31/08: 1.TN Trí Hải:-Không rượu mà say-Nỗi lòng Tu Đi-2.Nhạc PG “chế” cũng là đạo nhạc-3.Văn hóa gì ở ..chùa Hương?-
Category: Tôi Tìm Hiểu Đạo Phật
Posted by: Tbl Đọc: 6022 lần
Fw: Fwd: KHÔNG RƯỢU MÀ SAY
An Truong to:…,me
KHÔNG RƯỢU MÀ SAY
Thích nữ Trí Hải
(Thuật theo chuyện kể của Hòa thượng Trí Nghiêm)
Vào một buồi chiều tịnh mịch ở Kỳ viên tinh xá, sau khi giảng pháp cho chư tăng và cư sĩ khắp nơi tụ về, Ðức Thế tôn vào hương thất an nghỉ. Vừa đặt lưng xuống, Ngài bỗng nghe tiếng đập cửa thình thình và tiếng khè khè của một gã say…
… rượu thừa lúc cổng mở, đã lẻn vào tinh xá. Hắn vừa đập cửa vừa gọi:
– Ông Phật ơi, ông Phật! Cho tui làm Phật với! Tui cũng muốn … làm Phật! Khà khà! Bộ chỉ mình ông làm Phật được mà thôi à? Há ?
Ðức Thế tôn ngồi dậy đi ra. Thấy gã say dơ dáy, y phục tả tơi, Ngài động lòng trắc ẩn gọi thị giả A Nan:
– Này, A Nan , ông tắm rửa, cạo tóc và cho ông ta một cái y sạch. Rồi tìm chỗ cho nằm nghỉ.
A Nan vâng lệnh. Sau khi tắm rửa sạch sẽ, cạo tóc đắp y, gã say được đưa đến một gốc cây im mát trong tịnh xá. Gã đánh một giấc ngon lành cho đến sáng hôm sau. Khi tỉnh dậy, hắn bỡ ngỡ nhìn quanh thấy toàn thầy tu mặc áo vàng đi bách bộ, nhìn lại mình cũng đang đắp y, sờ đầu thấy trụi lũi, hắn kinh hoàng không biết mình là ai, vội vàng bỏ chạy một mạch ra phía cổng. Các tỳ kheo đuổi theo bắt lại. Nhưng một số khác biết chuyện, ngăn:
– Này, chư hiền, để cho hắn chạy. Hắn chỉ là một gã say, hôm qua Thế tôn bảo tôn giả A Nan tắm rửa cạo tóc đắp y vào cho hắn đấy.
– Thật thế sao? Tại sao đức Thế tôn làm chuyện lạ nhỉ? Biết hắn say mà vẫn độ cho hắn xuất gia?
– Hãy để hắn đi cho khuất, rồi chúng ta sẽ đến thỉnh giáo đức Thế tôn về việc này.
Thế là họ kéo nhau đến hương thất đức Phật, bạch hỏi:
– Bạch đức Thế tôn, chúng con không hiểu vì nguyên nhân gì Ngài lại độ cho một gã say như thế? Xin Ðấng Thiện Thế giải rõ cho chúng con.
– Này các tỳ kheo, các ông dường như trách ta vì đã độ cho một gã say. Nhưng ta hỏi các ông, trong lúc hắn say, tại sao không cầu chuyện gì khác, mà lại cầu làm Phật? Như thế là hắn đã gieo một cái nhân tốt đẹp, ta phải giúp duyên cho hắn, vì ta không hẹp gì mà không giúp cho hắn thành Phật. Vả lại, có bao nhiêu người “tỉnh” biết cầu làm Phật như hắn? Vậy thì ai tỉnh, ai say? Huống chi, hắn có nhậu rượu vào mà say, thì bất quá chỉ say vài tiếng đồng hồ rồi tỉnh lại. Cho nên, bệnh say của hắn, ta không cho là trầm trọng. Trái lại, biết bao kẻ trên thế gian này, dù không uống rượu mà vẫn say, không phải say vài tiếng đồng hồ như hắn, mà say muôn kiếp ngàn đời chưa tỉnh. Cái bệnh say đó, say trong vô minh ái dục, Ta mới gọi là một chứng bệnh trầm kha!
