Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú: 1/Thư đi tin lại-kỳ 21- 2-/Lục tổ Huệ Năng-3/Lục Tổ và Đàn Kinh-

05/12: Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú: 1/Thư đi tin lại-kỳ 21- 2-/Lục tổ Huệ Năng-3/Lục Tổ và Đàn Kinh-
Category: Phật Học – Phật học ôn tập-
Posted by: Tbl Đọc: 4086 lần
THƯ ĐI TIN LẠI – KỲ 21
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
Montreal 2005

Nga Mi Sơn(núi Nga Mi-Trung Quốc)
183 – Tìm hiểu những câu nói, tiếng hét, gậy đập .. của các thiền sư là một việc rất khó vì những điều ấy dành riêng cho hai thày trò, thày biết trò đã tu đến mực nào, chỉ cần mở một cái nút nào đó là xong . Thơ văn của các vị thiền sư cũng vậy,…
… ai tu đến một bậc nào đó thì hiểu, người phàm như chúng ta phải nghe giảng thì may ra nắm được chút ít .
Xin lấy một thí dụ . Ngài Pháp Loa hỏi ngài Điều Ngự Giác hoàng rằng : “Thế nào là ý của Tổ ở Ấn Độ sang ? Trả lời : Bánh vẽ “ . Khó hiểu thật . Khi được nghe giảng rồi thì mới hiểu rằng : lời giảng dạy gì thì cũng chỉ là bánh vẽ, nghĩa là ăn không thể no được . Học lời dạy của Phật, của Tổ mà chỉ nghe để đấy thôi thì bản thân chẳng được gì cả, phải quay vào trong mà tìm chân tánh, phải gắng tu hành, thí dụ tu thiền nhằm kiến tánh thành Phật .
184 – Con nười ta có hai thứ tâm : vọng tâm và chân tâm . Vọng tâm là cái tâm lăng xăng bám víu vào các cảnh bên ngoài và cho đó là thật . Người ta thường nhận cái vọng tâm ấy là cái ta . Chân tâm mới đích thực là có thật . Đức Phật ví vọng tâm như người khách ngủ trọ, qua đêm đến sáng lại ra đi . Ông chủ nhà thì lúc nào cũng ở đó . Người khách ấy ví như vọng tâm . Ông chủ nhà ví như chân tâm .
185 – Niêm hoa vi tiếu nghĩa là giơ hoa mỉm cười . đây là nói đến việc truyền tâm ấn ở hội Linh Sơn . Đức Phật giơ cao cành hoa lên, đại chúng yên lặng, không ai hiểu gì . Riêng một mình ngài Ca-Diếp rạng rỡ mỉm cười . Đức Phật nói : “Ta có chánh pháp nhãn tang, Niết-bàn diệu tâm, thực tướng vô tướng, vi diệu pháp môn, trao phó cho Ma-ha-Ca-Diếp”.
Từ điển Phật học Hán Việt, quyển 1, trang 1078, chép đại ý như sau : “Nhưng việc này chép ở kinh nào, do ai truyền thuật, các kinh trong Đại tạng đều không thấy nói đến . Đến đời Tống, Vương An Thạch nói rằng coi thấy việc ấy trong Đại Phạm Vương vấn Phật quyết nghị Kinh “.
Ghi chú : Y bát truyền cho tổ thứ nhất là Ca-Diếp, tổ thứ nhì là A-Nan,…cho đến tổ thứ 28 là Bồ-đề-đạt-ma . Tổ Bồ-đề-đạt-ma sang Trung Quốc lập ra Thiền Tông, ngài là sơ tổ, truyền đến tổ thứ sáu là Huệ Năng, đến đây hết truyền y bát .
186 – Mấy câu “Này suối Giải Oan, này chùa Cửa Võng ; này am Phật Tích, này động Tuyết Quynh ; nhác trông lên ai khéo họa hình ; đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt …” lấy ở trong bài Hương Sơn phong cảnh (Phong cảnh chùa Hương) của Chu Mạnh Trinh . Theo chỗ tôi biết thì còn một suối Giải Oan nữa ở chân núi Yên Tử . Tục truyền rằng khi vua Trần Nhân Tông truyền ngôi cho con để đi tu ở núi Yên Tử thì các cung nữ xin đi theo . Đến chân núi, ngài ra lệnh cho mọi người trở về . Các cung nữ này không chịu về, tự trầm ở suối cạnh đó . Suối ấy gọi là suối Giải Oan, gần đó có chùa Giải Oan .
187 – Đa số chúng ta chọn pháp môn Tịnh độ, niệm Phật cầu vãng sinh Cực lạc, dựa vào 48 lời nguyện của đức Phật A-Di-Đà và kinh A-Di-Đà . Cứ đơn giản như thế mà làm, đồng thời tu tỉnh cho hết tham, sân, si, thanh tịnh hóa ba ngh iệp .
