THƯ ĐI TIN LẠI – Kỳ 29
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
Montreal 2010
Một tượng Phật tại Tokyo(Anne chụp 6-2014)
273 – Bộ kinh Đại Bát Nhã gồm 600 quyển rút gọn lại trong kinh Kim Cang(= Kim Cương, Diamond Sutra, Soutra du Diamant, Sanskrit : Vajracchedika Sutra). Kinh này ghi lại lời Phật trả lời hai câu hỏi của ngài Tu-Bồ-Đề là vị đại đệ tử “giải không đệ nhất” (giỏi nhất trong việc giải nghĩa lý Không) : làm thế nào hàng phục vọng tâm ? làm thế nào sinh chân tâm ? Câu trả lời là : “ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” nghĩa là “không trụ vào đâu cả mà phát tâm “. Sau đó, Phật dạy “các pháp hữu vi đều như mộng, như huyễn, như bọt nước,như bóng, như sương móc, như điện chớp, hãy quán như vậy”. Tóm lại, hãy quán lý Không và hãy phá chấp, đừng chấp trước; cái gì cả . Thí dụ: làm việc lành như bố thí chẳng hạn mà không chấp trước quả báo vì đã hiểu các tướng chỉ là hư vọng mà thôi .
Kể từ Lục Tổ Huệ Năng, Thiền tông lấy Kim Cang làm căn bản. Theo nhận xét của Edward Conze thì kinh này dùng vào thiền quán nhằm giải thoát chứ không phải để nghiên cứu . Có tới 6 bản dịch ra chữ Hán . Các bản dịch tiếng Việt căn cứ vào bản của ngài Cưu-ma-la-thập .
274 – Kinh Pháp bảo đàn không phải do Phật thuyết . Đây là thâu tóm lại các lời dạy của Lục tổ Huệ Năng, do đệ tử Pháp Hải ghi lại . Kinh có 10 chương, chương đầu nói về Hành trạng, tức là tiểu sử của Lục tổ . Lẽ dĩ nhiên, đây là một kinh quan trọng của Thiền tông . Tên đầy đủ của kinh là: Lục tổ Huệ Năng Pháp bảo đàn kinh, The Platform Sutra, Discours et Sermons du sixieme patriarche . Kinh này có nhiều ý kiến độc đáo của Lục tổ
275 – Ngày Rằm tháng bảy, người ta thường gọi là ngày xá tội vong nhân . Tuy vậy, trên thực tế, đó là ngày vinh danh cha mẹ, ông bà và tổ tiên . Các chùa đều có tụng kinh nói về công ơn cha mẹ và bổn phận làm con phải có hiếu với cha mẹ như : kinh Báo ân phụ mẫu, kinh Hiếu tử, kinh Vu Lan, còn vài kinh nữa mà ít người biết như kinh Nhẫn nhục, kinh Thai cốt, kinh Đại tập … Trong kinh Phật, không thiếu gì những đoạn nói về công ơn của cha mẹ mà con cái phải báo đền . Trong số năm tội lớn nhất đối với Phật giáo gọi là “ngũ nghịch”, tội bất hiếu đứng đầu .
276 – Theo Từ điển Đoàn Trung Còn, Bát-Niết-bàn dịch chữ Parinibbana (Pali) hoặc Parinirvana (skt), nghĩa là nhập diệt, tịch diệt, diệt độ, nhập Niết bàn tức là Vô dư Niết bàn . Bậc tu đắc quả A-la-hán thì đắc Hữu dư Niết bàn .
(Parinirvana is a more emphatic term for nirvana, when it is esed in reference to the apparent passing away of a physical body of a Buddha . The Seeker’s Glossary of Buddhism) .
Kinh Nam tông, tiếng Pali, tên là Mahaparinibbana Sutra trong Digha Nikaya (Trường Bộ kinh) được dịch sang tiếng Việt là Kinh Đại Bát-Niết-bàn, kể lại mọi chi tiết liên quan đến những ngày cuối cùng của đức Phật và các lời dạy cuối cùng của ngài, câu sau chót là : “Các pháp hữu vi là vô thường, hãy tinh tấn, chớ phóng dật”.
Kinh Bắc tông, tiếng Sanskrit, tên là Mahaparinirvana Sutra (nay không còn) cũng dịch là kinh Đại Bát-Niết-Bàn nhưng dài hơn bản Pali rất nhiều . Kinh này không những nói đến các sự việc như Kinh Pali nói trên đây mà còn thêm những điều hết sức quan trọng của Đại thừa như : hết thảy mọi chúng sinh đều có Phật tánh tức là Pháp thân .
277 – Kinh Lăng-Già Tâm ấn (Sanskrit : Lankavatara Sutra) là một bộ kinh Đại thừa thuộc loại cao, khó . Tổ Bồ-đề-đạt-ma từ Ấn Độ qua Trung quốc lập ra Thiền Tông, khi truyền tâm ấn cho Nhị tổ Huệ Khả thì trao cho bộ Kinh Lăng-Già Tâm ấn . Lanka là tên một quả núi ở một hòn đảo phía nam Ấn Độ (đảo này là Sri Lanka,nước Tích Lan). Tương truyền Phật giảng bộ kinh này tại đó . Kinh này nói về tâm thức và Như Lai tạng, cũng như lý Không và Duy thức .Thiền tông và Pháp tướng tông dùng kinh này làm căn bản [Chú ý : Khi Ngũ tổ trao y bát cho Lục tổ thì lại cho kinh Kim Cang ] .
278 – Viên là tròn, giác là giác ngộ, thấy rõ . Viên giác là tính giác ngộ tròn đầy, toàn vẹn, không gì là không thấy, không gì là không biết, đó là sự giác ngộ của chư Phật . Hết thảy chúng sinh đều có bản giác, tu đến lúc hoàn toàn thì gọi là viên giác . Đức Phật muốn cho chư Bồ-tát chứng được pháp môn Viên giác nên ngài thuyết kinh Viên giác, nói cho đủ là Kinh Đại phương quảng tu-đa-la liễu nghĩa [phương là vuông vức, quảng là rộng lớn, kinh phương quảng tức là kinh Đại thừa ; tu-đa-la do chữ sutra, soutra phiên âm ra, nghĩa là kinh; liễu nghĩa là nghĩa lý trọn vẹn, rốt ráo]. Kinh có 12 chương, Phật trả lời 12 vị đại bồ-tát hỏi về tu chứng .Phật nói về samatha (tam-ma-đề, phép chỉ), Samadhi(tam-ma-địa, phép quán), dhyana(thiền-na, phép thiền) . Ba phép này kết hợp với nhau thành 25 loại .
