30/11: 1.Vì sao giáo dục Thái Lan và VN xếp cuối bảng..(Kami)-2.Đức Đạt Lai Lạt Ma..-3.Thày chùa(Thị Giới)-4.Dấu tích mới..
Category: Tôi Tìm Hiểu Đạo Phật
Posted by: Tbl Đọc: 6796 lần
Vì sao giáo dục Thái Lan và Việt nam xếp cuối bảng trong khu vực?
Thu, 11/21/2013 – 01:58 — Kami
Hình minh họa từ Wikipedia: Tranh Chu Văn An – “Người thày của muôn đời”-(NN sưu tầm)-
Đầu tháng 9.2013, đúng vào dịp khai giảng năm học mới niên khóa 2013-2014 có một tin không vui đến với nền giáo dục Việt nam. Đó là theo Báo cáo về Tính Cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn…
… Kinh tế Thế giới (WEF) được công bố vào đầu tháng 9, trong phần báo cáo “Tính hiệu quả của hệ thống giáo dục” cho biết Việt Nam chỉ xếp thứ 7 và Thái lan xếp cuối trong số 8 nước ASEAN được xếp hạng. Theo đó Singapore xếp thứ 1, Malaysia thứ 2, Brunei Darussalam thứ 3, Philippin thứ 4, Indonexia thứ 5, trong khi Campuchia đứng thứ 6.
Tin này đã khiến cho không ít người hoài nghi tính trung thực của báo cáo nói trên, vì điều trớ trêu là xếp hạng của giáo dục Việt nam đứng trên Thái lan một quốc gia được người Việt khá kiêng nể nhưng lại xếp dưới cả Campuchia, một quốc gia mà hầu như tất cả người Việt nam có ý xem thường. Vậy thấy cũng cần phải nói rõ hơn về WEF và Báo cáo về Tính Cạnh tranh toàn cầu để mọi người được biết rõ hơn về nó.
The World Economic Forum – Diễn đàn Kinh tế Thế giới có tên viết tắt WEF là một tổ chức quốc tế độc lập và trung lập, hoạt động phi lợi nhuận, và không có bất kỳ liên kết thiên lệch nào đối với các yếu tố mang tính chính trị, quốc gia dân tộc, hay cá nhân đơn lẻ. WEF có trụ sở chính tại Davos – Thụy Sỹ, đây là một tổ chức quốc tế độc lập cam kết cải thiện tình trạng của thế giới bằng cách tham gia kinh doanh, chính trị, khoa học và các nhà lãnh đạo của xã hội để định hình chương trình nghị sự toàn cầu, khu vực và ngành công nghiệp. Hàng năm ngoài các cuộc họp quốc tế thường niên và nhiều cuộc họp khu vực khác mà khách tham dự là các chuyên gia kinh tế, tài chính, nhà đầu tư, kinh doanh có thứ hạng của thế giới tham gia. Diễn đàn Kinh tế thế giới có vai trò quan trọng như một trong những diễn đàn toàn cầu uy tín và hoạt động hiệu quả, thu hút sự quan tâm và tham dự của hầu hết những người đứng đầu các nước lớn, các tổ chức quốc tế cũng như các tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới để cùng nhau bàn thảo về những vấn đề then chốt toàn cầu (các xu thế vận động của kinh tế thế giới, mô thức tăng trưởng, các vấn đề quản trị nền kinh tế, quản trị doanh nghiệp, các vấn đề có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Và Báo cáo cạnh tranh toàn cầu là một bản thông báo hàng năm có mức độ tin tưởng cao được Diễn đàn kinh tế thế giới phát hành. Báo cáo này “nhằm đánh giá khả năng cung cấp mức độ thịnh vượng cao hay thấp đối với dân chúng ở mỗi quốc gia, trong đó có công bố “chỉ số cạnh tranh quốc gia” nhằm đo lường khuynh hướng của các thế chế, chính sách, những nhân tố tạo thành trạng thái hiện thời & những mức giới hạn về trạng thái thịnh vượng kinh tế”. Lần này theo Báo cáo năng lực cạnh tranh tòan cầu 2013 – 2014, theo đó, năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã tăng 5 bậc, xếp hạng 70/148 (toàn cầu) và thứ 7/10 trong số các quốc gia trong khu vực Asean. Các quốc gia trong khu vực Asean được xếp thứ hạng (toàn cầu) lần lượt, cụ thể Singapore thứ 2, Malayxia thứ 24, Brunei Darussalam thứ 26, Thái lan thứ 37, Indonexia thứ 38, Philipin thứ 59, Lào thứ 81, Campuchia thứ 88 và Myanmar thứ 139.
