiện ra nhưng không có thật, vì lúc tỉnh giấc thì nó biến mất không còn gì nữa. Một thí dụ cụ thể sẽ làm cho ta dễ hiểu hơn : Trong một căn nhà tối, một người trông thấy một con rắn to nằm uốn khúc cuộn tròn. Người ấy hốt hoảng kêu la, nhưng khi có ánh đèn soi tới, con rắn ghê sợ ấy chỉ là một cuộn dây thừng. Con mắt anh ta không nhìn thấy vật thật mà chỉ thấy vật giả.
Như vậy, chúng sinh là người ngủ mê chỉ trông thấy hình dáng giả của đời, của vũ trụ. Phật là người tỉnh thức nên Phật trông thấy hình dáng thật, bộ mặt thật của đời và vũ trụ. Vậy chúng sinh phải tu luyện cho các đức tính nó vẫn ẩn nấp trong mỗi người mỗi vật trở nên rực rỡ, nghĩa là đạt được Phật tánh, Chân tâm. Khi ấy, con người sẽ ngang hàng với Phật, sẽ sung sướng hoàn toàn, vì không mê lầm đau khổ, không phải sinh ra và chết đi nữa. Ấy là cảnh yên vui vắng lặng của Niết-bàn (= không sinh, không diệt). Đây là lòng mơ ước, lòng tin của các Phật tử. □
Cụ Minh Hoàng Nguyễn Trọng Huy – thân phụ của soạn giả – viết bài này vào khoảng năm 1963-64, để giúp cho người con út du học tại Pháp có một ý niệm về đạo Phật, ngõ hầu dễ nói chuyện trong buổi trao đổi ý kiến về văn hóa VN.
2. CÂU CHUYỆN CANH KHUYA
Từ lúc qua đò Gián, đi dọc theo con đê rồi quẹo vào đường cái quan, hướng theo núi Gôi mà đi về phía Nam Định, có lẽ đã khá lâu vì chàng thư sinh cảm thấy mệt mỏi; hơn nữa mặt trời đã ngả về dãy núi đá vôi vùng Trường Yên sau lưng chàng.
Khi thấy cổng chùa, mắt chàng sáng lên vì đây tuy chưa phải là trường thi hương Nam Định, nhưng là nơi chàng đến nghỉ đêm nay.
Sau khi chào hỏi và trình thư giới thiệu của người quen, thư sinh được nhà sư mời vào nghỉ trong một căn phòng nhỏ, bên cạnh phòng của nhà sư. Phòng này quá đơn sơ, chứng tỏ chùa thuộc loại nghèo. Chùa vắng vẻ, chỉ có hai thày trò, một nhà sư đứng tuổi và một chú tiểu.
Tối đến, chú tiểu bưng khay cơm vào mời thư sinh, rõ ràng là cơm nhà chùa xứ quê; ngoài liễn cơm đỏ, còn một bát canh mướp mùng tơi, cạnh một chén cà và một bìa đậu phụ nướng. Thế mà thư sinh thấy ngon tuyệt.
Một lúc sau, chú tiểu vào dọn khay cơm và lễ phép mời chàng sang uống trà với nhà sư. Sau vài câu chuyện xã giao, thư sinh lân la hỏi về cuộc đời tu hành của nhà sư. Ông cho biết ông đi tu từ thuở nhỏ, theo thày học Phật bằng chữ Hán – vì thế được học thêm cả Nho và Lão – thuộc môn phái Trúc Lâm Yên Tử mà sơ tổ là Hương Vân Đại Đầu Đà tức là vua Trần Nhân Tông. Dòng thiền này hoàn toàn Việt Nam, do người Việt Nam sáng lập tại một ngôi chùa trên núi Yên Tử, truyền bá tại Việt Nam.
– Bạch thầy, nếu có người xin thầy cho nghe Phật pháp trong một lúc thôi thì thầy sẽ nói những gì ?
– Đức Phật thuyết pháp trong 45 năm, chỉ thuyết mà không viết. Sau khi ngài nhập diệt, có mấy cuộc kết tập để ôn lại những những lời giảng dạy của ngài. Lần thứ ba, người ta chép lại thành ba loại : Kinh, Luật, Luận, gọi chung là Tam Tạng. Thiên kinh vạn quyển, thế mà thí chủ bảo tôi nói trong một lúc thì nói sao nổi !
– Dù sao cũng xin thầy ban cho vài lời.