279 – Đạo hữu chỉ nói là “bọt nước” nên tôi không biết là kinh nào, vả lại tôi có đọc nhiều kinh đâu mà biết . Hỏi ra thì hiểu rằng có hai kinh (hay ít ra là hai kinh) dính líu đến “bọt nước” . Thứ nhất là Kinh Bọt Nước thuộc Tương Ưng Bộ Kinh, trong đó đức Phật thuyết về ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức ). Săc uẩn được ví với bọt nước . Thọ uẩn được ví với bong bóng nước mưa trên mặt sông . Tưởng uẩn được ví với bóng năng trưa chập chờn . Hành uẩn được ví với thân cây chuối, bẹ lột ra dần dần chẳng thấy lõi . Thức uẩn được ví với trò ảo thuật . Phật kết luận : “Như lý nhìn các pháp , Hiện rõ tánh rỗng không “.
Kinh thứ nhì là Kinh Thủy thượng bào, tức là bong bóng trên mặt nước . Kinh kể rằng có cô công chúa kia, xem mưa, thấy các bong bóng lóng lánh nổi lên trên mặt hồ, muốn nắm bắt để làm một tràng hoa . Không ai làm được, cô dọa tự tử , Vua cha tìm mãi, được một người nói rằng có thể làm tràng hoa đó . Ông ta xin công chúa tự chọn lấy bong bóng tùy ý thích rồi đưa cho ông ta xâu thành chuỗi . Công chúa cúi xuống nhặt bong bóng, nhưng cả buổi chẳng được cái nào . Chán nản, cô bỏ đi và hẳn là cô ta đã hiểu rằng có đấy rồi lại mất ngay đấy, quả là vô thường . Kinh nói thêm : Vua cha an ủi công chúa, hứa cho cô ta một xâu chuỗi kim cương . Chỗ này thì chúng ta nên hiểu chuỗi kim cương là một thứ gì đó không thể băng hoại được, đó là Phật tánh .
Nhắc đến kim cương, tôi nghĩ ngay đến Kinh Kim Cương, đoạn cuối cùng: Phật dạy : “Tất cả pháp hữu vi, Như sương cũng như điện, Như mộng, huyễn, bọt, bóng, Nên khởi quán như thế “. Chắc là đạo hữu nghĩ đến chỗ này chăng . Nếu đúng, xin thưởng cho “bần đạo” một …bữa cỗ chay nghe !
280 – Mấy câu sau này, tôi chép trong Từ điển Phật học Việt Nam, trang 47 : Ba câu hỏi (tam cú). Thiền sư Vân Môn ở Trung Hoa lập ra phái thiền Vân Môn đề ra ba câu hỏi cho học trò mình : 1/ Cái gì cắt đứt được dòng chảy sinh tử luân hồi ? [Câu trả lời:theo Đại thừa khởi tín luân : Thực hiên được nhất tâm]. 2/ Cái gì bao trùm cả vũ trụ thế giới ? [Trả lời : Chân như]. 3/ Cái gì trôi dạt theo từng đợt sóng ? [ Trả lời : Sình và tử].
281 – Câu hỏi của đạo hữu về Kinh 42 chương thật là ngắn mà câu trả lời của chúng tôi thật là dài nên “tòa soạn” đưa vào tập san thành một bài thường . Tôi chép lại một phần ở đây khi đánh máy tập sách nhỏ này : Vào thế kỷ thứ nhất sau Tây lịch, vua Minh Đế nhà Hậu Hán bên Tàu sai người đi sứ sang Thiên Trúc (Ấn Độ) để thỉnh kinh Phật . Phái đoàn thỉnh được nhiều kinh trong số đó có Kinh 42 chương (tứ thập nhị chương kinh,Soutra en 42 articles). Các bộ kinh do một con ngựa bạch chở về . Nhà vua cho xây chùa để chứa kinh và đặt tên chùa là Bạch Mã Tự . Phái đoàn thỉnh được hai vị sư Thiên Trúc đến Trung quốc tên là Ma-đằng-ca-diếp và Trúc Pháp Lan, hai vị này chuyên tâm dịch kinh, theo truyền thuyết thì Kinh 42 chương dịch xong trước nhất . Thí dụ :
Chương thứ 18 . Đức Phật dày :”Pháp của ta là : Niệm mà không chấp nơi niệm mới thật là niệm . Làm mà không chấp nơi làm mới thật là làm . Nói mà không chấp nơi nói mới thật là nói . Tu mà không chấp nơi tu mới thật là tu .Tỉnh thì gần được, mê thì cách xa . Ngôn ngữ dứt hết, không trói buộc vào sự vật . Nếu sai lệch một chút sẽ mất ngay” .
Chương thứ 40 . Đức Phật dạy : “Hành đạo chớ như con bò kéo cái cối xay . Tuy rằng thân có hành đạo mà tâm có hành đạo đâu . Nếu như tâm thực hành được đạo thì chẳng cần đến nghi thức hành đạo”.
Chương thứ 24 . Đức Phật dạy : “Ái dục, không gi bằng nữ sắc . Nó gây ra ham muốn, ngoài ra nó không có gì lớn hơn . May mà chỉ có một nó thôi, nếu có hai ba thứ như nó thì chẳng có ai hành Đạo nổi nữa !”.
Chương thứ chin . Đức Phật dạy : “Lấy sự nghe nhiều hiểu rộng mà yêu mến Đạo thì khó mà hiểu thấu đươc Đạo . Nếu bền chí mà phụng sự Đạo thì thấu hiểu Đạo rộng lớn “.
