28/03: Bài 10-Bồ Tát Quán Thế Âm

28/03: Bồ Tát Quán Thế Âm
Category: Phật Học – Phật học ôn tập-
Posted by: Tbl Đọc: 4919 lần
10. BỒ-TÁT QUÁN THẾ ÂM
Hoằng Hữu Nguễn Văn Phú

 

 


Phật tử chúng ta mỗi khi đến chùa, đều đến lễ trước bàn thờ Phật và bàn thờ một vị Bồ-tát, đó là Bồ-tát Quán Thế Âm. Hàng năm, vào ngày Phật Đản, chúng ta được nghe lược sử của đức Phật Thích-Ca, một nhân vật lịch sử, sáng lập ra Phật giáo. Còn như Bồ-tát Quán Thế Âm, thì Ngài không có giáng sinh tại trái đất của chúng ta đây, nhưng kinh sách Phật giáo có chép tiền thân của Ngài: Ngài là một thái tử đã được dịp theo vua cha đến hầu Đức Phật Bảo Tạng và được Đức Phật Bảo Tạng thọ ký sau này thành Bồ-tát Quán Âm, phụ tá Đức Phật Di-Đà và sau cùng sẽ thành Phật với danh hiệu Phổ Quang Công Đức Sơn Vương Phật.
Chúng ta vẫn nghe danh hiệu của Ngài là Bồ-tát Quán Âm, Bồ-tát Quán Thế Âm, Bồ -tát Quán Tự Tại, Phật Bà Quan Âm … Ngài quán sát tiếng kêu than ở khắp nơi để đến cứu khổ, cứu nạn. Cùng với Bồ-tát Đại-Thế-Chí, Ngài phụ tá Đức Phật Di-Đà tại cõi Cực Lạc phương Tây, ba…
… Ngài chính là “Tây phương Tam Thánh” vậy.
Do hạnh nguyện của Ngài, Ngài tùy duyên mà ứng hiện để độ những người gặp khổ đau, tai ách. Ngài có thể hoá thân dưới 32 hình tướng khác nhau để cứu chúng sinh và ban cho chúng sinh đức tính vô úy nghĩa là không sợ hãi.
Người Việt Nam chúng ta thờ Ngài Quán Thế Âm với nhiều hình tượng khác nhau, một là Quán Âm đồng tử (hình Phật Bà bế đứa trẻ nhỏ), hai là Quán Âm Nam Hải (hình Phật Bà xuất hiện đứng trên bông sen ở biển Nam Hải), ba là Quán Âm thiên thủ thiên nhãn tức hình Bồ-tát Quán Âm với một ngàn tay, trong mỗi bàn tay có một con mắt. Thật ra, còn rất nhiều loại hình tượng khác nữa.
Hình thứ nhất có lẽ dính dáng đến chuyện Quán Âm Thị Kính (oan Thị Kính). Hình thứ nhì có lẽ dính dáng đến “tứ đại danh sơn” ở Trung Hoa; đó là bốn ngọn núi danh tiếng ở Trung Hoa. (Phía Đông là núi Phổ Đà, ở trên một hòn đảo nhỏ, thờ Đức Quán Âm, phía Tây là núi Nga Mi thờ Ngài Phổ Hiền, phía Bắc là núi Ngũ Đài thờ Ngài Văn-Thù-Sư-Lợi, phía Nam là núi Cửu Hoa thờ Ngài Địa Tạng). Còn hình thứ ba nghìn mắt, nghìn tay cốt ý nói lên khả năng cứu độ vô biên của Ngài.
Hình tượng phổ thông nhất của Ngài là tượng một vị nữ đứng trên bông sen, tay phải cầm nhành dương liễu, tay trái mang bình chứa nước cam lồ. Nhành dương liễu tượng trưng cho đức nhẫn nhục, bình cam lồ nói lên tâm từ bi. Nhành dương khi bị gió thổi mạnh thì uốn mà không gãy, hết gió lại vươn lên, đó là hình ảnh người biết tùy thời, tùy cảnh mà ứng phó, xử sự nhưng vẫn có lập trường chân chánh vững chắc của mình. Nước cam lồ ngon bổ làm khỏe người ốm, đánh thức kẻ mê. Ai đau khổ, cầu đến Ngài, Ngài sẽ tùy duyên mà hóa độ, dùng nước cam lồ mà cứu khổ cứu nạn. Đặc biệt ai bị lòng tham lam và những dục vọng nổi lên mạnh mẽ như ngọn lửa thiêu đốt ruột gan, nếu biết niệm danh hiệu Ngài Quán Thế Âm thì lòng tham xẹp xuống, dục vọng tiêu tan. Đó là ý nghĩa của câu “nếu biết niệm Bồ-tát Quán Thế Âm thì dù nhảy vào lửa, lửa cũng không đốt được”.
Chúng ta coi Bồ-tát Quán Thế Âm là bà mẹ hiền dùng tình thương bao la mà che chở cho con cái, vì thế chúng ta thường hình dung Ngài dưới hình một người nữ và gọi Ngài là Phật Bà. Tuy không nói ra nhưng chắc chắn chúng ta đồng ý với nhau rằng trong toàn thể các vị Bồ-Tát, chúng ta coi Bồ-tát Quán Thế Âm là gần chúng ta hơn cả và chúng ta niệm danh hiệu Ngài rất nhiều. Về vấn đề Ngài ứng hiện ở đâu, trước mặt ai, chúng tôi nghĩ rằng chỉ những ai đã cảm ứng thì người đó mới biết mà thôi.
Phật tử chúng ta biết đến Ngài nhiều, cũng là do Kinh Phổ Môn. Kinh này chính là phẩm thứ 25 của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa (nói ngắn là Kinh Pháp Hoa).
