30/01/2010: Bồ-Tát Địa Tạng (HH Nguyễn Văn Phú)

30/01: Bồ-Tát Địa Tạng
Category: Tôi Tìm Hiểu Đạo Phật
Posted by: Tbl Đọc: 5231 lần
Bồ-Tát Địa Tạng

Hôm Nay 30-1-2010, Môt Trăm Ngày Bà Quả Phụ :
Nguyễn – Lê – Oanh
Chúng Con Nguyện Cầu Đức Phật Bồ-Tát Địa Tạng,
Đức Phật A-Di-Đà Cứu Rỗi Linh Hồn Chị Của Chúng Con
Đựơc Về Nơi Cõi Trời – Cõi Tịnh Độ .
Nam Mô A-Di-Đà Phật
Gia-Đình Họ Lê
==================
Bồ-Tát Địa Tạng
Hoằng Hữu Nguyễn-Văn-Phú
-Lời giới thiệu : Chúng tôi nhận được bài này do tác giả Hoằng Hữu Nghuyễn-Văn-Phú gửi cho…
… đã lâu , được tác giả thuyết giảng tại Tổ Đình Từ Quang –Montréal –Canada . Hôm nay xin gửi đến bạn đọc để hiểu thêm một vấn đề lớn và khác nữa trong Đạo Phật .
Xin mời đọc :
Bồ-Tát Địa Tạng
Trong chùa chúng ta đây, nhìn lên chính điện, về bên phải bàn thờ Phật, chúng ta thấy bàn thờ Bồ Tát Quan Âm và về bên trái chúng ta thấy bàn thờ Bồ-Tát Địa Tạng .Nhiều lần, ban Hoằng pháp chúng tôi đã trình bày về ngài Quán Âm, hôm nay xin nói chút ít về ngài Địa tạng .Những điều sắpnói đây phần lớn được lấy ra từ kinh Địa Tạng .
Đia Tạng , tiếng Phạn ghi là Ksitigarbha ,là một vị bồ tát ở cõi trời Đao-Lỵ .
Danh xưng : Địa tạng có nghĩa là an nhẫn, bất động như đại địa, tư duy sâu xa kín đáo như kho tàng bí mật .Đó là lời giải thích ngắn gọn của Hoà Thượng (HT) Thanh Từ .Cụ Chánh Trí đi sâu vào chi tiết để nhấn mạnh vào mật nghĩa như sau: Địa nghĩa là đất, ý nói cứng rắn, sâu dầy .Tạng hay tang – nghĩa là cất giữ, cất dấu, chứa đựng – ý nói ngậm chứa tất cả .Vậy vị Bồ-tát nói trong Kinh không phải là một nhân vật lịch sử như đức Phật Thích-Ca, mà là một nhân vật tượng trưng, một tỷ dụ để chỉ cái Bản thể của chúng sinh .Bản thể ấy thường được biết dưới cái tên là Tâm .Tâm vô hình, vô tướng, không ai đập phá được cho nên nói là cứng rắn, dò lóng, đo lường được nên nói là sâu dày .Tâm là cái vô cùng vô cực, ngoài Tâm không có vật gì hết, hay không một vật nào có được ngoài cái vô cùng vô cực, cho nên gọi là ngậm chứa tất cả .
Cụ Chánh Trí diễn giải như vậy, là vì cụ căn cứ vào bài xưng tán Bồ-tát Địa Tạng ở đầu Kinh : Chí tâm quy mạng lễ, U Minh Giáo Chủ Bổn tôn, Địa Tạng Bồ-tát Ma-ha-tát, Khể thủ Từ bi Đại Giáo chủ, Địa ngôn: kiên, hậu, quảng hàm tang ….
Cụ Chánh Trí dịch là : Tôi hết lòng kính lay, Đức Giáo chủ cõi U Minh, Đại Bồ-tát Địa Tạng Bổn tôn, Tôi cúi đầu trước Ngài là vị Đại Giáo chủ, mà trong danh hiệu, chữ Địa có nghĩa là, cứng rắn, sâu dày và ngậm chứa tất cả ….
Tiền thân 1- 1-Dưới thời Đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương, có một người con gái dòng Bà-la-môn dốc lòng sùng kính Tam Bảo .Mẹ cô đã không tin Tam Bảo mà lại còn khinh rẻ chê bai .Sợ rằng mẹ sẽ bị đoạ vào ác đạo, cô hết lòng khuyên nhủ, nhưng không được .Sau khi mẹ chết, do lòng chí hiếu, cô gắng tạo phứơc lành rồi cô cầu xin đức Phật Giác Hoa cho biết mẹ cô sinh về đâu .Ngài dạy về nhà nhớ đến danh hiệu Ngài thì sẽ toại nguyện .Cô được thấy cảnh địa ngục là nơi mẹ cô phải đoạ .Nhờ phước đức của cô mà mẹ cô được sinh lên cõi trời .Trước cảnh khổ nơi địa ngục, cô đã phát nguyện: Bao giờ địa ngục trống không, chúng sinh độ hết, thì cô mới thành Phật .Cô gái ấy chính là tiền thân của đức Địa Tạng .