………………………………………………………..
Nỗi lòng Tu Đi
Nguồn:TN Quảng Đức-15/08/2013
NỖI LÒNG TU ĐI
Thích Nữ Trí Hải
Sư thượng đường kể: Ngày xưa, có một con chó bị bệnh ghẻ lác, nên bị chủ quăng bỏ ra ngoài bờ sông. Cạnh bờ sông có một vị sư già sống trong một am cốc nghèo nàn, ngày ngày đi khất thực để sống. Trông thấy con chó đói bệnh, vị sư động lòng từ mẫn, đem về săn sóc, chia sớt cho nó phần ăn hàng ngày sư xin được, tắm rửa, xức thuốc cho nó. Chẳng bao lâu nhờ sự tấn tâm của sư mà con chó khỏi bệnh, lông lá mọc lại trên thân, trở thành một anh chó bảnh bao, dễ nhìn. Nhà sư đặt tên nó là “Tu Ði”, có ý muốn thọ ký nó phát tâm tu hành để chuyển nghiệp chó.
Nhưng từ khi khỏi bệnh, Tu Ði đâm ra ưa lêu lổng. Nó tìm gặm những cục xương của người ta vứt bên bờ sông, và bỗng thấy hết ưa mùi vị tương chao của nhà sư tốt bụng, người đã cứu tử nó. Ngày ngày nó đi tìm ăn những cơm thừa cá vụn nên đâm ra quen mùi trần tục. Một hôm nó đang ngồi bên bờ sông nghễnh mõm nhìn móng sang bên kia bờ, bỗng một làn gió từ bên ấy tắt qua, thơm phức mùi thịt xào hành mỡ. Nó tung mình nhảy xuống sông lội về hướng ấy. Khi nó lội đến giữa dòng thì nhà sư cũng vừa về tới am, không thấy Tu Ði ngài ra sông tìm. Thấy con chó thân yêu đang chới với giữa dòng theo tiếng gọi của dục vọng, nhà sư tha thiết gọi nó quay về: -Tu Ði! Con nỡ nào bỏ thầy già yếu cho đành? Con hãy mau quay về với thầy. Tu Ði, Nào có mùi vị gì nơi một mảnh xương khô của trần tục, con chỉ tự ăn nước bọt chính con tiệt ra đấy mà thôi. Hãy quay về, hỡi Tu Ði!
Con chó nghe lời thầy gọi vội vã quay trở lại, nhưng nó vừa quay lưng với bờ kia thì bỗng một làn gió từ bên ấy hắt lại, tạt mùi thịt ngon lành vào mũi nó. Không cưỡng được, nó lại bơi trở lui về hướng thịt xào. Bên bờ này vị sư lại thiết tha khuyên nhủ. Con chó cầm lòng không đậu cũng quay lại, nhưng vừa muốn quay lại với thầy, thì gió lại đưa mùi thịt xào đến mũi nó, cứ thế Tu Ði quay qua lộn lại giữa giòng sông không thể quyết định được. Và cuối cùng nó bị chết chìm ngay giữa giòng.
Kể xong câu chuyện, sư lui về tịnh thất nghỉ. Các đệ tử ngồi lại kháo nhau:
– Huynh cho câu chuyện ấy có nghĩa gì?
Một người nói:
– Ðó là cái chết thảm khốc của một kẻ bội bạc, phận chủ.
Người thứ hai:
– Tai họa xẩy đến cho những kẻ nào không quyết đoán.
Người thứ ba:
– Các huynh nói đều đúng cả, nhưng theo tôi thì, thầy mình có ngụ ý. Con chó tượng trưng cho người khởi sự tu tập, tại gia hay xuất gia. Vị thầy là Phật tánh, lương tri sẵn có nơi mỗi người. Mùi thịt xào với làn gió là sự cám dỗ mời gọi của sắc thanh hương vị xúc pháp, tức sáu trần. Giòng sông tượng trưng cho sanh tử. Người nào đã thấm nhuần chút đạo lý, thì đạo lý ấy trong họ trở thành một thứ đại bổ hoặc kịch độc. Ðại bổ là khi sống thuận theo ánh sáng mình đã thấy, kịch độc là khi mình không cưỡng nỗi tiếng gọi của sắc trần mà quay lưng với đạo, chạy theo thanh sắc. Thỉnh thoảng tiếng gọi của lương tri nổi dậy, nên người ấy không thể nào dứt khoát chạy theo thanh sắc như người thế tục chưa từng biết đạo, mà cũng không thể quay về, cho nên phải chết chìm giữa giòng sông sanh tử.
