THƯ ĐI TIN LẠI – Kỳ 27
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú- Montreal 2010
Tượng Phật tại Tokyo-Nhật Bản (Hình : Anne Le 6-2014 cung cấp)
254 – Lấy thí dụ một người mới chết . Thân xác lúc còn sống được gọi là thân tiền ấm . Nếu được tái sinh làm người thì thân xác lúc bấy giờ gọi là thân hậu ấm . Từ lúc chết đến lúc tái sinh, tối đa là 49 ngày . . Thời gian 49 ngày đó, chẳng có thân xác gì nhưng ngườì ta vẫn đặt cái tên là thân trung ấm . Trong 49 ngày (tối đa) đó, thân trung ấm trải qua những gì thì đã được nói trong Tử Thư của Tây Tạng, do các đại sư nhập định theo giõi thân trung ấm mà biết rồi viết ra . Người Việt mình không đi vào mọi chi tiết như thế, chỉ làm lễ cầu siêu 7 lần trong 7 tuần ở chùa mà thôi . Ngày nay, có vẻ người ta khoán trắng cho nhà chùa cầu siêu,, tang gia chỉ dự lễ mà thôi . Có trường hợp tang gia lo tiếp khách, lơ là việc lễ bái hoặc lễ mà ít tin tưởng . Hoàn cảnh bây giờ là như vậy : không có thì giờ và không hiểu ý nghĩa của lễ . Lễ nhằm mục đích trợ giúp cho hương linh người quá vãng, nên tang gia phải hết sức thành khẩn và thận trọng . Thí dụ, trong 49 ngày đó làm nhiều việc lành, giúp đỡ các việc từ thiện …và niệm Phật nhiều rồi hồi hướng công đức cho người mới chết .
255 – Câu nói đó là của thiền sư Bách Trượng Hoài Hải, người thừa kế thiền sư Mã Tổ Đạo Nhất “một ngày không làm, một ngày không ăn” (nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực). Ngài nhận thấy nếu Phật giáo cứ phải phụ thuộc vào sự cúng dàng thức ăn đồ mặc …từ thí chủ thì sẽ mất tính cách độc lập cho nên ngài và các đệ tử hàng ngày làm việc đồng ruộng, vườn tược để tự túc, do đó mới có câu nói nổi tiếng trên kia . Khi tuổi rất cao (quá 90) ngài vẫn làm việc như mọi đệ tử . Các đệ tử thấy tội quá nên dấu đồ làm ruộng của ngài đi . Ngài bèn không ăn, giữ đúng lời nói của mình . Ngài nhịn được mấy ngày, các đệ tử lại phải đưa đồ dùng cho ngài đi làm trở lại . Lúc đó ngài mới ăn .
Khi Phặt giáo bên Tau gặp pháp nạn, vô số chùa bị phá, vô số sư sãi phải hoàn tục, chỉ có thiền tông tạm đứng vững vì tự lập, chùa viện thì nhỏ và ít, kinh sách coi như không có .
Phật giáo trong và ngoài nước ta ngày nay ra sao ? Đạo hữu chắc biết rõ hơn tôi !
256 – Thường thường, các vị thiền sư nhìn đức Phật với con mắt “khang khác”, ý tôi muốn nói các vị ấy chỉ coi Phật là đạo sư, còn đa số Phật tử tin rằng đức Phật tuy không cải nghiệp cho chúng sinh được nhưng có thể “phù hộ” được do tâm từ bi vô biên của ngài, thế mới có câu “Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn” . HT Thanh Từ (tu Tịnh độ rồi quay sang tu thiền), một thiền sư mà nhiều người biết, đã viết : “Phật tử phải cúng dường lễ bái Phật, nhưng cúng dường Phật để phát thiện tâm, lễ bái Phật để tỏ lòng khát khao giải thoát giác ngộ . Không nên có quan niệm cúng dường Phật để cầu Phật ban ơn, lễ bái Phật cầu ngài tha tội . Dù cho lễ Phật sám hối cũng không có nghĩa là cầu tha tội . Đó chẳng qua là nhờ Phật làm đối tượng để phát tâm ăn năn, chừa cải và hổ thẹn . Có biết như thế thì sám hối mới hết tội . Chúng ta hãy trả đức Phật về vị trí của ngài là bậc “Đạo sư” . Chúng ta cũng phải tu tập đúng với tinh thần Phật tử là tự độ độ tha . Đừng bao giờ xem Phật đủ cả quyền năng ban phúc, giáng họa . Cũng không nên ỷ lại, gởi gấm cả cuộc đời mình vào quyền năng của ngài . Nếu có tư cách đó là phản bội đức Phật và không phải là ngươi Phật tử” .
(Phật giáo với dân tộc, ấn tống, 1999, tr 112-113).
Đó là lập trường của các thiền sư, và từ đó họ có thể làm những thứ mà Phật tử “kém” không dám làm (chẻ tượng Phật để đun nước chẳng hạn). Trong cuốn Bước đầu học Phật (Suối Trắc Bá ấn tống),, HT Thanh Từ nói đại khái rằng chư tăng không nên đi làm lễ cầu siêu cho người mới chết, “đạo Phật là đạo độ sinh chứ không phải độ tử” (tr 44-45). Thế mới là nhẹ thôi . Còn có thiền sư đi xa hơn rất nhiều nữa, tôi không dám nói, e va chạm .
