Một góc trời mang bao nhớ thương …*
Nhã Nhạc
Cách đây đã lâu, khoảng gần ngày Halloween, tôi đến tiệm uốn tóc quen thuộc ở góc đường Magnolia và Westminster để cắt và uốn mái tóc đã khá dài .
Bao giờ cũng thế, uốn tóc ở đây là một dịp hiếm hoi để tôi được “sống” hơn hai tiếng đồng hồ giữa các đồng hương của mình . Ngay khi sửa soạn rời nhà, tôi đã cảm thấy dễ chịu, thích thú, vì biết sắp được lái xe khoảng 20, 25 phút qua các đường phố Việt Nam . Tên các bảng hiệu bằng tiếng Việt hiện ra dần dần trước mắt, tôi tưởng như đang lái cái xe Yamaha màu xanh của tôi qua các đường Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản, Phan Đình Phùng …những ngày xa xưa ấy !
Đến nơi, tôi luôn luôn là một trong hai khách hàng đến sớm nhất, cùng với cô chủ tiệm và hai cô thợ bạn của cô chủ . Các cô ở đây đều còn rất trẻ, như cô H., chủ tiệm, trắng, xinh, phúc hậu, chỉ chừng trên, dưới 40 tuổi . Trong hơn hai tiếng đồng hồ, tiếng Việt Nam là tiếng nói duy nhất của mọi người mà tôi nghe được . Thảng hoặc lắm, khi một người ngoại quốc bước vào, cô H. mới cất tiếng chào hỏi bằng tiếng Anh .
Phố Bolsa (Sài-Gòn-Nhỏ)
Khi các cô thợ bạn dần đến đầy đủ và có thêm khách, tiếng nói cười trong tiệm rôm rả hẳn lên . Bên tay phải tôi, giọng một cô hỏi: “Bữa nay chị uốn tóc để hôm này đi dự tiệc “Đêm ma quỉ”, phải hôn chị ?…” – Khách cười: “Không, tôi chỉ dẫn các cháu đi xin kẹo thôi .” Ở góc đằng kia :”Thưa bác, hôm nay cháu nhuộm tóc mầu nâu đậm cho bác ạ ?”
-“Vâng, đúng thế, cô nhớ lâu ghê, cám ơn cô !”
Tiếng các cô hỏi chuyện nhau: “Ê, H. , chợ Thuận Phát đang sale quả chôm chôm, “bà” đã mua chưa ?” , hay:”Cá hồi hôm nay tươi và giá cũng dễ mua đấy !” Một bà khách bắt chuyện, tự nhiên và thân mật: “Cũng ở chợ Thuận Phát à cô ? Cô đã mua về nấu thử chưa ?”
Câu chuyện giữa các cô, giữa các cô và khách hàng dần dần lan sang các đề tài khác, có khi cũng sôi nổi, nhất là khi bàn về giá cả hiện nay . Tất cả bằng tiếng Việt ! Vâng, tất cả bằng tiếng Việt ! Rõ ràng có một “Sài Gòn” bên ngoài Việt Nam !
Tôi để ý, trong tiếng cười, giọng nói của họ – dù là người Sài Gòn chính hiệu, hay người Bắc di cư 1954 – đều giống nhau một điểm : giọng nói thanh hay trầm ; lời nói, tuy có lúc bông đùa, bỡn cợt, nhưng rõ ràng, vẫn trên nền tảng nhã nhặn, lễ độ, lịch sự . Có lẽ đây là một đặc điểm để người Việt Nam nhận ra ngay được : người Việt Nam đối diện với mình là người “Sài Gòn cũ, trước 1975” và người “Hà Nội cũ, trước 1954”, hay đó là một người “Hà Nội mới” với giọng the thé, chát chúa, cộc lốc …
Ở đây, tôi muốn nói thêm về những người “Sài Gòn cũ , Hà nội cũ” . Nếu họ được như thế (hòa nhã, lịch sự ..) , chẳng qua cũng vì họ đã thấm nhuần những nguyên tắc đạo lý qua bao thế hệ . Nền tảng giáo dục này đã bắt nguồn từ gia đình, học đường, xã hội , thấm nhuần vào đầu óc ông bà, cha mẹ họ trước, với những :
“
“Anh em như thể tay chân/anh em hòa thuận, hai thân vui vầy .”
“Một giọt máu đào hơn ao nước lã” – “Công, dung, ngôn, hạnh”
“Tiên học lễ, hậu học văn”
“Ở hiền gặp lành” – “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao .”
“Thương người như thể thương thân ..”
“Kính lão đắc thọ” – “Giặc đến nhà đàn bà phải đánh”
vân vân và vân vân …
Người dân Việt Nam trước 1954 và trước 1975 là như vậy . Người dân miền Bắc khi di cư vào Nam đã mang theo đạo lý của ông cha mình , rồi hòa nhập với đồng bào miền Nam trong cùng một thứ đạo lý, nhưng rất “Nam Bộ” , như trong hai câu thơ:
“Trai thời Trung Hiếu làm đầu,
Gái thời Tiết Hạnh làm câu sửa mình .” (Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu )
Tất cả chúng tôi có mặt hôm đó, trong tiệm uốn tóc của cô H., đều đã mang trong giòng máu mình những hạt mầm giáo dục quí giá đó . Gia đình, học đường, xã hội là nơi góp phần cho hạt mầm giáo dục nở ra xanh tốt !
