Đèn cù – Trần Đĩnh
Tô Hoài (trái) và Trần Đĩnh
======
ĐÈN CÙ-Quyển 1- Giới thiệu qua Trích đoạn-Kỳ 4
Nhã Nhạc
CHƯƠNG 22- Chế Lan Viên- Nghị quyết 9, nghị quyết của chiến tranh ,Nghị quyết “đánh tơi tả bọn Xét Lại” …
Trích đoạn-
..” Chế Lan Viên và tôi một dạo dài quấn quít. Tôi hay đến Chế, gian giữa trong ba gian nhà gia nhân bồi bếp trong sân sau ở bên phải ngôi biệt thự 51 Trần Hưng Đạo xưa của Tây và cựu hoàng Bảo Đại. Anh ở kẹt giữa Bảo Định Giang và Xuân Tửu. Trần Hữu Thung thì ở hầm dưới cầu thang trời lên nhà chính.
Tôi đến là Chế lại khiêng chiếc ghế mây dài ra kê ở sân cho tôi “nằm hay ngồi tuỳ”, còn Chế thì ngồi trên cái ghế con con bên cạnh. Giữa lúc “ngổn ngang thế sự”, “ai giáo điều, ai xét lại, trong trần ai, ai dễ biết ai”, chúng tôi giống nhau có thể nói là hoàn toàn: cự tuyệt thẳng thừng mọi tư tưởng Mao, đường lối chính sách Mao. Tôi tiếc không thể nhắc lại những hình ảnh anh chửi Mao và đám Mao-nhều “tụt quần đái ị chùi chùi vẩy vẩy theo lệnh Thiên triều”. Những lúc chửi ấy, Chế cười rất nở, rất hết lòng dạ, đường môi lượn cong hết cỡ dẻo mềm và không thành tiếng, chỉ xí xí xí như rúc, như dụ dỗ. Đặc biệt, con mắt nghịch ngợm thông minh của anh lại có vẻ như đang liếc trộm lên trên – đấy, trên ấy đấy…
Chiều tháng 11 năm 1963 ấy, khiêng ghế cho tôi xong, anh ngồi xuống, một tay đặt lên đùi tôi, im lặng, đôi mắt thông minh nghịch ngợm cười tít lên một lúc với cái tiếng xí xí xí rất đều ở miệng (nó cứ khiến tôi nghĩ tới một hỗn hợp hoá chất đang trộn vào nhau và tác động đặc biệt không ra khói), nói:
– Này, – bàn tay Chế miết trên đùi tôi – hôm qua còn ôm hôn đồng chí một trăm cái hôn, hôm nay đéo mẹ cha đồng chí rồi đấy.
Cụ Hồ thường kết thúc các điện gửi Khruschev bằng câu “gửi đồng chí một trăm cái hôn”.
Tôi ngỡ Chế đùa. Vì sau đó, vẫn như thường lệ chúng tôi chửi Mao “hiếu chiến”, “phiêu lưu”, “đói rồi điên bỏ cha lại muốn làm cha tất cả…”
Ra về, tôi vẫn không nghĩ Chế vừa rủ tôi cùng làm một bước valse vĩnh biệt để cho ra mắt những câu thơ như: “Hỡi những con thỏ hoà bình, ta chiến đấu chính vì ngươi đó, ngươi nghịch tuyết trong khi ta chịu lửa” và “Con cúi xuống hôn bàn tay Người (Mao Chủ tịch) không chút vẩn bụi cá nhân…”
Phải nói Chế Lan Viên đoạ không đến nỗi quá lâu. Rồi anh lại đã viết “chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ. Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn. Cầm lên nhấm nháp. Chả là nếu anh từ chối. Chúng sẽ bảo anh phá rối… Rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn. Như không có gì xảy ra hết. Và những người khác thấy anh ngồi. Họ cũng ngồi thôi. Nhai nhồm nhoàm. (Bánh Vẽ)
Tóm lại theo thì được hít bã mía là ngồi vào bàn cùng nhai và không bị chụp cho tội phá rối. Được gọi bất cứ ai là chúng.
Cũng nên nói khi đọc “Di cảo”, tôi rất thương Chế. Vậy Chế là người đầu tiên cho tôi biết đảng “theo Mao”. Còn người đầu tiên cho biết Nghị quyết 9 đã ra đời là Kỳ Vân…’
Chúng tôi nghe nói Cụ Hồ không biểu quyết. Nhiều lần giơ tay toan nói, Cụ đều bị Lê Đức Thọ ngăn, bảo nhường cho người khác. Theo tôi lãnh tụ đảng mà không biểu quyết thì là thách thức dữ dội đầu tiên một mất một còn Cụ đưa ra với đàn em và Bác sẽ quyết đương đầu đây. Nhưng rồi Trường Chinh mà tôi rất tin là chống Mao đã cuốn cờ… Và Bác cũng lui vào sau cánh gà nốt, góp phần vào cuộc diễn tấu hùng ca bằng những bài thơ thúc trống trận.