Như trên đã nói, trong phần báo cáo “Tính hiệu quả của hệ thống giáo dục” cho biết Việt Nam chỉ xếp thứ 7 trong số 8 nước ASEAN được tiến hành khảo sát xếp hạng, kết quả của báo cáo cho thấy thứ hạng của Việt nam đứng trên Thái lan và xếp dưới Campuchia. Một điểm đáng lưu ý là báo cáo của WEF khẳng định rằng tài chính không phải là yếu tố quan trọng nhất để bảo đảm nền giáo dục tốt và lương giáo viên cao không hẳn tạo ra khả năng giảng dạy thích hợp thì sự hoài nghi đó phần nào được lý giải. Điều này là hoàn toàn đúng đối với nền giáo dục của Thái lan trong giai đoạn hiện nay. Từ khoảng 10 năm trở lại đây, các chuyên gia cho rằng nguyên nhân khiến cho chất lượng giáo dục của Thái lan thấp kém hơn so với các nước trong khu vực là do thu nhập của đội ngũ thầy cô giáo thấp do mức lương bình quân của ngành giáo dục thấp hơn các ngành khác. Và chính quyền Thái lan trong vòng 10 năm đã điều chỉnh ngân sách ưu tiên cho giáo dục từ 100.000 triệu baht năm 2004 lên hơn 300.000 triệu baht chủ yếu là dành cho việc tăng lương của giáo viên. Trong vòng 10 năm nhà nước đã có 6 lần điều chỉnh tăng mức lương cho giáo viên trong ngành giáo dục với tổng số 26%,việc này đã làm cho hiện nay lương trung bình của giáo viên có thâm niên khoảng 15 năm cao hơn so với các ngành nghề khác. Nhưng đến lúc này người ta mới nhận thấy thu nhập của giáo viên không phải là vấn đề quyết định. Mà gần đây nhất, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Thái lan khi trả lời phỏng vấn của kênh TV3 cho biết trong đề thi của các kỳ thi vào đại học hoàn toàn đã không đề cập tới nội dung đã dạy cho học trò. Mà là các nội dung đặc biệt mà học sinh lớp 12 ở nông thôn – không có điều kiện học thêm hoàn toàn không biết.
Nền giáo dục có hiệu quả không hoàn toàn phụ thuộc vào ngân sách đầu tư cho giáo dục cuả các quốc gia nhiều hay ít. Mà có lẽ nó phụ thuộc vào phương châm và chiến lược phát triển giáo dục của từng quốc gia, đây là vấn đề quan trọng và mang tính quyết định. Vấn đề này một phần chịu ảnh hưởng của tư duy của các nhà lãnh đạo ngành giáo dục, đó là sự lựa chọn giữa một hệ thống giáo dục mang tính hình thức và một hệ thống giáo dục mang tính thực chất. Một hệ thống giáo dục mang tính hình thức và đối phó, đây có lẽ là điểm tương đồng giữa ngành giáo dục Việt nam và Thái lan. Ngân sách hàng năm dành cho giáo dục ở hai quốc gia này không hề nhỏ, chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng chi ngân sách nhà nước. Song cũng vì quá chú trọng về mặt hình thức, như cơ sở vật chất trường sở trang bị đồng phục của học sinh, hay thiết bị phục vụ công tác giáo dục quá mức cần thiết… Ví dụ ở Thái lan để thu hút phiếu bầu đảng cầm quyền đã đưa ra chính sách và nhà nước đã tiến hành trang bị cho học sinh lớp 1 mỗi học sinh một máy máy tính bảng (tablet), xin hỏi việc trang bị một thiết bị như vậy cho một đứa trẻ 6-7 tuổi có phù hợp, đạt hiệu quả và cần thiết hay không? Cũng như giáo dục ở Việt nam tính hình thức của giáo dục đã chịu ảnh hưởng của nền chính trị độc đảng, đảng lãnh đạo thì cái gì cũng tốt kể cả giáo dục. Như việc lấy chỉ tiêu học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học làm cơ sở đánh giá chất lượng của ngành giáo dục nói chung và chất lượng dạy và học của các trường nói riêng là điều hoàn toàn sai lầm. Vấn đề căn bản và quan trọng nhất là ở chỗ cần phải có một tầm nhìn chiến lược cũng như triết lý và chính sách giáo dục đúng đắn và phù hợp. Điều này thì ở Việt nam các nhà quản lý giáo dục đã ít nhiều nhìn thấy, nhưng chưa họ làm được vì nhiều năm nay họ còn quá lúng túng với công việc tiến hành cải cách giáo dục và không biết khởi đầu tầm nhìn chiến lược cũng như triết lý và chính sách giáo dục của Việt nam bắt đầu từ đâu và khi nào? Khác với Thái lan là các nhà quản lý giáo dục đã không tư duy được vấn đề này, mà bằng chứng gần đây nhất trong 2 năm đầu của nhiệm kỳ 4 năm của nội các của bà thủ tướng Yingluck Shinawatra, họ đã thay tới 4 đời Bộ trưởng Giáo dục. Thực trạng đó đã khiến tình trạng học sinh lớp 3 lớp 4 của Thái lan đọc không thông, viết không thạo chiếm tỷ lệ không nhỏ.