282 – Toàn thể các loài hữu tình, trong số đó có loài người được gọi chung là hữu tình thế gian . Toàn thể khung cảnh vật chất như núi, sông, đất, cát, biển …gọi chung là khí thế gian . Khí ở đây nghĩa đồ chứa đựng, khí thế gian chứa hữu tình thế gian (hữu tình, tên cũ là chúng sinh : sentient beings, etres sensibles, etre animes, sanskrit : sattva)
(còn tiếp)
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
Montreal 2010
………………………………………………………
Bước Vào Cửa Phật-Quyển I
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú- Montreal 2010
Bài ôn tập : Cốt Tủy Đạo Phật
14. CỐT TỦY ĐẠO PHẬT
Tôi còn nhớ năm ngoái, vào dịp Phật đản, một đạo hữu đã bảo tôi rằng: “Tôi muốn học Phật nhưng kinh sách quá nhiều mà thì giờ lại ít, nếu đạo hữu chịu khó tóm tắt sao cho tôi thấy được cốt tủy đạo Phật rồi từ đó tuần tự tìm hiểu rộng ra sau thì quí hóa lắm”.
Tôi chỉ vâng dạ qua loa nhưng không dám nhất định nhận lời vì công việc đó đâu có dễ. Nhờ sự giúp đỡ của ban Hoằng Pháp và lời khuyến khích của các đạo hữu thân thuộc, tôi đã viết được mấy trang này đem trình quí vị ngày hôm nay, hy vọng rồi sẽ đính chính và bổ túc về sau, vì thế nào cũng gặp nhiều khuyết điểm.
1. Mỗi khi lễ bái chúng ta quy y Tam Bảo tức là quy y Phật, Pháp, Tăng. Trong Pháp bảo có tứ pháp:
a. Giáo pháp do chư Phật tam thế thuyết ra để phá vỡ vô minh phiền não.
b. Lý pháp là những nghĩa lý trong giáo-pháp.
c. Hành pháp là những phép tu hành.
d. Quả pháp là sự chứng quả khi tu hành.
Tứ pháp nói gọn là giáo, lý, hành, quả.
Hôm nay, thời giờ eo hẹp, tôi xin chỉ trình bày về giáo lý mà thôi.
2. Giáo-lý căn bản của đạo Phật nằm trong bài pháp đầu tiên của đức Thích-Ca Mâu-Ni. Sau khi Ngài đắc đạo, đức Phật thuyết bài pháp thứ nhất cho nhóm ông Kiều-Trần-Như (gồm 5 người) tại vườn Lộc Uyển, đó là Kinh Chuyển Pháp Luân mà nội dung là Tứ Diệu Đế (bốn chân lý vi diệu, bốn sự thật chắc chắn, rõ ràng).
a. Khổ-đế: Cuộc đời là bể khổ, “nước mắt chúng-sinh nhiều hơn nước đại dương”. Đức Phật không bi quan yếm thế, Ngài chỉ nhận xét sự thật đó của kiếp nhân sinh mà thôi, đồng thời Ngài dạy cho chúng sinh con đường thoát khổ. Khổ thì nhiều nhưng không có cái khổ nào bằng cái khổ sinh tử luân hồi. Đạo Phật có mục đích chỉ dẫn cho chúng sinh con đường giải-thoát khỏi cái khổ sinh tử luân hồi đó.
b. Tập-đế: Nguyên do của khổ là tham dục. Đào sâu vấn đề, sẽ thấy cái gốc “vô-minh”, tức là sự mê mờ không thấy chân lý của vũ trụ, của nhân sinh.
c. Diệt-đế: Muốn diệt khổ, thì cách duy nhất là diệt vô-minh, diệt tham dục.
d. Đạo-đế: Phương pháp diệt khổ diệt tham dục là bát chánh đạo. Tám chi này của con đường tu hành được gom lại ba, là tam học, tức giới, định, huệ:
– Giới gồm chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng,
– Định gồm chánh tinh-tấn, chánh niệm, chánh định,
– Huệ gồm chánh kiến, chánh tư duy.
Tập đế và khổ đế là nhân, quả thế gian. Đạo-đế và diệt-đế là nhân, quả xuất thế gian.
Thành công trong đạo-đế sẽ chứng ngộ Niết-bàn, tâm an trụ trong cảnh vắng lặng thường còn, không còn thọ quả vì đâu có gây nhân. Do vô sinh cho nên bất tử.
3. Bây giờ chúng ta bàn về Lý vô thường.
Trên thế gian này, cái gì cũng biến đổi, có thứ đổi nhanh, có thứ đổi chậm, nhưng chắc chắn có đổi. Trong thân ta, từng giây từng phút, tế bào này chết đi, tế bào khác sinh ra; tâm trạng này nối tiếp tâm trạng kia, ý nghĩ này tiếp theo ý nghĩ khác v.v… Không riêng gì đức Phật nhận ra lý vô thường. Văn nhân, thi sĩ, triết gia cũng nói tới tính cách vô thường của kiếp nhân sinh và của vạn vật:
Ôi nhân sinh là thế ấy
Như bóng đèn, như mây nổi
Như gió thổi, như chiêm bao,
Ba mươi năm hưởng thụ biết chừng nào,
Vừa tỉnh giấc nồi kê chưa chín!
Nguyễn-Công-Trứ
Trăm năm trong cuộc bể dâu,
Người cùng cây cỏ khác nhau chút nào!
Đang tươi bỗng héo biết bao nhiêu lần. . .
Nguyễn-Trãi, Côn Sơn Ca
Ba chục năm trời danh tiếng hão,
Quay đầu muôn sự giấc Nam Kha!
Nguyễn-Trãi
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Nguyễn-Du
Hiểu được lý vô thường, ta sẽ không còn bám víu vào của cải, danh vọng, trái lại ta mong cầu một thứ gì bền vững hơn, thanh-tịnh hơn. Vì thế vua Trần Thái Tông đã khuyên rằng:
Linh đan, chớ cậy “trường sinh thuật”
Thuốc quý, khôn mong “bất tử xuân”.
Cõi quỷ hãy xin rời bỏ sớm
Hồi tâm hướng đạo dưỡng thiên chân.
Bốn núi ( trong Khóa Hư Lục của vua Trần Thái Tông)
4. Lý nhân quả. Một trong các định luật của vũ trụ là lý nhân quả.
Đức Phật không đặt ra các định luật này, Ngài nhờ đại trí tuệ mà khám phá ra các định luật đó.
Nói đơn giản thì mỗi khi có một nguyên nhân tác động thì có kết quả kèm theo. Thí dụ gõ vào chuông thì có tiếng chuông.