Các thiền sư không quan niệm có một cõi Cực lạc ở nơi xa xôi, mà cho rằng ngay ở trong tâm mình, “tâm tịnh tức độ tịnh” . Các thiền sư cũng không quan niệm có Phật A-Di-Đà ở Tây phương mà họ cho rằng Phật A-Di-Đà chính là Phật tánh có sẵn trong mỗi người, “tự tánh Di Đà” .
Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương .
Di-Đà là tính sáng soi, há phải nhọc tìm về Cực lạc .
Chúng ta không ngạc nhiên vì một đằng nhìn về sự, một đằng nhìn về lý .
188 – Đó là một chuyện có mục đích đề cao pháp môn niệm Phật của Tịnh độ tông . Chuyện như sau : Có một nhà sư đau nặng, sắp chết, thần thức xuống âm phủ, thấy nơi điện của Diêm Vương có bàn thờ thiền sư Vĩnh Minh và Diêm Vương thường tới lễ bái . Hỏi ra thì biết thiền sư Vĩnh Minh công đức tu niệm Phật quá cao nên khi tịch thì về thẳng Tịnh độ thượng phẩm thượng sanh, mà không qua điện của Diêm Vương . Diêm Vương cảm phục nên lập bàn thờ ngài để lễ bái . Nhà sư khi tỉnh lại bèn nói chuyện đó .
Có điều thắc mắc : thiền sư mà tu Tịnh độ ? Ngài Vĩnh Minh khuyên : “Có Thiền tông, có Tịnh độ ; Như thêm sừng cho mãnh hổ ; Đời hiện tại làm thày người ; Đời vị lai làm Phật tổ . Có Thiền Tông, không Tịnh độ ; Mười người tu, chin người đổ …Không Thiền tông, có Tịnh độ ; Vạn người tu,vạn người đỗ …”
199 – Đại Phạm Thiên Vương hay Phạm Thiên Vương hay Phạm Vương (Sanskrit : Brahma) là chúa tể Ta-bà thế giới . Đó là theo quan niệm đạo Phật . Nhiều khi người ta gọi ngắn là Phạm Thiên, nếu chúng ta không chú ý thì có thể bị lầm lẫn , vậy phải theo mạch văn mà hiểu theo một trong ba nghĩa như sau : 1/Phạm Thiên là Phạm thiên vương nói ngắn . 2/ Phạm thiên là bốn cõi trời của miền Sơ Thiền cõi Sắc giới (Phạm thân thiên, Phạm chúng thiên, Phạm phụ thiên, Đại phạm thiên) . 3/ Chư thiên sống trong bốn cõi trời vừa nói . (Theo Từ điển Đoàn Trung Còn) .
Theo đạo Bà-la-môn (Brahmanisme) thì Brahma là đấng Tạo hóa . Kinh điển của đạo Bà-la-môn viết bằng sanskrit cho nên chữ Sanskrit gọi là chữ Phạm, nói chệch thành Phạn .
Brahma :: un des principaux dieux du pantheon hindou, premier cree’ et createur de toute chose .est souvent represente’ avec quatre bras et quatre tetes qui symbolisent son omniscience et son omnipresence (từ điển Larousse) .
Phạm là một từ ngữ dùng nhiều trong đạo Phật . Ngoài cái nghia là chữ sanskrit, nó có nghĩa là thanh tịnh, thí dụ : phạm hạnh .
The Sanskrit Canon là Tam Tạng viết bằng chữ Phạn, do Bắc tông dùng ; the Pali Canon là Tam Tạng viết bằng chữ Pali, do Nam Tông dùng .
200 – * « Lưới Đế châu ví đạo tràng, Mười phương Phật bảo hào quang sáng ngời .. ». Lưới Đế châu nghĩa là gì ? Đế là Đế Thích, châu là châu ngọc . Đế châu nghĩa đen là châu ngọc của Đế Thích . Muốn hiểu kỹ thì coi chi tiết như sau : Đế Thích là vua cõi trời Đao-Lỵ, ở thành Hỷ Kiến trên đỉnh núi Tu-di . Đế võng là lưới chăng ở cung điện của vua Đế Thích . Lưới ấy làm bằng châu ngọc đan xen chồng chéo vào nhau, trùng trùng vô tận . Các viên ngọc châu hạt nọ chiếu sáng vào hạt kia, chiếu đi chiếu lại, trùng trùng vô tận . Những hình ảnh ấy dùng để nói lên lý trùng trùng duyên khởi là một lý quan trọng bậc nhất của đạo Phật . [Đế Thích còn gọi là Thích-đề-hoàn-nhân, gọi cho đủ là « Thích-ca-đề-bà-nhân-đà-la, do phiên âm từ chữ Sakra devanam Indra ].
