THƯ ĐI TIN LẠI – Kỳ 30
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
Montreal 2010
Tokyo National Museum (Hình:Anne Le chụp 7/2014)
283 – Đạo hữu nhận xét đúng lắm,sao ít thấy nói đến Phật giáo Việt Nam ? Cái đó là do các câu hỏi không nêu lên, chứ không phải tại “bổn báo”. Đạo hữu đưa ra mấy câu hỏi về ngài Tuệ Trung thượng sĩ (thượng, sĩ, đại sĩ là nhưng chữ khác để chỉ bồ-tát), chúng tôi không đủ chỗ để trả lời hết nên chỉ trả lời “một chút” thôi . Ngài không xuống tóc, có vợ con, trang trại và không chú ý đến ăn mặn ăn chay . Trong Việt Nam Phật giáo Sử Luận, Nguyễ Lang viết rằng ngài “phá vỡ những vấn đề giả tạo”, thí dụ như vấn đề sinh tử là do mình đặt ra để trói buộc chính mình . Những vấn đề này được đặt trên căn bản nhận thức “nhị kiến”. Về tội báo gây ra do sự ăn uống thịt rươu, ngài Tuệ Trung đã nói rằng vấn đề không phải là chọn lựa giữa tội và phúc mà là siêu việt cả tội lẫn phúc .
284 – Khi Hòa Thượng Tì-ni-đa-lưu –chi hỏi nhà sư Pháp Hiền “Thày tính (họ) chi ? thì bị hỏi lại: “Hòa thượng tính chi ?”. Hòa thượng lại hỏi: “Thày không có tính à ?”. Trả lời:”Tính thì sao lại không có, nhưng Hòa thượng làm thế nào để biết ?”. Hòa thượng liền quát: “Biết để làm gì ?”. Pháp Hiền bỗng tỉnh ngộ, sụp xuống lạy ….
Vấn đề mà đạo hữu nêu ra với chúng tôi l` : sao ngộ nhanh vậy ? Xin gắng trả lời như sau: 1/ Nhà sư Pháp Hiền chơi chữ, thay vì hiểu tính là họ, ông cố ý lái sang tính là Phật tính . 2/ Tiếng quát “Biết để làm gì ?” làm cho nhà sư ngộ, ấy là vì nhà Sư hiểu được rằng cái biết của thế tục không giúp gì cho sự giác ngộ” phải có trí huệ bát nhã mới biết “cái đó” được, nghĩa là phải nhờ trí huệ bát nhã mới “vào” được Phật tính .
3/ Sự bừng ngộ chỉ là một giây phút cuối cùng của một chuỗi dài quán sát nhiều năm tháng hay cả mấy chục năm, kiểu như Newton bừng nghĩ ra luật vạn vật hấp dẫn khi thấy một quả táo rớt từ trên cành xuống đất
285 – Đạo hữu hết sức ngạc nhiên khi ông Nguyễn Văn Ái nói rằng Nguyễn Trãi là một thiền sư (trong cuốn Nguyễn Trãi Sinh thức và Hành động, Quê Mẹ xuất bản ở Paris,1981). Nguyễn Trãi đâu có đi tu, đâu có là thiền sư . Muốn khỏi ngạc nhiện đạo hữu cần xem lại chỗ tác giả định nghĩa thế nào là thiền sư . Theo ông thì thiền sư là người tỉnh thức, thế mà Nguyễn Trãi là người tỉnh thức, cho nên Nguyễn Trãi là một thiền sư . Đơn giản vậy thôi !
286 – Nói rằng các nhà Nho hay bài bác đạo Phật, điều ấy có nhưng không đúng hẳn, vì không phải nhà Nho nào cũng bài bác đạo Phật, mà trái lại, có nhiều nhà Nho sùng đạo Phật . Lấy thí dụ hai vị có chỗ đứng thật cao trong lịch sử nước ta là Nguyễn Trãi (1380-1442) và Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1535) đều nghiên cứu đạo Phật rất sâu xa, tuy không đi tu nhưng tư tưởng có nhiễm Phật giáo nhiều phần .
