31/07: 43. Giới, Định, Huệ – 44. Phước Và Huệ
Category: Phật Học – Phật học ôn tập-
Posted by: Tbl Đọc: 5526 lần
Bước Vào Cửa Phật – Book 1
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
43. Giới, Định, Huệ – 44. Phước và Huệ
Bài 43. Giới, Định, Huệ
Bài pháp đầu tiên của đức Phật được ghi trong kinh Chuyển pháp luân, nội dung là Tứ diệu đế, tức là bốn Chân lý vi diệu, gồm có:
1/ Khổ đế (đời là bể khổ),
2/ Tập đế (nguồn gốc của đau khổ là ái dục),
3/ Diệt đế (diệt khổ, chứng ngộ Niết-bàn),
4/ Đạo đế (thực hành bát chánh đạo để thoát khổ).
Bát chánh đạo là con đường gồm có tám nhánh là:
Chánh kiến 2. Chánh tư duy 3. Chánh ngữ 4. Chánh nghiệp
Chánh mạng 6. Chánh tinh tấn 7. Chánh niệm 8. Chánh định.
Tại sao không gọi là một “bài thuốc với tám vị” mà lại gọi là “con đường tám nhánh”? Nói “liều thuốc” thì có thể là đã có người dùng rồi, mà cũng có thể là chưa ai thử. Nói “con đường” thì hàm ý có người đi rồi. Phải có người đi trước, chặt cây, lấp hố, thành đường nhỏ, rồi đường lớn.
Bát chánh đạo gọi là trung đạo vì nó tránh xa hai cực đoan là lối sống xa…
… hoa lợi dưỡng và lối sống ép xác khổ cực. Trung đạo là chương trình huấn luyện để thanh lọc ba nghiệp thân khẩu ý, dẫn đến chấm dứt ái dục tức là cắt đứt nguyên nhân của khổ đau, giải thoát khỏi mọi khổ đau, chấm dứt dòng sinh tử luân hồi, tiến lên bậc thánh.
Tám đường thu gọn lại thành ba gọi là tam học gồm giới định và huệ:
Giới: chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng,
Định: chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định,
Huệ: chánh kiến và chánh tư duy.
Giới là những điều cấm kỵ, những kỷ luật phải theo để tiến lên phẩm hạnh cao quý. Xét cho cùng, giới đặt trên căn bản từ bi vì giữ giới là làm lợi ích cho mình và cho chúng sinh.
Chánh ngữ là không nói dối, không vu khống, không nói thô lỗ cục cằn, không nói để gây bất hòa giữa những người khác, là nói thật, nói ôn hòa, nhã nhặn, và đặc biệt là biết nhịn, bớt nói hay không nói vì “im lặng là vàng”.
Do biết suy nghĩ, cân nhắc mà con người biết hành động, nhưng hành động lợi mình có khi hại cho chúng sinh. Cho nên phải chánh nghiệp, tạo nghiệp lành bằng cách nghiêm trì ngũ giới.
Trong xã hội, ai ai cũng phải phấn đấu để sinh tồn, nhưng cách mưu sinh không được hại đến người khác. Vì thế, phải chánh mạng nghĩa là chọn nghề lành, không buôn bán độc dược, ma túy, khí giới,không gá bạc, mở sòng, không mổ thịt súc vật đem bán …, không buôn người, mua nô lệ … và không gây chiến tranh giết chóc.
Thực hành Định như thế nào? Bằng chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Chánh tinh tấn là đem ý chí thi hành bốn câu: – điều ác đã sinh thì gắng chấm dứt. – điều ác chưa sinh thì gắng đừng cho sinh. – điều thiện chưa làm thì gắng làm. – điều thiện làm rồi thì gắng phát triển thêm. Đó gọi là tứ chánh cần.
Niệm là nhớ nghĩ. Chánh niệm là biết đầy đủ và trọn vẹn các hoạt động của thân và của tâm, chúng phát sinh ra sao, thay đổi ra sao, biến đi thế nào. Quan sát rành rẽ, chỉ huy được, ta trở thành điềm đạm hơn, không phát ngôn và hành động vội vàng.
Chánh định là giữ cho tâm không chạy lăng xăng, tránh “tâm viên ý mã”. Thiền định, chỉ quán cần phải có thiện tri thức chỉ dạy cho, không thể coi thường được.