* NN Chú thích : Số thứ tự 200 là do tác giả sắp xếp, không phải lỗi chúng tôi bỏ sót . Như tác giả đã nói trong Thư mở đầu : Khi thu thập cho in những câu trả lời, tác giả đã bỏ qua những câu hỏi và trả lời mà ý trùng lập …
201 – « Tứ sinh, cửu hữu, đồng đăng Hoa tạng huyền môn ; Bát nạn, tam đồ cộng nhập Tỳ-lư tính hải » nghĩa là gì ? . Đây là 2 câu ở bài cúng ngọ .
Tứ sinh : thai sinh, noãn sinh, thấp sinh và hóa sinh .
Cửu hữu hay cửu địa (chín nẻo) : địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, a-tu-la, nhân, và chư thiên Dục giới, đó kể là một . Cộng với 4 nẻo của Sắc giới và 4 nẻo của vô sắc giới là chín .
Đồng đăng nghĩa là cùng lên .
Hoa tạng nói cho đủ là Liên hoa tạng thế giới, nghĩa là thế giới chứa toàn sen, cõi tịnh độ của chư Phật, mỗi đức Phật có Liên hoa tạng thế giới của mình .
Huyền môn : cửa huyền, huyền là sâu kín, thanh tịnh .
Bát nạn là tám nạn sau này : địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, ở châu Bắc-cau-lư quá sung sướng nên không tu, ở cảnh trời Vô tưởng không tu được, đui, điếc, câm, chỉ lo biện bác việc đời mà không tu, sinh trước Phật và sau Phật nên khó tu .
Tam đồ là hỏa đồ, huyết đồ, đạo đồ, cũng là tam ác đạo (địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh).
Tỳ-lư hay Tỳ-lô-xá-na là đức Phật bao trùm hết mọi đức Phật, gọi là Tối Sơ Phật .
Tính hải : biển tính, ý nói Pháp thân Phật rộng lớn vô cùng .
Hai câu trên là nguyện cho mọi chúng sinh cùng được lên Tịnh độ của chư Phật, cùng được nhập vào Pháp tánh .
(còn tiếp)
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
………………………………………………..
BƯỚC VÀO CỬA PHẬT -Quyển 2
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
Montreal 2010
Đề tài ôn tập : Bài 23. LỤC TỔ HUỆ NĂNG-
Tại chùa chúng ta đây, trong thời gian qua, Hòa thượng đã giảng kinh Pháp Bảo Đàn (tên đầy đủ là Lục Tổ Huệ Năng Pháp Bảo Đàn kinh). Từ trước, chúng ta biết rằng chữ kinh dùng để chỉ những sách ghi lại lời dạy của đức Phật Thích-Ca. Kinh Pháp Bảo Đàn ghi lại tiểu sử và lời dạy của Lục Tổ Thiền tông là ngài Huệ Năng, kinh này không do Phật thuyết mà cũng được gọi là kinh, lý do là các đệ tử của ngài tuân theo lời dặn của ngài mà viết như vậy. Ngoài ra, quyển kinh này rất quý không những đối với Thiền tông mà với tất cả những ai học Phật.
Hôm nay tôi nói về ngài Lục Tổ, công việc không khó lắm vì quý vị còn nhớ nhiều về phẩm đầu tiên tức là Hành Do, và phẩm cuối cùng tức là phẩm Phó Chúc ghi lại tiểu sử của ngài do chính ngài và đệ tử kể, tôi chỉ cố tóm tắt sao cho gọn. Nhưng phần khó mà ban Hoằng pháp chờ đợi ở tôi là nêu ra những điều đặc sắc của Lục Tổ.
Tổ thứ 28 của Phật giáo là ngài Bồ-Đề-Đạt-Ma từ Ấn-Độ sang Trung Hoa sáng lập ra Thiền Tông nên được kể là sơ tổ Thiền Tông. Các vị tiếp theo là Huệ Khả, Tăng Xán, Đạo Tín, Hoằng Nhẫn. Tổ thứ sáu là ngài Huệ Năng.
Ngài Huệ Năng (638? – 713?). mồ côi cha từ sớm, nhà nghèo, không được đi học, kiếm củi bán lấy tiền nuôi mẹ. Một hôm, đi giao củi, qua nhà kia, nghe người ta tụng kinh thì thấy trí bừng sáng. Người tụng kinh đó cho biết đó là kinh Kim Cang, học nơi Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn ở núi Hoàng Mai. Ngài thu xếp việc nhà, đến yết kiến Ngũ Tổ. Qua mấy lời vấn đáp, Ngũ Tổ biết ngay ngài sẽ là người kế thừa nhưng chưa nói gì, giao cho việc giã gạo dưới bếp. Chi tiết quan trọng nhất mà chúng ta cần nhớ là sự truyền y bát từ Ngũ Tổ sang Lục Tổ và sự phân chia Thiền Tông thành hai ngành Nam và Bắc tức là Đốn và Tiệm (= nhanh và chậm) do hai ngài Huệ Năng và Thần Tú cầm đầu.