Phổ Môn nghĩa đen là khắp mọi cửa, khắp mọi nhà, nghĩa rộng là pháp môn phổ biến thông dụng mọi lúc và khắp nơi: trong một môn mà thâu hết các pháp nên gọi là phổ môn, Phật và Bồ Tát dùng thần thông thị hiện ra mọi hình tướng để cứu độ chúng sanh nên gọi là phổ môn, đó là “phổ môn thị hiện”.
Người tụng kinh Phổ Môn chỉ căn cứ vào nghĩa đen của lời kinh thì hiểu rằng niệm danh hiệu Ngài thì có thể qua bảy nạn (nước, lửa, gió bão, dao kiếm, quỷ dữ, tù ngục và cướp bóc), có thể vượt qua ba độc (tham, sân, si), có thể xin được hai điều (sinh con trai, sinh con gái theo ý muốn). Bồ-Tát Quán Thế Âm thị hiện dưới 32 hình tướng để cứu độ chúng sanh đau khổ thành tâm cầu cứu Ngài và ban cho vô úy.
Bước thêm một bước nữa, người ta tụng thêm Tâm Kinh (Bát-nhã ba-la-mật-đa Tâm Kinh) và thấy rằng “Quán tự tại Bồ-tát thực hành sâu xa pháp bát-nhã Ba-la-mật-đa nên thấy ngũ uẩn đều là không cả, qua hết thảy khổ ách”.
Người phàm chúng ta khi tiếp xúc với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp thì chúng ta có phản ứng theo thói quen, ý thích, tập quán, phong tục, giáo dục… của mình; chúng ta thích cái này, ghét cái khác, hoặc chẳng yêu, chẳng ghét gì cả. Ưa thích thì muốn có, muốn chiếm, muốn giữ… ghét bỏ thì muốn xa, muốn phá, muốn giết. Lòng tham, sân, si mạnh mẽ đến nỗi như ngọn lửa thiêu đốt tâm can ta, lòng ham muốn dữ dội quá hệt như gió bão, nước lũ lôi cuốn ta vào những hành động tội lỗi. Do sáu căn tiếp xúc sáu trần sinh ra ái, ố, hỉ, nộ, ai, lạc, nghĩ xằng làm bậy, sáu căn hại người không khác gì binh khí, không khác gì quỷ dữ xúi bẩy, con người không còn tự chủ, mất cả tự do, thế là chính mình bị tù đày, ràng buộc bởi ham muốn, tham vọng… Hãy niệm Quán Thế Âm Bồ-tát, luôn luôn nhớ nghĩ đến Ngài (niệm có nghĩa là nhớ nghĩ) tức là đến giáo pháp của chư Phật, chư Bồ-tát, thiện tâm hồi lại, Phật tánh trở về, lòng lắng xuống, tâm an tịnh; lúc đó nước, lửa, gió, vũ khí, quỷ dữ … không thể làm hại được ta nữa vì ta đã làm chủ được ta! Giữa lửa tham dục mà không tham dục, như vậy là nhảy vào lửa, lửa không đốt cháy được. Giữa sóng dữ của ham muốn, cáu kỉnh mà hết ham muốn, cáu kỉnh, như thế là gặp bão tố ngoài biển cả mà không bị chìm thuyền… Cầu con trai là cầu phước đức trí tuệ, cầu con gái là cầu đoan trang nghiêm chánh. Cũng có thể nói cách khác: con trai tượng trưng cho trí huệ, con gái tượng trưng cho phước đức, từ bi.
Hãy tu theo pháp môn Quán Thế Âm Bồ-tát, hãy luôn niệm danh hiệu Ngài như niệm danh hiệu đức Phật A-Di-Đà, sẽ được sáng suốt, không còn si mê, sẽ an tịnh, không còn giận hờn, sẽ hết tham dục, sẽ hiểu chư hành vô thường, mà hết tham dục, sẽ trở nên từ bi, yêu thương muôn loài, là bạn của tất cả, hết quân thù, keœ cướp, hết quỷ dữ rình mò làm hại…
Hãy tu theo pháp môn Quán Thế Âm, hãy học theo hạnh nguyện của Ngài. Nói rằng Ngài thị hiện 32 hình tướng để cứu khổ, cứu nạn cũng như nói: người tu theo Phật thì “chúng sinh bao nhiêu, xin độ hết”, người căn cơ ra sao thì cứu giúp theo căn cơ của họ.
Lại bước thêm một bước nữa: tu mãi, tu mãi, kiên quyết tu hành, đến một lúc nào đó, giác ngộ một phần, rồi giác ngộ… , đại giác, toàn giác. Bấy giờ, đủ thần thông quyền lực, độ khắp chúng sinh như nghĩa đen của phẩm Phổ Môn. Việc này, phàm phu chúng ta chỉ nghĩ đến trong một sát-na, rồi quay về hiện tại, tự nhủ phải kiên trì tu hành. Không phải là cắt tóc, vô chùa, nhưng chỉ cần hiểu nông cạn: hành là thực hành, là làm; tu là tu sửa, sửa chữa cho hay hơn. Mỗi ngày ta đã tu chưa, đã hành chưa? Nếu có thì Ngài Quán Thế Âm Bồ-Tát đang ở bên ta; nếu chưa thì phải vào việc ngay, kẻo muộn vì “con quỷ vô thường” vẫn đứng kia, ngày mai có kịp không? □
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
( Bước vào cửu Phật –Book 1)
(Hình: do NN sưu tầm)

Share

Leave a Reply

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Paid Links