Header
27/12: Con Người Và Khổ Đau – Tứ Diệu Đế
Category: Tôi Tìm Hiểu Đạo Phật
Posted by: Tbl Đọc: 4981 lần
Con Người Và Khổ Đau
Tứ Diệu ĐẾ
Nhã Nhạc
Sau khi đã đắc Đạo , thành Phật , Đức Phật Thích Ca đã thuyết giảng bài pháp đầu tiên của ngài cho nhóm 5 người , trước đây , đã cùng Ngài đi tìm Đạo , tức đi tìm “ con đường giải thoát “ ( đáo bỉ ngạn : đến bờ bên kia = bờ giác ngộ”. Bài pháp này tên là Tứ diệu …
… đế , đã được ghi trong Kinh “ Chuyển pháp luân.” Bài pháp này nói về bốn chân lý của sự khổ đau của kiếp người .
( – tứ : bốn – diệu :huyền diệu , vi diệu , mầu nhiệm – đế : chân lý )
Bốn chân lý đó là :
1- Chân lý về sự đau khổ ( Khổ đế ) : Câu nói « Đời là bể khổ » chính là một nhận xét của Đức Phật về kiếp người . Ý nói , tựu chung , một đời người , khi kết sổ, sự khổ đau cộng lại thì nhiều hơn sự sung sướng . Ngoài bốn nguyên nhân của sự khổ đau mà chúng ta đã từng nghe nói : sinh , lão , bệnh , tử , sách nhà Phật còn liệt kê bốn thứ khổ nữa ; đó là : – phải xa lìa những gì mình yêu thích ( người / sự vật ) . – phải sống chung với những gì ( hay những ai ) mình không thích / ghét bỏ . – ước vọng / cầu mong mà không được . – thân ngũ ấm ( là sự tổng hợp 5 yếu tố trong cái Ta : sắc / thân ; cảm giác ( thọ ) ; tư tưởng(tưởng) ; ý định hay tác ý ( hành ) ; những hiểu biết ( thức ). Theo lẽ vô thường , 5 yếu tố này sẽ thay đổi , làm cho ta khổ . Tóm lại , con người có tám thứ khổ ( bát khổ).
2- Chân lý về nguyên nhân / nguồn gốc của đau khổ ( Tập đế ) : Đức Phật chỉ rõ : vô minh = si ( u mê , không sáng suốt ) là nguồn gốc chính của mọi khổ đau . Vô minh đưa đến tham lam , sân hận …như ta vẫn nghe nói : tham , sân , si ; còn gọi là tam độc . Thực ra si phải đứng đầu như vừa nói .
3- Chân lý về sự diệt khổ ( Diệt đế ) : khi đã biết được nguồn gốc của khổ , ta phải tìm cách diệt khổ , tức là phải diệt vô minh trước , diệt tham dục , tham ái , diệt lòng sân hận , thù oán.. Chỉ khi nào diệt hết được những ( nguyên ) nhân này thì ta mới được lên cõi Niết bàn ( giải thoát = quả ).
4- Chân lý về con đường dẫn đến diệt khổ = giải thoát ( Đạo đế ) : đó là con đường thực hành « bát chánh đạo » , gồm có : chánh kiến , chánh tư duy , chánh ngữ , chánh nghiệp , chánh mạng , chánh tinh tấn , chánh niệm , và chánh định .
Bát chánh đạo giúp diệt vô minh ( si ) , đạt được trí huệ bát nhã , từ đó giúp người tu hành đến bờ giác ngộ / giải thoát ( đáo bỉ ngạn ) . Bát chánh đạo ( 8 con đường vừa kể ) gồm trong 3 nhóm : giới , định , huệ ; gọi chung là tam học.
Tam học này dùng để đối trị tam độc nói trên như sau : a- Giới : giữ giới : giữ vững 5 điều răn dạy căn bản của Đức Phật (xem lại Từ Ngữ – bài 2 ) , thực hành bố thí , để diệt lòng tham . b- Định : dùng để đối trị sân vì định có nghĩa là giữ tâm không tán loạn , để không sinh ra ghét bỏ , hận thù ….c- Huệ : trí huệ : dùng để đối trị si (= vô minh ) vì trí huệ là những điều hiểu biết do tu tập theo con đường Phật dạy ( không phải thứ trí tuệ phàm tục của chúng sinh ) .
Trên đây là những điều tóm tắt rất căn bản về những khổ đau của con người ; cùng là những cách trừ diệt hay , ít nhất , cũng làm vơi bớt những đau khổ của kiếp người .
Trong thực tế , sự thực hành những lời Phật dạy không dễ dàng như lời nói , nhất là đối với những người đau yếu , bận lo sinh kế . Ngày nay , rất nhiều người đã dùng sáu chữ : ” Nam mô A-di-Đà Phật ” để giữ tâm thanh tịnh và cầu vãng sinh tịnh độ . Khi chúng ta trì niệm danh hiệu Đức Phật A-di-Đà là chúng ta đã giữ cho thân, khẩu , ý , xa lánh khỏi việc xấu , ác ; là chúng ta đã đặt vào A-lại-da thức ( nơi chứa đựng những chủng tử – xem lại bài trước ) những hạt giống tốt ( = nhân tốt ) để chờ khi đủ duyên ( điều kiện ) , chúng sẽ trở thành quả tốt ( phước báo ) cho chúng ta .
Cuối năm 2009
Nhã Nhạc
Hình trên : Tượng Phật nằm , tên : Monywa Buddhas , miền trung Myanma , lớn nhất thế giới ; chiều dài 90 m ( 300 feet ) , xây dựng 1991 , rỗng bên trong , cho phép khách vào bên trong Tượng , đi từ dưới chân đến đỉnh .