Vắn tắt như sau này: Ngũ Tổ ra lệnh cho môn đệ làm mỗi người một bài kệ để ngài xem trình độ. Không ai dám làm vì nghĩ rằng đương nhiên thượng tọa Thần Tú là người xứng đáng nhất để “nối nghiệp” Ngũ Tổ. Bài kệ của ngài Thần Tú là: “Thân là cội bồ-đề, Tâm như đài gương sáng, Luôn luôn phải lau chùi, Chớ để dính bui bặm.”.
Ngài Huệ Năng không biết chữ, nghe người ta kể lại bài kệ đó, bèn nhờ người viết hộ bài kệ của mình như sau: “Bồ-đề vốn không cây, Gương sáng cũng chẳng đài, Xưa nay không một vật, Chỗ nào dính bụi bặm?”.
Ngũ Tổ hiểu ngay ai là người có trình độ cao hơn. Ngài bí mật gọi ngài Huệ Năng vào tăng phòng, giảng kinh Kim Cang cho nghe, đến câu “ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” (= không trụ vào đâu mà sinh tâm) thì ngài ngộ. Ngũ Tổ truyền y bát cho ngài, ra lệnh cho ngài đi về phương Nam, ẩn dật tránh hiểm nguy (vì có người muốn cướp y bát), đợi sau sẽ ra hoằng pháp độ sinh.
Trong hơn 15 năm trốn tránh trong rừng, sống cùng với thợ săn, ngài vẫn là một cư sĩ, chưa có ai làm lễ thế phát cho ngài. Khi ngài tới chùa Pháp Tánh ở Quảng Châu, thì pháp sư Ấn Tông đang giảng kinh. Hai thày tăng thấy gió thổi lá phướn, một thày nói: gió động; thày kia nói: phướn động. Lục Tổ bảo: Chẳng phải gió động, chẳng phải phướn động, mà là tâm các ông động!
Nghe được chuyện này, pháp sư Ấn Tông mời ngài tới hỏi chuyện và biết ngài chính là người được truyền y bát. Ngài Ấn Tông làm lễ thế phát cho ngài và tôn ngài làm thày. Ngài lưu lại chùa Pháp Tánh ít lâu rồi về trụ tại chùa Bảo Lâm, gần Tào Khê (không xa Quảng Châu ngày nay, Quảng Châu tức là Canton). Ngài thuyết pháp độ sanh trong bốn chục năm.
Vào năm 713, ngài sai môn đồ sửa soạn thuyền để về Tân Châu, tại đó có chùa Quốc Ân là nơi ngài đã trụ trì và đã cho xây sẵn tháp. Mọi người hiểu, buồn bã, thỉnh ngài nán lại, ngài dạy: “Có đến ắt có đi, đó là việc thường”. Về đến chùa Quốc Ân, tắm gội xong, ngài bảo “Ta đi đây”, ngài ngồi kiết già, an nhiên thị tịch. Môn đồ rước hài cốt ngài về nhập tháp bên suối Tào Khê. Y do Ngũ Tổ truyền, bát do vua ban và tượng của ngài được thờ trong chùa Bảo Lâm, sau đổi tên là chùa Nam Hoa.
Lục tổ sống 76 tuổi, 24 tuổi được truyền y, 39 tuổi mới thế phát, nói pháp lợi sanh 37 năm, đệ tử nối pháp có 43 người, người ngộ đạo thì rất nhiều. Không truyền y, truyền bát, ngài chỉ truyền pháp mà thôi.
Nói đến Lục Tổ, người ta luôn luôn chú ý đến chi tiết ngài không biết chữ. Ni cô Vô Tận Tạng hỏi chữ trong kinh Niết-bàn, ngài bảo: “Chữ thì không biết, nghĩa thì cứ hỏi”. Ni cô thắc mắc: “Chữ không biết, làm sao hiểu nghĩa?”. Ngài đáp: “Diệu lý của chư Phật đâu có quan hệ gì tới văn tự”.
Nhà sư Pháp Đạt, tụng kinh Pháp Hoa mấy ngàn lần, có ý kiêu ngạo, nhưng không hiểu tông chỉ của kinh. Lục tổ bảo: “Tôi không biết chữ, ông thử lấy kinh ra, tụng một biến, tôi sẽ vì ông giải nói”. Mới đến phẩm Thí dụ, ngài đã nắm được ý của kinh rồi, nói cho Pháp Đạt nghe, giảng rộng cho hiểu, nên Pháp Đạt bừng tỉnh ngộ!