257 – An Thế Cao là một nhân vật có thật . Ông là thái tử nước Parthie (Parthia, An Tức, hay An Tây ?, một nước ở vùng đất Iran ngày nay) không lên ngôi tiếp theo cha mà lại nhường cho chú để xuất gia . Ông là một cao tăng, học rộng, thông cả Kinh Phật lẫn ngoại điển . Ông tới Trung quốc năm 147 sau Tây lịch, ở chùa Bạch Mã tại kinh đô Lạc Dương của nhà Hậu Hán để dịch kinh,từ chữ Phạn sang chữ Hán . Người ta nói ông dịch được 176 bộ kinh nhưng vì loạn lạc, giặc giã, nay chỉ còn khoảng 55 bộ . Như thế cũng là nhiều lắm .Ông là người rất có công trong việc hoằng dương Phật pháp ở Trung quốc vào thời kỳ đạo Phật mới lan tới đó .
Theo truyền thuyết, ông có thần thông . Ông biết được kiếp trước của ông và cái nợ mà ông phải trả nên khi sắp bị giặc chém (năm 180), ông vẫn thản nhiên .
Chú thích : Trước An Thế Cao, đã có hai nhà sư Thiên Trúc Ca-Diếp-Ma-Đằng và Trúc Pháp Lan đến Lạc Dương dịch kinh tại chùa Bạch Mã . Hai vị chở kinh Phật tới trên một con ngựa trắng nên chùa mới có tên ấy .
258 – Khi nhận được câu hỏi của đạo hữu , tôi tìm mượn được cuốn Văn Học Đời Lý của Ngô Tất Tố, nhà Xuân Thu tái bản ở Houston, Hoa Kỳ . Trong đó, chỉ thấy ghi có một bài của thiền sư Vạn Hạnh mà thôi . Đó là bài Thị Đệ Tử (Bảo các đồ đệ) do Ngô Tất Tố dịch như sau :
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô, Thân như bóng chớp có rồi không,
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô . Cây cối xuân tươi, thu não nùng .
Nhiệm vận thịnh suy vô bố úy, Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi,
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô . Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông .
Dịch giả giải nghĩa : Bài này có ý nói cõi đời không có cái gì vĩnh viễn, thân cũng như bóng chớp, có rồi lại không ; các thứ cây cối, mùa xuân thì tươi, mùa thu lại khô . Vận của cõi đời, có lúc thịnh, có lúc suy, nhưng cũng đừng sợ, sự thịnh suy đó chỉ là tạm thời, cũng như giọt sương đọng trên ngọn cỏ vậy .
Cũng trong sách nói trên đây, có một bài của thiền sư Mãn Giác, đầu đề là Cáo tật thị chúng (Có bệnh, bảo mọi người), do Ngô Tất Tố dịch như sau :
Xuân khứ bách hoa lạc, Xuân ruổi, trăm hoa rụng,
Xuân đáo bách hoa khai . Xuân tới, trăm hoa cười .
Sự trục nhỡn tiền quá, Trước măt, việc đi mãi,
Lão tòng đầu thượng lai . Trên đầu, già đến nơi .
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai . Đêm qua, sân trước, một cành mai .
Dịch giả giải nghĩa : Bài này ý nói vạn vật trong vũ trụ phần nhiều là những huyễn tượng, không có gì vĩnh viễn . Giống như trăm hoa : mùa xuân đến thì nở, mùa xuân đi thì tàn .Đời người cũng vậy :lúc trẻ, công việc hàng ngày hàng phút đi qua trước mắt, mình không để ý, cái già nó tiến đến trên đầu mình lúc nào . Tuy vậy, cũng đừng nên tưởng rằng : hễ khi xuân tàn, có bao nhiêu hoa đều phải rụng cả . Giữa lúc tiết trời giá rét, cây cối trơ trụi, mà đêm hôm qua, ở trước sân, một cành mai đã nở hoa kia kìa . Những người tu hành đắc đạo được nên chính giác, có thể vượt ra ngoài cuộc sinh hóa của trời đất, cũng giống như cành mai ấy .
259 – “Khi bàn về tư tưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhiều người có ý kiến khác nhau … Sự thật tư tưởng ông cũng phức tạp như thời đại của ông . Từ thuở nhỏ, ông học được nghĩa lý vua tôi trong sách nên thường ước được “tôi lành chúa thánh minh” ; nhưng lớn lên lại không thấy Nghiêu Thuấn của thời đại “hoàng kim” như Lê Lợi, Lê Thánh Tông, mà chỉ thấy Lê Tương Dực với “tướng lợn” hay Mạc Đăng Dung với dáng điệu bỉ ổi “cổ đeo thừng, đi chân không” đến tận dinh tên giặc Mao Bá Ôn xin cắt đất … Rõ ràng, thái độ và hành vi tùy thời xuất xử của ông là sự biểu hiện hai mặt của tư tưởng Khổng Lão … Trong tư tưởng của ông, nếu có cái phiêu diêu của Lão Trang, cái thoát tục của Phật Giáo, thì chủ yếu vẫn có cái ưu ái tích cực của người nho sĩ chân chính “ (theo Bùi Văn Nguyên).
Trong tập san Phật giáo này, tôi xin trích đăng một bài thơ của cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đầu đề Du Phổ Minh tự (Thăm chùa Phổ Minh):
Pháp giới dữ đồng thiên quảng đại,
Thổ nhân theo thuyết địa anh linh .
Liêu liêu cổ đỉnh kim hà tại ?
Thức đắc vô hình thắng hữu hình .
Nghĩa là : Pháp giới sánh cùng với trời đất rộng lớn, Người ở đó còn nói rằng đất anh linh, Đỉnh cổ nay ở đâu ? Thế mới biết vô hình thắng hữu hình .
