MÙA XUÂN MIÊN VIỄN (NHÃ NHẠC)

MÙA XUÂN MIÊN VIỄN 
                                       
Nhã Nhạc
 

Tượng Phật Nhật Bản mùa Hoa Anh Đào 2006
Vào dịp Tết Tân Mão, 2011, chúng tôi đã gửi lời chúc Xuân đến quí bạn đọc, bằng hữu …một câu ngắn gọn như sau , chúc :”Một mùa xuân Di Lặc” .Ngày mồng Một Tết hàng năm cũng là ngày vía đức Di Lặc .
“Mùa xuân Di Lặc” bắt nguồn từ ý nghĩa việc tu tập theo hạnh “Xả” của Đức Di Lặc . Ngày Mồng một Tết chúc nhau một “Mùa Xuân Di Lặc” ý nhắc nhở chúng ta hãy theo chân ngài Di Lặc, ngay từ hôm nay, hãy “buông bỏ” hết mọi ưu tư, phiền não …để có thể “đến được bờ bên kia”, tức “bờ giác ngộ”
Trong bài viết, chúng tôi cũng đã thú thực là : trước khi đọc sách Phật, mỗi khi thắp nén nhang trước tương Đức Di-Lặc, chúng tôi đã thầm khấn một câu đơn giản :”Xin ban cho con nụ cười tươi, rạng rỡ như của Đức Phật Di Lặc !”
Sau khi đọc kỹ về Đức Di Lăc, chúng tôi nhận ra mình sai nhầm hai điểm : -một là về danh xưng . Ngài Di-Lặc là một vị Bồ Tát và là một vị Phật trong tương lai, nối tiếp Đức Phật Thích Ca . Vì không hiểu rõ, chúng ta quen gọi ngài là Đức Phật Di-Lặc . Mỗi khi tụng kinh lễ bái, Phật tử chúng ta chí tâm đảnh lễ ngài Di-Lặc bằng câu :”Nam mô Long Hoa giáo chủ đương lai hạ sanh Di-Lặc tôn Phật”, vì Ngài là một vị Bồ Tát và là Giáo chủ Hội Long Hoa .
– Điều sai nhầm thứ hai của chúng tôi là : lời cầu xin “một nụ cười …” Ngài Di-Lặc không thể ban cho chúng tôi nụ cười tươi tắn, rạng rỡ như của Ngài được ! Chúng tôi phải tự tạo cho mình nụ cười đó – như Ngài Di-Lặc đã chỉ dạy –  bằng cách “buông xả” hết phiền não .
 