Sự thật lý nhân quả phức tạp hơn nhiều. Ta nên tìm hiểu kỹ hơn:
a. Nhân phải có duyên kèm theo thì mới sinh quả được. Hạt lúa để trên hòn gạch sẽ không sinh ra cây lúa. Hạt lúa cần các duyên như độ ẩm, ánh sáng, công chăm sóc v.v… mới sinh ra cây lúa được.
b. Nhân nào sẽ tạo quả đó. “Trồng dưa thì được dưa, trồng đậu sẽ được đậu”. Làm lành sẽ hưởng quả lành, làm ác sẽ hái quả ác, chắc chắn như vậy.
c. Trong nhân có sẵn mầm để sinh quả và tiếp theo đó cái quả ấy sẽ đứng làm nhân để sinh ra quả khác, cứ thế mãi. . .
d. Thời gian để nhân sinh quả thay đổi tùy trường hợp. Gõ chuông, tức khắc có tiếng; gieo mạ phải đợi ba bốn tháng mới gặt lúa. Có khi đời này tạo nhân, mấy đời sau mới chịu quả báo.
Lý nhân quả áp dụng vào đời người đưa đến quan niệm về nghiệp báo và luân hồi. Thân, khẩu, ý tạo ra thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp (tam nghiệp). Nói chung là nghiệp, đó là cái nhân. Chắc chắn sẽ có quả báo. Nghiệp lực tuy vô hình nhưng rất mạnh, nó lôi cuốn chúng sinh thọ quả báo. Thọ quả báo rồi, lại gây nghiệp mới, cứ như vậy mãi. Cho nên sống chết, chết sống, kiếp này xong tiếp đến kiếp khác. Đó là luân hồi. Giảng về luân hồi, đức Phật dùng thuyết thập nhị nhân duyên.
Hiểu lý nhân quả, nghiệp báo, người ta sẽ hiểu rằng chính mình chịu trách nhiệm về những gì mình đã làm, đã nói và đã nghĩ. Vui, buồn, sướng, khổ chỉ là quả báo của các nghiệp nhân từ các kiếp trước và kiếp này tích lũy lại mà thôi.
Để thoát khỏi vòng luân hồi thì phải tu giải thoát, giải thoát khỏi nghiệp sinh tử, giải thoát bằng cách chặt đứt vòng xích 12 nhân duyên, tức là phá vỡ vô-minh đạt giác ngộ.
5. Lý duyên khởi.
Theo quan niệm của nhà Phật thì vạn pháp đều từ các duyên mà sinh ra.
Duyên tức là các thành phần, các phần tử, các nguyên tố v.v… hợp lại với nhau. Thí dụ như cái bàn do gỗ, đinh, cưa, đục, và bàn tay ông phó mộc v.v… mới thành. Trước đó không có cái bàn, nhiều duyên hợp lại có một thứ tạm gọi là bàn cho tiện, cho gọn. Mỗi một cái duyên mà ta vừa kể không phải là cái bàn. Đó là một thí dụ. Nghĩ rộng ra từ vật cực nhỏ cho đến vật cực lớn, đều phải nằm trong lý duyên khởi, cả đến những thứ không hình tướng cũng do duyên khởi. Điện cần đến điện âm, điện dương phối hợp. Gió cần đến sự cách biệt về áp suất giữa hai nơi khác nhau để tạo ra sự di chuyển của không khí. Tư tưởng con người cũng phát ra nhờ lục căn tiếp xúc với lục trần. Mắt có tiếp xúc với vật và nhãn thức có làm việc thì mới có sự thấy và biết v.v…
Mỗi vật phải do những phần tử khác hợp lại, như vậy vật đó không có “tự thể”, không có “thực thể”. Danh từ cái bàn chỉ là một cái tên tạm đặt cho một món đồ, lúc duyên tan thì hết cái bàn. Do đó mới có quan niệm về chữ Không, chữ Huyễn, chữ Ảo.
Tâm Kinh Bát-nhã ghi: “Sắc tức là không, không tức là sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như thế”.
Nguyễn Gia Thiều viết trong Cung Oán Ngâm Khúc:
Tuồng ảo hoá đã bày ra đấy,
Kiếp phù-sinh trông thấy mà đau.
Nguyễn Trãi đã nhận xét và khuyên:
Rốt cuộc muôn điều hư ảo cả,
Thôi luận làm chi mất với còn.
Nhà Phật nói “Không”, Không đây chẳng phải là “Không có gì”, chẳng phải là “không” trái với “có”. Không đây có nghĩa là không thật, không thật vì dựa vào duyên mà thành, hết duyên thì tan. Có, quả là có đấy, nhưng mà là giả có. Người Phật-tử hiểu lý duyên sanh sẽ nhìn sự vật mà không mê lầm. Vua Trần Thái Tông đã viết:
Lưỡi vướng vị ngon, tai vướng tiếng,
Mắt theo hình sắc, mũi theo hương,
Lênh đênh làm khách phong trần mãi,
Ngày hết, quê xa vạn dặm đường.
Vướng víu, bám chặt vào những sắc, thanh, hương vị, nên luân hồi mãi, quên quê của mình. Quê này ở đâu? Chúng ta cần suy ngẫm, và trở về quê. Đó chẳng qua là cái Phật tánh của mình, mình có sẵn mà mình bỏ quên nó, có thế thôi.
6. Lý duyên khởi đưa đến một quan niệm rất đặc biệt của Phật-giáo: đó là thuyết vô ngã một thuyết hết sức cao siêu, rất khó thâm nhập và có thể được coi là hòn đá thử vàng của những ai tu giải thoát.
Con người là do “ngũ uẩn” duyên hợp. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức là “năm uẩn”, hợp với nhau thành một con người, năm uẩn hết hợp thì hết con người. Vậy cái “ta” chỉ là một tên gọi cho tiện; y hệt trường hợp tên gọi cái bàn mà ta đã nói trên đây. “Tôi, của tôi”; “ta, của ta” chẳng qua chỉ là những cách nói qui ước trong xã hội này, vì thật ra đem phân tích ngũ uẩn, chẳng có gì là “cái ta” thật sự cả. “Sắc” là phần vật chất, “thọ, tưởng, hành, thức” là phần tinh thần, gọi ngắn là “thân, tâm”.