287 – Chính tôi thì chưa trông thấy nhục thân khô của hai thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường . Trong cuốn Danh lam cổ tự của Võ Văn Tường in năm 1992, trang 84, có hình chụp nhục thân khô của hai ngài ở chùa Đậu thuộc huyện Thường Tín tỉnh Hà Đông (nay gọi là Hà Tây), cách Hà Nội chừng 15 km về phía Nam .
288 – Ở Hà Nội, có đường Lý Quốc Sư ở trung tâm thành phố, trên đường này có chùa thờ thiền sư Nguyễn Minh Không tức là Lý Quốc Sư . Sở dĩ gọi tên như vậy vì ngài la quốc su thời vua Lý Thần Tông . Ngài là bạn đồng đạo của thiền sư Từ Đạo Hạnh . Tương truyền quốc sư có nhiều pháp thuật . Theo truyền thuyết, vua Lý Thần Tông là hậu thân của sư Từ Đạo Hạnh Khi vua mắc bệnh hiểm nghèo (người ta bảo là vua “hóa hổ”, ngồi xổm và rống lên như con hổ ) thì sư Minh Không vào hoàng cung chữa cho vua khỏi bệnh . Vì thế được phong là quốc sư . Quốc sư tịch năm 1141, thọ 76 tuổi . [Người ta hay gọi lầm tên ngài thành Khổng Minh Không ] .
289 – Triều Lý, có một vị quan tên là Từ Vinh . Ông có chuyện xích mích với một vị quan khác, ông này bèn nhờ một tăng sĩ tu Mật Tông tên là Đại Điên dùng ma thuật giết Từ Vinh . Con Từ Vinh tên là Từ Lộ quyết tâm trả thù cho cha, tìm đường sang Thiên Trúc (Ấn Độ) học đạo, nhưng mới đến xứ Kim Xỉ (có lẽ là Miến Điện ngày nay) thì thấy đường xá hiểm trở quá nên quay về tu học trong nước . Tu theo Mật Tông thành công (nhờ tụng Đại bi tâm đà-la-ni hàng vạn lần) và có nhiều pháp thuật thần thông rồi, Từ Lộ giết được Đại Điên . Khi đi tu, Từ Lộ có tên là Từ Đạo Hạnh . Theo truyền thuyết, sau khi tịch, sư tự ý tái sinh làm con của Sùng Hiền hầu và được lên ngôi nối nghiệp vua Lý Nhân Tông (anh của Sùng Hiền hầu, không có con), đó là vua Lý Thần Tông . Chùa Thày (tức chùa Thiên Phúc vùng núi Sài Sơn, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (nay là Hà Tây) thờ Từ Đạo Hạnh và Lý Thần Tông . Chùa Láng gần Hà Nội cũng thờ Từ Đạo Hạnh . “Nhớ ngày mồng bảy tháng ba, Trở vào hội Láng, trở ra Hội Thày”.. [Làng Láng trồng hung Láng, ngon có tiếng nhưng nay bị đô thị hóa mất rồi ! ]
290 – Tôi cũng nhận thấy như đạo hữu rằng người ta để thần tài dưới đất mà thờ chứ không để trên cao . Hỏi một ông bạn chuyên về bói toán và phong thủy thì biết đại khái : vua Câu Long nhà Thanh bên Tàu hay bí mật đi “thăm dân cho biết sự tình “ . Một hôm, ông ta đến thị trấn kia, quá đông đúc, không còn chỗ trọ, nên bắt buộc phải ngủ dưới đất trong một nhà nọ . Đêm lạnh quá, chịu không nổi, ông ta bê luôn ông Thần tài đang thờ trên bục bỏ xuống đất để lấy chỗ ngủ . Thần Tài báo mộng cho chủ nhà biết v.v.. và xin “từ nay cứ thờ ở dưới đất” . Đúng tới đâu, tôi không có ý kiến !