Chúng ta có thể “đánh dấu hỏi” về việc một đại sư mà mù chữ! Tôi nghĩ rằng điểm này khó kiểm chứng đối với độc giả thời nay, nhưng việc chính có lẽ là nêu ra câu “bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền” của Thiền Tông. Không nệ vào chữ , chỉ căn cứ vào nghĩa. Hai chuyện kể trên đây muốn nói lên và nhấn thật mạnh vào cái lập trường đó. [Chúng ta nên để ý rằng Thiền Tông không nệ vào chữ chứ không phải vất bỏ kinh sách. Hai việc khác nhau! ]
Trong đạo Phật đại thừa, hai tư tưởng trung tâm là Trí huệ bát-nhã và Pháp tánh. Nhiều kinh sách đã nêu ra hai ý này. Riêng Lục Tổ, ngài luôn luôn nhắc đến hai ý này, bàng bạc suốt kinh Pháp Bảo Đàn, chúng ta thấy ngài trình bày như vậy.
Thiền Tông ít chú ý đến những hình thức, mà nhấn mạnh đến cái tâm, chân tâm. Khi đang trốn tránh trong rừng, ở cùng với thợ săn, ngài cũng bẫy thú, nhưng bắt được thì phóng sinh; khi ăn thì gửi rau luộc chung vào nồi thịt của thợ săn. Đó là “chấp kinh tòng quyền”, nhưng ở đây, ý nghĩa rộng hơn: trong việc giữ giới, quan trọng nhất là cái tâm. Phải tránh giữ giới một cách hình thức, giữ giới cho xong việc!
Cũng trong việc đả phá tu hành hình thức, Lục Tổ có nói về “niệm Phật vãng sanh Tịnh Độ”. Lời của ngài có thể làm buồn lòng những ai thực hành pháp môn niệm Phật, vì ngài nói: “người phương Đông tạo tội cầu xin về Tây phương, thế thì người phương Tây tạo tội xin về đâu?”. Muốn hiểu, cần coi tiếp: “Tâm địa không có cái bất thiện thì Tây phương cách đây chẳng xa. Nếu ôm lòng chẳng thiện thì Tây phương khó đến”. Rõ ràng là ngài khuyên niệm Phật thì phải “thiện”, tâm phải tịnh, vì “tâm tịnh thì độ tịnh”. Chúng ta nên hiểu thêm rằng khi đạo Phật được truyền bá rộng rãi, thiếu tăng ni và thiện tri thức thì mê tín dị đoan và lợi dụng xen vào và tu hành trở nên hình thức. Lục Tổ giảng như vậy là hợp lý.
Lục Tổ được biết đến, được nhắc đến, được tuân theo tận ngày nay, chính là vì áp dụng đúng và mạnh chủ trương “trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”. Thiền Tông kể từ ngài trở đi chia làm hai: Nam đốn và Bắc tiệm. Ngài Huệ Năng ở phía Nam nước Tàu chủ trương “đốn ngộ”, còn ngài Thần Tú ở phía Bắc chủ trương “tiệm ngộ”. Một đằng nhấn mạnh vào việc giác ngộ trong một thoáng, vuợt qua những phương tiện tri thức thông thường. Một đằng theo phương pháp dần dần tiến đến giác ngộ bằng cách học hỏi và tìm hiểu kinh sách, dĩ nhiên hai đằng cùng dùng thiền, cùng phát xuất từ Ngũ Tổ.
Chỉ trong có vài thế hệ, tông phái phía Bắc không còn nữa. Trong khi ấy thì tông phái phía Nam ngày một hưng thịnh, tuy nhiên cũng chia ra làm nhiều phái nhỏ. Đó gọi là ngũ gia, gồm có: Lâm tế, Vi ngưỡng, Tào động, Vân môn, Pháp nhãn. Khi nghe nói Ngũ gia thất tông thì hiểu như sau: Nam tông (Huệ Năng), Bắc tông (Thần Tú) là 2 và Ngũ gia là 5, cộng thành 7. Nói theo kiểu ngày nay thì nên gọi là Nhị tông, Ngũ gia!
Ngũ Tổ truyền y bát cho ngài Huệ Năng, một người chưa phải là tăng, đó là một điều lạ. Ngũ Tổ dùng kinh Kim Cang mà khai ngộ cho Lục tổ chứ không phải kinh Lăng-Già mà Sơ Tổ Bồ-Đề-Đạt-Ma tặng cho Nhị Tổ Huệ Khả, điều này thế nào? Sư Ấn Tông làm lễ thế phát (xuống tóc) cho “cư sĩ” Huệ Năng rồi tôn làm thày, việc đó cũng ít có nếu không nói là chẳng có xưa nay.