Một điều thấy rằng cũng phải cần nói, đó là tính thực dụng của người Thái lan vấn đề này cũng có hai mặt của nó, trong giáo dục cũng vậy. Người Thái lan khác người Việt ở điểm này. Người Thái sẵn sàng sao chép lại các mọi thứ thành tựu của con người đã đưa vào sử dụng trong cuộc sống mà họ cho là tốt để áp dụng ở quốc gia của họ, kể cả chính trị. Trong giáo dục cũng vậy, hệ thống giáo dục của Thái lan là sự pha trộn của giáo dục phương tây và phương đông nhưng tất cả đều dừng lại ở mức nửa vời không đến nơi đến chốn. Họ cũng theo đuổi phương châm “dạy ít, học nhiều” của phương tây, nhưng chỉ áp dụng một nửa là dạy ít. Còn việc làm thế nào để trò học nhiều thì hoàn toàn còn bị bỏ ngỏ và phó mặc cho học sinh. Cũng như, trong giáo dục ở bậc tiểu học và phổ thông trung học cũng vậy, do các hoạt động khác ngoài các môn học cũng được tính điểm và dùng để tính điểm trung bình, nên một số giáo viên đã giúp học sinh lấy điểm số thông qua các hoạt động này để bù cho phần điểm thi không đạt. Đây cũng là một biểu hiện của bệnh thành tích khá phổ biến, học sinh đủ điểm trung bình nhưng kiến thức thì hoàn toàn không có. Kết quả là trong 4 năm trở lại đây kết quả thi ONET của học sinh cuối cấp ở Thái lan với các môn học như Toán, Khoa học tự nhiên và Anh ngữ đều đạt dưới mức trung bình
Kinh nghiệm của sự thành công nền giáo dục ở Singapore là một bài học tốt cho các nước khác. Ở Sinhgapore tiêu chí “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” không chỉ là khẩu hiệu, ở đó mọi chính sách ưu tiên cho ngành giáo dục được thực hiện một cách nghiêm túc trong mọi chính sách cụ thể của Singapore. Đây có lẽ là vấn đề mấu chốt mà hai quốc gia Việt nam và Thái lan phải coi đây là bài học cho mình. Hàng năm, trong kế họach đầu tư của mình, nhà nước Singapore luôn quan tâm và ưu tiên đầu tư cho giáo dục. Bắt đầu từ năm 1997, khi “Thinking Schools, Learning Nation – TSLN” (Nhà trường tư duy, quốc gia học tập) được coi là Tầm nhìn chiến lược với vai trò định hướng đổi mới cho giáo dục Singapore. Trong đó “Nhà trường tư duy” là mô hình trường học – nơi tư duy sáng tạo, niềm say mê học tập suốt đời và tinh thần phụng sự tổ quốc của học sinh được kích thích ngay từ tuổi nhỏ. Còn theo mô hình “Quốc gia học tập”, học tập được coi là văn hóa quốc gia, trong đó mọi tầng lớp xã hội đều dồi dào tính sáng tạo và đổi mới. Những cái đó cộng với phương châm giáo dục “dạy ít, học nhiều” đã giúp cho người họ (học sinh, sinh viên) nâng cao năng lực tư học, bám sát thực tiễn. Đồng thời phương châm này cũng giúp cho giáo viên và cán bộ quản lý để mỗi người luôn soi lại mình để cải tiến phương pháp giảng dạy sao cho đơn giản và hiệu quả nhất, giúp HS-SV thực sự làm chủ lớp học. Một điều không thể nhắc đến, là một trong những yếu tố giữ vai trò quyết định trong sự thành công của giáo dục Singapore đó là chính sách giáo viên, ở Singapore giáo viên phải là những người giỏi nhất và yêu nghề. với đầu vào của các giáo viên được chọn lọc hết sức kỹ càng. Đặc biệt số lượng chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm tương đương với lượng giáo viên thiếu trong ngành giáo dục. Do vậy, khi được tuyển chọn, sinh viên gần như chắc chắn được sẽ được Bộ giáo dục tiếp nhận và bảo đảm có việc làm cho họ. Điều đó khiến cho giáo viên ở Singapore luôn có sự tâm huyết với nghề nghiệp cũng như học của mình.
Vấn đề giáo dục là một vấn đề lớn, mang tính quyết định trong việc hoạch định chiến lược phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia, nó cần phải được coi là trung tâm của vấn đề cải cách. Đầu tư cho giáo dục một cách đúng đắn sẽ thu được những hiệu quả vô cùng lớn và nó là một trong những việc cần được chú trọng giải quyết. Tuy nhiên trong giáo dục thì có rất nhiều vấn đề có liên quan cần phải bàn bạc để xem xét giải quyết , nhưng cũng cần lưu ý đối với giáo dục không thể tháo gỡ các tồn tại ở khúc giữa
Ngày Nhà giáo VN, 20 tháng 11 năm 2013
© Kami
————————
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA .
…………………………………………………………………….