HT Walpola Rahula viết trong sách L’Enseignement du Bouddha: “cái mà ta gọi là một linh hồn, hay cá thể hay tôi chỉ là một tên gọi cho tiện hay là một nhãn hiệu để đặt cho sự nhóm họp của năm uẩn ấy. Tất cả chúng đều là vô thường, tất cả đều hằng biến”. (trích trong Con đường thoát khổ, Thích Nữ Trí Hải dịch sách ghi trên).
Quan niệm “Không có cái ta” là một quan niệm rất cao, rất khó và đặc biệt là rất khó thực hành. Hôm nay, chúng tôi chỉ xin giới thiệu để rồi quí vị nghiên cứu thêm.
Đạt đến Niết-bàn là thế nào? Là:
a. diệt được tham, sân, si, b. hết cái ta, c. thoát sinh tử luân hồi.
Lúc đó là thành Thánh, thành Phật.
7. Bây giờ chúng ta bước sang chân-lý tột cùng của đạo Phật đó là vấn đề Phật-tánh. Đây thuộc lĩnh vực tuyệt đối. Đã là tuyệt đối thì không thể dùng ngôn ngữ, văn tự của phàm nhân chúng ta mà mô tả, mà định nghĩa, mà giới thiệu được.
Nói tạm thì như sau: sự sự vật vật trong vũ trụ này có chung một bản thể, bản thể này không bị luật vô thường, luật nhân quả, luật duyên khởi chi phối. Nó “không sinh không diệt, không nhơ, không sạch, không thêm, không bớt” như Tâm Kinh đã chỉ.
Bản thể này có nhiều tên để gọi: Phật tánh, chân tâm, chân như, như lai tạng, bổn lai diện mục, Di-Đà tự tánh, Pháp thân, Không . . .
Gọi gì thì gọi, chúng ta không thể học mà biết được, nghe nói mà hiểu được. Chỉ những ai tu hành đến một mức nào đó thì ngộ, thì hiểu.
Ngài Thường Chiếu (tịch năm 1203) viết bài kệ:
Thân tuy sống trên đời,
Tâm là như lai tạng,
Chiếu rạng cả mười phương,
Nhưng tìm thì biệt dạng.
Đạo vốn không nhan sắc,
Mà ngày càng gấm hoa,
Trong ba ngàn cõi ấy,
Đâu chẳng phải là nhà.
Ngài Mãn Giác (tên Nguyễn-Trường, cuối thế kỷ XI) làm bài thơ sau này:
Xuân đến trăm hoa nở.
Xuân đi trăm hoa rơi,
Trước mắt đời diễn biến,
Trên đầu già đến nơi,
Đừng nói xuân đi hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai.
Hoa rụng hết , rụng hết, nhưng vẫn còn một cành mai. Một cành mai đó là gì vậy? Đó là tác giả muốn nói đến chân như bất sinh bất diệt của vạn pháp.
Cái chân như ấy cũng là cái chân không. Nó là bản thể, nó là một; nhưng khi hiện ra hình tướng thì vô biên tướng trạng; nước là một nhưng sóng thì rất nhiều!
Do đó mới có câu “Chân không diệu hữu”:
Có thì có tự mảy may
Không thì cả thế gian này cũng không.
Nhập vào bản thể, đó là thành Phật, nhà thiền gọi là kiến tánh thành Phật.
Ngài Huyền Quang khi vịnh chùa Hoa Yên, có câu:
Biết được tính ta nên bụt thật,
Ngại chi non nước cảnh đường xa.
Nhập bản thể vũ trụ nên tràn ngập không gian, choán hết thời gian, chiếu sáng mọi nơi, hiện hữu mọi lúc, đủ hết năng lực, biến hóa từ chân không ra diệu hữu. Nói cho dễ, đó là Tạo hóa, là Thượng Đế, là Ngọc Hoàng, nói nôm na là ông Trời.
Đức Phật tùy căn cơ chúng sinh mà chỉ dạy. Đối với người chậm hiểu, hoặc ít thời giờ tu học, Ngài dạy cho biết Phật A-Di-Đà vô lượng quang, vô lượng thọ, làm giáo chủ cõi Cực-lạc phương Tây; hãy niệm Phật đến nhất tâm bất loạn mà xin về đó.
Đối với người căn cơ khá hơn, Ngài dạy cho biết “Phật tại tâm”, nói thật ra là Phật tánh có tại mỗi người, ai tu đến kiến tánh thì thành Phật.
Cao hơn nữa, Ngài dạy cho biết Phật tánh này là bản thể của vũ trụ, trở về được với Phật tánh này là tự hòa mình vào vũ trụ, bao nhiêu năng lực biến hóa đều có cả. □
Chú ý: Người ta thường dùng chữ Pháp tánh để chỉ bản thể của vạn pháp và chữ Phật tánh để chỉ bản thể của chúng sinh.
……………………………………………..
Ðại đức Pabhakaro – Khiêm cung
Nguồn: Tuyển tập các bài viết của các vị đệ tử người Tây phương
của Ngài Thiền sư Ajahn Chah
Nguyên tác Anh ngữ: Seeing the way
Tỳ kheo Giác Nguyên dịch Việt
KHIÊM CUNG
Tiểu Sử Tác Giả:
Đại Đức Pabhàkara thế danh là Gordon Kappel sinh năm 1984 tại Seattle, Washington. Nhập ngũ năm 1967, từng có mặt tại chiến trường Việt Nam ( 1969) với cấp bậc đại úy không quân. Trong một chuyến đi sang Thái Lan, đại đức đã đến viếng các chùa và tình cờ gặp được chư tăng người Tây Phương đang tu học tại đây.
Năm 1970, về lại Alabama ( Hoa Kỳ), đại đức dành trọn thời giờ để nghiên cứu Phật giáo một cách nghiêm túc, dần dần phát nguyện bát quan trai giới và học Thiền. Sau đó, trở qua Thái Lan, đại đức tu sa di ở chùa Wat Bovornives rồi năm 1972 chính thức thọ giới tỳ kheo tại chùa Wat Pah Pong.