Huệ gồm có chánh kiến và chánh tư duy. Chánh tư duy là tư tưởng chân chánh. Tư tưởng là gốc của hành động và lời nói. Phải tư tưởng về những đề mục cao siêu, như từ bi hỷ xả, tư tưởng về dứt bỏ ái dục, tư tưởng về giải thoát.
Chánh kiến trước hết là tìm hiểu tứ diệu đế, đem ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày để rút ra các bài học thực tế cho bản thân, sách đã nói phải tránh tình trạng “nhìn người khác ăn” vì làm như thế thì mình không no được; chính mình biết mới là”của mình”. Chánh kiến là nhìn sự vật theo lời Phật dạy. Lúc tâm an trụ đến một trình độ cao thì sẽ không còn vô minh, và sẽ xem xét sự vật theo đúng thực tướng của chúng,
Nói giới, định, huệ theo thứ tự đó, có người nghĩ rằng phải có đủ giới đức rồi thì tâm mới định, khi tâm định rồi thì sau đó mới phát trí huệ. Các vị cổ đức dạy rằng ba điều giới định huệ nương tựa lẫn nhau, sư phát triển của một thứ sẽ ảnh hưởng đến hai thứ kia. Cho nên phải thi hành tam học song song, đồng thời.
(Không nên lầm tam học gồm giới, định và huệ với tam huệ gồm văn huệ, tư huệ và tu huệ, nói ngắn là văn, tư, tu).
Trình bày bát chánh đạo không phải là việc khó khăn nặng nhọc, vì sách đã viết nhiều về vấn đề đó rồi. Hiểu bát chánh đạo thì khó hơn, tuy vậy cố gắng kiên trì có thể “vỡ” ra được một phần nào. Khó nhất là thực hành, nếu không sẽ rơi vào tình trạng “nói mà không chịu làm”. Con đường đã được vạch sẵn, công việc đầu tiên là phải đặt chân lên đường rồi cất bước mà đi, tự mình đi, không ai đi hộ được; đức Phật chỉ đường cho ta rồi, con đường ấy chính ngài đã đi rồi, ngài không đi giúp chúng ta được. Nhanh hay chậm là tùy ở ta, đến nơi hay không cũng tùy ở ta.
Kính chúc quý đạo hữu luôn luôn tinh tấn tu và hành. □
Bài 44. PHƯỚC VÀ HUỆ
1. Sau khi qua cổng tam quan Tổ đình Từ Quang rồi tới đảnh lễ trước tượng đức Quán Thế Âm, nếu nhìn lên phía mái Tổ đình thì chúng ta đọc được mấy chữ nho: ba chữ giữa là Từ Quang Tự, hai chữ hai bên là PHƯỚC và HUỆ hay PHÚC và TUỆ.
Phước và Huệ là gì? Quan trọng ra sao mà để ở tận trên cao như vậy?
Xin thưa: rất quan trọng. Bởi vì “phước huệ lưỡng toàn phương tác Phật” nghĩa là “Khi cả hai điều phước và huệ cùng toàn vẹn thì mới đủ thành Phật”. Vậy phước và huệ là hai điều kiện vô cùng trọng yếu của nhà tu hành nhằm giác ngộ, giải thoát, thành Phật.
Khi dự dễ cúng vong, chúng ta nghe thấy:
Quy y Phật lưỡng túc tôn,
Quy y Pháp ly dục tôn,
Quy y Tăng chúng trung tôn.
“Lưỡng túc tôn” là bậc đầy đủ hai điều phước và huệ, là bậc tôn quý. [Có nơi giảng: bậc tôn quý trong loài hai chân]
2. Phước là gì? Hàng ngày người ta vẫn nói: làm ơn làm phước; nhà có phước. Đầu năm, người ta chúc: tân xuân vạn phúc; phúc như đông hải v.v…
Phước hay đi đôi với đức. Ta thường nghe: phúc đức tại mẫu; phúc đức tư lương (phúc đức là món ăn để dành, nay giúp người, mai trời sẽ giúp lại).
Trong đạo Phật, phúc đức có hai nghĩa:
a/ tất cả các việc lành,
b/ do làm lành nên được hưởng an lạc, hạnh phúc
Nói là hai nghĩa nhưng thật ra là một. Theo luật nhân quả, khi làm lành, tức là gieo nhân tốt, thì chắc chắn là sẽ gặt hái được những quả tốt; quả đây là an lạc, là hạnh phúc.
