29/10: 1.Thư đi tin lại – Kỳ 4 (HH Nguyễn Văn Phú)2.Phật tánh(HH Nguyễn Văn Phú)-

29/10: 1.Thư đi tin lại – Kỳ 4 (HH Nguyễn Văn Phú)2.Phật tánh(HH Nguyễn Văn Phú)-
Category: Phật Học – Phật học ôn tập-
Posted by: Tbl Đọc: 5721 lần
Thư Đi Tin Lại –Kỳ 4
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

26- Trong kinh A-Di-Đà, có mấy dòng như sau: “Tại sao đức Phật ấy có hiệu là A-Di-Đà? Vì Ngài có vô lượng quang minh soi khắp mười phương, không gì chướng ngại, nên Ngài có tên hiệu là A-Di-Đà …Vì thọ mệnh của Ngài và cả nhân dân vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp nên Ngài có tên hiệu là A-Di-Đà…
… “. Tôi đồng ý với đạo hữu rằng lời giải thích đó “không ổn” .Phải đi sâu hơn thì mới hiểu Amitabha là Vô Lượng Thọ Phật . Amytayus là Vô Lượng Quang Phật . Đó là hai trong số 13 danh hiệu của Đức Phật Amita tức là A-Di-Đà . Vậy muốn cho dễ hiểu thì phải nói đại khái như thế này : “Vì Ngài có ánh sáng soi khắp nơi nên Ngài có hiệu là Vô Lượng Quang Phật . Vì Ngài sống lâu vô lượng nên Ngài có hiệu là Vô Lượng Thọ Phật” { Đã có người đề nghị đỏi chữ A-Di-Đà thành A-Mi-Đà, nhưng thói quen ăn sâu rồi, đổi chắc khó } .
A-tăng-kỳ là phiên âm chữ Sanskrit Asamkhya, trong đó A có nghĩa là không, samkhya l` số, vậy asamkhya là vô số (innombrable, innumerable, numberless). Rõ hơn, một a-tăng-kỳ là số viết với số 1 có 47 số zero theo sau ! A-tăng-kỳ nói ngắn thành tăng-kỳ . Kiếp là do ch~ kiếp-ba nói ngắn, kiếp-ba là do chữ sanskrit kalpa hoặc chữ pali kappa phiên âm mà ra (age cosmique, world age, world cycle) . Dịch là: đại thời, ba’ vạn niên, một thời gian rất dài, không kể ra năm tháng được . Hàng ngày ta dùng chữ kiếp người theo nghĩa đời người, khoảng thời gian sống của một người .
Kalpa : term for an endlessly long period of time …Suppose that every hundred years, a piece of silk is rubbed once on a solid rock one cubic mile in size ; when the rock is worn away by this, one kalpa will still not have passed ….A kalpa is divided into four parts : the araising of a universe, the continuation of the arisen universe, the demise of that universe, the continuation of chaos …(Theo the ShambalaDictionary of Buddhism and Zen).
27 – Mười cảnh giới là: địa ngục, ngã quỷ, súc-sinh, a-tu-la, người, chư thiên (6 đường này còn luân hồi), thanh văn, duyên giác, bồ-tát, Phật (bốn đường thánh, tức là bốn thánh đao, đã ra khỏi vòng sinh, tử, luân, hồi ). Tam giới là: dục giới, sắc giới, vô sắc giới .Dục giới gồm 5 cảnh giới kể trước và 6 loại chư thiên,nhiều ham muốn,kể cả dâm dục . Sắc giới không cần ăn uống và dâm dục, nhưng còn ham vui, gồm chư thiên . Vô sắc giới không có hình tướng gồm có 4 tầng trời . Tất cả vẫn còn luân hồi . Nghĩa là trong tam giới, có 6 đường hay 6 nẻo(lục đạo, pali và skt :gati) ,mới kể trên đây
(ngưng trích một đoan ngắn)
28 –1/ Như,Như như, Chân như là những danh từ để chỉ cái thực tướng (tức là cái tướng thực sự, không giả dối) của vạn pháp (tức là sự sự vật vật trên thế gian) . Những sự vật, những hiện tượng mà các giác quant a cảm nhận đều vô thường cả . Nhưng cái bản thể của chúng ta là một thứ bất động, thường hằng mà ta không thể nào mô tả bằng ngôn ngữ phàm được, chỉ dùng một loạt phủ định như : không nhơ, không sạch, không thêm, không bớt, không sinh, không diệt ….Có cả chục danh từ dùng để chỉ cái bản thể đó, nhưng không có danh từ nào thỏa đáng cả .