Ni Sư Thích Nữ Trí Hải
………………………………………………
Nhạc PG chế cũng là cách đạo nhạc
Nguồn:TN Quảng Đức-27/08/2013
Dương Như Tâm
NHẠC PHẬT GIÁO “CHẾ”
CŨNG LÀ MỘT CÁCH ĐẠO NHẠC
Vừa qua, đạo hữu Minh Thạnh có bài viết “Ca Khúc Phật Giáo ‘Chế’Vi Phạm Pháp Luật” nêu lên một thực trạng không mấy đẹp của lãnh vực âm nhạc Phật giáo. Tuy nhiên, bài viết mới chỉ đưa ra nhận định trên khía cạnh pháp luật, còn tránh né nhiều ẩn khúc của vấn đề này thực sự đã tồn tại từ rất lâu trước sự thờ ơ của lãnh đạo văn hóa Phật giáo, hoặc giả chưa có khả năng chuyên môn để kiểm soát.
Ngay từ những năm đầu thập niên 80 thế kỷ trước, nhạc theo kiểu “chế” lời này đã xuất hiện trong một bộ phận Tăng Ni và Phật tử chúng ta. Khi ấy, lãnh vực chuyên môn này chưa được đặt trọng tâm, và cho đến tận hôm nay cũng chưa bao giờ có một văn bản mang tính pháp qui nào của Giáo Hội về việc phát huy hay kiểm soát văn nghệ Phật giáo .
Công tâm mà nói, lúc ấy, cuộc sống còn khó khăn nhiều mặt, việc ca hát ở chùa còn là điều cấm kỵ của không ít tư tưởng chật hẹp. Các bài ca dù không biết từ đâu ra, ai sáng tác nhưng chắc chắn đó là của những người con Phật yêu văn nghệ, muốn chuyển tải giá trị Phật pháp và lợi ích của sự tu học, viết ra, dựa vào các bài ca cũ được quần chúng yêu thích, thu vào cuộn band casstte chuyền tay nhau nghe. Ban đầu thì đàn guitar thùng ca thu trực tiếp, khi có karaoke thì lấy nền nhạc nền (beat) thả chữ vào dễ dàng. Nếu chỉ dừng lại ở đó với điều kiện khách quan thì đúng là một việc làm đẹp, có ý nghĩa nhất định của thời thế.
Ba mươi năm sau, vấn đề hoàn toàn khác hẳn. Với kỷ thuật công nghệ tiên tiến, phương tiện truyền tải thông tin nhanh gọn và cuộc sống kinh tế gia đình tương đối, ai cũng có thể sở hữu, ít nhất là một bộ computer cá nhân, thì luật pháp liên quan cũng được siết chặt. Những việc làm đó bây giờ sẽ là sai trái, là vi phạm và nếu nói theo ngôn ngữ báo chí là “đạo nhạc” không hơn không kém.
Trước đây nhạc loại này tưởng chỉ có truyền nhau nghe, sang band cho nhau nghe, sau này trên mạng đầy dẫy; nay thì có hẳn những DVD Karaoke dàn dựng và quay phim nghiêm chỉnh, rất nghiêm túc. Nghe nói đâu một số Tăng sinh của Học Viện PGVN cũng chuyền tay nhau, phân phát cho nhau từng xấp DVD loại này. Thật đáng lo ngại biết bao.
Nếu đã là “đạo nhạc”, hay nói theo nhiều cách khác là “ăn cắp” nhạc người khác làm của mình, hoặc “lấy nhạc người ta mà không xin phép” v.v…thì trước tiên phải xem lại dây thần kinh tự trọng có còn không và phải biết xấu hổ khi xài đồ không phải của mình, hoặc dựa vào sự nổi tiếng của người khác mà đánh bóng mình. Nhất là đối với những “tác giả” xuất thân là Tu sĩ thì cái tội làm liên lụy, nhơ danh Phật giáo có phải là tội trọng hay không?