291 – Xin đạo hữu nhớ cho kỹ rằng : khi quân nhà Minh sang xâm chiếm nước ta, chúng được vua Minh ra lệnh cướp hết mọi thứ liên quan đến văn hóa của chúng ta, nếu không đem đi được thì đốt hết, phá hết . Vì thế, ngày nay chúng ta còn quá ít tài liệu . Có người nói chuyện với tôi rằng một sinh viên Việt Nam sang học bên Tầu hồi gần đây đã tình cờ tìm ra được gia phả của một vị tướng nghĩa quân Lam Sơn và đã chép thật vội để mang về . Tình hình chung là như thế, kinh điển và thơ văn Phật giáo cũng chung số phận . Thế mà ngay thế kỷ XX này, còn có người bắt chước Tàu từ ăn mặc, nói, nghĩ .. đấy . Đau xót nhỉ !
292 – Nói cho đủ là “Kỳ thụ Cấp-Cô- Độc viên”, nghĩa là cây của ông Kỳ-Đà, vườn của ông Câp-Cô-Độc, nói tắt là Kỳ viên . Nguồn gốc như sau: Có một trưởng giả rất giàu tên là Cấp-cô-độc quy y Phật va thỉnh Phật tới Xá Vệ thuyết pháp . Nhưng vì Xá Vệ chưa có tinh xá (chùa) nên ông Cấp-cô–độc về đó tìm đất . Ông tìm được một rừng cây rất đẹp do thái tử Kỳ Đà làm chủ . Một đằng muốn mua, một đằng không muốn bán . Sau Thái Tử Kỳ Đà nói : muốn mua thì trải vàng phủ đầy khu đất và chỉ bán đất mà không bán cây . Ông kia chịu làm theo, và xây tinh xá rất lớn thỉnh Phật tới . Do đó, có tên như đã ghi trên kia .
293 – Đạo hữu ơi, khó mà hiểu được các câu “chú “ . Thường thường thì “chú” được để nguyên, không dịch . Lời ở trong “chú” được coi là những chấn động có tính cách thần bí cảm thông được với các năng lực của thiên nhiên, của chư Phật . Tôi không hiểu nên không trả lời đạo hữu được . Vừa rồi tôi được một đạo hữu tặng cho bản dịch Chú Vãng Sanh sang tiếng Anh, xin chép ra đây để tặng đạo hữu bản phiên âm tiếng Phạn và bản chữ Anh :
“ Namo Amitàbhaya Tathàgataya Tadyathà Amrtabhave Amrtasambhave
Amrtavikranta gamini gayana kirtichare Swàhà ! “
[Namo A di đá bà dạ Đá tha dà đá dạ Đá địa dạ tha A di rị đô bà tì A di rị đa tất đam bà tì A di rị đa tì ca lan đế A di rị đa tì ca lan đá dà di nị dà dà na chỉ đá ca lệ Sa bà ha ! ]
We take refuge in the Tathagata Amitàbha . Be it thus : That immortality has become, that immortality has perfectly become, that immortality has progressed, that immortality is progressing, going forward in the glorious transcendental way . Swàhà !
294 – Hôm nay tôi được một đạo hữu tặng cho bản dịch “chú Dược Sư “ (The Mantra of the Guru of Medicine ), xin ghi ra đây để quý đạo hữu cùng coi :
Namo Bhagavate Bhaishajyaguru vaidùrta-prabhàjàya tathàgataya arhate samyaksambuddhàya tadyathà Ôm Bhaishajye Bhaishajye Bhaishajya samudgate
Svàhà .
Na mô bạc già phạt đế, bệ xái xã lũ rô bệ lưu ly, bác lạt bà hát ra xà dã, đát tha yết đà da, a ra hát đế tam miệu tam bồ đà da, đát diệt tha . Úm, bệ xái thệ, bệ xái thệ, bệ xái xã, tam một yết đế, Sa ha .
Salutation to the Lord (Bhagava) ! Master (guru) of Medicine (Bhaishajya) who is like the Light of the King Jewel Vaidurya (kind of sapphire). Who is the Tathàgata the Arhat, the Perfect Buddha ! Thus is that (tadyathà ). Ôm ! In the glory of Medicine, Glory of Medicine . Let us go . Svàhà
((còn tiếp)
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú .
………………………………………………………………………………..