Chùa Phổ MÌnh ở Tức Mạc, huyện Mỹ Lộc, gần thành phố Nam Định, nơi đây các vị vua nhà Trần thường lui về làm Thái Thượng hoàng sau khi nhường ngôi cho con . Ở đó có một cái đỉnh gọi là đỉnh Phổ Minh, tương truyền có thể nấu được cả một con bò . Sau, quân nhà Minh phá đỉnh ấy để đúc khí giới . Câu cuối của bài thơ nêu lên một quan niệm của đạo Phật : hữu hình tất hữu hoại, có sinh ắt có tử . Bất cứ thứ gì mà do nhân và duyên hợp lại thì không bền, thì vô thường, vì khi nhân duyên tan rã thì vật cũng hết . Cái vô hình quý hơn, nó thắng hữu hình, cái vô hình đó là bản thể của vạn pháp tức sự sự vật vật, đó là Phật tánh, là Chân Như vậy .
260 – Hàn Dũ là một tiến sĩ, làm quan Ngự sử đời nhà Đường bên Tàu, cuối thế kỷ VIII, đầu thế kỷ thứ IX . Ông là người theo đạo Nho, cực lực bài xíchđạo Phật trong khi vua Đường Hiến Tông sùng mộ đạo Phật . Khi nhận tờ biểu của ông can ngăn việc đón xá-lợi Phật, vua tức giận định xử chém, nhưng nhờ có quần thần can gián nên chỉ đày Hàn Dũ đi làm thứ sử Triều Châu (thuộc Quảng Đông bây giờ ) .
Hàn Dũ đã viết : “…Vua Vũ Đế nhà Lương ở ngôi được 48 năm, ba lần xả thân đi làm tăng, sau bị giặc vây, phải chết đói . Thờ Phật cầu phúc mà lại phải họa . Lấy đó mà xem, thờ Phật không nên tin …Phật là người cõi ngoài (ý nói không phải người Trung quốc), không cần biết cái nghĩa vụ bề tôi, cái ân cha con . Nếu Phật có thiêng, phàm những điều họa ương, xin để một mình tôi chịu “.
261 – Tôi không biết chữ Nho, không đọc được sách chữ Nho . Truyện sau đây chỉ được nghe kể mà thôi, đạo hữu nào biết kỹ hơn, xin bổ túc cho . Lúc bấy giờ, vào thời nhà Tùy ở bên Tàu, vua sùng mộ đạo Phật lắm . Có một bọn mười người mặc giả nhà sư làm loạn . Vua bực lắm, ra lệnh bắt giam hành hạ các sư, rất cực khổ . Một nhà sư tên là Đại Trí cầu nguyện xin Tam bảo cho mình đốt hai cánh tay để cúng dàng, mong cứu vãn đạo Phật . Khi trình lên vua, lúc này vua đã hối hận, vua cho Đại Trí thuyết pháp . Người nghe rất đông . Sư tẩm dầu vào hai cánh tay, đốt như hai ngọn đuốc, điềm nhiên ngồi giảng pháp . Bảy ngày sau mới tịch .
262 – Tôi không biết câu chuyện có thật hay do người ta đặt ra để chế nhạo Phật giáo . Một thiền sư không dám giết rận vì sợ phạm tội sát sinh . Vì thế, trong người có quá nhiều rận . Khi ngứa quá chịu không nổi,phải cởi áo ra bắt rận ném xuống đất, chứ không giết . Có người chê rằng ném rận xuống đất, chúng bị lạnh nên chết, vậy là phạm tội sát sinh ! Làm sao bây giờ ? Khó trả lời qúa phải không đạo hữu ? Tôi không biết nói sao, tôi hỏi một ông bạn già, ổng nghiêm trang bảo : “Đem hết tất cả quần áo v.v…luộc hết, giặt giũ cho sạch, rồi tụng kinh sám hối và kinh cầu siêu ; tu hành mà không chịu giữ cái thân cho khỏe mạnh thì lấy gì mà tu !” . Xin thỉnh ý các đạo hữu .
(Còn tiếp)
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
Montreal 2010 .
………………………………………………..
BƯỚC VÀO CỬA PHẬT – Quyển 3
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
Montreal 2010
Đề tài ôn tập : Bài 7. SUY NGHĨ VỀ ĐẠO PHẬT
1. Là một thành viên của ban Hoằng Pháp Tổ Đình Từ Quang Montréal, chúng tôi thường được cử nói chuyện về Phật pháp với các đạo hữu hoặc là đến các vài trường địa phương giảng cho thanh thiếu niên hiểu đại cương về đạo Phật. Khi được tiếp xúc với các thính giả mọi lứa tuổi trong các dịp đó, chúng tôi thấy nẩy ra một số câu hỏi, một số vấn đề, khó hoặc dễ, nông hoặc sâu liên quan đến đạo Phật. Hôm nay chúng tôi xin trích ra vài đề mục để trình bày cùng quý vị.
Chúng tôi xin gác qua một bên những đề tài có tính cách nghiên cứu chỉ có ích cho những ai thích tìm hiểu đạo Phật qua siêu hình học, thần học, khoa học nhưng ít có lợi lạc cho các Phật tử tu hành nhằm giác ngộ và giải thoát. Đó là các vấn đề: Đạo Phật có phải là một tôn giáo không? Có phải là một triết lý không? Con người từ đâu tới? Vũ trụ do đâu mà thành? Chắc chắn, có nhiều sách đã thảo luận về các vấn đề trên đây.