Đối với người bình thường, thử đọc dòng chữ thí dụ sau đây: Bài hát “Ăn Cơm Chay Ở Chùa”-Theo bài Vó Ngựa Trên Đồi Cỏ Non- Viết Lời Chế Nguyễn Văn A”, cũng sẽ thấy ngay sự thiếu sót không tử tế chút nào là thiếu tên tác giả bài “Vó Ngựa Trên Đồi Cỏ Non” là Giao Tiên. Phải nói ngay rằng mỗi khi vô tình hay vì lý do nào đấy nghe các bài hát loại này chúng tôi thấy sượng ngắt cả người, nói chi can đảm trân mình ngồi nghe hết một bài!
Vấn đề này trước đây đã từng có môt vài vị nhạc sĩ Phật giáo (sic) tai tiếng, không ngần ngại cho ra lò vô số cái gọi là những bài Lý dân ca, mà không phân biệt được cái gì là Lý của dân ca, cái gì là Lý của hệ thống đàn ca tài tử Nam Bộ, tự tiện đặt cho là Lý Ăn Chay, Lý Đốt Nhang hay Lý Đọc Kinh, Lý Phá Chùa, Lý Đốt Miểu, Lý Đập Tượng v.v…nhưng lại lấy chính những bài Lý có chủ nhân đàng hoàng đặt lời vào. Phần lớn những bài lý đó, như Lý Qua Cầu, Lý Mỹ Hưng, Lý… đều là của nhạc sĩ Cao Văn Lý, Lê Anh Trung. Còn lại là các bài Lý thuộc bộ sưu tầm dân ca của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang. Nếu là một “tác giả” bình thường cũng đồng nghĩa với người có văn hóa đi làm văn hóa, và rồi cũng sẽ được mời vào chức Ủy Viên Văn Hóa Phật giáo nay mai thôi. Vậy thì khả năng thể hiện hành vi văn hóa tối thiểu nhất trong trường hợp “sáng tác” lời chế này đã đánh rơi nơi nào? Chính những vị “Ủy Viên” mà còn làm như vậy trách chi người khác không “sáng tác” nhạc…chế!
Đi tìm nguyên do nguồn cơn thì cũng dễ dàng nhận thấy rất nhiều lý do, nhưng nói nôm na dễ hiểu nhất là tại vì cung không đủ cầu. Tuy nhiên. Có điều này người viết không muốn nêu ra nhưng trước sự trao đổi thẳng thắn với Tiến Sĩ Nguyễn Văn Trung- người bạn, vốn có quan tâm đến âm nhạc Phật giáo lâu nay, nhân sự việc này có viết trong một công trình của mình rằng: Khi xã hội chung quanh phát triển về mọi mặt, thì văn hóa Phật giáo, điển hình là âm nhạc, vẫn chỉ là khái niệm ngây thơ: CÚNG DƯỜNG. Đã là cúng dường thì dụng tấm lòng trên hết, xấu tốt không thành vấn đề quan trọng. Với lối tư duy đó, ngày nay thực trạng văn nghệ Phật giáo đã cho ta thấy một khoảnh vườn hoa với đủ thứ hoa, từ hoa dại đến hoa quý, cùng chen nhau …khoe màu !.