Đến Liên Xô hội đàm nhạt nhẽo xong, đoàn đại biểu Việt Cộng sau Hội nghị 9 ghé qua Bắc Kinh về nước, báo Nhân Dân Hà Nội đón bằng bài xã luận ca ngợi vai trò Bắc Kinh lãnh đạo phong trào cách mạng thế giới. Gio Đông Mao đã chính thức thổi bạt Gió Tây Xô!
Bấm nút cho Nghị quyết 9 ra mắt chắc phải là Lê Duẩn. Với Lê Duẩn bây giờ, Mao còn quăng quắc hơn cả Lê-nin.
Các tư liệu ngày ấy tôi cho vào thúng chị ve chai cả, giữ lại có “Mấy vấn đề quốc tế và Đảng ta” – trong đó nổi bật tư duy “Tư tưởng Mao Trạch Đông là tư tưởng Lê-nin trong thời ba dòng thác cách mạng” – và Báo cáo chính trị Đại hội 4 (1976) của Lê Duẩn (chỉ ra thế giới đứng trực tiếp trước cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đang trào dâng sôi sục và Hà Nội nay chỉ còn con người yêu thương nhau vì đã xoá bỏ được chế độ người bóc lột người). Học Nghị quyết 9, tôi đã ngờ vực sao người ta ít nêu Cụ Hồ ra. Tôi chưa thấy Hồ Chí Minh không biểu quyết là đã ngụ ý không chấp nhận Mao hay “tư tưởng Lê-nin thời ba dòng thác cách mạng” và Mao sẽ chấp nhận Lê Duẩn mà gạt Hồ Chí Minh… Duẩn hoan nghênh quá chứ? Tư tưởng Lê-nin cơ mà.”
Đến tận sau này, thỉnh thoảng Lê Liêm lại quàng vai tôi nhăn mặt kêu tiếc:
– Công an tịch thu mất tổng phổ bản giao hưởng Điện Biên Phủ do anh Giáp với mình làm chung.
– Lễ mất đằng lễ, nhạc mất đằng nhạc, nghĩa cũng mất nốt, – tôi thở dài nói.
Lễ là lon tướng của các anh, nhạc thì giao hưởng Điện Biên Phủ, nghĩa là ba ông tướng làm nên Điện Biên Phủ đều tong…
Trên đây là chuyên chính với Cụ Hồ, Võ Nguyên Giáp, Bùi Công Trừng, Lê Liêm. v.v… Còn chuyên chính với Ung Văn Khiêm?
Chính Khiêm cau mày bảo tôi:
– Mình sắp lên xe ra sân bay đi Liên Xô thì công an bắt mở va li ra để khám. Khám trung ương uỷ viên, khám bộ trưởng ngoại giao… Merde, mais c’ est ínsultant… (Mẹ, thật là nhục mạ).. Công an mật bố trí đầy ở quanh nhà mình phố Cao Bá Quát. Với uỷ viên trung ương còn khinh như rác thế thì dân đen ra cái cứt gì với họ?
Bốn uỷ viên trung ương bị khai trừ khỏi đảng. Toàn những bậc đại công thần. Võ Nguyên Giáp còn trong đảng nhưng cũng bị bêu trong nghị quyết 20 của Trung ương khoá III về “Vụ án chống đảng” với cái tên gọi tắt thành X. Tin này được truyền đạt cho cán bộ từ trung cấp trở lên và tai tôi nghe. Rồi đủ mọi tin đồn: Giáp là con nuôi mật thám Marty, vào đảng man, nịnh Cụ Hồ để Cụ o bế. Đáng nói nữa là người ta chuẩn bị đày toàn gia Giáp già trẻ lớn bé ra đảo Tuần Châu. Và hơn mười năm trời bị bong lon đại tướng trên báo chí…
Trong vụ lột lon Giáp phải nói tới công mở đường lột ngầm dai dẳng của báo đảng. Bản tin Thông tấn xã vẫn viết đại tướng Võ Nguyên Giáp như thường lệ. Một hôm, Thịnh, tay súng thiện xạ của Hà Nội, một anh sửa mo-rát nhà in bảo tôi dạo này em thấy trên bản tin Việt Nam thông tấn xã toà soạn đưa sang cứ chỗ nào có đại tướng Võ Nguyên Giáp thì thủ trưởng Hoàng Tùng lại giập hai chữ “đại tướng” đi!