2. Chúng tôi xin phép bắt đầu bằng những hiểu lầm về Phật giáo không phải riêng ở người ngoại quốc mà ngay ở người VN ta.
■ Người ta nghĩ rằng Phật giáo là một tôn giáo yếm thế, nhìn đâu cũng thấy khổ não. Từ quan niệm căn bản đó, người ta sinh ra chán đời, bỏ nhà vào rừng đi tu, “trốn việc quan đi ở chùa”, “mũ ni che tai”.
Trong bài pháp đầu tiên nói về Tứ Diệu Đế, đức Phật không dùng những câu như “đời là bể khổ”, “nước mắt chúng sinh nhiều bằng nước trong đại dương …Thật ra, Ngài nói “đây là sự thật về khổ” và khi thuyết về “khổ”, Ngài đâu có bi quan, Ngài chỉ nói lên nhận xét chân thực của Ngài mà thôi. Hơn nữa, Ngài không dừng lại ở đó, Ngài chỉ cho chúng ta thấy đâu là nguyên nhân của đau khổ và con đường để thoát khổ. Có vô số pháp môn để thực hiện giải thoát khỏi cái đau khổ to lớn nhất là vòng sinh tử luân hồi. Hơn nữa, người tu Phật không có ý trốn đời mà có nguyện lớn là trước cầu giác ngộ, sau giúp chúng sinh. Người tu Phật cũng không phải là người ăn bám xã hội, ai cũng biết lời dạy của ngài Bách Trượng: “một ngày không làm là một ngày không ăn”. Lẽ dĩ nhiên, nhiều người đưa ra một số trường hợp “bê bối” về tiền bạc, những vụ vay khéo rồi sau “xí xóa” nhân danh “cúng dàngTam Bảo”!
■ Có một số người khác lý luận rằng: “đạo nào cũng thế, đạo nào cũng dạy làm lành tránh dữ cả”. Điều này quả là đúng. Tuy nhiên, đối với người tu Phật thì làm lành tránh dữ chỉ là những bước đầu của cả một quá trình tu tập lên đến mức giác ngộ và giải thoát. Làm lành tránh dữ thuộc về tu phước. Phước là điều kiện cần, chưa phải là điều kiện đủ để thành đạo giác ngộ và giải thoát. Thật vậy, cần phải đủ cả phước đức và trí huệ mới gọi là tu đến nơi được.
■ Lại nữa, có người khi đến chùa nhân một dịp nào đó, nghe tụng kinh dài dòng với những câu thần chú tiếng Phạn mờ mịt, với một số lời kinh khó tin, những lễ nghi cổ điển … nẩy ra ý kiến cho rằng đạo Phật đã nhiễm nặng tính cách mê tín dị đoan. Người chết rồi đâu có nghe được lời kinh cầu siêu, đâu có hiểu tiếng Phạn, đâu có thọ trai được … Quả thật, cũng có những chỗ khó hiểu nếu không được nghe giải thích; quả thật, có những điều có vẻ phổ thông mà thật ra không do chính đức Thích-Ca thuyết ra, Phật giáo cần nghiên cứu uốn nắn lại. Nói thế không có nghĩa là đạo Phật đã lầm lẫn chỗ nào đó. Không, đạo Phật “chính cống” đâu có lầm lẫn, có thể chỉ là nghi thức cúng kiếng cần coi lại mà thôi! Và quan trọng hơn là coi lại những “kinh” mà không từ kim khẩu của đức Phật nói ra! Tuy vậy, thiện chí học hỏi của người tới chùa tham dự một khóa lễ nào đó là điều cần thiết. Muốn hiểu thì cần học, cần hỏi, sau đó mới suy nghĩ, cân nhắc và đánh giá, không nên vội vàng kết luận. Chúng ta cũng nên tự hỏi rằng có được bao nhiêu chùa giảng về đạo Phật cho Phật tử ngoài việc “cúng kiếng’ ‘chập cheng’ giống thày cúng?
■ Ngoài ra, một số người đưa ra câu “Phật tại tâm” để biện minh cho việc lười học tập, lười đến chùa. Phật tại tâm rồi mà, tìm làm gì nữa cho mệt! Nhưng cái khúc mắc nhất lại ở chỗ “Phật nào?”, “tâm là gì?” Chắc chắn là Phật không ở trong cái tâm phàm đầy dẫy tham sân si của chúng sinh, mà dù có ở rồi cũng bị phiền não che lấp mất rồi! Chớ nên dùng câu đó để biện minh cho sự ngại ngùng tìm hiểu và tu tập của mình.
■ Và đây, một lời phê bình mà chúng tôi đã đọc được: “Đạo Phật không biết phân biệt thiện ác”. Chắc chắn rằng người đã nhận xét như vậy cũng đã đọc qua một vài cuốn sách Phật. Thí dụ : trong kinh Pháp Bảo Đàn, Lục tổ Huệ Năng bảo sư Huệ Minh rằng: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, chính khi ấy cái gì là bản lai diện mục của thượng tọa Minh?”. Thật ra, trước câu này, còn một câu nữa: “Ông đã vì pháp mà đến thì nên dứt sạch các duyên, chớ sanh một niệm”… Khi nói “sinh tử tức niết-bàn, phiền não tức bồ-đề”… thì có ý nói đến chân đế (còn gọi là đệ nhất nghĩa đế) tức là bước vào phạm vi tuyệt đối, không còn có những cặp đối đãi nhị nguyên nữa (thiện ác là một cặp đối đãi). Về điểm này, người học Phật như chúng ta cần phải thận trọng, lúc nào là tục đế, lúc nào là chân đế, lúc nào là tương đối, lúc nào là tuyệt đối, cần nhận định rõ ràng mới khỏi lầm lạc.