Hạnh xả là hạnh thứ tư trong tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỉ, xả) . Một cách đơn giản, xả là buông bỏ hết mọi phiền não trong đời sống . Nhưng, nói thì dễ mà thực hành thì rất khó .Ngày nào mà chúng ta còn để sáu căn (lục căn, lục trần : mắt,tai, mũi, lưỡi, thân và ý) chi phối, điều khiển, thì ngày đó, chúng ta còn bị các thứ phiền não đeo đuổi .
Thực ra, Đức Di-Lặc cũng bị sáu căn này chi phối như chúng ta . Hãy nhìn tượng  ngài Di-Lặc : chung quanh ngài là sáu đứa trẻ, tượng trưng lục căn (sáu tên giặc) luôn phá rối Ngài (có tượng chỉ để năm đứa trẻ tượng trưng, vì  ý căn vô hình . (Những trẻ này giúp nhận ra tượng Di-Lặc khác với tượng ông Địa !) . Sở dĩ Ngài vẫn tươi cười, an nhiên, tự tại là vì Ngài  không để cho sáu căn này lôi cuốn, trói buộc vào vòng phiền não, và vì Ngài hiểu, như Đức Phật đã dạy : mọi vật trong đời đều là hư giả …
Buông bỏ phiền não thật không phải là dễ ! Đức Di-Lặc khuyên chúng ta, trước hết, hãy dứt bỏ “tham, sân, si” (tam độc), chúng chính là nguồn gốc của phiền não . Việc tu tập theo hạnh xả không thể một sớm một chiều mà đạt ngay được .Người Phật tử chúc nhau “Mùa Xuân Di-Lăc ” vào ngày vía của Ngai, cũng là ngày mồng Một Tết, chính là để nhắc nhở nhau hãy tu tập theo chân Ngài ngay từ hôm nay . Chúng ta sẽ cố dứt bỏ phiền não mỗi ngày một chút, từng bước, từng bước một .
(Xin xem thêm bài “Phiền não” trong mục :”Phật học”)
Mùa Xuân Nhâm Thìn sắp tới đây, chúng ta lại chúc nhau một “Mùa Xuân Di-Lặc”, nhắc nhở nhau đi tiếp con đường  “buông xả” mà ngài Di-Lặc đã đi, đồng thời cũng để kiểm chứng xem mình đã buông xả được nhiều hơn chưa trong năm vừa qua ? Chúng ta đã bớt được nỗi lo âu “mất, còn” vì thời cuộc , vì vật giá leo thang …? Chúng ta đã bình tĩnh, không giận dữ nhiều hơn trước những lời dị nghị, khen chê của người đời ? Chúng ta đã bớt được  tính ham thích (đổi một cái xe mới ?-Cần một ngôi nhà khác tiện nghi hơn ? ..) vân vân và vân vân ..
Từng bước … từng bước một, hy vọng, mỗi năm, chúng ta buông xả được nhiều hơn, tốt hơn . Ngày đến được “bờ bên kia”(đáo bỉ ngan, tức bờ giác ngộ) tuy còn xa, rất xa, nhưng chúng ta không nản chí, vì Đức Phật đã từng nói :”Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành .”
(Xin nhắc lại : Phật là bậc đã giác ngộ – Xem thêm trong mục Phật học) .
Khi biết mình vẫn cố gắng buông xả mỗi ngày trong đời sống, chúng tôi có suy nghĩ xa thêm . Chúng tôi tự nhủ : Sao mình không “kiêm nhiệm”  một việc gì khác nữa bên cạnh việc tu tập hạnh xả này, mà kết quả là từng bước, từng bước một …đang hình thành ?
Nhớ lại, thời trung học, chúng tôi đã đọc được ở đâu đó câu nói :”Hạnh phúc lớn nhất trong đời là làm cho người khác được hạnh phúc !” ; rồi thêm lời dạy của Mẹ :”Ở hiền gặp lành”, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”,”Thương người như thể thương thân” …Chúng tôi cũng đã cố thực hành những lời khuyên này .
Sau này, lớn khôn hơn, tìm đọc sách Phật, chúng tôi nhận thấy, những việc mình làm để cho “người khác được hạnh phúc”, tuy là tốt, nhưng chúng không thành bài bản, không là câu châm ngôn hàng đầu cho cuộc sống như pháp tu theo “Bố thí Ba-La-Mật” của Đức Phật  đã dạy .
Pháp môn tu theo “Bố thí Ba-La-Mật” là một phương pháp mầu nhiệm nhất để thực hành lòng từ bi (cùng nghĩa với “làm cho người khác hạnh phúc” …) . Nếu ta thực hành được pháp môn này, tức là ta đã độ cho mình và độ cho người khác ra khỏi bể Sanh Tử luân hồi, đến “bờ giác ngộ” !
Thế nào là “bố thí” và, “ba-la-mật” ? *
1-Bố là cùng khắp ; thí là cho, trao tặng . Bố thí là cho cùng khắp, cho tất cả mọi người, mọi nơi .
2-Ba-la-mật(tiếng Phạn : Paramita), người Trung Hoa dịch nghĩa là:”Đáo bỉ ngạn”, tức là “đến bờ bên kia” .
Bố thí ba-la-mật là một môn tu hành bằng phương pháp bố thí, có công năng như một chiếc thuyền, đưa mình và người từ bờ mê lầm của chúng sinh sang bờ giác ngộ của chư Phật .
     (* Theo định nghĩa của HT . Thích Thiện Hoa)
Như thế, bố thí ba-la-mật có một nghĩa rất rộng lớn, gồm  ba loại chính :
1-Tài thí : cho đi tiền bạc, của cải, vật thiết thân quí giá,, kể cả mạng sống của mình (để cứu vớt kẻ khác ra khỏi hiểm nguy  …)
2- Pháp thí : khuyên bảo, chỉ dẫn người khác những điều hay, lẽ phải, những chân lý, những lời dạy của Đức Phật, mà bản thân mình đã phải noi theo để làm gương cho người khác .
3- Vô-úy thí : vô-úy là không sợ . Vô-úy thí là làm cho người khác không sơ hay hết sợ . Trong bể khổ của con người, nỗi sợ hãi , có thể, đã chiếm tới một nửa : mỗi giai đoạn của đời người có những nỗi sợ hãi khác nhau : từ khi còn đi học : sợ học bài, sợ điểm xấu, sợ thày, sợ bạn v..v.. Khi  ra đời làm việc, còn nhiều thứ sợ hơn : sợ đói, sợ giặc, sợ công danh không bằng người , sợ tiền bạc không đủ tiêu ..v..v..  Về già : sợ phải xa con cái, sợ đau yếu, bệnh tật và, cả sợ chết ! …