Tôi hỏi sao biết là Hoàng Tùng?
– Ô, lâu nay lệnh là chỉ Tổng biên tập mới chữa bài bằng mực đỏ thôi mà…
Quá siêu! Ít lâu, nhận ra hiệu lệnh, các báo nhất tề lột nhẵn.
Quả đấm này xảy ra sau buổi Lê Duẩn đến báo Nhân Dân nói với các trưởng phó ban trở lên, rủa Giáp là đồ hèn, nghe tôi nói đánh Mỹ là tay cứ run lên như thế này (giơ tay ra run, minh hoạ sống động).
Đến chiếc mũ phớt Giáp đội từ lúc dạy học ở trường Thăng Long rồi tha sang Tàu để cuối cùng diện trái khoáy trong lễ ra mắt Giải phóng quân cũng bị chê nốt. Sáng ấy, báo Nhân Dân đăng bài kỷ niệm thành lập quân đội, có bức ảnh đơn vị Giải phóng quân đầu tiên với Giáp đội mũ phớt. Họp toàn cơ quan, Hoàng Tùng giơ bức ảnh lên nói với tất cả hội trường:
– Lại còn đi bê cái mũ phở này lên làm gì nữa đây? – Giọng đầy miệt thị.’
Lần ấy tôi đến một hợp tác xã, gần thị trấn Quỳnh Côi. Vừa tới đầu làng, thấy một nhóm bà con trục lúa, tôi đứng lại xem. Liền bị chửi tức thì – nhanh hơn cả pháo phòng không sau này: “Kìa, gớm chưa, thính hơi thế!”, “về đánh hơi rình mò mà”, “Này, con đốm nhà tôi nó đã hít hít hực hực ở đâu là y như có cáo…”, “Nào, cót kiếc, thúng mủng chuyến này đem đốt mẹ nó hết đi mà hun chuột đồng, nó về thì còn cái đ. gì để mà cần cót, cần thúng nữa?”
Bà con cho là tôi về đánh giá sản lượng để bóp nặn thuế nông nghiệp.
Tôi quay ra cổng làng. Biết thua dân.
Tiếng người cười liền ran ran ở đằng sau. “Quắp đuôi đi rồi…”
Sáng đó, dắt xe ra hè đi làm, vướng chõng nước chè vợ Lê Thọ, chánh văn phòng báo Nhân Dân, tôi phải vòng ra đầu chiếc ghế băng dọc lề đường. Sợ đụng ai, tôi nhìn xuống để tránh thì thấy một người chạc tuổi tôi mặc áo đông xuân cổ lọ mầu tím than, ngoài là một vỏ áo bông cùng mầu ngồi đó. Anh ta ngước nhìn tôi. Cái nhìn trượt hơi dài trên mặt tôi. Xe đến quá nửa Hàng Thiếc, đường đông chật, tôi chợt cảm thấy nằng nặng ở sau gáy. Khẽ liếc ngoái lại: anh bạn cổ lọ đông xuân! Tôi dừng lại, dắt xe lên một quầy hàng bày đúng ba ngọn đèn dầu hoả làm bằng nguyên liệu quý hiếm lúc đó: hộp sữa bò. Nhìn vào cửa kính thấy anh ta rẽ về Hàng Nón bên trái. Tôi đổi hè, dắt xe đi ra đầu phố, ở đầu Hàng Mành, anh bạn đang đứng trước một bà bán khoai sắn luộc, cạnh mấy em bé gái đi học. Tôi lẳng lặng đến đằng sau anh ta, khẽ đập vai hỏi:
– Sao xe không biển số?
– À, à…, – anh ta giật mình, xe mới mua.
– Mới mà đã róc hết sơn à?
Tôi vừa dứt lời, anh ta liền quăng mình lên xe phóng. Tôi đuổi theo. Với cái vốn tiểu thuyết trinh thám Anh, Mỹ, Pháp đọc có tới hàng trăm quyển làm lực đẩy bổ sung. Ra tới Nhà thờ Đức Bà, anh ta rẽ sang báo Nhân Dân rồi đổ dốc Bảo Khánh ra bờ hồ quặt sang Hàng Hành, băng qua Hàng Gai lao lên Lương Ngọc Can đạp thẳng lên Hàng Cá và quẹo gấp vào bên phải, băng qua Hàng Đường sang bên Ngõ Gạch. Tôi cáu kỉnh dừng lại. Một đoàn tàu điện đi tới. Về cơ quan, tôi báo Nguyễn Thành Lê là công an vừa theo tôi và thế là phạm pháp, tôi sẽ kiện, đề nghị Thành Lê ký tên đóng dấu vào đơn chứng nhận tôi là người của báo. Thành Lê nói là kẻ xấu thôi.