Năm 1977, khi đại đức Sumedha rời Thái Lan để sang hoằng pháp tại Anh Quốc, đại đức Pabhàkara coi như trở thành vị viện chủ của tu viện Nanajat. Năm 1979, sau khi tháp tùng Thiền sư Ajahn Chah trong một chuyến đi vòng quanh Châu Âu và Hoa Kỳ, đại đức trở về Thái Lan bỏ ra 18 thàng sống hạnh Đầu Đà giữa rừng sâu rồi sau đó quay về chăm sóc Thiền sư Ajahn Chah lúc này đang trở bệnh nặng, đồng thới quán xuyến luôn cả các Phật sự tại chùa Wat Pah Pong.
Năm 1984 đại đức đi Anh quốc để cùng các huynh đệ thành lập Trung Tâm Phật Giáo Amaravatì. Đại đức hiện là trụ trì chùa Harnham Vihara và đã từng xuất hiện trên đài truyền hình trong một chương trình có tên là “ Cuộc hóa duyên về Newcastle”.
Bài viết sau đây là nội dung được phỏng lại của một thời giảng do đại đức Pabhàkara thực hiện vào tháng tám, năm 1984 tại Scotland.
Khiêm Cung
Một lúc nào đó, biết ngồi lại để thấm thía tinh thần uyên áo mà giản dị của Phật pháp, chúng ta có thể sẽ thấy được ý nghĩa quan trọng tuyệt vời của cái gọi là cách đối nhân xử thế hay nói gọn hơn, là phép sống ở đời. Ở đây chúng ta sẽ có được những kinh nghiệm quý giá về quy luật đối xứng trong từng hành động, ngôn ngữ và cả ý nghĩa của mình nữa. Mọi sự luôn để lại một hiệu quả thích đáng. Tôi đặc biệt nhấn mạnh và có hứng thú trong đề tài này vì qua phép sống mà tôi sắp nói tới không phải chỉ được quan tâm vì nó đã được nói tới nhiều trên các trang sách mà hơn thế nữa, nó là một thứ kinh nghiệm tâm linh tự chứng hết sức đặc thù đòi hỏi một công phu trau luyện của bản thân.
Tôi đang đứng trên bục giảng nên cứ xem là tôi đang có một cơ hội để san sẻ thứ kinh nghiệm đó của mình. Tôi đã từng được dạy cách phơi mở từng phút giây thực tại để tận dụng khả năng cao nhất của mình nhằm có thể học được cách nói chuyện bằng chính ngôn ngữ của trái tim, thứ tiếng nói được phát biểu bằng chính kinh nghiệm nội tại. Từ lâu tôi vẫn tự hướng tâm về một bài học duy nhất là làm sao có thế sống ban phát một cách đúng mức. Tư tưởng đó dĩ nhiên đã đem lại cho tôi rất nhiều đạo lực giá trị nhưng rồi đôi lúc trong đầu tôi lại chập chờn những câu hỏi: “ Liệu người ta có cần đến thái độ đó của mình hay không? Thật ra thiên hạ cần đến một sự tương giao như thế nào?”.
Trong những lúc nhức đầu với mấy tự vấn đó, tôi lập tức cố gắng quay lại với chính mình bằng một thái độ buông xả rồi lại tự hỏi: “ Cái Tôi từ đâu đến mới được chứ? Mình từ đâu đến đây nhỉ?”
Theo tôi, tính trung thực là một trong những giá trị tinh thần thù diệu nhất mà con người cần thiết phải phát huy, trưởng dưỡng. Đức tính này cũng là một trong mười hạnh Ba La Mật của Phật Giáo. Cho dẫu có tự xét mình theo quan điểm đạo đức hay tôn giáo, chúng ta cũng sẽ thấy rằng một khi ngay trong chính thâm tâm mình đã thiếu tính trung thực, chân thực thì bước đi tiếp theo sẽ là việc dối người dối đời. Sự dối lòng thì tinh vi lắm, rất khó phát hiện, nên ta còn có thể tự dung túng nó. Nhưng để dối người thì vấn đề hơi gay go.
Hiệu quả của lòng trung thực kỳ lạ lắm. Những khi sống với nó, tôi tự nhiên thấy mình trở nên khiêm tốn hơn để có thể chịu thua thiệt với bất cứ ai một cách dễ dàng. Nhờ nó, tôi đủ can đảm chấp nhận đời sống dù có phải ra sao. Quý vị hãy nhớ lại đi, nền văn hóa hiện đại thật ra vẫn chưa hề dạy ta cái tình thần khiêm tốn ngay cả những khi danh từ này được nhắc tới một cách trịnh trọng nhất.Nào có gì đâu, trong một định nghĩa bội bạc nào đó, người ta còn bảo khiêm tốn hay khiêm cung chỉ là cái cử chỉ khom mình thật thấp về cả ý nghĩa sinh lý lẫn từ ngữ. Thậm chí có người còn nói thái độ khiêm tốn, về mặt ngữ nghĩa chỉ là động tác tự gây cho mình cái cảm giác thấp kém và bé mọn hơn. Từ đó, người ta thường cứ thấy ấm ức khi phải tỏ dấu thi lễ, nhún nhường với ai đấy.
Kỳ thật, trong từng cái cúi đầu như vậy, cái Tôi trong chúng ta coi như đã ít nhiều được đè nén nhưng hãy nhớ đấy,hãy luôn cảnh giác với chính mình khi cử chỉ khiêm cung đó chỉ còn là một động tác máy móc .
Trong đời sống tu tập của một Phật tử, đức tính khiêm tốn không chỉ là một dấu hiệu văn hóa mà còn là một pháp tu nữa. Bởi cũng chính từ đây, sự tiến bộ của chúng ta được thực hiện và thể hiện. Tôi biết có người sẽ cho thái độ khiêm tốn là phương hại cho dũng khí nhưng rõ ràng những gì tôi vừa nói trên đâu có nghĩa là chúng ta phải nhắm mắt để mặc cho người khác chà đạp. Tôi không hề kêu gọi các vị hãy nằm dài xuống mặt đường cho mọi người dẫm lên để trau dồi được tính khiêm tốn. Điều chúng tôi đề nghị ở đây chính là thái độ tâm lý của mỗi người trong từng cuộc đối diện và phản ứng với đời sống chung quanh. Tấm thân sinh lý này thật ra chẳng nghĩa lý gì đâu, chúng ta nên học cách cúi thấp ngay từ trong tư tưởng, trong từng quan điểm của mình kia!