– Vậy thì tôi xin nói: Trên thế gian này, tất cả các hiện tượng mà người ta nhận được bằng các giác quan, đều là vô thường, nay còn mai mất, sớm nở tối tàn, chẳng có gì là vĩnh cửu cả. Mọi sự, mọi thứ – nhà Phật gọi là vạn pháp – đều tuân theo luật “thành, trụ, dị, diệt” hay “thành, trụ, hoại, không”, thay đổi có khác nhau chăng chỉ là nhanh hay chậm. Kiếp của phù du thì mau, kiếp của trái núi hẳn là lâu lắm. Dù sao, trong mỗi sát-na, thì vẫn có thay đổi, biến dịch. Đó là nói về hiện tượng, nhưng nhà Phật lại xác nhận rằng hết thảy mọi hiện tượng đều có chung một bản thể bất di bất dịch, thường hằng, vĩnh viễn. Bản thể này, các giác quan thông thường không thể “nhận thấy được”. Kinh sách có dùng một thí dụ thật hay, hay đến nỗi khó có thể tìm một thí dụ khác để thay thế được : Phật học ví các hiện tượng như các đợt sóng trên mặt đại dương ; muôn vàn sóng, mỗi mỗi khác nhau, nhưng tất cả đều có chung một thứ, đó là nước. Sóng dụ cho hiện tượng, nước dụ cho bản thể.
– Chẳng hay điều ấy có ích chi cho xã hội ?
– Biết vạn pháp là vô thường thì chớ có bám víu vào làm chi. Tiền tài, danh vọng … đâu có bền. Nên tìm một cái gì vững bền hơn. Nếu cứ ham cái này, thích cái kia, đến độ ham quá, thích quá, lòng như lửa đốt thì dám làm những điều ác để thỏa lòng dục. Tham dục là gốc của khổ đau. Người con Phật được dạy “thiểu dục tri túc”, kẻ xuất gia được luyện “diệt dục”. Bản thân bớt tham, tránh điều ác, làm điều lành, như vậy, xã hội chẳng tốt hơn hay sao ?
– Tiểu sinh thấy vấn đề “bản thể” thật khó “vào” , vì có cách nào mà “thấy” đâu !
– Đó là khía cạnh tôn giáo của vấn đề. Xác nhận một điều mà không “chứng minh” điều ấy, quả thật là khó chấp nhận. Tôn giáo có giáo điều, không chứng minh ; đạo Phật có giáo điều của đạo Phật. Đó là “vạn pháp có chung một bản thể”. Nói cách khác, dùng cho Phật tử : “ai ai cũng có Phật tánh”. Phật tánh là gì ? Bất sinh, bất diệt, bất tăng, bất giảm, bất cấu, bất tịnh … Không một lời nào để diễn tả “nó” được, phải “cảm”, phải “ngộ”, phải “giác” Lại hỏi “làm sao mà giác?”. Có nhiều cách, nhiều pháp môn, tùy người ta lựa chọn theo căn cơ của mình.
– Trong khi thầy đang đi tìm giác, thầy có nghĩ rằng xã hội đang cần thầy không ?
– Thí chủ dùng chữ nhẹ nhàng, người khác nói trắng ra rằng tôi là kẻ ăn bám xã hội, “trốn việc quan đi ở chùa”. Nhưng thí chủ ạ, tôi và chú tiểu hàng ngày làm việc quần quật, cuốc xới mấy sào vườn để độ nhật, không hề ăn bám làng xóm, đồng bào. Một thiền sư đã dạy: “Một ngày không làm là một ngày không ăn”. Tôi không lên rừng, tôi không lên núi, tôi ở đây sống giữa bà con và mang lại cho bà con những giúp đỡ về tinh thần, những dìu dắt về tâm linh mỗi khi bà con cần đến.
– Bạch thầy, nếu tiểu sinh không lầm, thầy đã coi mọi thứ như huyễn rồi, thế thì còn lo việc hàng ngày cho mình và cho người làm gì, mệt cả thân lẫn trí ?