3. Trong số Phật tử, không phải là không có những người thích đề cao đạo Phật, chỉ mong chứng minh rằng đạo Phật hợp với khoa học, đạo Phật là đạo của dân tộc ta, gắn liền với lịch sử nước ta v.v… Những nghiên cứu đó đáng được tán thưởng và ca ngợi. Tuy nhiên, cần nhớ rằng “đạo Phật là đạo thoát khổ ”, đức Phật là đạo sư chỉ cho chúng sinh con đường giác ngộ và giải thoát, ngài không phải là giáo sư vật lý hay vũ trụ học … Hơn nữa, cần tránh sự “tự đề cao”, “thái độ kiêu ngạo” đồng thời gạt bỏ việc “tấn công” các tôn giáo khác – do vô tình hay cố ý – vì làm như thế là trái với tinh thần đạo Phật.
4. Câu hỏi lớn đối với chúng ta bây giờ là “Đạo Phật có ích gì cho thế gian, cho đất nước trong giai đoạn lịch sử hiện nay?” . Nhìn vào xã hội bây giờ, ai ai cũng nhận thấy rằng con người đã tiến bộ rất nhiều về mặt khoa học, kỹ thuật, y dược… Những thành tựu to lớn về các mặt này làm cho chúng ta thán phục, thí dụ quá nhiều, không kể hết được. Tuy nhiên, ta phải thành thực thú nhận rằng nhân loại còn vướng mắc nhiều vấn đề nan giải, nhiều tai họa ghê gớm.
■ Chiến tranh “lạnh” đã chấm dứt, song còn biết bao nhiêu cuộc chiến tranh “nóng”, lớn nhỏ còn đang diễn ra, tàn phá thế giới, sát hại sinh linh; giết nhau vì chủ nghĩa chưa hết, đã tiếp đến giết nhau vì bộ lạc, vì sắc tộc, vì quyền lợi kinh tế, vì tài nguyên thiên nhiên …
■ Cuộc chiến đấu chống ma túy dù mạnh mẽ vẫn chưa đạt kết quả khả quan. Số người nghiện ngập chưa hề giảm. Địa bàn của ma túy không còn chỉ là Bắc Mỹ nữa mà đã lan sang châu Âu và châu Á.
■ Trong khi một số bệnh đã được coi như bị diệt hẳn thì một số bệnh khác vẫn chưa có thuốc chữa, một số bệnh có vẻ lan rộng ra như ung thư và AIDS.
■ Sự gia tăng dân số và sự di dân vào đô thị làm cho thành phố trở nên đông nghẹt. Bao nhiêu vấn đề từ đó phát sinh: nghèo túng, bệnh tật, bạo lực, tội ác, mại dâm …
■ Không phải chỉ riêng các ngân hàng, các hãng bảo hiểm chi phối cuộc đời con người từ lúc sinh ra cho đến lúc nằm xuống mà các hãng truyền thông mặc tình uốn nắn tư tưởng và lập trường của con người…
■ Sự ô nhiễm môi sinh đã lên đến mức cao độ. Địa cầu nóng lên, ảnh hưởng lớn đến băng đá ở Nam và Bắc cực. Thêm vào đó là sự “ô nhiễm tinh thần” và sự trống rỗng tâm linh.
5. Trước tình trạng này, Phật giáo có thể mang đến một số giải đáp. Nếu những giải đáp này hợp với nhu cầu thế giới, đúng với ước vọng của con người thì Phật giáo sẽ trường tồn và phát triển. Ngược lại, Phật giáo sẽ mất chỗ đứng trong lòng số đông vì rễ cây không còn ăn sâu xuống đất nữa.
■ Điểm đầu tiên mà chúng tôi nghĩ đến là “tự do tư tưởng” và “tinh thần khoan dung” do Đức Thế Tôn đề xướng và phổ biến. Nếu ai cũng được tự do suy nghĩ theo những nhận xét, lý luận riêng của mình, được phát biểu ra, đồng thời chấp nhận để người khác có ý kiến của họ và phát biểu ra, rồi cùng thảo luận để tìm sự thật hay tìm giải pháp tối hảo thì rõ ràng đó là “dân chủ chân chính”. Những đối kháng, tranh chấp, chém giết… do khác biệt chính kiến, quan niệm, lập trường … hy vọng sẽ giảm thiểu đi; nếu hết được thì thật là lý tưởng!
Xin mời quý vị đọc lại một số câu trích trong kinh Kalama, ghi lại những lời mà Đức Phật đã dạy các người dân Kalama: “Đừng vội tin vào bất cứ điều gì mỗi khi nghe người khác nói. Đừng vội tin vào điều gì mà người đời cho rằng đó là truyền thống đã được lưu truyền khắp nơi. Đừng vội tin vào các loại sách vở, văn bản, trước tác, dịch thuật, chú thích… dù các thứ đó do các bậc thánh nhân viết ra. Cũng không nên mù quáng dễ dàng tin theo các chủ thuyết, những ý tưởng khác lạ mà mục đích là dẫn đến chỗ hão huyền thần bí … Không nên tin vào những điều phỏng đoán, những trường hợp trùng hợp ngẫu nhiên, những lý luận suy đoán. Không nên bám chặt vào những ý nghĩ lệch lạc như hãnh diện vênh váo về một phong tục, một loại y phục, một thứ ngôn ngữ, tự cho đó là văn minh nhất. Chớ nên tin vào các điều do chính thầy mình dạy hay thầy mình tôn sùng, tin sâu. Phải tự mình suy nghĩ và cân nhắc.” Xin nhấn mạnh vào câu cuối cùng.