Tôi cứ đơn. Gửi Sở công an. Vẽ hai lộ trình bị theo và đuổi lại. Lập trường rõ ràng, lộ trinh theo bám tôi mầu xanh còn lộ trình tôi đuổi mầu đỏ.
Một lần khác, vào khoảng đầu 1967, đến Phạm Viết, tôi thấy mấy anh Kỳ Vân, Lưu Động, Hoàng Thế Dũng, Trần Châu đang cười cười hơi lạ nhìn qua cánh chớp cửa sổ trông ra đường. Bảo công an chờ suốt hai tiếng đồng hồ ngoài kia, nay chả lẽ cả lũ kéo nhau ra sao? Tôi mở cửa đi ra. Thấy một chị đứng dắt xe dưới gốc cây trước cửa nhà Phạm Viết, túi quàng ghi đông như kiểu cán bộ. Tôi đến nói:
– Chị ạ, họ sắp giải tán rồi, chờ làm gì nữa.
Làm ra vẻ khinh khỉnh trước lời lẽ của đứa vô văn hoá ghẹo phụ nữ (xấu), chị ta lên xe đi.
Một lần thì tôi hơi chợn. Đó là sau khi Trần Châu đã bị bắt vài ba tháng. Tối đó, tôi đến thăm vợ con anh. Khi nghe tiếng tôi nói chuyện với Gia Lộc ở tầng trệt, con trai út Châu reo:
– Mẹ ơi, bố! Thấy tôi, cháu xấu hổ vì đã mừng hụt. Tôi cảm thấy như mình có lỗi với cháu.
Không hiểu sao lúc về, độ chín giờ tối, tôi lại đi lối Trần Xuân Soạn – Trần Nhân Tông. Vắng, tối và mưa lâm thâm rét. Bóng cây cao trùm đen xầm lên mặt đường lấp loáng ướt.
Quá ngã tư Trần Xuân Soạn – Ngô Thời Nhiệm, tôi bỗng thấy lùi lũi một bóng người đạp ở sau chừng năm chục mét. Đến ngã tư đầu Chợ Hôm – Phố Huế, đụng một đống rác to tướng, tôi vờ dừng lại lấy thuốc lá ra hút, Người theo sau cũng dừng, cũng lấy thuốc hút. Vào nhà Mai Ngữ ở Lê Văn Hưu, tôi thoáng nghĩ nhưng lại vào Nguyễn Du ra đầu Trần Bình Trọng quẹo sang cổng sau Nhà hát Nhân Dân, nơi Nguyễn Đức Thuận đang ở nhờ tại Nhà triển lãm tổng công đoàn. Tôi dắt xe đến bên cổng giơ tay như để bấm chuông. Mắt ngó sang đối diện. Người theo tôi đang đứng trước chùa Ngọc Liên, gần nhà Hoàng Xuân Tuỳ. Tính sao lại lọt vào trúng trung khu thần kinh công an. Thế là nhún vai lên xe về thẳng.
Song lần rợn nhất – bắt đầu thấy mình bị quây kín ở trong một mạng lưới bí hiểm – lại là lần từ Hà Nội lên Ca Sơn, Chợ Đồn, Phú Bình, Thái Nguyên. Nửa đêm hôm qua, Địch Dũng và tôi đạp xe về Chợ Dầu. Vào nhà Dũng vừa đôi hồi, đã thấy vợ anh là thư ký uỷ ban xã ra đón khách: đội trưởng dân quân và trưởng công an xã đến xem giấy tờ tôi. Tôi cho là thủ tục an ninh thời chiến. Năm giờ sáng sau, tôi lên đường. Và suốt mấy chục cây số trong mưa sầm sập, duy nhất tôi và chiếc xe giữa đồng đất bốn bề ngằn ngặt nước vắng tanh thế nhưng đến nhà, vừa thay xong quần áo chui vào chăn thì bộ tam đã đến xem giấy. Tôi vẫn cho là luật thời chiến.
Tôi về Hà Nội. Nguyễn Địch Dũng gọi tôi ra một góc cơ quan khe khẽ bảo tôi:
– Tao thương mày lắm, tao báo mày biết, không nói với ai, chết tao. Công an nó theo mày về tận nhà tao rồi vào bảo vợ tao dắt công an với xã đội vào khám giấy mày. Nói mày là phản động, có âm mưu trốn vào đại sứ quán nước ngoài.