– Quả thật, giấc mộng cả đấy. Trong giấc mộng, người nằm mộng thấy mình nói thật, thấy mình nghĩ thật, thấy mình làm thật, tỉnh dậy nhiều khi toát mồ hôi. Nay mọi pháp đã là huyễn, thì xử sự như huyễn, tu như huyễn. Nhưng nói như thế làm gì mà hóa ra gàn! Đây này, có hai sự thật, sự thật thế gian và sự thật xuất thế gian, nói khác đi là: sự thật của thế giới tương đối và sự thật tuyệt đối. Theo tuyệt đối thì thế này, theo tương đối thì thế kia. Kẻ tu hành tùy cơ xử sự mà không để mất mục tiêu của mình. Chắc hẳn thí chủ đã nghe nói về chuyện một một vị bồ-tát kia, thấy mẹ con con hổ đói quá, bèn nhảy xuống vực bố thí thân mình cho hổ ăn. Vô lý quá, điên quá phải không? Xuất thế gian là như thế, nhưng phải đi đến một trình độ nào đó, đạt đến một mức tuyệt đối nào đó, không phải chỉ mặc áo cà-sa là được đâu! Thế gian có những quy luật của thế gian, có ăn mặc, có giận hờn, buồn tủi, vui mừng… Kẻ tu hành tự kiểm soát, tự kiềm chế, điều thân, điều tâm mong ngộ rồi nhập vào bản thể – cái bản thể mà không ngôn từ nào diễn tả cho nổi, cái bản thể mà chúng tôi gọi là pháp thân.
– Bạch thầy, thế rồi việc đời sẽ ra sao ?
– Việc đời vẫn theo quy luật của vũ trụ, vẫn theo luật duyên khởi, luật nhân quả nghiệp báo, luật thành trụ hoại không. Nhưng kẻ thành đạo không hưởng cái vui giải thoát một mình đâu, vì bồ-tát đạo dạy rằng: Chúng sinh còn thì còn phải giúp chúng sinh. Cho nên có câu xắn tay áo đi vào chợ trong cửa thiền.
– Quả là hay ! Xuất thế gian mà chẳng ly thế gian. Tiểu sinh xin phép lấy việc thế gian gần đây để trình thầy: quân Lang-sa đánh phá Thăng Long, quan Tổng đốc cùng con trai, con rể quyết giữ thành, đã hy sinh cả nhà. Có một quan chưởng binh và một trăm chiến sĩ dưới quyền đã chiến đấu anh dũng và cùng bỏ mình ở ô Đông Hà. Nay đồng bào gọi ô Đông Hà là ô Quan Chưởng. Thầy có nghe thấy việc này không ?
– Mọi người nghe thấy thì tôi cũng nghe thấy. Thí chủ cho rằng tôi đã điếc hai tai chăng? Tôi đi tu, đúng vậy ; song tôi là người Việt Nam cho nên cái đau của người Việt Nam là cái đau của tôi. Có khác chăng là khác ở cách bộc lộ cái đau ấy, cách phản ứng với cái đau ấy mà thôi.
– Bạch thầy, tiểu sinh nghe cái đau ấy là cái nghiệp, cần phải trả hết cái nghiệp ấy đi, có phải như thế không ?
– Đúng thế, gây nhân, chịu quả, hứng nghiệp, là một quy luật bất khả dịch. Đạo Phật có dạy như vậy, nhưng không phải chỉ dạy có vậy. Cải nghiệp được mà, nhà nho nói “đức năng thắng số” mà. Gây nhân lành để tạo ra cái lá chắn đỡ mũi tên của nghiệp ác được chứ! Khía cạnh này, thí chủ đã nghe thấy chưa?
– Đa tạ thầy đã chỉ giáo ; tiểu sinh nghe nói thoát tục nên mới mạo muội đem cái đau của dân tộc ra trình với thầy để nghe thầy chỉ giáo, chứ không hề có ý láo xược nghĩ đến câu “thương nữ bất tri vong quốc hận” ; xin thầy hiểu cho. Thầy đã cho hầu chuyện, tuy khuya rồi, xin thầy ban cho vài điều về đất nước.
– Thí chủ quả là khéo, muốn thử ý tôi. Không sao đâu. Đối với tôi, cái ngã nó khá nhỏ, tôi không để tâm dù cho thí chủ nghĩ có rằng tôi “mũ ni che tai”. Thí chủ ạ, tiếng vẫn lọt qua mũ ni chứ!
– Bạch thầy, tiểu sinh còn ít tuổi, nghĩ ngợi chưa chín chắn. Mong thầy dạy cho vài điều về đất nước.
– Vâng, thái rồi bĩ, bĩ rồi thái. Đang bĩ thì lo xây dựng cái thái. Nhớ lại ngày đại phá Mông Cổ, đại phá Minh, Thanh, nhớ lại ngày đọc Hịch Tướng Sĩ, đọc Bình Ngô Đại Cáo… , đó là sử. Coi việc trước mắt, thấy chướng tai gai mắt, luân thường đảo lộn, thấy đau thương nhục nhã. Đó là hiện tại. Rồi tới tương lai. Nhưng tương lai ra sao? Phải có những người quân tử – gọi vậy cho tiện, khỏi phải tìm chữ khác – nhìn xa hơn người thường. Vì thế mới có câu “nhìn xa trông rộng”. Thấy đường đi nước bước của hiện tại, học các bài học của quá khứ, rồi tìm ra, nhận thấy, nhận rõ bước sắp tới, và cả một đường dài vị lai, thế mới là lãnh đạo.