Người ta cho rằng tất cả các chi tiết đó đều do sự du nhập một tôn giáo Ấn-Độ vào đất Trung hoa, sự va chạm văn hóa, hay sự trộn lẫn văn hóa đã thay đổi Thiền cổ truyền thành Thiền Tông Trung Quốc. Ấn thì thâm trầm, ưa lý luận; Hoa thì cần cù, thực tế; kinh Lăng-Già dài quá, chọn kinh Kim Cang ngắn hơn! Miễn là được việc. Điều này, xin dành cho các nhà khảo cứu. □
GHI CHÚ. Có một bạn trẻ, sau khi nghe đoạn nói về “gió động hay phướn động” hỏi tôi rằng: “Lục Tổ bảo rằng cả hai không động, tâm các ông động”, thế thì ra sao? Tôi hiểu rằng bạn ấy hỏi khéo tôi, thâm ý là: mấy bác ngồi nghe một cách thích thú, chẳng ai nêu thắc mắc gì cả. Xin nói: “Bạn được huấn luyện theo khoa học thực nghiệm, do sự cách biệt về áp suất không khí ở hai nơi mà không khí di chuyển, tạo ra cái mà ta gọi là gió, gió thổi vào cái phướn làm cho nó phất phới v.v… Câu trả lời của Lục Tổ nói ra một tư tưởng quan trọng của đạo Phật, đó là “tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”. Câu này khó, tạm nói rằng: chuyện gió, chuyện phướn là hiện tượng (phénomène) bên ngoài, do ngũ quan nhận ra, nhưng hãy quay vào trong, tìm cái tâm hàng ngày xem nó ra sao, rồi tìm chân tâm tức là tìm bản thể (essence). Mấy bạn già của tôi ngồi yên là vì thế đó”. □
-o0o-
Đề tài ôn tập: Bài 24. LỤC TỔ và ĐÀN KINH
Đức Phật Thích-Ca truyền tâm ấn cho ngài Ca-Diếp. Ngài Ca-Diếp là Tổ thứ nhất của Phật Giáo. Đến Tổ thứ 28 là Bồ-Đề-Đạt-Ma tôn giả. Ngài Bồ-Đề-Đạt-Ma là người Ấn, sang hoằng pháp tại Trung Quốc nên được kể là Sơ Tổ Đông độ; ngài truyền y bát qua các Ngài Huệ Khả, Tăng Xán, Đạo Tín, Hoàng Nhẫn rồi đến ngài Huệ Năng là Lục Tổ (638 – 713).
Theo những trang cuối của Kinh Pháp Bảo Đàn (gọi tắt là Đàn Kinh) thì bia lược ghi các đạo hạnh của Lục Tổ chép rằng: “Đại Sư thọ 76 tuổi, năm 24 tuổi được truyền y, 39 tuổi xuống tóc, thuyết pháp lợi sanh trong 37 năm, đệ tử nối giáo pháp được 43 người, còn những người ngộ đạo siêu phàm chẳng biết bao nhiêu mà kể”. “Qua đời vua Hiến Tông, nhà Đường, có ban hàm ân cho Đại sư là Đại Giám Thiền Sư và tặng tháp là Nguyên Hòa Linh Chiếu.”
Ngài có tài biện luận, các lời luận giải của Ngài đã được chép lại thành Kinh Pháp Bảo Đàn. Phật giáo Việt Nam. có nhiều liên hệ với Phật giáo Trung quốc, tức có nhiều liên hệ với Lục Tổ Huệ Năng và Thiền Tông do Ngài xiển dương. Vì thế, Kinh Pháp Bảo Đàn đã được nhiều Phật tử Việt Nam tụng đọc.
Sau đây là một vài ý kiến về những đặc điểm của Lục Tổ và Đàn Kinh:
1. Ngay thân thế của Lục Tổ đã là một đặc điểm đáng chú ý rồi. Ngài đã kể: “Thân này bất hạnh, cha làm quan bị giáng chức xuống làm dân, Mẹ già cô độc, nhà nghèo thiếu thốn, cay đắng trăm bề”. Đã nghèo lại thêm thất học, Ngài đã không biết đọc, biết viết, đến nỗi khi làm được bài Kệ để nói lên sự chứng ngộ của mình, Ngài đã phải nhờ người viết giùm lên vách. Lại nữa, khi Ni cô Vô Tận Tạng hỏi Kinh Niết-bàn, Ngài đáp: “Chữ thì chẳng biết, nghĩa xin cứ hỏi. Lý màu của các Phật chẳng quan hệ gì đến văn tự.”
2. Lục Tổ là người gốc ở phương Nam Trung quốc, thời đó bị coi là man di mọi rợ, khác với dân “Trung thổ” được coi là văn minh. Ngay buổi sơ kiến, khi Ngũ Tổ Hoàng Nhẫn hỏi thử rằng: “Ngươi là người xứ Lĩnh Nam, là giống man di, làm thế nào mà thành Phật được?”. Lục Tổ trả lời: “Phật tính vốn không có Nam, Bắc”. Rõ ràng Ngài có một quan niệm bình đẳng rất rộng rãi (thời đó là cuối thế kỷ thứ VII, đời nhà Đường).
Ngũ Tổ Hoàng Nhẫn đã truyền y bát cho Ngài. Ngũ Tổ đã chứng ngộ, đâu có kỳ thị địa phương, kỳ thị nòi giống, nhưng Ngài vẫn e ngại những người khác nên Ngài nói: “Ta nghĩ chỗ Tri kiến của ngươi dùng được, song sợ có kẻ ác hại ngươi, nên chẳng nói chuyện với ngươi, ngươi có biết chăng?”