Thạc Sĩ Huỳnh Thế Tuyền, cũng là một đạo hữu thân thiết thì nhận định về nội lực âm nhạc Phật giáo rằng: “Phật giáo cũng đã theo kịp thời thế nhiều mặt đấy chứ; cũng có nhân tố tích cực đấy chứ. Nhưng nếu như những loại nhạc “chế” này vẫn xuất hiện thì nên nhìn lại đội ngũ nhạc sĩ Phật giáo. Trước hết là họ bị xem thường, hoặc nếu không thì là khả năng, tài nghệ chưa thể cung ứng cho thị hiếu âm nhạc Phật giáo chăng? Theo tôi đó có thể là vế thứ hai. Không thể phủ nhận có một vài nhân tố tích cực, ngay từ nhữngbuổi đầu ra sức chung tay dấy động nền âm nhạc Phật giáo, thế nhưng dầndà tự thân họ để tuột dốc thảm hại; hoặc nếu không thì cũng mắc phảivòng rào định kiến, phe nhóm, tự xác nhận mình phục vụ cho một đạotràng hay một ngôi chùa nào đó thôi. Còn lại thì lui về tự kinh doanh bằng sự nổi tiếng khiêm nhượng của mình và bùa hộ mệnh chính là những mảnh bằng chứng nhận chức vụ được treo ngay trước bảng hiệu.
Có lẽ Tiến sĩ Nguyễn Văn Trung và Thạc sĩ Huỳnh Thế Tuyền vì là người đứng ngoại biên nên chưa bộc bạch hết suy nghĩ cũng như đưa ra nhận định rõ ràng hơn. Thực tế, nội tại âm nhạc Phật giáo hiện còn nhiều chuyện đáng nói hơn nhiều. Một trong những chuyện đáng nói đó là chưa có chiến lược phát triển văn nghệ Phật giáo, chưa có chủ trương đào tạo nhân tố để làm nòng cốt phát triển lâu dài, chỉ chuyên tìm và xử dụng những thứ có sẵn, kêu gọi “cúng dường” và gọi đó là một chương trình văn nghệ Phật giáo. Như vậy văn nghệ Phật giáo ngày nay hoàn toàn không thực có, nếu có thì đó lànhững buổi đạinhạc hội, không hơn không kém, đến hẹn lại lên mà thôi. Chính hình thức đại nhạc hội này đã liên tiếp gây ra nhiều hệ lụy không có lợi cho sự phát triển âm nhạc Phật giáo mai này (nếu có!). Trong thực trạng đó, một hình ảnh chung cho văn nghệ Phật giáo dưới nhãn quan của người ngoài nhìn vào sẽ là: Một vị Hòa Thượng muốn làm ca sĩ- Một vị Ca Sĩ thì muốn làm Hòa Thượng!
Đó là nguyên do lớn trong mọi nguyên do dẫn đến tình trạng thả lỏng văn nghệ Phật giáo. Người sáng tác được thì bộc lộ cái Ta quá sớm hoặc tự mãn thái quá, người chưa sáng tác được thì đành vay mượn nền nhạc người khác, thả vào đấy niềm yêu thích văn nghệ, văn chương của mình. Cũng khó trách nhau lắm. Nhưng đứng về mặt luật pháp và lòng tự trọng, việc dùng nền nhạc “chế” lời ca vào là rất không nên, có lẽ nên ngưng lại từ đây vẫn còn kịp.
Nếu trước kia, nhạc sĩ Cao Văn Lý không nhanh chân chọn mình một hướng đi âm nhạc thích hợp, vừa vặn với khả năng của mình thì có lẽ bây giờ không có những điệu Lý dễ thương như Lý Qua Cầu, Lý Mỹ Hưng, lý Trăng Soi, lý Ba Tri, Lý Hò A Li v.v…cho đời ca hát mãi. Đó là một lựa chọn đứng đắn và đã thành công. Vậy đó, mà chính những bài Lý này lại từng bị một người “đạo nhạc” om sòm cách đây chưa lâu, “sángtác” thành những điệu lý của mình, như đã nói phần trên, mà không hề biết nó có chủ nhân đàng hoàng. Thiết nghĩ, khi làm văn hóa nghệ thuật tối thiểu cũng nên hiểu biết những vấn đề liên quan, chức vụ mình đang nhận để có thái độ thích hợp trong công việc. Tuyệt đối gạt sang một bên sở thích các nhân, thí dụ tôi sáng tác ca khúc tân nhạc thì không ưa cổ nhạc, hay ngược lại. Những lối suy nghĩ từ thời thuộc địa, miệt thị dân tộc đó không phải không còn đất sống, ngày nay ngay trong nội bộ Phật giáo chúng ta hiện vẫn còn, thậm chí trong một vài vị xuất gia cũng có.