Nghe Dũng mới run. Thế ra sớm sau lại theo đến Chợ Đồn Ca Sơn, Phú Bình! Mà sao không thấy? Đúng là chỉ có tôi và trời với nước. Hay là điện thoại bảo nhau.
Thẩm vấn, Lê Công Tuấn hỏi tại sao tôi hay đuổi an ninh. Tôi nói: Tôi coi là bị xúc phạm.
Một thời gian an ninh bố trí cả năm liền trên ban công trụ sở của một bộ phận Bộ giao thông chiếu thẳng sang theo dõi xét lại tại báo Nhân Dân. Bảo, kỹ sư giao thông học Bắc Kinh cùng tôi, làm việc ở đó sau này bảo tôi.
Những năm 90, Thắng, một công an khu vực nhờ Quảng, cán bộ Bộ văn hoá cũng ở trong khu văn công, cách nhà tôi chừng trăm mét nhắc tôi cẩn thận: ở trong nhà Hồ Sĩ Đản ngay trước nhà tôi là trạm theo dõi tôi.”
***
..”Quay lại chuyện sáng đó đến cơ quan tìm Trần Châu. Tám giờ sáng cũng không thấy Châu tuy anh mẫu mực về giờ giấc. Đi ra chỗ để xe thấy cái Junior lở ghẻ của anh bẹp lốp nằm đó. Một lát sau tôi đến Phạm Viết. Chương, em Viết mở cửa ra khẽ nói:
– Anh Viết bị bắt rồi! Sớm hôm nay.
Thế là cả Châu rồi. Lúc tôi qua đò Đông Hội trời ửng sáng nhận ra Trà Giang rồi cùng trò chuyện mà bụng dạ thì cứ bồn chồn là lúc Châu bị bắt.
Chiều đến Phan Kế An báo tin. An nói Alexiev, phóng viên thường trú báo Pravda Liên Xô báo An là bốn nhà báo đã bị bắt. Hôm sau biết bốn người là Hoàng Minh Chính (bị lầm là nhà báo), Hoàng Thế Dũng, Phạm Viết, Trần Châu.
Công an khám nhà. Ngồi thấy cái phích nước nóng, vật đắt giá duy nhất – do tôi mua cho, cùng tủ, quạt – có thể bị rơi, Châu nhổm dậy đỡ. Thì bị quát: “Ngồi im!”. Mới hiểu là đã mất tư cách chủ.
Châu bị bắt hai ngày, tôi đến thăm vợ con anh. Gặp Gia Lộc, cùng nhà, tầng trệt. Lộc kể Lộc leo lên gác ba xem thì họ đứng đầy cả cầu thang đuổi xuống. Lúc Châu bị giải đi, Lộc chạy ra tận bên xe tiễn bạn. Tớ nhớ cả số cái xe chở nó. Nó mặc một chiếc sơ mi ca rô xanh lá cây, khoác ba lô bẹp. Hai đứa chào nhau.
Tôi nghe xong mệt rũ, nằm xuống tấm cá ngựa một mảnh ván hẹp, đầu gối lên quyển Bách khoa toàn thư Liên Xô ngủ thiếp. Tỉnh dậy gai gai lạnh và buồn. Gia Lộc đến bên chỉ vào chồng đĩa nhạc cạnh đầu tôi nói:
– Mày ngủ gối đầu bên cái gì biết không? Đĩa “Số phận” của Beethoven.
Ba tháng sau, số phận gõ cửa. Bắt Gia Lộc.”
Tôi mở sổ tay ghi lời Lê Đức Thọ. Lần đầu tiên. Nay là bút sa gà chết mà.
Thọ nói ngay tớ gọi cậu đến để nói chúng nó bị bắt là đúng. Tội chúng nó rất lớn. Chúng nó láo lắm. Liên hệ với Liên Xô thế nào, tuồn tài liệu mật cho Liên Xô như thế nào, cậu biết không, chúng nó đưa cho Liên Xô cả đến Nghị quyết 9 của đảng, chúng nó làm gì an ninh ta biết hết. Biết từ năm 1964 rồi cơ. Cậu chớ nghĩ là bắt oan, không, có tội thì đảng mới bắt chứ! Cậu phải tin như thế. Đấy, cậu trông – chỉ vào tập lịch có ba cái vòng mạ kền – trong này ghi các trung ương, bộ trưởng xin gặp tớ đầy ra nhưng tớ chưa gặp, mà lại gặp cậu. Vừa ở Paris về nghe an ninh nói cậu dính vào vụ chúng nó tớ bâng khuâng lắm, tớ tiếc lắm. Cậu biết là tớ định đưa cậu đi theo làm báo cho đoàn ta ở Paris rồi, nay cậu như thế này, tớ tiếc lắm.