– Tiểu sinh thành thực xin thầy hé cho thấy con đường vị lai.
– Không dám. Không phải ai cũng nhìn được xa. Nếu tôi nhìn được xa, hẳn là tôi đã không ngồi tu ở chùa này. Ngài Trần Khánh Dư quảy “gánh càn khôn” xuống ngàn, ngài Trần Nguyên Hãn gánh dầu đi bán, tìm bạn đồng hành – và tìm thấy – để cùng vào Lam Sơn gặp minh chủ . Các vị đó và nhiều vị khác nữa là những người khổng lồ, đã nhìn được xa hơn mà còn có cả viễn kính để nhìn xa nữa, chỉ đường cho dân tộc tiến lên. Kẻ hèn này không theo được đâu.
– Chẳng lẽ khoanh tay ?
– Không, không. Dân tộc không thể mất được nếu như văn hóa còn. Văn hóa kể từ cái răng, cái tóc, miếng ăn, đồ mặc … cho đến đời sống tâm linh. Theo tôi, mặt tâm linh vô hình mà lại hữu hiệu. Nếu không đánh mất đời sống tâm linh thì không thể mất dân tộc được. Thí chủ ạ, nếu mỗi người tìm giữ tâm linh ấy theo cách của mình thì có lẽ hay lắm. Nhà Nho mà không “hủ Nho”, nhà Thích mà không “hủ Thích”, gắng nhắm trúng cái gì bền vững nhất đối với tâm linh của dân tộc ta, thì mới là hay, là chánh, là tiến. Tôi biết nhà nho đôi khi làm thơ châm biếm chúng tôi, chúng tôi chỉ cười, chẳng lẽ chúng tôi làm thơ nói lại? Trong Phật giáo, người ta có nói đến một thời kỳ gọi là “mạt pháp”, nay chắc là thời đó, nhưng “y pháp, bất y nhân”.
– Đa tạ, đa tạ. Thầy có làm thơ, xin thầy cho nghe mấy bài.
– Không dám. Người Việt Nam nào mà chẳng làm thơ. Tiếng mình đã là thơ rồi mà. Có thiếu chăng là thiếu cái nội dung của thơ, cái hồn của thơ. Đi tu như chúng tôi, cần nhất là cái hạnh “từ bi”, nôm na là “cho vui, cứu khổ”. Cuộc đời là bể khổ nên phải học cứu khổ, mà muốn cứu khổ thì phải quên “ngã”, đồng thời biết rung động. Trước khi đến bậc bồ-tát hoàn toàn giác ngộ, chuyên tâm cứu khổ cho vui, người tu hành phải qua thời biết rung động. Từ rung động này mà hay thành nhà thơ. Nhưng phải nghe cho rõ: tôi nói “hay thành nhà thơ” chứ tôi không nói “thành nhà thơ hay”. Thí chủ muốn đọc thơ của Thích tử thì tôi xin giới thiệu thơ của Tam tổ Huyền Quang, thuộc dòng Trúc Lâm Yên Tử.
Đêm đã khuya, thư sinh từ biệt nhà sư, về phòng nghỉ. Tuy mỏi mệt, thư sinh vẫn trằn trọc không ngủ được. Nhà sư này nói “không biết nhìn xa”, nhưng ít nhất cũng đã nhìn được gần, nhìn ra con đường đi cho bản thân, nhìn ra bổn phận đối với xóm làng và biết đau cái đau của dân tộc. Đức Thích-Ca đã nhìn được xa hơn, tìm ra đường thoát khổ cho hết thảy chúng sinh. Còn con đường của đất nước này, ai nhìn ra, ai đã nhìn ra, ai sẽ nhìn ra? Đầu thế kỷ XV, có nhà chiến lược kiêm thi sĩ đã viết nên Bình Ngô sách; thế kỷ này, có ai đây?
Sáng hôm sau, từ biệt nhà sư, chàng thư sinh lại lên đường nhưng không đi về hướng Nam Định để tìm nhà trọ, thuê lều chõng sửa soạn đi thi Hương, mà lại quay về làng. Sau đó, không ai biết chàng đi đâu.
Có người nói rằng chàng đi tìm những vị biết nhìn xa. □
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

Share

Leave a Reply

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Paid Links