Bước Vào Cửa Phật- Quyển 2
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú-Montreal 2010
Đề tài ôn tập: Bài 15.THẦN-CHÚ
Ở Trung Quốc trước kia, có tất cả mười tông phái Phật giáo: Luật tông, Tam Luận tông, Pháp Tướng tông, Hoa Nghiêm tông, Thiên Thai tông, Mật tông, Thiền tông, Tịnh độ tông, Câu xá tông và Thành thật tông. Tại Nhật bản, còn thêm hai tông nữa là Tịnh độ Chân tông và Pháp Hoa tông, còn gọi là Nhật-Liên tông. Tại Việt Nam ta, ngày nay chỉ còn thấy Tịnh độ tông, Thiền tông và Mật tông. Số Phật tử theo Tịnh độ tông nhiều hơn cả.
Bài nói chuyện hôm nay có chủ đề là Thần Chú nên chúng tôi xin nói vài điều sơ lược về Mật tông: Mật tông hay Chân ngôn tông là một tông phái đại thừa, thờ đức Tỳ-Lô-Giá-Na – còn gọi là Đại Nhật Như Lai – làm giáo chủ bí mật. Bồ-tát Kim Cang kế thừa pháp mầu nhiệm của đức Đại Nhật Như Lai, truyền cho ngài Long Thọ, sau đó truyền xuống tới ngài Long Trí rồi tới ngài Thiện Vô Úy tam tạng, ngài Kim Cang Trí tam tạng. Hai ngài tam tạng vừa kể trên sang Trung Quốc truyền bá pháp bí mật của Mật tông vào đầu đời Đường (618 – 907) …
Người ta thường phân chia ba phái Mật tông: Trung Hoa, Nhật Bản và Tây Tạng. Mật tông Nhật Bản được gọi là Đông Mật. Mật tông Tây Tạng được gọi là Tạng Mật hay Lạt-Ma giáo.
Tại sao dùng chữ Mật? Có Hiển giáo là những pháp môn chứa đựng trong những lời dạy bảo của đức Thích-Ca (Ứng thân Phật) và Mật giáo là những pháp môn mầu nhiệm, bí mật mà các vị Bồ-tát với trí tuệ cao siêu thọ lãnh được trực tiếp từ đức Đại Nhật Như Lai (Pháp thân Phật).
Phương pháp tu hành trọng yếu của Mật tông là tu Tam mật, nghĩa là thân mật, khẩu mật (còn gọi là ngữ mật) và ý mật. Tay bắt ấn là thân mật, miệng niệm chân ngôn hay trì chú là khẩu mật, tâm chuyên vào thiền định là ý mật. Tu cho đến lúc ba nghiệp thân khẩu ý hoàn toàn thanh tịnh thì đạt kết quả. “Tam nghiệp hằng thanh tịnh, đồng Phật vãng Tây Phương” nghĩa là “Nếu ba nghiệp thường thanh tịnh thì được về Tây Phương đồng với Phật” (1).
Ở đây, mỗi khi tụng kinh, Phật tử chúng ta thường tụng một hay nhiều câu thần chú, mà chúng ta gọi gọn là chú. Điều này cho thấy ảnh hưởng của Mật tông đối với Phật giáo Việt Nam. Thông thường câu chú được đặt ngay ở đầu kinh. Thí dụ như câu chú gọi là lục tự chân ngôn: Án ma ni bát mê hồng. Cũng có khi nhiều câu chú khác nhau được tụng liên tiếp, thí dụ như các câu chú tụng trước khi vào kinh A-Di-Đà: chú tịnh ba nghiệp, chú an thổ địa … Kinh Dược Sư có chú Dược Sư: Nam mô bạc già phạt đế … Kinh A-Di-Đà có chú vãng sanh; Nam mô a di đa bà dạ, đa tha đà đà dạ… Bài chú ở phần đầu của nhiều kinh là chú Đại-bi. Các bài chú khó học nhất là chú Thủ Lăng Nghiêm …
Thần chú hay Chú có nhiều tên gọi: chân ngôn, tổng trì, mạn-trà-la, đà-la-ni. Chữ mạn-trà-la do chữ Phạn mantra phiên âm ra, còn chữ đà-la-ni là do chữ Phạn dhāranī phiên âm ra; hai chữ này đồng nghĩa nhưng chú mantra thì ngắn còn chú dhàranì thì dài hơn. Tiếng Pháp dịch là formule magique, formule sacrée, tiếng Anh dịch là magical formula, cả hai sinh ngữ đó còn dùng những chữ invocation và incantation.