2- Dưới thời Phật Nhất Thiết Trí Thành Tựu, có một vị tiểu vương hết mực thương yêu dân, làm nhiều điều lành để mang lại lợi ích cho họ .Tuy nhiên dân nước này lại hung ác .Cho nên vị tiểu vương đã phát nguyện rằng nếu chưa độ hết những chúng sinh tội khổ chứng được quả Bồ đề, thì chính mình chưa thành Phật .Vị tiểu vương đó là một tiền thân của đức Địa Tạng .
3- Dưới thời Phật Thanh Tịnh Liên Hoa Mục, có một cô gái dòng Bà-La-Môn tên là Quang Mục, rất hiếu thảo với mẹ .Sau khi mẹ chết, cô thắc mắc không biết mẹ tái sinh về đâu .Do lòng chí hiếu và công đức cúng dường một vị la hán, cô biết được rằng mẹ đang bị đoạ nơi địa ngục vì tội giết hại sinh vật và mắng nhiếc người khác .Nhờ oai lực của đức Phật Thanh Tịnh Liên Hoa Mục và phước đức của cô mà mẹ cô ra khỏi địa ngục, đầu thai làm con của người đầy tớ của cô để chịu kiếp hạ tiện cho đến năm 13 tuổi mới chết để về cõi trời .Quang Mục đã phát nguyện cứu vớt tất cả các chúng sinh bị tội khổ nơi ba ác đạo cho đến khi họ thành Phật cả thì mình mới thành bậc chính giác .Nàng Quang Mục là một tiền thân của đức Địa Tạng .
4- Dưới thời đức Phật Sư Tử Phấn Chấn Vạn Hạnh Cụ Túc, có một vị trưởng giả đã lập nguyện rằng sau khi độ thoát chúng sinh bị khốn khổ rồi thì chính mình mới thành Phật. Vị trưởng giả ấy là một tiền thân của đức Địa Tạng .
Hạnh nguyện : Trong Kinh Địa Tạng, chúng ta thấy rằng ở trên cung trời Đao-Lỵ , đức Phật đã thọ ký cho Bồ-tát Địa Tạng như sau này : Địa Tạng ghi nhớ : “Ngày nay tôi ở cõi trời Đao-Lỵ , trong Đại hội có tất cả chư Phật, trời, rồng, bát bộ nhiều đến trăm ngàn muôn ức không thể nói, tôi đem trời, người, các chúng sinh … chưa ra khỏi tam giới, còn ở trong lò lửa, giao phó cho ông .Ông chớ để chúng sinh ấy rơi vào đường ác trong một ngày một đêm”.
Như vậy là đức Phật Thích-Ca đã phó chúc cho Ngài cứu độ chúng sinh – từ lúc đức Phật nhập Niết-bàn cho đến khi ngài Di-Lặc ra đời .Hạnh nguyện của Ngài theo như các tiền thân của Ngài là làm cho các địa ngục trống không .
Thủ trung kim tích, chấn khai điạ ngục chi môn,
Chủơng thựong minh châu quang nhiếp đại thiên thế giới
Nghĩa là : Rung tích trựong mở toang địa ngục,
Nâng minh châu soi khắp đại thiên .
Hình tượng : Người ta thường tạc tượng đức Địa Tạng ngồi trên con lân (ngài Văn Thù thì ngôi trên con sư tử xanh; ngài Phổ Hiền trên con voi trắng sáu ngà .Chúng ta nên nhớ mấy chi tiết ấy để dễ nhận ra các ngài khi vào các chùa). Ngài mặc áo cà-sa vàng và đội mũ tỳ-lư, tức là y phục trang nghiêm của một vị tỳ-khưu sắp làm lễ .Tay phải của Ngài cầm tích trượng, đầu tích trượng có 4 cái khoen tượng trưng cho tứ diệu đế .Mỗi khoen mang ba cái vòng, mười hai cái vòng ấy tượng trưng cho thập nhị nhân duyên .Tay trái Ngài cầm hạt minh châu, tượng trưng cho trí tuệ .Bước đầu thì có thể hiểu rằng Ngài dùng tích trượng để phá cửa địa ngục, giải thoát cho tội nhân trong đó .Và Ngài dung hạt minh châu soi đường để họ đi đến nơi giải thoát .