2/ Đạo hữu đọc kinh Kim Cang rồi . Kinh nói : Như Lai có nghĩa là “không từ đâu mà đến, cũng không đi về đâu “ . Đó chính là chữ để chỉ cái bản thể thường trụ, vĩnh cửu của vạn pháp, là Phật tánh vậy .
29 – Thập sự là mười sự sai khiến (thập=mười, sử=sai khiến), đó là 10 phiền não sai khiến chúng sinh toan tính và hành động bậy bạ nên gây nghiệp và vì thế mà trôi lăn trong vòng luân hồi : tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ kiến, giới thủ kiến . Còn gọi là thập phiền não, thập hoặc (hoắc nghĩa là nghi ngờ , thập tùy mien (tùy miên là còn tiềm ẩn, chưa bộc lộ) .
Tiểu thừa xếp từ thấp lên cao (từ dễ trị đến khó trị) theo thứ tự sau này : 1/ thân kiến .2// Nghi .3/ giới thủ kiện 4/ tham . 5/ sân . 6/ sắc ái . 7/ vô sắc ái . 8/ mạn (kiêu ngạo) . 9/ trạo (tâm trạng lăng xăng không yên) . 10/ vô minh . Như vậy thì hơi khác trên đây một chút, đây gọi là thập kết (kết là trói buộc, chaines, fetter ; pali và skt :samyojana) Dứt hoàn toàn 10 thứ này thì đắc quả a-la-hán (pali : arahat , skt : arhat), nói ngắn là la-hán
…………………………………………..
30 – A-tu-la gọi ngắn là tu-la do chữ phan (Sanskrit)asura phienn âm ra . Nhương để nguyên chữ không dịch . Tầu dịch là phi-thiên hay thần . Loại cgung’ sinh này là một trong thiên long bát bộ thường đến nghe Phật thuyết pháp . Họ có thần lực nhưng kém chư thiên ở các cõi trời . Không biết so sánh với loài người thì họ hơn hay kém nhưng sách bảo rằng ta chẳng nên cầu vãng sình thành a-tu-la vì họ hay nổi sân, nổi nóng khó tu (phái nữ thì đẹp !). Một ông bạn tôi bàn rằng xưa kia vua còn phong chức tước cho các thần vậy thì a-tu-la phải kém người ! Ông lý luận đúng chăng ? Cụ Đoàn Trung Còn nói rằng : a-tu-la chịu khó tu hành thì sanh làm người danh giá hay chư thiên …còn nếu mê muội thì bị đọa xuống ba ác đạo tức là địa ngục, ngã quỷ, súc sinh . Như vậy thì đúng là a-tu-la xếp hạng dưới người rồi !
Còn một ý kiến khác lấy trong the Shambala Dictionary of Buddhism and Zen : « In the sense …..entirely omitted .). Tạm dịch là : Nhìn theo khía cạnh cảnh giới cao hay lành,a-tu-la là loại thần sống ở sườn hay đỉnh núi Tu Di hoặc là trong các lâu đài không khí …Nhìn theo khía cạnh cảnh giới thấp hay xấu thì a-tu-la là kẻ nghịch của chư thiên …Theo sự phân loại của nhiều môn phái Nam Tông, người ta không đề cập chút nào đến a-tu-la cả .
31 – Ngũ thừa Phật giáo gồm có : nhân thừa, then thừa, thanh văn thừa, duyên giác thừa và bồ-tát thừa . Tu nhân thừa thì theo tam quy ngũ giới, kiếp sau trở lại làm người . Tu thiên thừa thì thực hành thập thiện, kiếp sau được lên cảnh giới của chư thiên . Hai thừa này, vẫn còn sinh tử luân hồi . Tu thanh văn thừa thì theo tứ diệu đế, quả vị cao nhất là a-la-hán . Tu duyên giác thừa thì theo thập nhị nhân duyên, quả vị là duyên giác . Tu bồ-tát thừa thì theo lục độ ba-la-mật, quả vị là bồ-tát . Các vị la-hán, duyên giác, bồ-tát là các bậc thánh, ra khỏi vòng sinh tử luân hồi .
Chú thích : Bích-chi-Phật đồng nghĩa với Độc-giác-Phật, đó là các vị ra đời không đúng vào lúc có Phật tại thế nhưng tự mình tu hành theo thập nhị nhân duyên mà được giác ngộ nên các vị đó cũng được gọi là duyên giác . Về thần thông, duyên giác cao hơn thanh văn .