Phật học Từ điển của Đoàn Trung Còn ghi như sau: “Chú là những câu bí mật dùng để hộ trì các nhà tu học khỏi bị sự hại của các ác thần, ác quỷ, ác thú, độc trùng và tránh khỏi tai ương. Có những chú của Phật, chú của Bồ-tát, chú của thần quỷ hộ trợ Phật pháp: đọc câu chú của vị nào thì được vị đó ủng hộ. Chú của nhà Phật khác với chú của bọn tà đạo, là vì chú để ngăn ngừa sự ác nghịch, để được các sự thiện lợi chứ không phải để giết người, hại vật, không phải để gia họa cho người”.
The Seeker’s Glossary of Buddhism cho biết rằng “chữ Phạn mantra có nghĩa là ‘liên kết và nắm vững’, nghĩa là liên kết hết mọi pháp và nắm vững hết mọi nghĩa. Sự thực hành dựa trên sự hiểu biết năng lực của âm thanh một cách khoa học. Chú nổi tiếng nhất là Úm ma ni bát mê hồng (Om Mani Padme Hum).
Trong Dictionnaire encyclopédique du Bouddhisme, tác giả Philippe Cornu cho biết chữ sanskrit mantra gồm man nghĩa là tinh thần và tra nghĩa là che chở; mantra là một formule sacrée để che chở tinh thần của hành giả.
Khi tụng kinh Phổ Môn, chúng ta thấy có câu “chú trớ, chư độc dược, sở dục hại thân giả, niệm bỉ Quán Âm lực, hoàn trước ư bổn nhân” nghĩa là: “những loại bùa chú, cùng là mọi thuốc độc, định làm hại người, nếu biết niệm đức Quán Âm, thì những thứ đó quay trở về hại người dùng”. Chú ở đây cũng nghĩa như đã nói trên, song đây là chú xấu, mục đích làm hại người, còn trớ (đọc khác là thư) là khấn vái quỷ thần mong đem tai họa cho người.
Ngoài đời, chúng ta còn nghe thấy từ ngữ bùa chú. Bùa là mảnh giấy hay miếng vải ghi ký hiệu, hình vẽ … của thày phù thủy, thày cúng, họ nói rằng bùa đó có phép thiêng trừ ma quái hay làm cho người ta mê mẩn tâm thần. Ta thường nghe nói đến bùa mê thuốc lú. Cuốn Tiếng nói nôm na của Lê Gia cho rằng chữ bùa là do chữ bào nghĩa là nắm chặt lấy, cầm giữ. Người khác bàn rằng có lẽ chữ bùa là do chữ phù vì phù nghĩa là bùa (phù thủy, phù phép, thư phù). Chú ở đây cũng dùng với nghĩa xấu.
Có người thắc mắc: “Chú gốc ở tiếng Phạn, các nhà sư Trung Quốc để ý nghe các nhà sư Tây Tạng tụng chú rất nhiều lần, rồi ghi lại bằng chữ Hán. Âm đọc lên có lẽ cũng gần như các phát âm chính vì các nhà sư ấy sống ngay ở cạnh các nhà sư Tây Tạng. Người Việt Nam mình xem kinh in bằng chữ Hán, khi đọc chữ Hán thì theo cách phát âm Việt Nam, thí dụ chữ Hán phải đọc là Tài, Xỉu, Pê, Fô … thì người mình đọc là Đại, Tiểu, Bắc, Phật … Vậy thì làm sao mà linh nghiệm được? Ngày nay, chúng ta có thể tiếp xúc trực tiếp với các bản pali, sanskrit viết ra theo abc, và đã thấy có nhiều nhà sư Việt Nam thông thạo cách đọc chữ pali hay sanskrit nguyên gốc thì có lẽ nên đọc ngay theo pali hay sanskrit cho đúng với ý của chư Phật, chư Bồ-tát. Lại nữa, nên tìm các giảng nghĩa các câu thần chú đó thì Phật tử mới hiểu được”.