Tìm hiểu kỹ hơn thì sang bước thứ hai : muốn được giải thoát khỏi sinh tử luân hồi thì phải tu theo đường mà đức Phật đã dạy là tứ diệu đế( bao gồm bát chánh đạo ở đế thứ tư) và thập nhị nhân duyên .Muốn hiểu thấu những điều ấy thì phải trau giồi trí tuệ bát-nhã(chứ không phải phàm trí)để thấy được thực tướng của vạn pháp .Trí tuệ bát-nhã đây chính là hạt minh châu, soi tới đâu thì chốn địa ngục tối tăm lui đi khỏi đó, nói rõ ra là màn vô minh bị vén lên, bao nhiêu điên đảo tức là mọi nhận định sai lầm(khổ mà cho là sướng, vô thường mà cho là thường, vô ngã mà cho là hữu ngã, bất tịnh mà cho là tịnh..) đều bị phá tan, bấy giờ Phật tánh hiển lộ !
Mật nghĩa : Nếu quí đạo hữu có đủ duyên thì nên tìm đọc cuốn Địa Tạng mật nghĩa của cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, trong đó cụ đồng hoá ngài Địa Tạng với Chân Tâm .Ở đây, thời giờ eo hẹp, chúng tôi xin trích một đoạn ở cuối sách : Theo Kinh, thần lực ,từ bi, trí huệ và biện tài của ngài Địa Tạng không thể nghĩ bàn, nghĩa là không thể quan niệm, tưởng tượng được .Mà Địa Tạng tượng trưng cho Tâm thì chính Tâm là sức mạnh, là từ bi, là trí huệ, là tài hùng biện vô lượng vô biên đó .
Lại nữa, nếu hiểu rằng Tâm mới là con người thật, mới chính là ta thì mỗi chúng ta là một nguồn sức mạnh tâm linh, một suối từ bi, một mặt trời trí huệ, một núi hùng biện, tất cả đều vô cùng vô tận, không thể kể cho hết được, và cũng không thể đem ra suy gẫm, bàn luận được .Tất cả những đức tính ấy đều tuyệt đối .
Vậy con người có đầy đủ điều kiện, phương tiện để tự mình cứu vớt lấy mình(thần lực), đầy đủ thương xót để làm lành(từ bi), đầy đủ sáng suốt để phân biệt giả, chân, thiện ác, chánh tà (trí huệ), đầy đủ tài biện luận để giải nghi(biện tài). Do đây, Phật mới gởi gấm chúng sanh cho Địa Tạng gìn giữ, nói một cách khác, giao chúng ta cho Tâm chúng ta trông nom, đừng để rơi vào nẻo ác .
Sở dĩ chúng ta được Tâm Địa Tạng trông nom như thế mà thường hay sa đoạ, chỉ vì chúng ta hay thối bước trên đường tu tập .Tuy nhiên, nếu chúng ta biết rằng cốt yếu ở chỗ gieo giống thì ngay đây, gieo đi, dù hột giống lành chỉ bằng sợi tóc .Vì có giống là có cây, có trái …Lúc muốn làm việc ác, lúc sắp làm việc ác thì nên dừng lại, nhớ nghĩ đến Phật(niệm Phật),nhớ nghĩ đến Pháp(nhất cú nhất kệ)thì sẽ được Bồ-tát hay Tâm phá nát địa ngục là sự mê muội tối tăm của mình .
Bài học rút từ Kinh Địa Tạng là như vậy .
Ghi Chú : Trong kinh nói đến cõi trời Đao-Lỵ .Chúng ta nên tìm hiểu thêm: Tam giới hay ba cõi là cảnh giới của chúng sinh chưa giải thoát khỏi sinh tử luân hồi, kể từ các cảnh tiên(chư thiên)trên cao cho đến địa ngục ở thấp nhất .Tam giới gồm có: Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới .
Ở Dục giới, chúng sinh còn muốn ăn và muốn dâm, bậc trên là Luc dục thiên .Ở Sắc giới, chư Tiên không còn ăn và không còn dâm, nhưng còn mang hình hài đẹp đẽ, ở cung điện nguy nga (Sắc giới có 20 tầng) .Ở Vô sắc giới, chư Đại tiên không còn hình hài, cung điên, mà chỉ còn giữ tâm thức thôi (Vô sắc giới có 4 tầng) .
Lục dục thiên nghĩa là sáu từng trời , sáu cảnh Tiên trong cõi Dục ,gồm có : -Tứ thiên vương thiên, 2- Đao Lỵ thiên, 3-Dạ-ma-thiên, 4-Đâu-suất thiên, 5-Hoá lạc thiên, 6-Tha hoá tự tại thiên .
Đao-L.ỵ thiên còn có tên là Tam thập tam thiên tức là 33 cảnh tiên, ở trên đỉnh núi Tu di .Vua Đế Thích (Indra) trông coi cả 33 cảnh tiên ấy .
Hoằng Hữu Nguyễn-Văn-Phú
(Tổ Đình Từ Quang-Montreal-Canada)

Share

Leave a Reply

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Paid Links