Tôi nói:
– Cảm ơn anh
– Tớ đã nói là tớ mến cậu vì cậu trẻ, cậu có tài, cậu ngay thẳng cho nên từ lâu rồi tớ đã có ý nhắm cậu nhưng thế nào cậu lại… Nhưng không sao. Tớ nói cậu có ghi đây. Là cậu không làm sao cả. Nếu cậu bị làm sao thì cậu viết thư chất vấn tớ tại sao tớ là người cộng sản mà lại nói năng bất nhất. Bây giờ tớ nói với cậu để cậu nhận ra và cậu yên tâm ngòi bút của cậu vẫn là lợi khí của đảng, đảng vẫn tận dụng lợi khí của cậu nhưng cậu phải giữ cho lòng dạ trong, tư tưởng sáng. Cậu chán lắm, gặp chúng tớ thì cậu tỉnh nhưng gần chúng nó cậu lại tối, thôi, từ nay không gần chúng nó nữa. (Kể một lô tội của anh em, cả quan hệ nam nữ, lục đục…). Tớ nói cậu rõ là trước sau tớ luôn chú ý bảo vệ tình hữu nghị Việt – Xô và bảo vệ cán bộ. À, về bảo thằng Phan Kế An là nó láo lắm, nó thậm thụt với Liên Xô thế nào chúng tớ biết hết. Nhưng nó cũng cần phải tu tỉnh, đảng vẫn dùng. Từ khi bắt chúng nó, ngày nào Cherbakov đại sứ Liên Xô chả ba bốn phen đòi ta thả. Nhưng ta độc lập chứ.
Chưa biết câu này chỉ cốt nhằm khẳng định xét lại là tay sai Liên Xô, tôi nghĩ nhanh trong đầu: Bênh bọn tôi phản đối chiến tranh thì tại sao 1965 Kosygin lại sang viện trợ máy bay, tên lửa đánh Mỹ?
Chẳng hiểu sao không nói câu này thì tôi lại nói:
– Thưa anh, anh vừa nói là an ninh biết họ bậy bạ từ những 1964 và anh thì trước sau bảo vệ cán bộ và tình hữu nghị Việt – Xô thế thì sao ngay từ đầu năm 1964, anh không gọi anh em lên chìa bằng chứng ra thì có phải ngăn chặn được hậu quả đáng tiếc bây giờ không?
Định nói gì, Thọ chợt nghiêm giọng:
– Thôi cậu về đi, tớ bận lắm. Nhớ là tư tưởng trong, lòng dạ sáng thì ngòi bút vẫn là lợi khí của đảng. Và nhất là không có gặp đứa nào của bọn chúng nó nữa.
Tôi thấy ngay mình hớ. May chưa nói nốt là để đến bây giờ mới bắt thì dễ bị coi là như có ý nuôi cho họ mắc tội thật nặng để rồi trị. Đồng thời thầm hỏi tại sao lại dặn không gặp nhau nữa? Tôi chưa biết đảng sẽ còn bắt thêm vài đợt.
Một thắc mắc: Nghị quyết 9 như chúng tôi học thì có gì quan trọng lắm mà “xét lại” phải gửi cho Liên Xô? Nói thế để có cớ bắt thôi. Tôi quên mất Kỳ Vân đã bảo tôi là phần 2 của Nghị quyết nói muốn giải phóng miền Nam thì phải đánh Mỹ và muốn đánh Mỹ thì phải chống Liên Xô đầu hàng cấu kết với Mỹ.
Lúc ấy chưa nhận thấy rõ bắt xét lại là một thế chấp về lòng trung thành nộp Bắc Kinh. Để đừng dắt em vào chợ rồi lại bỏ bơ vơ.”…
..”Người đầu tiên chết trong tù là Phạm Viết. Bệnh tim của anh vốn rất nặng. Tôi đến thắp hương. Mẹ anh rầu rĩ kể:
– Lên nhà tù Phú Sơn chôn nó, nhìn nó nằm đấy, tôi khóc con ơi ngày hoạt động nội thành gian khổ là thế mà con vẫn yên lành thì nay con lại bị đảng của con bắt con tù tôi rồi chết. Ông coi tù bảo cụ khóc sai rồi, chúng tôi đưa anh ấy lên đây để bảo vệ cho anh ấy. Tôi lại khóc: Vâng, khóc thế nào cho vừa ý đảng thì xin viết cho tôi đọc.