Đức Đạt Lai Lạt Ma Thuyết Pháp Ở Núi Fuji
Nguồn:Vietbao.com11/23/2013
tbao.com11/23/2013
Đức Đạt Lai Lạt Ma thuyết pháp trước khoảng 1,000 người, trong đó có các đại diện Ki Tô Giáo, Phật Giáo, Hồi Giáo, Thần Đạo… trước ngọn Núi Fuji ở thành phố Shizuoka, miền Trung Nhật Bản hôm 22-11-2013. Ngài thăm Nhật Bản 12 ngày theo lời mời của Đại Học Phật Giaó ở Kyoto, từ ngày 15 tới ngày 25-11-2013, nói về nhiều đề tài — như hòa bình, tôn giáo, nghệ thuật, khoa học. Sáng ngày 20-11-2013, Ngài gặp một nhóm Phật tử Trung Quốc, thuyết pháp tổng quát. (Photo AFP/Getty Images)
…………………………………………………………..
THẦY CHÙA
Thị Giới
Nguồn:Phật Giáo Đại Chúng
Gần đây, tôi có nhận được một điện thư của người bạn liên quan đến hai tiếng “thầy chùa.” Trong bài viết này, tôi muốn chia sẻ bức điện thư và một góc nhìn (có thể chủ quan) về câu chuyện “thầy chùa” với bạn đọc gần xa.
Vì bức điện thư khá dài, tôi xin phép tác giả được cắt bớt một số đoạn mà tôi nghĩ sẽ không làm sai lạc ý nghĩa của bức điện thư. Tôi cũng xin giữ nguyên “văn phong điện thư” của bức thư, chỉ thay tên người bằng XYZ.
“Không cần phải nói là không ai trong chúng ta đã nhìn thấy Đức Phật. Chúng ta chỉ thấy tượng Phật thôi. Mà tượng Phật thì có lẽ cũng…tám vạn bốn ngàn hình dạng. Nhưng dường như tôi đã thấy… một ông bác của tôi. Đó là một ông thầy chùa, như cách nói của XYZ. Bác tôi có gia đình, nghĩa là có vợ con. Người con (trai) duy nhất của bác lớn hơn tôi năm hay bảy tuổi.
Bác đi tu từ bao giờ tôi không biết. Khi tôi có hiểu biết thì đã thấy bác là một ông thầy chùa. Khi tôi hiểu biết thêm một chút nữa thì cả gia đình bác đã có một ngôi chùa riêng. Trước đó bác tụng kinh gõ mõ trong ngôi nhà thờ của dòng họ mà bác là người vai trưởng được cai quản. Tôi phải nói là bác tôi vừa là một ông thầy chùa nhà quê, vừa… mù chữ. Có lẽ ông không biết một chữ a, b, c nào cả. Nhưng ông biết “chữ nho”. Bác tụng niệm ê a bằng “chữ nho”.
Tôi lớn lên, tôi đi học hành. Tôi đi đây đi đó. Tôi “biết” được nhiều thứ. Tôi biết nhiều chuyện năm châu bốn biển, nhưng bác tôi vẫn là một ông thầy chùa nhà quê, cùng với vợ và con tu hành một cách quê mùa và lặng lẽ, trong một ngôi chùa nhà quê.
Năm 1968, tôi giải ngũ (thương binh loại 2), về thăm nhà trước khi tiếp tục đi lang bạt. Tôi đến chùa thăm bác tôi.
Người ta gọi ông là Hòa thượng. Với tôi, ông cứ là bác Ba. Vì tôi đi lang bạt kỳ hồ lâu quá, không có cơ hội gần gũi với ông nhiều để quen với tình trạng tu hành của ông và chuyển đổi quan niệm về sự liên hệ, nên tôi vẫn giữ nguyên tình giòng họ gia đình.
Vả lại, trong con mắt tôi, một thanh niên “tân tiến” đã đi đây đi đó, đã nghe đã thấy nhiều chuyện trên đời; hơn nữa, hồi nhỏ, tôi có một thời kỳ làm đệ tử xuất gia của một vị thầy khác ở Sài Gòn, cho đến khi thầy viên tịch thì tôi…xuất tự. Tức là tôi đã đi tu ở thành phố đàng hoàng chớ không phải tu ở nhà quê. Tôi có học “chữ nho” đọc được hết kinh sách trong chùa. Và được học cả tiếng Tây nữa. Mà bác tôi vẫn chỉ là một ông thầy chùa nhà quê mù chữ. Càng là thầy chùa nhà quê, vì chắc chắn là bác tôi chưa bao giờ đi ra khỏi cái làng Long Hương thuộc quận Tuy Phong tỉnh Bình Thuận quê tôi, nơi mà sau khi làng tôi bị giặc Pháp tàn phá và tàn sát vào năm 1949, dân trong làng đã di cư sang đó sinh sống. Gia đình bác tôi cũng di cư sang đó lập một cái am nhỏ sau đó trở thành một ngôi chùa.