Mong sao, trước hết những vị còn đang có ý định “chế” lời trên nền nhạc của người khác nên bình tâm dừng lại, trước hết vì tôn trọng lý tưởng, hình ảnh tôn giáo mình đang theo đuổi, tôn trọng người sản sinh ra bài nhạc đó và tôn trọng Pháp Luật hiện hành. Đừng để một lần nữa trên mặt bằng âm nhạc Phật giáo lại nổi sóng vì hai từ không mấy đẹp: Đạo Nhạc!.
(Sàigòn mùa cúng cô hồn tháng bảy 2013)
Dương Như Tâm
…………………………………………
VĂN HÓA GÌ Ở CỬA NGÕ CHÙA HƯƠNG ?
Nguồn:thuvienhoasen.com- 03/16/2013
VĂN HÓA GÌ Ở CỬA NGÕ CHÙA HƯƠNG
Nguyễn Thị Ngọc Trâm
Sau khi rời suối Yến, hàng chục vạn khách đặt bước chân đầu tiên lên bờ là choán ngợp trước mắt mỗi người một dãy dài hàng ăn treo ngược xác động vật mặt tiền của quán. Một hình ảnh phản cảm xưa nay hiếm ở khu Hương sơn này quá sức tưởng tượng của con người. Đây là chứng minh cho sự tăng tốc văn hóa tâm linh hay là sự phát triển bản sắc văn hóa ẩm thực của địa phương ?
Phật tích
Không người Phật tử Việt Nam nào không biết đến sự tích về cuộc đời nàng Diệu Thiện – người con gái thứ ba của vua Diệu Trang Vương nước Hương Lâm, nàng đã chống lại ý chỉ của vua cha không lấy chồng mà phát nguyện xuất gia. Trải qua biết bao tai họa, cuối cùng công chúa vẫn không tránh khỏi án xử chém của cha. Nhờ nhất tâm theo Phật nên công chúa đã được Ngọc Hoàng sai thần núi Hương sơn biến thành hổ cứu công chúa. Để thử thách đức hạnh của công chúa, Đức Thích Ca đã biến thành một trang nam tử đến cầu hôn, nhưng công chúa đã từ chối và nhập động Hương sơn không tiếp xúc với ai, ẩn tu suốt 9 năm đạt thành chánh giác trở thành đức Quán Thế Âm Bồ Tát hành đạo ở vùng núi Phổ Đà biển Nam Hải.
Có sử liệu nói rằng Hương sơn đã xuất hiện cách đây 2700 năm. Cho đến thời các vua Hùng mở mang bờ cõi thì nơi đây vẫn là thảm thực vật với khu rừng sinh thái đa dạng các loại thực vật. Đồi núi san sát bên suối trong, trời xanh, gió ngàn, mây trắng soi mặt nước. Nhiều hang động hình dáng đa dạng với nhũ đá đẹp như non tiên.
Sau này người ta còn phát hiện ra lối lên trời, lối xuống âm phủ, chùa Giải oan, động Tuyết Kình, động Tuyết Sơn, động Hinh Bồng, động Phật tích, núi Long Vân, núi Mâm Xôi, núi Trống, núi Chiêng, lập lên các đền, đình, chùa v v… Hương tích nhìn vào đâu cũng có thể thành thơ, thành nhạc, nhiều tác phẩm hội họa, nhiếp ảnh đã được mô tả cũng chưa thể nói hết những nét đẹp vốn có của khu Hương sơn. Không phải ngẫu nhiên chúa Trịnh Sâm – thế kỷ XVIII – đã tôn vinh nơi này là “Nam Thiên đệ nhất động”.
Với người Việt Nam ít ai không một lần đến Hương tích để lễ chùa Hương, hòa mình vào không khí thiên nhiên thắng cảnh kỳ vĩ, một chốn linh thiêng, một niềm tự hào vô giá của đất nước Việt Nam.