Trong lịch sử Phật giáo người ta có nhắc đến vua A-Dục, vị anh hùng đã thống nhất Ấn-Độ vào thế kỷ thứ III trước Tây lịch, đã quy y Phật, đã thọ giới tỳ-kheo và đã gia nhập Tăng-già. Sự nghiệp hoằng pháp của nhà vua rất lớn, nhà vua đã cho dựng nhiều cột đá tại các nẻo đường để dẫn dân chúng làm lành. Trên một cột đá đó, người ta đọc được như sau: “Không nên chỉ tôn vinh tôn giáo của mình mà dè bỉu tôn giáo của người khác. Phải tôn vinh cả tôn giáo của người khác vì lý do này hay vì lý do khác. Làm khác đi, là đào mồ chôn chính tôn giáo của mình, đồng thời làm hại tôn giáo khác … Vì thế, sự hòa hợp là hay, hãy nghe và chịu khó nghe những học thuyết do tha nhân truyền bá.”
Những ai định núp dưới danh nghĩa Phật giáo, ẩn dưới mái chùa để tuyên truyền đả phá tôn giáo khác, gây chia rẽ giữa đồng bào, thực hiện âm mưu đen tối, cần phải biết rằng Phật tử không làm như vậy. Đạo Phật là đạo khoan dung. Về chỗ này, đồng bào thuộc các tôn giáo khác nên hiểu lập trường của đạo Phật.
Ngay cả đến những lời do thầy mình nói ra, mình cũng phải suy nghĩ trước khi chấp nhận! Đức Thế Tôn đã dạy như vậy, nói rằng ngài can đảm là thừa. Ngài dạy các đệ tử phải can đảm, mọi người phải can đảm, phải tự tin, phải vận dụng đầu óc, suy nghĩ, cân nhắc, phê phán rồi sau mới nhận và từ đó mới tin. Niềm tin này sẽ là niềm tin chắc chắn, sắt đá, trái với lòng tin mù quáng, thời thượng, theo đuôi.
Ở chỗ này, Phật tử chúng ta cũng cần nói ra rằng Phật giáo đại thừa có đề ra một tín điều (không thể chứng minh bằng diễn dịch hay bằng thí nghiệm như các khoa học chính xác thường làm). Một viên đá làm nền cho Phật giáo đại thừa là: “Các hiện tượng trên thế gian thì khác biệt nhau nhưng bản thể của chúng chỉ là một”. Thí dụ thường được dùng là: hiện tượng như sóng, bản thể như nước. Các đợt sóng khác nhau, nhưng nước là một. Bản thể này có nhiều tên gọi, tựu trung không có tên nào đầy đủ ý nghĩa, vì bản thể thuộc về tuyệt đối, lời nói văn tự không đủ để diễn tả được. Phải tu hành cao đến một mực nào đó mới chứng ngộ được “cái đó”. Mà người chứng ngộ thì lại không nói ra! Vậy ai cứ cố chứng minh rằng Phật giáo là khoa học, thì cũng phải nhận rằng Phật giáo có một tín điều. Có phải đó là khía cạnh tâm linh của Phật giáo không? Chúng tôi nghĩ rằng phải hết sức thận trọng về điều này, và xin thỉnh ý quý vị. Sợ nhất là câu phê bình sau này: Bà-la-môn giáo có Đại Ngã, Phật giáo có Pháp tánh, Phật tánh! Nó làm cho người ta tưởng rằng Đại Ngã là Phật tánh! Ngoài ra Phật giáo Đại thừa còn đưa ra ý niệm Tam thân mà Phật giáo Nguyên Thủy không có. Tin mà chưa thấy thì lại trái với kinh Kalama!
6. Con người khi đã tin vào sự suy nghĩ chín chắn của chính mình sau khi đã nghe nhiều ý kiến khác nhau sẽ có một sức mạnh tinh thần chứ không phải là lòng tin mù quáng (dù sao làn ranh giữa hai thứ đó rất là mỏng manh!). Chính sức mạnh này là võ khí để chống lại sự “ô nhiễm tinh thần” mà chúng tôi đã nói ở trên. Trong một buổi truyền hình mà chúng tôi được coi ở Montréal, người ta đã phỏng vấn một nhà khoa học người Nga về chương trình không gian, ông này có nói một câu: “Khi phi hành gia Mỹ Neil Armstrong đặt chân bước trên mặt trăng, dân Liên xô không được thông tin, mười năm sau mới được biết!”. Tất cả đều được nhồi nặn bằng tuyên truyền độc đảng … Ngày nay, phụ huynh nào cũng phàn nàn rằng ti-vi là một cái “nạn”. Con cái, từ bé đến lớn, dán chặt mắt vào cái ti-vi. Quảng cáo, đấm đá, giết chóc, tin tức, v.v… đều được thu xếp để “điều kiện hóa” người xem. Mọi thứ có người khác nghĩ hộ, làm hộ… Thể thao là để xem, không phải để thực hành! Các cơ quan từ thiện mọc ra như nấm, không biết cái nào là chính đáng, cái nào giả hiệu để làm tiền… Cả đến tôn giáo cũng đã bị băng hoại.