Trong Kinh Quán Âm Đại Bi Tâm Đà-La-Ni (2), HT Thiền Tâm đã giải thích như sau này: “ … Dù đọc tụng có trại với Phạm âm đôi chút cũng không sao, miễn có lòng chí thành là được công hiệu. Từ trước đến nay, khi ta đọc chú, thật ra đều trại với chánh âm, song vẫn cảm được oai thần, công đức không thể nghĩ bàn. Lại nữa, chú ngữ không phiên dịch vì có năm duyên cớ:
1/ Vì tâm niệm bí mật nên không phiên dịch. Nếu chúng sinh dùng tâm yên lặng, tin tưởng, thành kính mà niệm chú, tất sẽ khế hợp với chân tâm của Phật, Bồ-tát mà được cảm ứng. Nếu biết nghĩa lý thì dễ sinh tâm phân biệt … kết cuộc vẫn ở trong vòng vọng tưởng, làm sao thông cảm với Phật tâm.
2/ Vì nghĩa lý bí mật nên không phiên dịch. Trong một chữ chân ngôn, có nhiều nghĩa, khi dịch nếu lấy nghĩa này thì mất nghĩa kia, nên không được toàn vẹn. Thí dụ: riêng một chữ “A” đã hàm súc những ý nghĩa như bất sanh, bất diệt, không căn bản, chân thể và nhiều nghĩa khác nữa.
3/ Vì danh tự bí mật nên không phiên dịch. Những chữ trong chân ngôn, hoặc chỉ cho danh hiệu Phật, Bồ-tát, Thiên, Long, Quỷ, Thần, như chữ “Hồng” gồm bốn chữ Hạ, A, Ô, Ma hiệp thành, chỉ cho chủng tử của chư thiên. Hoặc có thứ ở phương này không có, như danh từ “diêm phù thọ” chẳng hạn.
4/ Vì âm thanh bí mật nên không phiên dịch. Các chữ chân ngôn có khi diễn tả âm thanh của tiếng gió reo, nước chảy, tiếng loài chim kêu, đọc lên có sức linh động, nên để nguyên âm thanh đó. Thí dụ “tô rô tô rô” là chỉ cho tiếng lá cây ở cõi Phật rơi xuống. Hoặc như chữ “Án” (Aum) đọc lên có năng lực thầm kín làm rung chuyển không gian. Hay như chữ “Ta-bà-ha” (Swaha) có sức truyền cảm như một sắc lệnh. Lại có nhiều danh từ đã để nguyên âm chữ Phạm sẵn dừ trước đến nay, vì thuận theo xưa nên không dịch ra.
5/ Vì sự sanh thiện bí mật nên không phiên dịch. Như danh từ “bát-nhã”, người đọc lên sinh lòng tin tưởng, phát ra niệm lành, nếu dịch là “trí huệ ” thì sinh ý khinh thường, không quý trọng.
Trên đây là những nguyên nhân vì sao chú ngữ không dịch ra chớ chẳng phải là không có ý nghĩa … , người học Phật chớ nên sanh lòng khinh mạn mà mang tội. (3)
Một nhà khoa học – ông Uông Trí Biểu – đã viết như sau: “Mọi người đối với Mật tông hay nhận lầm là có ý nghĩa thần bí, mang một màu sắc tôn giáo rất đậm đà … Lời Phật thuyết pháp rất rõ ràng minh bạch, nhưng giảng đến bản thể chân như thì chỉ trừ kẻ nào đã chứng thực rồi mới hiểu nổi, còn ngoài ra chẳng rõ, dù cho dùng lời nói văn tự cũng không thể trình bày ra nổi. Cho nên đức Phật sáng lập ra một thứ mật giáo không dùng lời nói để giảng thuyết, chỉ dạy người ta theo đúng phương pháp mà thực hành, kết quả là tự mình cũng có thể chứng được chân như.” (4)
Khi các học giả Tây phương nghiên cứu Phật học và nhiều người Tây phương xuất gia tu Phật thì họ tìm ý nghĩa các câu thần chú và có ghi lại những kết quả sưu tầm của họ. Nhưng chắc không thể làm cho hết được; hơn nữa các thần chú đã được dịch không chắc đã đầy đủ ý nghĩa vì có khi lấy được nghĩa này thì mất nghĩa kia như HT Thiền Tâm đã nói trên đây.