Thế nhưng, từ trên nửa thế kỷ qua, thắng cảnh Hương sơn đã trở thành cái vốn có sẵn để người địa phương coi như “cái túi kiếm cơm” với những dịch vụ đa dạng như: Cho thuê nghỉ trọ, bán hàng quán, bán các nông sản, động vật hoang dã trong mỗi mùa Lễ hội chùa Hương. Chưa bao giờ có một lời khen nào về văn hóa ứng xử, văn hóa tâm linh, vệ sinh cảnh quan, khoa học tổ chức. Mỗi lần khách hành hương Phật tích và du khách trong nước và ngoài nước trở lại Hương sơn lại thấy các loại hình ăn theo khu di tích – danh lam thắng cảnh đã từng được coi là đẹp nhất trời Nam này ngày càng nở rộ theo chiều hướng mất dần bản sắc văn hóa một cách nghiêm trọng.
Những điều trông thấy
Sau khi rời suối Yến, hàng chục vạn khách đặt bước chân đầu tiên lên bờ là choán ngợp trước mắt mỗi người một dãy dài hàng ăn treo ngược xác động vật mặt tiền của quán. Một hình ảnh phản cảm xưa nay hiếm ở khu Hương sơn này quá sức tưởng tượng của con người. Đây là chứng minh cho sự tăng tốc văn hóa tâm linh hay là sự phát triển bản sắc văn hóa ẩm thực của địa phương ?
Ở Châu Âu, bất cứ ai bắn giết dù là con chim sẻ hay con quạ, một loài không phải là con thú quý hiếm, nhưng nếu ai giết chúng thì bị coi là điều sỉ nhục. Người ta bán các loại thịt vật nuôi chỉ có trong siêu thị, không bán thịt bừa bãi ngoài đường phố và chợ ngoài trời. Đặc biệt là không bao giờ bán thịt động vật hoang dã. Cũng ít ai mua chim kiểng về nuôi trong nhà, vì chim muông không ai giết chóc nên sông xung quanh con người sinh sống. Trên cành cây, mái nhà hoặc trong sân vườn luôn có chim đậu, vào buổi sáng đủ các giọng chim thi nhau hót.
Hằng ngày có rất nhiều khách quốc tế đến với Hương Sơn
Ngược lại, ngay cửa ngõ Phật tích là hình ảnh những con thú hoang dã đã bị bức tử rồi móc mõm hoặc treo cổ ở mặt tiền của các hàng quán ăn. Hình ảnh này là một chứng minh thực tế cái tham – sân – si không cần che dấu. Sự vô cảm của người bán và người mua ở đây thật đáng sợ không cần biết đến cái lý nhân quả. “Oan có gia, trái có chủ”, ăn có quả báo của ăn, giết có quả báo của giết, thủ ác và tòng phạm có khác gì nhau ?! Nhưng nhỡn tiền thì họ đã cam tâm hạ thấp phẩm chất đời sống tâm linh ngay trên đất Phật linh thiêng đã được xếp hạng.
Lối kinh doanh kiểu “thằng Bờm” chỉ biết nắm xôi trước mắt mà không cần biết nhân quả ngày mai cho chính bản thân họ và cho môi trường sống của địa phương.
Hàng quán được bày bán chen chúc không còn lối đi
Mấy ngày gần đây, người ta thanh minh rằng những động vật bày bán ở lối lên Phật tích là vật nuôi. Nhưng không chứng minh là ai nuôi ? Và nuôi ở đâu ?! Chưa hết, người ta lại có sáng kiến bày thịt bán trong tủ kính, hình thức này chỉ là “bình mới rượu cũ” mà thôi. Vẫn là những động vật ấy không phải treo chình ình bên ngoài như trước mà lịch lãm hơn treo trong tủ kính thì vẫn nặng mùi tử khí và hình ảnh chết chóc của động vật nơi này. Đầu năm, những người con của Phật và du khách đến chiêm bái để tích đức mà mới đặt chân lên cửa ngõ chùa Hương đã gặp ngay cảnh bị coi là ác đức ấy khiến không ai chịu đựng nổi.
Bao giờ trả lại đúng nghĩa đất Phật ?