Người đời hay nói: “ăn hiền ở lành để phúc cho con”, nghĩa là: nếu cha mẹ ăn ở hiền lành thì sau này con cái sẽ được hưởng phúc.
Phật giáo hiểu câu đó theo lý nhân-duyên-quả-báo như sau này: cha mẹ ăn ở hiền lành, thế là gieo nhân tốt, do đó bản thân cha mẹ sẽ hưởng quả lành đời này và các đời sau. Vì ăn ở hiền lành nên cha mẹ tạo ra khung cảnh gia đình hiền lành, tức là tạo duyên tốt, tạo các trợ duyên để cho con cái cũng ăn ở hiền lành theo gương cha mẹ. Nhờ duyên tốt, con cái gây nhân tốt, bản thân họ sẽ hưởng quả tốt do chính mình tạo ra. Nếu bản thân con cái không gây nhân tốt thì sẽ không được hưởng gì cả. Có khi cha mẹ hiền lành mà con chẳng được gì.
“Tại sao vậy? Ấy là vì người con phải “gánh chịu cái nghiệp xấu của mình tích lũy từ những kiếp trước, hoặc là chính người con đó đã gây nghiệp xấu ngay trong đời hiện tại.
3. Muốn tạo phước thì làm thế nào?
Bồ-tát đạo có lục độ là: bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định và trí huệ ba-la- mật.
Nhờ năm độ thứ nhất, người ta được phước. Tuy vậy, đối với người phàm thì tu khó quá. Cho nên sách vở có kể ra tam phước. Đó là:
1/ Thế phước tức là phước nhờ biết hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, tu hành thập thiện.
2/ Giới phước tức là phước nhờ biết giữ gìn cẩn thận tam qui, ngũ giới.
3/ Hành phước tức là phước do phát bồ-đề tâm tin sâu lý nhân quả, chịu khó đọc tụng kinh sách và khuyến tấn người khác tu hành.
Nói vậy, vẫn còn khó. Trên thực tế, Phật tử tại gia chăm chú làm công việc bố thí, mà thường thường là bố thí tiền bạc, áo quần, cơm nước … Thật ra, bố thí gồm có: tài thí, pháp thí và vô úy thí.
Thực hành bố thí được là do cái gốc từ bi (từ là cho vui, bi là cứu khổ).
4. Thông thường, hai chữ phước đức và công đức đồng nghĩa với nhau. Tuy nhiên, Lục tổ Huệ Năng – trong Kinh Pháp Bảo Đàn – đã dạy cho chúng ta biết sự khác nhau giữa phước đức và công đức.
Vua Lương Vũ Đế cất chùa, độ tăng rất tích cực. Bản thân nhà vua cũng giảng được kinh. Khi nói đến Kinh Lương Hoàng Sám thì chúng ta hiểu đó là kinh sám hối do vua Lương thỉnh chư tăng soạn. Thế mà ngài Bồ-Đề-Đạt-Ma bảo rằng Lương Vũ Đế không có công đức gì hết!
Lục tổ Huệ Năng giảng rằng: công đức thuộc về nội tâm, không phải từ bên ngoài. Công đức là do ngộ đạo đạt được tự tánh, rồi từ tánh khởi dụng, những dụng ấy gọi là công đức. Còn phước đức là do việc bên ngoài mà được, như cúng dường, bố thí v.v…
Nói cho dễ, phước đức là nhằm vào sự tướng còn công đức phát xuất từ tự tánh.
5. Bây giờ sang đến chữ huệ, còn gọi là tuệ, trí tuệ, trí huệ, bát-nhã …
Trí huệ hoàn toàn trái nghĩa với ngu si, vô minh, phiền não.
Nguời đời thường hiểu trí tuệ là sự thông minh, học giỏi. Đó là phàm trí, nhờ đó lúc đi học thì hiểu nhanh, nhớ kỹ, đậu cao v.v…
Trí tuệ nói trong đạo Phật không phải là thứ phàm trí vừa nói trên đây.
Trí là chiếu thấy, huệ là hiểu rõ.
Trí huệ là sự sáng suốt, minh mẫn của chư Phật, chư Bồ-tát, chư Thánh và của các nhà tu hành chân chính, trong sạch khi đã lên đến một bậc cao nào đó về tâm linh. Nhờ trí huệ này mà hiểu được thực tướng của vạn pháp, của vũ trụ.