Đức Phật đã nhìn ra những loại sợ này (nguồn gốc của “Đời là bể khổ”), Ngài đã khuyên chúng ta đừng  sợ , từ đó, giúp người khác hết sợ . Làm được như thế là chúng ta đã làm giảm đi được đến một nửa khổ đau trong kiếp sống . Muốn cho mình hết sợ và giúp người bớt sợ, chúng ta phải tu tập trước, phải thấu hiểu giáo lý đạo Phật  : chúng ta không sợ vì mọi sự vật ở đời (công danh, tiền bạc, và cả sinh mạng của ta) chỉ là giả tạm, vô thường :

Gót danh lợi bùn pha sắc xám,
Mặt phong trần, nắng rám mùi dâu .
Nghĩ thân phù thế mà đau,
Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê .
……………………………….
Sóng cồn cửa bể nhấp nhô,
Chiếc thuyền bào ảnh lô xô gập ghềnh .
…………………………………..
Trăm năm còn có gì đâu,
Chẳng qua một nấm cổ khâu xanh rì !

(Trích Cung Oán Ngâm Khúc)

Cũng trong những cuốn sách năm xưa đã đọc, chúng tôi nhớ câu :”Cách cho quí hơn của cho !” Đức Phật cũng dạy một điều tương tự nhưng ý nghĩa rộng lớn, chi tiết hơn để Phật tử thấy rõ và thi hành đúng với “bố thí ba-la-mật” . Chúng ta bố thí cùng khắp, không phân biệt thù, bạn, sắc tộc …nhưng với tấm lòng trong sạch, ân cần, từ ái ; không ẩn ý (như bố thí chỉ vì được nêu tên tuổi …), bố thí mà không tự cao, tự đại ; không phân biệt kẻ cho, người nhận …Đó mới chính là bố thí rốt ráo, ba-la-mật  . Một khi đã làm cho “người khác được hạnh phúc” như thế, chúng ta mới thực sự có hạnh phúc . Thứ hạnh phúc này là một phần thưởng vô cùng lớn, và vô cùng quan trọng vì, nó sẽ là chiếc thuyền độ cho ta và người qua được “bờ bên kia”  ; đến được bến giác ngộ !
Cũng như phép tu theo hạnh xả của Đức Di-Lặc, với pháp môn bố thí ba-la-mật, chúng ta không thể một sớm một chiều đạt ngay được . Chỉ “từng bước và, từng bước”, mỗi ngày chúng ta biết buông xả, mỗi ngày chúng ta biết cho đi, tặng người, tặng đời …chúng tôi thiết nghĩ, làm được như thế, chúng ta có thể sẽ đạt được một “Mùa xuân miên viễn” .
Xin chúc quí bạn đọc, bằng hữu, các em , gia đình : một “MÙA XUÂN MIÊN VIỄN”
Cali, Xuân Nhâm Thìn 2012
Nhã Nhạc
……………………………………………………………………

Share

Leave a Reply

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Paid Links