32 – Khi nói chư thiên là nói đến các chúng sinh ở trên các tầng trời . Chư thiên sung sướng hơn loài người nhưng cũng chia ra rất nhiều bậc và bậc nào cũng phải luân hồi sau khi phước báo đã hết . Có bao nhiêu từng (tầng) trời ? Trong dục giới, trừ ra địa ngục, ngã quỷ, súc sinh, a-tu-la, người, có tầng trời Tứ thiên vương thiên cộng thêm Đao Lỵ thiên, Dạ ma thiên, Đâu xuất thiên, Hóa Lạc thiên và Tha hóa tự tại thiên, tất cả là 6 . Trong sắc giới : Sơ thiền thiên có 4 tầng, Nhị thiền thiên có 3 tầng, Tam thiền thiên có 3 tầng, Tứ thiền thiên có 3 tầng và Tịnh phạm địa có 7 tầng, cộng tất cả là 20 . Vô sắc giới có Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu sứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ, cộng là 4 . Vậy chư thiên ở 30 tầng trời khác nhau, phước báo khác nhau, sinh hoạt khác nhau .
(còn tiếp)
………………………………………………
BƯỚC VÀO CỬA PHẬT- Quyển 1
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
Đề tài ôn tập : Bài 30. PHẬT TÁNH
Chúng ta hay được nghe nhắc đến câu: “Ai ai cũng có Phật tánh” [thật ra trong kinh Phạm Võng, câu đó có nghĩa rộng hơn, như sau: “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh, Tất cả chúng sanh đều có tánh giác ngộ nơi mình”; theo Phật học Từ điển Đoàn Trung Còn]. Nói nhiều lần rồi quen đi, nhưng tôi vẫn không hiểu kỹ Phật tánh là gì.
Khi tụng kinh Phổ Môn, đến câu “nguyện cho con sớm được đồng thân Pháp tánh” tôi thắc mắc thế nào là Pháp tánh, có khác Phật tánh không, tại sao nói “đồng thân”? Và trong mấy chữ “tu tâm dưỡng tánh” thì tánh này là gì?
Nghe nói về tổ Bồ-Đề-Đạt-Ma và Thiền tông, lại biết câu: “kiến tánh thành Phật”, tôi tự hỏi “tánh” là gì, có khác “tâm” không. Chắc quý vị cũng muốn hiểu một chút như chúng tôi, cho nên tôi tra cứu trong vài cuốn sách để tìm tài liệu.
Trước hết, chúng ta bỏ ra ngoài chữ “tánh” nói thường ngày: tánh nóng nảy, tính trầm lặng, tính hồ đồ, tính bốc đồng, tính dữ tợn, tính hiền lành v.v … Đó là nói về tánh nết, tánh người.
Rồi chúng ta phân biệt hai chữ Pháp tánh và Phật tánh. Pháp tánh là một thứ gì đó mà đạo Phật nói rằng thấm nhuần vạn sự vạn vật, còn Phật tánh thì chung cho chúng sinh. Vậy thì hơi có sự khác nhau giữa hai chữ đó. Tuy nhiên trên thực tế, không thấy phân biệt gì lắm, trừ khi muốn nhấn mạnh. Muốn “đồng thân Pháp tánh” là muốn “nhập” vào cái Pháp tánh đó, nôm na là muốn thành Phật, muốn lên Niết-bàn. “Người ta cũng dùng chữ Pháp tánh để gọi Niết-bàn của Phật, vì nó là cái thể tánh thường trụ chẳng biến đổi” (Đ.T.Còn) [Niết-bàn của Phật là rốt ráo, cao hơn Niết-bàn của các vị thanh văn chẳng hạn].
Bắt gặp chữ “thể tánh” vừa rồi, tôi tìm ngay cuốn Thế giới quan Phật giáo của HT Thích Mật Thể, và thấy: “Đi vào Phật giáo, ta thấy có hai nguyên lý căn bản:
1/ Hết thảy hiện tượng đều chuyển biến vô thường 2/ Bản thể bất sinh bất diệt.”