Lần đó, tôi đến chùa thăm bác. Tôi không gặp bác tôi. Nhưng tôi gặp…các ông Kiều Trần Như. Và tôi hiểu tại sao trước kia các ông ấy đã coi thường ông thái tử tu hành cà chớn, nay lại sụp đầu đảnh lễ Phật ngay khi Ngài vừa đi đến, và chịu thọ giáo làm những đệ tử đầu tiên của Ngài. Tôi cũng suýt quỳ sụp xuống như các anh em ông Kiều Trần Như đã làm trước Đức Phật: trước mặt tôi, không phải là một ông bác ruột quê mùa mù chữ, mà là…Đức Phật. Hình ảnh Đức Phật đã hiện thân trong ông bác tôi. Ngài mỉm cười nắm tay tôi, để tôi khỏi quỳ sụp xuống. Ngài hiền hòa và rạng rỡ. Dường như Ngài tỏa hào quang. Tôi không nghe một lời “pháp” nào cả. Tôi chỉ nhìn thấy Ngài tĩnh lặng như thế. Một sự tĩnh lặng bình yên, dịu dàng và mênh mông và vĩ đại. Tất cả sự cảm nhận của tôi vào lúc đó không cần lời, không thông qua một lời nói “pháp” nào cả.
Hơn bốn mươi năm rồi mà bây giờ hồi tưởng lại giây phút kỳ dịệu đó, tôi vẫn thấy mình xúc động rất sâu sắc… XYZ thân mến, chắc “cậu” vừa chớm nghĩ: Rồi ông ấy có tiếng tăm gì không? Và ông ấy đã làm được chuyện gì cho đạo Phật và cho cuộc sống? Nếu có một ông thầy chùa “đắc đạo” sao không nghe ai nói?
Tôi không nói bác tôi “đắc đạo”. Bác không thuyết giảng gì cả. Bác tôi chỉ nói chuyện thân mật với một đứa cháu. Cho đến lúc đó, không những tôi “hiểu biết” chuyện năm châu bốn bể, chuyện khoa học, đất trời, đời sống vân vân nhiều hơn bác, mà cả “chuyện đạo Phật” có lẽ tôi cũng “biết” nhiều hơn ông bác nhà quê của tôi. Vì trước đó khi ở chùa không những tôi đọc được kinh sách chữ Nho (như bác) mà còn được đọc nhiều kinh sách chữ Quốc ngữ của… ông Đoàn Trung Còn. Thế thì bác có gì để “giảng thêm” cho tôi!
Tôi run run khép nép ngồi bên cạnh bác, ngây ngất nhìn bác, ngây ngất nghe bác hỏi thăm về cuộc sống của mẹ con tôi. (Bố tôi mất hồi tôi còn nhỏ lắm – nên tôi mới… đi tu!).
Những lời thăm hỏi của bác không phải là “lời pháp” gì cao siêu để tôi vin vào đó mà nói rằng bác tôi “đắc đạo”. Dường như bác tôi không làm gì cả. Không có tiếng tăm gì cả. Rồi bác tôi qua đời hồi nào tôi không hay. (Vào lúc cả nước đang đói, tôi đang ở Quảng Nam, đưa gia đình lên núi làm rẫy). Mặt trời mọc lên lặng lẽ thế nào thì khi lặn xuống cũng lặng lẽ thế ấy.
Dường như trong một cuốn sách nào đó, Sư ông Nhất Hạnh có nói về khái niệm “đạo đức vô hành” của những nhà tu hành chứng đắc. Các ngài không nhất thiết phải “làm” gì cả. Càng không cần nổi tiếng ồn ào. Chỉ sự hiện diện vô hành của các ngài đã đủ quan trọng và lợi ích cho cuộc sống.
Có một lần, trong câu chuyện lặt vặt với nhau về sinh hoạt nhà chùa chung chung, nhà thơ Phạm Thiên Thư kể rằng ở một ngôi chùa (tôi không nhớ tên), có một người đàn ông lớn tuổi “làm công quả”. Ông giữ việc quét dọn trong chùa và chăm sóc khu vườn quanh chùa. Ông không phải là nhà sư, không có “liêu” riêng trong chùa. Ông làm một cái “cốc” nhỏ bằng các vật liệu nhẹ ở một góc vườn chùa. Buổi tối, ông cũng ê a tụng kinh ở đó. Tính tình ông rất hồ hởi và cởi mở, có thể nói là rất xuề xòa hệch hạc. Người ta mến nhưng không ai coi trọng. Đến chùa ai lại coi trọng một ông quét dọn hơn các vị tu hành công đức! Vì tính ông rất hệch hạc, chẳng mấy ai quan tâm đến những gì ông nói. Một hôm, ông bỗng đi chào từ biệt mọi người trong chùa. Ông vui vẻ hể hả như tính ông bình thường hàng ngày, nói cho mọi người biết ông sắp “đi”, nên ông đến chào từ biệt họ. Người ta cười.