Chúng ta không kết tội sự tiến bộ của khoa học và kỹ thuật, ngược lại mới đúng. Chúng ta chủ trương huấn luyện sức mạnh tinh thần, chỉ vẽ một con đường tâm linh để con người giữ vững nhân tính, nhân cách và thăng hoa bản thân. Nhờ sức mạnh tinh thần, nhờ thói quen cân nhắc và thêm vào đó nhờ tiếp xúc luôn luôn với thực tế, con em chúng ta mới vượt qua được sự “ô nhiễm tinh thần” để nhìn rõ được sự thật về lịch sử, sự thật về kinh tế, chính trị … của đất nước và của thế giới để có một lập trường đứng đắn do cái nhìn “thực như vậy” (như thị).
7. Con người xưa kia “vừa huýt sáo vừa làm việc”, vui mà làm, vui mà sống. Con người ngày nay lúc nào cũng vội, lúc nào cũng lo, lo đủ thứ; lúc nào cũng nợ, nợ đủ thứ. Tóc sớm bạc, chân sớm yếu. Phật giáo giúp được gì? Giúp được nhiều lắm. Đầu tiên là thuyết “tri túc” trong kinh Bát Đại Nhân Giác. Người thanh niên ngày nay hình như lúc nào cũng bị một hay nhiều ham muốn ám ảnh, bám víu, làm thành một sức thúc đẩy chạy đua với người khác và với chính mình, nói chung những ham muốn đó thuộc về lãnh vực vật chất. Vì thế thì giờ, sức khỏe, năng lực đều dành cho những đòi hỏi đó, quên bản thân, quên vợ, con. Không có số thống kê rõ ràng, nên không thể biết bao nhiêu phần trăm gia đình có hạnh phúc, bao nhiêu không có hạnh phúc. Nếu được chỉ dẫn cho hiểu biết về quan niệm tri túc thì cuộc đời sẽ tươi đẹp hơn. Cái khó là biết đến mức nào là túc, và một câu hỏi đặt ra là: có phải vì tri túc mà bỏ quên sự cố gắng tiến lên hay không? Đứa trẻ bỏ học lúc 17 tuổi có thể lấy lý do “tri túc” chăng? Câu trả lời là: tri túc để đáp lại dục vọng chứ không phải là bức tường để ngăn tiến bộ. Học hỏi để tiến bộ không phải là dục vọng, ảo vọng.
Tóm lại, cái mà Phật giáo chúng ta có thể cống hiến cho thời đại là sự thăng bằng trong cuộc sống vật chất và tâm linh. Dĩ nhiên, các tôn giáo đều muốn cống hiến sự thăng bằng trong cuộc sống vật chất và tâm linh. Riêng Phật giáo có một tính cách hấp dẫn riêng đối với các thế hệ được hun đúc trong tinh thần khoa học thường xa lánh những điều mà họ đánh giá là mê tín dị đoan. Trong trường hợp này, chúng ta không cần và không nên nêu ra những quan niệm về con người (đất, nước, gió, lửa…) hay vũ trụ (núi Tu-di…) mà chỉ trình bày những điều cốt lõi của Phật giáo: tứ diệu đế, vô thường và vô ngã, duyên sinh. Chúng tôi nghĩ rằng như vậy thật là quá đủ đối với những người đến với đạo Phật.
8. Người ta nói đến đạo Phật, người ta đến chùa. Chúng ta tiếp họ như thế nào? Chúng tôi không muốn nói đến sự tiếp đãi nồng hậu hay lạnh nhạt, mà muốn nói đến sự hành đạo mà khách thập phương nhìn thấy, nghe thấy tại chùa. Đã có người bảo rằng Phật giáo là vô thần, nay khách đến chùa thấy nhiều tượng quá, lại nghĩ Phật giáo là đa thần! Nghe đọc thần chú, thấy mờ mờ mịt mịt, vì đó là tiếng Phạn. Nghe tụng kinh, chẳng những là dài mà lại có những đoạn “nhảy vào lửa mà lửa không làm cháy được, rơi xuống nước mà nước không làm ngộp được” v.v… Lại ngồi xếp chân bằng tròn, quỳ, lạy, đó là những việc khó làm vì đau chân, mỏi lưng quá. Người lớn, do kiên nhẫn, do lịch sự (có khi do cảm tình với các gia đình xin cầu siêu) còn ngồi yên được, thanh thiếu niên nhiều khi bộc lộ sự sốt ruột một cách cụ thể … Vậy thì cách làm lễ phải thay đổi như thế nào cho hợp với thời đại mà vẫn giữ được tinh thần đạo Phật? Chúng tôi chỉ dám nêu ra vấn đề thôi, không dám nêu ra giải pháp. Một lần, có duyên tiếp xúc với một hòa thượng, chúng tôi đã nêu việc các cư sĩ nói pháp cho đồng bào nghe. Vị hòa thượng không đồng ý, bảo rằng việc nói pháp nên dành riêng cho tăng sĩ và cư sĩ nào biết ngoại ngữ nên nói pháp cho người bản xứ và nên dịch kinh sách Phật cho họ đọc! Đến chùa này thì nghi lễ này, đến chùa kia thì nghi lễ kia, thật là khó hiểu. Chùa này có tụng kinh tiếng Việt và có giảng kinh, chùa khác lại không.