Thật là gọn, thật là rõ, hay quá. Phật tánh mà chúng ta nghe nói luôn luôn đó chính là cái bản thể mà HT Mật Thể vừa nêu ra. Vậy quý bạn thanh niên ở đây chắc vui bụng, các phénomènes thì vô thường, còn essence của chúng là bất sinh bất diệt. Nếu các bạn cần cho người Canadien ở đây nghe một chút thì không cần dùng chữ nature-de-Bouddha tiếng Pháp (hay chữ Buddha-nature tiếng Anh), nên dùng chữ essence, hay chữ noumène. Nói rằng họ có nature-de-Bouddha thì chắc họ không thích vì họ có phải là bouddhistes đâu!
Đạo Phật lấy một hình ảnh rất hay như sau: Tất cả các hiện tượng trên thế gian khác biệt nhau, được ví với muôn vàn ngọn sóng trên mặt đại dương. Bao nhiêu sóng đó có một thứ chung, đó là nước. Nước dụ cho bản thể. Cần nhấn mạnh thêm vào lập trường sau này của đạo Phật: sóng và nước không rời nhau, nghĩa là chớ tách riêng hai thứ hiện tượng và bản thể, chúng là hai mặt của một đồng tiền, có cái này là có cái kia. Sở dĩ cần nói vậy vì ở ngoài đời có phái cho rằng bản thể có trước, có phái cho rằng hiện tượng có trước.
HT Mật Thể viết tiếp: “Bản thể ấy, Phật giáo gọi là Tâm. Chớ hiểu lầm chữ tâm theo nghĩa chật hẹp của triết học là tinh thần chủ quan sinh ra vũ trụ khách quan, lại không nên hiểu lầm tâm là ý tưởng thuần túy của nhà triết học duy tâm Hégel là ý niệm của cộng đồng khách quan. Theo nghĩa của Phật giáo, tâm là ‘bản thể chung của vũ trụ’.” … “Chỉ có một bản thể bình đẳng như nhất, Phật giáo thường gọi bản thể này là ‘chân không’ hay ‘không tướng’, như trong Bát-nhã tâm kinh nói ‘ thị chư pháp không tướng bất sinh bất diệt’ nghĩa là ‘tướng chân không của các pháp (= hiện tượng) không sinh không diệt. Kinh Lăng Nghiêm nói: ‘ thể tính của cái sắc bản nhiên trong sạch trùm khắp pháp giới (= vũ trụ) ”.
Nói một chữ tâm không thôi thì dễ hiểu lầm, cho nên người ta phải dùng chữ kép “chân tâm” hay viết theo kiểu mới Tâm với chữ T hoa, T lớn. Cái tâm mà chúng ta nói đến hàng ngày, cái tâm “con vượn chuyền cành” của người phàm như chúng ta thì được gọi là vọng tâm hay chúng sinh tâm.
Bây giờ đến một thắc mắc: “Phật tánh là bản thể. Làm sao mà thấy? Không tai nghe mắt thấy thì tin sao được! Nếu cứ bắt công nhận mà không chứng minh thì đúng là ‘giaó điều’ mất rồi.”. Câu hỏi này hay lắm vì nó bộc lộ điều thắc mắc của một số đông. Bản thể là một cái gì tuyệt đối, không dùng ngôn ngữ nơi thế gian tương đối của chúng ta (đen trắng, xấu đẹp, cao thấp, ngày đêm, yêu ghét …) mà mô tả được, vì thế Tâm kinh đưa ra một loạt những phủ định “không thêm không bớt, không nhơ không sạch, không sinh không diệt…”. Người ta còn trích dẫn câu đầu trong Đạo Đức Kinh của Lão Tử nói về Đạo của Lão Giáo: “Đạo khả đạo phi thường Đạo”, Đạo mà đem ra nói được thì không còn là Đạo thường nữa.
“Này chư tỳ-khưu, chính Như Lai cũng đã chịu cảnh sinh lão bệnh tử, phiền não và ô nhiễm. Nhưng Như Lai đã sớm nhận thức đặc tánh vô thường của vạn pháp, thấy rằng tất cả đều phải chịu chung cảnh sinh lão bệnh tử, phiền não và ô nhiễm. Vì nhận thấy như vậy, Như Lai đi tìm trạng thái tuyệt đối châu toàn, vô sanh bất diệt, không bệnh, không già, không phiền não, không nhiễm ô và Như Lai đã thành tựu đạo quả Niết -bàn, không sanh, không chết, không phiền não, không nhiễm ô. Như Lai đã thấy và đã chứng nghiệm. Như Lai đã hoàn toàn giải thoát. Đây là kiếp sống cuối cùng của Như Lai và khi nhập diệt rồi, Như Lai không còn trở lại nữa” (Lời Phật dạy).