Phạm Viết ở trong Ban quân sự Thành uỷ Hà Nội hoạt động bí mât ở trong thành. Anh đã có công cứu giáo sư bác sĩ Đặng Văn Chung thoát chết. Chuyện thế này: hồi 1946-47, giáo sư Đặng Văn Chung bỏ kháng chiến về Hà Nội, mang theo hai cô y tá. Thành uỷ quyết định tử hình ông vì tội đảo ngũ về đầu hàng địch. Phạm Viết đã can ngăn. Anh nói bác sĩ có về thành thì cũng là chữa bệnh cho người Việt Nam. Nhân tài chết thì thiệt cho dân cho nước. Thành uỷ đã huỷ án tử hình này. Và Phạm Viết đã chết vì tim ở trong tù, không được Đặng Văn Chung chữa chạy như ý nguyện của chính bác sĩ giáo sư.
Trong vụ án xét lại, phải nói tới các chị. Chị Tề, vợ Vũ Đình Huỳnh; chị Mỹ, vợ Đặng Kim Giang; chị Sơn, vợ Bùi Công Trừng; chị Minh Quang, vợ Minh Việt; chị Oanh, vợ Lưu Động; chị Lan, vợ Kiến Giang. v.v…
Chị Thảo, vợ Lê Trọng Nghĩa, rửa bát ở mấy nhà ăn quốc doanh suốt từ Tràng Tiền đến Cửa Nam và Ga Hàng Cỏ lấy tiền nuôi con và gửi cái gì đó cho chồng. Người ta thẩm vấn chị “chui vào đảng để nhằm cái gì?”…
…”Tôi muốn trích ở đây đơn ngày 8-5-1981 của Nguyễn Thị Ngọc Lan, người mẹ tù của hai trẻ thơ, người cùng Phạm Viết lam nên cặp vợ chồng tù xét lại duy nhất, coi như một ưu ái cho cặp vợ chồng tù duy nhất vì “chống đảng”, cho hai người bạn một thời gian dài tôi ngày ngày thân thiết chuyện trò. Đơn này là một trong hơn 70 đơn chị gửi cho từ Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Võ Nguyên Giáp… đến Bộ chính trị, Ban bí thư, Uỷ ban thường trực Quốc hội, Toà án nhân dân, Hội liên hiệp phụ nữ. v.v… và đều bị lơ. Nguyễn Thị Ngọc Lan học trường Tay Albert Sarraut, hoạt động ở nội thành Hà Nội từ 1948. 1950 vào Đảng cộng sản Đông Dương và ba lần bị giam cầm tra tấn, Ngọc Lan còn hiến cho Nhà nước một ngôi nhà 250 mét vuông ở 169 Bà Triệu, Hà Nội do bố mẹ chia cho chị từ 1945, một nghĩa cử yêu nước và cùng là thể hiện tấm lòng không màng danh lợi.
Đầu 1953, chị được tổ chức đồng ý cho sang Pháp học và chữa bệnh nhưng vẫn tiếp tục hoạt động. Đến giữa 1954 được gọi về để chuẩn bị tiếp quản Hà Nội. Chưa lấy Viết, Lan đã đi dự các hội nghị của Hội đồng hoà bình thế giới ở Helsinki (Phần Lan), Stockholm (Thuỵ Điển). Cuối cùng dạy tiếng Anh, tiếng Pháp ở Đại học sư phạm ngoại ngữ Hà Nội.
Tôi không thể không nói nhiều về Phạm Viết. Dưới đây là những đoạn trích đơn Ngọc Lan mà tôi có vinh dự cầm giữ:
“Chồng tôi bị bắt khoảng mười ngày (lúc đó tôi đang dạy học ở nơi trường sơ tán) thì đến lượt tôi bị bắt trong khi đi ở Hàng Bài. Thế là tôi không được căn dặn hai đứa con thơ dại của tôi lời nào và cùng không được phép nhợ cạy ai giúp tôi nuôi nấng, dạy dỗ các cháu. Các cháu còn nhỏ dại bỗng bơ vơ như trẻ bồ côi, lạc lõng như chim non mất tổ. Mỗi khi nhớ lại cảnh đau thương này tôi lại không cầm được nước mắt”.
“Tôi bị giam hai năm rưỡi. Vì lý do gì? Ông Lê Thành Tài nói với chông tôi rằng tôi có nhiều hành động nguy hại cho Đảng và Nhà nước, hồi ở Pháp tôi được tình báo Pháp huấn luyện, tôi làm tay sai cho bà Frida Cook, đảng viên cộng sản Anh, chuyên gia tiếng Anh ở Đại học sư phạm và là bà giao của tôi, nhưng theo ông Tài thì bà chính là tình báo Anh. Lúc đó các Đảng cộng sản Pháp, Anh ủng hộ Liên Xô chống Trung Quốc đều bị ta coi là tay sai của đế quốc hoặc tay sai của Liên Xô”.