Từ đó, chúng ta cũng không ngạc nhiên khi nghe nói về một nơi chốn đã từng có “Phở quát tháo”, “Phở chửi rủa” ; nơi mọi người nói trơn tru: “ Đ. làm cái này”, “Đ. biết cái kia !” … Chỉ nghe tường thuật lại thôi, chúng ta đã cảm thấy xấu hổ !
Nhưng nói cho cùng, Hà Nội từ 1954 cho đến “chiến thắng” 1975, người dân chỉ lo ăn mà vẫn đói,, lấy ai lo giáo dục con cái, học sinh !? Lại thêm những chủ thuyết áp đặt mọi người phải theo : “Chủ thuyết vô thần”, “chủ thuyết vô sản”, khuyến
khích con trẻ “Thoát ly gia đình ” ! …Thành phố Sài Gòn sau 1975, cũng đã có một thời gian dài, dân chúng đói rạc cả người, cả nước ăn độn bo bo, khoai, sắn …con cái họ vừa bị thiếu ăn, vừa bị đối xử phân biệt trong việc học hành, thi cử …; đã thế, lại có bên cạnh những đồng bạn “thiếu nền tảng giáo dục” , “thiếu văn hóa” từ miền Bắc vào bầu bạn sớm hôm ! Thế nên những bậc cha mẹ “ngụy quân, ngụy quyền” này đã chịu bao nhiêu cực nhọc, cay đắng nuôi dạy con, mong sao chúng được no đủ, và nhất là : “giấy rách giữ lề” !
Trở lại tiệm uốn tóc của cô H., không khí vui tươi, thân mật giữa mọi người, dù là dân “Nam Kỳ” –giá sống”, hay “dân Bắc Kỳ-rau muống,” , đã như một nhắc nhở mọi người tìm đến với nhau cho đỡ nhớ quê hương ! Trong tâm trạng đó, tôi hiểu tại sao có rất nhiều người Việt Nam di tản, thoạt đầu, đến những tiểu bang ít dân Việt, sau đã tìm cách di chuyển về những thành phố/tiểu bang đông người Việt hơn .
Nếu người xưa , khi nhớ nhà, nhớ quê hương,đã thả hồn bâng khuâng theo “khói huyền” tan lẫn trong cây :
“Nhớ nhà châm điếu thuốc
khói huyền bay lên cây …”**
thì ngày nay, nỗi sầu nhớ cố hương, trăm vạn lần sầu hơn thế , đau hơn thế ! Có lẽ nỗi sầu, đau này gần gũi hơn với :
..”.Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
Thương nhà, mỏi miệng cái gia gia …” ***
Gần đây hơn nữa, nhà thơ Thanh Nam (1931-1985) – một trong hàng triệu người di tản như chúng ta – đã trải nghiệm những cơn sầu, đau vì nhớ quê hương, rồi trải lòng qua những lời thơ tha thiết khi ông nói về nỗi đau xa xứ :
“Sáng nay trời đổ sương mù
Đồi cao ngó xuống thấy mờ biển khơi
Bỗng dưng lòng thấy bồi hồi
Tưởng đâu Phú Quốc, đêm rời quê hương .”
hay : “Tuyết đổ dầy thêm,đêm lạnh buốt
Người về phòng nhỏ,bóng cô đơn
Mở chai bia lạnh, thay cơm tối
Ngồi đọc thư nhà, lệ chứa chan .”
Little Sài Gòn : Mặt tiền khu Phước-Lộc-Thọ và, chợ hoa ngày Tết .
Tôi cũng hiểu ra tâm trạng những khách “bộ hành”, rảo bước hay chậm rãi , nện gót giầy qua những đường phố “Sài – Gòn-Nhỏ” , họ cũng như tôi, có những lúc cảm thấy nhớ Sài Gòn da-diết …
Gần 10 giờ sáng, tiệm đông vui, nhộn nhịp hơn nữa . Cửa mỏ ra, một bà trung niên bước vào, tay bưng một thúng nhỏ với lá chuối bên trên, bác bắt đầu mời khách: “Hôm nay có giò lụa nóng, ngon lắm, mời bà con, cô bác mua dùm tôi .., có cả bánh dầy nữa .” Bác đến từng người ; ba người khách đã mua chả lụa của bác, tôi cũng lấy một cặp bánh dầy và một cái chả chiên nhỏ . Người bán vui, người mua cũng vui trong thân tình . Một cô khoảng trên 20 tuổi vào bán chôm chôm và cũng có người mua …Cảnh tượng này nhắc tôi nhớ tới tiệm uốn tóc của chú Ba trước 1975, trên đường Phan Đình Phùng, gần đường xe lửa và chợ Vườn Chuối . Tiệm của chú Ba cũng nhỏ nhưng rất đông khách . Những năm đó,hàng tuần, cứ đến ngày thứ bẩy, sau giờ dậy buổi sáng, tôi đến thẳng đây để “gội, cuốn xấy tóc” trước khi về nhà, bắt đầu ngày nghỉ cuối tuần !