Có hai chữ mà chúng ta thường nghe khi tụng chú, đó là Án và Ta-bà-ha.
Chữ sanskrit AUM được phiên âm thành Án, có khi là Ám hay Úm. Đó là một âm linh thiêng của Bà-la-môn giáo, Ấn-Độ giáo và Mật tông Phật giáo. Chữ ấy có công dụng thay thế cho chư Phật, chư Thánh, chư Thần. Lại là cái biểu hiệu của Chân Như, Niết -bàn, Pháp Tánh, Hư không vô tận và cái Tuyệt Đối chẳng thể nghĩ bàn. Đó là tiếng tạo tác, sáng lập ra muôn vật, muôn cõi. Đó là gốc của mọi âm thanh trong vũ trụ.
Chữ sanskrit swaha được phiên âm thành ta-bà-ha, ngoài ra còn nhiều cách phiên âm khác như sa-bà-ha, sa-ha, tát-bà-ha, ta-ha … Gồm nhiều nghĩa như thành tựu, kiết tường, tiêu tai tăng phước, viên tịch, vô trụ, kính giác chư Phật chứng minh công đức. (5)
Trước khi kết thúc, chúng tôi xin ghi ra đây ý nghĩa vài câu thần chú thường thấy : Án ma ni bát mê hồng, theo truyền thuyết đây là câu thần chú do Bồ-tát Quán Thế Âm tặng cho dân Tây Tạng. Ma-ni là ngọc báu, Bát-mê là hoa sen. Hồng là ở trong. Hồng còn được cho là một âm linh thiêng, quỷ thần nghe thấy đến hỗ trợ. Toàn câu nghĩa là: ngọc báu trong hoa sen. Đây là hành giả mong mình vượt lên đạt được Phật quả, ngồi trên tòa sen, hoặc là mong được vãng sinh lên Cực lạc, trong hoa sen.
Câu chú Yết-đế, yết-đế, ba la yết-đế, ba la tăng yết-đế, bồ-đề, tát-bà-ha có nghĩa là Qua đi, qua đi, tất cả qua đến bờ bên kia, tất cả tích cực qua đến bờ bên kia, sự giác ngộ được viên thành. (6)
Kính chúc quý đạo hữu kiên trì tụng chú với tâm thanh tịnh, để sớm tìm được ma ni bát mê như lời nguyện. □
CHÚ THÍCH.
1/ Xin coi chi tiết về Mật tông trong bộ Phật Học Phổ Thông của HT Thích Thiện Hoa, quyển số 5, do Phật Học Viện Quốc Tế xuất bản tại California, USA, 1981.
2/ Kinh này do Đà-Phạm-Đạt-Ma dịch ra chữ Hán và HT Thích Thiền Tâm dịch ra chữ Việt, do một nhóm Phật tử ấn tống tại Saigon năm 1964. Trang 59.
3/ Sau đó, HT Thiền Tâm viết thêm : Lại nữa, trong kinh có câu : « Nếu tụng trì đúng pháp, tự nhiên sẽ được hiệu quả và HT giảng cho biết thế nào là đúng pháp ». Đầu tiên là phải giữ giới. Và : Phải giữ thân thể sạch sẽ, xúc miệng trước khi tụng chú. Phải nghiêm trang, không hờn giận, tránh ham muốn dục lạc. Nếu lập đàn tụng niệm thì còn có nhiều điều khác phải thực hiện.
4/ Uông Trí Biểu, Lời báo cáo của một nhà khoa học, Nghiên Cứu Kinh Phật, Đồ Nam dịch từ chữ Hán ra tiếng Việt, Chùa Đức Viên ấn tống, San Jose, USA, 1985. Trang 50.
5/ theo Phật Học Từ Điển của Đoàn Trung Còn.
6/ Chúng tôi đã ghi ý nghĩa Chú Vãng sinh và Chú Dược Sư trong bài nói về đức Phật Dược Sư. □
……………………………………………………………………………..