Tối hôm đó người ta vẫn nghe ông ê a tụng kinh trong cái “cốc” ngoài góc vườn, nhưng trưa hôm sau, suốt buổi sáng không thấy ông ra quét dọn, người ta mới cho người đi tìm và sửng sốt phát hiện ông đã “đi” trong tư thế ngồi kiết già trong cái “cốc” sơ sài hếch hác của ông. Tôi không nhớ nhà thơ Phạm Thiên Thư nói sau các thủ tục “khám nghiệm tử thi”, người ta an táng hay hỏa thiêu ông. Nhưng người ta sửng sốt rằng ông “đắc đạo”(?)
XYZ thân mến, có lẽ có nhiều ông thầy chùa như thế. Sự chứng đắc có thể làm biến đổi diện mạo bề ngoài của một ông thầy chùa nhà quê mù chữ như ông bác tôi, khiến mọi cử chỉ an nhiên tự tại của ông trở nên như tỏa hào quang thư thái an lành trước mắt tôi, nhưng cũng có thể vẫn giữ cái vẻ xuề xòa hệch hạc như ông làm vườn “công quả”, hoặc vị sư Tế Điên huyền thoại trong tiểu thuyết Tàu. Các vị ấy có thể không “hiểu” Phật pháp bằng hoặc như cái hiểu của chúng ta. Tương truyền Lục tổ Huệ Năng của Tàu cũng mù chữ, (tức là “thua” cả ông bác nhà quê của tôi, vì bác tôi thông thạo “chữ nho”) nhưng chỉ nghe kinh Kim Cương mà ngộ. Phật pháp không phải để “hiểu”. Phật pháp là để chứng ngộ. Bát Nhã Tâm kinh chỉ có mấy trăm chữ, tuy cao siêu, nhưng có hàng vạn người từ Đông sang Tây, từ xưa đến nay đã lý giải, soi rọi bằng đủ thứ “ánh sáng”. Tức là có hàng vạn người “hiểu” trong đó Phật nói gì. Tôi cũng “hiểu”, nhưng từ cái “hiểu” này đến sự chứng ngộ bản chất của “Sắc và Không” là một chuyện xa xăm như từ trái đất chúng ta đến một hành tinh nào đó có sự sống trong vũ trụ. Tuy vậy, có lẽ ông bác nhà quê của tôi đã “đến” được hành tinh đó, trong khi tôi có thể “hiểu” nhiều hơn, hiểu “rộng” hơn ông ấy, thì tôi không là gì cả. Mà hàng triệu người “hiểu nhiều hiểu rộng” hơn tôi cũng chẳng là gì cả. Thậm chí tôi chưa được quỳ xuống đảnh lễ ông bác thầy chùa nhà quê của tôi… Trong một cuốn sách (có lẽ cũng của thầy Nhất Hạnh mà tôi không nhớ tựa), tác giả tỏ ra, đại ý, hết sức kính trọng một ông sư quê mùa cả đời chỉ tụng đọc một cuốn kinh và chứng đắc, mà “sợ” quý vị tu hành thông thái cỡi hỏa tiễn bay qua rừng tam tạng.
Không loại trừ việc các thầy cố ý gạt bớt, nếu không phải là gạt hết, kiến thức, để giảm thiểu cái tình trạng tâm ý gọi là “tâm viên ý mã”, dập tắt sự biện biệt “nhị nguyên” cho trí dễ im và tâm dễ lặng. Làm như vậy, có thể các thầy bị “chúng ta” coi thường, thậm chí là miệt thị, vì cho là dốt nát hay sai lầm thiếu sót chỗ này chỗ khác. “Thầy chùa” là một từ miệt thị như thế.
Nếu hai tiếng “thầy chùa” dùng để chỉ một vị tu sĩ “quê mùa”, ít sách vở, không văn chương… thì thầy tôi cũng chính hiệu là một ông “thầy chùa.” Ông thầy chùa đó, ngày ngày, với bất cứ bộ áo quần nào có thể có được và một đôi giày bố lính, sáng vác cuốc đi, chiều vác cuốc về… Và cho đến bây giờ đã tròn trăm tuổi, không còn vác cuốc đã mấy mươi năm, “sự nghiệp một đời” của thầy cũng chỉ đếm được chừng đó, không bớt cũng không thêm.
Khi xem bộ phim Xuân, Hạ, Thu, Đông…, vị sư già trong phim, hình ảnh của một “thầy chùa” đúng nghĩa, đã làm tôi liên tưởng đến thầy: “Thầy, tâm nhẫn như mặt đất, đơn giản và khiêm cung như chiếc am nhỏ trên mặt hồ giữa thung lũng sâu. Sáng tối thầy mở khép cánh cửa không, không có vách ngăn. Có phải thầy đang nghiêm túc chơi một trò đùa? Đất trời của thầy trọn vẹn khít khao. Thầy không trèo lên tận đỉnh ngọn núi thật cao để nhìn trời đất rộng lớn. Chỗ dừng của thầy là đói ăn khát uống. Đến thời tiết thì bình thản ra đi. Đó là Xuân Hạ Thu Đông của thầy, cũng là lòng từ bi của thầy.