Đồng hương đông vui chung quanh cũng nhắc nhở tôi nhớ đến “trung tâm bát phố” ngày nào trên những con đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Lê Thánh Tôn, Gia Long … Mỗi cuối năm, khi Tết đến, khoảng 27, 28 tháng chạp âm lịch, N. và tôi lại được theo ba của N. đi chơi chợ Hoa Tết trên đường Nguyễn Huệ . Ba của N. , một nhiếp ảnh gia tài tử, đã chụp cho chúng tôi những tấm ảnh bên hoa mai, hoa đào, thược dược, quất … Ông tự tay tráng phim, rửa phim, in thành những tấm hình tuyệt đẹp !
Trí tưởng tôi cũng về lại trên con đường Duy Tân, qua Viện Đại học Sài Gòn, vào Thư viện trường Đại học Luật Khoa, nơi tôi đã từng gặp gỡ, chuyện trò với biết bao bạn đồng môn, mà nay mỗi người một phương trời, có người đi xa, rất xa không hẹn ngày về ! Mới hôm qua đây thôi, Luật sư T. Y . NT – một người say mê hoạt động xã hội, LS đã thường xuyên viết những bài tham luận chính trị, biên khảo các vấn đề Xã hội, phụ trách điều hành Hội Cựu SVLK SG , Văn phòng chính tại Houston … LS vừa gửi tới các cựu SVLK một bài tham luận chính trị mới , nhưng đột nhiên gọi là bài “cuối cùng” , trước khi phải nghỉ ngơi hoàn toàn để bắt đầu một cuộc trị liệu hóa học cho một căn bệnh ung thư vừa chớm phát . Ôi, thật là buồn ! Mới đó, dường như ngày lìa xa quê hương mới chỉ xảy ra, hôm qua, hôm kia, mà hôm nay,tất cả đã thay đổi : quê hương đang trong âm mưu bị ngoại bang thôn tính ; người tranh đấu cho quyền tự-do, độc-lập của Tổ quốc cũng bị bắt như người vận động chống tham nhũng ; Tôn giáo tiếp tục bị áp bức , bắt bớ, ….Tại hải ngoại, giấc mơ đem lại No Ấm, Tự Do, Dân chủ cho đồng bào trong nước, giấc mơ được trở về chết trên quê hương Tự-Do, Độc-Lập của LS T. Y- NT , cũng như của nhiều người Việt Nam khác nữa, mỗi lúc một xa dần, mất hút …
Giờ đây, tôi hiểu thấu hơn bao giờ hết ý nghĩa thiêng liêng của câu“Tình đồng bào, nghĩa đồng hương” . Tôi tưởng tượng ra , một ngày kia, lúc cả tháng trời, tôi không được gặp một đồng hương nào, chắc chắn nỗi nhớ quê hương day dứt sẽ gậm nhấm hồn tôi ! Rồi tôi sẽ khắc khoải mong chờ một ngày về để thấy đồng bào mình hết lầm than, cơ cực , hết thấy những cụ bà 70, 80 còn phải đi bán rong vài nải chuối, ít đậu phụng, mươi trái ổi trên hai cái thúng và cái đòn gánh bắc qua vai , chân cụ đi đôi dép Thái , trời mùa hè cũng như mùa đông (may ra thêm đôi vớ, một áo ấm), nhưng chỉ có vậy mà thôi ! Những cụ ông, cũng gần 80, còn phải đẩy xe hay đạp xe, kiếm miếng ăn qua ngày !…Tôi nhớ, một lần tâm sự với nhau, một bạn của chúng tôi nói: ” Cầu xin hồn thiêng sông núi run-rủi cho một anh hùng VN xuất hiện, như Lê Lợi, Đức Trần Hưng Đạo …, để “dẹp tan thù trong, giặc ngoài”, cứu lấy sơn hà xã-tắc, cứu lấy hàng triệu con người VN đang sống điêu linh !” …Chúng tôi hiểu mong ước là một việc làm tiêu cực, không thực tế, nhưng “ước mơ” này lại bắt nguồn từ một sự thất vọng lớn lao và rất thực tế như chúng ta thấy hàng ngày trên quê hương yêu dấu !
Những mơ ước đó, giả sử không thành, chúng ta, ít ra, cũng tự hào trong niềm an ủi lẫn nhau , rằng: “Chúng ta xa quê hương và mang theo Hồn Quê hương, chúng ta vẫn sống theo Đạo lý của ông cha mình, để cho các thế hệ sau , trên mảnh đất tạm dung này, đã và sẽ làm rạng danh “Con Rồng cháu Tiên” trên nhiều mặt của cuộc sống …
California, Mùa Lễ Trọng 2011
Nhã Nhạc
Chú thích :
* Tựa đề theo ý câu thơ của tg Du Tử Lê :
“Từng phiến trời mang bao vết thương” .
** Chiều : Thơ Hồ Dzếnh, Dương Thiệu Tước phổ nhạc
*** Bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan .
Paid Links