Tiếp nối dãy bán thịt động vật là dãy bánh kẹo, thuốc chữa bệnh, tiếng loa quảng cáo không hạn chế volume. Chen chân theo một rừng người đi gần đến cửa động Hương tích là một dãy dài bán các đồ pháp khí, cành vàng, cành bạc, linh phù, chuỗi hạt v v… 100% hàng tiêu thụ của Trung Quốc, các dãy hàng này đã phần nào ảnh hưởng lối thông thoáng làm tắc nghẽn bước chân hành hương phải nhích chân từng tí một. Vài quán bán nước mía lởm khởm dưới chân máy ép những bã mía cùng ruồi nhặng. Vì tắc nghẽn nên vài người nóng ruột đã xô đẩy chen lấn lách lên.
Hầu hết là hàng Trung Quốc
Vì sao? Những gì người ta thấy ngịch mắt ngay từ cửa ngõ lên động Hương tích đã reo hình ảnh ấy vào trong tâm của du khách theo suốt hành trình. Ví như ai đó vào một ngôi chùa, từ cổng tam quan vào đến chánh điện đều toát lên sự tôn nghiêm, sự thanh tịnh thì người ta không thể ồn ào thô bỉ. Ngược lại, ở một cái chợ chồm hổm thì người ta có thể nói to, vứt rác ra giữa lối đi, khạc nhổ thậm chí cãi lộn nhau. Chính vì tính chất xô bồ của cái chợ như thế cần gì phải giữ lễ cho ai? Thì những gì đã thấy ở chùa Hương cũng vậy, người địa phương đã có công “cải tạo” Thắng cảnh – Di tích lịch sử đã được xếp hạng này thành… chợ chùa Hương thì làm sao thân tâm mọi người được an lạc ?
Thắng cảnh chùa Hương lẽ ra phải được UNESCO xếp hạng di sản của nhân loại từ trước Hạ Long, nếu… Thế nhưng vì những người ở địa phương đã đi ngược với tinh thần văn hóa UNESCO, đi ngược với bản sắc của văn hóa Phật giáo ngay trên đất Phật. Vì tham – sân – si quá nặng nên đã kéo ghì nét đẹp vô giá của chốn linh thiêng này vào cái vòng luẩn quẩn của vật chất. Những điều trông thấy này khó ai có thể hồi tưởng được chốn thanh tịnh và an lạc xưa kia. Vì vậy, nếu không trả lại sự thanh tịnh an lạc trên đất Phật thì việc đề nghị UNESCO xếp hạng Hương tích là di sản của thế giới chỉ mãi nằm trên giấy mà thôi.
Nai trện dây, Nhím trong lồng
Thiết nghĩ, những quầy ăn uống, phẩm cúng, pháp khí, sản phẩm nông sản địa phương nên chuyển hẳn ra phía ngoài bến Đục, trả lại màu xanh của chốn non nước hữu tình như trước. Trả lại sự chốn thanh tịnh của đất Phật. Khi khách rời khỏi suối Yến lên Phật tích chỉ nên có các tình nguyện viên là Phật tử ở địa phương hoặc của Câu lạc bộ thanh niên Phật tử Hà Nội tổ chức những điểm bán nước đóng chai cho khách hành hương. Sau khi trừ chi phí, tất cả số tiền lãi sẽ góp vào việc chỉnh trang khu Hương sơn này. Chỉ có tâm từ bi reo vào tâm du khách thì lòng từ được nhân lên, có thế thì đất Phật mới có thể dần trở lại thanh tịnh như vốn có.
Nét bày bán hàng độc đáo chỉ có ở chùa Hương
Cần thiết có một trang web chung để cộng đồng người Việt trong nước và kiều bào bày tỏ những ý tưởng hoàn nguyên thắng cảnh hương Sơn như thế nào. Và nên có một cuộc triển lãm tranh, ảnh và các hiện vật về chùa Hương xưa và nay để làm thăng hoa một di sản “Đệ nhất nước nam” sớm trở thành di sản của thế giới.
Nhức nhối mắt khách đi hàng hương
Những loài động vật bị bức tử thật phong phú
Trên trời, dưới thuyền
Treo cổ lóc thịt Hươu sao và Nhím đang bị xẻ thịt
Nguyễn Thị Ngọc Trâm
(Phật Tử Việt Nam)
……………………………………………………..
Paid Links