Óc kỳ thị và ghen ghét đâu có gột rửa ngay được, vì mấy chục năm sau, các đồ chúng của Thượng tọa Thần Tú đã cậy Hạnh Xương đến hành thích Ngài. May sao Hạnh Xương được Ngài cảm hóa đã quy y Tam Bảo, trở thành vị Tăng thấu triệt được lẽ Hữu thường và Vô thường, nên được Lục Tổ đặt tên cho là Chí Triệt.
3. Điểm đặc biệt thứ ba là sự tỏ ngộ mau lẹ khác thường của Ngài. Mới đi bán củi xong, Ngài được nghe một người tụng Kinh Kim Cương, thì tâm liền mở mang, tỏ ngộ. Ngài kể lại việc truyền y bát trong thất của Ngũ Tổ như sau: “Ngũ Tổ lấy áo cà-sa đắp cho ta, chẳng cho ai thấy, rồi nói Kinh Kim Cương cho ta nghe, đến câu ‘Ưng vô sở trụ, nhi sinh kỳ tâm’ thì Huệ Năng này liền tỏ sáng”.
Khi Ngài hỏi nhà Sư Pháp Đạt về tông chủ của Kinh Pháp Hoa thì Pháp Đạt không biết, dù rằng đã tụng kinh này tới mấy ngàn lần. Ngài liền bảo: “Ta chẳng biết mặt chữ, ngươi thử lấy Kinh ra tụng một lượt, ta sẽ vì ngươi giảng rõ”. Pháp Đạt tụng đến phẩm Thí dụ, Đại Sư bảo ngưng và nói: “Kinh ấy nguyên lai lấy chỗ nhân duyên xuất thế làm tông chủ, dù có nói nhiều thí dụ nữa cũng không vượt qua lẽ ấy.”
Rồi Ngài dạy cho mọi người một bài học về tụng kinh rất thực tế, qua bài Kệ:
Tâm mê, Pháp Hoa chuyển,
Tâm ngộ, chuyển Pháp Hoa.
Tụng Kinh mãi không hiểu
Thì nghĩa là kẻ thù.
Không niệm, niệm ắt chánh,
Có niệm, niệm thành tà.
Có, Không đều chẳng chấp,
Thường cưỡi bạch ngưu xa!
4. Điểm đặc biệt thứ tư là tinh thần khoáng đạt, không câu nệ của Lục Tổ. Khi Ngài còn phải lánh nạn, ở chung với bọn thợ săn tại huyện Tứ Hội trải 15 năm, mỗi bữa ăn, Ngài thường gửi rau để luộc trong nồi nấu thịt. Có người hỏi thì Ngài trả lời rằng: “Ta chỉ ăn rau luộc bên cạnh thịt thôi.”
Khi sắp nhập diệt, Ngài gọi đồ chúng mà bảo rằng: “Các ngươi ở lại được an lành. Sau khi ta diệt độ, chớ nên làm theo tình đời, buồn khóc rơi lụy, nhận lễ điếu viếng, mặc đồ lễ phục…”
Đối với Ngũ Tổ, sự trao đổi ý kiến rất ít, rất ngắn, nhưng rất bộc trực. Kinh có chép lời Lục Tổ kể lại khi Ngũ Tổ chèo ghe cho Lục Tổ thoát thân như sau:
“Ngũ Tổ nói: Để ta đưa ngươi.
Lục Tổ nói: Xin Hòa thượng ngồi, để cho đệ tử chèo mới phải.
Ngũ Tổ nói: Ta độ ngươi mới phải.
Lục Tổ nói: Lúc mê thì Tổ sư độ, khi ngộ rồi, thì tự độ lấy mình.
Ngũ Tổ nói: Phải vậy, phải vậy!”
5. Điểm đặc biệt thứ năm là quan niệm rất sáng suốt, rất mới mẻ của Ngài về việc tụng kinh, niệm Phật, về Tam quy Ngũ giới, về tu hành nói chung…
a/ Ngài đã dạy: “Muốn tu hành, tu tại gia cũng được, chẳng cần phải ở chùa. Ở nhà mà tu được cũng như người Đông phương lòng lành; còn ở chùa mà chẳng tu được, cũng như người Tây phương lòng ác.”
Ngài làm ra bài Kệ VÔ TƯỚNG:
Lòng thẳng lo chi giữ giới,
Nết ngay nào dụng tu thiền.
Ơn kia khá nuôi cha mẹ,
Nghĩa ấy hãy thương dưới trên.
Chừa lỗi sinh ra trí huệ
Che dở lòng dạ đâu hiền.
Hàng ngày mở lòng rộng lượng,
Nên đạo đâu phải thí tiền.