9. Đạo Phật là một đạo để thực hành chứ không phải để nghiên cứu xuông. Do đó vấn đề tu tập cần phải đặt ra. Thấy đại sư Suzuki thành công trong việc giới thiệu Thiền học với thính giả Tây phương, một số người cũng theo đường lối đó, giảng dạy về Thiền, đôi khi thêm thắt vài chi tiết thực hành để làm lóa mắt người nghe. Giới thiệu đạo Phật qua Thiền thì khỏi phải nói đến Thượng Đế, Giáo Hội, chùa chiền, lễ bái … chỉ thiền thôi. Người Tây phương thấy hả dạ! Có điều nên đề phòng là: không nên biến Thiền thành một môn dưỡng sinh thở thở hít hít để bớt căng thẳng thân thể và tinh thần! Nếu chỉ có thế thôi thì tội cho đạo Phật quá! Vả lại, ai truyền thừa? Đệ tử “bốc” thày lên chứ chẳng thấy Tổ nào cả !
Ngoài ra, chê bai pháp môn Tịnh độ là “yếu mềm, dựa vào tha lực” cũng là một điều nên tránh. Pháp môn niệm hồng danh đức A-Di-Đà cầu vãng sanh lạc quốc không phải là một thứ hèn yếu, thiếu tự tin. Công phu đều mỗi ngày để tự thanh tịnh hóa đòi hỏi kiên nhẫn và ý nguyện vững mạnh. Điều này sách vở đã nói nhiều, chúng tôi chỉ xin nhắc một điều là không nên đề cao Thiền mà dè bỉu Tịnh-độ. Lý luận rằng Tây phương đã chán với việc cầu xin đức Chúa cứu rỗi, nay lại dẫn cho họ cầu xin đức A-Di-Đà cứu rỗi thì cũng chẳng hơn gì! Thực ra, pháp môn niệm Phật về căn bản là một phương pháp huấn luyện tâm lý nhằm thanh lọc tâm ý, tránh các tạp niệm, tà niệm và ác niệm, chỉ còn có thiện niệm mà thôi.
10. Còn một số vấn đề thực tế mà Phật giáo cần phải có giải đáp: đó là vấn đề phá thai, vấn đề phụ nữ giữ chức vụ truyền giáo, vấn đề kỷ luật của tăng-già, vấn đề mang thai giúp, vấn đề trợ tử kéo dài cuộc sống của bệnh nhân hấp hối vv…
Ấy là chưa kể những vấn đề của riêng Phật giáo Việt Nam chúng ta nữa. Thật là đau khổ, mấy chục năm rồi, chưa đâu vào đâu! Ào ào làm chùa, chạy đua cất chùa lớn, nhảy vào đời với chức vụ nọ kia chưa chắc có thực, trưng bằng cấp này nọ, giữ giới không nghiêm chỉnh hoặc phá giới, đòi đổi giới luật, chống đối lẫn nhau, bỏ quên hẳn mục đích giác ngộ và giải thoát mà chạy theo mê tín dị đoan, thậm chí coi việc xuất gia là một nghề làm ăn dễ dãi vv … Báo chí còn phát lộ chuyện những cán bộ được huấn luyện có “bài bản”, đội lốt tăng, ni chen vào các chùa để gây chia rẽ nội bộ một chùa , chia rẽ các chùa nói chung, làm mất uy tín của đạo Phật, không những ở trong nước mà cả ở ngoài nước!
Ngay bây giờ đây Phật giáo Việt Nam trong nước và ngoài nước nói chung đang đứng trước những vấn đề hết sức quan trọng đe dọa đến sự tồn tại một cách quang minh chính đại của chính mình. Hàng ngày, chúng ta vẫn thấy biết bao vấn đề, mà toàn là vấn đề không hay ho gì, chúng tôi xin miễn kể ra đây. Xét cho cùng, nguồn gốc phát xuất vẫn là từ con người. Thứ nhất là yếu tố con người. Tăng ni không giữ giới luật, thậm chí còn đòi quyền tư hữu, là điều làm cho đạo Phật mất uy tín, bị xa lánh. Tăng ni chỉ lo xây chùa to quên luôn việc tự độ và độ tha làm cho đạo Phật bị tư bản hóa. Tăng ni do chính quyền đào tạo với mục đích chính trị làm cho đạo Phật bị thoái hóa. Rất nhiều thí dụ, kể ra buồn lòng không ít. Con sư tử là chúa sơn lâm, súc vật trong rừng rất e sợ. Khi nó chết, không một con vật nào dám tới gần mà xé thịt nó. Nhưng nó vẫn tan rã vì chính vi trùng, dòi bọ ngay trong thân nó đục khoét nó. Đạo Phật, nếu có chết, chính là do bên trong tự phá và bên ngoài giúp bên trong tự phá!
Trong bài này, chúng tôi chỉ dám đưa ra một số điểm, với niềm hi vọng đề nghị chư tăng, chư ni, cùng Phật tử sớm tìm được giải pháp tối ưu trước là chấn chỉnh tổ chức, thanh lọc hàng ngũ, định hướng việc tu học và dịch kinh sách, sau là đưa Phật giáo đến gần hơn với thế hệ trẻ, vượt ra khỏi nhận định rằng Phật giáo chỉ để dành cho người già, và mang nhiều hơn tính chất độ sinh, thoát ra khỏi nhận định rằng Phật giáo chỉ lo xây mỗi sư một chùa nhằm cầu siêu cho người chết; ngõ hầu hướng đúng vào mục đích giác ngộ, giải thoát và thích hợp hơn với thế kỷ 21 này. Vấn đề căn bản theo ý chúng tôi là đào tạo tăng ni có “bài bản”.
Với tất cả lòng chân thành và lời sám hối, chúng tôi xin góp ý thô thiển với quý đạo hữu hiện diện hôm nay. Trân trọng đa tạ quý vị đã lắng nghe. □
HH Nguyễn Văn Phú -Montreal 2010
…………………………………………………………..