Hãy thử quan sát điều gì sẽ xảy ra khi ta không có phản ứng đối kháng trước lời công kích của ai đó. Phải nói rằng khi xúc phạm chúng ta, thiên hạ luôn chờ xem một sự trả đũa nào đấy để họ có thể phỉ dạ, hả hê. Nhưng nếu về phía mình chúng ta không có một đối kháng nào để đáp ứng thù tạc lại thì những thị phi kia lúc này coi như bị tung trợt ra ngoài như một quả banh bị đánh vào khoảng không. Tôi nhắc lại, chúng ta không có đối kháng mà chỉ nên bao dung thôi. Và vấn đề không chỉ dừng lại ở tinh thần bao dung, chúng ta còn phải hiểu rõ bằng cách nào mình đã thực hiện được điều đó.
Tôi đã thực tập được điều này trong thời gian còn sống ta bà. Ngoài những lời mỉa mai, phỉ báng còn biết bao thứ phũ phàng khác nữa mà thiên hạ đã trút lên tôi. Chẳng hạn, ngoài cảm giác tâm lý khó chịu dĩ nhiên phải có khi biết người chung quanh chẳng ưa mến gì mình, tôi còn phải chấp nhận cái đinh tai nhức óc khi có người muốn đuổi theo sau hoặc muốn sánh bước với mình. Những khi đó tự trong người tôi quả là đang trào dâng một nguồn sinh lực bản năng nào đấy để sẵn sáng bật tung ra cho một đối kháng nhưng cũng may, bao giờ tôi cũng kịp thời giữ mình và tiếp quản lập tức nguồn sinh lực đối kháng ấy. Đúng là chuyện khó tin khi trong lòng cùng lúc tất cả phúc loạn tâm sinh lý lại tương quan với nhau một cách nhìp nhàng đến thế. Lúc đó tôi có cảm giác như sức phản ứng của mình được di chuyển khắp vùng lục phủ, bàn tay nắm chặt lại để sẵn sàng hành động nhưng rồi khi nội tâm được dàn xếp, sức mạnh sinh lý kia trở nên nhẹ nhàng, ngoan ngoãn cho một sự khuất phục. Như vậy có thể nói đâylà con đường để tận dụng một cách hữu ích và nhuần nhuyễn mọi tình huống trong đời sống, biến trở lực thành ra pháp tu mà ý nghĩa căn bản của nó nằm trong hai tiếng khiêm cung.
Có thể nói hầu như cuộc đời của tôi đã đi qua với những chỉ số tiêu chuẩn nhất, trong một hình hài cao trên một mét tám và hạng nặng những một trăm ký. Nhưng đối với tôi, mấy con số đó không hề là cái gì cả như bọn thiếu niên dậy thì vẫn mong mỏi có được để tự khẳng định sức vóc và tuổi trẻ của mình. Nhờ biết quên đi, biết coi nhẹ cái mình đang có, nên tôi xem như có thể dửng dưng tẩy xóa được cái ám thị “ Cơ bắp, phái mạnh, anh hùng” trong chính bản thân. Ngày nào chúng ta còn bị vướng vít với những “ tầm vóc, kích thước” thì công phu thiền quán phải nói là cả một vấn đề và cũng có thể nói rằng chính nhờ biết quên đi những ám thị không cần thiết nên tôi đã tìm thấy cái đẹp thật sự trong đời sống phạm hạnh của mình. Khái niệm thẩm mỹ cao khiết này đã vạch ra cho tôi một hướng sống hết sức tuyệt vời, ngay từ những sinh hoạt bình thường nhất. Chẳng hạn ở đây mỗi ngày chúng ta có những nghi thức tôn giáo thoạt xem qua thì rất giản dị như động tác chắp tay và tụng kinh. Cái khó nhất vẫn là động tác chắp tay cúi đầu. Chỉ riêng động tác đó thôi, trên hình thức, thì có gì đâu. Chỉ có điều là chúng ta thực khó mà “biết chấp tay ngay tự đáy lòng mình”. Để thực hiện được điều này ta phải tự đối diện với sự tự kháng quyết liệt của nội tâm. Chúng ta thực ra đâu có muốn chắp tay, bởi có biết bao là những quan niệm đối lập lại với động tác khiêm cung xem ra có vẻ quá đáng ấy. Nhưng nói cho cùng thì chúng ta làm những cái gì?
Ngay chính bản thân tôi trong cuộc đời tu học của mình cũng đã nhận ra những rắc rối này từ rất sớm. Nhưng tôi đã may mắn gặp được thiền sư Ajahn Chah, người mà theo tôi là một bậc chân sư khả kính nhất. Tôi đã sụp mình đảnh lễ dưới chân Ngài một cách dễ dàng. Ngài không hề bảo tôi làm thế, dĩ nhiên, nhưng tôi đã đảnh lễ Ngài vì tự nhiên muốn làm như vậy. Tôi đã bất chợt nhận ra là tư thế phủ phục đó đẹp quá, thay vì đứng thẳng người lên , nói một câu nào đó thật sáo rỗng mà trong đầu vẫn tồn đọng một cái Tôi to tướng. Tư thế sụp mình dưới đất như vậy đã đem lại cho tôi một cảm giác làm sao ấy, nó như tươi mát cả tim mạch…
Để mọi người có thể cùng chia sẻ với chúng tôi cái cảm nghiệm đó quả là khó khăn. Lớn lên trong nền văn hóa Tây phương, chúng ta thường có khuynh hướng chú trọng đến cái gì thực tế. Khách viếng chùa nhìn thấy những hình thức lễ bái, rất có thể sẽ cho là chúng tôi đã nhồi sọ tín đồ hoặc những nghi thức hạ mình đó còn là một cách lập dị để nuôi lớn một cái Tôi.