Ngài nhấn mạnh: “Việc lập chùa, độ tăng, bố thí, dựng chay, … gọi là cầu phước, chẳng nên cho là công đức. Công đức ở trong pháp thân mình, chớ chẳng ở chỗ tu cầu phước!”. Công đức ở trong tánh mình rõ thấy, chớ chẳng phải bố thí cúng dường mà cầu được! Công đức và Phúc đức khác nhau!
b/ Ngài cũng đã dạy: “Hãy quy y Tam Bảo nơi tự tính của mình. Phật là Giác, Pháp là Chánh, Tăng là Tịnh.
Quy y Giác nơi tâm mình thì tà mê chẳng sinh, thiểu dục, tri túc, hãy lìa tài sắc. Đó gọi là Lưỡng túc tôn.
Quy y Chánh nơi tâm mình thì niệm niệm không có tà kiến, vì không có tà kiến nên không chấp nhân, chấp ngã, không kiêu ngạo, đam mê! Đó gọi là Ly dục tôn.
Quy y Tịnh nơi tâm mình thì tất cả các cảnh giới trần lao ái dục đều chẳng làm nhiễm mình được. Đó gọi là Chúng trung tôn.
Nếu tự theo các hạnh ấy, đúng là tự quy y.”
c/ Lục Tổ giảng cho đệ tử ít khi đi sâu vào những chi tiết vụn vặt hoặc những tranh luận vô ích. Ngài thường đi trực tiếp vào đề, một cách ngắn, gọn, rõ ràng. Khi sư Trí Thường hỏi: “Đã nói có 3 thừa, sao lại còn nói Tối thượng thừa?” thì Đại sư đáp thật gọn như sau:
“Bậc thấy, nghe, chuyên tụng, ấy là Tiểu Thừa.
Bậc tỏ pháp, rõ nghĩa, ấy là Trung Thừa.
Bậc y theo pháp tu hành, ấy là Đại Thừa.
Bậc muôn pháp đêu thông, muôn pháp đều gồm đủ, hết thảy chẳng nhiễm, lìa các pháp tướng, không chấp trước một pháp nào cả, ấy gọi là Tối thượng thừa.
Chữ Thừa thực nghĩa là Làm, chẳng phải lấy miệng mà tranh nhau.”
d/ Tính cách gọn, rõ, hiện ra ngay cả trong lúc Ngài giảng vấn đề chính yếu:
“Nếu tự tính giác ngộ, chúng sinh là Phật.
Nếu tự tính mê mờ, Phật là chúng sinh.
Nếu tự tính bình đẳng, chúng sinh là Phật.
Nếu tự tính tà hiểm, Phật là chúng sinh.
Tâm ta tự có Phật, Phật nơi mình mới là chân Phật.
Tự tâm các ngươi là Phật, chẳng còn hồ nghi. Ngoài tâm ra không có một vật gì có thể tạo dựng ra được, mà chính đều do bổn tâm mà sinh ra muôn pháp vậy. Cho nên trong kinh nói: Tâm sinh, muôn pháp sinh. Tâm diệt, muôn pháp diệt.”
e/ Nói theo cách nói ngày nay, tính cách nhân bản đã thể hiện trong lời giảng dạy của Ngài: “Hết thảy các Kinh Tu-đa-la và các thứ văn tự Đại thừa, Tiểu thừa, 12 bộ Kinh đều bởi cơ duyên của nhân loại mà bày ra, cùng do trí huệ mới kiến lập được. Nếu không có người thế gian, thì hết thảy muôn Pháp tự nhiên không có. Cho nên biết rằng muôn pháp vốn bởi nhân loại mà khởi ra, hết thảy kinh sách đều vì nhân loại mà nói ra.”
Đọc Kinh Pháp Bảo Đàn, chúng ta thấy phấn khởi. Lục Tổ là một người đã cách xa chúng ta hơn 13 thế kỷ mà vẫn rất gần chúng ta. Thông điệp của Ngài rất rõ ràng: Sự tỏ ngộ không liên hệ gì đến nòi giống, đến địa phương, đến bằng cấp, đến địa vị tiền tài… Phật không ở xa, Phật ở ngay trong mỗi người! Quy y Tam Bảo là quy y nơi tự tâm mình. Khi tụng kinh, niệm Phật cần nắm chắc cốt tủy của kinh, không câu nệ danh từ, chữ nghĩa. Lời Phật dạy, đồng thời là lời khuyên răn. Khuyên nên tránh cách tu hành cứng nhắc, câu nệ… tránh con đường của các “hủ Phật tử”, tuy mang danh Phật tử mà thật ra không là con của Phật, vì đã làm trái lời Phật dạy, và hơn nữa, đã phá Đạo Phật, bằng những lời nói và hành động thiếu ý thức trách nhiệm của mình! □
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
…………………………………………….

Share

Leave a Reply

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Paid Links