Người ta bắt Ngọc Lan để lấy bản “Phê phán chủ nghĩa giáo điều ở Việt Nam” do Minh Việt viết nhờ Ngọc Lan đánh máy. Tin lời họ, Ngọc Lan lấy đưa và thế là mang tội danh cất giứ “Cương lĩnh chống Đảng”.
“Tôi bị giam ở Hoả Lò và Trại giam quân pháp Bất Bạt đằng đẵng hàng năm không được thư cho chồng con, không được gặp họ. Biết bao nỗi lo âu dày vò tôi: ai nuôi dạy con tôi, ai bảo vệ tính mạng cho các con nhỏ dại của chúng tôi giữa lúc bom đạn, chồng tôi bị bệnh tim nặng, một mình một xà lim, lúc lên cơn đau đột ngột thì kêu ai cấp cứu?… Hành hạ vật chất
không đáng sợ bằng hành hạ tinh thần. Tôi đã sống những năm tháng khủng khiếp trong nhà tù. Bốn bức tường vây kín, không bóng người, tiếng người. Gặp người hỏi cung thì toàn những lời mớm cung, truy ép, đe doạ và vu cáo.
Người ta dựng Phạm Viết thành một tên phản quốc xấu xa khiến cho Ngọc Lan đã nảy ý đoạn tuyệt và công an liền nhanh nhảu “tiết lộ” với Phạm Viết.
Có một chi tiết cầu hôn rất hay của Phạm Viết và Viết kể với tôi: Lúc ấy, Ngọc Lan đi cải cách ruộng đất ở cầu Phú Lương, Hải Dương. Một bữa mưa trắng đất trời, đang họp, Ngọc Lan được nhắn có người cần gặp gấp. Phạm Viết, cán bộ nội thành suốt chín năm kháng chiến, thương binh gãy đùi, cổ tay và vỡ mắt cá chân đã mượn xe hơi của ban phong xuống tìm. Và cầu hôn: “Em lấy anh không?”
Trở lại lời Ngọc Lan:
“Đầu 1970 ra tù rồi, tôi vẫn không được viết thư, tiếp tế cho chồng. Cảm thấy tính mạng anh bị đe doạ, tôi gửi nhiều đơn thiết tha cầu khẩn ông bộ trưởng bộ nội vụ Trần Quốc Hoàn cho ba mẹ con tôi đi thăm anh, nếu tôi không được đi thì cho em chồng tôi đưa đi. Hai cháu bé tí cũng phải viết đơn lên xin ông Trần Quốc Hoàn hãy thương các cháu mà cho các cháu ít nhất một lần vào tù ôm ấp bố của các cháu. Đã phải mầt hàng năm ròng những lời cầu xin thương tâm của các cháu bé bỏng mới được chấp nhận. Em anh Viết xin phép theo mẹ con tôi để giúp đỡ và bảo vệ trên đường nhưng không được. Ba mẹ con chúng tôi trèo đèo lội suối lên Yên Bái thăm anh Viết. Phải leo những cái dốc cao hàng cây số, các cháu mệt quá nam vật ra đường kêu không đi được nữa. Cực nhọc như vậy mà chỉ được thăm anh Viết đúng một
giờ. Các cháu xin nghỉ đêm lại với bỗ cũng không được”.
“Tôi xin phép nói rằng chúng tôi đã bị đối xử hà khắc hơn nhà tù đế quốc. Lê-nin bị tù vẫn nhận được sách báo, thư từ, vợ Lê-nin được cùng sống với chồng ở nơi tù tội. Đảng viên Đảng cộng sản Nhật Bản đang tù vẫn được gửi thư ra chào mừng đoàn đại biểu nước ta sang thăm Nhật. Còn chúng tôi? “Giải quyết nội bộ” là như thế đấy?”
“Lần cuối cùng tôi thăm anh là ở nhà tù Thái Nguyên, cùng chỉ trong chốc lát và rồi chồng tôi chết ngày 31-12-1971. Anh không được vĩnh biệt mẹ già, vợ yếu, con dại. Ôi đau thương biết chừng nào! Lúc ấy Đảng chưa khai trừ anh. Vậy là Đảng đã nỡ để một đảng viên chết trong tù tội”….
(còn tiếp)
………………………………………