Trò, như con sóng nô đùa trên biển lớn không biết mình là nước. Mùa xuân theo dục vọng tạo nghiệp trong mùa xuân, mùa hạ theo dục vọng tạo nghiệp trong mùa hạ, rồi trả nợ trong mùa thu, tìm kiếm trong mùa đông… Hành xác để chuộc tội lỗi chăng? Leo lên tận đỉnh núi thật cao để tìm kiếm phương trời cao rộng chăng? Bốn mùa xuân hạ thu đông vẫn tiếp diễn, chiếc am nhỏ vẫn bình bồng trên mặt nước. Tìm thầy ở đâu? Tìm phương trời cao rộng ở đâu? Xá lợi của thầy hãy thả cho trôi theo giòng nước.
Thầy, hình ảnh của nước một vị. Trò, hình ảnh của sóng lăn tăn. Người đệ tử lạy thầy để đi vào tù, tôi cũng đã lạy thầy để tiếp tục cuộc bon chen. Nhà tù và cuộc bon chen có khác nhau chăng? Có điều tôi tin là lạy thầy để ra đi cũng có nghĩa là hứa với thầy sẽ trở về. Sóng hứa với nước sẽ trở về với nước dù biết mình vẫn là nước” (Xuân Hạ Thu Đông).
Thầy Nguyễn Thế Đăng viết về vị thầy chùa nông dân đó như sau: “Những khi thầy đi một mình trên con đường từ rẫy về chùa, khuôn mặt thầy là nỗi hân hoan của trời đất, là vẻ xanh tươi của cây cỏ bốn mùa… Thầy nói: “Người thấy Tánh thì nhìn một chiếc lá rụng cũng thấy vui tràn bờ”. Có những lúc thầy ngồi một mình trong vườn, không quá khứ, không hiện tại, không tương lai, vô niệm, vô tướng, vô trụ… như Bát Nhã, đích thực là Bát Nhã vậy” (Ai tri âm đó).
Đối với chúng tôi, ông thầy chùa đó chính là nước một vị, còn như chúng tôi, những đệ tử của Thầy, học đủ thứ trên trời dưới đất, viết đủ chuyện bốn biển năm châu, quì trước thầy thì vẫn như những con sóng bập bềnh trôi nổi… Có lần cúi xuống lạy thầy, khi nhìn lên tôi bắt gặp một nụ cười của thầy. Tôi bỗng biết đó là nụ cười từ ngàn xưa cho đến ngàn sau: “Sau khi lạy thầy ba lạy để từ giã, nhìn lên tôi bắt gặp cặp mắt và nụ cười của thầy. Tôi biết rằng đó vẫn là cặp mắt và nụ cười tự thuở nào và cũng sẽ là cặp mắt và nụ cười trong tương lai” (Đêm qua sân trước).
Một vị “thầy chùa” khác mà tôi muốn được chia sẻ với bạn đọc là Hòa thượng Chí Tín, trụ trì đời thứ ba chùa Long Sơn, Nha Trang. Một đêm giao thừa ở xứ người, tôi đã viết về Hòa thượng như sau: “… Chùa Tỉnh Hội gần trường Bồ Đề có thầy trụ trì mà bao nhiêu năm hình ảnh vẫn không thay đổi. Đó là hình ảnh của một vị chân tăng tâm không hề có tăng có giảm, dù chùa Tỉnh Hội là nơi xảy ra nhiều sự đến đi tăng giảm…” (Việc đời qua trước mắt).
Vị thầy chùa đó trụ trì một ngôi chùa lớn mà tôi được biết cách đây trên 50 năm, quần lúc nào cũng xắn cao, trên tay như lúc nào cũng có cây rựa, quan sát chỗ này chỗ kia trong vườn chùa. Mỗi khi có một ít tiền là thầy lại đi giúp người nghèo, thăm bịnh nhân ở bịnh viện. Cách đây ba năm tôi về có ghé thăm thầy. Vẫn áo quần đơn sơ, tấm phản nằm đơn giản với chiếc chiếu không trải hết phản, cũng vồn vã gần gũi như thuở nào. Chỉ có một cái khác là thầy không còn cầm trên tay cây rựa như ngày xưa vì lớn tuổi. Nghe nói sau năm 1975, có lần có người lẻn vào chùa leo lên trần định lấy trộm bóng đèn điện, thầy hay được chạy đến bảo người ăn trộm hãy từ từ kẻo té, để thầy đi lấy cái thang cho.
Vâng, có nhiều ông “thầy chùa” như vậy đó. Và chính những ông thầy chùa này đã trực tiếp đóng góp một phần rất lớn trong việc làm cho đạo Phật thấm vào lòng người và lan ra xã hội. Và tôi nghĩ các vị thiền sư thuở xưa, nếu không vì một cơ duyên nào đó mà để lại dấu vết cho đời, thì cũng là những ông “thầy chùa,” những vị “bần tăng” đốn củi, hái rau, cày ruộng, cuốc đất. Người đời làm sao thấy được dấu vết của các ngài!