Trí huệ (bát-nhã) do tu luyện mà có, không phải do học hành sách vở mà được. Trí huệ này là một sự bừng sáng do trực giác tức là nhận thấy trực tiếp không do suy lường, lý luận. Lúc thấy rõ không tướng tức thực tướng của vạn pháp, ấy là đắc trí huệ vậy.
Trong lục độ ba-la-mật thì độ cuối cùng là trí huệ ba-la-mật.
Nhờ năm độ trước mà có phước đức.
Nhờ độ thứ sáu mà có trí huệ.
Đó gọi là nhị trang nghiêm hay nhị nghiêm tức là hai yếu tố để trang hoàng nghiêm chỉnh cái thân của Phật và Bồ-tát.
6. Trên đây là nói về lý thuyết, đối với chúng ta ở đây thì điều quan trọng là thực hành, vì biết mà chẳng làm thì không có kết quả gì cả.
Nói đơn giản thì trước hết chúng ta phải dùng cái phàm trí, cái trí thông thường để tìm hiểu Phật pháp, tìm hiểu những lý mà đức Phật đã dạy, những đường tu mà đức Phật đã chỉ.
Trong các điều khổ, không, vô thường, vô ngã, chúng tôi xin nhấn mạnh đến lý vô ngã. Vô ngã là không có ta. Đào sâu vấn đề này rất là phức tạp, khó khăn. Nói phớt qua thì chữ “ta” chỉ là tên gọi, chẳng có thực chất. “Ta” chẳng qua là hợp tướng thân-tâm (hay danh-sắc), thân và tâm đều là vô thường. Cái ta là giả, là huyền. Nghĩ kỹ, so sánh kỹ thì suy ra rằng: giỏi mấy thì cũng có người giỏi hơn, giàu mấy thì cũng có người giàu hơn, đẹp mấy thì cũng có người đẹp hơn … Mình không phải là giỏi nhất, là giàu nhất, là đẹp nhất … mình chỉ là một hát cát ở sông Hằng. Nhờ biết vậy mà cái “ta” không còn to tát lắm nữa, bớt kiêu mạn, bớt khinh người.
Tiến thêm một bước, hãy suy nghĩ về sự chết, giàu nghèo, sang hèn, yếu khoẻ.. chẳng ai tránh được cái chết. Cái chết có khả năng san bằng tất cả. Mọi người, không trừ một ai, đều là tội nhân đã bị kết án tử hình, không biết ngày nào bản án đem thi hành. Là tội nhân như nhau, sắp sửa cùng lên đoạn đầu đài cả, thì tranh cãi với nhau làm chi, ghen tức với nhau làm chi, thù hận đâm chém nhau làm chi! Như vậy là từ chỗ bớt kiêu căng ngã mạn tiến đến chỗ thấy người cùng cảnh ngộ mà thương yêu, thông cảm, tha thứ, giúp đỡ. Vì thế mà có lòng từ, lòng bi. Từ từ bi bước sang hỉ xả. Thế là từ bi hỉ xả, tứ vô lượng tâm! Bốn tâm vô lượng này, từ Phật tử, người xuất gia, đến Bồ-tát và Phật đều hành trì cả.
7. Tóm lại, chúng ta hãy dùng phàm trí để học hỏi Phật pháp và tu hành. Vừa tu phước, vừa tu huệ. Tu đến khi nào giác ngộ, đạt được trí huệ bát-nhã. Tu đến khi nào phước đức tròn đầy mà vẫn làm phước.
Giải thoát, chứng ngộ Niết-bàn, thành bồ-tát, thành Phật, lúc đó thì: 1/ hết tham sân si, 2/ hết cái ta, 3/ thoát sinh tử luân hồi. Như vậy là nhập Pháp thân!
Ánh đạo phương Đông hiện thể chân,
Hương phong tỏa mát đượm xa gần.
Chung vui sứ mệnh Từ-bi-phụ,
Lợi lạc quần sanh, nhập pháp thân.
(HT.Thích Tâm Châu, 7-67)
[Trên đây là bản dịch bài thơ chữ Hán Sứ Mệnh của HT.Thích Tâm Châu
Phật quang Đông chiếu thể toàn chương,
Đại đạo hương phong biến cát tường.
Đồng trụ từ hương đồng sứ mệnh,
Lợi sinh đồng nhập Pháp trung vương.} □
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
Bước Vào Cửa Phật- Book 1-Montreal 2010
(Hình: Thiên Nhiên – NN sưu tầm)
Paid Links