Người Tây Phương chỉ có thể xem nghi thức chắp tay gần như là biểu cử của cấp dưới cho nên khó mà thực hiện và càng không thể hiểu được ý nghĩa tuyệt vời của nó. Trong khi đó, đứng trước một cái cúi đầu của một người. Theo tập tục Thái Lan chẳng hạn-thì tự nhiên tôi thấy mình phải tự biết khiêm tốn bằng cái gật đầu đáp lại với một sự trân trọng thiệt lòng. Cách cuối đầu của người Thái xem ra cũng có ý nghĩa tương đương với cái chấp hai bàn tay (Ànjali) của cổ tục Ấn Độ mà người xứ này vẫn gọi là phép chào hỏi cung kính nhất ( Namaste). Họ chỉ chấp tay lại thôi nhưng trong động tác ấy ngầm chứa một lời chào “ Tôi xin cung đón, cung tiễn hay phủ phục trước bạn”. Ở Phương Tây, đặc biệt tại Mỹ bạn chỉ cần đưa tay ra nắm lấy bàn tay người đối diện rồi nói một câu khuôn sáo cho xong “ rất hân hạnh” chỉ vậy thôi. Tôi là một người Mỹ nhưng cho tới bây giờ vẫn cứ thấy cách chắp tay chào nhau là một biểu lộ tình cảm đẹp nhất.
Mấy năm trước, lúc còn ở Thái lan, tôi đã từng sống gần một nữ tu người Tây Tạng, cô biết nói tiếng Anh và cũng là học trò của Ngài Ajahn Chah. Có một buổi chiều phải sang thăm dãy thiền phòng dành cho các nữ thiền sinh, Ngài Ajahn Chah bảo tôi đi theo để thông dịch. Sau thời giảng về thiền như một bài học thêm cho các cô, Ngài thiền sư dành đôi ba phút còn lại để trả lời các câu hỏi.Một ngày trước đó, Ngài Ajahn Chah đã nhìn thấy cô thiền sinh Tây Tạng đi nhiễu quanh ngôi chánh điện của chùa rồi chốc chốc lại buông mình trải người xuống đất để đảnh lễ theo nghi thức Tây tạng. Chiều nay, trước đám đông các thiền sinh, Ngài đề nghị cô hãy làm lại động tác lễ bái đó cho mọi người cùng được xem. Cô thiền sinh đã vâng lời và lập lại trọn vẹn nghi thức lễ bái đó.
Cô đã giải thích rằng đôi tay trong lúc này mang ý nghĩa như một lễ phẩm của toàn bộ thân khẩu ý chính mình. Động tác duỗi tay và xoay vần quanh người rồi cuối cùng đặt lên đầu là để tượng trưng cho tất cả tấm lòng mình đã trao gởi vào động tác đảnh lễ. Sau đó, cô thả mình nằm dài trên nền nhà với hai bàn tay chấp lại để sau đầu, rồi lập lại mọi động tác ban đầu, cô trãi mình xuống đất lần thứ nhì và đôi bàn tay đặt trên đỉnh đầu để kết thúc nghi thức. Chăm chú theo dõi từ đầu đến cuối, Ngài Ajahn Chah đã buông một câu nhận xét: “Đây cũng là một phép tu về hạnh khiêm cung và xả thân!”
Tôi không bao giờ quên được buổi chiều hôm đó với câu nói của Ngài Ajahn Chah. Ngài đã kín đáo nhấn mạnh cái đẹp của một hình thức sinh hoạt tuy có vẻ vật chất nhưng lại chứa đựng trọn vẹn tinh thần xả kỷ vong thân. Bởi nếu có được một cái nhìn chuyên biệt, ta sẽ thấy rằng chỉ cần một vài động tác khiêm hạ cũng đã quả đủ để nói lên tấm lòng chân thành nhất. Tôi nghĩ rằng đến cả những người ích kỷ và tự đại nhất có lẽ cũng không thể phủ nhận điều tôi vừa nói trên đây.
Ngay trong đời sống tu viện, chúng tôi gần như luôn có nhiều cơ hội để tự tìm lấy những bài thực tập về hạnh khiêm cung thông qua từng cái cúi đầu của người khác đối với mình cũng như của mình đối với người khác. Đối với chúng tôi, chỉ riêng có chừng đó cũng gần như một pháp môn để tu học rồi.Vì ít ra đây cũng là biện pháp để chấm dứt rất nhiều thứ cần được chấm dứt và đây cũng là một hạnh tu khá đơn giản bởi ngay cả lúc rảnh rỗi nhất cũng phải nhớ tới. Có khó gì đâu chỉ bỏ ra tí thời gian để tự nhìn lại mình và nuôi dưỡng tâm hồn chỉ bằng từng cái chấp tay hay cúi đầu thôi. Và đối tượng cho thái độ tôn kính đó nào có phải đòi hỏi một thần tượng vĩ đại nào đâu. Chúng tôi chắp tay, cúi đầu và thật đơn sơ hướng về một nhân cách, đức tính, phẩm hạnh nào đó như nhân ái, từ bi và hiểu biết…
Mỗi đêm, trước khi vào giường ngủ, tôi đều cúi đầu trong tinh thần đó đúng sáu lần và trước khi rời giường vào buổi sáng hôm sau tôi cũng lập lại sáu lần động tác đó như một công việc đầu tiên trong ngày. Không chỉ riêng ở đâu hết, kể cả những lần qua đêm ở nhà cư sĩ, tôi vẫn luôn giữ đúng thói quen đó, và sẽ thú vị hơn nữa nếu trên tường của căn phòng không có một đối tượng nào cả, ảnh Phật hay cách ngôn, lúc đó tôi có thể sẽ tự mình làm một buổi kinh cầu ngay trong nội tâm mình bằng những suy tưởng về các phẩm chất tinh thần nào mà mình có thể vận dụng. Tôi nghĩ rằng điều này ai trong số chúng ta ở đây cũng có thể thực hiện được cả.
Việc thực hiện được hay không, những điều tôi vừa nói, dĩ nhiên vẫn là sự lựa chọn của mỗi người. Điều đó chúng ta nếu muốn thì cũng có thể thực hiện bất cứ lúc nào mà,chẳng hạn ngay từ bây giờ. Và bài học coi như bắt đầu từ đây thưa quí vị: khi thấy không ai chào mình thì dù không có phản ứng gì rõ ràng, tôi vẫn cảm thấy một chút buồn đi qua lòng mình và khi bắt gặp được một cái cúi đầu, tôi dĩ nhiên nghe mình dễ chịu hơn. Tôi hiểu được cái khó khăn trong bài học này , nhưng bởi vì quí vị đã thật lòng muốn học hỏi nó thì đây sẽ là một bài học tuyệt vời. Đại khái, bài học về đức tánh khiêm cung đòi hỏi ở chúng ta một sự cố gắng tương xứng như thế một cuộc chiến không hơn không kém.
……………………………………………..