“Mắt xanh ít người biết
Mây trắng hỏi đường qua!”
THỊ GIỚI
………………………………………
Phát hiện dấu tích nơi Đức Phật ra đời
Nguồn:BBC – thứ ba, 26 tháng 11, 2013
Các nhà khảo cổ khai quật ở Lâm Tỳ Ni
Các nhà khảo cổ đã khai quật ở trung tâm ngôi đền thờ Hoàng hậu Maya
Các nhà khảo cổ đang khảo sát tại nơi Đức Phật đản sinh đã phát hiện những di vật cổ xưa nhất của Phật giáo từ trước đến nay.
Họ đã tìm thấy một công trình bằng gỗ có niên đại vào thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên nằm dưới nền ngôi đền thờ Hoàng hậu Maya Devi ở Lâm Tỳ Ni thuộc Nepal.
Công trinh gỗ này dường như để che cho một cái cây. Chi tiết này gợi nhớ đến câu chuyện đản sinh của Đức Phật – thân mẫu Ngài, Hoàng hậu Maya, đã hạ sinh Ngài khi với tay lên một nhánh cây Vô ưu.
‘Chấm dứt tranh cãi’
Phát hiện này có thể giúp chấm dứt các tranh cãi về nơi đản sinh của Đức Phật, các nhà khảo cổ cho biết trong tạp chí Antiquity.
Hàng năm hàng ngàn Phật tử hành hương về Lâm Tỳ Ni vốn lâu nay vẫn được xem là nơi Thái tử Siddhartha Gautama, người sau này trở thành Phật Thích Ca, chào đời.
Mặc dù có rất nhiều kinh văn để lại kể về cuộc đời cũng như ghi lại những bài thuyết pháp của Ngài, mọi người vẫn không biết chắc nơi Ngài đã từng sống.
Năm sinh của Ngài được cho là đến tận năm 623 trước Công nguyên, nhưng nhiều học giả tin rằng năm chào đời của Ngài hợp lý nhất là trong khoảng 390 cho đến 340 trước Công nguyên.
Cho đến nay, bằng chứng sớm nhất về các công trình Phật giáo ở Lâm Tỳ Ni có niên đại không sớm hơn thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, tức thời kỳ trị vì của Hoàng đế Ashoka mà các Phật tử Việt Nam gọi là Vua A Dục.
Để tìm hiểu về điều này, các nhà khảo cổ đã bắt đầu khai quật ở trung tâm Đền Maya Devi trong khi chư tăng ni và các Phật tử đang hành thiền xung quanh.
Họ tìm thấy một công trình bằng gỗ rỗng ở chính giữa và không có mái. Các ngôi đền bằng gạch được xây dựng sau này cũng đều được xây bao quanh không gian trung tâm này.
Dấu vết rễ cây
“Giờ đây, lần đầu tiên chúng ta đã có được một chuỗi kiến trúc ở Lâm Tỳ Ni cho thấy có một công trình ở đây vào thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên,” nhà khảo cổ Robin Coningham ở Đại học Durham, người đồng chỉ đạo nhóm khảo cổ quốc tế do Hội Địa lý Quốc gia hỗ trợ, cho biết.
Các nhà khảo cổ khai quật Lumbini
Lâm Tỳ Ni được xem là một trong những thánh tích thiêng liêng nhất của Phật giáo
“Đây là thánh tích Phật giáo cổ xưa nhất trên thế giới,” ông nói.
“Nó soi rọi cuộc tranh luận kéo dài rất lâu vốn đưa đến những khác biệt trong các pháp môn Phật giáo,” ông nói thêm.
“Câu chuyện rằng Lâm Tỳ Ni đã trở thành thánh tích dưới thời của Hoàng đế Ashoka cần được chỉnh lại bởi vì chúng ta đã biết rõ rằng trước đó nơi này đã được trùng tu trong suốt hàng trăm năm.”
Cuộc khảo cổ cũng phát hiện dấu vết của rễ cây từ xa xưa nằm ở vị trí khoảng trống trung tâm trong ngôi nhà gỗ – điều này cho thấy đây là công trình tôn thờ chiếc cây này.
Các điển tích Phật giáo ghi lại rằng Hoàng hậu Maya Devi đã hạ sinh Đức Phật khi với tay lên một nhánh cây Vô ưu trong Vườn Lâm Tỳ Ni.
Phát hiện này sẽ góp phần thúc đẩy công tác bảo tồn ở Lâm Tỳ Ni vốn lâu nay không được lưu tâm mặc dù đã được Unesco công nhận là Di sản Thế giới.
“Những phát hiện này rất quan trọng để giúp hiểu thêm về nơi đản sinh của Đức Phật,” Bộ trưởng Văn hóa, Du lịch và Hàng không dân dụng Nepal Ram Kumar Shrestha nói.
“Chính phủ Nepal sẽ tập trung mọi nỗ lực để bảo tồn thánh tích quan trọng này
………………………………………….
Paid Links