Điều ấy chưa đủ thuyết phục các bạn trẻ, được huấn luyện trong duy lý và thực nghiệm, trong khi sự chứng Niết-bàn đòi hỏi sự tu hành đắc trí huệ bát-nhã khác hẳn phàm trí. Cái trí do thiện tri thức, thày, tổ, Phật luyện cho mà có gọi là trí hữu sư, có thấy tánh cũng chỉ phần nào thôi; cái trí do mình tu hành cao mà được gọi là trí vô sư, có cái trí này mới thấy tánh một cách trọn vẹn. Dùng lý luận thì không thấy tánh, dùng trực giác ở một độ cao nào đó thì thấy tánh, lúc ấy gọi là ngộ; ngộ một phần gọi là giải ngộ, ngộ toàn phần gọi là chứng ngộ; ngộ thì tự mình biết. Ai ăn thì người đó no, tả cho người khác thì chỉ tàm tạm thôi, khi nào chính cái người khác đó no thì người ấy biết. Xưa kia nghe nói “lạnh thấu xương”, nay tới Canada không cần ai mô tả cũng biết thế nào là lạnh! Chính mình trực tiếp với cái lạnh mà.
Chúng ta lại đi tìm thêm. Trong sách Yếu chỉ Thiền tông, HT Thích Thanh Từ giảng như sau: “Giác tánh (hay tánh giác) và chân tâm là hai tên mà một thể. Nhận ra chân tâm là thấy giác tánh. Vọng tâm là tâm phức tạp, dao động, không thực. Chân tâm là tâm chân thực, không dao động, thường hằng … Lấy thí dụ về mắt, mắt thấy cảnh, cảnh đổi thay trăm ngàn thứ, nhưng cái thấy không đổi. Có cảnh thì mắt thấy cảnh, không cảnh thì mắt thấy không cảnh, cảnh khi có khi không, cái thấy lúc nào cũng có. Mở mắt thấy sáng, nhắm mắt thấy tối. Thấy sáng thấy tối là do sự mở nhắm của con mắt, chớ không can hệ gì đến cái thấy. Ví như bóng đèn với điện. Gắn bóng thì sáng, bỏ bóng thì tối. Sáng, tối do bóng đèn gắn vào hay tháo ra, không can hệ gì đến điện. Cái thấy không thuộc về cảnh, không thuộc về con mắt, nó chính là tâm, vì có thấy là có biết, biết tức là tâm. Lấy thí dụ về tai: tiếng có đến trăm ngàn nhưng cái nghe vẫn là một, cái nghe quả thực là tâm. Thế là tâm thấy, tâm nghe vẫn hiện hữu thường trực nơi chúng ta. Nhưng tối kỵ khi có ý thức hợp tác với nó, vì ý thức là cái so lường phân biệt, luôn luôn biến động không dừng.
Tuy nhiên, có một cái gì bên trong chúng ta nó theo rõi được sự rong ruổi của ý thức, nó thấy được vọng niệm khi dấy khi lặng. Cái biết được vọng, nó không phải là vọng, nó chính là tâm vậy. Vọng dấy lên là do vin theo bóng dáng trần cảnh, nó do nhân duyên, có hợp có tan, có còn có mất, có sanh có diệt. Cái biết vọng chưa từng dấy lên, chưa từng vin theo trần cảnh, không thuộc nhân duyên, nó thường hằng, bất biến, chân thực, nó chính là chân tâm.
Vì thể nó rỗng lặng nên gọi là Pháp thân thanh tịnh, thể này hằng giác tri nên gọi là Phật tánh, chân tâm. Mắt tai mũi lưỡi thân ý đều hiển lộ tánh giác nên nơi mắt gọi là tánh thấy, nơi tai gọi là tánh nghe, nơi mũi gọi là tánh ngửi, nơi lưỡi gọi là tánh nếm, …. sáu nơi để sáu chữ giác đứng đầu, tất cả đều do tánh giác phát ra. Trên dụng, dường như có sáu, bản thể vẫn là một. Kinh Lăng Nghiêm nói: ‘Từ một tinh minh sinh sáu hòa hợp’… Các thiền sư thường dùng xảo thuật để làm cho đệ tử nhận ra tánh giác của mình qua biểu hiện ở sáu căn, đặc biệt ở hai căn dễ nhận nhất là mắt và tai….” □
[Trích dẫn không trung thực trăm phần trăm,vì chúng tôi đã cắt ngắn đi vài chỗ].
…………………………………………

Share

Leave a Reply

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Paid Links